Tác giả: Nguyễn Anh Nguyên
Bài số 3703-17--30203vb7121915
Tác giả là một Kỹ sư Dầu Khí làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam, đã tham gia khóa tu nghiệp một năm tại Chicago (2014, 2015). Là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, từng trải qua nhiều khó khăn sau 1975 để có thể tồn tại. Mùa Giáng sinh 2014 và Tết Dương Lịch 2015, anh đã có dịp qua tiểu bang California (San Jose, San Francisco, Quận Cam, Los Angeles, Sylmar,…) thăm gia đình và bè bạn. Những bài viết là sự chia sẻ và thay lời cảm ơn mọi người, cám ơn cuộc đời.
Chuyến bay UA300 của hãng hàng không United Airlines bắt đầu lăn bánh ra đường băng sân bay quốc tế Chicago OHare. Cơ trưởng đã yêu cầu các tiếp viên về chổ ngồi khi máy bay dần tăng tốc. Như vậy là nỗi lo bị hoãn hoặc hủy chuyến bay do thời tiết xấu ở vùng Trung Tây nước Mỹ (Midwest) như cảnh báo của United Airlines trong email gửi đến điện thoại di động vào đêm hôm qua đã trôi qua. Tạm biệt thành phố Chicago lạnh giá và hứa hẹn sẽ được tận hưởng một đêm Giáng sinh ấm áp ở bờ Tây nước Mỹ...
Dù lịch trình các chuyến bay đến và đi dày đặc các bảng điện tử nhưng thủ tục lấy hành lý ký gửi tại sân bay San Francisco (SFO) nhanh đến bất ngờ. Loay hoay giải quyết nhu cầu cho hai nhóc con sau khi xuống máy bay, khi cả nhà ra đến băng chuyền thì chỉ còn hai vali của gia đình và một vài vali của các hành khách cùng chuyến nằm chỏng trơ một góc. Trên xa lộ US-101 về San Jose (thủ phủ của quận Santa Clara, thành phố lớn 3 của bang California và thứ 10 của Mỹ), thung lũng Silicon danh tiếng chào đón chúng tôi với một số công ty Công nghệ hàng đầu thế giới nằm san sát hai bên xa lộ (Flextronics X, Polycom, Global Foundries, Ericsson,…). Kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng tốt thể hiện rõ qua rất nhiều công trình, nhà xưởng và cao ốc văn phòng đang được xây dựng rải rác khắp nơi đồng nghĩa với thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Mỹ nói chung và cộng đồng người Việt tại California nói riêng trước thềm năm mới.
Không khí Giáng sinh tại San Jose không sôi động như ở khu trung tâm Sài Gòn. Sau cả buổi hàn huyên với gia đình Cô Hương và mấy anh chị họ đã lâu không gặp, cả đại gia đình kéo nhau đến nhà hàng Việt ăn tối. Đã hơn nửa năm mới được thưởng thức món cơm sườn và mì hoành thánh đúng khẩu vị quen thuộc thật sự rất ngon miệng.
Phần tiếp theo của đêm Giáng sinh được tổ chức ở nhà của một người bạn của gia đình Cô, hứa hẹn mang lại nhiều niềm vui cho lũ trẻ con. Ở California, đa phần tiệc Giáng sinh được tổ chức tại nhà cùng gia đình, bạn bè với giàn đèn lung linh trang trí bên ngoài, cây thông Noel lấp lánh, nhiều quà cho trẻ em và không thể thiếu sự xuất hiện bất ngờ của ông già Noel. Bé Nấm tỏ ra bất ngờ và sợ sệt khi thấy ông già Noel râu dài che kín hết cả mặt, vác bịch quà to vào nhà, chỉ nói Hô… Hô... Hô… (chắc sợ bị mấy nhóc trong nhà phát hiện ra là ai nếu mở miệng nói nhiều hơn) mà lại gọi tên Nấm lên nhận quà đầu tiên. Bản năng của trẻ con thật lạ, dù tỏ ra khá sợ sệt nhưng bé Nấm nhà ta cũng nhanh chóng chạy lại nhận quà từ ông già Noel và dọt lẹ về ngồi thu lu một góc salon tay ôm khư khư hộp quà nhìn thương thật là thương. Trong không khí vui vẻ của đêm Giáng sinh, lũ trẻ nô đùa tíu tít trong khi ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè quây quần ăn reveillon sớm. Nhấm nháp một vài chai bia Heneiken hay bia Maltopia ướp lạnh (một loại bia Scotch nổi tiếng ở San Jose của Hermitage với 9% độ cồn), nhìn những nụ cười sảng khoái của con trẻ và chuyện trò với anh em, bạn bè thật ấm áp và thú vị.
Buổi sáng Giáng sinh an lành, nhấm nháp các món Dim sum lạ miệng và sau đó thưởng thức cà phê Starbucks trong khu thương mại gần trụ sở tập đoàn Yahoo cùng hai người bạn cấp ba ở trường Thăng Long, Đà Lạt thật nhàn nhã so với nhịp sống đang hối hả của nước Mỹ. Cũng có gặp nhau một vài lần khi các bạn về thăm Việt Nam nhưng được ngồi trò chuyện về gia đình, công việc và cuộc sống với hai bạn ngay tại San Jose là một cái duyên không dễ gì có được. Những chàng trai mới lớn ngày nào nay đã là những trung niên tứ tuần từng trải với dấu ấn thời gian đã dần xuất hiện trên làn da, mái tóc. Đã gần một phần tư thế kỷ không còn ngồi chung dưới một mái trường nhưng những ký ức học trò ngày nào như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí chúng tôi.
