Hôm nay,  

Những Người Tiên Phong

07/11/201500:00:00(Xem: 13123)
Tác giả: Hoàng Nga
Bài số 3665-18--30155vb7110715

Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại. Có viết cho các tạp chí Làng Văn (Canada), Văn (Hoa Kỳ) Văn Học (Hoa Kỳ), Phố Văn (Hoa Kỳ), Việt Luận (Úc)… Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XVII, tác giả cho thấy có sức viết mạnh mẽ. Sau đây là bài thứ bẩy.

* * *

Bà Mary nói ngày trước ở nơi đây là một cánh đồng rất rộng. Phía trước mặt nhà chỉ có những con đường đất nhỏ. Muốn đi từ nhà này qua nhà nọ phải mất cả mười lăm phút. Bà kể lúc ấy nông dân hầu hết đều trồng khoai tây, vì khoai tây dễ bán, dễ chuyên chở và dễ để dành làm lương thực cho nguyên cả mùa đông.

Tọa vị trên một trong những khu vực đẹp nhất của thành phố, nơi có các dinh thự sang trọng và xinh xắn được xây bên trong những khu vườn trồng cây ôn đới luôn luôn mướt xanh suốt bốn mùa, là cái vùng đất mà bà Mary đang nói đến, thuộc về quyền sở hữu của bà và và các con, hiện nay giá đã lên đến bạc triệu. Trường học, thư viện, cùng vô số công viên chung quanh còn góp thêm phần cho nơi ấy trở nên hoàn mỹ hơn.

Tuy nhiên trong mắt bà Mary, những quang cảnh và những điều thuận lợi ấy chẳng có ý nghĩa nào cả. Chẳng đẹp, cũng chẳng có giá trị. Chỉ vì chúng không có chút gì giống nơi mà bà đã nhìn thấy, từng sống qua. Trong trí nhớ của bà, địa hạt mang tên Minnehaha ngộ nghĩnh này, là một chỗ chẳng đến nỗi đèo heo hút gió hay tiêu điều vắng vẻ, nhưng phố không là phố rộng, người không là người đông. Mà có lẽ như vậy thật, vì mãi đến năm 1862, sau cuộc nội chiến Bắc Nam, tổng số dân cư ở đây vẫn chỉ độ hai ngàn người. Hai mươi năm sau, khi đường tàu xe lửa được xây dựng, và nhất là khi đạo luật ly dị được thông qua và chấp thuận ở một số tiểu bang như Utah, Indiana, Bắc và Nam Dakota, thì con số dân nhập cư bỗng dưng đã tăng lên gấp bội phần. Thành phố này đã trở thành một trong những “thủ đô ly dị”. Hàng nghìn, nghìn người đã ùn ùn kéo về Sioux Falls và Fargo vào thời điểm ấy chỉ vì muốn chấm dứt cuộc hôn nhân của mình.

Bà Mary không ưa chuyện ly dị. Cái suy tư của một người chín mươi tuổi, và là người Công Giáo thuần thành khiến bà thường cau có khi nói đến điều này:

- Tại sao lại chỉ muốn bỏ nhau? Cuộc sống bình thường đã không dễ, hôn nhân thì càng khó hơn, nên phải học cách để mà sống với nhau chứ!

Lần đầu tiên nói chuyện với bà, không biết bà bị Dementia, nên tôi đã trả lời là có nhiều nguyên do để người ta không thể sống chung với nhau được nữa, bà Mary liền cau mặt, đáp một hồi như thể đang lật Kinh Thánh cho tôi xem:

- Chồng phải yêu vợ như Chúa yêu Hội Thánh, như yêu bản thân mình. Vợ thì phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa, vì chồng là chủ gia đình. Phải tôn trọng và yêu thương nhau mới sống được lâu dài!

Về sau tôi thường hay im lặng để bà cụ có dịp “trải lòng”. Những lúc đề cập đến vấn đề có tính cách xã hội như vậy, bà có vẻ như chẳng bịnh hoạn gì cả mà ngược lại còn rất minh mẫn, rất tỉnh táo nữa là khác. Tôi đã nghĩ bụng nếu ăn nói lạng quạng, không khéo sẽ bị bà mắng cho một trận nên thân. Bà hay nói “bọn trẻ bây giờ không chịu có con” với vẻ rất ưu tư, rồi thở dài bảo, về già mà sống một mình, thì sẽ cô độc và rất buồn.

Bà Mary không sống một mình. Bà được con gái đưa về chăm sóc khi bà bước vào tuổi bảy mươi. Người ta thường nói người Mỹ không có tình cảm gia đình, và ít người hiếu thảo. Tôi định cư ở Mỹ chưa lâu, chưa chứng kiến người ở thành phố khác sống như thế nào, nhưng tại đây thì lại thấy phần lớn bạn bè Mỹ của tôi đều có cha hoặc mẹ ở chung. Câu châm ngôn của họ mà tôi thường vẫn được nghe là “hãy đối xử tốt lành với cha mẹ nếu muốn sau này được con cái đối xử tốt với mình”.

Thời bà Mary còn bé, giống như các nữ sinh khác, phải đi học tại các trường nội trú (boarding school) từ thứ hai cho đến chiều thứ sáu. Vừa học kiến thức phổ thông bình thường, vừa học chữ “công”, thêu thùa may vá. Và cả học đạo, học giáo lý. Bà hay nhắc đến những chiều cuối tuần náo nức đợi bố đến đón về nhà. Cái vui cái buồn của một bà cụ già trên chín mươi tuổi thể hiện ra trên mặt như một đứa trẻ con khi nhắc lại chuyện cũ. Giọng bà buồn thiu, với những câu nói đứt quãng:

- Ông bố nào cũng đến muộn… Họ uống với nhau ở bar… Ưm… Hôm nào trời lạnh thì ngồi cho đến khuya... Ờ, khuya… Khuya lắm… Không có đứa nào được về nhà đâu… Mà phải chờ cho đến tuần sau.

Nhấp nhỗm đợi chờ, náo nức cả tuần lễ, nhưng rồi lại phải kéo dài thêm một tuần. Nhớ mẹ, nhớ anh chị em, nhớ nhà. Nhớ nông trại, nhớ con bê, con cún, nhớ cái chuồng gà, cái mái hiên đầy củi, nhớ cái chăn len mẹ đan, nhớ món ăn mẹ nấu… Mặt bà Mary buồn bã, thểu não. Đến độ tôi không cần tưởng tượng cũng có thể nhìn thấy được nỗi thất vọng của bà thuở ấy là thế nào. Trong trí tôi còn như nghe cả tiếng gió rít ngoài cửa sổ phòng nội trú, thấy cả con đường dầy tuyết bên ngoài cổng trường và ánh mắt ngây thơ tội nghiệp đuổi theo bóng dáng những chiếc xe không quen dần xa hút. Thời bà Mary còn bé, là lúc chiến tranh thế giới thứ nhất đang bùng nổ, Hoa Kỳ tham chiến khá muộn nhưng kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề vì việc mua bán, mậu dịch với các nước bị đình trệ. Hầu như ai cũng nghèo. Những ngày lễ như Thanksgiving hay Giáng Sinh, nhà nào may mắn lắm thì có được một khay bánh táo, may mắn hơn nữa thì vài ba gia đình sẽ được cùng chia nhau một con gà tây. Nên thuở ấy thường khi về đến nhà, bà Mary cũng chỉ được ăn khoai tây nghiền, lâu lâu được thêm miếng xúc xích, và đồ chơi là những con búp bê bằng gỗ ông bố tự đẽo, áo quần của chúng do bà mẹ tự may… Nhưng nhà vẫn nơi mà người ta muốn về, nhất là trẻ nhỏ, nên trong ký ức về thời thơ ấu, những điều không vui như thế cứ hiện ra với bà. Tôi vẫn hay tự hỏi, nếu là tôi, thì tôi sẽ khóc đến bao lâu.

Tuy nhiên không phải lúc nào bà Mary cũng buồn bã khi nhớ về “những ngày xưa còn bé” của mình. Bà cười thật tươi, hớn hở khoe:

- Bố tôi bảo dưới phố có nhiều trolleys. Người ta phải xây dựng nhiều cột điện để mắc dây treo cho trolleys chạy.

