Hôm nay,  

Ngày Lễ Vu Lan

12/08/201700:00:00(Xem: 9901)

Tác giả: Chú Chín Cali
Bài số 5190-19-31034-vb7081217

Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố. Nhờ nhớ ra điều này, lòng hiếu thảo của đứa con trai, đã mang trở lại tình phụ tử sâu đậm tưỡng đã phôi pha trong quên lãng. Nhiều đọc giả cao niên sẽ thấy được hình ảnh của mình trong câu chuyện. Tác giả đi Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. CA. Ông đã nhận giải danh dự VVNM năm 2016 và được chọn trong danh sách chung kết năm 2017.

* * *

image001
Ông Tư sờ soạng hết mấy cái túi áo nhưng không thấy cái điện thoại mắc dịch đang reo om sòm. Sau cùng ông cũng tìm được nó, nằm sâu trong cái túi quần tây.

- Hello, ba nghe đây con.

- Con tới rồi, đậu xe ngoài cổng, ba xuống đi.

Ông Tư biết mình chậm chạp nên đã mặc sẵn quần áo, giày vớ chỉnh tề ngồi đợi từ trưa. Ông lệ mệ lần từng bước xuống cầu thang. Còn có mấy nấc nữa là đến mặt đất rồi nhưng hai đầu gối ông đã thấy mõi nhừ. Ông đứng lại để thở, miệng lầm bầm “đã biểu nó mua nhà trệt mà nó có nghe mình đâu!”. Ông vừa xoa xoa hai đầu gối vừa nghĩ lại mới thấy nực cười cho sự khó tánh vô lý của mình. “Nhà của tụi nó chứ có phải nhàcủa mình đâu mà đòi nhà trệt với nhà lầu!”

Từ khi bà Tư mất, tinh thần ông Tư xuống hẳn, lẫm cẫm hơn, sức khỏe của ông cũng giảm sút theo rất nhanh. Ông không màng nhà to cửa rộng nên đem bán hết tài sản rồi chia cho hai đứa con. Ông nghĩ với số tiền hưu khá cao, ông dư sức sống thoải mái tuổi già mà không cần nhờ đến con. Cho đến ngày nào ông không còn tự lo cho mình được nữa, ông sẽ xin vào nursing home cho xong một kiếp người. Bây giờ còn khỏe ông tạm thời sống với đứa con trai út độc thân. Nó thường ở nhà cô bạn gái, thỉnh thoảng mới về nhà nó, mang theo bạn bèbày nhậu nhẹt rần rần rồi kéo nhau đi mất để lại chiến trường ngổn ngang. Ông dọn dẹp đâu vào đó cho nó. Nhưng chứng nào tật nấy, ít lâu sau nó lại kéo bạn về quậy tiếp. Ông thấy bị phiền hànên cự nự. Thằng út không nói gì, nhưng từ đấy ít thấy nó về nhà. Ông hối hận lắm nhưng bù lại ông được sống yên tĩnh hơn trong căn nhà đẹp mà không phải lo chuyện trả bills.

Ông thong thả đi trên lối đi ngoằn ngoèo xuyên qua cái công viên nhỏ, hai bên là những dải hoa hồng thật đẹp. Cả khu công viên nầy chỉ trồng một loài hoa hồng màu trắng, một sự trùng hợp lạ lùng, vì đó là loài hoa mà ngày xưa Bà Tư rất thích nên ông Tư trồng rất nhiều trong vườn sau nhà ông.

Con trai lớn của ông là Hải đang đậu xe bên lề đường đợi ông như thường lệ. Con dâu ngồi ở ghế trước bên cạnh chồng, ló đầu ra khỏi cửa xe cười rất tươi rồi rướn cổ la to vì cô biết tai ông già nghễnh ngãng:

- Ba khỏe không ba?

Nhìn con dâu ngồi chểm chệ trong xe để ông già lọ mọ mở cửa xe, ông thấy khó chịu. Ông cố dằn sự ấm ức, thở ra thật mạnh để kiểm soát cảm xúc của mình rồi hỏi lại, có vẻ ngạc nhiên:

- Ủa, mấy đứa nhỏ đâu rồi con?

Ông vừa hỏi vừa với tay mở cánh cửa sau chiếc xe Lexus mới tinh còn thơm mùi nệm da mới.

- Tụi nó có lớp piano tối nên bận ba à. Con dâu trả lời.

Ông Tư im lặng. Một nỗi thất vọng lan tràn. “Bận học đàn mà quan trọng hơn gặp ông nội sao?” Ông tự hỏi.