Nhớ năm cuối cấp ba, cả lớp rủ nhau trốn tiết học lên khách sạn Palace, Đà Lạt chụp hình lưu niệm bị Cô Hương chủ nhiệm và Thầy Hòa dạy toán la cho một trận tơi bời. Thầy Cô không ngờ đám học trò của lớp tuyển chọn duy nhất của khối 12, thường ngày ngoan hiền học giỏi lại có thể cúp cua tập thể như vậy. Một kỷ niệm nhớ đời với tất cả chúng tôi. Tuy nhiên cũng nhờ vậy mà lớp chúng tôi có những bức ảnh gần như đủ mặt tất cả các thành viên trong lớp. Mùa hè chia tay thầy cô, bạn bè, trường lớp ở xứ lạnh cao nguyên không có cành Phượng hồng trong chiếc giỏ xe mà thay bằng màu Phượng tím kiêu sa và quyến rũ nở vào cuối tháng ba đầu tháng tư báo hiệu mùa Xuân đã qua và mùa Hè đã tới. Sắc lam tím kiêu sa phủ đầy các con phố cao nguyên trong tiết trời se lạnh luôn mang lại những ký ức khó có thể phai, lãng mạn và mang mác buồn.
Nhớ về Đà lạt không thể không nói về hoa. Các loài hoa đã thành thương hiệu hoa Đà Lạt như Địa Lan, Cúc, Hồng, Cẩm chướng, Cát Tường, Lay ơn,…
Bên cạnh đó, nhiều loài hoa nổi tiếng khác như Mimosa, Mai Anh đào, Phượng tím, Dã quỳ,… Thật tình cờ khi có hai loài hoa hoang dại khác nhau sống cách nhau nửa vòng trái đất mang lại cùng cảm xúc cho tôi, Dã quỳ thì tô vàng phố núi Cao nguyên Lâm viên thơ mộng vào mỗi đầu thu còn Hoa Cải dại thì nhuộm vàng thung lũng Công nghệ San Jose nức tiếng vào mùa xuân - nơi có cộng đồng người Việt lớn thứ hai ở Mỹ.
Đã đến Bắc California mà không đến San Francisco sẽ cảm thấy tiếc nuối. Ngắm cầu Cổng Vàng (Golden Gate) ở San Francisco (thành phố lớn thứ 4 của bang California và thứ 14 của Mỹ) trong một buổi chiều nắng đẹp là một cảm giác khó có thể quên. Đã từng thấy cây cầu nổi tiếng này rất nhiều lần qua sách báo và phim ảnh. Tuy nhiên việc được đặt chân đến đây, tận mắt nhìn thấy và chụp một vài tấm ảnh cùng với nó mang lại những cảm xúc khó diễn tả bằng lời, giống như ta vừa đặt chân đến nước Mỹ một lần nữa vậy. Khung cảnh hùng vĩ tại cửa ngõ của vịnh San Francisco tiếp giáp với Thái Bình Dương được tô điểm hoàn hảo bằng cây cầu treo màu cam đỏ rực rỡ trong ánh sáng ban ngày. Golden Gate từng giữ kỷ lục là chiếc cầu treo dài nhất thế giới từ năm 1937 đến 1957, đã được bình chọn là cây cầu được chụp ảnh nhiều nhất thế giới nhưng đây cũng là nơi tự sát nổi tiếng thế giới với tốc độ khi chạm mặt nước khoảng 142 km/h, dòng nước lạnh khoảng 8 độ C cùng những đàn cá mập trắng lượn lờ bên dưới. Tính đến năm 2005, đã có hơn 1200 người quyết định kết thúc cuộc đời ở đây. Họ đã chấp nhận rời bỏ tài sản quý giá nhất của mình để giải thoát khỏi những rắc rối không thể giải quyết được trong cuộc sống bằng một trải nghiệm vô giá và đáng sợ cuối cùng.
Không xa cây cầu là nhà tù trên đảo Alcatraz khét tiếng, nơi từng được sử dụng để quay phim bom tấn The Rock (Nhà tù đá) với sự góp mặt của hai tài tử nổi tiếng là Nicolas Cage và Sean Connery, nay đã là một điểm du lịch nổi tiếng trong vịnh San Francisco. Trong làn gió mát lạnh của một buổi chiều lập Đông, không khỏi chạnh lòng nghĩ về bánh xe số phận và những hoàn cảnh éo le của kiếp con người. Cũng được sinh ra trong niềm hân hoan của các bậc sinh thành, điều gì khiến cho có những người chịu tù đày hàng chục năm ròng rã nhưng luôn cố gắng chịu đựng để có ngày được trở lại cuộc sống bình thường gặp lại gia đình bạn hữu, trong khi có người đang được sống tự do lại quyết định từ bỏ tất cả và ra đi mãi mãi. Phải chăng vì sao số phận đã chi phối cuộc sống và hành động của mỗi người? Hay sự khác nhau là ở ý chí, nghị lực vượt qua nghịch cảnh và cả ở niềm hy vọng về tương lai vẫn còn hay đã tắt trong tâm hồn chúng ta?
Cuộc sống vẫn đầy ắp những bất ngờ và cuốn sách cuộc đời vẫn còn rất nhiều trang mà chúng ta vẫn chưa từng được đọc. Hãy bằng lòng và tận hưởng hạnh phúc trên từng chặng đường đang trải qua thay vì cứ mơ mộng cao xa hay hy vọng hạnh phúc sẽ chờ sẵn đâu đó ở cuối con đường. Nhìn nụ cười tươi tắn của vợ và niềm hân hoan của những đứa trẻ bên cây cầu Cổng Vàng huyền thoại, thầm cầu mong mọi chuyện đều tốt đẹp và nếu có khó khăn, thử thách ta sẽ đủ sức vượt qua để hạnh phúc luôn ở trong tầm với.
San Francisco, thành phố trên những ngọn đồi, có nhiều nét khá giống Đà Lạt do phố xá đi lên đi xuống và nhà cửa sắp xếp theo kiểu bậc thang uốn lượn theo các sườn đồi. Tuy nhiên mật độ, cao độ của các ngọn đồi và các tòa nhà cao tầng ở San Francisco (có khoảng 50 ngọn đồi bên trong thành phố) hơn hẳn Đà Lạt khiến ta có một cảm giác choáng ngợp khi lạc vào trong đó. Những con dốc cao chót vót khiến ta phải ngẩng cao đầu mới nhìn thấy đỉnh. Những chiếc xe hơi đang bò lên trượt xuống như đang làm xiếc trong các trò chơi thả xe xuống dốc của trẻ con, khi nhìn cứ cảm thấy lo lo, sợ nửa chừng xe tuột dốc. Đồi Sinh đôi (Twin Peaks) là một cặp đồi tạo nên điểm cao nhất của thành phố, khoảng 280m. Đây là một điểm quan sát được mọi người ưa thích để nhìn xuống toàn cảnh thành phố San Francisco ở bên dưới. Ngay giữa trung tâm thành phố, tòa tháp cao nhất San Francisco là Transamerica Pyramid (cao 260m) vươn cao hẳn lên với đỉnh nhọn đặc trưng rất dễ nhận thấy. Tòa tháp cao và nhọn nằm ở chính giữa trung tâm với bán kính vài dặm xung quanh là kiến trúc thấp tầng, nhìn giống như cây cọc của chiếc đồng hồ mặt trời mà lúc nhỏ chúng tôi vẫn thường làm chơi trên mặt đất.
Địa hình đồi dốc có một không hai của San Francisco được tạo thành do nơi đây nằm trong khu vực thường có các hoạt động địa chấn do ảnh hưởng của các đứt gãy địa chất San Andreas và Hayward. Hơn 100 năm trước, vào năm 1906, ba phần tư Thành phố này đã bị tàn phá sạch trong trận động đất mạnh gây ra hỏa hoạn kinh hoàng do các đường ống khí đốt bị hư hại trong trận động đất. Nỗ lực tái thiết thành phố diễn ra rất nhanh chóng với quyết tâm rất lớn của Chính phủ và sự hổ trợ mạnh mẽ của các Ngân hàng đã từng bước đưa San Francisco trở thành một thủ phủ Tài chính ở bờ Tây nước Mỹ. Rất nhiều công trình xây dựng để đời được hoàn thành trong giai đoạn tái thiết này như hồ chứa nước Twin Peaks, các đường hầm Stockton và Twin Peaks, các đập nước và hồ chứa nước khác, đặc biệt là cầu Cổng Vàng, cầu Vịnh San Francisco-Oakland (Bay Bridge), nhà tù Ancatraz,… Nhìn sự phồn vinh và náo nhiệt của Thành phố này chắc ai trong chúng ta cũng cầu mong sao những gã khổng lồ địa chất hãy cứ ngủ yên dưới vỏ trái đất mãi mãi hay ít nhất cũng hãy ngon giấc thêm vài nghìn năm nữa để những câu chuyện như trong bộ phim “Khe nứt San Andreas” sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Từ San Francisco về lại San Jose có thể đi đường khác vòng qua cầu Bay Bridge ngang vịnh San Francisco - Oakland để ngắm cảnh. “Cầu qua Vịnh” (Bay Bridge) nối hai thành phố San Francisco và Oakland, bắc ngang hòn đảo nhỏ Yerba Buena ở giữa Vịnh. Thành phố Oakland là nơi có cảng biển lớn thứ tư của Mỹ, cảng container Oakland, một cửa ngõ thương mại vận chuyển hàng hóa và nông sản quan trọng ở bờ Tây nước Mỹ. Oakland từng là trung tâm công nghiệp phục vụ chiến tranh Thế giới thứ hai và cũng là trung tâm của ngành công nghiệp đóng tàu và sản xuất xe hơi của Mỹ sau chiến tranh nên đa phần dân cư ở đây là tầng lớp lao động có thu nhập thấp và đa dạng sắc tộc. Từ lâu, khu trung tâm Thành phố là nơi sinh sống của công nhân lao động, cộng đồng người Mỹ gốc Phi còn tầng lớp trí thức và những người giàu có lại sống ở các khu đồi xung quanh Oakland. Từ năm 1998, chính quyền Thành phố muốn thay đổi bộ mặt khu trung tâm bằng cách phát triển các dự án bất động sản cao cấp để thu hút tầng lớp dân cư ngoại ô khá giả hơn vào ở đây và tất nhiên một bộ phận người nghèo hơn đã phải chuyển đi chổ khác. Gần hai thập kỷ đã trôi qua và bộ mặt Oakland đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên một phần cũng vì những thay đổi này khiến mâu thuẫn lợi ích giữa các tầng lớp dân cư nhiều hơn trước và Oakland trở thành nơi thường xuyên có nhiều cuộc biểu tình bạo động của cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong những năm gần đây để phản đối những chính sách của chính quyền thành phố và sự cứng rắn của cảnh sát. Cảnh sát có lẽ là một nghề ít hấp dẫn và nhiều rủi ro ở Oakland khi tình cờ thấy tấm bảng “Hiring Police Officer” rất to được treo ngay trước một đồn cảnh sát ven đường. Việc quảng cáo tuyển dụng cảnh sát xem ra quá xa lạ với tôi, một người mới từ Việt Nam sang, nơi mà cảnh sát (công an) là một nghề khá đặc biệt chứ không tuyển dụng đại trà như vậy.
