Hôm nay,  

Buche de Noel và... Tôi

13/12/201600:00:00(Xem: 10570)

Tác giả: Hoàng Nga
Bài số 4990-18-30690-vb3121316

Tác giả đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Các ông già Noel đang xuất hành khắp nơi. Đã tới lúc nghĩ trước tới món bánh giống cây củi mùa đông. Mời thưởng thức sớm hình ảnh một Buche de Noel trang trí đơn giản của Hoàng Nga, cùng bài viết chia xẻ kinh nghiệm.

* * *

blank
Bánh của Pháp.

"Find something youre passionate about and keep tremendously interested in it."

Julia Child.

Bánh của Pháp, nổi tiếng là ngon và thanh nhã. Nên gần như ở thành phố nào trên nước Mỹ cũng có một pâtisserie, tiệm bánh Pháp. Người Việt vốn gắn bó với croissants, pâté chaud, choux cream, gateaux, madelein… đã lâu, bánh mì baguette kể từ khi du nhập vào Việt Nam thời Pháp thuộc, còn “bị” biến thành là món “của” mình. Bánh mì ổ “biến tấu” thành bánh mì chiên tôm, bánh mì hấp, bánh mì chà bông, bánh mì paté thịt nguội... Lúc người Việt di tản, bánh mì thịt nguội xuống tàu vượt biên theo ra hải ngoại, rồi có mặt ở khắp mọi nơi.

Gần đây, trong những chương trình nấu ăn trên đài truyền hình Hoa Kỳ, món bánh mì nhận thịt với những cái tên như Vietnamese-style Sandwich, Vietnamese Banh Mi... xuất hiện thường xuyên trong các show thi nấu ăn như Chopped của Ted Allen; Cutthroat Kitchen của Alton Brown, Grocery Games của Guy Fieri…, hay những show giới thiệu món ăn ngon của các ngôi sao, đầu bếp nổi tiếng do Alex Guarnaschelli, Bobby Flay, Andrew Zimmern…, đảm nhiệm. Và không những chỉ hiện diện, đài truyền hình Foodnetwork còn ra một cuốn “kim chỉ nam” làm bánh mì Việt Nam, có tên là “The Banh Mi Handbook: Recipes for Crazy-Delicious Vietnamese Sandwiches”, với giá bán là 16.99 đô la, trong đó có những bài viết và giới thiệu rất xôm tụ. (Chỉ có điều tôi không biết họ lấy từ đâu ra mà có… năm mươi cái công thức làm bánh mì nhận thịt!).

Bánh Pháp, bao gồm cả bánh mì và bánh ngọt, rất dễ hấp dẫn thực khách từ cái nhìn cho đến mùi vị. Mỗi bận nhớ đến Paris, là tôi lại nhớ cái mùi thơm nồng nàn của những tiệm bánh mì, lại nhớ những chiếc croissants vàng ngậy, những chiếc bánh ngọt petite được chưng bày đẹp đẽ và thanh lịch trong những tủ kính bóng loáng. Và rồi cuối cùng thế nào cũng lại nhớ đến Buche de Noel, bánh khúc cây.

Bánh Buche de Noel thường được dùng gần như là một truyền thống trong mùa Giáng Sinh ở Pháp, ở Bỉ. Sau đó lan sang Canada, Liban, và một số nước nói tiếng Pháp hay thuộc địa cũ của Pháp. Đây là một loại bánh bông lan có tên génoise, còn gọi là sponge cake hay swiss roll, được cuộn thành hình một khúc cây, nhân bên trong là mứt (marmelade), hoặc kem tươi (whipping cream) thỉnh thoảng trộn chung với trái cây; và phía bên ngoài phủ một lớp sô cô la (chocolate genache) hoặc kem sô cô la (chocolate butter cream). Đến mùa Giáng Sinh những ổ bánh kem bình thường này được trang trí thêm bằng trái cherry, dâu tươi, hay những búp nấm được làm bằng lòng trắng trứng gà và đường (meringue), điểm thêm vài chiếc lá thông thật hoặc làm từ kem. Nhiều ổ bánh sắc sảo hơn thì còn có Santa Claus hay snowman, tuần lộc kéo xe, chuông, thợ kéo gỗ vân vân, nặn từ fondant hay gumpaste -một loại hỗn hợp giữa đường, tròng trắng trứng và cream of tartar hoặc tylose…

Buche de Noel bắt đầu có thế kỷ thứ mười sáu nhưng mãi đến thế kỷ thứ mười chín người dân Paris mới phổ biến rộng rãi món ăn này. Khởi đầu từ chuyện người Celt đốt những khúc gỗ sồi, gỗ du và gỗ cây cherry vào những ngày cuối năm để chuẩn bị chào đón mùa xuân sắp về để cầu mong mùa gặt hái kế tiếp được nhiều may mắn; đến thế kỷ thứ mười hai, nhiều người Công Giáo tại Pháp du nhập tục lệ và truyền thống này vào gia đình của họ bằng cách để người con trai nhỏ tuổi nhất kéo khúc gỗ vào nhà mình và tin rằng ngọn lửa cháy lên từ những khúc gỗ này sẽ đốt đi những điều sai trái trong năm cũ. Nhiều ngày trước khi các khúc gỗ này được đốt, người ta sẽ trang trí chúng bằng những sợi giây ribbon xanh, đỏ rất đẹp mắt, và chế rượu, dầu ô liu, cũng như rải muối lên trên cho có mùi thơm. Tại Provence, hay tại Brittany, mọi người trong gia đình sẽ cùng đốt những khúc cây này lên rồi cùng cầu nguyện xin Chúa ban phước lành. Tại Burgundy thì trẻ em cầu nguyện ở một phòng khác, sau khi cầu nguyện xong chúng sẽ chạy đi tìm quà mà cha mẹ sẽ dấu dưới các khúc cây. Nhiều năm sau, do tình trạng dân cư càng lúc càng tăng, lò sưởi ngày càng xây nhỏ lại, thay vào đó người ta trang trí một khúc gỗ rồi đặt lên bàn ăn. Dần dà về sau, chúng biến thành những chiếc bánh khúc cây hấp dẫn ngọt ngào.

Một trong những người có công đưa cái ngon, cái thanh nhã, cái đẹp của món ăn Pháp vào Hoa Kỳ là bà Julia Child. Có rất nhiều câu nói của bà đã trở thành như những nhận định, được dân sành điệu ăn uống tán thưởng, và được rất nhiều người trích dẫn. Chẳng hạn như khi bà cho rằng chỉ có bốn loại nghệ thuật lớn là âm nhạc, hội họa, điêu khắc và trang trí bánh ngọt, thì không hề bị ai phản đối, hay câu khác “một bữa tiệc không có bánh ngọt thì chỉ là một buổi họp” vẫn thường được khen ngợi…

Julia Child sinh ngày 15 tháng 8 năm 1912, là đầu bếp, là người viết sách và là người làm chương trình truyền hình nổi tiếng của Hoa Kỳ về nghệ thuật nấu nướng. Bà lớn lên trong gia đình giàu có với nhiều người giúp việc và có cả đầu bếp riêng tại nhà. Năm 1930 bà theo học ngành lịch sử tại đại học Massachusetts. Trong thời gian chiết tranh thế giới lần thứ hai, bà làm việc cho văn phòng Strategic Services, với ước mơ sẽ trở thành một điệp viên. Sau khi ra trường và làm việc, bà thường được gửi đi công tác ở nước ngoài, nên cũng chính vì vậy mà vào năm 1943, bà đã có cơ hội gặp Paul Cushing Child. Mối tình lãng mạn của hai người đã chớm nở khi họ cùng được chuyển đến Trung Hoa. Chính Paul là người đã truyền cho bà niềm yêu thích những món ăn thanh nhã và giới thiệu với bà về nghệ thuật làm bếp của Pháp.

Hết chiến tranh, bà Julia về Beverly Hills để theo học ngành nấu nướng. Năm sau hai người cưới nhau, rồi Paul chuyển sang làm ngoại giao và nhận nhiệm sở mới ở Paris vào năm 1948. Tại nơi đây đã mở ra một cánh cửa mới cho cuộc đời của Julia Child. Bà quyết định học tiếng Pháp và học nấu nướng món Pháp. Một thời gian sau bà ghi danh vào trường dạy nấu ăn Cordon Bleu nổi tiếng. Rồi cùng với hai người bạn học, Simone Beck và Louisette Bertholle, bà đã mở trường L'Ecole des Trois Gourmandes (School of the Three Gourmets), đồng thời bắt đầu viết sách nấu ăn với Simone Beck. Năm 1961, bà quay về lại Massachusetts sau khi chồng nghỉ hưu và bắt đầu sự nghiệp từ đấy.

Trong cuốn “Mastering the Art of French Cooking” gồm hai tập, mỗi tập dày 600 trang, được phát hành cùng năm, Julia Child đã cho người đọc thấy cả tâm tình, lòng nhiệt thành và sự đam mê của mình. Hoàn toàn không giống như những cuốn sách dạy nấu ăn khác chỉ có công thức và phương pháp, bà giải thích tường tận, tỉ mỉ và rõ ràng với rất nhiều hình ảnh thật hữu dụng để người dùng công thức của bà có thể thực hiện được một cách mỹ mãn. Bà Julia Child đã rất thành công khi làm chương trình truyền hình mang tên The French Chef, do có nhiều kiến thức cộng thêm sự tinh tế trong cách giảng dạy. Bà có một phong cách riêng, đặc biệt rất khôi hài và duyên dáng trong khi chỉ dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và công thức nấu nướng của mình. Năm 1965, rồi sang năm 1966, bà đã nhận được những giải thưởng như Peabody, Emmy... Tiếp sau đó là những thành công vang dội trong lãnh vực sách báo, truyền hình. Bà đã tham dự rất nhiều chương trình, và trở thành một trong những người sáng lập học viện Rượu và Thực Phẩm Hoa Kỳ (the American Institute of Wine and Food).

Trong thời gian sống tại Cambridge, vợ chồng bà Julia đã xây một căn bếp không thiếu bất cứ một dụng cụ làm bếp nào tại nhà của mình. Về sau này bà đã dùng căn bếp này để thu hình cho những chương trình truyền hình. Trước khi qua đời, vào năm 2002, Julia Child tặng căn bếp này cho viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Hoa Kỳ, Smithsonian tại Washington DC, dùng để triển lãm.

Người ta thường hay nhắc đến Julia Child là người đầu bếp nổi tiếng, người viết sách nấu ăn tuyệt vời, và cũng là một trong những người thành công muộn nhưng rực rỡ. Công thức nấu ăn của Julia Child rất nhiều. Nhiều đến nỗi một cô gái trẻ dân New York, Julie Powell, đã ước muốn thực hiện 542 công thức nấu ăn của bà từ cuốn “Mastering the Art of French Cooking” trong vòng 365 ngày. Sau đó cô đăng tất cả những gì mình thực hiện được lên trên một blog riêng và được rất nhiều người ủng hộ. Năm 2009, nữ đạo diễn Nora Ephron đã dựng lại cuốn phim mang tên Julie & Julia, do Meryl Streep và Amy Adams đóng vai chính, nói về một phần cuộc đời của Julia những năm bà mới khởi nghiệp trong ngành ăn uống và cô gái trẻ Julie Powell. Cốt chuyện chính nêu lên sự tương đồng giữa hai người phụ nữ khi tìm ra mối đam mê của mình, và biến niềm đam mê ấy thành sự thật, tương tự như lời bà Julia Child từng nói, "Find something youre passionate about and keep tremendously interested in it."

Bà Julia chỉ cách nấu ăn rất tỉ mỉ, cặn kẽ. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi, thì đôi lúc cái “quá” này làm người đọc thấy… sợ. Sợ vì thấy mình không có đủ kiên nhẫn, không đủ thì giờ và không đủ cả đam mê để bắt tay vào làm. Gia đình tôi, cả ba mẹ con đều thích nấu ăn, nên cũng đã thử được kha khá công thức nấu nướng của bà Julia. Tuy nhiên thường là chỉ sau khi… thất bại với những… bí quyết “mì ăn liền” đọc thấy trên internet mà các sư phụ các blog ấy hay quảng cáo là ”cực dễ”, “cực nhanh”, “shortcut”, “easy cook”, “only in a few minutes” vẫn “ngon không kém gì nhà hàng”, hoặc “impressive like professionals” vân vân, thì lúc đó chúng tôi mới chịu khó ngồi xuống đọc kỹ lưỡng lại công thức của bà.

Có thể nói, không phải công thức nào của Julia Child cũng đều hợp khẩu vị với tất cả mọi người, chẳng hạn như bà cho quá nhiều muối trong bánh mì, croissants…, hay một vài món khác thì lại khá nhiều bơ… Tuy nhiên cách hướng dẫn của bà rất đáng tin cậy. Nếu thận trọng đọc và làm theo từng bước như bà chỉ, tôi chắc chắn kết quả bánh sẽ ra bánh, món sẽ ra món. Một trong những món tôi theo công thức của bà và rất thích là Buche de Noel.


Buche de Noel có mặt trong những ngày cuối đông, trùng dịp với ngày Chúa Jesus giáng thế, nên nhiều sử gia cho rằng Noel có nguồn gốc tiếng La tinh là Natalis có nghĩa là “hạ sinh”, vì thế trên những ổ bánh khúc cây vào dịp này thường hay được trang trí với những hàng chữ “joyeux Noel”, “Merry Christmas”, hay “mừng Thiên Chúa giáng sinh”. Người có đạo mừng Chúa từ giã ngôi vị cao trọng giáng thế làm người để cứu rỗi những ai tin Ngài, còn người không có có đạo thì hoà theo niềm vui của kẻ được đã rỗi về phần hồn. Những truyền thống dựng cây thông Giáng Sinh, làm hang đá nơi Chúa Jesus ra đời, rồi ăn réveillon, lễ nửa đêm không chỉ ở phương tây, mà đã rất quen thuộc với người Việt từ trước 75, Buche de Noel vì thế cũng không xa lạ gì với người miền nam. Nếu người nào đó chưa từng ăn vì không thích thức ăn ngọt, hay vì lý do nào đó, cũng có thể nhìn thấy ở nhiều tiệm bánh ngọt quanh phố.

Sau khi miền Nam mất, thì những chiếc bánh Buche de Noel và cả những chiếc bánh kem khác cũng gần như đã biến mất theo. Giáng Sinh, tôi thường bùi ngùi đứng nhìn tượng Chúa hài đồng, nhìn hang đá trong sân nhà thờ mà nhớ cái tưng bừng, nhớ cái không khí ngày trước. Những mùa lễ lạy sau 75, thường rất nặng nề vì nhiều linh mục và mục sư bị bắt trước giờ cử hành lễ khiến giáo dân, tín đồ hoang mang, sợ hãi. Có thể nói có đạo vào thời điểm đó, đã là một điều… xa xỉ, huống gì là bánh trái, thức ăn dành cho những ngày lễ, nên có lẽ vì vậy mà khát khao của tôi rớt xuống chỉ còn lại là một… chiếc bánh kem vào sinh nhật thứ mười tám của mình.

Thay cho những dự tính, những kế hoạch mà ba tôi đã chuẩn bị sẽ cho tôi ra nước ngoài du học như chị tôi ngày trước; thay cho hoài bão, thay cho khát vọng, tôi đã ước mơ rất tầm thường là sẽ nấu được một nồi súp, làm một cái bánh và mời vài đứa bạn thân tới nhà vào ngày tròn tuổi. Nên tôi bắt đầu xin mẹ cho tôi… nuôi một con gà. Con gà trống thiến!

Khi mẹ tôi nghe như vậy, bà đã thở dài nhìn tôi buồn bã và mãi sau mới nói được vài chữ, là phải chi bà còn tiền… Tôi an ủi mẹ, bảo chỉ cần được như vậy cũng đủ làm tôi vui rồi. Mẹ tôi làm thinh nhưng sau đó bà chuẩn bị cho tôi một cái lồng tre và một chiếc đệm bằng cói, rồi những ngày sau đó thì chuyển sang lo lắng vì không biết con gà có… lớn kịp hay không. Lo thêm chuyện tôi đã không biết làm bánh, nhà lại không có lò nướng.

Cái bánh kem có vẻ như chuyện đội đá vá trời! Thuở ấy, sau khi những chị người làm đã bị “cách chức vĩnh viễn”, công việc nấu cơm, rửa chén quét nhà… thuộc về tay nhân dân, ngày hai bữa tôi là kẻ phải xông pha khói lửa nấu nướng cho cả nhà. Kể ra thì tôi nêm nếm cũng không đến nỗi khó ăn, nhưng mẹ tôi cứ thở vắn thở dài mỗi khi thấy tôi rị mọ với con gà và bàn chuyện sinh nhật. Tôi không biết mẹ tôi đã không đủ sức tin con gái mình hay vì bà cảm thấy xót thương tôi quá mà lại tỏ “mối quan ngại” của mình qua những tiếng thở dài như vậy. Thỉnh thoảng bà lại nói hy vọng là sẽ không có gì trục trặc, chẳng hạn con gà sẽ… lăn đùng ra chết vì dịch cúm kiếc gì đó! Chắc có lẽ mẹ tôi đã nghĩ đến chuyện… thua me gỡ bài cào, đã mong nếu con gà không “lên đường” trước ngày sinh nhật tôi, thì cái bánh có tệ quá cũng còn một chút gì để… vớt vát.

Mẹ tôi không biết tôi đã tự tin như thế nào. Tôi khoe với bà là tôi đã giấu được cuốn sách nấu ăn sau “chiến dịch truy lùng tàn dư văn hóa Mỹ ngụy”, và chỉ cho bà thấy trong đó có một công thức làm bánh bông lan không cần lò nướng và đánh kem không cần máy. Tôi đinh ninh cuốn sách gia chánh ấy do một người có tên tuổi viết thì không thể nào trật đi đâu được, ngô khoai hẳn sẽ ngon lành. Vì thế tôi bắt đầu đi lùng sục mua đường mua bột. Vào những năm ấy, tuy đường cát trắng đã thuộc loại quí hiếm, nhưng cũng còn có thể kiếm ra. Cái “vấn đề” còn lại cho ổ bánh của tôi là nằm ở vụ bột mỳ. Giống mọi người, chẳng thể tin vào bất cứ cái gì made in… Liên xô, nên tôi đã phân vân lưỡng lự rất lâu, nhưng cuối cùng vì tất cả những thứ dính dáng đến… Mỹ ngụy đều bị quét sạch ra khỏi chợ, tôi đành khuân về nhà nửa ký bột viện trợ. Con em tôi đã cầm lên, lật tới lật lui một hồi rồi đưa ra nhận xét:

- Bột mỳ “xịn” theo tui đoán, thì chắc chỉ có ở… trung ương. Còn cái bột này mịn màng quá, nhưng lại không tỏa hương… cứt chuột, cứt gián như mấy thứ bột mỳ tui thường thấy ở ngoài chợ nên tui nghi đây chỉ là bo bo xay nhuyễn.

Sau đó con nhỏ cười hi hí, nói thêm, “thời buổi này, tin ai được chớ! À mà quên, không được gọi là bo bo mà phải gọi là cây cao lương”, rồi cuối cùng nó kết luận một câu như… sét đánh:

- Vì là cao lương nên tui hy vọng bà sẽ làm ra được một ổ bánh… mỹ vị!

Cái con em ác nhơn thất đức của tôi giáng trúng ngay điểm yếu, quậy đúng ngay vào nỗi lo sợ của tôi. Cuốn sách dạy nấu ăn ấy có ghi rõ ràng là phải dùng bột mỳ số 8 mà tôi vốn đã mua bột mỳ Liên Xô không biết… số mấy rồi, nếu nhỡ tôi đã mua phải bột bo bo, bột cao lương như con nhỏ nói, thì chẳng biết số phận cái bánh mơ ước của tôi sẽ đi về đâu! Nhưng về sau này, khi nấu ăn làm bánh nhiều rồi, tôi mới biết ra bột bo bo có bán ở rất nhiều ở siêu thị Mỹ, có tên thông dụng là sorghum flour, thường hay thấy nhất là do hãng Bobs Red Mill nổi tiếng sản xuất. Đấy là một loại bột không chứa chất gluten, nên những người mắc bị bịnh tiểu đường hoặc bị dị ứng với bột mỳ, thường dùng để nấu và làm bánh. Nhưng vì nó không chứa chất gluten, nên để đạt được kết quả tốt, tương tự các loại bánh khác, phải trộn thêm một ít bột gạo (cho cookies), hay bột bắp, bột năng (cho bánh bông lan), hoặc xanthum gum (cho bánh mì).

Vào cái thưở nhà đã nghèo, “kinh tế thị trường” đã eo hẹp, thiếu thốn đủ thứ mọi bề, tôi còn… tài hèn sức mọn, nhưng chỉ vì khát khao được cắm một ngọn nến trên cái bánh kem cho ngày mười tám tuổi, nên đã đặt hết niềm tin vào… cuốn sách nấu ăn. Nhưng phải thật tình mà nói, cho đến cả ngày hôm nay cũng vậy, rất nhiều sách dạy nấu ăn, và những trang web chỉ dạy cách nấu ăn của người Việt thường được viết khá sơ sài, hoặc không mấy rõ ràng. Nếu như là người rành nấu nướng, khi đọc “nêm chút muối, chút đường cho vừa ăn”, thì chắc chắn chỉ mỉm cười và sẽ biết bỏ vào nồi bao nhiêu thìa muối thìa đường để cho “vừa”, nhưng ngược lại với người thiếu kinh nghiệm, “một chút” ấy, có thể sẽ làm hỏng nguyên cả nồi hoặc vì quá nhạt, hoặc vì quá mặn.

Tôi đã tin và đã mường tượng ra cái bánh của mình sẽ phồng xốp, trên mặt là một lớp kem mịn màng. Tôi không còn nhớ cái công thức trong cuốn gia chánh ấy bảo dùng bao nhiêu đường bao nhiêu bột, nhưng vẫn còn nhớ tác giả đã viết về cách làm vô cùng đơn giản. Là chỉ cần đánh trứng và đường cho nổi (mà không nói rõ như thế nào là “nổi”), sau đó trộn bột và bột nổi từ từ vào, cuối cùng đổ vào một cái nồi gang có quét dầu hoặc bơ, rồi đặt lên một cái bếp than, phía trên nắp phủ đầy than nóng, và nướng cho tới khi… bánh vàng!

Một cái công thức thật hết sức ngoạn mục. Hết sức quyến rũ, hết sức hấp dẫn và “hết sức thuyết phục” đối với những kẻ… chưa từng làm bánh bao giờ như tôi! Nên vì thế, tôi cũng đã vô cùng… ngoạn mục. Có nghĩa là để chắc ăn cho biết khi nào bánh vàng, tôi cứ thỉnh thoảng cứ “mục”, cứ mở nắp ra xem chừng. Tôi không hề biết chuyện mở nắp ra như vậy là điều tối kỵ khi nướng bánh, nhất là bánh bông lan. Bởi vì không khí lạnh từ ngoài sẽ tràn vào lò nướng làm bánh bị chai đi, và chưa kể đến cái “lò” nồi gang ngồi trên bếp, có đội một mớ than đỏ ấy của tôi còn không thể kiểm tra được nhiệt độ đang nướng là bao nhiêu!

Cái bánh ước mơ của tôi, cho đến lúc được lấy ra khỏi “lò”, là một cái bánh có… ba tầng. Tầng cuối cùng nằm sát nồi đen thùi lùi như cơm cháy, tầng thứ hai hơi nhão nhão ở chính giữa, đặc quánh như bánh… khoai mì ở chung quanh, và tầng cuối cùng thì sem sém vàng. Lúc lấy được cái bánh ra khỏi “lò” rồi, tôi đã ngồi ngó nó như ngó tuổi mười tám của tôi ám khói, thảm não đang bước tới với mình.

Nhưng tôi đã khóc không nổi vì sững sờ tiếc của và bần thần không biết sẽ làm gì với nó. Tuy nhiên người ta thường hay nói mười tám tuổi sẽ có rất nhiều điều để nhớ, và nhiều chuyện thần kỳ sẽ xảy ra. Nên chắc vì vậy mà ngày mười tám tuổi của tôi đã có một bà tiên hiện đến với tôi. Đó là người sui gia với người chị con bác tôi. Bà là đầu bếp, chuyên nấu ăn, làm bánh cho các giáo sĩ người Mỹ trước năm 75. Bà đã ghé thăm ba mẹ tôi trên đường đi Đà Lạt. Chỉ tiếc là bà đã đến hơi muộn. Chút xíu. Chút xíu thôi, trước khi tôi bắt đầu thực hiện cái công thức làm bánh… quỷ khốc thần sầu!

Chưa kịp nghỉ ngơi, bà đã xuống bếp, giúp tôi đánh kem, trang trí, làm viền đăng ten, và dùng những lời lẽ thật dịu dàng, êm ái để an ủi tôi. Cuối cùng, nỗi tang thương của tôi cũng dịu xuống vì cái bánh, nếu trừ phần “nội dung” do tôi đảm nhiệm, thì gần như là một cái bánh mà tôi đã mơ ước.

Mấy mươi năm sau, lúc đã đọc Kinh Thánh khá nhiều rồi, tôi mới nghiệm ra bà đúng là một người nữ tài đức, vừa giỏi giang nội trợ, vừa hiền lành đức độ như vua Salomon từng khen ngợi trong sách Châm Ngôn. (“Nàng mở miệng ra cách khôn ngoan. Phép tắc nhơn từ ở nơi lưỡi của nàng. Nàng coi sóc đường lối nhà mình. Không hề ăn bánh của sự biếng nhác…”).

Và cũng mấy mươi năm sau, mỗi năm cứ đến sinh nhật Chúa thì tôi lại làm Buch de Noel, và đến sinh nhật mình thì lại bông hoa kem kiếc rộn ràng. Những ổ bánh tôi làm mỗi năm… có vẻ như ngon hơn, đẹp hơn. Tôi nghĩ chắc có lẽ vì tôi đã bỏ thêm vào đó một chút đam mê như bà Child nói. Và riêng với “bà tiên” của mình, thì tôi vẫn cố gắng bắt chước bà cách ăn ở nhân từ, cũng như dùng lời an ủi với người chung quanh nhiều hơn…

Một vài công thức tôi đã dùng, xin chia sẻ với các bạn:

1. http://www.marthastewart.com/914245/julia-child-and-jacques-pepin-chocolate-roulade

2. https://njbrown.wordpress.com/2009/12/26/julias-buche-de-noel-for-christmas/

3. https://njbrown.wordpress.com/2009/12/26/julias-buche-de-noel-for-christmas/

Hoàng Nga

Ý kiến bạn đọc
15/12/201622:30:49
Khách
Tác giả được ơn trên ban cho mười hoa tay hoặc Thân/Mệnh có Văn Xương & Văn Khúc tọa thủ hoặc xung chiếu nên tài năng hơn người được biểu lộ qua những gì liên quan tới nghệ thuật và mỹ thuật.

Chúc tác giả một mùa Giáng Sinh đầy hạnh phúc, tiếng cười rộn rã và nhiều Hồng Ân Thiên Chúa.
15/12/201606:10:12
Khách
Cười đã đời với cái bánh của tác giả. Cười chảy nuớc mắt với kỷ niệm giống nhau thời ấy...hic hic.
Tks tác giả nhiều. God bless you
14/12/201615:24:13
Khách
Cám ơn anh Lê Như Đức. HN đồng ý với anh về sự thay đổi của người Mỹ trong việc nấu nướng và ăn uống hiện nay. Cũng có thể nói đây là điểm đặc biệt của dân tộc này, Nga nghĩ chính sự phóng khoáng và tính cách không bảo thủ của họ đã giúp nước Mỹ mỗi ngày một trở nên kỳ diệu hơn.( Nhắn riêng với chị Mơ, HN là HN của Làng Văn ngày trước ạ. Cám ơn chị đã nhớ đến Nga.)
14/12/201601:18:59
Khách
Cám ơn HN, đã cho tôi một liều thuốc bổ. Vì tôi đã cười quá đã,khi đọc những chữ mô tả cho cái bánh đã ấp ủ suốt cả năm( cho tới ngày 18 tuổi). Tôi nhớ ngày xưa có cô Hoàng Nga viết cho báo Làng Văn của Canada viết cũng rất vui. HN nào viết cũng rất hay. Cám ơn cô.
13/12/201615:56:46
Khách
Khoảng bốn mươi năm trước khi tới Mỹ, lần đầu tiên ăn bánh Mỹ tôi hết hồn. Nó không phải là bánh mà là đường hoà với tí bột. Uống ly cà phê Mỹ tôi cũng ớn lạnh. Nó không phải là cà phê mà là nước màu nóng. Ăn miếng thịt bò thật chán vì chỉ được ướp sơ bằng muối và tiêu.
Một người bạn Mỹ trong sở hỏi tôi về cách nấu phở. Tôi trả lời phải hầm xương bò ít nhất là 4 tiếng thì nước mới ngọt. Y không hiểu nên nói cục xương bò nấu nửa tiếng là nó chín hết cần gì mà phải hầm 4 tiếng. Tôi nói người Mỹ không biết ướp thịt, không biết hầm xương nên không biết thưởng thức. Tôi đi câu với bạn Mỹ, y thấy tôi mang cả đầu cá về cho vợ tôi nấu canh chua. Y thắc mắc hỏi. Tôi trả lời ở Việt Nam mà bán cá không có đầu thì chả ai thèm mua. “Nhất thủ, nhì vĩ”. Từ đó mỗi lần đi câu, y không vất đầu cá mà mang về biếu tôi.
Có một lần trong bữa tiệc, tôi muốn chọc các bạn Mỹ nên hỏi hãy nói cho tôi biết món ăn nào chính thống phát xuất từ Hoa Kỳ. Tôi liệt kê trước: Hamburger, Hot Dog từ Đức, Steak, bánh mì Baguette từ Pháp, Pizza từ Ý, Sushi từ Nhật, wonTon soup và Fried Rice từ Tàu, BBQ từ Caribbean và French Fries từ Bỉ. Tôi chỉ vào đĩa rau trên bàn rồi tiếp: Ngay cả cái món Caesar salad cũng từ Mexico. Không ai trả lời được, tôi chỉ lon Coke trên bàn và nói Coca Cola.
Ngày nay, bánh Mỹ ít đường đi nhiều lắm. Cà phê Starbucks uống đậm đà hơn. Người Mỹ bắt đầu biết dùng những gia vị để ướp cá và thịt. Họ nên cám ơn người tị nạn chỉ cho họ cách nấu ăn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,316,925
Tác giả là cư dân San Jose, vừa mở một “Câu Lạc Bộ nuôi ong”, tại một khu đồi núi gần ngoại thành. Sau đây là lời Nguyễn Viết Tân giới thiệu ông bạn:
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Người viết là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2014, với hàng loạt bài cho thấy tấm lòng và sức viết mạnh mẽ,
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State, từng trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại Học cộng đồng SPSCC,
Thứ hai đầu tuần, 31-10, là Halloween 2016. Mời đọc truyện ma. Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, với sức viết mạnh mẽ, Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951 tại Bình Dương, nguyên là giáo viên dạy anh ngữ, sang Mỹ năm 1985, hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản:
Nhạc sĩ Cung Tiến