Hôm nay,  

Người Góa Phụ và Ngọn Đồi 31

30/05/201600:00:00(Xem: 19889)

Tác giả: Phùng Annie Kim
Bài số:3830-17-30330-vb8052916

Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, cô nhận giải danh dự. Sang năm 2015, với bài "Giọt Máu Rơi của Người Lính Chết Trẻ", cô nhận thêm giải "Vinh Danh Tác Phẩm." Cho đến nay, tác giả ngày càng cho thấy một sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết mới nhất, nhân mùa lễ Memorial Day tại Hoa Kỳ.

* * *

blank
Di ảnh Đại Úy Nguyễn Văn Đương.

1. Anh không chết đâu anh

Vào đầu năm một chín bảy mươi mốt, đài truyền hình thành phố Sài gòn phát hình nhạc cảnh nhạc sĩ Nhật Trường trong vai đại úy Nguyễn Văn Đương, mặc quần áo lính, trên đầu vết đạn còn rướm máu. Anh hiện về trong giấc ngủ chập chờn của người vợ ở hậu phương, chị Nguyễn Thị Lệ. Ca sĩ Thanh Lan đóng vai chị Lệ.

Từ khung cửa, bóng ma Nguyễn văn Đương hiện về báo mộng "…Anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con"… "…Không, anh không chết đâu em, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua…". Đại úy Nguyễn Văn Đương đã tự sát bằng viên đạn bắn vào đầu vì không muốn rơi vào tay kẻ thù. Phát súng "lẻ loi", "nhiệm mầu" và "sau cùng" đã làm nên bài hát đi vào lịch sử âm nhạc thời chiến tranh "Anh Không Chết Đâu Anh".

Bài hát đã lấy đi nhiều giọt nước mắt của những bà mẹ, người vợ, người yêu có người thương là lính đang chiến đấu ngoài mặt trận. Sự thành công về diễn xuất và tiếng hát truyền cảm của hai ca sĩ nổi tiếng trong nhạc cảnh khiến họ trở thành một cặp đôi lý tưởng hát nhạc lính. Sau đó, ca sĩ kiêm đạo diễn Nhật Trường dựa vào nhạc cảnh này cho ra đời cuốn phim "Trên Đỉnh Mùa Đông" vào năm một chín bảy hai.

Ai cũng biết ca sĩ Nhật Trường xuất thân từ lính. Ông yêu lính, yêu đời lính, gần gũi, đồng cảm với tâm tình và đời sống của người lính. Hầu hết những tác phẩm của ông sáng tác đều có mặt hình ảnh người lính trong các binh chủng Nhảy Dù, Không Quân, Hải Quân…

Tôi gặp ca sĩ Nhật Trường trong một dịp tình cờ. Ba má tôi có một cửa hàng bán đàn ở đường Hồ Văn Ngà. Do một người bạn giới thiệu, Nhật Trường đến nhà tôi mua đàn.

Bản nhạc "Anh Không Chết Đâu Anh" của Nhật Trường là bản nhạc trong đó hình ảnh người lính trong tim "cô sinh viên hay buồn" và "những giọt nước mắt ướt trên sân trường đại học" rất gần với tâm trạng và hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ.

Câu chuyện bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của "đôi trẻ" do người lớn sắp đặt. Ngày đó gia đình hai bác Đông An rất muốn làm thộng gia với ba má tôi. Các cụ thân nhau từ miền Bắc, cùng rủ nhau di cư vào Nam lập nghiệp. Hai gia đình thân đến nỗi hứa hẹn phải gả, cưới con cái cho nhau khi con cái lớn lên. Không làm rể thì làm dâu. Hai bác có ba người con, anh Trần Đình Thu là con trai út.

Tên anh chàng nghe như tên con gái. Nhìn tướng tá cao ráo, ăn mặc bảnh bao, nói chuyện hoạt bát, khá đẹp trai và là trung úy phi công, tôi nghĩ anh chàng " vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa" này chắc có nhiều cô mê và chàng tán gái thì khỏi... chê. Vào thời đó, các cô gái Sài gòn đa số có người yêu là lính. Hình ảnh đẹp, hào hùng và lý tưởng nhất trong tâm tưởng các cô trong đó có tôi là hình ảnh các chàng phi công trong binh chủng Không Quân " …Khi gió quay cuồng sau cánh bay, con tàu thét gầm cho tim ngất ngây, phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên…"

Anh về phép, đến nhà tôi chơi hai lần. Hai đứa ngồi trong phòng khách nói chuyện bâng quơ. Anh kể về đời phi công, chiến tranh, những năm tháng tu nghiệp bên Mỹ. Tôi kể về chuyện học hành, chữ nghĩa và ước mơ làm cô giáo. Chuyến về phép sắp tới chưa kịp gặp thì được tin anh tử trận. Cũng may hai đứa chỉ là tình bạn sơ giao chưa có lời hứa hẹn hay một cuộc hẹn hò nào. Hôm tôi đến viếng đám ma anh, bác Đông An gái ôm tôi khóc nức nở. Nhìn chiếc quan tài màu vàng và tấm hình anh trong bộ quân phục phi công, tôi không cầm được nước mắt. Anh chết quá trẻ.

Sau cái chết của anh Thu, tôi vẫn là cô sinh viên Văn Khoa chăm chỉ, ngày ngày vùi đầu trong sách vở nhưng cái chết của anh và hình ảnh những người lính trong các bản nhạc của nhạc sĩ Nhật Trường đã khiến tôi quan tâm nhiều đến các tin tức thời sự, các trận đánh lớn và cuộc chiến tranh càng ngày càng khốc liệt. Tôi thường nghêu ngao những bài hát về lính của nhạc sĩ Nhật Trường như " Hoa Biển", "Tuyết Trắng", "Tình Thư Của Lính", "Khi Người Yêu Tôi Khóc", "Trên Đỉnh Mùa Đông", "Anh Không Chết Đâu Anh"…

Buổi chiều hôm ấy đang ngồi vật lộn với mớ chữ Hán của Thầy Nghiêm Toản, nhìn ra ngoài đường tôi thấy một anh lính dáng gầy, đeo cặp kính trắng, mặc bộ "treillis" rằn ri từ trên xe Jeep bước xuống. Anh đi thẳng vào nhà, nhìn những cây đàn trong tủ kính, quan sát, ngắm nghía một hồi và muốn được thử tiếng đàn.

Gặp "thần tượng" bất ngờ, giọng tôi như lạc đi. Tôi nói nhỏ với Má tôi đứng bên cạnh:

- Má. Má ơi, ca sĩ Nhật Trường đó Má. Ông này nổi tiếng hát hay, đóng phim, làm nhạc. Má bán rẻ rẻ, bớt chút đỉnh cho ổng vui nha Má.

Bà đến gần chào khách rồi kéo tủ kiếng lấy vài cây đàn anh chọn đưa cho anh thử. Anh chỉnh giây, dạo vài nốt nhạc và khen tiếng đàn hay.Thật là một cơ hội hiếm có để làm quen với người nhạc sĩ nổi tiếng như Nhật Trường. Còn gì hân hạnh cho bằng được người nhạc sĩ đến tiệm mình mua đàn. Vậy mà Má tôi tiếp anh như một người khách hàng bình thường.

Anh nhìn tôi với đôi mắt có vẻ tò mò khi thấy đống sách vở trên bàn và quay sang hỏi Má tôi:

- Bác ơi, cây này bao nhiêu tiền hả Bác?

- Xin cậu cho hai ngàn.

- Hai ngàn? Bác không bớt sao? Nếu cháu nói cháu là ai, Bác sẽ bớt cháu liền.

- Xin lỗi cậu, tôi không biết cậu là ai. Cậu trông quen quen.

Chàng nhạc sĩ cười thành tiếng:

- Thế bác có bao giờ nghe nhắc tên ca sĩ Nhật Trường chưa?

Lần này Má tôi cười lớn rồi gật gù:

- Hình như tôi có nghe cái tên này.

- Thế Bác có hay xem Ti- vi không? Cháu là ca sĩ Nhật Trường đây. Bác có giá đặc biệt cho cháu đấy nhé.

Ca sĩ Nhật Trường rất tự nhiên. Để chứng tỏ cho Má tôi, một bà già nhà quê không biết trước mặt bà là một anh chàng ca sĩ thứ thiệt, anh dạo đàn, vừa đệm đàn vừa hát rất tình tứ: "Nếu em không là người yêu của lính. Em sẽ nhớ ai chủ nhật trời trong. Em sẽ nhớ ai đêm xuân lạnh lùng. Và giữa chốn muôn trùng. Ai viết tên em lên tay súng"…"

Lúc đó tôi đang "ngất ngây" vì giọng ca trầm ấm và truyền cảm của "thần tượng" đang ngồi hát trước mặt mình. Không tự chủ được, tôi buột miệng:

- Dạ em biết. Bài này tựa là "Người Yêu Của Lính" của nhạc sĩ Nhật Trường. Lúc anh mới bước vào tiệm, em nhận ra anh là nhạc sĩ Nhật Trường liền.

Nhật Trường khoái trá, cười ha hả vì được "fan" ái mộ:

- Vậy là em biết nhiều về nhạc của anh lắm phải không? Đúng rồi. Bài này là bài "Người Yêu Của Lính". Làm người yêu của lính phải hy sinh nhiều lắm em ơi!

 Rồi chàng quay sang cười với Má tôi:

- Thế là Bác phải bớt cho cháu đấy nhé. Nhạc sĩ …nghèo lắm bác ạ !

Vẫn là thái độ tiếp khách lịch sự, giọng nói dịu dàng nhưng sao Má tôi vẫn tỏ ra lạnh nhạt trước người nhạc sĩ nhanh nhẩu, vui tính:

- Cậu thông cảm cho. Tiệm chúng tôi bán đúng giá cậu ạ. Tôi không bớt vì tôi không nói thách. Cậu đã thử tiếng đàn hay và biết giá trị của cây đàn. Cậu mua dùm, tôi rất cám ơn. Thôi, để biếu cậu một bộ giây đàn và vài miếng khảy đàn nhé.Còn bớt thì không bớt được cậu ạ.

Thôi rồi. Ông Nhật Trường này …xui, ra ngõ gặp… "bà già giết giặc". Mọi lần Má tôi tiếp khách vui vẻ, hoạt bát và "mặn" chuyện lắm. Bà hay bớt chút đỉnh tiền để khách mua đàn về xe xích lô. Bữa nay sao Má tôi đối xử kỳ cục quá với khách hàng nhất là người khách này là người khách đặc biệt. Má tôi có thành kiến gì với anh? Hay tại câu hỏi "…biết cháu là ai" làm bà già bị…sốc? Hay Má tôi không thích làm quen với người nổi tiếng?

Sợ anh buồn, tôi bèn xía vào, vớt vát vài câu trước khi "thần tượng" trả tiền:

- Dạ, em biết nhiều về nhạc của anh lắm nhưng em không thuộc trọn bài nào. Má em bán đàn ở đây quen biết nhiều và rất quý các nhạc sĩ. Đây là lần đầu tiên gặp anh nên Má em không nhận ra nhạc sĩ Nhật Trường, chỉ thấy anh trông quen quen trên ti- vi thôi. Anh đã biết tiệm rồi, lần sau anh trở lại mua đàn sẽ bớt anh nhiều hơn.

Vậy mà Nhật Trường vẫn vui vẻ mua cây đàn mặc dù Má tôi không bớt một xu. Người tài xế cầm cây đàn ra xe. Nhật Trường chào má tôi thì bà đã vào trong nhà. Anh quay lại tìm cái nón bỏ quên và nhìn tôi cười cười:

- Má em coi bộ …khó. Coi chừng…ế chồng nha em.

Không có Má, tôi được dịp tuôn ra một tràng "tâm sự":

- Dạ, chắc không…ế đâu anh. Em thích nhạc lính của anh vì em có bồ lính. Em là "Người Yêu Của Lính".

Nhật Trường mở to mắt, cười tươi hẳn nét mặt:

- Vậy hả? Vui quá há? Bồ em thuộc binh chủng nào?

Lúc đó tôi liên tưởng đến hình ảnh anh Trần Đình Thu:

- Dạ…dạ..binh chủng… Không Quân.

- Vậy là em phải biết bài "Tuyết Trắng". Anh sáng tác bài này riêng tặng cho binh chủng Không Quân.

Rồi anh hát tự nhiên, dễ dàng, không cần nhạc đệm. Chung quanh như chỉ có anh và những lời nhạc trữ tình: "…Vượt cao vút cao, mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần. Tuyết ơi xin nhuộm trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương… …"Anh ước sao tình như tuyết giăng, cho dù chúng mình không gian cách ngăn, cho dù tuyết trắng đã chìm trong màn đêm".

Tôi ngơ ngẩn đứng nhìn anh trong một "live show" ngắn ngủi và bất ngờ.

Thế rồi anh quay đi, vẫy tay:

Thôi chào em nhé. Cho anh gửi ít …tuyết tặng anh bồ Không Quân của em.

Chiều xuống. Xe lăn bánh. Tôi vẫn còn đứng dõi theo chiếc xe Jeep đã khuất bóng. Sao không xin chữ ký của anh để làm kỷ niệm cuộc gặp gỡ thú vị mặc dù có… "lính canh" là Má tôi đứng bên cạnh. May còn vớt vát được câu chuyện… nổ tới bến về ông bồ Không Quân. Lòng còn ấm ức vì Má tôi không bớt đồng xu teng nào cho chàng nhạc sĩ "nghèo".

Sau này tôi có dịp hỏi Má về câu chuyện cũ, Má tôi cười ngất:

- Con ơi, Má biết Nhật Trường lắm chứ sao không. Nhạc của anh rất tình cảm, thường viết về lính. Anh hát hay nữa. Má thích nhất cảnh anh đóng vai Nguyễn Văn Đương với cô Thanh Lan. Anh tài hoa và đào hoa lắm. Má chỉ không ưa cái tật đào hoa của cậu ta.


Trời đất ơi! Chỉ vì cái tật đào hoa của người nghệ sĩ mà Má tôi phớt lờ, không thèm nhận ra ca sĩ Nhật Trường, không niềm nở với người khách hàng rất dễ thương và không bớt "thần tượng"của tôi một xu nào. Tôi biết Má tôi thích nhạc lính và tiếng hát của Nhật Trường. Còn đời tư, Má tôi biết gì về đời tư của Nhật Trường? Má tôi chỉ biết Nhật Trường đào hoa qua mấy tin đồn và mấy tờ báo lá cải.

*

blank
Bà Quả Phụ Nguyễn, 45 năm sau.

Những kỷ niệm về nhạc sĩ Nhật Trường thời còn là cô sinh viên Văn Khoa, hình ảnh người nhạc sĩ đóng vai đại úy Nguyễn Văn Đương và chị Nguyễn thị Lệ trên sân khấu đã theo tôi vượt đại dương suốt một chuyến bay dài. Tôi đã gặp người góa phụ bằng xương bằng thịt trong căn nhà nhỏ ở một khu xóm lao động trên con đường Nguyễn Chí Thanh nối dài thuộc quận mười một.

Tìm được căn nhà nhỏ trên con đường này sau đổi đời, với kẻ từ xa về như tôi, là chuyện phải "tra cứu" lỉnh kỉnh. Trước 1975, đây là đường Trần Hoàng Quân. Trước thời 1959, con đường mang tên là "Nhân Vị", gợi nhớ cái tên Đảng Cần Lao Nhân Vị thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Trước đó nữa, năm 1955, đó là đường Jean Jacques Rousseau. Trước nữa nữa, thời Pháp thuộc, con đường này được gọi là "Armand Rousseau", tay tổ làm rượu vang Burgundy wine, tiếng tây kêu là Vin de Bourgogne. Con đường này sau trận đổi đời 1975 còn được nối dài qua đường 48 lụp xụp với những khu lao động.

2. Người Quả Phụ và Tiếng Súng Bất Tử

Trước mặt tôi là chị Nguyễn Thị Mai, người góa phụ hiền hòa của đại úy Nguyễn Văn Đương. Bốn mươi hai năm trước, ngày để tang anh, chị chỉ mới vừa tròn ba mươi tuổi, đã sống thờ chồng, nuôi con sau khi anh cố thủ và tự sát trên đồi 31 tại Hạ Lào ngày hai bốn tháng hai năm một chín bảy mốt.

Tôi đến thăm chị Mai vào một buổi trưa. Saigon trời nắng và nóng như thiêu đốt muốn ngộp thở. Căn nhà nhỏ xíu chiều dài và chiều ngang khoảng hai mươi lăm mét bề bộn các đồ vật ngổn ngang không có lối đi. Biết tôi ở xa về thăm, chị rất vui và cảm động. Chị gầy lắm trong bộ đồ bà ba xám. Tóc cắt tém ngắn, lùi xùi, khuôn mắt khắc khổ, làn da sạm nắng dãi dầu gió bụi của đất Sài gòn.

Tôi ngồi bên cạnh chị trên chiếc sập gỗ trước nhà, nghe chị kể chuyện về cuộc đời bà quả phụ Nguyễn văn Đương và cái chết của anh ở Hạ Lào. Với giọng nói rặt miền Nam, trí nhớ bị ngắt quãng mỗi khi hồi tưởng, chị chậm rãi khi kể về quá khứ.

Sau năm bảy lăm, chị bị tai nạn do các thanh gỗ mục nát từ trần nhà rơi xuống, Con mắt trái đụng mạnh vào góc bàn sắc nhọn. Sau hai lần giải phẩu không thành, con mắt giờ chỉ còn là một miếng da trắng bao phủ con ngươi. Chị bị mù hẳn.

Ngày đó anh Đương là pháo đội trưởng của pháo đội 3, tiểu đoàn 3, pháo binh nhảy dù, căn cứ đóng ở đồi 31 Hạ Lào. Thỉnh thoảng anh được về phép. Tiền lính "tính liền", không đủ cho chị trang trải một gia đình năm miệng ăn gồm chị và bốn đứa con trai đang tuổi lớn, chị phải quơ quào chạy ngược chạy xuôi, khi thì làm nghề dệt vải, khi thì bán chè sương sa hột lựu ở chợ Thiếc để kiếm tiền phụ anh nuôi con. Hai đứa con trai đều mất vì bệnh gan sau bảy lăm. Một người đi làm xa. Cô con dâu không đi lấy chồng, ở vậy nuôi hai đứa cháu nội ở gần nhà chị. Đứa con trai út tên Nguyễn Viết Xa, ngày anh Đương mất, cậu chỉ mới tám tuổi. Hiện anh vẫn còn độc thân, làm nghề chạy xe ôm và ở chung với mẹ.

Chị đưa tôi xem tờ giấy đánh máy đã ố vàng, cũ kỹ, chị còn giữ như một kỷ niệm. Đó là năm một chín bảy mốt, chị nhận được tờ giấy có con dấu đỏ của tiểu đoàn pháo binh báo tin anh Đương mất tích. Sau đó là tờ giấy báo tử. Chị xé bỏ tờ giấy báo tử vì tin rằng anh Đương còn sống. Anh có thể bị bắt làm tù binh hay đang ở một nơi nào trong rừng sâu núi thẳm. Một ngày nào đó anh sẽ tìm được đường về.

Cuối cùng, mặc dù tờ giấy báo tử đã xé bỏ, bà mẹ bốn con phải chấp nhận một sự thật đau lòng khi những người bạn của anh còn sống sót trở về kể chuyện pháo đội của anh bị bao vây, anh bị thương nặng ở chân, anh đã gọi pháo đội phá hủy căn cứ và tự sát bằng khẩu súng Colt với một viên đạn bắn vào đầu. Cái chết hào hùng của anh tại ngọn đồi 31 Hạ Lào đã là nguồn cảm hứng cho người nhạc sĩ yêu lính sáng tác bài "Anh Không Chết Đâu Anh".

Từ Mỹ, tôi có đọc một tờ báo viết về ước nguyện của chị được một lần cuối trong đời sang Lào thăm ngọn đồi 31 nơi anh Đương hy sinh. Những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa và những người quả phụ có chồng là tử sĩ hầu như đã bị lãng quên sau bảy lăm. Hơn bốn mươi năm, họ sống lặng lẽ, âm thầm trong bệnh tật và khó khăn về kinh tế trong đó có gia đình bà quả phụ Nguyễn Thị Mai.

Chị kể gần đây có chương trình giúp đỡ thương phế binh và quả phụ tử sĩ, gia đình chị đã được sự giúp đỡ của nhạc sĩ Nam Lộc và Hội HO. Phải đợi đến khi tin tức về ước nguyện của người quả phụ được phổ biến rộng rãi trên báo chí, nhiều người đã gọi điện thoại hay trực tiếp đến thăm và sẵn sàng giúp đỡ về tài chánh cho chị thực hiện ước nguyện này.

Ngày mười hai tháng tư, chị sẽ cùng người con trai út lên đường sang Lào tìm hài cốt anh ở đồi 31.

Chị dẫn tôi lên căn gác nhỏ, đồ đạc vương vãi trải khắp lối đi trên cầu thang và sàn nhà. Đây là bàn thờ anh Nguyễn Văn Đương với bức ảnh màu và bức ảnh đen trắng có ghi dòng chữ " Anh Không Chết Đâu Anh" và vài bức ảnh khác của anh đặt cạnh bát nhang, bình hoa và dĩa trái cây. Chị bùi ngùi kể mỗi khi chị nhớ anh, chị đứng nhìn bức ảnh hồi lâu và âm thầm cầu nguyện anh sống khôn thác thiêng phù hộ cho ước nguyện của chị sang Lào tìm hài cốt anh trở thành sự thật.

Cuộn băng cassette đã cũ thâu lại bài hát "Anh Không Chết Đâu Anh" chị đã nghe đi nghe lại hàng trăm, ngàn lần đến nỗi dây băng đã nhão, âm thanh đã rè, tiếng hát đã lạc giọng, có đoạn không còn nghe chút âm thanh nào nhưng chị vẫn giữ như một kỷ niệm.

Chị rất vui khi nghe tôi nhắc đến trong một băng thu hình chủ đề về lính, nhạc cảnh cố nhạc sĩ Nhật Trường đóng vai Đại úy Nguyễn Văn Đương và ca sĩ Thanh Lan đóng vai người quả phụ, một lần nữa đã được dựng lại với kỹ thuật hiện đại và âm thanh tuyệt hảo trên sân khấu hải ngoại.

Chị nghẹn ngào tâm sự:

- Đồng bào mình ở nước ngoài vẫn còn nhớ anh Đương hả em? Bây giờ chị vui lắm vì anh Đương được nhiều người nhắc đến và chị được nhiều người hỏi han, an ủi. Nhờ bà con mình giúp đỡ, chị sắp gom đủ tiền để sang Lào tìm tro cốt anh. Đây là chuyến đi xa đầu tiên và cuối cùng trong đời để chị hoàn thành ước nguyện tìm đến nơi anh đã hy sinh, mang tro cốt anh về để chị được gần anh trước khi chị nhắm mắt.

Được tin chị đã trở về sau chuyến đi Lào bình an cũng là ngày tôi bận rộn chuẩn bị về Mỹ nên không có thì giờ đến thăm và từ giã chị. Tôi gọi phone và nghe chị kể chuyện về chuyến đi mất ba ngày bằng máy bay và đường bộ, tuy vất vả nhưng gặp nhiều may mắn và thuận lợi. Điều chị tâm đắc nhất là câu chuyện tâm linh về trái táo rơi trên ngọn đồi 31 và niềm hạnh phúc nhất là đã mang được nắm đất của anh về thờ tại quê nhà.

Trên ngọn đồi 31 thuộc vùng hạ Lào hoang vu, trống vắng và khô khốc, ban ngày thì nóng hầm hập vì những ngọn gió Lào, ban đêm thì lạnh vì sương mù trên vùng cao, hơn bốn mươi năm về trước, khu vực này đã từng là bãi chiến trường đầy máu lửa của hai lý tưởng, hai ý thức hệ chính trị, hai chế độ Quốc gia và Cộng sản. Cả hai phía đều quyết tâm dồn hết lực lượng chiếm lĩnh vùng đất đã để lại những địa danh lịch sử như Khe Sanh, hành quân Lam Sơn, đường 9 Nam Lào…

Trong lúc hai mẹ con đang thì thầm khấn vái vong hồn anh Đương linh thiêng phù hộ cho việc đi tìm hài cốt, cùng với nhóm người dẫn đường, ai cũng hoang mang không biết đâu là nơi anh Đương đã hy sinh thì một quả táo trong bịch ni lông chị đang cầm khi không bỗng rơi xuống đất. Chị sợ và lạnh toát cả người. Có phải đây là thần giao cách cảm giữa hai cõi âm dương, linh tính hay giác quan thứ sáu của người vợ quyết chí đi tìm hài cốt chồng hay là vong hồn anh Đương linh thiêng về ra dấu, chỉ dẫn cho hai mẹ con biết đây chính là nơi anh đã nằm xuống. Chị quyết định chọn vị trí này để cúng kiếng, trải tấm chiếu, bày biện các lễ vật, nhang đèn, tấm hình anh Đương và không quên chiếc mũ đỏ của binh chủng Nhảy Dù.

Ngày ấy, "trên khăn tang cô phụ" và "giọt nước mắt nóng hằng đêm cho anh cho anh" đã nhỏ trên mặt gối. Giờ đây, trên ngọn đồi âm khí nặng nề với mùi khói hương lãng đãng bao quanh, chị thì thầm khấn vái, kể lể, nhắn nhủ với anh. Lần đầu tiên, những giọt nước mắt của người quả phụ khóc chồng, người con khóc cha đã nhỏ xuống mảnh đất xa xôi ở xứ người, mảnh đất đã từng nhuộm máu "người anh hùng mũ đỏ tên Đương" và các đồng đội cùa anh trong trận tử chiến tại ngọn đồi 31.

Bốn mươi năm trôi qua, hài cốt của anh bây giờ đang ở đâu? Chẳng phải con người ta sinh ra từ cát bụi và trở về với cát bụi? Chị hốt một nắm đất mà chị tin rằng đó là tro bụi từ hài cốt của anh và các bạn đồng đội đã bị vùi lấp, tan rữa theo thời gian. Vong hồn anh Đương từ nay sẽ theo nắm đất ấy về an nghỉ nơi Tịnh Xá Trung Tâm, một ngôi chùa ở quận sáu để chị có dịp thường xuyên đến thăm anh và tụng cho anh những thời kinh siêu độ.

Khi sống đã không được gần nhau thì khi chết xin được ở bên nhau. Đó là ước nguyện của chị Mai sau khi nhắm mắt, thân thể chị sẽ là tro bụi và được đặt bên cạnh nắm đất của anh thờ trong chùa.

Cho dù dĩ vãng có phôi pha, thời gian có xóa nhòa những kỷ niệm và những hình ảnh có phai mờ theo năm tháng nhưng âm nhạc và lời hát của những bản nhạc đánh dấu một giai đoạn lịch sử như cuộc chiến tranh Việt Nam, "Anh Không Chết Đâu Anh" sẽ mãi mãi còn sống trong lòng những người Việt tha hương yêu lính.

"… Ôi, đất mát trên đồi xanh, tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh. Đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù che kín đời anh…"

"Trong những tiếng reo hò kia, lẻ loi tiếng súng anh nhiệm mầu. Ôi tiếng súng sau cùng đó…

Tiếng súng đã không giết được hình ảnh người chiến sĩ trong lòng người quả phụ Nguyễn thị Mai. Nó đã trở thành tiếng súng bất tử.

Cali ngày 14 tháng 5 năm 2016

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
30/05/201818:06:22
Khách
Tôi còn nhớ khoảng 1969 theo Ba tôi vào khu nhà Vĩnh Biệt trong
nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, tiếng khóc của thân nhân của các quân
nhân tử trận vẫn còn trong tâm trí tôi. Về sau này đến 1974 thấy
nhiều cảnh chết chóc và tương phản với cuộc sống yên bình ở saigon
của một số nhỏ những người ở thượng tầng xã hội , cho tôi thấy một
viễn ảnh đen tối của miền Nam khi người Mỹ rút lui...Thật là một
điều bất hạnh cho cả nước Việt Nam, và những bà qu?a phụ Nguyễn
văn Đương và các con của họ. Ngay cả miền Bắc rất nhiều người đã hy sinh
để được một xã hội Việt Nam như ngày hôm nay!
02/06/201616:32:45
Khách
Có một cái sai trong còm trước là ngụy danh của Ban Đong không phải là Cà Lu mà là A Lưới , tên một địa danh Việt Nam được đặt tên cho một căn cứ HL trên đường 9 . Thành thật cáo lổi
Bây giờ bàn chuyện "thần tượng cốc ổi" có nghèo hay không ? Nhật Trường cấp bậc Trung Sĩ phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến nhưng thích mặc áo hoa dù . Khi chết được tẩn liệm bằng áo hoa dù và nón đỏ . Cấp bậc Trung sĩ không có cấp số cho xe Jeep . Lại còn có tài xế thì chuyện rất khó tin . Đi mua đàn cho chính mình không phải là một công tác . Nhưng đời mà chuyện gì cũng có thể xãy ra . Nhật Trường có nghèo không . Câu trả lời rất dễ dàng là không những không nghèo mà còn rất giàu . Trong một cuộc phỏng vấn trong chương trình Paris by night Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết ông đưo=.c trả tác quyền trong một năm bài Hoa Soan Bên thềm Củ là 1,500 đồng thời mà đồng bạc có thể xé làm hai để xài và cũng trong một cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Lam Phương cho biết riêng bài Thành Phố Buồn ông kiếm được mấy triệu đồng . Nên nhớ lương căn bản Thiếu úy QLVNCH không phụ cấp là 20100 đồng thì NHật Trường vừa là nhạc sĩ có rất nhiều bản nhạc rất ăn khách , vừa là ca sĩ lại còn làm phim . Có chương trình Tiếng Hát Đôi Mươi trên đài phát thanh có ban Tứ ca Nhật Trường ... thì Nhật Trường đã kiếm biết bao nhiêu là tiền . Vậy mà khi đi mua đàn chỉ có 2000 đồng mà đòi bớt giá thì tếu lâm quá . Có hai điều: Nhật Trường bần hoặc là bài viết hoa lá cành
02/06/201613:16:01
Khách
Dùng " cặp đôi " để chỉ hai người là không chính xác.
Cặp = 2, đôi = 2. Vậy cặp đôi (pair of two) = 2 x 2 = 4
Cặp = 2, ba = 3. Vậy cặp ba (pair of three) = 2 x 3 = 6
01/06/201622:51:14
Khách
Không chỉ Đại úy Nguyễn Văn Đương không chết mà như Thống Tướng Mc Arthur đã nói rằng :" người lính không bao giờ chết." Trong chiến tranh VN chúng ta có hơn 260 ngàn tử sĩ "không bao giờ chết ..." Thân xác họ không còn trên dương thế nhưng họ bất tử "lưu thủ đan thanh chiếu hãn thanh" Thời còn là một sinh viên hippy phản chiến chúng tôi thường bảo rằng "Nhật Trường là thần tượng cốc ổi . Thời thượng buồn nôn ói mửa cho nên ít khi biết nhạc Trần Thiện Thanh . Khi vào lính, đã trở thành một người khác hoàn toàn, nhờ những người lính dưới quyền mà tui mới hiễu được sự chiến đấu cao cả và dũng cảm của những người lính QLVNCH . Tuy họ gọi tui là ông thầy, nhưng chính họ là những ông thầy đúng chỉ số đã dạy cho tui bài học vở lòng của Tổ Quốc -Danh Dự -Trách Nhiệm mà hôm nào chúng tôi đã quỳ tại Vũ Đình Trường để nhận lảnh uy quyền chỉ huy với 3 tín niệm kể trên . Bước vào chiến trường máu lửa với tânm thức ngu ngơ chán nản . Nhạc Trần Thiện Thanh vẫn còn xa lạ . Mỗi khi rảnh rổi có nghe tụi lính nghêu ngao Anh không chết đâu anh hay Người ở lại Charlie .. tui có chú ý vài lời ca (VC kêu là ca từ) rất cảm động và bình dân . Như "Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết yêu đời lính ... Có chút tri ân có chút ân cần, có chút tiếc nhớ Theo ngu ý “Anh” là những tử sĩ vì dân chiến đấu vì nước hy sinh và một lời ca khác :" Charlie tên vẫn chưa quen người dân thị thành." Có thật thế không ? Charlie là tên một ngọn đồi vô danh là một cứ điểm trên một ngọn núi gần Tân Cảnh Đắc Tô nơi có một trận đánh bi hùng mà hơn 400 cánh dù cùng vị Tiểu Đoàn Trưởng đã vĩnh viển nằm lại ngọn đồi mà những người dân thị thành chẳng buồn biết đến . Hai lời ca trên đã gây một chút xúc động trong tui . Nhưng khi nghe những bài hát đó tại Mỹ tui thường ứa nước mắt nhớ chiến trường xưa, nhớ những đồng đội chiến hữu đã ngàn thu vĩnh biệt ...Thêm bài bát Bắc Đẩu viết về Đại úy Nguyễn Ngọc Bích, Chi Đoàn Trưởng Thiết kỵ với danh hiệu truyền tin Bắc Đẩu người chết 3 lần trên dòng sông Thạch Hãn mùa hè đỏ lửa 1972.
Trở lại câu chuyện bà quả phụ Nguyễn Văn Đương và ngọn đồi 31 . Trên thực địa không có ngọn đồi nào tên là đồi 31 . Đồi 31 thực ra là Căn cứ Hỏa Lực 31 . được đặt tên cho một ngọn đồi vô danh trong phóng đồ hành quân chiến dịch Lamson719 . Trên đó có Bộ chỉ huy Lữ đoàn 3 Nhảy dù và Pháo đội C do Đại úy Pháo Binh Nguyễn Văn Đương chỉ huy . Cũng như đồi 30 cách đồi 31 vài cây số về hướng Khe Sanh (hướng Đông) do TD2 ND và Pháo đội 155 ly .
Vì không có tên, cho nên không cách chi bà quả phụ Nguyễn Văn Đương đến đó được . Theo như lời kể lại của Bà quả phụ Đương là bà đã tới Tchepone và đồi 31 và đồi 30 nằm sát đường 9 Nam Lào (theo cách nói của VC) Đường 9 chạy từ Đông sang Tây từ Lao Bảo đến Tchepone khoảng 40 km giữa là Ban Đong (tên đúng của Lào) được ngụy hóa là Cà Lu (một địa danh bên phần đất VN nằm gần Khe Sanh) CCHL 31 tức đồi 31 theo cách nói của bài viết từ Ban Đong đi về hướng Bắc 6 km đường rừng . Cho nên không cách gì Bà quả phụ NV Đương đến được Đồi 31 để thăm viếng thắp nhang nơi anh hùng Nguyễn Văn Đương và các chiến sĩ Nhảy Dù nằm xuống khi CCHLi 31 bị tràn ngập . Trước khi đi chắc Bà quả phụ NV Đương không tham khảo hoặc được cố vấn của những người hiễu biết về chiến dịch Lam Sơn 719 cho nên đã tới một nơi không phải là Đồi 31 và chắc chắn không ai có thể đến chính xác nơi đó được dù có tọa độ chính xác nhưng phương tiện, đường rừng, và thời gian làm thay đổi thực địa .
Gần 30 ngàn đô mà đồng bào hải ngoại gửi về giúp bà quả phụ NV Đương đã nói lên tấm lòng của đồng bào VNCH luôn ghi nhớ và tri ân sự chiến đấu và hy sinh của các chiến sĩ QLVNCH . Cho nên lời ca “ Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết yêu đời lính” rất đúng Anh trong lời ca là tất cả chiến sĩ không phân biệt là Tướng Lảnh , Sỉ Quan, Hạ Sĩ Quan và binh sĩ đã hy sinh trong công cuộc BẢO QUỐC AN DÂN .
Tổ Quốc Tri Ân
01/06/201609:53:00
Khách
Bạn biết lý do tại sao bài viết lập lại đề tài hoặc nhắc lại một số ý tưởng ? Vì do từ câu chuyện kể của nhân vật chính là bà Nguyễn Thị Mai
Đâu phải mình bạn ngậm đắng nuốt cay. Còn cả triệu người bỏ nước ra đi.Thông cảm với nỗi đau của bạn.
01/06/201604:57:09
Khách
Anh Đương nói riêng & hàng chục ngàn anh hùng tử sĩ VNCH sẽ KHÔNG BAO GIỜ CHẾT trong tim các bà mẹ, vợ Việt Nam. Nhân vật "anh Đương" sau 1975 đã cùng "Anh Không Chết Đâu Anh" được bộ đội trân trọng đem về miền bắc như là món quà hiếm quý từ hòn ngọc Viễn Đông. Tôi còn nhớ những ngày bị đày qua Miên dưới cái gọi là "thanh niên xung phong", tối tối chúng tôi lén mở cassette nho nhỏ nghe nhạc Nhật Trường, tới bài này thì đứa nào cũng rưng rưng nhớ mẹ, nhớ người yêu rồi dặn dò khi lỡ tao không về được thì nhớ mở bài này mà nhớ đến tao. Nhật Trường ra đi là một mất mát lớn lao cho công cuộc đấu tranh giải thể chế độ cộng sản tại quê nhà. Cám ơn chị Annie về bài viết thật nhiều xúc động nhân ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sắp đến.
01/06/201601:57:37
Khách
Đồng ý với bạn Dương H Bui. Cùng một đề tài nhưng bài viết kể chuyện hay khác với bài phóng sự tường thuật các sự kiện vì người viết gửi gấm tâm tình của mình đối với nhân vật . Theo tôi còn có thêm một yếu tố nữa đó là kỹ năng viết của tác giả.
01/06/201601:51:00
Khách
Câu chuyện thực và bi tráng.
Cám ơn bà về bài viét hay.
Mong được đọc những bài viết khác của bà.
01/06/201601:13:08
Khách
Bài viết thật cảm động. Cảm ôn tác giả
31/05/201620:05:30
Khách
Đa số các bài viết đều lập lại đề tài đã từng được những người khác viết hoặc nhắc lại một số ý tưởng của các bài được viết.
Rằng hay thì cũng là hay, nhưng sao ngậm đắng nuốt cay thế nào.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,330,012
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ, nhận giải từ năm 2000. Liên tục 16 năm qua, ông góp nhiều bài viết giá trị và vừa nhận thêm giải Danh Dự 2015.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả vừa đoạt giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm 2016 ngay năm đầu tiên tham gia viết bài cho Việt báo. Anh là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam,
Tác giả vượt biên từ Rạch Giá đến Mã Lai, Pháp 1979, Mỹ 1987. Tốt Nghiệp Electrical Engineering 1990 tại University of Illinois at Urbana, Champaign, Illinois;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại Học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Ông tên thật là Đoàn Q Vũ, sĩ quan Hải quân VNVH, cựu tù cộng sản, hiện là cư dân vùng Little Saigon.
Nhạc sĩ Cung Tiến