Và khoe thêm bố bà thường cho đi trolleys. Thỉnh thoảng tôi vẫn được khuyên khi nói chuyện với bà thì nên nhắc cho bà nhớ những gì đang xảy ra ở hiện tại để bà đỡ “lãng đãng” đi ngược về quá khứ, ngược về thế kỷ trước, năm bảy chục năm về trước. Vì vậy nên có khi tôi trả lời:

- Hiện tại trolleys cũng còn chạy từ downtown xuống thác để khách du lịch hoặc người dân thành phố đi chơi lòng vòng giải trí. Nhưng người ta không lấy tiền vé và xe bây giờ chạy bằng xăng bà ạ.

Tuy nhiên gần như chẳng lần nào bà Mary thèm để ý nghe. Cái hạnh phúc của bà có lẽ chỉ dừng lại ở “hồi đó”. Bà thường mặc kệ tôi muốn nói gì thì nói, cứ tiếp tục kể về chuyện bố bà dẫn đi chơi trong những ngày hội hè. Hoặc về một đường ray xe điện chạy ngang qua trước mặt nhà bạn của bà. Bà khoe muốn đi đâu thì không gần phải đến trạm xe, mà cứ ngồi ở trong nhà, ăn bánh uống nước trà cho tới lúc nghe tiếng máy nổ gần kề vẫn có đủ thì giờ chạy ra để nhảy lên. Và bà thường gật gù hãnh diện:

- Đi khắp phố đấy nhé!

Hôm tiếp xúc với bà lần đầu, tối về đến nhà, con gái và rể tôi hỏi tôi đã nói chuyện gì với bà mà ngồi lâu và có vẻ tâm đắc dữ vậy. Tôi kể lại. Con rể tôi bật cười:

- Tuần tới chắc chắn thế nào mẹ cũng sẽ nghe bà ngoại con kể và hỏi những câu y hệt như vậy. Thế nào cũng là cánh đồng chỉ có thể trồng khoai tây và những con đường không được tráng nhựa ở trước mặt nhà. Thế nào cũng Giáng Sinh không có gì ăn.

Thật vậy, về sau cứ gặp tôi là bà kể đi kể lại, hỏi đi hỏi lại những câu đã hỏi hằng bao nhiêu lần. Bà sui gia tôi giải thích Dementia thường hay bị nhầm với bịnh Alzheimer vì những biểu hiện khá giống nhau, thường hay gặp ở người già (tiếng Việt có tên là sa sút trí tuệ, và một tên khác mà theo tôi thì không được hay ho cho lắm, là bịnh lú lẫn).

Có nhiều nguyên nhân để gây nên Dementia, bất kể là ở lứa tuổi nào, vì phần tế bào não bị tổn thương ngưng không hoạt động, không liên lạc với các tế bào khác rồi dần dần chết hẳn, khiến người mắc bịnh Dementia bị rơi vào tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn, khó tập trung trong việc thực hiện những công việc hằng ngày. Điều hay bắt gặp nhất là họ thường quên hẳn những gì đang xảy ra ở chung quanh mình, và quên mình bao nhiêu tuổi.

Bà Mary hiếm khi nào nhận ra mình đã ăn hay chưa, trời đang sáng hay tối, sống giữa mùa đông hay hè. Cũng chẳng biết mình vừa làm điều gì, nói câu gì, với ai. Nhưng ngược lại bà không hề quên những chuyện đã xảy ra trước đây hàng nửa thế kỷ, năm bảy mươi năm trước. Có đôi lần bà cho tôi xem những tấm hình cũ, rồi kể vanh vách tên người trong hình và nói những tấm hình đó được chụp vào dịp nào. Nhất là thời gian bà còn là cô nữ sinh nội trú, thời đất nước Hoa Kỳ gặp khó khăn, thì bà nhớ rất rõ, rất nhiều. Có những chi tiết bà kể rất hấp dẫn nhưng tôi không biết là thực hay hư, nên thường “kiểm chứng” lại với người nhà của bà cho vui, thì thấy gần như đúng đến cả trên chín mươi phần trăm.

Sau này tôi hiểu thêm ra một điều là khi bà đang “ngược thời gian trở về quá khứ” và đang có những “phút giây chạnh lòng”, thì có cố vớt vát nói thêm câu gì đó cho bà “lai tỉnh” cũng vô hiệu. Bà sẽ tự dẫn mình đi rồi tự dẫn mình về mà chẳng cần báo trước hay làm một câu “chuyển mạch”, đổi đề tài gì cả. Bao giờ cũng vậy, đang say mê kể lể chuyện được đi xe điện, chuyện đứng hằng giờ dán mắt vào cửa để chờ bố đến đón về nhà mà cuối cùng chẳng thấy ai, bà bỗng quay sang nắm lấy tay tôi:

- Ở nước cô có khoai tây không vậy?

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đã đáp có và nói thêm:

- Có lẽ là do người Pháp mang khoai tây qua Việt Nam thời họ đô hộ đất nước tôi.

Bà Mary gật gù:

- Người Pháp hả? Ờ, nước Pháp…

Rồi bà bỏ lửng câu nói, chớp chớp mắt mấy cái, rồi nhăn mày lại như đang định nói về một điều gì đó nhưng cuối cùng lại thôi. Những mẫu đối thoại giữa bà Mary với tôi, nếu không kể đến những lần “để thay đổi không khí” thì cứ như vậy đến cả trăm lần. Cứ như vậy, đến cả mấy năm. Hễ ngồi ở ngoài hàng hiên thì sẽ là câu chuyện khoai tây, ngồi trong nhà là chuyện xe điện và trong phòng bà là Giáng Sinh không có gì ăn. Và bao giờ cái kết thúc bất cứ câu chuyện nào cũng là một câu hỏi và cái nắm tay thật ân cần, “nước cô có khoai tây hay không?”, hệt như một khúc phim được chiếu đi chiếu lại nhiều lần.

“Tri kỷ” như vậy đó, “Bá Nha Tử Kỳ” như vậy đó, mà chưa bao giờ bà Mary nhớ ra tôi là ai. Chưa bao giờ biết đã nói, đã hỏi tôi những gì. Lần nào gặp bà, tôi cũng phải giới thiệu mình sinh trưởng ở Việt Nam, đến thành phố này để sống với con cháu, rồi sau đó trò chuyện nhiều hơn, thì phải nhắc lại là tôi biết khoai tây do người Pháp mang đến trồng ở Việt Nam. Bởi nhỡ tôi quên, hoặc cố tình không muốn nhắc đến chi tiết này, thì bà sẽ hỏi cho ra, “nhưng mà phải có người mang khoai tây đến xứ cô lần đầu tiên chứ?”.

Tôi không hỏi bà Mary bị như vậy hồi nào nhưng biết Dementia làm bà dần dà không nhớ chuyện hiện tại, cũng không nhận ra nhiều người thân chung quanh mình. Bà luôn luôn gọi Jim, con trai cả của mình là anh hai, vì đã dùng cái tên Jim của ông anh này để đặt cho con. Bà hay nhíu mày hỏi khi người con đến thăm bà:

- Anh chết rồi thì phải ở với Chúa chứ tại sao lại ở đây?

Thỉnh thoảng bà lại kể cho tôi nghe về một “thằng nhỏ sống ở dưới basement”, bảo sợ thằng bé vào phòng bà… lấy trộm những đôi vớ da, stockings của mình. Bà sui gia tôi bảo vớ da là một thứ đồ dùng rất đắt đỏ vào thập niên bốn mươi vì mới được phát minh. Đó là thời bà Mary còn nặng một nách tám, chín đứa con dại. Thật ra thì bà cũng có thể mua một vài đôi, nhưng chắc có lẽ do bà không bao giờ dám tiêu xài những thứ xa xỉ như vậy, nên chúng gần như chỉ nằm trong mơ ước và luôn luôn có một giá trị thật tuyệt đối. Rất nhiều lần bà sui gia của tôi phải nhặt nữ trang của bà Mary đem đi cất, nhưng chưa hề tìm thấy một đôi vớ nào bị đánh rơi cho dù chúng đã cũ.

Khi kể cho tôi nghe chuyện sợ bị mất cắp, bà Mary không bao giờ nhắc đến nữ trang, hay kim cương đắt tiền mà bà đang có do chồng và các con tặng. Đồng thời cũng chẳng nhớ cái thằng bé sống dưới basement ấy là cháu ngoại của mình, chẳng biết nó là đứa cháu chịu thương chịu khó với bà, hằng ngày vẫn dẫn bà đi dạo quanh vườn cho đỡ chồn chân, và thỉnh thoảng cuối tuần lại dành thì giờ đưa bà đi chơi bowling cho đỡ chán. Hẳn nhiên bà càng không nhớ stockings đã rẻ tới độ có nhiều người nông dân mua về chỉ để quấn gốc táo, gốc cherry vào mùa đông cho sóc và thỏ không phá được những thân cây còn non trong vườn.

Bà Mary đẹp người, từ vóc dáng cho đến nhan sắc. Có thể nói là từ thuở thanh xuân cho đến tuổi sắp lìa đời. Tận cả khi quên quên nhớ nhớ như vậy, trông nét mặt bà vẫn rạng rỡ như một đóa hoa. Vào những ngày Chúa Nhật và ngày lễ lớn, bà thích được mặc áo quần đẹp để đi nhà thờ. Thích được làm tóc, được chải chuốt kỹ lưỡng. Có nhiều hôm tôi cứ đứng nhìn mãi những tấm hình gia đình treo trên tường vì bị cuốn hút bởi những nét thanh tú và tao nhã ấy. Con rể tôi nói có lẽ do bà có liên hệ với hoàng tộc Pháp, có dáng dấp và nét tiểu thư đài các của mẹ bà, nên dầu đã phải làm lụng vất vả ngoài đồng lẫn trong nhà, mà cái phong cách ấy vẫn không hề phai nhạt.

Giòng họ của bà Mary đến Hoa Kỳ vào thế kỷ thứ mười bảy, một trong hai đợt di dân lớn nhất từ Âu châu, định cư dọc theo thung lũng của giòng sông Big Sioux… Không ai trong gia đình bên sui gia tôi còn nhớ hoặc biết lý do vì sao không theo thanh giáo mà họ lại bỏ đi lập nghiệp ở xứ người như vậy. Nhưng câu chuyện họ đã đi bộ ròng rã hàng tháng trời giữa cái giá rét của mùa đông từ vùng này sang vùng khác để kiếm ra chỗ định cư làm tôi cảm động. Một trong số các đồ vật kỷ niệm của giòng họ bà Mary có những túi da rất lớn. Đó là những túi hành lý khi cánh đàn ông phải đi làm xa, vài ba tháng mới được về thăm nhà một lần thì dùng để đựng quần áo, vật dụng hàng ngày và quan trọng hơn hết là đựng thực phẩm, đồ đạc và tiền bạc tích góp được để mang về cho vợ con. Khi phải bơi qua sông, và lội qua những con suối lớn, họ đã đội lên đầu những túi da ấy cho khỏi ướt.

Sống nhiều năm ở những vùng tuyết giá dưới chân ngọn Alpe, tôi hiểu thế nào là cái lạnh, cái rét buốt của mùa đông. Nhưng cái lạnh tôi đã chịu đựng là cái lạnh vì do không mặc đủ ấm khi điệu đàng làm dáng, vì do quên mang găng tay, quên mũ, hoặc ỷ y vào sức khỏe của mình. Hoặc cũng có khi nhìn nhầm thời tiết, thấy nắng đẹp bên ngoài giữa lúc trong nhà bật lò sưởi hơi cao, không nhận ra độ rét thật sự. Hoặc vân vân và vân vân…

Có hằng nghìn lý do cho chuyện bị lạnh của tôi, trong đó cũng có đôi khi vì cơm áo, phải đến chỗ làm giữa lúc trời bão tuyết, nhưng thật sự so với cái lạnh phải lội qua sông vào những mùa rét như thế, có lẽ chẳng ăn thua chút nào. Bởi vì thời này xe cộ nào cũng có sưởi, quần áo giày dép lại tốt hơn, đường xá thuận tiện hơn, nhưng trên hết là không ai để tôi, hoặc cho phép tôi băng qua sông, qua suối môt cách nguy hiểm như vậy trong mùa đông.

Bên cạnh những câu chuyện đất chỉ trồng được khoai tây, đường không tráng nhựa bà Mary kể cho tôi nghe nhiều lần, còn có thêm chuyện “thành phố này chỉ có một cái câu lạc bộ giải trí”, là chỗ dành cho nam giới và thường là các bà không được đến. Cái thế giới của bà Mary ở chốn “không có nhiều người, không có nhiều nơi bán thực phẩm lắm đâu”, trước khi bà ra đời vài năm thì công ty thịt đóng gói John Morell mới được thành lập. Văn minh thị thành thời ấy chỉ có đường xe lửa và ánh điện nhấp nháy trong nhà. Năm 1910, dân thành phố này được chứng kiến chiếc máy bay đầu tiên đáp xuống mặt đất, nhưng đến tận mười chín năm sau (1929) phi trường mới được xây dựng, và trạm phát thanh mới được thành hình ở nơi đây.

Trong ký ức của bà Mary, câu chuyện tổng thống J.F. Kenedy đến thăm địa hạt này năm 1960, hay chuyện ông Joe Foss, cựu thống đốc Dakota, là anh em họ của bà đã được đặt tên cho phi trường của thành phố, hoàn toàn chẳng được đánh một chút dấu ấn nào cả. Bà dường như chẳng biết họ là ai. Không cần biết họ là ai thì đúng hơn. Cả cái hãng đóng gói thịt John Morell từng có thời là một hãng lớn nhất thế giới, là điều hãnh diện của nhiều người dân nơi này, thì đối với bà, nó chỉ quan trọng ở chỗ gia đình và bà con bà thường hay mua bán gia súc cho họ mà thôi.

Gia đình bà Mary có nhiều nông trại lớn và đẹp. Bản thân bà thì có nhiều khu đất cho thành phố mướn để làm khu công nghiệp. Người chồng của bà khi còn sống đã nghĩ đến chuyện một người nội trợ như bà, hoàn toàn không làm việc cho hãng xưởng thì sẽ không được lãnh tiền hưu trí, nên đã đầu tư cho bà qua phương thức cho mướn đất như vậy. Nhưng khi về già, cái nhu cầu của bà Mary đơn giản chỉ là một căn phòng nhỏ vừa đủ kê một chiếc giường ngủ, một chỗ ngồi ấm áp để uống trà mỗi sáng mùa đông, và một khoảng không gian be bé để nhìn ra vườn ngày vào hạ.

Trong nhiều năm liền, vợ chồng bà đã làm việc cật lực và gian khổ, tiêu pha chừng mực và cố dành dụm để có số đất đai và tài sản như vậy. Người đàn bà tiên phong, pioneer, mà tôi biết, gần một trăm năm sau, hằng ngày sống ngây ngô như một đứa trẻ nhỏ, buồn cái buồn thơ dại, vui cái vui trẻ con, đã để lại một gia sản rất lớn cho con cháu. Cháu chắt bà, những khi ngồi lại với nhau thường hay nhắc đến một bà cụ nói năng không còn bình thường, thường hay trêu bà chỉ nhớ đến những chuyện ngớ ngẩn, lộn xộn.

Trong số hơn một trăm đứa cháu nội, ngoại của bà Mary, chẳng biết có bao nhiêu đứa nhớ rằng một phần tiền mình ăn học là do đất đai, của cải bà chia cho. Chẳng biết có bao nhiêu đứa cảm động vì bà đã khó nhọc một thời để có những tài sản ấy. Chẳng biết có bao nhiêu đứa đã tỏ ra bực bội vì bà cụ mới vừa kể lể một chuyện không đầu không đũa bỗng đổi sang mắng mỏ điều gì đó hết sức sắc sảo, đã khẳng định bà chỉ giả vờ chứ không có bịnh hoạn gì hết. Và cũng chẳng biết khi đi trên những lối dành cho bộ hành, có bao nhiêu người trong thành phố này biết được gia đình bà đã giúp chính phủ một số tiền lớn để xây nên những lối đi ấy hay không.

Cuộc sống, tựa hồ như một con nước trôi. Từ thượng nguồn xuống đồng bằng. Từ đồng bằng ra biển lớn. Bà Mary đã sống một đời của người đi tiên phong, một đời của người dân lương thiện, làm lụng cực nhọc cho gia đình, góp phần cho xã hội. Chuyện của bà làm tôi nhớ chuyện thuyền nhân, chuyện người Việt Nam tị nạn được bảo trợ sang thành phố này. Phần lớn họ đã ổn định cuộc sống cho mình và gia đình mình qua nhiều công việc tại hãng đóng gói thịt John Morell và tại các nông trại. Đó là những công việc nặng nề, khó nhọc và đôi khi có thể nói là không được thơm tho dễ chịu. Nhưng hệt như những pinoneers thời Hoa Kỳ mới lập quốc, họ đã tiên phong gánh hết nhọc nhằn, cam chịu những điều khó khăn, lại phải chi tiêu thật kỹ lưỡng, thật dè xẻn để có những khoản tiền gửi về giúp đỡ thân nhân ở quê nhà, và để tạo cho con cháu mình có được một cuộc sống tươi đẹp hơn, tốt lành hơn và nhàn nhã hơn.

Tôi nghĩ có lẽ bà Mary đã không ưu tư mình sẽ được đền đáp cách lớn lao hay không. Có lẽ cũng chẳng so đo hơn thiệt với thế hệ đi sau mình. Mà nếu có, chắc nhiều lắm là mong được “đối xử tốt lành” vào những ngày không còn minh mẫn nữa. Đồng hương của tôi cũng vậy. Người tiên phong, người đi trước tương tự những con ong thợ chăm chỉ, siêng năng làm việc hằng ngày, hằng giờ, cũng chỉ với tâm nguyện tạo được một tương lai sáng sủa cho con cháu và cũng chỉ mong được đôi chút an ủi lúc về già. Cũng không mơ xa hơn một căn phòng bé tí tẹo, một khoảng vườn, một miếng đất be bé để trồng mớ rau thơm, rau quế, giàn bí, giàn bầu…

Cái hạnh phúc của những người tiên phong, có phải là như vậy, hay chăng?

Hoàng Nga

Ý kiến bạn đọc
10/11/201517:36:01
Khách
co le Toa soan dich nham,Bac nay o Ao,thi moi lam viec tai Duc ,chu khong phai da o Uc,vi Uc thi ko co day nui Alpe
07/11/201516:40:33
Khách
Hoi nho, khi tap viet, bon tre chung toi phai nan not tung chu "Uong nuoc nho nguon, an trai nho ke trong cay." Chung toi viet hang trang de luyen chu viet hoc o tieu hoc. Dan da, nhung cau tuc ngu ay tham vao mau luc nao khong hay. Bay gio doc cau chuyen nay, cam dong boi hoi va thuong nho tien nhan nuoc Viet. The ma bay gio...chung toi phai song luu vong va dau don nhin dan toc Viet nam dang mat dan ban sac...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,979,204
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000,
Tác giả tên thật Phương Nguyễn thị, sinh năm 1955 tại Phủ Cam Huế, cựu học sinh trường Jeanne DArc. Cư dân thành Phố Shoreline, Tiểu bang WA.
Tác giả tên thật là Đoàn Q Vũ, sĩ quan Hải quân VNVH, cựu tù cộng sản, hiện là cư dân vùng ZLittle Saigon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Vượt Biển Bằng Thuyền Buồm” đã phổ biến.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh,
An nô nức mong chờ ngày họp mặt cựu sinh viên, học sinh tỉnh Tây Ninh trên khắp thế giới tổ chức tại miền nam California.
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ
Tác giả tên thật Nguyễn Văn Ni, 70 tuổi, sinh quán Bến Tre. Tại Việt Nam trước 1975, ông giảng viên Đại học Nông Lâm Súc Cần Thơ; Đi lính Khóa 6/70 Thủ Đức.
Tác giả là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô là một nhà giáo, hiện làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California.
Tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago.
Nhạc sĩ Cung Tiến