Hôm nay,  

Ngọc Lan

10/10/201700:00:00(Xem: 11817)
Ngọc Lan
Tác giả: Thảo Lan

Bài số 5239-19-31082-vb3101017
 

Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Thăm dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ ba của ông là một chuyện tình nhẹ nhàng.
 

***
 

Trời mưa vừa tạnh, Phi mở cửa xe bước ra ngoài để hít thở bầu không khí trong lành. Mặt hồ Erie long lanh phản chiếu ánh mặt trời vừa thoát khỏi đám mây đen. Xa xa phía chân trời một cầu vồng bảy sắc xuất hiện thật đẹp như bắc cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ tao ngộ.

Phi đến đây để dự một khóa học kéo dài một tuần tại trường đại học Penn State do hãng gửi đi. Ra trường đi làm đã hơn 20 năm nay, Phi đã từng dự bao nhiêu khóa học cũng như tham dự các seminar hay conference nhưng ít khi nào chàng dự một khóa học tổ chức tại một trường đại học. Bởi lý do đó nên lần học này đã tạo cho chàng một cảm giác khác lạ hơn những lần trước. Nó gây cho chàng cái cảm giác trẻ trung như hai mươi mấy năm trước khi chàng còn là một thanh niên trẻ tuổi ngày ngày khoác back pack đến các giảng đường để hy vọng kiếm được một mảnh bằng nhằm bảo đảm cho tương lai.

Chiều hôm qua sau buổi học đầu tiên Phi đã dùng GPS để tìm đường từ khách sạn lái xe ra bờ hồ Erie để ngắm một trong năm chiếc hồ nổi tiếng của nước Mỹ mà ngày xưa khi còn ở Việt Nam chàng được biết đến dưới tên Ngũ Đại Hồ trong các lớp học địa lý. Ban đầu chàng đã tưởng tìm được đến bờ hồ nên dừng xe lại để đi ra ngoài ngắm phong cảnh. Cảnh vật không khác gì mấy với con đường Colonial Parkway ở Williamsburg, Virginia nơi chàng sinh sống. Cũng cây cối hai bên đường, cũng mặt hồ nước tĩnh lặng và những rặng cây bên kia bờ. Ban đầu Phi hơi thất vọng vì cứ ngỡ hồ phải lớn lắm nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, chàng đoán có lẽ mình đã lầm. Có thể đây chỉ là một nhánh sông dẫn đến hồ mà thôi vì với diện tích như trên bản đồ chàng được biết thì không thể nào có thể nhìn được bờ bên kia một cách dễ dàng như thế. Chàng tiếp tục lên xe lái đi và cuối cùng cũng tìm đến được mặt hồ mênh mông có sóng đánh vào bãi cát như bãi biển.

“Có thế chứ”, Phi thở phào nhẹ nhõm. Tuy mãn nguyện vì cuối cùng cũng đã nhìn tận mắt thậm chí còn nhúng được cả tay vào nước hồ Erie, chàng lại không thấy hứng thú nhiều như ở nhánh sông nhỏ ban nãy. Có lẽ cảnh vật ở đây hơi giống như cảnh ở các bãi biển mặc dù ít người tắm hơn nên không có gì đặc biệt đối với chàng. Đó là lý do chàng quyết định sẽ quay trở lại đây ngày hôm sau nhưng chủ yếu để dừng chân tản bộ ở nhánh sông nối vào hồ.

Quay về khách sạn sau bữa tối no nê, Phi mở laptop check bản đồ thành phố Erie thì mới biết cái mà chàng cứ ngỡ là nhánh sông thật ra là vịnh Presque Isle Bay và khu có cây cối nên thơ chính là công viên Presque Isle Bay State Park. Chiều hôm nay sau khóa học chàng đã lái xe thẳng đến đây nhưng xui xẻo là đúng lúc chàng kiếm được nơi có cảnh đẹp và chỗ đậu xe tốt để có thể ra tản bộ thì cơn mưa bất chợt đổ ập đến. Giờ đây được hít thở không khí ẩm ướt sau cơn mưa chàng chợt nhớ đến những buổi hẹn hò xưa kia khi còn là sinh viên với người bạn học cùng trường.

Năm đó là những năm đầu chàng qua Mỹ còn Ngọc Lan, người bạn gái chàng thì đã theo gia đình qua Mỹ từ năm 75 khi nàng chỉ mới 5 tuổi. Phi học bên Engineering còn Ngọc Lan học về Business. Cả hai quen nhau do học chung một lớp Philosophy là môn elective cho cả hai ngành.

Do qua Mỹ từ bé và là con một không có anh chị em để truyện trò nên Ngọc Lan gần như quên hết tiếng mẹ đẻ bởi chính trong gia đình, nàng cũng dùng tiếng Anh để nói chuyện cùng ba mẹ. Trong đầu Ngọc Lan không còn nhiều hình ảnh về quê hương nên những khi nghe Phi kể về các kỷ niệm thời chàng còn ở Việt Nam đôi khi nàng rất dửng dưng. Đây là lý do sau này ít khi nào Phi nhắc về kỷ niệm xưa của mình với Ngọc Lan. Và dĩ nhiên cả hai luôn dùng tiếng Anh trong việc đối thoại mặc dù điều này đã khiến Phi đôi lúc cảm thấy hơi khó chịu vì dù sao chàng chỉ mới qua Mỹ có hai năm nên khả năng ăn nói cũng phần nào hạn chế.

Hai người quen nhau ở semester thứ hai của năm học đầu và cứ tiếp tục hẹn hò cùng nhau cho đến ngày cả hai cùng lãnh bằng tốt nghiệp ra trường. Thủơ còn học chung do khác ngành nên cả hai thuờng có lớp học ở những building khác nhau. Cái thời mà cell phone còn chưa có nên để gặp mặt cả hai đều phải căn cứ theo thời khóa biểu học của nhau và lấy điểm hẹn là băng ghế đá dưới gốc cây phong nhìn ra hồ nước giữa sân trường.

Đây là điểm dừng chân nghỉ lý tưởng của các sinh viên trong trường thời đó vì các tàn cây mát mẻ cùng hồ nước thơ mộng sẽ xua tan đi những căng thẳng về bài vở, về các kỳ test sắp đến. Cũng may xung quanh hồ có nhiều chiếc ghế đá nên Phi và Ngọc Lan vẫn thuờng xuyên kiếm được chỗ trống để chờ nhau. Tuy nhiên chỉ có chiếc ghế ngay bên dưới cây phong là địa điểm yêu thích nhất của cả hai.

Vào mùa thu khi lá phong đổi màu cả hai thuờng ngồi bên dưới gốc cây này mà say sưa ngắm nhìn những chiếc lá đỏ rực mà thỉnh thoảng lại có một chiếc rời cành bay nhè nhẹ đung đưa trong làn gió thu. Một lần kia, một chiếc lá nhẹ nhàng đáp xuống trên vai áo Ngọc Lan và Phi đã nhặt lên đưa tặng nàng. Sau đó Phi đã hát cho Ngọc Lan nghe bài hát mà chàng yêu thích của nhạc sĩ Vũ Thành An trong đó có câu "xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em".  Tất nhiên Ngọc Lan không hiểu hết lời và Phi đã phải ráng xử dụng vốn liếng Anh văn khiêm nhường của mình khi ấy để diễn giải ý nghĩa của bài hát.

Cũng có khi cả hai cùng ngồi trên băng ghế đá sau những cơn mưa rào để hít thở bầu không khí mát rượi và để nhìn mặt nước lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời vừa ló dạng sau đám mây đen. Khi ấy Phi lại giải thích cho Ngọc Lan nghe ý nghĩa câu tục ngữ của Việt Nam "Sau cơn mưa trời lại sáng". Câu này có phần dễ dàng để giải thích cho Ngọc Lan hiểu hơn vì Phi chỉ cần đề cập đến câu nói tương đương trong Anh văn là "After every storm comes a rainbow". Những lúc ấy Ngọc Lan có vẻ rất thích thú với sự tương đồng giữa hai ngôn ngữ và văn hóa Mỹ và Việt.

Sau khi ra trường Phi kiếm được việc làm ngay tại gần thành phố chàng đang ở nên mọi việc không có gì xáo trộn. Riêng Ngọc Lan thì tuy nộp đơn khắp nơi mà vẫn không được nơi nào nhận nên nàng đã tạm thời dọn về ở cùng cha mẹ ở thành phố Richmond tiểu bang Virginia để phụ cha mẹ trông coi một nhà hàng Việt Nam ở đó do họ làm chủ. Khoảng cách chỉ có hơn một tiếng lái xe từ nơi chàng ở đến Richmond chả có là bao nên cả hai vẫn tiếp tục gặp mặt nhau đều đều. Có điều nếu muốn có nhiều thời gian bên nhau thì Phi chỉ rảnh mỗi ngày weekend trong khi weekend lại là lúc nhà hàng bận rộn nhất nên Ngọc Lan cũng không thể bỏ công việc để đi chơi cùng chàng.

