Hôm nay,  

Sàigòn Tháng Tư Gạt Gẫm

01/04/201500:00:00(Xem: 13173)

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 3502-16-29902vb3033115

Bài viêt là chuyện về Sàigòn từ tháng Tư 1975. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, đã đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Tuy sống tại Pháp, bài viết của bà thường là những đề tài và khung cảnh đời sống Việt tại Mỹ.

* * *

Xứ Tây có ngày đầu tháng Tư “gạt gẫm”, ngày cá tháng Tư (Poisson dAvril) thiên hạ bày đủ trò phỉnh nhau cho vui, những chuyện “lừa dối” vô thưởng vô phạt với mục đích chọc cười người khác.

Sàigòn ngày cuối tháng Tư năm 75 dân Miền Nam bị gạt một cú mất mạng, 40 năm sau vẫn chưa hoàn hồn. Đó là ngày sụp đổ của VNCH tại miền Nam.

*

Đầu tháng Ba đài truyền hình số 9 trực tiếp phát thiên phóng sự đợt tản cư từ miền Trung về hướng Nam khiến dân chúng thấp thỏm tự hỏi, nếu Miền Nam sẽ có ngày như miền Trung, Sàigòn sẽ đi về đâu?

Quan chức Mỹ, nhân viên sở Mỹ đã rút dần, một số người đã ra đi, nhưng cả chục triệu dân Miền Nam sẽ đi đâu để lánh họa cộng sản, mà đi bằng cách nào, câu hỏi lớn khiến Sàigòn thất thần như người mất hồn.

Sáng ngày 08 tháng 4, Dinh Độc Lập bị đánh bom, trên lầu hai ĐH Văn Khoa náo loạn, sinh viên đổ xuống sân trường, cột khói trắng bốc lên màu tang tóc, tôi nắm tay cô bạn thân, hai đứa nhìn nhau chết lặng.

Rồi ngày định mệnh gõ cửa, Sàigòn thật sự bị bỏ ngõ, người ta thập thò trước nhà, nửa muốn ra đường xem mặt việt cộng, nửa ngại bị “họ xơi tái”, chị em tôi bị bố mẹ cấm cửa, đứng trong sân nhìn thiên hạ tụm năm tụm ba đưa tin vịt cồ.

Ông Soạn thất chí khi quân đội thoái lui từ tháng ba, ông cùng đồng đội và đồng bào miền Trung chạy giặc với đủ loại phương tiện, xe GMC, xe đò, xe Honda, xe đạp, xe ngựa, đi bộ…trực chỉ Sàigòn.

Hôm nay ngày cuối cùng ông khoác bộ chiến y cầm loa phóng thanh đếm, một hai ba, mọi người theo dõi nhân vật trong bộ quân phục VNCH đang tiến vào xóm, nín thở đợi chờ.

Ông tiến bước và lên tiếng,

- Nhà tôi hôm qua bị mất trộm một đàn gà gần chục con, tôi thông báo để bà con nếu ai thấy đàn gà của tôi xin mách giúp.

Bà Tư bực tức lớn tiếng,

- Việt cộng ở ngay đầu ngõ, ông không lo sao mà còn mặc đồ lính đi tìm gà.

Ông gìa lì lợm,

- Ai chả biết chúng nó đang vào đây, nhưng chúng nó làm gì được tôi nào.

Tôi không giận như bà Tư mà thấy nghèn nghẹn, người lính khi bắt buộc phải buông súng tháo chạy đau lòng đến thế đấy, Miền Nam đang hấp hối sắp rơi vào địa ngục CS, tôi không hình dung nổi ngày mai sẽ ra sao.

VNCH buông súng, việt cộng bồng súng độc quyền đổi đời dân Miền Nam, sĩ quan, quan chức chính quyền, văn nhân nghệ sĩ VNCH bị kết án có “nợ máu với nhân dân”.

Chả cần quan tòa xét xử, ngụy quân, ngụy quyền tự động trở thành tù nhân bị lùa vào trại cải tạo, địa ngục trần gian vừa mở cửa đón dân Miền Nam bị cưỡng bức chung sống với cộng sản.

Tất cả sinh viên nhập học trước năm 75 được gọi đến trường học tập chủ nghĩa CS, chúng tôi, “tàn dư Mỹ Ngụy” bị nhồi nhét nọc độc Mác Lê, xen kẽ những chuyến lao động cộng sản, ra ruộng đắp đê, đào kinh, trồng khoai... y chang gu lắc Xibêri.

Trong đợt lao động có bạn nổi hứng làm mấy câu đối mà chưa có câu đáp,

Ra kinh - Thấy Kinh - Thất Kinh

Riêng tôi khi thấy con kinh là thất kinh hồn vía, vì đứa đứng dưới ruộng bị đỉa đeo bám hút máu, con gái trên đê tải đất run bắn người vẫn phải ôm nắm bùn khi vài con đỉa ngo nghoe hù dọa.

Chuyện hành xác tuy khổ nhọc, lao động đến đuối sức với khẩu phần một trứng vịt cho bốn người ăn với rau, hôm sau ra kinh đúng là thất kinh, nhưng một năm chỉ có vài lần.

Đáng sợ hơn là chuyện tẩy não, nhồi sọ, xảy ra hàng ngày, ngoài mục điểm báo giữa giờ học, những buổi họp tổ thảo luận thật khiếp đảm, đoàn viên đảng viên nhai đi nhai lại, nhờ ơn bác đảng, gia cấp vô sản …

Đám Mỹ ngụy tàn dư chúng tôi bị tra tấn liên tục, may mà chưa có ai hóa rồ, đôi lúc tôi như bị mộng du giữa ban ngày, sân trường nhìn đâu cũng nón lá, nón tai bèo chen vai nhau như trong rừng Trường Sơn.

Văn Khoa bây giờ xa lạ đến thế, con gái quần đen áo bà ba, con trai dép râu, các bạn giờ đâu còn là bạn ta ngày xưa thân ái, họ đang mê sảng kinh tế chính trị Mác miết, ca ngợi thiên đàng CS trên đầu môi chót lưỡi.

Buồn thay ngày trước, bạn áo quần bảnh bao, nhảy nhót ăn chơi đúng điệu, bi chừ bỗng hóa thân như bộ đội ở rừng, hút thuốc rê tự vấn, tố cáo bằng hữu, sao bạn có thể lột xác như bướm đêm thế này.

Nghe bạn “thuyết pháp” tôi đâm lú lẫn, ô hay bạn nói tiếng việt cớ sao tôi chẳng hiểu mô tê chi cả, đến phiên tôi phát biểu, tôi ú ớ như đứa mù chữ, rặn mãi chả ra một câu ca ngợi đúng điệu “thờ ma cộng sản”.

Nói theo kiểu “dép râu”, tôi mất tập trung, giời ạ, hiểu sao nổi thiên đàng CS trong khi cả nước đang đói meo râu chỉ có bobo với ngô khoai, thức ăn của gia súc ngày xưa, bây giờ được bán theo nhân khẩu mới đểu.

Nhờ ơn bác đảng, cả nước lui về thời than củi, cúp điện, cúp nước, cúp thực phẩm, cúp tự do…, CSVN đoạt mấy loại cúp độc nhất vô nhị mà chưa có quốc gia nào trên thế giới dám “đăng cai” phát giải.

Tôi chỉ bị mất tập trung thôi, tôi mà phát điên lên lại khổ cho bố mẹ, và tôi tiếp tục mất tập trung đến lúc ra truờng, bài thi “chính chị chính em” của tôi đạt điểm khá, nhờ nhóm Mỹ Ngụy chúng tôi chia nhau làm bài.

Trả nợ quỷ thần cho cán cộng xong, tới lúc đi làm mới chua. Được đào tạo dưới “chế độ ngu dân” nên đầu óc tôi rỗng tuếch không nhớ nổi đường lối bác đảng ra răng.

Được bổ nhiệm làm cô giáo vùng kinh tế mới, cầm tờ quyết định của phòng tổ chức, tôi đi giữa sân trường thẫn thờ, bước chân vô định như tương lai của mình, chưa biết nói làm sao để bố mẹ yên lòng.

Trên đường về nhà tôi gặp cô bạn cùng khóa đang làm việc trong một “công trình” do Pháp viện trợ ở ngoại ô Sàigòn, nó rủ tôi đâm đơn xin việc vì ở đó thiếu người, tôi mừng như bắt được vàng.

Trước ngày “ứng thí”, tôi mua báo “Nhân Dân” để cập nhật chủ thuyết mác lê lết mà tôi đã bỏ lại ở sân trường, đọc hết tờ báo, đọc mờ cả mắt, càng đọc càng thấy mù mờ hơn.

Hôm sau trình diện phòng Tổ Chức (phòng Nhân Sự) để cán bộ sát hạch trước khi nhận việc, bước vào phòng Tổ Chức tôi rùng mình, cố nhớ chủ thuyết “ma quỷ” tôi vừa tụng hôm qua, mà sao trí nhớ cứ chơi khăm, càng căng thẳng đầu óc càng lú lẫn không nhớ ông Mác là người Đức hay Liên Xô.

Một lần nữa tôi lại mất tập trung, đành chịu vì tôi không thích giao du với cán cộng nên những gì họ dạy bảo tôi quên biến rồi, tôi thầm mong người phỏng vấn chỉ hỏi về trình độ chuyên môn cho tôi nhờ.

Quan cán tiếp tôi ngồi rút chân lên ghế kiểu nước lụt, gương mặt khắc khổ, đôi môi thâm xì, chắc là di chứng sốt rét những ngày ở rừng.

Ông châm điếu thuốc lào, lật tới lật lui hồ sơ của tôi rồi nghiêm giọng thách đố,

- Cháu dịch câu này ra tiếng việt, nếu dịch thông suốt cháu sẽ được nhận việc.

Vậy là thoát ba cái mớ rác rưởi chính trị dối trá, tôi mừng húm nhỏ nhẹ,

- Vâng, xin chú cứ hỏi.

Quan cộng tằng hắng ra vẻ nghiêm trọng, nghe này,

- “Quích sơ măn bông xên” là cái gì, cháu dịch đi.

Tuy quan cán trước mặt tôi gìa ngắc, nhìn chán lắm, nhưng tôi lại thấy tinh tú quay cuồng mới đáng sợ.

Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ nghe một câu tiếng tây như rứa, mà giọng quan lên xuống như tây thứ thiệt khiến tai tôi lùng bùng, đầu óc hoảng loạn mụ mẫm.

Tôi nhớ ông tây bà đầm đứng lớp ở Văn Khoa Sàigòn chưa hề đụng đến mấy chữ này, mấy niên học có bao giờ nghe thầy nói “sơ măn sơ miết” gì đâu, giờ bỗng quan phán một câu làm tôi phát sốt.

Đúng là quan bắt bí tôi, kiểu này là “mơ không thấy nổi” việc làm gần Sàigòn, giờ thì số phận của tôi như chuông treo tóc tơ, tương lai trực chỉ vùng kinh tế xa xôi diệu vợi.

Nghĩ đến viễn cảnh u tối sắp tới, tôi bèn lấy hết can đảm mà sao tôi cứ lắp bắp,

- Thưa chú, chú có thể đọc lại câu đó một lần nữa được không?

Thấy tôi quýnh quáng ngớ người, quan cán cười ngất, dịu giọng,

- Chú đùa, đấy là cách nói lái “quăng sơ mít bên sông” đó mà, ngày mai cháu vào đây nhận việc, công trường đang cần người khẩn cấp.

Cú gạt gẫm lần đó làm tôi suýt đứng tim, trên đường về nhà tôi đạp xe và cười tủm tỉm một mình, chắc thiên hạ tưởng tôi điên, ai từng sống với chế độ CS mà không có lúc lên cơn hoảng loạn như tôi ngày hôm đó.

Năm đầu tiên làm việc ở đây, ngày 14 tháng 7 chúng tôi được mời đến Lãnh Sự Quán Pháp dự lễ quốc khánh, tôi có nhiệm vụ cầm chuyện với nhóm Tây đang làm việc ở nhà máy, cứ tưởng đơn giản như đang giỡn, nhưng hôm đó tôi suýt bị chữ nghĩa chơi khăm.

Nói chuyện với Tây không khó, cái khó là xếp của tôi cứ đứng ỳ trước quầy thức ăn khai vị “tranh thủ” uống rượu đến “phút thứ chín mươi” vì “sâm banh” chưa lọt lưới, khiến tôi siểng niểng như kẻ sắp bại trận.

Nhân viên phục vụ tiệc Buffet khui Champagne cầm chừng, khui chai nào là hết ngay, xếp cán của tôi chậm chân mới uống có một ly, chưa đủ cơn thèm.

Xếp thiếu rượu, tôi bị vạ lây, mặc cho thiên hạ đưa đẩy chuyện vãn, xếp bảo tôi,

- Mình phải kiên trì bảo anh phục vụ khui Champagne, cháu yêu cầu anh ta đi.

Giời ạ, anh phục vụ người VN mà sao tôi nói không nên lời, uống rượu tôi rất thích, uống kiểu đòi nợ như vậy uống sao nổi, mà tôi làm gì có tính “kiên trì” như xếp, kiên nhẫn làm việc tôi không ngại, kiên trì làm lỳ thì tôi chịu thua.

May cho tôi, đang bối rối chưa dám lên tiếng mè nheo đòi rượu, gã tây trong đoàn dẫn xác đến hỏi xã giao,

- Quý vị thấy tiệc vừa khẩu vị chứ?

Như bắt được vàng, tôi dẻo mồm,

- Rượu tây không chê vào đâu được, nhưng tôi chưa thử Champagne.

Thế là ông tây ra tay “cứu bồ”, gã bảo anh kia khui Champagne, xếp tôi hả hê nốc vài ly, tôi chứng kiến màn ăn vạ, ăn xin, ăn hôi tệ nhất trong đời.

Gía tôi say được lúc này chắc đỡ nhục, dù sao xếp cũng là người VN, làm sao Tây hiểu được việt cộng với VNCH khác nhau cả một “chiến tuyến”, từ rừng ra phố họ không thể tỉnh táo trước cơm ngon rượu ngọt.

Tửu lượng của tôi không tệ nên đầu óc vẫn còn minh mẫn, xếp hớn hở uống từ rượu khai vị (ngọt) cho đến rượu trắng, đỏ, Champagne… làm mấy con ma men choảng nhau tưng bừng, nhìn xếp xiêu vẹo tôi đâm lo.

Hình như lần đầu trong đời được uống rượu Tây thỏa thích nên xếp bốc lửa nổi hứng phán một câu xanh rờn.

Trước khi lên tiếng, xếp dặn tôi, cháu cứ dịch thẳng thắn, bữa này là lễ mà, xếp lim dim cười mỉm,

- Quý vị còn nhớ chiến trận lòng chảo Điện Biên Phủ chứ, bao nhiêu vũ khí tối tân của Tây cũng không thắng nổi chúng tôi, vì chúng tôi “kiên cường, dũng cảm”.

Cái lo của tôi đã tới, chết cha mi chưa, xếp cán cộng lên men nã một tràng đại liên, tôi lãnh trọn băng đạn, lúc này mà dịch đúng ý xếp không biết chuyện gì sẽ xảy ra, bỗng tôi thấy rượu Tây có vị chát ngang xương.

Trong lúc cán bộ ngả nghiêng theo hơi men, tôi dịch một cách méo mó để tránh xảy ra một “Điện Biên” bên hông lễ Quốc Khánh của Tây, tôi cười như mếu, lên tiếng,

- Trong trận Điện Biên chúng ta là đối thủ, chuyện thắng thua chỉ là dĩ vãng, bi chừ chúng ta là bằng hữu.

Hú hồn, xếp cán không hiểu tiếng Tây lại đang nhảy đầm với con ma men, xếp Tây hài lòng nghĩ bạn ta biết dĩ hòa vi quý, thế là hai xếp vui vẻ cụng ly mặc cho “Đông Tây không thể gặp nhau”.

Tôi thoáng hoang mang tự hỏi, mình đã nhiễm cái thói gạt gẫm của cán cộng rồi sao, có thật là tôi đang thay đổi hay tôi cũng chỉ là nạn nhân của tình huống cười ra nước mắt như ri.

Trăm lần không, làm sao tôi có thể bị nhiễm trò lường gạt của họ, chẳng qua là trong lúc bom rơi đạn nổ tôi phải tránh đạn, chứ thường ngày tôi dịch kiểu này chắc nhà máy đang xây sẽ sập mất.

Tàn tiệc xếp cao hứng nắm tay ông Tây phát ngôn bừa bãi, tôi “miễn dịch” cứ để xếp thao thao “gửi gió cho mây ngàn bay”, ông Tây nhìn tôi cười thông cảm vì biết lúc này rượu nói chứ không phải xếp nói.

(còn tiếp một kỳ)

Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
06/04/201520:03:12
Khách
Bạn Jane MNT thân,
Cảm ơn bạn "đã cảm" văn phong của mình, còn "Văn hay Thị" thì jane cứ tùy nghi "nghĩ ngợi", mình không phiền đâu.
04/04/201520:06:30
Khách
Thiệt là mê mẩn lối hành văn dí dỏm của tác giả . Mà sao kiểu viết này giống cùa Đoàn Văn quá hè !!!! Nhất định không tin tác giả là Thị, Kim , Mary mà phải là Charles , Bob ....
03/04/201521:54:03
Khách
Tự hào Việt Nam.......
Thiêng Liêng Lá CỜ VÀNG

Tung bay... tung bay... lá Cờ Vàng,
Cờ Ba Sọc Đỏ rất hiên ngang.
Qua bao bão giông Cờ vẫn đứng,
Rợp khắp năm châu bóng Cờ Vàng.
Quê hương máu lửa, Cờ ly biệt,
Cờ ôm Hồn Nước, dạ sắt son.
Qua giấc Nam Kha, Cờ trở lại,
Ngạo nghễ hơn xưa, Vàng hơn xưa.
04/2015 (Tú Cát)
03/04/201517:22:29
Khách
Khôi An mến,
Dạo đó, 1978 làm việc với Tây, lúc nào cũng bị nghi ngờ làm "gián điệp", căng thẳng lắm, lơ mơ là bị công an hỏi thăm sức khoẻ, chứ không cười được như bây giờ đâu.
Với thời gian mình mới nhận ra, dân Miền Nam quá "hiền lành", ngây ngô đến tội nghiệp, may mà chúng ta đã tìm được Tự Do, nhưng vẫn đau lòng vì vận nước vẫn còn đen tối.
Cảm ơn em đã "còm men", hy vọng chị em mình sẽ có dịp gặp mặt.
03/04/201512:37:16
Khách
Chào Ngọc,
Bây giờ thì bạn biết rồi, nếu có duyên biết đâu chúng ta sẽ có dịp gặp gỡ sau này.
Thân ái.
03/04/201500:03:50
Khách
Chào chị ĐT,
Em không biết tiếng Pháp, đang hồi hộp cầu mong cho chị hiểu ông ta nói gì ( (em đoán là vì giọng ổng quá nặng) thì đọc tới "quăng sơ mít ...".
Cười ha hả.
Cám ơn chị kể lại thời gian đen tối nhưng vẫn làm người đọc cười.
01/04/201512:24:28
Khách
Tuyệt vời !
Mình ở Pháp mà chưa biết ĐT ta?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,047,411
Tác giả là một Kỹ sư Dầu Khí làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam, đã tham gia khóa tu nghiệp một năm tại Chicago (2014, 2015). Là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt,
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh,
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. vào năm 1990, hiện đã về hưu và an cư tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam,
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990. Sau đây là bài ông mới viết.
Lê Phạm Lê đã được tổ chức United Poets Laureate Inter-national trao tặng “Peace Poetry Golden Medallion” tại Hội nghị Thi ca Quốc tế lần thứ 23, Osaka, Japan, March 25-29, 2014.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina
Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái,
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Nhạc sĩ Cung Tiến