Xa lộ tiểu bang I-880 chạy từ Oakland qua các thành phố Fremont, Milpitas rồi về lại San Jose. Địa hình thung lũng hiện rõ với khu vịnh San Francisco phía bên phải và núi đồi xa xa phía bên trái tay lái. Tiếc là mùa Noel và năm mới thì hoa Cải vàng chưa nở. Mùa hoa Cải dại ở Bắc California thường bắt đầu từ cuối tháng Hai và rực rỡ nhất vào trung tuần tháng Tư hàng năm. Lúc đó, hoa Cải vàng sẽ mọc hoang khắp mọi nơi trải một tấm thảm màu vàng óng lên toàn thung thũng San Jose, quận Santa Clara, bang California.
Nghĩ về Thung Lũng Hoa Vàng lại nhớ đến hoa Dã quỳ vàng rực hai bên các con đường dốc tại Đà Lạt vào mỗi tháng mười hàng năm và bài thơ “Động Hoa Vàng” nổi tiếng của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Bài thơ gối đầu giường của nhiều chàng trai trẻ phố núi một thời khó khăn, đói kém nhưng tâm hồn vẫn không kém phần lãng mạn.
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Khá là trùng hợp khi ở Thung lũng Hoa vàng này không chỉ có một vài gã mà có cả một thế hệ người Việt ở miền Nam từ quan (hay nói cách khác là buộc phải từ quan, xếp chiến y thay màu áo), đã vượt đại dương bằng nhiều cách để đến với Thung Lũng Hoa Vàng. Có điều khác biệt là đa phần trong số họ không thể ngủ say trong rất nhiều năm sau đó. Người thì phải cật lực làm mọi công việc để tồn tại ở chân trời mới và nuôi dạy con cái nên người. Người lại phải trải qua vài năm cho đến hàng chục năm cùng những giấc ngủ lao tù và nhiều năm vất vả mưu sinh sau khi ra tù trước khi đến được nơi này. Đất lành thì chim sẽ đậu dù rằng đàn chim vẫn hằng mong, như một lời ca của Hoàng Giác, “Tung cánh chim tìm về tổ ấm”(2).
Chuyến xe đò Hoàng từ San Jose đi Nam California vừa lăn bánh trong một buổi sáng mát lạnh những ngày cuối năm dương lịch 2014. Ngồi nhấm nháp ổ bánh mì Lees sandwich khá ngon miệng và ngắm quang cảnh đường phố San Jose lướt qua cửa sổ, chợt nhớ hình ảnh một người vô gia cư cao gầy đứng bên lề một salon ô tô sang trọng ở khu downtown San Francisco với tấm bảng “Peace and Hopeful” trên tay. Thông điệp “Hòa bình và Hy vọng” ông cầm trên tay có vẻ hơi lạ lùng so với những nhu cầu đơn giản mà ông đang cần nhưng thật ra nó lại là hành trang mà tất cả chúng ta luôn cần để có thể tiến về phía trước. Hình ảnh người đàn ông khắc khổ với tấm bảng đầy ý nghĩa trên tay như một lời nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh táo, lạc quan, trân trọng những gì đang có, cân nhắc kỹ càng trước các quyết định quan trọng của mình và đừng quên những giá trị cốt lõi trong cuộc sống. Nhìn phong cách, tôi đoán có lẽ ông là một trí thức sa cơ lỡ vận ở Thung lũng phồn hoa này. Cầu mong ông sẽ được bình an, có nhiều sức khỏe và những gì ông đang hy vọng trong cuộc sống sẽ sớm trở thành hiện thực.
Khi ngồi viết những dòng này cũng là lúc vừa có khủng bố xả súng ở San Bernadino làm 14 người chết, trong đó có một cô gái người Mỹ gốc Việt. Xin được thành kính chia buồn cùng gia đình cô và các nạn nhân khác. Cầu mong cô ra đi thanh thản và gia đình cô đủ sức vượt qua nỗi đau to lớn này. Những tiếng súng cực đoan và cuồng tín đã xóa tan niềm hy vọng, hạnh phúc và cuộc sống của cô cùng nhiều đồng nghiệp, nhiều gia đình ở California. Cuộc khủng bố ở Pháp hồi tháng trước và cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, Syria… ngày càng căng thẳng càng làm dấy lên những nỗi bất an về tình hình an ninh thế giới trước những đe dọa của nhà nước Hồi giáo IS. Hình như khái niệm Hòa bình và Bình an thật sự vẫn là một điều gì đó khá mong manh và luôn cần được gìn giữ cẩn thận trong một thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Vài ngày được sống trong cộng đồng người Việt xa quê ở Bắc California, tham quan tìm hiểu một vùng đất mới quen nhưng gợi lại rất nhiều kỷ niệm thân thương. Tận hưởng không khí gia đình ấm áp vào dịp Giáng sinh và gặp lại những người bạn thân tình thật là thú vị. Tạm biệt Thung Lũng Hoa Vàng, nơi có nhiều thế hệ người Việt Nam cần cù, hiếu học và thành đạt. Quá khứ khó khăn mà thế hệ ông cha trải qua đã dần xa, hiện tại khá ổn định và tương lai nhiều triển vọng đang chào đón các thế hệ tiếp theo. Hy vọng rằng những giấc mơ trong các gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục được vun đắp, nảy mầm và phát triển mạnh mẽ để thành công luôn tiếp nối thành công tại Thung lũng Công nghệ, nơi có đại học Standford danh tiếng này.
Nguyễn Anh Nguyên
Bài số 3703-17--30203vb7121915
Tác giả là một Kỹ sư Dầu Khí làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam, đã tham gia khóa tu nghiệp một năm tại Chicago (2014, 2015). Là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, từng trải qua nhiều khó khăn sau 1975 để có thể tồn tại. Mùa Giáng sinh 2014 và Tết Dương Lịch 2015, anh đã có dịp qua tiểu bang California (San Jose, San Francisco, Quận Cam, Los Angeles, Sylmar,…) thăm gia đình và bè bạn. Những bài viết là sự chia sẻ và thay lời cảm ơn mọi người, cám ơn cuộc đời.
* * *
Chuyến bay UA300 của hãng hàng không United Airlines bắt đầu lăn bánh ra đường băng sân bay quốc tế Chicago OHare. Cơ trưởng đã yêu cầu các tiếp viên về chổ ngồi khi máy bay dần tăng tốc. Như vậy là nỗi lo bị hoãn hoặc hủy chuyến bay do thời tiết xấu ở vùng Trung Tây nước Mỹ (Midwest) như cảnh báo của United Airlines trong email gửi đến điện thoại di động vào đêm hôm qua đã trôi qua. Tạm biệt thành phố Chicago lạnh giá và hứa hẹn sẽ được tận hưởng một đêm Giáng sinh ấm áp ở bờ Tây nước Mỹ...
Dù lịch trình các chuyến bay đến và đi dày đặc các bảng điện tử nhưng thủ tục lấy hành lý ký gửi tại sân bay San Francisco (SFO) nhanh đến bất ngờ. Loay hoay giải quyết nhu cầu cho hai nhóc con sau khi xuống máy bay, khi cả nhà ra đến băng chuyền thì chỉ còn hai vali của gia đình và một vài vali của các hành khách cùng chuyến nằm chỏng trơ một góc. Trên xa lộ US-101 về San Jose (thủ phủ của quận Santa Clara, thành phố lớn 3 của bang California và thứ 10 của Mỹ), thung lũng Silicon danh tiếng chào đón chúng tôi với một số công ty Công nghệ hàng đầu thế giới nằm san sát hai bên xa lộ (Flextronics X, Polycom, Global Foundries, Ericsson,…). Kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng tốt thể hiện rõ qua rất nhiều công trình, nhà xưởng và cao ốc văn phòng đang được xây dựng rải rác khắp nơi đồng nghĩa với thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Mỹ nói chung và cộng đồng người Việt tại California nói riêng trước thềm năm mới.
Không khí Giáng sinh tại San Jose không sôi động như ở khu trung tâm Sài Gòn. Sau cả buổi hàn huyên với gia đình Cô Hương và mấy anh chị họ đã lâu không gặp, cả đại gia đình kéo nhau đến nhà hàng Việt ăn tối. Đã hơn nửa năm mới được thưởng thức món cơm sườn và mì hoành thánh đúng khẩu vị quen thuộc thật sự rất ngon miệng.
Phần tiếp theo của đêm Giáng sinh được tổ chức ở nhà của một người bạn của gia đình Cô, hứa hẹn mang lại nhiều niềm vui cho lũ trẻ con. Ở California, đa phần tiệc Giáng sinh được tổ chức tại nhà cùng gia đình, bạn bè với giàn đèn lung linh trang trí bên ngoài, cây thông Noel lấp lánh, nhiều quà cho trẻ em và không thể thiếu sự xuất hiện bất ngờ của ông già Noel. Bé Nấm tỏ ra bất ngờ và sợ sệt khi thấy ông già Noel râu dài che kín hết cả mặt, vác bịch quà to vào nhà, chỉ nói Hô… Hô... Hô… (chắc sợ bị mấy nhóc trong nhà phát hiện ra là ai nếu mở miệng nói nhiều hơn) mà lại gọi tên Nấm lên nhận quà đầu tiên. Bản năng của trẻ con thật lạ, dù tỏ ra khá sợ sệt nhưng bé Nấm nhà ta cũng nhanh chóng chạy lại nhận quà từ ông già Noel và dọt lẹ về ngồi thu lu một góc salon tay ôm khư khư hộp quà nhìn thương thật là thương. Trong không khí vui vẻ của đêm Giáng sinh, lũ trẻ nô đùa tíu tít trong khi ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè quây quần ăn reveillon sớm. Nhấm nháp một vài chai bia Heneiken hay bia Maltopia ướp lạnh (một loại bia Scotch nổi tiếng ở San Jose của Hermitage với 9% độ cồn), nhìn những nụ cười sảng khoái của con trẻ và chuyện trò với anh em, bạn bè thật ấm áp và thú vị.
Buổi sáng Giáng sinh an lành, nhấm nháp các món Dim sum lạ miệng và sau đó thưởng thức cà phê Starbucks trong khu thương mại gần trụ sở tập đoàn Yahoo cùng hai người bạn cấp ba ở trường Thăng Long, Đà Lạt thật nhàn nhã so với nhịp sống đang hối hả của nước Mỹ. Cũng có gặp nhau một vài lần khi các bạn về thăm Việt Nam nhưng được ngồi trò chuyện về gia đình, công việc và cuộc sống với hai bạn ngay tại San Jose là một cái duyên không dễ gì có được. Những chàng trai mới lớn ngày nào nay đã là những trung niên tứ tuần từng trải với dấu ấn thời gian đã dần xuất hiện trên làn da, mái tóc. Đã gần một phần tư thế kỷ không còn ngồi chung dưới một mái trường nhưng những ký ức học trò ngày nào như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí chúng tôi.
Nhớ năm cuối cấp ba, cả lớp rủ nhau trốn tiết học lên khách sạn Palace, Đà Lạt chụp hình lưu niệm bị Cô Hương chủ nhiệm và Thầy Hòa dạy toán la cho một trận tơi bời. Thầy Cô không ngờ đám học trò của lớp tuyển chọn duy nhất của khối 12, thường ngày ngoan hiền học giỏi lại có thể cúp cua tập thể như vậy. Một kỷ niệm nhớ đời với tất cả chúng tôi. Tuy nhiên cũng nhờ vậy mà lớp chúng tôi có những bức ảnh gần như đủ mặt tất cả các thành viên trong lớp. Mùa hè chia tay thầy cô, bạn bè, trường lớp ở xứ lạnh cao nguyên không có cành Phượng hồng trong chiếc giỏ xe mà thay bằng màu Phượng tím kiêu sa và quyến rũ nở vào cuối tháng ba đầu tháng tư báo hiệu mùa Xuân đã qua và mùa Hè đã tới. Sắc lam tím kiêu sa phủ đầy các con phố cao nguyên trong tiết trời se lạnh luôn mang lại những ký ức khó có thể phai, lãng mạn và mang mác buồn.
Nhớ về Đà lạt không thể không nói về hoa. Các loài hoa đã thành thương hiệu hoa Đà Lạt như Địa Lan, Cúc, Hồng, Cẩm chướng, Cát Tường, Lay ơn,…
Bên cạnh đó, nhiều loài hoa nổi tiếng khác như Mimosa, Mai Anh đào, Phượng tím, Dã quỳ,… Thật tình cờ khi có hai loài hoa hoang dại khác nhau sống cách nhau nửa vòng trái đất mang lại cùng cảm xúc cho tôi, Dã quỳ thì tô vàng phố núi Cao nguyên Lâm viên thơ mộng vào mỗi đầu thu còn Hoa Cải dại thì nhuộm vàng thung lũng Công nghệ San Jose nức tiếng vào mùa xuân - nơi có cộng đồng người Việt lớn thứ hai ở Mỹ.
Đã đến Bắc California mà không đến San Francisco sẽ cảm thấy tiếc nuối. Ngắm cầu Cổng Vàng (Golden Gate) ở San Francisco (thành phố lớn thứ 4 của bang California và thứ 14 của Mỹ) trong một buổi chiều nắng đẹp là một cảm giác khó có thể quên. Đã từng thấy cây cầu nổi tiếng này rất nhiều lần qua sách báo và phim ảnh. Tuy nhiên việc được đặt chân đến đây, tận mắt nhìn thấy và chụp một vài tấm ảnh cùng với nó mang lại những cảm xúc khó diễn tả bằng lời, giống như ta vừa đặt chân đến nước Mỹ một lần nữa vậy. Khung cảnh hùng vĩ tại cửa ngõ của vịnh San Francisco tiếp giáp với Thái Bình Dương được tô điểm hoàn hảo bằng cây cầu treo màu cam đỏ rực rỡ trong ánh sáng ban ngày. Golden Gate từng giữ kỷ lục là chiếc cầu treo dài nhất thế giới từ năm 1937 đến 1957, đã được bình chọn là cây cầu được chụp ảnh nhiều nhất thế giới nhưng đây cũng là nơi tự sát nổi tiếng thế giới với tốc độ khi chạm mặt nước khoảng 142 km/h, dòng nước lạnh khoảng 8 độ C cùng những đàn cá mập trắng lượn lờ bên dưới. Tính đến năm 2005, đã có hơn 1200 người quyết định kết thúc cuộc đời ở đây. Họ đã chấp nhận rời bỏ tài sản quý giá nhất của mình để giải thoát khỏi những rắc rối không thể giải quyết được trong cuộc sống bằng một trải nghiệm vô giá và đáng sợ cuối cùng.
Không xa cây cầu là nhà tù trên đảo Alcatraz khét tiếng, nơi từng được sử dụng để quay phim bom tấn The Rock (Nhà tù đá) với sự góp mặt của hai tài tử nổi tiếng là Nicolas Cage và Sean Connery, nay đã là một điểm du lịch nổi tiếng trong vịnh San Francisco. Trong làn gió mát lạnh của một buổi chiều lập Đông, không khỏi chạnh lòng nghĩ về bánh xe số phận và những hoàn cảnh éo le của kiếp con người. Cũng được sinh ra trong niềm hân hoan của các bậc sinh thành, điều gì khiến cho có những người chịu tù đày hàng chục năm ròng rã nhưng luôn cố gắng chịu đựng để có ngày được trở lại cuộc sống bình thường gặp lại gia đình bạn hữu, trong khi có người đang được sống tự do lại quyết định từ bỏ tất cả và ra đi mãi mãi. Phải chăng vì sao số phận đã chi phối cuộc sống và hành động của mỗi người? Hay sự khác nhau là ở ý chí, nghị lực vượt qua nghịch cảnh và cả ở niềm hy vọng về tương lai vẫn còn hay đã tắt trong tâm hồn chúng ta?
Cuộc sống vẫn đầy ắp những bất ngờ và cuốn sách cuộc đời vẫn còn rất nhiều trang mà chúng ta vẫn chưa từng được đọc. Hãy bằng lòng và tận hưởng hạnh phúc trên từng chặng đường đang trải qua thay vì cứ mơ mộng cao xa hay hy vọng hạnh phúc sẽ chờ sẵn đâu đó ở cuối con đường. Nhìn nụ cười tươi tắn của vợ và niềm hân hoan của những đứa trẻ bên cây cầu Cổng Vàng huyền thoại, thầm cầu mong mọi chuyện đều tốt đẹp và nếu có khó khăn, thử thách ta sẽ đủ sức vượt qua để hạnh phúc luôn ở trong tầm với.
San Francisco, thành phố trên những ngọn đồi, có nhiều nét khá giống Đà Lạt do phố xá đi lên đi xuống và nhà cửa sắp xếp theo kiểu bậc thang uốn lượn theo các sườn đồi. Tuy nhiên mật độ, cao độ của các ngọn đồi và các tòa nhà cao tầng ở San Francisco (có khoảng 50 ngọn đồi bên trong thành phố) hơn hẳn Đà Lạt khiến ta có một cảm giác choáng ngợp khi lạc vào trong đó. Những con dốc cao chót vót khiến ta phải ngẩng cao đầu mới nhìn thấy đỉnh. Những chiếc xe hơi đang bò lên trượt xuống như đang làm xiếc trong các trò chơi thả xe xuống dốc của trẻ con, khi nhìn cứ cảm thấy lo lo, sợ nửa chừng xe tuột dốc. Đồi Sinh đôi (Twin Peaks) là một cặp đồi tạo nên điểm cao nhất của thành phố, khoảng 280m. Đây là một điểm quan sát được mọi người ưa thích để nhìn xuống toàn cảnh thành phố San Francisco ở bên dưới. Ngay giữa trung tâm thành phố, tòa tháp cao nhất San Francisco là Transamerica Pyramid (cao 260m) vươn cao hẳn lên với đỉnh nhọn đặc trưng rất dễ nhận thấy. Tòa tháp cao và nhọn nằm ở chính giữa trung tâm với bán kính vài dặm xung quanh là kiến trúc thấp tầng, nhìn giống như cây cọc của chiếc đồng hồ mặt trời mà lúc nhỏ chúng tôi vẫn thường làm chơi trên mặt đất.
Địa hình đồi dốc có một không hai của San Francisco được tạo thành do nơi đây nằm trong khu vực thường có các hoạt động địa chấn do ảnh hưởng của các đứt gãy địa chất San Andreas và Hayward. Hơn 100 năm trước, vào năm 1906, ba phần tư Thành phố này đã bị tàn phá sạch trong trận động đất mạnh gây ra hỏa hoạn kinh hoàng do các đường ống khí đốt bị hư hại trong trận động đất. Nỗ lực tái thiết thành phố diễn ra rất nhanh chóng với quyết tâm rất lớn của Chính phủ và sự hổ trợ mạnh mẽ của các Ngân hàng đã từng bước đưa San Francisco trở thành một thủ phủ Tài chính ở bờ Tây nước Mỹ. Rất nhiều công trình xây dựng để đời được hoàn thành trong giai đoạn tái thiết này như hồ chứa nước Twin Peaks, các đường hầm Stockton và Twin Peaks, các đập nước và hồ chứa nước khác, đặc biệt là cầu Cổng Vàng, cầu Vịnh San Francisco-Oakland (Bay Bridge), nhà tù Ancatraz,… Nhìn sự phồn vinh và náo nhiệt của Thành phố này chắc ai trong chúng ta cũng cầu mong sao những gã khổng lồ địa chất hãy cứ ngủ yên dưới vỏ trái đất mãi mãi hay ít nhất cũng hãy ngon giấc thêm vài nghìn năm nữa để những câu chuyện như trong bộ phim “Khe nứt San Andreas” sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Từ San Francisco về lại San Jose có thể đi đường khác vòng qua cầu Bay Bridge ngang vịnh San Francisco - Oakland để ngắm cảnh. “Cầu qua Vịnh” (Bay Bridge) nối hai thành phố San Francisco và Oakland, bắc ngang hòn đảo nhỏ Yerba Buena ở giữa Vịnh. Thành phố Oakland là nơi có cảng biển lớn thứ tư của Mỹ, cảng container Oakland, một cửa ngõ thương mại vận chuyển hàng hóa và nông sản quan trọng ở bờ Tây nước Mỹ. Oakland từng là trung tâm công nghiệp phục vụ chiến tranh Thế giới thứ hai và cũng là trung tâm của ngành công nghiệp đóng tàu và sản xuất xe hơi của Mỹ sau chiến tranh nên đa phần dân cư ở đây là tầng lớp lao động có thu nhập thấp và đa dạng sắc tộc. Từ lâu, khu trung tâm Thành phố là nơi sinh sống của công nhân lao động, cộng đồng người Mỹ gốc Phi còn tầng lớp trí thức và những người giàu có lại sống ở các khu đồi xung quanh Oakland. Từ năm 1998, chính quyền Thành phố muốn thay đổi bộ mặt khu trung tâm bằng cách phát triển các dự án bất động sản cao cấp để thu hút tầng lớp dân cư ngoại ô khá giả hơn vào ở đây và tất nhiên một bộ phận người nghèo hơn đã phải chuyển đi chổ khác. Gần hai thập kỷ đã trôi qua và bộ mặt Oakland đã có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên một phần cũng vì những thay đổi này khiến mâu thuẫn lợi ích giữa các tầng lớp dân cư nhiều hơn trước và Oakland trở thành nơi thường xuyên có nhiều cuộc biểu tình bạo động của cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong những năm gần đây để phản đối những chính sách của chính quyền thành phố và sự cứng rắn của cảnh sát. Cảnh sát có lẽ là một nghề ít hấp dẫn và nhiều rủi ro ở Oakland khi tình cờ thấy tấm bảng “Hiring Police Officer” rất to được treo ngay trước một đồn cảnh sát ven đường. Việc quảng cáo tuyển dụng cảnh sát xem ra quá xa lạ với tôi, một người mới từ Việt Nam sang, nơi mà cảnh sát (công an) là một nghề khá đặc biệt chứ không tuyển dụng đại trà như vậy.
Xa lộ tiểu bang I-880 chạy từ Oakland qua các thành phố Fremont, Milpitas rồi về lại San Jose. Địa hình thung lũng hiện rõ với khu vịnh San Francisco phía bên phải và núi đồi xa xa phía bên trái tay lái. Tiếc là mùa Noel và năm mới thì hoa Cải vàng chưa nở. Mùa hoa Cải dại ở Bắc California thường bắt đầu từ cuối tháng Hai và rực rỡ nhất vào trung tuần tháng Tư hàng năm. Lúc đó, hoa Cải vàng sẽ mọc hoang khắp mọi nơi trải một tấm thảm màu vàng óng lên toàn thung thũng San Jose, quận Santa Clara, bang California.
Nghĩ về Thung Lũng Hoa Vàng lại nhớ đến hoa Dã quỳ vàng rực hai bên các con đường dốc tại Đà Lạt vào mỗi tháng mười hàng năm và bài thơ “Động Hoa Vàng” nổi tiếng của nhà thơ Phạm Thiên Thư. Bài thơ gối đầu giường của nhiều chàng trai trẻ phố núi một thời khó khăn, đói kém nhưng tâm hồn vẫn không kém phần lãng mạn.
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Khá là trùng hợp khi ở Thung lũng Hoa vàng này không chỉ có một vài gã mà có cả một thế hệ người Việt ở miền Nam từ quan (hay nói cách khác là buộc phải từ quan, xếp chiến y thay màu áo), đã vượt đại dương bằng nhiều cách để đến với Thung Lũng Hoa Vàng. Có điều khác biệt là đa phần trong số họ không thể ngủ say trong rất nhiều năm sau đó. Người thì phải cật lực làm mọi công việc để tồn tại ở chân trời mới và nuôi dạy con cái nên người. Người lại phải trải qua vài năm cho đến hàng chục năm cùng những giấc ngủ lao tù và nhiều năm vất vả mưu sinh sau khi ra tù trước khi đến được nơi này. Đất lành thì chim sẽ đậu dù rằng đàn chim vẫn hằng mong, như một lời ca của Hoàng Giác, “Tung cánh chim tìm về tổ ấm”(2).
Chuyến xe đò Hoàng từ San Jose đi Nam California vừa lăn bánh trong một buổi sáng mát lạnh những ngày cuối năm dương lịch 2014. Ngồi nhấm nháp ổ bánh mì Lees sandwich khá ngon miệng và ngắm quang cảnh đường phố San Jose lướt qua cửa sổ, chợt nhớ hình ảnh một người vô gia cư cao gầy đứng bên lề một salon ô tô sang trọng ở khu downtown San Francisco với tấm bảng “Peace and Hopeful” trên tay. Thông điệp “Hòa bình và Hy vọng” ông cầm trên tay có vẻ hơi lạ lùng so với những nhu cầu đơn giản mà ông đang cần nhưng thật ra nó lại là hành trang mà tất cả chúng ta luôn cần để có thể tiến về phía trước. Hình ảnh người đàn ông khắc khổ với tấm bảng đầy ý nghĩa trên tay như một lời nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh táo, lạc quan, trân trọng những gì đang có, cân nhắc kỹ càng trước các quyết định quan trọng của mình và đừng quên những giá trị cốt lõi trong cuộc sống. Nhìn phong cách, tôi đoán có lẽ ông là một trí thức sa cơ lỡ vận ở Thung lũng phồn hoa này. Cầu mong ông sẽ được bình an, có nhiều sức khỏe và những gì ông đang hy vọng trong cuộc sống sẽ sớm trở thành hiện thực.
Khi ngồi viết những dòng này cũng là lúc vừa có khủng bố xả súng ở San Bernadino làm 14 người chết, trong đó có một cô gái người Mỹ gốc Việt. Xin được thành kính chia buồn cùng gia đình cô và các nạn nhân khác. Cầu mong cô ra đi thanh thản và gia đình cô đủ sức vượt qua nỗi đau to lớn này. Những tiếng súng cực đoan và cuồng tín đã xóa tan niềm hy vọng, hạnh phúc và cuộc sống của cô cùng nhiều đồng nghiệp, nhiều gia đình ở California. Cuộc khủng bố ở Pháp hồi tháng trước và cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, Syria… ngày càng căng thẳng càng làm dấy lên những nỗi bất an về tình hình an ninh thế giới trước những đe dọa của nhà nước Hồi giáo IS. Hình như khái niệm Hòa bình và Bình an thật sự vẫn là một điều gì đó khá mong manh và luôn cần được gìn giữ cẩn thận trong một thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Vài ngày được sống trong cộng đồng người Việt xa quê ở Bắc California, tham quan tìm hiểu một vùng đất mới quen nhưng gợi lại rất nhiều kỷ niệm thân thương. Tận hưởng không khí gia đình ấm áp vào dịp Giáng sinh và gặp lại những người bạn thân tình thật là thú vị. Tạm biệt Thung Lũng Hoa Vàng, nơi có nhiều thế hệ người Việt Nam cần cù, hiếu học và thành đạt. Quá khứ khó khăn mà thế hệ ông cha trải qua đã dần xa, hiện tại khá ổn định và tương lai nhiều triển vọng đang chào đón các thế hệ tiếp theo. Hy vọng rằng những giấc mơ trong các gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục được vun đắp, nảy mầm và phát triển mạnh mẽ để thành công luôn tiếp nối thành công tại Thung lũng Công nghệ, nơi có đại học Standford danh tiếng này.
Nguyễn Anh Nguyên
Gửi ý kiến của bạn