Được khoảng bốn tháng sau khi ra trường Ngọc Lan đã nhận được lời mời của một hãng tài chính ở Seattle. Phi mừng cho Ngọc Lan vì ít ra bốn năm đèn sách của nàng không bị uổng phí nhưng chàng cũng hơi lo cho chuyện tình cảm của cả hai vì từ nay họ sẽ ít có dịp gặp mặt thuờng xuyên như trước mà chỉ còn có thể liên lạc qua phone và email. Như chàng thuờng nói giỡn với mọi người là chàng không có khiếu nói phone, thật sự Phi rất ghét ngồi ôm điện thoại nói chuyện. Chàng luôn thích nói chuyện trực tiếp giáp mặt hơn.

 Có một điều lạ là tuy không thích nói điện thoại, Phi lại rất sẵn sàng bỏ thời gian ra gõ một cái mail thật dài. Có lẽ chàng đã quen với những lúc ngồi trước máy tính làm thơ hay viết văn vì đây chính là sở thích của chàng từ khi còn là sinh viên. Chỉ đáng tiếc là Ngọc Lan lại rất lười việc check và gõ mail trả lời.


Công việc của cả hai đều bận rộn cộng thêm một người lười gọi phone, môt người lười check mail, đó là chưa kể việc múi giờ chênh lệch đã góp phần cho sự đổ vỡ tình cảm giữa hai người. Để đến một ngày kia cả hai cùng bàng hoàng nhận ra là họ đã thật sự xa nhau. Sự đổ vỡ cũng khiến Phi đau khổ một thời gian dài. Chàng vùi đầu trong công việc và những lúc nhàn rỗi Phi vẫn tiếp tục sáng tác thơ văn và giờ đây chàng đã có vài tập truyện cũng như một tập thơ xuất bản chủ yếu để tặng cho gia đình, bạn bè. Chính vì thú vui của chàng là ngồi trước máy tính sáng tác nên cho đến giờ Phi vẫn còn độc thân.

Từ sau khi chia tay Ngoc Lan chàng không còn quen với người con gái nào khác. Những dịp đi công tác hay du lịch chàng đều tìm đến những nơi có thắng cảnh đẹp hay thơ mộng để tìm nguồn cảm hứng để sáng tác. Hầu hết những nhân vật nữ trong tác phẩm của Phi đều có nét phảng phất giống Ngọc Lan.

Kỳ này đến Erie học, Phi cũng muốn nhìn tận mắt chiếc hồ này để lấy nguồn cảm hứng cho một truyện ngắn của mình. Dọc bờ hồ bên công viên Presque Isle Bay State Park chàng thấy rải rác có vài chiếc ghế để khách bộ hành dừng chân. Đập vào mắt Phi là một chiếc ghế nằm ngay dưới một cây phong y như chiếc ghế đá ngày xưa là nơi hẹn hò của chàng và Ngọc Lan. Kỷ niệm xưa lại ùa về bất chợt khiến chàng có cảm giác bàng hoàng, hụt hẫng như bốn câu thơ của thi sĩ Trần Dạ Từ mà ngày xưa chàng rất thích.
 

Hôm nay qua đồi xưa

Trượt chân bàng hoàng mãi

Ôi ngày thơ tình thơ

Mất về đâu tuổi dại
 

Đúng vậy, giờ đầu đã muối tiêu Phi mới chợt thấy tiếc nuối cái thời còn trai trẻ ngày xưa của mình. Phi tiến đến ngồi trên băng ghế đá nhìn ra mặt nước và thỉnh thoảng lại ngước mắt lên nhìn tán lá cây phong trên đầu mình. Chỉ tiếc là đang giữa hè nên màu lá xanh ngắt chứ không đỏ rực rỡ như năm xưa khi chàng cùng Ngọc Lan ngồi dưới cây phong của ngôi trường đại học.

Phi ngồi được một lát thì có một chiếc xe hơi dừng lại đậu gần xe chàng và một người thiếu phụ bước xuống. Phi vẫn lơ đãng nhìn về mặt nước không biết rằng người thiếu phụ đã tiến đến gần nơi chàng ngồi. Khi nghe tiếng chân Phi quay lại tính chào thì chàng bỗng khựng lại. Người thiếu phụ đứng trước mặt chàng trông rất quen thuộc sau cặp kính đen. Phi chưa kịp phản ứng thì người thiếu phụ tháo cặp kính mát xuống và reo lên, “Anh Phi, có phải anh Phi không?”. “Ngọc Lan, đúng rồi Ngọc Lan đây mà”.

Phi bật đứng lên còn Ngọc Lan nhoài tới vòng tay ôm vai chàng như cách xã giao thông thuờng của người Mỹ. Đến lúc này Phi mới để ý kỹ thấy Ngọc Lan không khác xưa là bao. Cũng mái tóc dài đó, làn da trắng và khuôn mặt dễ coi. Nàng không còn dáng dấp mình hạc xương mai như trước nhưng chính vì thế mà lại có vẻ khỏe mạnh và lôi cuốn hơn. Nhìn chung Ngọc Lan trông trẻ hơn nhiều với số tuổi gần 50 của mình.

Bất giác Phi hơi cảm thấy mặc cảm với mái tóc muối tiêu không chải chuốt kỹ càng của mình. Cuộc sống độc thân lâu năm cùng với việc không hẹn hò với ai một thời gian dài đã khiến Phi trở nên xuềnh xoàng hơn trong cách ăn mặc cũng như trong việc chăm sóc bề ngoài của mình.

Sau đó Phi và Ngọc Lan cùng ngồi xuống trên chiếc ghế dưới cây phong như họ đã từng làm ở sân trường ngày trước. Đến lúc này Phi mới ngạc nhiên vì nhận ra là Ngọc Lan đã dùng tiếng Việt để nói chuyện với chàng. Phi lần lượt trả lời các câu hỏi của Ngọc Lan về cuộc sống của chàng từ sau khi cả hai chia tay. Cuộc sống chàng cũng vẫn phẳng lặng như mặt nước hồ của sân trường ngày trước. Vẫn làm ở cùng một hãng từ khi ra trường. Vẫn ở cùng một thành phố ngày xưa khi cả hai còn học chung. Cha mẹ chàng tuy đã lớn tuổi nhưng đều còn khỏe mạnh và đang ở cùng với vợ chồng người anh lớn như ngày trước.

Ánh mắt Ngọc Lan ánh lên một tia vui mừng khi biết bút hiệu của chàng là Phi Lan. Về phần Ngọc Lan nàng cho biết sau khi chia tay hai năm, nàng lập gia đình với một người Mỹ làm chung hãng để rồi cả hai lại ly dị sau đó hai năm. Từ đó nàng ở vậy không đi thêm bước nào. Cả hai có chung với nhau một đứa con trai nay đã 20 tuổi và hiện đang học tại trường Penn Sate ở ngay Erie này. Đó là lý do Ngọc Lan có mặt ở đây ngày hôm nay. Lần này đến phiên Ngọc Lan hơi ngượng ngùng khi trả lời Phi tên con nàng là ... Phi.

So với Phi thì cuộc sống của Ngọc Lan có nhiều thay đổi hơn. Sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ Ngọc Lan chuyển qua miền Nam California làm cho một hãng tài chính lớn bên đó. Chính vì được sống trong cộng đồng Việt Nam nàng đã bắt đầu cảm thấy hứng thú để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của quê cha đất mẹ. Nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp người Việt Nam làm chung công ty, Ngọc Lan ghi tên học các lớp tiếng Việt và tham gia hoạt động trong cộng đồng. Nhờ đó mà nay nàng đã có thể nói, đọc và viết tiếng Việt lưu loát.

Năm năm trước cha mẹ Ngọc Lan qua đời trong một tai nạn giao thông nên toàn bộ chuỗi nhà hàng gồm ba tiệm khác nhau ở Richmond và vùng phụ cận đã để lại cho nàng. Ngọc Lan đã nghỉ việc để quay về Richmond sinh sống và quản lý chuỗi nhà hàng này. Nhờ kiến thức và kinh nghiệm của bằng business, Ngọc Lan đã tiếp tục phát triển chuỗi nhà hàng một cách thành công. Gần đây nàng đã mở thêm hai tiệm nữa và một tiệm lại nằm ngay nơi thành phố có ngôi trường đại học mà cả hai đã theo học ngày xưa.

Ngọc Lan cũng cho biết lý do nàng có mặt tại đây ngày hôm nay. Vào những lần ghé thăm con trước đây Ngọc Lan đều đến công viên này chính vì một lần tình cờ phát hiện ra chiếc ghế dưới cây phong đã gợi nhớ cho nàng chiếc ghế đá ngày xưa. Thật tình cờ việc này đã xui khiến cho Ngọc Lan gặp lại Phi ngày hôm nay. Ngọc Lan cũng cho biết bao lâu nay nàng rất thích đọc những truyện ngắn của Phi Lan mà nàng không hề biết đó chính là tác phẩm của người bạn trai mình ngày xưa.

Cả hai tâm sự cho đến khi mặt trời gần xuống khuất dưới chân trời. Phi ngỏ lời mời Ngọc Lan đi ăn tối nhưng nàng từ chối vì đã lỡ có hẹn đi xem phim với con trai. Ngọc Lan xin khất đến chiều mai. Hai bên trao đổi số phone của nhau. Trước khi chia tay Ngọc Lan nháy mắt với Phi và nói, “Tối nay Lan sẽ liên lạc lại với anh sau nhưng anh đừng lo, Lan không gọi cho anh đâu vì biết tính anh không thích nói qua phone mà. Bây giờ chả ai nói phone lâu đâu vì mọi người dùng text hết rồi. Lan với con đều liên lạc với nhau bằng cách này.” Trong khi Phi chưa kịp nói gì thì Ngọc Lan lại tiếp, “anh cũng đừng lo, Lan bây giờ cũng không ngại check mail nữa đâu vì mọi thứ đã có trong chiếc phone này chứ không như ngày xưa cứ phải ngồi một chỗ bật computer lên”. Đến đây thì cả hai đều cười xòa rồi chia tay nhau.

Sau bữa tối về khách sạn Phi hồi hộp chờ đợi cú phone, à không chờ đợi cái text nhắn tin của Ngọc Lan mới đúng. Tâm hồn chàng còn bay bổng lâng lâng không hiểu vì hai ly coctail uống trong bữa tối hay vì nghĩ đến cuộc gặp mặt tình cờ vừa rồi với Ngọc Lan. Lòng chàng dâng lên một niềm vui rộn ràng khi nghĩ đến Ngọc Lan giờ chỉ còn sống cách chàng có hơn một tiếng lái xe. Thế mà suốt năm năm nay chàng không hề hay biết.

Trước chuyến đi dự khóa học lần này, Phi đã dự tính viết một truyện ngắn mà chàng hy vọng sẽ tìm được nguồn cảm hứng khi đặt chân đến bên bờ của một trong năm hồ lớn của Mỹ. Tuy chưa biết trước mình sẽ viết gì nhưng trong đầu chàng đã chuẩn bị sẵn tựa của truyện ngắn sắp tới là “Bên Hồ Erie”. Nhưng hôm nay, vào ngay lúc này chàng đã biết mình sẽ viết những gì.

Phi lấy ngay cái laptop ra để bắt đầu sáng tác mới của mình như thể chàng sợ để lâu nguồn cảm hứng sẽ vuột mất. Với nụ cười mỉm trên môi, chàng bắt đầu gõ tựa truyện bằng hai chữ “Ngọc Lan”.
 

Thảo Lan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,893,105
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Stephen Paddock, kẻ vừa xả súng tàn sát ở Las Vegas ngày 01 tháng 10, đã đặt phòng tại khách sạn Blackstone cao 21 tầng, nhắm xuống lễ hội âm nhạc Lollapalooza ở Chicago trong tháng 8 vừa qua. Đó là nội dung bài viết mới của Nguyễn Anh Nguyên. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, từng có hơn một năm sống tại Chicago. Bài viết mới của ông đề cập tới việc
Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Bài viết thứ ba của cô là chuyện dân Mỹ tự nguyện xếp hàng hiến máu, sau vụ thảm sát tại Las Vegas.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, bài mới của tác giả mo tả nhiều chi tiết sống động, hữu ích.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Bài viết mới của tác giả nói lên đời sống chật vật của những người Việt tị nạn đầu tiên trên đất Mỹ, đồng thời đề cao tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình đối với nước Mỹ. Bài nầy là chuyện tiếp nối cho tự truyện “Du Học Mỹ Năm 1975”. Tác giả tham dự VVNM năm 2015, được giải Danh Dự năm 2016 và giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả năm2017. Lúc còn trẻ tác giả là một chuyên viên kỷ thuật. Khi về hưu ông tiêu khiển với thú viết truyện. Ông đang định cư ở Orange County.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về một ngày thu, cảm tác lúc giao mùa.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Với cách viết như nói chuyện trực tiếp, bà vui vẻ tự sơ lược về mình: Đinh Nguyễn Thi ở nhà gọi là The. Có chồng hai con. Năm nay mới 61 tuổi. Học xong lớp 9 trường làng. Ở nhà được cha mẹ nuôi. Qua Mỹ năm 1985, sau đó 3 năm có người đòi rước về nuôi đến nay.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.