Hôm nay,  

Chào Đón Hạ-Vy, Đúng Ngày Bão Harvey

17/09/201700:00:00(Xem: 12706)
Chào Đón Hạ-Vy, Đúng Ngày Bão Harvey
Tác giả: Yên Sơn

Bài số 5220-19-31063-vb8091617
 

Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.


***


Harvey là cơn bão lụt lớn nhất trong vòng 12 năm trở lại đây đã gây thiệt hại lớn tại Houston, Texas.

Tại Kingwood, vùng phụ cận Houston, nơi tôi đang cư ngụ, từ trưa Thứ Sáu,  tin bão càng lúc càng trở nên nghiêm trọng. Nhà tôi ở sở gọi về cho biết sở làm đóng cửa lúc 2g chiều. Và tôi quyết định đóng cửa trường võ trước khi đi đón nhà tôi. Phải chạy đôn chạy đáo mới tìm được mấy két nước lạnh; đi vài ba chợ mới mua tạm đủ những thứ cần dùng. Về nhà coi cửa trước vườn sau để chuẩn bị cho “big one” như hệ thống truyền thanh truyền hình tiếp tục loan báo. Ngồi dán mắt vào màn hình… internet để chờ đợi trong khi nắng bên ngoài vẫn chói chang, máy lạnh vẫn chạy vù vù.

Gọi Mẹ tôi và những người thân đang ở vùng gần biển; gọi vợ chồng con gái ở dưới phố dặn dò nhắc chừng. Nhà con bé ở phố nhưng hệ thống thoát nước rất tệ nên mỗi lần mưa lớn là mỗi lần lo. Con bé lại sắp tới ngày sanh nở; có nghĩa là chúng tôi sắp được làm ông bà ngoại lần đầu. Chúng nó nói Ba Mẹ yên tâm.

Ừ thì yên tâm chứ cũng không thể làm gì hơn được.

Sáng Thứ Bảy thức dậy với gió mưa tơi bời; nghe tin bão đã đã tăng lên cấp 4, vẫn còn ở xa, các thành phố phía đông nam của Houston bị thiệt hại nặng nề. Ông Thống Đốc gợi ý Houstonian nên di tản nhưng ông Thị Trưởng yêu cầu “stay in put”, không nên ra đường. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược và phe ta bám trụ, ai ở nhà đó mở tai dán mắt vào TV, radio, xem internet để theo dõi.

Hơn 12g khuya cảm thấy mệt nhoài, bất lực đành đi ngủ! Nhưng vừa chợp mắt một lúc bỗng giật mình vì bị “my house” lay vai cùng lúc nghe tiếng mưa ào ào trên mái nhà và hàng chuông gió vườn sau reo inh ỏi từng hồi, “anh ơi, anh dậy ngay ra xếp cái dù ngoài sân, đem cái bàn đi cất, gở hết đám chuông gió xuống!” “Ôi trời! Sao lại quên cái vụ này chiều nay hổng biết.” tôi phóng ra khỏi chăn êm nệm ấm, mang tơi đội nón ra vườn sau, bắc thang lên hỏi ông giời… không phải, bắc thang lên gở chuông và cố xếp “quán cà phê” giữa lúc mưa rơi gió giật từng hồi…

Khi vào nhà, được thông báo cho biết bão đã trở mình lên cấp 4 (sức gió 131-155 mph).

Sáng chủ nhật, ngoài trời mưa bay gió lộng mịt mù. Tôi đi pha cà phê, tính xong sẽ gọi điện thoại cho Mẹ và mọi nhà thì bỗng điện thoại reo vang…! Thằng con rể gọi! Nó Facetime trực tuyến hỏi Mẹ đâu? Mẹ nó chạy lại:

– Con xin báo Ba Mẹ… tin mừng! Nói xong nó quay điện thoại về hướng vợ nó… đang bồng… em bé, rồi chiếu sát mặt con bé với đôi mắt nhắm nghiền! Tôi hét to:

– Trời ơi… cháu ngoại!

– Ơi! Cháu ngoại! – Nhà tôi tôi cũng reo lên.

Thấy con gái nhoẻn miệng cười như không trong khi tôi vô cùng xúc động.

– Sinh hồi nào vậy con?

– Dạ mới sinh lúc 6:30 sáng.

– Con vào bệnh viện lúc nào?

– Dạ khuya hôm qua giữa lúc nhà ngập nước lên cả 10 inches cao. May mà con có xe truck.

– Whoa, đi chậm một chút là mệt rồi!

– Dạ cũng may!

Nó gửi tin nhắn cho chúng tôi biết giờ sanh, chiều dài, sức nặng của con bé. Mẹ nó hỏi:

– Con sinh dễ không?

– Dạ, rất nhẹ nhàng.

– Ba Mẹ chạy vào bây giờ.

– Dạ không được đâu, các lối tới bệnh viện đóng hết rồi ạ.

– Để mẹ xem tin tức xem sao.

– Con thông báo cho ông bà Nội nó chưa? – tôi hỏi thằng rể.

– Dạ, con làm bây giờ.

Cả hai chúng tôi hôn gió con bé, lưu luyến không muốn rời màn hình. Nhà tôi vội mở máy ra xem tin tức. Quả nhiên nước nhiều nơi đã ngập các đường xa lộ dẫn về phía trung tâm y khoa.

– Thương con quá! Sinh nở lần đầu mà nội ngoại đều không đến được dù chỉ một đoạn đường ngắn!

Tôi nhắn tin cho hai đứa nó:

– Ba có tên Việt Nam thích hợp cho nó rồi nè: Vũ Hạ-Vy. Hạ-Vy là một tên rất đẹp của người Việt. Con bé sinh trong mùa Hạ nhé, lại đúng lúc có bão Harvey vào Houston nhé.

Thằng rể nhắn lại:

– Không được đâu Ba! Harvey là tên con trai, lại là con bão cấp 4 tàn phá nhiều quá! Chúng con có tên cho nó rồi. Tên Vũ Hương Ellington. Gọi tắt là “Ellie Vu”, nghe như “I love you”.

Mấy hôm trước con gái có hỏi tôi nghĩ giùm cho cháu bé cái tên Việt nào hay, kèm theo chữ Hương, tên của con nó. Cái tên có chút thơ nhạc thanh nhã… Tôi đề nghị cho nó một lô luôn; nào là: Hương An, Hương Bình, Hương Lan, Hương Thơ, Hương Thu, Hương Trà. Vậy mà nó không chịu tên nào hết. Bây giờ “sáng kiến” ra được một tên hay, lại có ý nghĩa nữa… vẫn không chịu. Tôi cố vớt vát:

– Ba nói Hạ-Vy mà! Ha-Vy là tên con gái, vừa đẹp vừa sang. Con không chịu thì ông bà ngoại cũng sẽ cho nó tên gọi sau này để nó nhớ kỷ niệm ngày sanh của nó.

– Ba à, Ellie Vu sound like Iloveyou hay hơn nhiều. – Nó gửi cái mặt cười cùng với tin nhắn.

Tôi nhẩm đi nhẩm lại “Ellie Vu, Iloveyou, Ellie Vu, Iloveyou” nghe cũng rất hay, rất hữu lý… nhưng sao tôi vẫn thương cái tên Hạ-Vy quá chừng!

Chắc thằng con nhắn tin cho nhiều người thân nên mãi vài tiếng sau nó mới lại gửi video clip của con bé làm ông bà sốt ruột thêm, mê man nhấn tới nhấn lui cái vdieo xem hoài.

Chúng tôi vẫn đều đặn gọi điện thoại cho người thân, cho bạn bè, cho sui gia để biết tình trạng hiện tại của mỗi người trong khi ngoài trời vẫn mưa như trút nước, gió tạt từng cơn nghe như có người bưng từng thùng nước tạt vào cửa kiếng. Mặc kệ, niềm vui lớn trong lòng là nghĩ tới cháu ngoại xinh xắn dễ yêu; chia sẻ niềm yêu thương cho tất cả đại gia đình và những bạn bè thân thuộc.

Tôi vẫn biết rất ít trong số bạn bè trang lứa của tôi còn chưa được lên chức như chúng tôi; chuyện cháu ngoại cháu nội chúng nó đã có đầy đàn nên chẳng hề mới lạ nhưng vì đây là chuyện đại sự của tôi nên tôi cảm thấy hãnh diện khoe khoang. Có người nói, “con bé này quá đặc biệt đó nghen; chào mừng nó, tất cả trường học đóng cửa cả tuần, có cả Tổng Thống và Đệ Nhất phu nhân tới viếng nữa, hahaha!” Có thể chỉ là chuyện có cháu rất bình thường đối với những người khác, nhưng với đại gia đình của chúng tôi thì đây là một biến cố rất trọng đại.

