Hôm nay,  

Lũ Chồng Lũ

07/11/201600:00:00(Xem: 10872)

Tác Giả: Thanh Mai
Bài số 4960-18-30660-vb2110716

Tác giả đã nhận giải vinh danh  Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.

***

Miền Trung Việt Nam năm nay bị lũ nặng. Một phần vì ông trời cứ mưa dài dài, phần khác tại con người làm việc tắc trách vô trách nhiệm gây hậu quả vô cùng tai hại cho người dân. Ai đã từng chứng kiến hoặc trải qua cảnh lũ lụt sẽ thông cảm và thương hơn cho những nạn nhân thiên tai này.
 Nhớ năm 1978 tôi theo làn sóng người vượt biển trốn khỏi chế độ cộng sản nhưng không may bị bắt và nhốt ở trại tù A30 Tuy Hòa. Trong tù cộng sản dĩ nhiên tôi lần đầu tiên đã phải nếm đủ mùi đói khát, lao động cực nhọc, mất tự do, và ngoài ra cũng lần đầu tiên tôi biết  được thế nào là sự nguy hiểm, kinh hoàng, và khổ ải về lũ lụt.

Trong thời gian này, có những người tù vì thuộc chế độ cũ được chuyển đến từ các trại khác. Họ mới tới ngày trước thì ngày sau A30 bị mưa lũ rất lớn. Dọc theo trại tù là một con suối ngày thường nước trong mát, nhưng ngày đó thì nước suối đục ngầu, cuồn cuộn chảy và dâng cao từng phút. Đến khi nước dâng cao tràn lên mặt đất thì trưởng trại ra lịnh cho cả trại tù chạy lên Gò Kén là một chỗ cao hơn để tránh lụt. Mỗi toán tù đều có hai, ba công an dẻo súng AK áp tải để tù khỏi nhân cơ hội mà trốn. Chúng tôi vừa đi vừa chạy, nước dâng cao đến đầu gối, mưa nặng hạt hắt xuống mặt mũi ướt mem. Nhiều cô vừa chạy vừa khóc. Đa số chúng tôi là dân thành phố, chưa nếm mùi lụt lội như thế này lần nào. Nhiều người trong đó có tôi cũng không biết bơi, nếu nước tràn nhanh như lũ ở miền Trung ngày nay thì chết chắc.

 Vậy mà cũng di tản được gần hết trại viên tức tù nhân lên núi cao. Trên đó đã có sẵn từ hồi nào một hội trường khá lớn để một số tù nhân trong đó ưu tiên cho đội tù nữ được che mưa che nắng. Không ai bị nước cuốn. Đến trưa mọi người bắt đầu thấy đói. Cả mấy ngàn người, lương thực đâu mà ăn đây? Xung quanh toàn nước là nước. Đội tù nữ chúng tôi có vài người đem theo được vài cây kẹo hoặc vài cái bánh chia nhau ăn tạm; còn mấy người tù sĩ quan mới tới thì khổ hơn, đâu có gì. Trưởng trại cho vài người tình nguyện lội nước về trại kiếm lương thực. Không hiểu bằng cách nào mà đến chiều, đội cấp dưỡng là những người còn trụ lại trại đã nấu được bánh bột mì cung cấp cho mọi người cứu đói tạm thời. Chúng tôi được mở cửa phòng để vào dọn dẹp vệ sinh. Mới chui vào phòng mấy nàng hết hồn la chói lói vì giữa phòng, một đống rắn loi nhoi lúc nhúc, con nào con nấy đen thui to gần bằng cổ tay. Tụi rắn này chắc làm ổ đâu sẵn trong phòng dưới mấy cái giường tre, giờ bị nước lụt phải chui ra, phòng bị khóa nên mắc kẹt trong đó.

 Mấy con rắn này đến đây là tới số! Trong phòng giam nữ có chị Phúc bắt rắn rất nghề. Chỉ chụp đầu rắn bằng hai ngón tay, nhanh như cắt nắm đầu quay con rắn vài vòng là nó giãn xương chết ngắt. Sau đó rắn được chúng tôi lột da lóc thịt, băm nhỏ nấu cháo ăn ngon hết ý, mà cũng có thể vì trong tù bị đói nên ăn gì cũng thấy ngon chăng?

Kỳ lụt lội này trại tù A30 chỉ bị thiệt hại về mùa màng, và nhiều nhà giam bị hư phải tu sửa lại. Không có tù nhân nào bị chết mà ngược lại vài người tù bơi và chèo thuyền giỏi còn cứu được một số người dân sống gần đó thoát chết đuối. Nghe họ kể nhiều vùng nước dâng cao ngập đến mái nhà. Họ cứu được một số người. Một thuyền cứu trợ khác thì thấy khoảng chục người đang ngồi trên nóc nhà lá giữa trời nước mênh mông đang chờ người tới cứu. Nước dâng lên nhanh và chảy mạnh quá nên khi mấy người tù bơi thuyền gần tới nơi thì mái nhà bị đổ xụp và những người ngồi trên đó bị rớt xuống dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy xiết. Chỉ cứu được hơn một nửa, còn khoảng ba hay bốn người bị nước cuốn đi mất. Sau này mới biết nhóm người đó là học sinh trung cấp ngân hàng Nha Trang ra Tuy Hòa thực tập, không may gặp nạn. Thật tội nghiệp!

Vài ngày sau, đội nữ chúng tôi phải ra suối rửa đậu phộng mà đội nam mót thu hoạch về sau cơn lụt. Tôi đang đứng dưới nước xoay lưng ra suối lom khom rửa đậu thì thấy mấy cô bạn đứng gần hốt hoảng vội nhảy lên bờ nên tôi cũng nhảy lên theo mà không biết chuyện gì xảy ra. Nhìn ra suối tôi thấy có một con đò nhỏ, ông lái đò đang chèo về chỗ bờ suối chúng tôi đang đứng. Con đò đến gần hơn tôi mới thấy nó đang kéo theo một xác người bồng bềnh nửa chìm nửa nổi trong dòng nước vẫn còn đục ngầu. Khi con đò cặp lên chỗ bờ ngay cạnh chúng tôi, tôi thấy rõ xác người đang nằm ngữa bập bềnh trong nước kia là một cô gái. Chắc vì đã nằm trong nước mấy ngày nên cái xác chương phồng lên, da mặt thì trắng bệch và hai cái môi xưng vù tím tái vô cùng khủng khiếp. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy người chết mà lại rất kinh khiếp. Chết đuối là như vậy ư? Cầu trời sau này cho tôi đừng bị chết đuối vì chết đuối nhìn sao xấu quá.

 Cái xác này là một trong mấy người học sinh trung cấp ngân hàng bị chết đuối trong đợt lụt vừa qua đến nay mới tìm thấy xác. Cô gái này mới độ hai mươi tuổi. Gia đình của các nạn nhân mất tích vì lụt đã từ Nha Trang đến thị xã Tuy Hòa tìm con mấy ngày nay. Khi người chèo đò kéo xác cô gái vào khu vực suối của trại tù, công an trại tù không cho đem xác lên bờ mà cứ để nổi bập bềnh dưới nước và chạy đi báo cho trưởng trại để xin lịnh.

Trong số tù sĩ quan chế độ cũ của trại có một người là chú của một trong các nạn nhân chết đuối, nghe nói có tìm ra một cái xác nên xin phép chạy ra bờ suối để xem có phải là cháu mình không. Tôi đứng gần chỗ xác cô gái nên thấy rất rõ ràng. Khi người tù sĩ quan đến nhìn và nhận ra đó là cô cháu của mình, một dòng máu đỏ tươi ứa ra từ mép và mũi của xác chết loang đỏ dần trong nước. Chết đuối mấy ngày rồi mà tại sao lại còn ứa máu khi nhìn thấy người thân? Hình như là cô gái đã chết nhưng hệ thần kinh còn cảm giác được và tủi thân khi thấy người chú.

Ban trưởng trại tù không muốn thân nhân cha mẹ nạn nhân là người ngoài thâm nhập khu vực trại tù gây phiền hà nên xác của cô gái xấu số không được phép đem lên bờ mà lại bị con đò kéo ra giữa dòng nước lôi đi tiếp. Nhìn mà thương cho một kiếp người.

Còn một cái xác thứ hai cũng của một cô gái, được tìm ra trong khu vực suối của trại. Xác cô gái này bị vướng vào một bụi tre và bị cá rỉa ăn nhiều chỗ. Hai cái xác còn lại chắc đã theo sông Cái trôi ra khỏi khu vực trại nên chúng tôi không biết sau đó có tìm được không. Tôi bị ám ảnh vụ chết đuối này cả đời không thể nào quên được.

Nhớ hồi nhỏ ở thành phố, tôi cứ nghĩ nếu bị lụt nước tràn lên cao, mình ngồi trên giường câu cá thì thích biết mấy. Nay lớn lên nếm mùi bão lụt, biết được sự đau thương vì mất mát nhân mạng, tài sản mà càng thương cho đồng bào mình đang bị lũ lụt tàn phá ở miền Trung.

Chúng ta đang may mắn được sống trên đất nước Hoa Kỳ tự do, văn minh, tiến bộ và nhân bản, quyền con người được tôn trọng. Khi đất nước bị thiên tai các nhà lãnh đạo tiểu bang và liên bang đều cùng nhau ứng phó với tai ương để giúp dân chúng. Như cơn bão thế kỷ Katrina xảy ra năm 2005 đã gây ra thiệt hại kinh khủng tại thành phố New Orleans và các vùng lân cận thì cả quân đội và nhiều liên ngành đã chung tay giúp đỡ đi tản dân cũng như làm công tác cứu trợ. Sau cơn bão ước tính cho tới nay chính quyền Mỹ đã chi tổng cộng hơn 70 tỉ đô la từ ngân sách liên bang để tái xây dựng và trùng tu cho những thiệt hại, đồng thời đề phòng cho những thiên tai trong tương lai. Như con đê chắn sóng Lake Borgne trị giá 1.1 tỷ USD đã được xây dựng tại New Orleans như một bức tường thành để bảo vệ thành phố trước những cơn bão hung dữ của thiên nhiên.

Trong khi đó quê hương Việt Nam của chúng ta trước thiên tai lũ lụt, dân chúng khổ sở trăm điều nhưng bọn cầm quyền chẳng những biến mất tăm không giúp đỡ gì được cho người dân mà còn làm khó dễ ngăn cản và khuấy phá những đoàn từ thiện đi cứu trợ. Đã thế chúng lại còn trơ mặt hùa nhau đi xây những tượng đài bậy bạ cả hàng nghìn tỷ để chia nhau cắt xén bỏ túi riêng.

Bọn cầm quyền sâu bọ bán nước hại dân đó còn tai hại hơn cả thiên tai lũ lụt.

Thanh Mai

Ý kiến bạn đọc
07/11/201616:15:07
Khách
Hưởng ứng bài viết của tác giả, vậy quý đồng hương hải ngoại khắp nơi hãy mau tay trợ giúp Đảng và Nhà Nước lo việc xã hội giúp các nạn nhân lũ lụt nhá, chớ ngân sách nước nhà còn phải chi tiêu cho biết bao mọi thứ hầm bà lằng, kể sơ sơ như dưới đây:

Ở nước ngoài, chi tiêu cho nghị quyết 36 để triệt tiêu những hoạt động của bọn " phản động" ở nước ngoài, gửi các đoàn văn nghệ ra nước ngoài "giúp vui" cho các cộng đồng người Việt, dự định mở các trường, lớp dạy Việt ngữ cho trẻ em Việt v...v...

Ở trong nước, Nhà nước chi tiêu xây cất 134 tượng đài "cha già dân tộc" Hồ chí Minh- mà chỉ tính riêng tượng đài dựng lên tháng 10 năm 2015 đã tốn kém 1400 tỷ đồng. Lập đoàn 969 với quân số 10000 để bảo vệ thi thể " anh hùng dân tộc" Hồ chí Minh ở Ba Đình. Thuê hơn 80000 dư luận viên để giúp đồng bào " thông hiểu" chính sách của Đảng và Nhà nước.Trả lương cho các lực lượng an ninh đủ loại gần 7 triệu người cùng hơn 300 tướng công an để trấn áp các cá nhân hay nhóm "phản động" chống đối Nhà nước "ưu việt" hay bày tỏ chống người bạn láng giềng vĩ đại Trung quốc của nhân dân ta. Trả lương cho 4 triệu đảng viên Cộng Sản đã giúp cho đất nước được " ngẩng mặt ngang hàng với thế giới ". Chi tiêu 2 tỷ đô la cho 6 chiếc tàu ngầm Kilo để hù dọa các " nước lạ" âm mưu xâm phạm biển Đông

v...v...

Thế nhá. Giúp đồng bào hết đói, giúp Đảng và Nhà nước muôn năm trường trị là bổn phận của " thuyền nhân khúc ruột ngàn dặm" . Đô la của "đế quốc Mỹ sừng sỏ " muôn năm !
07/11/201613:16:41
Khách
Thanh Mai viết chuyện kể lũ lụt thấy tội cho người dân Việt Nam quá, thật ra không phải là dân thường mà là nô-lệ cho bọn bạo quyền cộng đảng Việt hôm nay. Cám ơn cô Thanh Mai.
Phó thường dân.
07/11/201612:46:54
Khách
Xin lỗi! Lúc mình copy gởi bài qua Việt Báo không hiểu sao bị mất vái câu sau đoạn..."Không hiểu bằng cách nào mà đến chiều, đội cấp dưỡng là những người còn trụ lại trại đã nấu được bánh bột mì cung cấp cho mọi người cứu đói tạm thời."
Ngày hôm sau nước bắt đầu rút, ban trưởng ra lệnh mọi người về lại trại. Khỏi nói cũng biết cảnh bùn sình ngập ngụa bê bết dơ dáy hết sức. Chúng tôi được mở cửa phòng để vào dọn dẹp vệ sinh......
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,316,925
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về ngày đầu đi học của trẻ con ở Mỹ ngày nay và trẻ con ở VN ngày xưa thuở ông còn bé
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tác giả có Bố mất tại trại tù Vĩnh Phú và người chồng biệt tăm trong trại tù cải tạo của cộng sản. Cô cũng từng là nhà giáo tại trường trung học Vũng Tầu và đã phải bỏ dạy.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015, với nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến