Hôm nay,  

Cuốn Tập Dưới Đầu Giường Của Mẹ

09/07/201500:00:00(Xem: 12881)

Tác giả: Tịnh Tâm
Bài số 3566-16-30116vb5070915

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Sang năm 2015, cô góp loạt bài mang tựa đề chung “Chuyện Của Người cho mượn lỗ tai,” gồm nhiều chuyện ngắn. Sau đây là bài thứ 5 trong loạt bài kể trên.

* * *

1.

Mùa hè. Đã hơn sáu giờ mà nắng vẫn còn vàng ươm. Nghĩa trang rực rỡ với màu sắc của những bó hoa trên các bia mộ. Dường như những bia mộ bớt đi vẻ trầm mặc, bí ẩn, trang nghiêm vốn có trong những ngày mùa đông giá buốt và mùa thu lạnh lẽo. Đóa bồ công anh bé xíu trên ngôi mộ nhỏ của mẹ chị có vẻ như vàng rực hơn trong nắng chiều.

Chị nói, giọng chùng hẳn xuống, như thể chị đang thì thầm với chính mình:

- Sau tang lễ, mọi người dọn dẹp phòng mẹ chị, ai nấy kinh ngạc vì bên dưới đầu giường của mẹ là một cuốn tập, trong đó có mớ vé super lotto cũ.

- … Vé super lotto cũ trong cuốn tập?

Chị mở túi xách:

- Ừ! Mớ super lotto cũ kẹp trong cuốn tập. Chị đã xin được cất giữ những tấm vé đó, như cất giữ niềm ước mơ trong tuổi già của mẹ chị. Còn cuốn tập nhỏ thì anh cả đã sao ra thành năm bản, giao cho mỗi người một bản.

- Dạ.

- Đây! Em xem nè! Trang đầu tiên là tên và ngày tháng năm sinh bầy con của mẹ. Mẹ chị đã nắn nót từng nét chữ để mỗi cái tên của mỗi người con thật đẹp.

- Ồ! Đẹp quá chị ạ! Nét chữ rất chân phương, mềm mại, ngay thẳng và đều tăm tắp.

- Có lẽ mẹ chị đã viết cuốn tập nầy trước khi qua đời không lâu. Nếu muốn, em hãy đem về nhà đọc.

- Dạ…Ơ…

- Không sao! Em cứ đọc. Nó không phải là nhật ký. Chị nghĩ ai cũng đọc được. Biết đâu mẹ chị lại vui.

- Dạ, cám ơn chị. Ngày mai chị có ra đây không?

- Có chứ. Mỗi chiều, từ chỗ làm ra, chị thường vào đây thăm mẹ.

- Vậy mai em sẽ gửi lại chị cuốn tập của bà cụ, chị nha! Cám ơn chị nhiều.

- Rất vui vì được làm bạn với em. Cám ơn em đã chia sẻ nỗi niềm với chị.

- Em cũng rất vui khi được trò chuyện với chị. Mai gặp nhau chị nhé. Bye chị.

- Bye em.

2.

Cuốn tập của người mẹ:

(…)

- Dạo nầy bỗng dưng mẹ thích luyện chưởng! Mẹ đang đọc bộ truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung.

Hôm nay đọc tới chương Xung Hư đạo trưởng đấu kiếm với Lệnh Hồ Xung, mẹ dừng lại, xúc động, chợt nhớ hồi xưa, hơn một lần, thầy giáo dạy triết của mẹ có nói đến triết lý không có gì tuyệt đối nơi cõi tạm trong bộ truyện kiếm hiệp nầy. Mẹ bỗng nhớ như in nụ cười dí dỏm của thầy: "Điều thú vị thầy muốn nói với các trò về kiếm pháp vòng tròn, đó là một kiếm pháp tròn trịa, khép kín, tưởng chừng như hoàn hảo nhưng oái oăm thay, chỗ sơ hở của nó lại chính là cái tâm điểm của vòng tròn." Giờ mẹ mới biết kiếm pháp vòng tròn đó là Thái cực kiếm pháp, một kiếm pháp vô địch trong thiên hạ của Trương Tam Phong, người sáng lập phái Võ Đang. Và sự việc để thầy giáo của mẹ đi đến kết luận về triết lý không có gì tuyệt đối là cuộc đấu kiếm giữa Xung Hư đạo trưởng với Lệnh Hồ Xung. Xung Hư đạo trưởng, một đạo sĩ luyện Thái Cực Quyền, Thái Cực Kiếm đến độ thuần thục, ông là một trong những cao thủ võ lâm nổi bật lúc bấy giờ. Xung Hư đạo trưởng biết Lệnh Hồ Xung là bậc đại trượng phu nên rất khâm phục và ủng hộ chàng. Khi hay tin Lệnh Hồ Xung dẫn quần hùng lên Thiếu Lâm Tự để cứu nàng Nhậm Doanh Doanh, Xung Hư đã đóng vai một lão nông bình thường đến đấu kiếm với Lệnh Hồ Xung nhằm thử tài chàng. Lệnh Hồ Xung, người có sở trường sử dụng kiếm thuật với bí kíp Độc Cô Cửu Kiếm vô cùng lợi hại, đã hết sức bối rối trước kiếm pháp của Xung Hư đạo trưởng. "Lệnh Hồ Xung không nhìn thấy trong kiếm pháp của lão một chút sơ hở nào, tựa hồ hàng trăm hàng ngàn thanh trường kiếm hộ vệ rất kín đáo cho toàn thân lão…Quả thật đây là chuyện trước nay chưa từng có. Lão chỉ phóng ra những đường vòng tròn di chuyển theo ý muốn... Nhưng biết đâu cũng có chỗ sơ hở mà ta chưa tìm ra được? Không chừng trong giữa những vòng tròn này là chỗ sơ hở? Nghĩ vậy, chàng liền vươn tay cứ việc ung dung đâm vào giữa vòng kiếm quang của lão. Lệnh Hồ Xung lúc này mới biết đòn mạo hiểm của chàng vừa rồi đã trúng vào nhược điểm về kiếm pháp của đối phương."

(…)

- Mẹ vẫn thường đi bộ trong công viên vào mỗi sáng. Không khí nơi ấy thật tuyệt nhưng mẹ cảm thấy buồn khi nhìn thấy những người homeless lấy chỗ đó làm nơi cư ngụ. Dưới tán cây rộng, một nhóm người nằm la liệt trên bãi cỏ. Họ trùm kín người trong những tấm chăn cũ kỹ. Chưa hết, trên ghế đá cạnh sân bóng rổ, một người đàn ông không chăn chiếu, nằm bất động, hai tay khoanh trước ngực, dưới chân là một cái túi xách nhỏ. Mẹ tự hỏi, khi mùa hè qua đi, những người nầy sẽ như thế nào? Các con ơi, nhìn họ, mẹ xót xa quá nhưng lực bất tòng tâm? Mẹ cũng biết trên thế giới nầy còn biết bao người đói nghèo đau ốm khốn khổ cơ cực! Ôi! Ước gì mẹ trúng số! Mẹ, dù không có chốn riêng cho mình, nhưng dẫu sao mẹ cũng có chỗ để ra vào, để che nắng che mưa che lạnh, mẹ cũng không phải lo chuyện đói no. Thì ra mẹ có phước biết bao!

(…)

- Các con biết không, mỗi chiều, khi nghe tiếng cửa mở, cu Tý liền bỏ tất cả đồ chơi, chạy ào ra đón mẹ. Hai mẹ con nhà nó ôm hôn nhau, rồi rối rít trò chuyện, cứ như thể họ xa nhau hàng năm trời. Nhìn cảnh đó, mẹ nhớ lại những tháng ngày mang các con trong bụng. Mẹ nhớ lại lúc các con chào đời. Mẹ nhớ từng ánh mắt, từng nụ cười, từng nét riêng của các con… Mẹ nhớ tất cả… Mẹ cám ơn Chúa đã cho mẹ được làm mẹ. Các con ơi, được làm mẹ là hạnh phúc lớn nhất trên đời nầy. Các con là món quà vô giá mà Chúa đã ban thưởng cho mẹ. Mẹ có các con để yêu thương, nâng niu, chăm chút, ẵm bồng. Mẹ có các con để vui cười, để ước mơ, hy vọng. Mẹ đã đi qua được cuộc đời nầy nhờ mẹ có các con. Các con là tất cả tất cả tất cả tất cả… của đời mẹ. Mẹ cám ơn các con.

(…)

- Mẹ vừa đọc câu chuyện nầy trong một tờ báo: "Có một cô gái đang sống với mẹ. Họ rất vui vẻ, hạnh phúc. Bỗng người mẹ bị bệnh và ra đi mãi mãi. Người con cảm thấy bơ vơ, đơn độc. Cô đau đớn tuyệt vọng cùng cực trước sự mất mát quá lớn lao. Cô quay lưng lại với tất cả mọi người. Cô chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Suốt ngày cô tự nhốt mình trong phòng và khóc. Rồi một hôm, trong giấc ngủ mệt mỏi, người con mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, cô gặp một đoàn người đang rước đèn. Tất cả các ngọn đèn đều lung linh toả ánh sáng tuyệt đẹp, trừ ngọn đèn của người đi sau cùng- ngọn nến của người nầy không được thắp sáng. Người con tiến đến gần, nhìn kỹ, kinh ngạc khi nhận ra đó chính là mẹ của mình. Giọng sũng nước mắt, cô hỏi: "Mẹ ơi! Sao ngọn nến của mẹ lại không cháy?" Người mẹ đáp một cách đau xót: "Con à, mẹ đã cố gắng lắm nhưng không thể được, vì mỗi lần mẹ thắp ngọn nến lên thì những gịot nước mắt của con lại làm nó tắt đ". Người con choàng tỉnh. Từ đó, cô lấy lại thăng bằng, sống vui vẻ, chan hòa với mọi người. Cô tin rằng ánh nến của người mẹ yêu thương đang tỏa sáng trên những khuôn mặt, trong những ánh mắt của những người xung quanh. Cô tin rằng người mẹ yêu thương của cô đang hạnh phúc với ngọn nến sáng lung linh." (…)

3.

- Bố chị mất khi mẹ chị mới ngoài bốn mươi. Mẹ đã một mình nuôi bầy con líu chíu năm đứa. Mẹ rất đảm đang, tháo vác và được ơn. Con cái mẹ đều được đi học đàng hoàng. Con cái mẹ không thiếu thốn bất cứ gì so với bạn bè. Không hề có chuyện, còn cha gót đỏ như son, đến khi cha mất gót con như bùn.

- Bà cụ là người mẹ tuyệt vời!

- Sau biến cố tháng tư năm bảy lăm, mẹ chị đã lần lượt đưa bầy con của mẹ thoát khỏi chế độ Cộng Sản, như ngày xưa, ông bà ngoại đã đưa mẹ trốn khỏi miền Bắc để vào Nam. Và mẹ chị đã thành công.

- Dạ.

- Em à, hình ảnh in đậm trong tâm trí chị về mẹ là, mẹ luôn bận rộn. Sáng, mẹ dậy rất sớm để sắp xếp công việc nhà trong ngày. Mẹ dặn dò người giúp việc đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo… Xong đâu đó mẹ xuống mở cửa tiệm. Tiệm vải của mẹ lúc nào cũng đông khách. Người ta yêu mến mẹ vì mẹ hiền lành, thật thà, dễ chịu. Chiều, đóng cửa tiệm, mẹ lên lầu, lại tất bật với bao nhiêu công việc của một người mẹ và của người chủ tiệm vải.


- Dạ.

- Mẹ chị rất thích đọc sách. Tủ sách nhà chị đầy ắp. Mẹ đọc lúc vắng khách. Mẹ đọc lúc đêm khuya.

- Dạ.

- Đã có vài người đến với mẹ, mẹ đều chối từ, dù mẹ hãy còn trẻ để đi tiếp bước nữa.

- Dạ…

- Em à, ai đó đã nói rằng, con là tất cả đối với cha mẹ, nhưng cha mẹ chỉ là một mắc xích trong cuộc đời con.

Chị dừng lại. Đăm chiêu. Chiều, nắng hè vẫn còn hanh vàng. Những vạt nắng lấp lóa trên những bia mộ. Xa tít, mênh mang phía chân trời, ráng chiều óng ánh màu tím ngát. Chị khe khẻ áp đóa bồ công anh lên ngực, giọng chùng xuống, như thể thì thầm với chính mình:

- Em à, chuyện bắt đầu từ lúc mẹ chị được bảo lãnh sang đây… Chuyện nghe tưởng chừng rất khó tin nhưng lại là chuyện thật.

- …

- Khi mẹ chị sang đây, các anh chị em đều đã lập gia đình. Tất cả đều thành đạt. Tất cả đều đã mua được nhà, nhà nào cũng thênh thang, bề thế, sang trọng với bãi cỏ trước nhà luôn xanh tươi, cắt xén gọn gàng, với hồ bơi sau nhà luôn được giữ gìn sạch sẽ. Nhà nào cũng dư phòng. Mẹ vui lắm vì giấc mơ đời mẹ đã trở thành sự thực.

- Dạ…

- Lúc mới qua, mẹ chị ở với anh cả. Nhưng rồi, chừng một năm, dường như mẹ có nỗi niềm gì đó. Trông mẹ lặng lẽ như một chiếc bóng, Chị gặng hỏi, mẹ chỉ gượng cười, bảo không có gì. Chị nghĩ đó là tâm trạng thường thấy ở những người đã lớn tuổi khi phải sống xa quê nhà. Chị tin dần dần rồi mọi sự sẽ OK.

- Dạ. thường thì như vậy đấy ạ.

- Hằng ngày, khi còn lại một mình trong nhà, mẹ thường ra trước hiên, ngồi lặng thinh nhìn mấy đóa bồ công anh nở vàng giữa bãi cỏ.

-...

- Rồi chị mời mẹ về sống với chị, chị hy vọng mẹ sẽ vui vì chị là út, sống gần gũi mẹ nhiều nhất, hiểu mẹ nhiều nhất.

- Thế là tốt rồi chị nhỉ?

- Ừ, nhưng được vài năm…

- …

- Bỗng dưng mẹ chị muốn ra ở với cô cháu họ. Cô ấy là single mom, baby của cô ấy chừng hai tuổi. Mẹ nói mẹ muốn giúp cô ấy. Cô ấy cần mẹ. Không ai cản mẹ được.

- Sau đám tang, cô cháu họ mới kể, mẹ thường nhờ cô ấy mua vé số cho mẹ. Mẹ tâm sự với cô ấy rằng, mẹ muốn trúng số để mẹ mua cho mẹ cái mobile home một phòng ngủ. Còn bao nhiêu mẹ sẽ làm việc thiện. Mẹ căn dặn người cháu họ không được kể với bất kỳ ai về tâm tình của mẹ. Mẹ không muốn làm phiền con cái.

- Dạ…

- Mẹ chị qua đây với hai bàn tay trắng, tất cả của cải cả đời mẹ chắt chiu dành dụm đã lo cho bầy con. Chị hiểu, cả đời mẹ đã quen sống trong căn nhà cố định của riêng mình, đã quen mọi thứ được ổn định, từ cái cối xay tiêu đến cái chổi quét nhà.

- …

Giọng chị nhỏ dần, xa vắng:

- Em à, anh cả của chị làm chủ một business lớn. Ngoài ngôi nhà anh đang sống, anh còn có nhà nghỉ trong một khu rừng ở Utah. Chị đã từng được đến đó vài lần. Em à, khi ở trong căn nhà đó, mình có cảm tưởng như được sống trong những câu chuyện cổ tích, nhưng tiện nghi thì của thời hiện đại. Mỗi năm vào dịp nghỉ xuân hoặc hè, gia đình anh chị đến đó nghỉ ngơi. Hàng tháng, anh cả gửi tiền giúp đỡ hội một ung thư trong thành phố. Anh thứ hai là một bác sĩ, thỉnh thoảng vẫn đi chữa bệnh thiện nguyện ở một số nước bên Châu Phi. Chị thứ ba là dược sĩ, chị thường xuyên cúng tiền xây chùa chiền. Anh thứ tư là một chuyên gia về chứng khoán. Hàng năm, anh ấy dâng tiền một khoản tiền khá lớn cho các nhà thờ. Còn chị, những dịp lễ, vẫn gửi tiền về Việt Nam để mua gạo cho người nghèo.

- Dạ. Em tin bà cụ rất vui vì các anh chị đều có tấm lòng nhân hậu.

- Ừ, không ai tệ lắm, phải không em?

- Dạ.

Chị im bặt hồi lâu… rồi chị cay đắng:

- Ừ, không ai tệ lắm với số phận của đồng loại, phải không em?

- Dạ.

Giọng chị cay đắng hơn:

- Nhưng tệ lắm, vô tình lắm với mẹ của mình… là người đã mang nặng đẻ đau ra mình… là người đã lao khổ cả đời cho mình… là người đã hy sinh hết thảy cho mình… Hi sinh cho đến khi nhắm mắt xuôi tay…

- …

Chị nói, như bị nghẹn trong từng tiếng đứt đoạn:

- Người… mà khi đến tuổi già… chỉ còn lại hai bàn tay trắng trên đất khách quê người với mơ ước… mà bầy con mình thừa sức…

- …

- Chị ơi, nhưng mà bà cụ …

- Nếu hết thảy các anh chị em nhà chị không vô tình… thì mẹ hẳn không mặc cảm mình là người thừa thãi.

-…

- Mẹ buồn mà không dám nói. Đến khi mẹ không còn trên cõi đời nấy nữa, con cái mới hiểu mẹ. Trớ trêu hơn, con cái của mẹ hiểu mẹ nhờ người cháu họ của mẹ!

-…

Chị ngước mặt nhìn lên cao. Bầu trời trong vắt, chỉ còn vài dải mây trắng mềm như lụa đang lững lờ trôi.

Chị đưa tay vuốt mấy sợi tóc mai lòa xòa trên trán:

- Sau tang lễ của mẹ, người cháu họ của mẹ có dịp hàn huyên với anh chị em nhà chị. Cô ấy kể, mẹ luôn nhắc đến anh chị em nhà chị một cách yêu thương, hạnh phúc và mãn nguyện. Mẹ vui vì các con của mẹ được sống tự do, đầy đủ. Mẹ vui vì các con của mẹ biết bảo bọc vun vén cho cái tổ ấm của chúng. Mẹ nói, hạnh phúc của các con mẹ luôn là điều quan trọng nhất đối với mẹ.

-…

- Sau nầy chị mới hiểu tâm tư của mẹ. Sống trong gia đình của con cái, mẹ luôn cảm thấy mẹ là người thừa; mẹ như một cái lá già cỗi, héo úa trong một chậu hoa xinh tươi. Mẹ như kẻ quấy rầy, làm phiền mỗi khi mẹ ho, mỗi khi mẹ phải vào restroom trong đêm khuya. Rồi những lúc vợ chồng các con giận nhau, mặt nặng mặt nhẹ với nhau; mẹ cứ mặc cảm rằng do sự có mặt của mẹ. Mẹ không muốn làm vướng víu cuộc đời chúng. Mẹ không muốn hạnh phúc của các con bị trầy xước vì mẹ. Có thể mẹ quá nhạy cảm. Người già thường như vậy, phải không em?

- Dạ.

- Người già, khi không còn tài sản, phải sống nhờ con cái, thường mang nặng mặc cảm… mặc cảm mình là gánh nặng… rồi tủi thân… sức yếu lực tàn, đâu còn làm gì được nữa. Lẽ ra, anh em nhà chị phải nhận ra điều đó. Lẽ ra, anh em nhà chị phải quan tâm đến cảnh ngộ, tâm tình và cảm xúc của mẹ.

Chị thở dài, ánh mắt vẫn mông lung xa vắng:

- Lẽ ra… Lẽ ra… nhưng tất cả đã muộn màng…Sau tang lễ, anh chị em ngồi lại với nhau, thẳng thắn phân tích sự việc. Có những ý kiến khác nhau.

- Khác như thế nào ạ?

- Có người cho rằng mẹ không chịu thích nghi, không chịu hòa nhập với hoàn cảnh… không chịu hiểu cho con cái.

- …

- Nhưng cũng có ý kiến rằng tại sao con cái đòi hỏi mẹ phải hiểu cho con cái, mà không tự đòi hỏi bản thân mình phải hiểu cho mẹ. Tại sao con cái không chịu hiểu rằng mẹ làm sao thích nghi, hòa nhập được khi gần cả cuộc đời mẹ sống ở Việt Nam, cách nghĩ, cách nhìn của mẹ đã hằn sâu thành những nếp nhăn, nếp gấp mà không thể nào kéo giãn ra được.

- Dạ.

Chị lại thở dài, đưa tay vuốt ve đóa bồ công anh bé xíu. Đâu đây, bóng chiều đã thấp thoáng. Xa xa, ai đó đang lom khom bên nấm mộ. Nắng đang dần phai trên những phiến lá. Vài ngọn gió còn lang thang quanh đây, thỉnh thoảng đuổi vài chiếc lá khô lăn tròn trên đất. Không biết gió sẽ thổi về đâu.

- Em à, có điều… cuối cùng… dường như các con của mẹ đều cảm thấy lòng bất an.

- Dạ, có phải vì đoán trước được điều đó nên bà cụ đã bàn về kiếm pháp đường tròn, về những người homeless, và câu chuyện ngọn nến bị tắt.

- Đúng vậy. Mẹ vẫn luôn yêu thương- yêu thương đến độ dự cảm được nỗi niềm, cảm xúc của các con sau khi mẹ qua đời, nên đã tìm cách vỗ về, an ủi con mình. Mẹ vẫn mãi mãi yêu thương, lo lắng và hi sinh cho con cái ngay đến hơi thở cuối cùng.

- Dạ.

- Em à, mỗi chiều chị thường ghé vào đây, thường đem cho mẹ một đóa bồ công anh.

- Bà cụ yêu hoa bồ công anh?

- Ừ, hồi mới qua đây, mẹ chị cứ thắc mắc, cái xứ sở sao mà lạ lùng, sao mà giữa những thảm cỏ xanh mượt mà như nhung lại lác đác mấy bông cúc vàng bé tí xíu vàng nhung màu nắng.

- Dạ.

- Mẹ yêu sách, yêu thiên nhiên. Em thấy đó, trong cuốn tập nhỏ của mẹ chị tràn ngập những câu chuyện, tràn ngập hình ảnh bồ công anh. Mới đây, chị có tìm hiểu về loài hoa nầy. Cuộc đời hoa bồ công anh rất đẹp em ạ. Sau những ngày xòe tung sắc thắm, bồ công anh, như phép lạ, bỗng uốn mình biến thành những trái bóng tròn trĩnh trắng muốt, mỏng mảnh, mịn màng như tơ, để rồi vươn mình nhẹ bay theo gió, rắc hạt khắp bốn phương, tiếp tục nở hoa cho đời.

Tịnh Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,045,835
Tựa đề đầy đủ kèm ghi chú anh ngữ của bài viết là “Bóng Chày, Trò Tiêu Khiển Quốc Gia (Americas National Pastime)”. Tác giả tự sơ lược tiểu sử:
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Tác giả lần đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ, bài được chuyển qua eMail.. Bài đầu tiên của Hương Thùy là ký ức về phố cổ Hội An và một thoáng tình học trò thời chiến,
Tác giả tham gia Viết Về Nước Mỹ từ 2002 và sẽ nhận giải đặc biệt 2015. Bài mới viết báo tin: “Với niềm vui”, ông sẽ bay 5,000 miles về dự họp mặt ngày 18 tháng 8.
Tác giả là một cựu sĩ quan CSQG/VNCH, tù “cải tạo” gần 7 năm, định cư tại Nam California từ năm 1991 theo diện HO5. Cựu nhân viên Material Specialist (công ty ALCOA) đã nghỉ hưu năm 2012.
Tác giả Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả hiện là một giám đốc trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ.
Trước Tháng Tư 1975, ông là một Hải Quân Trung Uý VNCH, rồi thành cựu tù cải tạo, tự lái tầu vượt biển, định cư tại Úc.
Hoàng Nga là tên thật. Sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái,
Nhạc sĩ Cung Tiến