Lúc này tin tức Harvey đã giảm xuống cấp 1. Nhưng khuyến cáo là mưa vẫn còn nặng và còn tiếp tục nhiều ngày sắp tới. Chắc rất nhiều người thở phào nhẹ nhõm như tôi. Nhà tôi cứ dán mắt vào computer, xem tất cả màn hình thời tiết để tìm con đường nào đã được mở cho đi về phía trung tâm y khoa… nhưng bó tay, càng lúc càng đóng chặt thêm; nước càng lúc càng nhiều kể cả những con đường gần nhà đều ngập nước; đã có thông báo có người chết và vài ba người mất tích vì lũ cuốn. Nhà tôi thấy cần phải đi mua thêm ít đồ ăn dự trữ. Tìm thông tin trên Google, chỉ có chợ Krogers cách nhà chưa đầy một dặm còn mở cửa, chúng tôi lái xe đi.

Trời vẫn mưa nặng hạt, khu đậu xe kín mít, chạy mấy vòng mới tìm ra chỗ đậu; đội mưa đi vào trước cửa đứng xếp hàng ngoài hiên. Khu chợ rộng thênh thang là thế, chưa bao giờ trong rất nhiều năm nay đầy được một nửa, vậy mà hôm nay phải sắp hàng! Phải 15 phút sau mới vào được bên trong. Đi một vòng thấy tất cả mọi thứ đồ ăn thức uống, thịt cá, hoa quả, bánh mì đều chỉ còn rất ít. Kệ hàng trống trơn khắp nơi. Cũng may chúng tôi đã mua sắm đầy đủ.

Tất cả các nẻo đường ra khỏi Kingwood đều bị chặn. Những vùng thấp, nhất là những khu nhà dọc hai bên bờ sông San Jacinto đều ngập trong nước, nhiều con đường đã trở thành sông, xe cảnh sát công an phong toả rất nhiều nơi không cho cư dân tới gần, sở cứu hoả lăng xăng bơi thuyền cứu hộ nhiều nơi.

Sau khi lang thang chụp được một số hình ảnh, chúng tôi quay xe trở về. Được Mẹ và các em cho biết nước gần tới mé nhà mỗi người, bên trong nhà cả ba gia đình đều có dột.

Tới 7:45 tối, thằng rể lại Facetime thông báo đã đem vợ con về nhà! Chúng tôi tá hoả và vô cùng thương cảm. Các con chúng tôi có đầy đủ ông bà cha mẹ hai bên, có quá nhiều ông bà cô dì chú bác thế mà một thân một mình âm thầm ẵm nhau đi sanh, đơn chiếc vượt cạn, nằm bệnh viện 4 ngày dài tránh lụt, rồi lại âm thầm bồng bế nhau về! Đứa cháu được bao nhiêu người trông đợi mà khi ra đời đến nay đã 3 hôm rồi vẫn chưa thấy mặt một ai, cả hai bên nội ngoại…

Chúng tôi vào google map tìm đường tới nhà con, nhưng tất cả những đường tới nhà con vẫn còn bị đóng. Ước gì có đôi cánh, ước gì được như chim. Bùi ngùi trong lòng mang vào giấc ngủ muộn.

Nguyên ngày Thứ Tư tình trạng mưa gió có giảm bớt; tuy nhiên, có lẽ nước ở đầu nguồn dồn xuống nên những chỗ thấp ven sông, ven hồ West Lake Houston vẫn chìm sâu trong nước; thậm chí có nơi hôm qua còn thấy được mái nhà mà hôm nay đã chìm đâu trong nước. Và suốt ngày tôi liên tục dùng google map để canh chừng tình trạng đường sá… nhưng vẫn chẳng có gì thay đổi khá hơn.

Buổi chiều thấy google map chỉ đường tới con được dù sẽ tốn gần 2 tiếng lái xe đường vòng cho một quãng đường 35 dặm cách nhà chúng tôi. Nhưng chúng tôi vui lòng mạo hiểm; gọi báo cho con biết ý định tới thăm… nhưng hai đứa nó không chịu! Chắc thằng rể cũng thăm dò tình trạng đường sá xe cộ nên không muốn chúng tôi phải vất vả như thế.

Sáng Thứ Năm chạy ra chợ tính mua thêm ít thứ cần dùng. Ơi trời! Chợ vẫn đầy ắp phải đứng sắp hàng rất dài giống như người ta cắm trại chờ mua iPhone mới ra lò với giá rẻ mạt vậy. Đành chạy một vòng Kingwood. Nước đã rút khá nhiều nhưng những con đường sông vẫn còn bế tắc. Sở cứu hoả vẫn giúp người tìm cứu chó mèo và giúp cư dân ra vào những nơi còn ngập.

Thằng Harvey đã từ giã Houston mang theo nước đổ xuống dọc đường về hướng đông, và nắng đã lên rực rỡ. Tuy vậy, đường đến thăm bé Hạ-Vy của chúng tôi thì rất dài và còn nhiều trắc trở. Hạ-Vy ơi! Ellie Vu iloveyou ơi! Ông bà ngoại muốn ôm con lắm lắm.

Nắng đã bỏng rát bên ngoài, nhiệt độ càng lúc càng cao. Tôi bứt rứt đứng ngồi không yên, kể cả đọc internet cũng chẳng vô nỗi. Ra sân để trả lại “cái bàn cà phê thuốc lá của tôi” về chỗ cũ. Thằng lính hôm nay đã thất nghiệp sau khi đạp xe một vòng trở về. Những người lánh nạn đã lục tục rời khỏi chỗ tạm trú, dắt díu nhau về đối mặt với những tan tác của cơn lũ để lại.

Trở vào nhà, nhảy lên google map ngồi canh chừng đường đi… mà buồn chân! Trường võ cũng đã đóng cửa từ Thứ Sáu tuần trước; lũ học trò chắc cũng cuồng chân như tôi nên cứ nhắc cha mẹ chúng gọi phone hỏi chừng.

– Bà ngoại của Hạ-Vy ơi! Đường mở rồi! – tôi hét toáng lên khi thấy một màu xanh đậm nối dài từ nhà tôi đến nhà con gái.

– Thiệt không? Đường nào vậy?

– Xa lộ I.69 còn đóng ở cầu San Jac nhưng có thể đi vòng đường West Lake Houston, chỉ có 1 tiếng 15 phút lái xe thôi. Sửa soạn nhanh lên.

Tôi gọi ngay cho ông bà sui gia để báo tin vui nhưng đâu ngờ họ đã có mặt ở nhà nó rồi:

– Tụi tôi đang ở đây rồi. Phía nhà chúng tôi tới đây đã lưu thông vài tiếng trước.

– Oh! Vậy chúc mừng anh chị đã nhanh chân. Anh chị ở chơi đó chúng tôi xuống liền.

Cúp điện thoại với ông sui, tôi hối nhà tôi nhưng nhà tôi nói chờ nấu cho xong nồi phở đem tới cho con.

– Bao lâu nữa vậy? – Tôi sốt ruột.

– Gần xong rồi!

Tôi sửa soạn nhanh chóng xong kiên nhẫn ngồi chờ. Thấy như nhà tôi chậm rì, lại hối.

– Đừng hối nữa mà, sắp xong rồi!

“Sắp xong” của nàng cũng phải gần một tiếng đồng hồ sau mới sẵn sàng để đi. Vừa đưa xe ra nàng đã nhắc:

– Anh chạy từ từ thôi nghen. Mới mở đường chắc ai cũng hăm hở trên đường, phải cần thận mới được.

– Biết rồi khổ lắm nói mãi!

Nói thì nói vậy chứ tôi cũng phóng xe rào rào và người tài xế phụ cứ phải cằn nhằn, nhắc tới nhắc lui. Cả tuần lễ như ở trong cái rọ, nay như con gà được thả ra sân; nhất là con bé chào đời đã được 4 hôm bây giờ mới có dịp gặp.

Chỉ một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã gõ cửa nhà con gái. ông bà sui gia đã ra về. Cuối cùng, ông bà ngoại cũng đã bế được con bé vào lòng. Ôi mầu nhiệm nỗi vui!

– Ba chỉ được hít cháu thôi nha. Ba có nhiều râu không hôn cháu được đâu!

– Whoa! Giống như con gà mẹ bảo vệ đàn con! Làm như Ba chưa có con không bằng!

Chúng tôi thay phiên nhau nhẹ nhàng bồng bế, ngó từng nét trên khuôn mặt trẻ thơ. Con bé vô tư nhắm nghiền đôi mắt, lâu lâu hé mở như người buồn ngủ bị đánh thức. Ôi vô cùng mầu nhiệm! Mới năm trước mẹ nó còn té lên té xuống khi chạy thuyền trượt nước (wakeboarding) trên hồ với chúng tôi mà bây giờ đã cho ra đời một cô bé kháu khỉnh trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Hạ-Vy, iloveyou Ellie Vu!

4 tiếng đồng hồ loanh quanh với con cháu qua nhanh như chớp, chúng tôi lưu luyến ra về để mẹ con chúng nghỉ sau khi nhà tôi dặn dò “bà mẹ trẻ” bao nhiêu chuyện lỉnh kỉnh trên đời. Lòng thương mến dạt dào, niềm mong ước làm ông đã trở thành hiện thực dù có là chuyện bình thường cho đám bạn già của tôi nhưng là một niềm vui to tát của của đại gia đình này đã có khả năng làm lu mờ những âu lo bão lụt.

Lúc này, ngồi đây viết mấy dòng này mà lòng cứ rộn rã niềm vui.

Hạ-Vy, iloveyou Ellie Vu.

Rừng Vua, ngày 31/8/2017

Yên Sơn

Ý kiến bạn đọc
21/09/201713:49:18
Khách
Cám ơn em họ. Cám ơn quý vị đã có những lời khích lệ.
Trong KHO SÁCH HIẾM quý vị có thể tìm thấy LICH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ 1620-1659 do LM Đỗ Quang Chính biên soạn, phát hành ở SGN 1972 để biết rằng Chữ Quốc Ngữ không phải do Alexandre De Rhodes sáng chế ra.
20/09/201713:46:21
Khách
Mừng anh họ lên chức Ngoai, gởi lời thăm chị và chúc cháu Hạ Vy mau ăn chóng lớn
19/09/201703:34:33
Khách
Nỗi háo hức muốn sớm được gặp đứa cháu ngoại đầu tiên trong đời sinh ra giữa lúc cơn bão Harvey đang hoành hoành được tác giả thuật lại một cách sống động. Lời văn giản dị, dễ đọc xen lẫn tình cảm nhẹ nhàng luôn thể hiện trong các bài viết của tác giả.

Nhân đây, cũng tán thưởng tác giả lắm lắm đã có cả một kho sách hiếm trên mạng cho bá tánh trau giồi hay ôn lại kiến thức. Và cũng cám ơn anh Lâm Phương đã nêu lên thắc mắc về tuổi tác của tác giả, nhờ vậy mà bạn đọc Việt Báo từ nay biết được kho sách hiếm này.
19/09/201702:04:35
Khách
Rất thích "Kho Chứa Sách Xưa" trong blog của anh lắm.
19/09/201700:10:50
Khách
Thấy hơi là lạ nên thắc mắc vậy thôi ! Dùng chữ < lèo.> thì Tác giả cũng đủ hiểu tôi gốc gác từ đâu , tôi là một trong những người đã từng sống trên lưng gió của Quân chủng hào hùng < TỔ QUỐC & KHÔNG GIAN> . Bạn bè cũ của tôi , cùng nghề, 7,8 thằng cũng đang cư ngụ ở Houston. Tôi cũng có thóang nghĩ chắc phải lầm lẫn sao đó, hôm nay Tác giả đã thanh minh, thật ra thì mình cùng chung một chiến tuyến nên không thể lèo được !. Cám ơn Tác giả !.
18/09/201717:26:03
Khách
Chào bạn Lâm Phương. Thắc mắc của bạn rất đúng đắn. Chỉ là sự lầm lẫn thôi chứ KQ không thể lèo được :)
Mời bạn đọc toàn bộ bài viết ở đây sẽ rõ ngọn ngành:
http://thovanyenson.com/?p=9911

Cám ơn anh Lê Văn và Chị Kim Dung đã đọc bài viết.
17/09/201722:03:47
Khách
Chúc mừng Đại Gia Đình Ông Bà tác giả có cháu ngoại đầu lòng.
Tôi rất thích bài viết này, cảm ơn tác giả Yên sơn.
Chúc em bé Hạ-Vy Ellie Vu khoẻ mạnh, ngủ, ăn, poops giỏi và chóng lớn.
Bé sẽ là nguồn vui của cả nhà, nhất là của Ông Bà nội ngoại.
17/09/201720:44:18
Khách
Cũng có thể là sinh viên sĩ quan năm 1975. Tăng lên chút cho dễ nghe, chắc vậy. Quan trọng là câu chuyện có đem lại tốt cho người đọc?.
17/09/201713:23:46
Khách
Theo lời Tòa soạn thì được biết năm nay Tác giả 60 tuổi, như vậy năm 1975 mới có18 tuổi mà Tác giả đã là Sĩ Quan Không quân rồi sao ?! Không Quân đâu có lèo như vậy !?.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,409,062
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Nhạc sĩ Cung Tiến