Hôm nay,  

Sinh Viên Gốc Việt Tại Đại Học Stanford

02/06/201519:06:00(Xem: 13953)

Bài số 3532-16-29932vb4030615
Tác giả từng phải rời bố mẹ để vượt biển từ tuổi học trò, đến Mỹ năm 1984, hiện là một kỹ sư điện tử, cư dân San Jose. Với nhiều bài viết giá trị, Khôi An đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013.

Từ Đêm Văn Hóa Việt 2015…
"It happened! We did it!”

Họ reo lên với những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt long lanh, tự hào.

Đứng ở dưới nhìn lên sân khấu, tôi cảm thấy như niềm vui đó lan xuống làm tôi trẻ lại.

Đêm Văn Hóa 2015 (Culture Night 2015) do Hội Sinh Viên Gốc Việt tại Đại Học Stanford (Stanford Vietnamese Student Association – SVSA) kết thúc trong tiếng vỗ tay rào rào.

 

image001Hình 1 – Hội Viên SVSA 2015

 

SVSA được thành lập năm 1988. Lúc đầu, hội chỉ là nơi các sinh viên tìm đến để chia sẻ kinh nghiệm về trường lớp và gặp gỡ những người bạn gốc Việt để cùng nhau nhớ những món ăn mẹ hay nấu ở nhà. Rồi SVSA trở thành nơi các em mở rộng quen biết (networking), chia sẻ hiểu biết từ sách vở, cùng nhau học hỏi về văn hóa Việt, và hăng hái sinh hoạt cộng đồng.

Cho tới nay thì SVSA đã trưởng thành với rất nhiều hoạt động lớn nhỏ, nhiều màu sắc, và không chỉ giới hạn ở trong trường. Một trong những sinh hoạt được nhiều người rất thích là Buổi Hội Thảo Về Đại Học Cho Giới Trẻ (Youth Academic College Conference – YACC). Mọi học sinh trung học từ lớp Mười Một trở lên đều có thể tham gia buổi hội thảo dài hai ngày một đêm để gặp gỡ các hội viên SVSA. Những sinh viên với kinh nghiệm còn nóng hổi sẽ chia sẻ mọi điều liên quan tới con đường vào đại học, từ cách chuẩn bị các bài thi, tìm trường thích hợp, xin học bổng, điền hồ sơ, viết bài luận và ngay cả cách “đối phó” với sự lo lắng quá mức của cha mẹ.

 

image002Hình 2 – Tờ quảng cáo của Buổi Hội Thảo Về Đại Học Cho Giới Trẻ 2015 (Youth Academic College Conference – YACC)


Nhưng sinh hoạt tốn công nhất và cũng vui nhất đối với các em là Culture Night.

Culture Night đầu tiên được tổ chức năm 2003, mười lăm năm sau ngày lập hội. Có lẽ lúc đó hội đã vững mạnh với nhiều người góp sức, và cũng có lẽ người hội trưởng năm đó rất gan dạ, bởi vì làm một đêm văn nghệ trong lúc đang chạy đua với bài vở đòi hỏi rất nhiều công sức và sự đồng lòng. Đêm Văn Hóa đầu tiên đã thành công. Và Culture Night đã trở thành truyền thống của SVSA, là sinh hoạt quan trọng và công phu nhất trong năm. Với các màn ca, vũ, nhạc, kịch, các em giới thiệu văn hóa Việt và những nét về cộng đồng Việt ở Mỹ đến với bạn bè, thầy cô trong trường Stanford và cả các sinh viên trường bạn.

Đi xem SVSA trình diễn đã mấy lần, có lúc tôi cũng thấy… hồi hộp. Bởi vì chương trình hầu hết đem lại niềm vui vì lớp trẻ giỏi giang nhưng thỉnh thoảng cũng có những hạt sạn gây buồn phiền. Chẳng hạn như trong Culture Night năm 2011 có chiếu một đoạn phim do các em tự biên soạn về văn hóa Việt Nam hiện thời. Trong phim có chiếu một cậu trai đang biểu diễn flashdance, chống đầu xuống đất quay mòng mòng trên một hè phố ở Sài Gòn. Gọi đó là trào lưu, là hiện tượng mới bắt chước từ phương Tây thì còn được, chứ gọi là văn hóa Việt thì… sai quá. Đoạn phim đó như con sâu làm rầu nồi canh, chỉ có vài phút mà đã làm giảm khá nhiều giá trị của chương trình được các em thực hiện rất công phu năm đó. Nó làm tôi suy nghĩ suốt quãng đường về, và nhiều lần sau đó. Tôi biết các em còn non trẻ về những điều liên quan tới đất nước Việt Nam, một nơi xa xôi trong khoảng cách địa lý và trong ký ức. Tôi ước có được cơ hội để hướng dẫn, giúp đỡ các em.

*

image003Hình 3 – Tờ Quảng Cáo Của Culture Night 2015


Năm nay, trở lại xem Đêm Văn Hóa 2015, tôi cảm động nhiều. Vẫn những điệu múa sinh viên và những diễn viên không chuyên nghiệp, nhưng ý thức về văn hóa, lịch sử Việt đã được thể hiện rất rõ ràng và đúng. Để tưởng nhớ bốn mươi năm ngày miền Nam bị cưỡng chiếm, các em chọn chủ đề là “Chôn Giấu Giấc Mơ”. Đó là câu chuyện của Huy, một thanh niên tị nạn, trong cuộc phấn đấu để bắt kịp nhịp sống mới tại Mỹ.

Vở kịch bắt đầu bằng cảnh Sài gòn, tháng Tư, 1975. Sinh viên tụ tập trong quán cà phê, để bàn bạc và an ủi nhau trước những hỗn loạn ở chung quanh.

Hai anh em Huy vừa gặp bạn bè buổi chiều, thì trong bữa cơm tối, ba Huy bảo “Chúng ta phải đi ngay đêm nay!”

Ánh hỏa châu vạch những đường loang loáng trên nền trời tối đen. Từ xa vọng lại tiếng súng nổ ầm ì.

Đoàn người cắm đầu chạy về phía chiếc máy bay trực thăng. Mẹ Huy nắm chặt tay cô em út, ba Huy xách chiếc va li. Họ đã tới cửa máy bay. Hai anh em Huy chạy theo trong đám đông. Bỗng Huy khuỵu xuống vì cái túi quá nặng trên lưng. Anh nó giằng túi, vất xuống, nhưng Huy cố nán lại để moi ra một quyển sổ. Ngay khoảnh khắc đó, đạn nổ vang trời. Chiếc trực thăng hoảng hốt bay đi, bỏ mặc tiếng kêu gào của hai anh em và đám người còn lại.

“Oh my God!” Ở hàng ghế gần sân khấu, tôi cũng kêu lên thảng thốt. Lau vội những giọt nước mắt, tôi gượng cười để che bối rối. Không ngờ diễn xuất của những sinh viên đã làm bừng dậy ký ức bốn mươi năm trước. Và, không ngờ, ký ức đó vẫn còn đau.

Thế là hai anh em lạc mất gia đình. Sau một thời gian lang thang, họ tìm được một chuyến tàu vượt biển. Nhưng, trong chuyến đi kinh hoàng đó, anh của Huy đã chết. Huy đến Mỹ chỉ với quyển nhật ký.

Một mình bơ vơ, Huy đành chôn giấu giấc mơ đoàn tụ. Dù có Mai, cô bạn học cũng là người Việt di tản, hết lòng giúp đỡ, Huy vẫn lạc lõng trước đám đông vô tình với ngôn ngữ xa lạ. Sự êm ấm của gia đình Mai càng làm Huy thấy cô đơn. Anh hằn học với mọi người, ngay cả Mai.

Trong một đêm chán nản tột cùng, Huy tìm đến quyển nhật ký và thấy được mảnh giấy với lời khuyến khích mà anh của Huy đã nhét vào đó trong những giây phút cuối trên tàu vượt biển. Huy bừng tỉnh và đứng dậy, tiến bước trong đời sống mới.

 

image005Hình 4 – Huy và Mai

 

Vở kịch là phần chính của chương trình. Xen giữa các đoạn kịch là những màn múa minh họa. Màn múa quạt rực rỡ vẽ lên nhịp sống rộn ràng; màn múa lụa uyển chuyển tượng trưng cho sự hòa nhập giữa cái cũ và cái mới; màn múa hiện đại với tiếng nhạc dồn dập nói lên tâm trạng lo âu và cuộc tranh đấu vất vả; và màn múa cuối cùng theo nhạc điệu Swing là một kết thúc vui tươi, chan chứa hy vọng. Tôi thích nhất là màn múa gậy tre để diễn tả những khó khăn, gai góc trong giai đoạn hai anh em Huy tìm đường trốn khỏi Việt Nam. “Vũ công” là sáu cậu sinh viên trong áo bà ba nâu, quần đen, đi chân đất. Một cái gì đó như là xúc động, như là hy vọng dâng lên trong lòng tôi khi nhìn sự hết lòng của các em trong những điệu múa theo một bài nhạc Việt thời tiền chiến để diễn tả những cảnh sắc từ quê mẹ xa xôi.

image006Hình 5 – Múa Gậy Tre

 

Trong vòng hai tiếng, các em đã trình diễn một vở kịch dài, bảy màn múa phụ diễn, và dĩ nhiên là có một màn trình diễn áo dài. Ngồi sát sân khấu, lòng tôi thấy rõ rằng chương trình của các em rất khác những chương trình văn nghệ chuyên nghiệp mà tôi thường xem.

Sự khác biệt bắt đầu từ lễ chào cờ Mỹ Việt với các em sinh ra, lớn lên ở Mỹ nhưng biết hát quốc ca Việt Nam. Và những diễn viên mặt sáng rỡ hầu như không son phấn. Có những em trình diễn tự nhiên như nhà nghề bên cạnh những em còn hơi ngượng ngập, mặt nghiêm lại khi cố gắng hết mình. Màn trình diễn áo dài có những chiếc áo không vừa khít, có những cái quần hơi ngắn không phủ kín đôi giày, nhưng các em rạng ngời và vui tươi hơn tất cả những hoa hậu áo dài tôi từng thấy. Từng cặp nam nữ đi ra rồi dừng lại trong một dáng điệu tự chế. Duyên dáng, nhí nhảnh, hay chọc cười, cặp nào cũng dễ thương.

Khi chương trình chấm dứt, gia đình, bạn bè chạy lên chúc mừng và chụp hình. Người xem và người trình diễn, ai cũng hớn hở, tự hào.

Trên đường ra về, nhiều cha mẹ bàn nhau rằng văn nghệ sinh viên là để dành cho những người có lòng. Tôi thấy rất đúng. Bởi vì tài nghệ của hầu hết các thành viên trong SVSA không “nhằm nhò” gì so với các màn trình diễn của các trung tâm ca nhạc. Nhưng chính cái đơn giản, chân thành đã làm nổi bật tấm lòng của các em.

Các em sinh ra trên dưới hai mươi năm sau khi cuộc chiến kết thúc, hầu hết ở trên đất Mỹ. Với các em, Việt Nam là nơi xa xôi với những hình ảnh mơ hồ, những cảm xúc gián tiếp qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Đối với rất nhiều người trong thế hệ của các em, sự khốc liệt của cuộc chiến và những đau thương trong hành trình tìm tự do đã quá xa trong quá khứ và đã được nhắc lại quá nhiều, tới mức trở thành cliché - nhàm và sáo.

Nhưng các em hiểu được sự quan trọng của cột mốc bốn mươi năm trong lòng người Việt chạy trốn Cộng Sản. Các em đã quyết định chọn chủ đề nỗi đau tị nạn để nói rằng các em vẫn không quên.

Nhà sản xuất chính của Culture Night 2015 là ba cô sinh viên Katelyn Phan, Katherine Phan, và Sophia Đào. Các em kể với tôi rằng màn trình diễn năm nay là kết quả làm việc trong gần hai năm trời. Cả một mùa hè các em hội ý, tìm đọc những gì đã xảy ra ở Việt Nam bốn mươi năm trước, rồi viết kịch bản. Sau khi nhập học các em lại tiếp tục soạn thảo chương trình và kêu gọi các bạn cùng đóng góp. Cả hội cùng nhau nghiên cứu, học hỏi từ tài liệu từ internet và người thân để dựng nên một chương trình có ý nghĩa lịch sử với những chi tiết trung thực để ghi nhớ tâm tình của thế hệ đi trước và nhắc nhở cho nhau.

Sau những buổi học dài và những lúc “chiến đấu” tới hai, ba giờ sáng với sách vở và máy móc, ngày cuối tuần hơn bốn mươi sinh viên trong hội SVSA họp lại để tập luyện. Hơn bốn mươi người trẻ đã bỏ ra rất nhiều thời gian, đã cố gắng hết mình cho đêm văn nghệ nói về cuộc hành trình gian khổ của thế hệ cha ông.

 

image007Hình 6 – Các diễn viên của Culture Night 2015

 

Đến Buổi Tưởng Niệm 40 Năm Ngày 30 Tháng Tư

Vui với ý nghĩa và sự thành công của Đêm Văn Hóa 2015, thích thú với những sinh hoạt khác của các em, nhưng điều làm tôi đặc biệt yêu mến, tự hào về hội sinh viên gốc Việt ở Stanford là: mỗi năm, các em đều có ngày tưởng nhớ Tháng Tư Đen.

Năm nay, nhờ một nhân duyên mà các em gọi là “extremely lucky” (vô cùng may mắn), cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã nhận lời đến nói chuyện tại Stanford vào đúng ngày 30 tháng Tư, 2015.

image008Hình 7 – Tờ Quảng Cáo cho Buổi Tưởng Nhớ Ngày 30 Tháng Tư, 2015

 

Buổi nói chuyện chỉ sau Culture Night có mười ngày. Mặc dù thời khóa biểu kín mít, một nhóm trong SVSA gồm có Ivy Nguyễn, Lillian Vũ, Emily Nguyễn, Kevin Trần, và Nora Nguyễn vẫn chuẩn bị chu đáo cho buổi sinh hoạt đầy ý nghĩa này.

Nhiều em đã đăng ở đầu trang Facebook của mình lời nhắc nhở về tháng Tư đen và giới thiệu buổi nói chuyện. Chẳng hạn như lời của Ivy Nguyễn, đồng hội trưởng của SVSA:

Tôi có mặt ở đây và là tôi hôm nay nhờ cha mẹ tôi cùng hàng triệu người Việt đã chiến đấu cho tự do. Xin hãy đến Kehillah Hall vào thứ Năm, ngày 30 tháng Tư để tưởng nhớ ngày chúng ta mất quê hương và những người đã hy sinh.

Năm nay, chúng ta rất vinh dự được đón tiếp Tướng Lê Minh Đảo, vị thiếu tướng chỉ huy trận đánh lớn cuối cùng trong cuộc chiến Việt Nam. Ông sẽ chia sẻ kinh nghiệm và suy nghĩ với chúng ta, đây là cơ hội hiếm có để nghe những điều mà bạn không thể tìm thấy trong sách.

Và lời của Anna Lê:

Với cha mẹ từng bị cầm tù mười năm trong trại “cải tạo”, và lớn lên trong thời gian khó khăn của Việt Nam sau chiến tranh, tôi luôn luôn được nhắc nhở cuộc sống ở Việt Nam nghĩa là gì. Những câu chuyện của của gia đình tôi đã hình thành cái nhìn của tôi về chính mình và về văn hóa của mình. Tôi rất tự hào là người Mỹ gốc Việt và tôi biết ơn công sức của những người đi trước.

Để vinh danh những hy sinh và sự dũng cảm của người Việt Nam, mời bạn cùng tôi và SVSA tưởng nhớ kỷ niệm 40 năm ngày mất Sài gòn.

Bài kỳ tới: Tướng Lê Minh Đảo tại Stanford

Khôi An

 

Ý kiến bạn đọc
09/12/201505:04:32
Khách
Thành thật cám ơn Khôi An và "đám trẻ" bên này,

Đọc rất nhiều truyện của Khôi An, rất cảm động và hay. Đôi khi lấy truyện của Khôi An đễ đọc cho con gái trước khi đi ngũ. Rất mong con gái được hoc ở Chị Khôi An.

Không biết đươc không??? Nhờ tòa soạn chuyễn giúp.
05/06/201509:30:58
Khách
Chào cháu Khôi An,
Bài viết cháu hay lắm. Chúc mừng cho các sinh viên gốc Việt tại trường đại học Stanford.
Chúc cháu và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.

Chú Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,076,195
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả vượt biên: Rạch Giá đến Mã Lai, Pháp 1979, Mỹ 1987. Tốt Nghiệp Electrical Engineering 1990 tại University of Illinois at Urbana, Champaign, Illinois
Trước Tháng Tư 1975, tại Saigon, tác giả từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến.
Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA ngành giáo dục năm 2000
Tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiệm sở hiện ở Alice Springs, Northern Territory,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến