Hôm nay,  

Chú Rể Mỹ & Lễ Cưới Truyền Thống Việt

03/12/201700:00:00(Xem: 12804)
Tác giả: Năng Khiếu

Bài số 5281-19-31127-vb8120317

 
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo,  sống động.

 
image001

Cô dâu-chú rể.
image002

Đám hỏi.

image006

Tiệc cưới tại nhà hàng.

image005

Mẹ chồng Mỹ mặc áo dài VN đón dâu.

***                                                  

  Câu chuyện thật này là của một đôi uyên ương, Mỹ Việt rất tương đắc, đám cưới diễn ra theo nghi thức truyền thống Việt Nam.

Tài sản người em gái thứ sáu của tôi, chỉ có hai cô con gái cưng  “Anh-Thy là chị em là Khánh- Vy”. Năm lên chín, mười tuổi, Anh Thy và Khánh Vy theo bố mẹ định cư tại Mỹ.  Sinh nhật thứ mười lăm  Anh Thy đã nổi bật trong ca đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, của cộng đoàn. Nhờ nét mặt xinh xắn, tánh tình dễ thương,  Anh Thy  là điểm nhắm của nhiều anh huynh trưởng sắp tốt nghiệp đại học. Đến năm mười tám tuổi, Anh Thy mới thực sự trở thành một đóa hoa xinh đẹp. Anh Thy giống mẹ nhiều hơn cha, nhất là nước da trắng hồng, đôi mắt đen láy. Dáng người mảnh mai, mái tóc dài  mượt mà, càng làm tăng  nét đẹp rất đông phương, còn Khánh Vy giống cha nhiều ở vẻ mặt thông minh, sáng sủa, và  nước da bánh mật duyên dáng mặn mà.  “Mỗi người một vẻ mười phần vẹn năm”. Nhưng vẻ đẹp bề ngoài không bằng sự nết na hiền thục, mà bố mẹ  các cháu đã hết lòng yêu thương dạy dỗ.

Vậy mà thật bất ngờ, vào một buổi tối mùng một Tết, toàn thể bà con anh em họp mặt tại nhà tôi để chúc tuổi cụ cố.  Anh Thy làm cả họ hàng xôn xao,  vì cháu dẫn theo một anh chàng người Mỹ, cao nhòng ốm nhom, mặt mũi hiền lành. Cháu tôi bẽn lẽn giới thiệu bạn trai (boy friend) tên là Jim. Cháu dẫn bạn đến chào ngoại, bà lo lắng dặn dò : “Anh Thy à! Con mà bồ với Mỹ thì phải cưới nhau, nếu không sau này con trai Việt Nam nó không thương con đâu!.!..”  (Ngoại đúng là cổ lỗ sĩ). Mọi người nhìn cháu ái ngại rồi xúm lại phỏng vấn, cháu quen “Trim” trường hợp nào? Lâu chưa?  Bố mẹ cháu có nói gì không? Sao mày to gan thế?... Làm cô cháu tôi trả lời  không kịp.

Thì ra hai đứa học cùng trường UCI (University of California Irvine). Jim hơn hai tuổi, học về khoa tâm lý (Psychology). Còn Anh Thy học Y tá (Nurse). Khác lớp nhưng quen nhau ở lớp thể thao môn Ping-Pong, cùng các bạn thao tập, thật tình cờ hai đứa được xếp đấu với nhau, lúc ăn lúc thua, mới đầu bao nhau ly nước,  sau mời đi ăn,  rồi thân thiết gắn bó,  tình bạn dần dần biến thành tình yêu. Một hôm hai đứa rủ nhau đi lễ, trong nhà thờ mẹ Anh Thy nhìn thấy, nhưng cháu năn nỉ mẹ đừng nói với bố.

Quen được sáu tháng thì Jim tỏ ý muốn Anh Thy dẫn về nhà ra mắt bố mẹ. Nhưng Anh Thy nói trước cho Jim hiểu, theo lễ giáo Á Đông, con gái chưa có phép của cha mẹ, không được giao du thân mật với con trai.

Jim hơi run vì vẻ mặt nghiêm nghị của ông bố. Chàng ta lúng túng khoanh tay cúi chào lễ phép, rồi  trình bày nguyện vọng được làm bạn với Anh Thy. Nhìn vẻ mặt thật thà, thành khẩn, khiến bố của  Anh Thy không nỡ từ chối, ông cười hiền hòa rồi hỏi thăm học hành ra sao?  Nhà cửa ở đâu ?....Nhưng ông hơi hà tiện lời,  nhường cho bà lắm lời nói chuyện  nhiều hơn. Bà khuyên hai đứa còn nhỏ, phải lo học hành hẳn hoi. Bố mẹ Anh Thy tuy sống ở Mỹ  không lâu, nhưng  luôn học hỏi theo đà cấp tiến của xã hội, theo thời thế “Thế thời phải thế” nên vấn đề văn hóa dị chủng không khó khăn lắm.

Đến lượt Jim đưa Anh Thy về giới thiệu. Hôm ấy gia đình Jim đang tổ chức buổi party mừng sinh nhật cho cô em gái. Vì thế đông đủ anh em bạn bè, Anh Thy không khỏi bối rối khi cả mấy chục con mắt nhìn mình. Jim nói như  khoe với mọi người, chàng đã có “girl friend” Khác với người Việt nam, gia đình “O K” ngay.

Nhà Jim ở Huntington Beach, gần biển.  Jim kể, đẹp nhất khi ánh bình minh ló rạng, những tia nắng vàng tươi chiếu xuống mặt nước, tạo thành thứ ánh sáng lấp lánh muôn mầu trên biển cả. Từ nhỏ Jim đã theo cha dạo bước trong không khí trong lành,nô đùa trên sóng cùng môn thể thao quen thuộc, nên anh chàng rất giỏi môn lướt ván. Jim đang sống chung với cha mẹ và cô em gái. Cha thì làm kỹ sư trong hãng máy bay Parker. Mẹ làm Manager tại  Stater Bros markets. Hai ông bà rất thương con, nhưng bận rộn đi làm cả ngày. Bà để đồ ăn sẵn trong tủ lạnh, khi nào muốn ăn Jim tự hâm nóng lên ăn, có lẽ vì thế mà chàng ta  không thích ăn đồ Mỹ đông lạnh.

  Mỗi lần Jim theo Anh Thy đến nhà chơi, gặp bữa, mẹ Anh Thy mời ở lại dùng cơm là Jim không từ chối, mà anh ăn tự nhiên như người “Hà Lội”. Mẹ Anh Thy có tài  nấu được các món ăn ba miền . Cuối tuần mẹ thường mua những  món ngon vật lạ ở chợ về chế biến. Mùa nào thức nấy, nên cả nhà được thưởng thức những món đặc sản từng miền, Mẹ rất vui khi mọi người ăn và khen ngon.  Jim lại hợp với món ăn Việt Nam, anh chàng thích nhất là món “Pho” quất một lúc hai tô tàu bay (người gầy thầy cơm). Bún riêu Jim cũng ăn được mắm tôm và  rau kinh giới. Bún bò Huế thì phải  cay mới ngon. Nhớ lần đầu tiên Jim ăn ớt cay quá chảy cả nước mắt nước mũi, ho sặc sụa, thấy mà tội nghiệp. Nhưng sau này ăn quen đâm ra ghiền, ăn mì Quảng  phải dằm nhiều ớt mới chịu. Riết rồi Jim ăn cơm nhà cháu tôi nhiều hơn ở nhà. Tôi nói đùa :  “Như vậy tình yêu của Jim đến từ bao tử hơn là trái tim”. Từ ngày quen Anh Thy Jim mập mạp và hồng hào đẹp trai hẳn ra.            

 Vì thế mọi người trong gia đình Jim  đều quý mến Anh Thy. Cháu cư sử khéo léo lại  biết thương yêu kính trọng ông bà cha mẹ. Nhất là bà nội Jim rất thương Anh Thy. Vì thấy nội ngoài tám mươi mà ở một mình, ông nội đã mất, nên hai đứa hay đến thăm nom chăm sóc bà. Nhà ông bà ngoại Jim cũng ở gần, nhưng ông bà đông con nhiều cháu vui hơn.

Phần Jim, cũng chịu khó tìm hiểu về sinh hoạt và văn hóa của người Việt Nam. Mê học tiếng Việt, ngày mới tập nói như người nghẹt mũi, có câu bỏ dấu, đôi  khi dấu ngã thành dấu sắc hoặc chữ  U thành chữ O “Cháo chào hài bac”.  Jim than,  học tiếng Việt khó nhất là ngôi thứ “dì, chú, bác, anh, em, cô, cháu…” Tuy thế Anh Thy vẫn kiên trì dạy Jim nói, vì cháu mong anh có thể chào hỏi bố mẹ mình thành thạo như một chàng rể Việt nam. Cố gắng để lấy lòng bố mẹ Anh Thy, sau này Jim phát âm tiếng Việt rất chuẩn.

Thời gian qua mau. Ngày Anh Thy tốt nghiệp Đại học, cha mẹ và em gái Jim cũng đến tham dự đầy đủ trong buổi lễ ra trường.  Nhờ học về nghành y tá, nên Anh Thy kiếm được việc khá dễ dàng ở một bệnh viện lớn gần nhà.

Mẹ tôi năm nay ngoài chín mươi, cụ có mười người con quây quần phụng dưỡng, nên đại gia đình kể cả con cái cháu chắt, hiện diện tại Mỹ cỡ  bảy, tám chục người, thì có khoảng hai mươi đứa cháu đến tuổi “cập kê”, nên năm nào cũng có vài đám cưới trong gia tộc,  Jim đều  theo Anh Thy đến tham dự. Một hôm hai đứa đến dự đám hỏi và đám cưới, của người em đôi con dì với Anh Thy.  Jim thấy thật ý nghĩa và trang trọng,  nên muốn tìm hiểu và ngỏ ý muốn cưới hỏi  Anh Thy đầy đủ lễ nghi theo phong tục Việt Nam.

Anh Thy giải thích cho Jim hiểu. Trước hết có LỄ DẠM NGÕ là một phần trong nghi lễ cưới hỏi,  không cần lễ vật rườm rà, nhà trai đến nhà gái đặt vấn đề chính thức  cho đôi Nam nữ được đi lại để tìm hiểu nhau. (Nhưng ngày nay nhiều gia đình không còn giữ lệ này nữa).

 Tiếp đến là ĐÁM HỎI hay còn gọi là LỄ ĐÍNH HÔN,  Chỉ có cha mẹ và những người họ hàng thân thiết chứng kiến. Nhà trai mang lễ vật như trầu cau, trà rượu... đến  “nói chuyện” với nhà gái. Sau khi đàng gái nhận lễ vật của nhà trai, là chấp thuận gả con gái. Cô gái sẽ trở thành “Vợ sắp cưới” của chàng trai. Đây là giai đoạn khá quan trọng trong hôn nhân, có thể trước đám cưới một, hai tháng hay vài năm. Từ đó chàng rể có thể gọi bố mẹ vợ và xưng con.

 Jim liền về nói với cha mẹ, đến “thưa chuyện” với bà và bố mẹ Anh Thy để xin hẹn ngày làm lễ đính hôn. Mẹ Jim cũng nhờ người bạn Việt  dẫn đến khu thương mại Việt Nam để chuẩn bị tráp (mâm quả)  đựng lễ vật như nữ trang, trầu cau, rượu, trà, bánh xu xê, ngũ quả, heo quay..... Chàng Jim cũng không quên sắm  chiếc nhẫn đính hôn nho nhỏ. Hôm đám hỏi anh em họ hàng đàng trai đi khá đông . Các món ăn cũng Mỹ - Việt đề huề. Tội nghiệp nhất là bà nội,  bà ngoại của Jim cũng lọm khọm đến tham dự. Anh Thy làm thông dịch cho hai bà nội, một Mỹ một Việt trò chuyện.  Bà nội Jim kể rằng: “Tổ tiên bà đến Mỹ trên chiếc tàu Mayflower, bà là người gốc Ái Nhĩ Lan, nên thông cảm cho người Việt Nam tỵ nạn”.  Lễ hỏi được diễn ra trước sự chứng kiến của quan viên hai họ một cách long trọng và thân mật.

Sau đám hỏi Jim đến nhà Anh Thy chơi,  khi ra về,  Jim lễ phép chào : “Thưa  bố me con về”  rồi quay qua Khánh Vy: “Chào em  con về”  làm cả nhà cười ầm lên, và giải thích cho Jim biết là sai cách xưng hô.


Tuy Mẹ Anh Thy rất quý chàng rể Mỹ, nhưng bà vẫn thấy xa cách làm sao ấy! Chắc tại ngôn ngữ bất đồng, nhất là những lúc Jim diện bộ vest lớn trông trịnh trọng cao sang, mắt xanh mũi lõ đẹp như tài tử Hollywood, bố vợ đứng bên cạnh nhỏ thó, bị chàng rể cao lớn che khuất.  Nên bà mong mai mốt đến lượt Khánh Vy sẽ lấy chồng Việt Nam, vì bà nghĩ rằng con rể Việt Nam thân mật và gần gũi với bố mẹ hơn con rể Mỹ.

Jim đã apply vào trường University Washington State  và được nhận, học về ngành Communication disorders  (âm ngữ trị liệu). Vừa đi học vừa đi làm, con đường dùi mài kinh sử của Jim còn lận đận lắm, để chàng ta yên tâm học hành, Anh Thy hứa đợi Jim ra trường, hai đứa sẽ chọn ngày lành tháng tốt làm đám cưới.

Rồi một hôm nhân mùa lễ Christmas  Jim về thăm gia đình. Nửa đêm phải vào cấp cứu trong nhà thương vì bị đau ruột dư phải mổ gấp  tại bệnh viện Hoag ở  Newport Beach.  Anh Thy đã cùng cha mẹ Jim thay phiên nhau ở lại bên Jim, cho đến ngày xuất viện.

Giữa lúc đó bà ngoại Jim binh nặng, phải nằm nhà thương. Mẹ Jim là con gái lớn, nên phải đi đi về về vất vả lo cho mẹ già,  Anh Thy dù bận đi làm, cháu cũng cố gắng  đến nhà thương cùng với mẹ Jim chăm nom bà. Khiến ông bà rất cảm kích!

Một năm sau thì bà ngoại của Jim mất, Anh Thy luôn bên cạnh mẹ Jim, giúp bà nhiều việc trong tang lễ. Đặc biệt là Anh Thy trong nước mắt nghẹn ngào, đã đại diện các cháu để đọc lời thương tiếc tiễn biệt bà.

 Sau ba năm Jim đã hoàn tất chương trình học ở University Washington State, trở  về và thi đậu bằng hành nghề của tiểu bang California.  Trong thời gian tìm việc, Jim vừa đi dậy vừa làm thiện nguyện. Sau những kinh nghiệm của một chuyên gia âm ngữ trị liệu, để giúp trẻ em phát triển ngôn ngữ. Hiện giờ Jim đã xin được việc tại Đại học San diego, về khoa học  Lời nói –Ngôn ngữ-Thính giác.

 

*

Sang phần tường thuật lễ cưới, xin được “dài dòng văn tự”  một chút, nếu chuyện chỉ có thế thì đâu dám làm mất thì giờ của các bạn. Sau đây mới là điều tôi cảm phục vì tấm lòng yêu thương lo lắng  cho con cái của người bản xứ,  không như tiếng đồn người Mỹ không quan tâm lo cho con  như người Á Châu.

Đó là chuyện, cách đây một năm. Nhân dịp đám cưới Yến,  người chị con bác Năm của Anh Thy. Jim báo tin cho cha mẹ mình biết. Ông bà nhắn lời xin được đến tham dự,  để học hỏi những nghi thức trong đám cưới truyền thống  Việt Nam,  để về  lo cho Jim và Anh Thy một đám cưới đầy đủ theo phong tục của người  Việt.

 Gia đình Bác Năn nhận lời . Ngày đám  cưới của Yến và Nam, cha mẹ Jim có mặt thật sớm ở nhà đàng gái, chờ đàng trai đến đón dâu. Trong lúc người đại diện đứng ra giới thiệu họ hàng và quan khách, thì cha của Jim nhận ra bà mẹ chú rể Nam (nhân vật quan trọng  trong ngày cưới hôm ấy) là bạn rất thân làm cùng hãng máy bay với ông (Đúng là quả đất tròn). Thật ngạc nhiên, tay bắt mặt mừng xong, ông bà được bạn mời theo đoàn rước dâu đến nhà thờ dự lễ cưới, rồi đưa dâu về nhà trai. Suốt từ sáng cha mẹ Jim  ghi ghi chép chép, hỏi han bàn luận, và dự tiệc tại nhà hàng cho tới tàn tiệc mới về. Tối hôm đó chắc hai ông bà ngủ ngon, vì đã xong Wedding planning cho con.

Cảm động nhất là bà tuyên bố, sẽ không để Anh Thy thiệt thòi và kém chị kém em vì lấy chồng Mỹ. Rồi  bà đến Phước Lộc Thọ dò hỏi,  tự chọn lựa may một bộ áo dài để mặc trong đám cưới của Jim, nhưng khi may xong chiếc áo dài màu đen kết hoa vàng. Lại nghe có người nói  : “người Việt Nam kỵ mặc màu đen trong ngày cưới” bà lại may thêm một bộ áo dài màu xanh khác để mặc đi rước con dâu Việt Nam.

Vậy mà đã bảy tám năm trời, quen nhau, yêu nhau rồi chờ đợi. Bao nhiêu thăng trầm, vui buồn, lẫn thử thách trong cuộc sống. Cũng đến ngày hai đứa đủ chín chắn, để giữ trọn lời hẹn ước.

Việc quan trọng nhất là thánh lễ hôn phối tại nhà thờ, cha mẹ đôi bên đã đến gặp cha xứ,  xin trước một năm rồi.  Chọn và đặt nhà hàng cũng phải cả năm trước. Hai cháu cũng như các bạn trẻ sống tại Mỹ, tự chi trả cho đám cưới của mình, cha mẹ chỉ cố vấn và sắp xếp một đám cưới sao cho hoàn hảo, theo truyền thống Việt Nam, nhưng  ảnh hưởng một ít phong cách tây phương. Nếu đem so sánh thì đám cưới Việt Nam  rườm rà, nhiều nghi thức và tốn kém “Phú quý sinh lễ nghĩa”.  Đám cưới theo kiểu Mỹ đơn giản, vui vẻ,  nhưng không kém phần cảm xúc.

Mùa hè 2017 vừa qua lễ thành hôn của hai cháu đã  được cử hành. Trong buổi lễ gia tiên và rước dâu, chú rể  Jim xúng xính trong bộ áo dài khăn đống bằng  gấm, màu bordeaux. Nhưng khi lễ cưới ở nhà thờ thì Jim mặc Tuxedo, sánh bước cùng cô dâu trong bộ wedding dress đẹp tuyệt vời. Rồi tiệc tiếp tân buổi tối tại nhà hàng, cô dâu chú rể lại diện áo dài khăn đống truyền thống Việt nam.

 Chương trình rước dâu và lễ gia tiên, soạn bằng hai thứ tiếng rất ngộ, mời các bạn đọc cho vui. Sau đây tôi xin tóm tắt, vì lời nguyện, câu kinh và bài hát tới năm trang pelure fort.

 

ĐÓN NHÀ TRAI

(Greeting the Groom’s Family)

 9 : 50  am  Nhà gái đứng xếp hàng trước cửa chuẩn bị đón chào nhà trai đến

10 : 00 am  Nhà trai đến - Xếp hàng đi vào theo thứ tự :

-Jim’s parents or the representative

-Jim & Groom’s man (holding mâm trà)

-Groom’s men and Groom’s family.

When approaching the Bride’s representative, Jim’s  father or the representative says a few words asking for rước dâu . The groom’s man give the tea tray to the Bride’s representative...

Đội bưng mâm quả cũng trao lễ vật cho nhà gái.

Bác của Anh Thy đại diện nhà gái ra mời đoàn người rước dâu vào trong nhà. Những mâm lễ vật được đặt trên chiếc bàn kê sẵn, gần bàn thờ gia tiên. Sau đó mời nhà trai ngồi vào vị trí riêng biệt. Khi đã ổn định chỗ ngồi, đại diện bên chú rể Jim, ngỏ lời xin  phép được đón con dâu mới về nhà chồng, và trình lễ vật.  Đại diện bên gái đáp lời chào mừng nhà trai, rồi mở tráp và xướng lên những lễ vật đựng trong khay , nào là trầu cau, bánh, rượu, trà, xôi gấc đỏ, cạnh con heo sữa quay vàng óng…..Đại diện lại ngỏ lời cám ơn và xin nhận hết những lễ vật. (nói hai thứ tiếng)

 Ông bác Anh Thy đứng ra nói lớn : “Xin giới thiệu cô dâu mới sẽ ra chào quan viên hai họ” Anh Thư được mẹ dắt ra cúi đầu chào quan khách, và nở nụ cười tươi như hoa. Chú rể Jim tiến đến trao hoa cho cô dâu. Các phù rể cũng trao hoa cho phù dâu.

Bác của Anh Thy giới thiệu cha mẹ, anh em họ hàng bên nhà gái. Bên đàng trai cũng giới thiệu như vậy. Mọi người đứng tại chỗ và giơ tay chào khi nghe tên mình.

Tiếp theo ông bác mời mọi người hướng lên bàn thờ, bắt đầu xướng kinh,  làm dấu  và đọc lời Tạ ơn Thiên Chúa (Thanks to the Lord).

-Lời nguyện (Opening Prayer) – Đọc tiếng Việt trước, tiếng Mỹ sau…..

-Tiếp theo là kinh Lạy Cha (đọc chung)     “Our  Father...”

-Litturgy of the Word (Phụng Vụ Lời Chúa). A reading from the First Letter of Saint Peter…….

-Hát bài “Dâng Về Mẹ”. Holy Mother Mary, Please protect and bless Anh Thy and Jim with

Faith, Hope, and love…….

*Lễ Gia Tiên (Ancestor Veneration)

-Bride’s Father lights the Phoenix Candle

-Groom’s Father lights the Dragon Candle.

-Jim and Anh Thy come to the altar

-Jim và Anh Thy hold cây nhang trong hai tay, chắp lại trước ngực, cúi lạy ba lần.

-Ông Bác Anh Thy dâng lời cầu nguyện : Cây có cội,  nước có nguồn, con người có tổ có tông.          

Kính xin ông bà tổ tiên nội ngoại hai họ chứng giám và chúc lành cho hai cháu Jim và Anh Thy được trăm năm hạnh phúc. (Có treo hình ông nội bà ngoại Jim và ông ngọai Anh Thy đã mất)

- Kết thúc là hát bài “Cầu cho cha mẹ”  May  God bless our parents with love, and guide us to live as good children.

*Cuối cùng là phần mời trà  (The Bride’s Tea Ceremony)

-Jim đi cạnh Anh Thy bưng khay trà. AnhThy rót trà mời bà ngoại mình.  Rồi tới ông Ngoại và bà Nội của Jim (ai lớn tuổi thì ưu tiên trước).

- Present Gifts to the Bride

-Mẹ chú rể đeo bông tai cho cô dâu. Mẹ cô dâu đeo dây chuyền cho con gái. Và nhắn nhủ con gái, về nhà chồng phải biết kính trên nhường dưới, phải ăn ở sao cho trọn tình trọn nghĩa , như câu nói : “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. rồi ôm con nước mắt lưng tròng! Anh Thy cảm động muốn òa khóc. Nhưng vì bao nhiêu người đang nhìn, nên cháu mím môi cầm nước mắt.

Đọc tới đây chắc các bạn đang cho là dài dòng mất thì giờ. Thãt ra, người Mỹ rất tôn trọng thời gian, biết vậy, người hướng dẫn chương trình đã cố gắng ngắn gọn trong vòng ba mươi phút. 10 : 30 am có bữa Breakfast reception nhè nhẹ.

Đúng 11 : 00 am Depart to Church vì hôn lễ bắt đầu đúng 12 :00 giờ trưa.

Nếu có bạn Mỹ nào yêu con gái Việt Nam, thích phong tục đám cưới truyền thống Việt Nam như thế này, sẽ được lòng cha mẹ vợ và người đẹp ngay “Nhập gia tùy tục” mà.

Mỹ là quốc gia đa dạng về văn hóa và sắc tộc,  mỗi sắc dân vẫn giữ được truyền thống cơ bản riêng. Sau bao năm chúng ta sống xa quê hương, những nét văn hóa và phong tục trong lễ cưới truyền thống của người Việt Nam vẫn giữ gìn được cho đến ngày nay, mặc dù ảnh hưởng ít nhiều phong cách tây phương đơn giản nhưng rất đáng quý.                       

Năng Khiếu

 

Ý kiến bạn đọc
20/12/201715:02:50
Khách
Không “dài dòng mất thì giờ” thưa chị. Hay và... mê lắm! Gia đình nhà trai phải quý và thương cô dâu lắm mới bỏ công sức, thời gian học hỏi nghi thức đám cưới truyền thống Việt như vậy. Hạnh phúc thay!
05/12/201705:02:41
Khách
cám ơn Kim Dung và Bon bon, đã đọc bài viết, góp ý Và
chúc mừng cô dâu chú rể .
05/12/201701:42:32
Khách
Chuyện hôn nhân Việt-Mỹ là chuyện thường tinh nhưng thường làm theo lối Mỹ, cha mẹ được con mời dự đám
cưới là đã vui rồi, có mấy khi cò được một dám cưới như câu chuyện!
Tôi cũng thấy hãnh diện lây khi thấy có cô dâu VN giữ giá trị của người đàn bàn Việt Nam dù ở nơi đâu, trong môi trường nào. Thật quí thay!
03/12/201719:39:23
Khách
Xin cám ơn bài viết hay hình ảnh đẹp, kể tỉ mỉ về Lễ cưới truyền thống Việt Nam, chú rể Mỹ và Mẹ chú rể mặc Quốc Phục VN trông rất đẹp và trang trọng, nói lên sự trân quý phong tục lễ nghĩa của Ông Bà thông gia Mỹ đối với song thân của cô dâu và họ nhà gái. Quý nhất là Cha Mẹ chú rể Mỹ ghi chép, hỏi han để lấy kinh nghiệm mà lo cho con trai và con dâu đầy đủ lễ nghi theo phong tục VN, để con dâu không thiệt thòi thua chị kém em, thật là hạnh phúc và có phước quá nhỉ. Xin gởi lời chúc cô dâu chú rể mới được trăm năm hạnh phúc. Chúc hai họ Việt-Mỹ tình thân kết chặt vững bền nhé.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,849,924
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết 2001, từ 9 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới của tác giả kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và chuyến đi 5 ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục, có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.