TÌNH VẪN BƠ VƠ
Tác giả: Lưu Hồng Phúc
Bài số 2541-16208618 vb322409
Bút hiệu là tên thật của tác giả. Lưu Hồng Phúc cho biết thích thơ văn từ thời trung học, đã phụ trách chương trình Vườn Thơ Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Hải Ngoại nhằm giới thiệu Tác Giả và Tác Phẩm trên làn sóng Radio của Đài Phát Thanh Việt Nam Dallas, hiện chủ trương Thi Đàn HƯƠNG THỜI GIAN. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả là một truyện tình.
***
Rất tình cờ Hồng gặp được cô Thoa, người hàng xóm của gia đình nàng trên đường Chi Lăng, Gia Định. Cô bây giờ không còn trẻ và khác xa ngày xưa nhưng nàng vẫn nhận ra ngay. Sau ba mươi năm xa cách, Hồng vui mừng ôm chầm lấy cô vì ngày trước nàng và cô Thoa thường hay trò chuyện than mật với nhau. Bao nhiêu năm vật đổi sao dời gặp lại người xưa nơi xứ lạ hỏi sao lòng mình không xúc động.
Ngày xưa xa xôi ấy cha mẹ Hồng là chủ một cửa hàng tạp hóa nằm ngay ngoài đường Võ Di Nguy, buôn bán đủ thứ nhu yếu phẩm. Phần đông khách hàng lại là cư dân của một xóm nghèo suốt dọc con hẻm nhỏ. Các hãng bia và nước ngọt thường cung cấp cho cửa hàng nhà Hồng để phân phối cho khách hàng. Cô Thoa là một trong những khách hàng thân quen ấy vì nhà cô có nhiều bàn bi da để cho khách đến chơi. Cô bán thêm cà phê và nước giài khát để có thêm lợi tức.
Hồng thường nói chuyện với cô trong mỗi lần đẩy xe đến giao hàng như thế. Cô Thoa thường khoe với mấy người khách là Hồng vừa xinh vừa ngoan và nhất là học giỏi. Mới lớn lên ai mà chẳng thích được khen, thành ra nàng với cô thân nhau lắm cho dù giữa cô và Hồng cách nhau gần hai chục tuổi.
Cô thường đùa bảo rằng để dành Hồng cho người cháu của cô đang học ở Nha Trang. Điều này làm Hồng càng dạn dĩ, thích cô hơn và quen thuộc không ngại qua chơi nhà cô mỗi lần rảnh việc. Hồng thân với cô nên chẳng sợ gì đám khách thường đánh bida, cá độ và uống bia mặt lúc nào cũng đỏ nhừ hay buông lời chọc ghẹo, vì nàng biết cô rất có "uy" với họ. Tuy thế cha mẹ Hồng lại rất dè dặt khi tiếp xúc với cô và thường hay im lặng mỗi khi nàng khen ngợi cô làm những việc tốt lành. Hồng chẳng quan tâm lắm đến thái đô ấy vì cho rằng cha mẹ già rồi nên nghiêm khắc quá. Hoặc là ông bà không thích cái nghề cho thuê bàn bi da của cô Thoa mà thường ngày vẫn hay xẩy ra những vụ cãi nhau, thậm chí có khi đánh lộn làm huyên náo cả xóm vốn không thiếu tiếng ồn ào vì ngay đường xe chạy. Dưới mắt Hồng khi ấy cô Thoa phải "chì" lắm mới cai quản nổi cửa tiệm cho thuê bàn bida đầy những ông tướng bặm trợn coi trời bằng vung này.
Hồng hỏi thăm cô về gia đình, nhất là mấy đứa con của cô mà ngày xưa lúc nào cũng coi nàng như chị lớn mỗi khi chúng cần nhờ vả. Cô Thoa bây giờ không vui vẻ sôi nổi như ngày xưa nữa. Thời gian làm người ta thay đổi, Hồng nghĩ thế nhưng hơi ngạc nhiên vì thấy cô Thoa hình như không muốn nói chuyện khác xa với sự linh họat ngày nào. Cô trả lời chung chung.
- Thì chúng nó cũng làm ăn và có gia đình , con cái lớn hết cả rồi.
- Hồng lại hỏi cô về một đứa khác, đứa con nuôi của cô mà không bao giờ Hồng có thể quên.
- Còn em Đàm bây giờ ra sao rồi "
- Cô Thoa hờ hững trả lời.
- Nó ở đâu tận cái miền Boloxi,.lâu lâu mới về.
Hồng vồn vã muốn biết thêm cuộc sống của Đàm ra sao nhưng cô Thoa không biết, cô có vẻ không muốn nói đến chuyện này và vì tế nhị nàng không tiện hỏi. Sau đó cô Thoa và Hồng chia tay nhau trong hờ hững và rất lâu không gặp lại nhau cho dù cô Thoa có cho nàng số điện thoại . Tuy thế Hồng vẫn nhớ tới Đàm, đứa con nuôi của cô với nhiều kỷ niệm.
Ngày xưa khi chiến cuộc Việt Nam diễn ra ác liệt, có biết bao nhiêu nạn nhân chiến cuộc từ miền Trung chạy về lánh nạn, Đàm là một nạn nhân chiến cuộc đáng thương nhất hồi đó. Mới mười hai tuổi, em mất cả cha lẫn mẹ trong một lần Việt Công trà trộn vào thôn xóm và dùng người dân lành làm bia đỡ đạn. Bơ vơ nhiều ngày trong những túp lều dựng tạm cho người lánh nạn, em may mắn được cô Thoa nhận về làm con nuôi. Ngày ấy cả phố ai cũng khen ngợi cô Thoa nhân đức vì cô đã có bốn người con mà còn nhận thêm một đứa con nuôi nữa. Thêm một miệng ăn giữa thời buổi gạo châu củi quế và những lo toan khác thật không dễ dàng gì cho một gia đình trong thời buổi chiến tranh.
Mười hai tuổi, Đàm thông minh làm việc chăm chỉ lắm. Chỉ trong vài tuần là em đã thạo hết công việc nhà. Từ chuẩn bị lau bàn bi da, quét dọn sạch sẽ mỗi tối để sẵn sàng mở cửa cho sáng hôm sau, đến nấu cơm rửa chén hàng ngày em đều thành thạo. Có Đàm cô Thoa bỗng nhàn nhã hẳn ra và các con cô Thoa có người để sai vặt.
- Đàm ơi, đi mua cho tao tô bún bò Huế.
- Đàm ơi, rót cho tao ly nước.
- Đàm ơi chẻ củi để nấu cơm chưa."
- Đàm ơi, Đàm ơi....
Có lẽ chỉ có Hường, con gái út của cô Thoa thua Đàm hai tuổi là không sai bảo Đàm giúp việc. Mỗi lần Hồng mang những két bia hay nước ngọt sang là Đàm nhanh nhẹn chất gọn vào một góc. Nàng ái ngại nhìn em làm việc, khuân đỡ em để chia xẻ sức nặng của những thùng bia hay nước ngọt. Em làm việc suốt ngày và hay cười nói mỗi lần gặp Hồng. Nhiều ngày tháng qua, nàng thường nghe mẹ, mỗi khi têm trầu thường chép miệng.
-Sao bà Thoa lại không cho thằng Đàm đi học. Nuôi con thì phải cho nó học hành chứ, con nào mà chẳng là con.
Hồng thật vô tình không để ý đến điều này. Quả thực từ ngày về ở nhà cô Thoa đến nay, Đàm chưa bao giờ được cắp sách đến trường. Tuy thế nàng biết em rất thông minh và trước đây cũng đã được đi học. Đàm tính toán rất nhanh, bao nhiêu két bia, bao nhiêu chai nước ngọt, từng loại từng con số mỗi khi cô Thoa hỏi đến. Thôi thế Hồng cũng mừng cho Đàm có một nơi ăn chốn ở, hơn hẳn ở dưới miền quê chiến tranh loạn lạc và đói khát mà em đôi lần kể cho nàng nghe.
Hồng bắt đầu thấy thương Đàm hơn khi một buổi chiều kia thấy mặt mày em sưng húp và mắt em đỏ hoe, nước mắt chưa kịp khô trên gò má. Em vừa bị một trận đòn khá nặng vì một sự lẫn lộn trong tiền bạc hàng ngày. Nàng không ngăn được sự tò mò hỏi vội khi chỉ có hai chị em đang chất những thùng bia chai và khách đánh bida đang cười nói reo hò như vỡ chợ.
- Sao mặt em sưng đỏ thế này. Em vừa mới bị đánh đòn phải không Đàm"
- Đàm không trả lời câu Hồng hỏi. Em nhìn quanh không thấy bóng dáng cô Thoa rồi nói với Hồng như phân trần.
- Em đâu có lấy tiền ăn hàng . Em không biết ai lấy mà má nghi em lấy tiền ăn hàng nên má tức.
- Má em tức rồi đánh em phải không"
- Đàm lại nhìn quanh rồi gật đầu.
Hồng xúc động nhìn Đàm run rẩy trong cơn đau chưa dứt. Bây giờ nàng mới để ý đến thân hình gầy guộc của em. Áo quần đang mặc tuy không rách rưới nhưng quá cũ. Đàm mặc những đồ dư thừa của những người con cô Thoa nhưng không thành bộ. Có lẽ cái áo của đứa con lớn cô Thoa nhưng cái quần lại của đứa nhỏ hơn nên cái chật cái rộng trông thật buồn cười. Về sau này Hồng cũng chứng kiến nhiều lần Thắng, người con lớn của cô Thoa dùng quyền anh cả để đánh Đàm với những lỗi không phải của em. Có lần cô Thoa vắng nhà, Hường chạy qua kêu nàng ầm ỹ, nhờ Hồng sang can ngăn không cho Thắng đánh Đàm nhiều hơn nữa chỉ vì em đã vấp ngã làm đổ tô bún bò huế vừa mua, đang bưng về cho Thắng. Hồng chạy qua chứng kiến cảnh Thắng cầm chiếc roi mây vụt không thương tiếc vào đầu vào cổ, trong lúc Đàm chỉ biết đưa hai tay lên đầu chống đỡ. Giận qua nàng giằng lấy chiếc roi hét thật to để bênh vực như chính Đàm là đứa em ruột của mình .
-Thôi, không được đánh em đau như thế.
Có lẽ cơn giận của Hồng trút vào tiếng hét nên Thắng chỉ lừ mắt nhìn nàng không nói rồi bỏ lên lầu hai. Hồng đựơc biết thêm là em thường đi mua quà vặt cho tất cả bốn người con và cô Thoa nhưng chưa bao giờ em được ăn những thứ mà em bưng về. Mười hai tuổi em cũng thèm thuồng đủ thứ, nhưng chẳng bao giờ được ăn những món quà vặt đầy quyến rũ đó dù chỉ một lần. Từ đó về sau Hồng thường xin phép cô Thoa cho em sang nhà giúp nàng chút việc, nhưng thực sự là cho em ăn thêm một vài món em thèm thuồng khi bà hàng quà bán dạo dừng ngay trước thềm . Nhà Hồng thường để một tủ kem bán lẻ trước cửa cho khách qua đường. Đôi khi Hồng mở tủ kem lấy đưa cho Đàm vì biết em rất thích. Lần đầu tiên em không dám cầm thứ xa xỉ ấy. Hồng phải nói cho em hiểu rằng cây kem chẳng đáng là bao, nhất là nhà nàng mua cả tủ ở những hãng làm kem nên rẻ lắm. Nói mãi Đàm mới dám cầm cây kem ăn, lúc đó Hồng rất vui vì biết em rất thích. Nhưng không hiểu tại sao về sau này Hồng có cho em cũng chẳng bao giờ ăn nữa. Có lẽ Đàm đã lớn rồi nên em thận trong hơn trong chuyện ăn uống hàng ngày chăng.
Đầu năm bảy mươi tư, cô Thoa cho cả gia đình ra Vũng Tàu để chung tàu đánh cá với người ta. Cô còn mở một cửa hàng ăn uống để phục vụ khách đi biển. Bao nhiêu công việc như thế chắc Đàm lại thêm vất vả. Hồng được nghe ngừơi quen trong xóm có dịp ra Vũng Tàu kể lại rằng Đàm thường xuyên phải theo tàu đánh cá ra khơi, làm quen với sóng gió và công việc rất là nặng nhọc. Nàng nhớ trước hôm ra đi, em chạy vội sang chào từ giã, nước mắt rưng rưng. Hồng an ủi Đàm và hứa sẽ thăm em nếu có dịp ra Vũng Tàu chơi.
Chưa có dịp nào ra Vũng tàu thì ngày ba mươi tháng tư chợt đến. Giữa lúc muôn người muốn chạy trốn khỏi đất nước mà không có phương tiện thì Đàm may mắn được đi theo chiếc tàu đánh cá mà cô Thoa hùn vốn ra biển khơi. Hồng ở lại, vội vã lấy chồng, một ông lính thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thua trận, vì sợ hãi khi người ta đồn rằng những cô gái miền Nam chưa chồng sẽ bị bắt buộc kết hôn với mấy người thương binh của Việt Cộng. Gia đình nàng ở lại vất vả với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam một thời gian dài. Nhất là chờ đợi chồng Hồng tốt nghiệp trường đại học Cải tạo trong tám năm dài. Cuối cùng thì gia đình nàng cũng ra khỏi đất nước trong nỗi vui mừng tìm được tự do vì quê hương thực sự chẳng có chùm khế ngọt nào ngoài những sắn khoai và khẩu hiệu.