Xe đậu cách lề đường khá xa nên ông không với tới cửa, phải bước xuống lề đường mới mở được, chui vào, nhưng vướng phải cái nón làm nó rơi xuống đất. Ông có thói quen đội nón khi ra đường, ngày cũng như đêm vì cái đầu hói dễ bị lạnh. Ở tuổi ông khom lên xuống để lượm vật gì dưới đất là cả một cực hình. Con dâu thấy vậy bước xuống xe lượm giùm cái nón và giúp ông chui vào xe. Ông không đội nón nữa mà vất nó xuống nệm xe. Chiều California khí trời mát lạnh nhưng trong người ông nóng bức. Xe chạy thật êm ra lộ chính, bây giờ mới nghe Hải hỏi cha trong khi mắt anh vẫn chăm chú lái xe:

- Ba muốn ăn gì hả ba?

Hải nói rất nhẹ giọng đầm ấm, nhưng không biết sao khi nghe tiếng nói của Hải cất lên, ông Tư đang bực mình bổng nổi lên cơn giận. Ông trả lời cụt ngủn.

- Cho tôi ăn gì cũng được.

Câu trả lời cộc lốc của ông làm Hải chưng hửng, không biết mình đã làm gì sai trái khiến cha giận. Anh biết tánh cha già gần đây thay đổi, hay giận hay hờn, không biết đâu mà lường. Ông lại giận rất dai, có khi không chịu ăn uống cả ngày. Anh phân bua nói giã lã:

- Thì con phải hỏi để còn chọn nhà hàng nào mà Ba thích nhất chứ.

Ông Tư nghe xong lại càng thấy bực mình hơn, không còn thấy muốn ăn uống gì nữa cả, tuy ông đã nhịn ăn từ trưa để dành bụng cho bữa tiệc chiều nay. Ông nghĩ thầm, hôm nay là ngày lễ Vu Lan báo hiếu, đáng lý nó phải chuẩn bị trước mọi chuyện trước đến đón ông, sao đợi đến bây giờ mới hỏi? Thì ra nó mời ông đi ăn cũng chỉ để “trả nợ quỉ thần” cho có lệ.

Nhưng đối với ông Tư hôm nay là một ngày vô cùng quan trọng. Sáng sớm ông đã đốt nhang đèn trên bàn thờ để báo cho bà Tư biết rằng các con sẽ đến thăm bà. Ông đã để sẵn cái lục bình không, sẵn sàng để cắm những đóa hoa tươi các con mang đến cúng mẹ. Ông mong gia đình đoàn tụ, được nhìn những gương mặt rạng rỡ của con cháu, được nghe những lời yêu thương, những cử chỉ trìu mến mà ông thấy thiếu thốn từ ngày bà Tư mất. Tiếc thay thực tế không như ý muốn nên ông vừa thấy tủi thân mình vô phước, vừa thấy giận sao các con quá vô tình. Ông tự nhủ:

“Thôi bỏ đi, mình già quá rồi, còn sống được mấy ngày bên con cháu, sao lại giận với hờn làm gì. Thây kệ chúng nó”.

Tuy nói như vậy nhưng ông không thể dằn được nỗi thất vọng khi nghĩ đến “Bận gì đến nỗi không thể đến để đốt một nén hương cho mẹ ngày lễ Vu Lan sao?!"

Ông thấy chán nản vô cùng, ngồi thừ ra, không còn muốn nói chuyện hay ăn uống gì nữa. Có cái gì đang ngăn trong cổ họng. Ông già rồi đâu có màng chuyện ăn uống. Ông chỉ thèm không khí gia đình, được gặp con cháu đông đủ để chúng có dịp chứng tỏ tấm lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành. Ông chỉ cần nhìn một đóa hoa hồng trên bàn thờ cho bà Tư và một lời thì thầm “mẹ ơi con yêu mẹ” của các con.

Ông nhớ hình ảnh người vợ lam lũ ngày xưa lặn lội núi rừng nuôi chồng tù tội, mua gánh bán bưng nuôi con, cam chịu cực khổ không một lời than thở. Ngày ra tù cha con ông gặp nhau, thằng Út lần đầu tiên gặp cha đã sà vào lòng ôm cổ ông vừa kêu “ba” vừa bẽn lẽn vì chưa quen mặt. Lúc đó ông bị bịnh sốt rét hành hạ nằm liệt giường mấy tháng. Một hôm ông ăn được chén cháo tôm thật ngon, hỏi ra mới biết chính Hải, lúc ấy mới 7 tuổi, đã hì hụp quần đìa bắt được con tôm nên vội chạy riếc về nhàcho má nấu cháo cho ba ăn mau hết bịnh. Nó thiếu tình cha nên nó biết quí, cũng như hôm nay ông đang thiếu tình con, ông quí lắm nhưng không biết phải làm sao để bày tỏ nỗi lòng cho con hiểu!

Ông nhớ ngày xưa, mỗi đêm khi chạy xe xích lôvề nhà, các con đợi ông ngoài đầu hẻm để được cha chở trên chiếc xích lô, mặt chúng vênh váo với đám trẻ con trong xóm. Chúng sung sướng được mút cây cà rem hay nhai nhóp nhép cái bánh ú mà ông mua cho. Tiếc thay con của ông ngày nay không còn là đứa bé để ông có thể ôm chúng vào lòng mà hôn, hay cho chúng cây cà rem, cái bánh ú như ngày xưa. Chúng cách xa vời vợi ngoài tầm với của ông già lẫm cẫm, run rẩy.

Rồi ông rưng rưng nước mắt thấy thương Bà Tư, thương cho tình nghĩa vợ chồng sâu đậm. Ước gì bà còn sống thì ông đâu có cô đơn như ngày hôm nay!

Ông chợt nhớ đến đóa hoa hồng trong túi áo mà ông đã hái lén trên đường đi lúc nảy, tuy ông dư biết rằng hái hoa ngoài công viên là điều không tốt. Ông nhè nhẹ lấy nó ra khỏi túi áo, chỉ sợ mạnh tay làm hoa hư hỏng. Nâng niu đóa hoa trong lòng bàn tay, ông vuốt ve từng cánh hoa trắng mong manh mà tưởng như đang ve vuốt bàn tay ân nghĩa của người vợ hiền. Ông hái trộm hoa nầy với ý định sẽ dâng tặng cho bà Tư. Bất chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu, ông trao đóa hoa đang cầm trên tay cho Hải, rồi bảo:

- Ba muốn thấy con cài đóa hoa hồng nầy lên áo.

Hải tròn xoe mắt, quay đầu lại nhìn ông và bắt gặp mắt cha già lờ mờ trong ngấn lệ. Anh chợt hiểu ra. Như người say ngủ bất chợt bị đánh thức, anh thấy ngỡ ngàng, xấu hổ. Hối hận ngập lòng. Rồi như một phản xạ, anh quay đầu xe trở lại, chạy thẳng về nhà ông Tư trước sự ngơ ngác của vợ. Tay anh với lấy tờ napkin chùi vội nước mắt. Mắt anh cũng đỏ hoe.

“Hôm nay là ngày lễ Vu Lan, ngày báo hiếu”.

Tuy mắt mũi lòe nhòe, ông Tư thấy Hải tay cầm đóa hoa hồng nhìn ông với đôi mắt rưng rưng. Ngày xưa ông thấy hạnh phúc khi nhìn con tươi cười sung sướng cầm trên tay cái bánh ú, nó sung sướng vì nó thiếu ăn. Ngày nay ông nhìn con tay cầm đóa hoa hồng nhưng nó lại khóc. Nó khóc vì thiếu mẹ thì ít, nhưng sung sướng thì nhiều vì vừa ý thức được một điều mà trước đó nó không để ý, đó là nó may mắn còn có cha già ơn sâu nghĩa nặng.

Hạnh phúc tưởng đã chết từ lâu rồi trong cô đơn lại trở về sưởi ấm tim ông. Nếu ngày mai ông phải từ giã cõi đời nầy, ông không có gì luyến tiếc. Ông sẽ thanh thản ra đi với trái tim ấm áp nồng nàn với tình cha con sâu đậm.

“Cám ơn mình... cám ơn … xin cám ơn mình”.

Ông thì thầm, môi rung rung nói lời cảm tạ.

Đã lâu lắm rồi ông Tư mới khóc.

Chú Chín Cali

Ý kiến bạn đọc
18/08/201723:04:34
Khách
Thiên hạ khóc quá trời khi đọc bài nầy . Chú 9 VK thành công khi lấy nhiều nước mắt của độc giả . Bần tăng lại cười . Chắc chú 9 và độc giả của chú 9 VK nghĩ rằng bần tăng khùng ? Ừ thì khùng nhá .
Chú 9 VK chỉ còn một lằn chỉ đỏ nữa thôi là thành nhà văn . Buồn buồn cho độc giả khóc sướt mướt rồi chú 9 VK ngồi nhà che miệng cười ruồi . Tại sao bần tăng lại cười mà không chịu khóc như vua tiếu lâm Tân Ngố hay Quan ngố ? Tại vì chú 9 ép nhân vật của chú 9 quá sức . Ép già Tư , ép mấy đứa con của già Tư . Ép già Tư phải bực bội với con, với dâu và cả cháu nội nữa .
Bố cục gượng ép . Ông Tư tù cải tạo có thể sang Mỹ theo diện HO . Lớn tuổi, không có chuyên môn như chú 9 VK, già Tư làm gì , hội nhập ra sao mà hưởng SSI cao ? Có tài sản nhiều . Khi Bà Tư qua đời bán hết chia cho con . Không ai làm thế . Khi đà vô sản thì về ở với con Út rồi còn than phiền nhà không có phòng dưới đất . Già Tư than phiền càm ràm con, cháu, dâu mà không thấy ông làm gì cho con cháu ngoại trừ chia tiền cho tụi nó . Ở với thằng út free dọn dẹp chút xíu mà cằn nhằn khiến thằng út ít về nhà . Tóm lại già Tư là một người cha , người ông tồi .
Khi vợ qua đời trước là điều xui xẻo . Bần tăng vẫn nguyện Ông Trời, Chúa Phật cho bần tăng băng hà trước bà vợ , để khỏi depress, khỏi phải sống lê thê cô độc (ích kỷ há) . Già Tư xui nhưng tại sao lại bán nhà cửa rồi chia tiền cho con . Không ai làm thế . Ông Tư đã không xây dựng một mái ấm gia đình . Ông có thể giúp con ông bằng cách đưa rước cháu đi học , giữ cháu những khi cha mẹ nó bận . Ông có thể dẫn cháu đi dạo , kể chuyện đời xưa , đi ăn kem ... Tình Ông cháu sẽ nẫy nở . Ông có thể mua đồ ăn đến nhà con để ăn tối hay mời gia đình con đến nhà ăn tối , hay tổ chức nướng thịt ngoài trời . Tạo dịp gần gủi và nhắc nhở chúng nó đốt nhang bàn thờ mẹ nó . Riêng Út có thể ở vớii ông , nhà cho mướn . Những khi bạn bè tụ tập thì có thể giúp nó dọn dẹp . Vận động bao giờ cũng tốt cho người già . Cởi mở, gần gủi giúp đở con cháu sẽ tạo nên một mái ấm gia đình
Tu tại tâm , chùa tại tâm , Phật cũng tại tâm . Đâu cứ gì phải cài hoa hồng trắng mới tưởng nhớ đến mẹ mình . Chỉ là một biểu tượng mà không nghe nói già Tư đã giảng giải cho con nghe ý nghĩa hoa hồng trắng ngày lễ Vu Lan . Sự tích bông hồng cài áo là do thiền sư Thích nhất Hạnh lang thang bên Nhật . Ông ta thấy người Nhật cài bông hồng trắng ngày Mother (day) bèn đem về VN phát động Bông hồng cài áo ngày Vu Lan
Chú chín VK viết thì được nhưng tạo một cốt truyện không hợp lý , nhiều mâu thuẩn , gượng ép nên khó mà lấy nước mắt của bần tăng . Nếu cẩn thận trong việc xây dựng cốt truyện cho hợp lý thì chú 9 mới xứng đáng giựt giải 10K đô năm tới .
Đọc bài nầy bần tăng cười . Nhưng bài Thương Quá Người Dân Quê Tôi , bần tăng ứa nước mắt . Thương quá người dân Quảng Trị đà gánh quá nhiều tai ương trong cuộc chiến
13/08/201714:35:05
Khách
Đọc các mục tâm sự ở báo Mỹ hàng ngày hay vào các viện dưỡng lão thì thấy rằng tình cảnh và tâm trạng của chính những người dân bản xứ ở Mỹ cũng chẳng khá hơn, nghĩa là con cháu cũng rất ít khi đến thăm ông bà, cha mẹ- vì lý do này hay lý do nọ, và các đấng sinh thành cũng bày tỏ niềm mong nhớ hay trách móc chúng.

Thôi thì muốn có tự do, muốn được sống trong môi trường sạch, muốn được ăn thực phẩm an toàn, v..v....thì cũng phải trả bằng một cái giá nào đó !

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.
Hầu hết người Việt Nam di cư đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người), Pháp (125,7 nghìn người), Đức (gần 113 nghìn người) .
13/08/201712:36:52
Khách
Nhìn cảnh con, cháu mình quá vất vả với cuộc sống để trang trải mọi thứ chi phí như tiền nhà, tiền xe, đủ thứ tiền bảo hiểm, tiền vay nợ trong lúc đi học, etc. của chúng mà thấy xót xa và thương.

Giới trí thức như bác sĩ y khoa hoặc giáo sư đại học về STEM phải vắt óc cho kiệt hàng phút, hàng giờ trau dồi nghề nghiệp để có miếng ăn, manh ao cho bản thân mình và gia đình. Thành phần trí thức đã vậy thì giới lao động, có lẽ, còn tệ hơn nhiều.

Viết tới đây hai hàng giọt lệ đọng nơi khóe mắt nhưng biết làm sao đây vì: "Nhập Giang Tùy Khúc, Nhập Gia Tùy Tục" để sinh tồn.

P.S: Mình có thực sự thương con mình thì đừng sinh chúng nó ra để rồi khổ cả hai bên.
13/08/201703:43:50
Khách
Đọc bài xong cháu thấy ngẩn ngơ, muốn khóc. Thấy thương ba mẹ quá. Cám ơn Chú Chín.
13/08/201702:15:59
Khách
Giống như ông Nguyễn Viết Tân, theo tôi bài viết này thật cảm động. KHÓC. Tôi rơi nước mắt theo từng đọan văn cho đến hết câu chuyện. Có thể vì luống tuổi nên khiến tôi dễ mủi lòng chăng? Hay vì nhờ tác giả đã khéo chọn bố cảnh, cẩn thận sắp xếp chi tiết hợp lý và rất thực? Phải chăng vì Chú Chín Cali đã ngộ ra tình gia đình thiêng liêng nên chỉ với cách viết văn giản dị cùng văn từ mộc mạc nhưng tạo nên một câu chuyện vô cùng cảm động đi thẳng vào tâm tư và trái tim một độc giả cao niên như tôi. Truyện ngắn này thật hay!

Theo tôi một khía cạnh nữa về truyền thống gia đình người Việt mà tác giả đã nhẹ nhàng mà thâm thúy nêu ra là ‘Trẻ cậy cha, già cậy con’. Sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái như ca dao có ghi:
Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.

Ông Tư được tác giả minh hoạ sống trong thời đại tân tiến không hề kỳ vọng hai con kề bên để phụng dưỡng ông, dù ông đã bán nhà cho hết tiền cho chúng. Ông đã sống đã lo cho con không hề muốn làm phiền đến con. Nhưng trong tận thâm tâm ông có những kỳ vọng. Sự kỳ vọng nhỏ nhoi của ông Tư trong truyện đã làm tôi rơi nước mắt. Ông Tư kỳ vọng và khao khát những hạnh phúc quá đỗi đơn sơ ‘thèm không khí gia đình, được gặp con cháu đông đủ”. Cái kỳ vọng cái tình cảm gia đình cha mẹ và con cái mà ông ở tuổi già đã ngẫm ra, khi xưa ông bị Cộng Sản bắt tù đày cải tạo con ông ‘thiếu tình cha nên nó biết quí, cũng như hôm nay ông đang thiếu tình con, ông quí lắm”.

Đọc bài viết hôm nay làm tôi liên tưởng đến bài ‘Chim Rời Tổ Mẹ’, một truyện thật ngắn rất hay Chú Chín Cali đăng năm vào tháng 4 năm 2016, với cùng một chủ đề về tình cha mẹ và con cháu của người Việt sống tha hương. Một độc giả đã có đôi dòng tự sự như sau, ”người đọc vô cùng thấm thía khi chú lột tả cái khắc nghiệt của kiếp luân hồi vì nước mắt chảy xuôi như chim rời tổ. Cha mẹ già ở phương Tây dán mắt trông ngóng con cháu về nhà thăm viếng. Cha mẹ sống cô đơn quanh quẻ, thương yêu con cháu tràn trề và tự an ủi rằng nước mắt có chảy ngược bao giờ. Như chim kia đủ lông đủ cánh, con cháu trưởng thành xa rời tổ ám gia đình”.

Tóm lại, một bài viết thật cảm động và có duyên. Xin cảm ơn Chú Chín Cali và mong các bài viết mới của ông.
12/08/201720:04:57
Khách
KHÓC.
Nguyễn Viết Tân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,397,114
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến