Hôm nay,  

Một Lần Mất Mát

28/07/201300:00:00(Xem: 200438)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả lần đầu góp bài cho Viết Về Nước Mỹ. Theo một tài liệu kèm theo, cô chuyên tu học về Kim Cang Thừa của Tây Tạng, hiện là Vice-president của Viet Nalanda Foundation & Treasurer of Tara without Borders. Cô cũng là sáng lập viên Vairotsana Foundation cùng với Đạo sư Bhakha Tulku Rinpoche. Công việc hàng ngày của Mai Thy là Counselor for Peek Funeral Home, cùng làm việc thiện nguyện cho The Hospice Touch.

Khoảng thời gian còn ở trong dãy apartment cuối đường Peacock, gần Chùa Liên Hoa, mỗi sáng mẹ tôi phải dẫn Thụy Vi – con gái lớn của tôi đến trường. Ngôi trường tiểu học nằm đối diện với khu chung cư này, nhưng khuất ở phía sau, nên phải băng qua khoảng sân rộng mới đến được lớp. Trong số những người đồng hương cùng dắt trẻ con đến trường, mẹ tôi có dịp làm quen với chú Vĩnh và cô An, lúc đó vừa đến định cư tại Mỹ khoảng một tuần.

Cô An là một người rất dễ mến, thoạt nhìn tôi đã có cảm tình ngay. Cô đặc biệt có đôi mắt to với hàng mi dài, cùng với đôi chân mày cong thật đậm mà tôi không sao quên cho được. Giọng nói của cô thì thật dịu dàng và nữ tính. Cô thường gọi mẹ tôi bằng tên thật nũng nịu, cứ “Mai ơi” rồi “Mai à” suốt cả ngày. Phần mẹ tôi thì thương cô chú như em út trong gia đình. Tuy mới quen, nhưng tình thân thiết, đậm đà, rất chân thật, không khách sáo, bề ngoài.

Khi ấy, Thảo My, con gái nhỏ của tôi chỉ mới vài tháng tuổi cho nên đôi khi đến giờ chị nó phải đi học, thì con bé lại lăn quay ra ngủ, nên cô An đã “lãnh phần” trong việc đưa đón bé Vi đi học. Duy Hân, con trai nhỏ của cô An học cùng lớp với bé Vi, nên cũng không có gì bất tiện cho lắm.

Có hôm, cô đưa con bé về trễ hơn cả 15 phút, mẹ tôi lo lắng lắm. Hỏi ra thì biết cô bé vừa đi, vừa nhảy chân sáo, thỉnh thoảng lại dừng ở dọc đường để nhặt một cành khuynh diệp hay vài lá phong rơi. Có khi cô bé cho cả hai bàn tay nhỏ xíu vào cái thác nước nhỏ làm cảnh trước văn phòng. Mẹ tôi mắng con bé là đã làm mất nhiều thì giờ của cô chú, nhưng chú đã trả lời làm cho tôi vô cùng cảm động. Chú bảo rằng chú có thể hối thúc hoặc la rầy để con bé sợ mà đi nhanh về nhà. Nhưng chú nghĩ bụng, nó suốt ngày bị nhốt ở trên lầu, không được chạy nhảy thoải mái như những đứa bé cùng tuổi, nên chú thương.

Lời nói của chú thật giản dị, nhưng chứa đựng cả một tấm lòng từ ái. Khi ấy, tôi thuê căn phòng ở tầng trên, dưới nhà thì đã có một gia đình Việt Nam khác ở. Mỗi lần con bé lỡ làm tiếng động mạnh, nó bị tôi la om sòm. Không có hôm nào mà tôi quên không nhắc cô nhỏ làm cái gì cũng phải nhẹ tay, không khéo lại làm phiền người hang xóm ở dưới. Chồng tôi bật cười và ngạo rằng ông thầy chấm tử vi cho tôi quả thật tài tình. Đúng như lời ông tiên đoán “số tôi giàu sang, ở toàn nhà cao, cửa rộng”. Cửa có rộng hay không thì tôi không biết, nhưng nhà quả có “cao” thật vì tất cả phòng ngủ đều ở tít trên lầu ba. Mỗi chiều ra đứng nơi lan can, tôi có thể ngắm nhìn các chú chim đùa giỡn trên những ngọn cây làm bóng mát trong cư xá và mỗi tối, tôi còn thấy cả pháo bông rực rỡ từ Disneyland.

Cô chú không ở cùng cư xá với chúng tôi, mà ở dãy nhà phía sau, phải đi vòng vòng qua các ngõ hẹp mới đến nơi. Bổng có một hôm, mẹ tôi phát hiện rằng nếu đứng nơi cửa sổ trong phòng ngủ của mẹ, có thể nhìn thấy cô An đang nấu ăn hay rửa chén trong nhà bếp. Kể từ hôm ấy, mẹ tôi và cô chú “nhìn” nhau qua khung cửa hẹp này. Ngày nào cô cũng sang đưa đón bé Vi đi học và lên trò chuyện với mẹ tôi một lúc mới về. Vậy mà lắm khi chiều đi làm về, tôi còn thấy hoặc là mẹ tôi gọi phone cho cô hay ngược lại. Tôi tự hỏi không biết mẹ và cô An có chuyện gì mà nói nhiều đến thế, nhưng tôi biết chắc một điều là cô rất thương mẹ tôi.

Cô An là người Phan Thiết nên tài nấu ăn, đặc biệt là kho cá của cô thì khỏi phải nói. Không những ăn đã ngon mà nước cá kho màu vàng ngậy, trông thật là hấp dẫn. Thỉnh thoảng, cô mang cho tôi một nồi cá ngừ kho riềng và ớt sừng , ăn với bún. Gặp những ngày mưa to, gió lớn, vừa lùa bún, vừa hít hà… ôi chu choa là ngon. Cô hôm cô chỉ luộc thịt vịt, ăn với xôi nếp trắng và nước mắm gừng, vậy mà cũng thấy ngon tuyệt cú mèo. Cô còn biết làm cả bánh sinh nhật với những cánh hồng bắt bằng kem, thật khéo léo.

Độ ít tháng sau, một hôm cô An rụt rè cho mẹ tôi biết có lẽ cô bị ung thư như lời tiên đoán của bác sĩ. Mẹ tôi an ủi cô hết lời. Khi ấy, cha của tôi cũng vừa nhuốm bệnh và chỉ vỏn vẹn bốn tháng sau, người qua đời. Buổi sáng khi cả gia đình vừa từ nhà thương thất thểu đi về, mẹ tôi nhận được tờ giấy ly dị. Cô An ngược lại đã thăm hỏi, chia sẽ với mẹ tôi trong khoảng thời gian đau khổ đến tột độ này. Sau đó ít lâu, gia đình tôi dọn đi nơi khác, nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc với cô chú và tình cảm hai bên thì vẫn nguyên vẹn như ngày nào.

Cô An trải qua một cuộc giải phẫu cho nên sức khỏe của cô có vẻ kém hơn xưa, nhưng cô vẫn sinh hoạt và đi lại bình thường. Thỉnh thoảng cô chú đến chở mẹ đi ăn mì Quảng và cô đã không quên mang cả nồi cá ngừ kho riềng hoặc kho thơm cho tôi.

Sau vườn nhà tôi có khoảng sân với cây cối um tùm, có hồ cá Koi và ngôi trà thất hệt như cảnh trong “Trà đạo” của thiền sư Suzuki (chỉ khác một điều là trước cửa, chỗ đi vào trà thất không có phiến đá lõm để rữa tay). Mỗi lần cô đến là tôi có dịp pha trà trong cái ấm bằng đất đặc biệt của Nhật gọi là Kyusu. Hai cô cháu nhâm nhi ly trà nóng, ngồi nhìn ra khoảng sân nắng, gió hiu hiu.… Cô bảo ước gì có đêm trăng rằm được ngồi ăn bánh, uống trà và ngắm trăng trong khu vườn này nhỉ. Tôi nghĩ thầm, ước mơ của cô sao mà giản dị, dễ thương quá, lại trong tầm tay với, thế nhưng chúng tôi đã chẳng bao giờ thực hiện được. Đời sống cơm áo quá cực nhọc ở cái xứ văn minh này, đã phần nào chi phối làm mất cái lãng mạn, tình tứ của con người.

Chỉ chừng hai năm sau đó, cô An lại trở bệnh nặng. Lần này, khi thăm cô từ nhà thương trở về, mẹ tôi buồn buồn bảo chắc cô khó bề qua khỏi. Hôm ấy, tôi chải lại mái tóc cho cô. Nhìn cô đau đớn mà tôi không biết phải làm gì để chia sẽ, cho nên tôi chỉ thầm cầu nguyện. Cô nói huyên thuyên với mẹ rằng, cô chỉ bị đau lưng thôi, nhưng không hiểu tại sao cô không tài nào ngồi dậy nổi. Nếu được đi đứng bình thường, thì cô sẽ khỏi bệnh ngay. Tôi còn nhớ cô bảo rằng “Nằm trong nhà thương này buồn quá, chỉ trông có “Mai” vô thăm thôi”. Mẹ tôi cảm động, vỗ về cô như trẻ thơ.

Buổi chiều chủ nhật, vừa đi chợ về tôi nhận được lời nhắn của cô Mạnh, người hàng xóm của tôi, cũng là người trong hội Thánh với cô An, báo tin cô An đang hấp hối và muốn gặp những người thân lần cuối. Chúng tôi vội vã đi vào bệnh viện ngay với cô Mạnh. Không phải đây là lần đầu tiên tôi vào thăm cô An, nhưng thật tình tôi không nhớ đường đi. Nếu không thả hồn lên những hàng cây dọc bên đường thì tôi cũng dúi mũi vô một quyển sách nào đó, chỉ khi nào xe đậu vào trong parking của bệnh viện thì tôi mới ngẩng đầu lên.

Nói cho đúng thì đây không phải là bệnh viện mà chỉ là ngôi “Nursing home” với trần nhà thấp. Tôi lại phải áp dụng bài “Hít & thở” thiền đơn giản của Thầy Nhất Hạnh mới có thể giữ được bình tĩnh. Bệnh nhân ở đây đa số là những người lớn tuổi, không có thân nhân chăm sóc. Người thì mất hết đôi chân, người chỉ còn một cánh tay, có người thì mù hết đôi mắt. Khi băng qua hành lang ngạt mùi nhà thương, thỉnh thoảng tôi lại nghe tiếng rên la, rồi khóc lóc, kể lể từ các phòng vọng ra: “Vợ ơi, đừng bỏ tui, vợ ơi!” Tôi nói với mẹ rằng, có dịp mình cũng nên vào đây để tập quán chiếu sự vô thường của cuộc đời, để có thể dẹp bớt lòng ngã mạn, tham ái và si mê. Mẹ tôi gật đầu, ra vẻ đồng ý.

Khi chúng tôi đến, cô An còn rất tỉnh táo. Cô nhận ra mẹ và tôi ngay. Cô còn hỏi:

- Cưng còn bị thai hành không? Thôi nhe, có hai đứa con gái rồi, lần này phải sanh con trai đó!

Chuyện có con trai hay con gái, thật ra không quan trọng lắm đối với chúng tôi. Bởi đã thấm nhuần lý nhân duyên của nhà Phật, tôi nghĩ đứa bé này từ nhiều đời, nhiều kiếp đã là quyến thuộc của chúng tôi nên bây giờ mới luân hồi, đầu thai vào trong nhà của tôi. Nếu như em bé sanh ra được khỏe mạnh thì tôi đã mãn nguyện lắm rồi, không còn mơ ước gì hơn nữa.


Lại có người mách với tôi rằng trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có đoạn niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì sẽ được sanh con theo ý muốn, bởi vì ngay đến danh hiệu của Ngài là “Quán sát âm thanh của thế gian để tầm thinh, cứu khổ”. Tôi suýt bật cười thành tiếng. Đức Phật đã từng nhắc nhở chúng ta “y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan” có nghĩa là nếu cứ đọc sao, hiểu vậy thì thật là oan cho ba đời chư Phật. Kinh điền đại thừa vốn thâm sâu, vi diệu. Người đọc tụng cần tìm hiểu cái nghĩa bóng, ẩn tàng bên trong. Đọc kinh cầu lý, họa chăng mới hiểu được phần nào lời chư Phật dạy. Cầu con trai hay con gái theo thiển ý của tôi có nghĩa là cầu cho có đủ bản lỉnh, tinh thần dủng mãnh, ý chí kiên cường của người nam để chống lại ma vương phiền não và tam độc tham, sân, si. Lại có được sự nhẫn nhục, chịu đựng, lòng trung kiên trước mọi thử thách trên con đường đạt đến gíac ngộ giải thoát của người nữ. Nhưng hiểu cho cùng, người Phật tử chân chính chẳng bao giờ cầu xin điều gì cho riêng mình cả. Nếu như có tạo được chút ít công đức cũng đem hồi hướng cho chúng sanh trong khắp cõi tam thiên, đại thiên thế giới. Đạo Phật quả rất cao siêu, vi diệu và người Phật tử thực hành theo đúng lời dạy của Đức Phật không phải chỉ “tu nhân, tích đức” như một số người vẫn quan niệm.

Tôi đang suy nghĩ miên man, bổng giật thót người vì những cơn co giật của cô An mỗi lúc một mạnh. Tôi nghe nói rằng bộ óc của cô đang chết dần, chết mòn cho nên không thể điều khiển các cơ quan một cách bình thường được nữa. Bàn chân trái của cô thì lạnh ngắt, đã chết cứng từ lúc chiều. Mặt của cô thì xanh xao, tái nhợt. Hai gò má nhô cao, nhưng đôi mắt sáng với hàng mi đen mượt vẫn còn linh hoạt lắm. Cô nắm tay cô Mạnh, khi ấy đang đứng cạnh giường trăn trối:

“Chị Mạnh ơi, em sắp chết rồi … nhưng chị đừng cho anh Vĩnh biết ….”

Những người hiện diện trong phòng đều không cầm được nước mắt. Cô thường tâm sự với mẹ rằng chứng bệnh ung thư thật là quái ác, nó hành hạ cô đau đớn đến tận xương tủy, nhưng mỗi chiều khi chú Vĩnh đi làm về thì cô cắn răng chịu đựng mà không rên la hay than khóc. Cô không muốn chú phải quá lo lắng vì cô. Từ lúc cô ngã bệnh, một mình chú vừa săn sóc cô, vừa lo cơm nước, lo việc học hành, bài vở cho ba đứa con trai nhỏ. Đúng là lúc bình thường ai cũng tất bật, bù đầu, bù cổ lo việc cơm áo, nên lắm khi chúng ta không còn để ý đến sự hiện diện của nhau. Nhưng khi có chuyện không may xãy đến, chúng ta mới cảm nghiệm được tình nghĩa vợ chồng thật là thiêng liêng và cao quý.

Cô bắt đầu lên cơn mê sảng. Có lúc cô la lên là có một đứa bé nào đó đang đi tìm mẹ của nó, chú Vĩnh làm ơn chỉ giúp dùm cháu. Khi cô bảo thèm ăn cháo đậu, bún bò hay mì Quảng… rồi lại ngâm thơ, hò Huế, ca hát vang lừng. Các cô chú trong hội Thánh cùng nhau hiệp dâng những bài Thánh ca và đọc kinh cầu nguyện cho cô, rồi mọi người cũng lần lượt ra về. Tối hôm ấy, tôi trở vào thăm cô An một lần nữa với mợ và chị của tôi. Cô vẫn lúc mê, lúc tỉnh. Tôi định nói với cô rằng cô phải ráng khỏe lại vì tôi thèm món cá ngừ kho riềng của cô, nhưng nghĩ bụng sợ cô mắc phải lời hứa nên thôi.

Ít hôm sau, cô qua đời. Cô ra đi thật thanh thản, nhẹ nhàng trong tiếng cầu kinh của thân bằng, quyến thuộc, với những nghi thức tôn giáo đặc biệt được cử hành bởi vị mục sư.

Một buổi tối mùa đông, trời lành lạnh, trước hôm đưa linh cữu cô An ra nhà quàng để mọi người cùng viếng xác lần cuối, chú Vĩnh ghé nhà tôi. Gương mặt chú đượm đầy vẻ đau khổ, chịu đựng với cái cảnh côi cút “gà trống nuôi con”. Mẹ tôi thừa dịp đã mở cho chú nghe bộ tape được đọc ra từ tác phẩm “Trở về từ cỏi sáng” mà chú Nguyên Phong đã diễn dịch. Đây chỉ là trích đoạn trong tác phẩm “To those who mourn” của giám mục Leadbeater, một nhà thần học rất nổi tiếng của thế kỷ 20, nói về đời sống bên kia cửa tử, sau khi từ giã cỏi đời. Thật chẳng có gì để gọi là hoang đường, huyền bí hay dị đoan cả, bởi vì những sự việc xãy ra trong sách đã được các nhà khoa học chứng minh. Tôi thiết nghĩ, giả sử như chúng ta định đi du lịch ở một nơi nào đó, chúng ta phải chuẩn bị hành lý, rồi mua vé máy bay. Sau đó, chúng ta lại tìm hiểu thêm về hoàn cảnh địa lý, di tích lịch sử, hay danh lam, thắng cảnh của nơi đó thì tốt hơn là không lo toan gì hết, chỉ đùng một cái thì đi. Đó chỉ là đi ngao du sơn thủy, chứ còn cái chết thì không ai thoát khỏi, cho dù đó là một người trí thức, giàu sang hay một kẻ dốt nát, hạ tiện, ai cũng phải một lần đối mặt với nó.

Chỉ trong vòng hai năm, đầu tôi hai lần chít khăn tang, lần đầu của nội và kế đến là của cha. Như trong tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thốt lên rằng: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”, hoặc như thời nay nhạc sĩ Vũ Thành An từng than thở: “Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc, có oằn mình đớn đau, mới hiểu được tình yêu”, tôi bổng nhiên thương cảm với những gia đình có tang chế. Họ thật sự cần lời an ủi, hỏi han và những người quá vãng, thần thức của họ vô cùng hoang mang, xáo động nên rất cần được khai thị hay những lời cầu nguyện để được trấn an. Tác phẩm “Trở về từ cỏi sáng” đã được truyền tay như thần dược có công năng làm xoa dịu trước cảnh sinh ly, tử biệt. Đây cũng chính là tinh thần “Vô úy thí” trong nhà Phật mà tôi đã học được, rồi mang ra sử dụng.

Đám tang của cô An đã được tổ chức thật long trọng và đầm ấm trong tình thương yêu của mọi người. Vị mục sư khả kính trong thời gian ngắn ngủi đã quyên được trên $4,000. Riêng mẹ cũng vận động với hội Cựu nữ sinh Gia Long được gần 2,000 Mỹ kim. Tôi không muốn nói đến vấn đề tiền bạc ở đây, mà chỉ muốn đề cao tinh thần tương thân, tương trợ của mọi người trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình cô An. Các cô trong Hội Gia Long chẳng mấy ai biết đến cô An, vì không học cùng khóa, mặc dù khi còn cắp sách đến trường cô đã từng hoạt động tích cực trong ban báo chí với cái tên thật dể mến: Dương Thiên An. Tôi cũng xúc động không ít trước sự lo lắng tận tình của vợ chồng chú Thư, người anh bà con của chú Vĩnh. Đó là những tấm lòng từ ái tìm thấy được ở những người có niềm tin nơi tôn giáo.

Cả tuần mãi vùi đầu trong công sở, tôi định bụng ngày chủ nhật sẽ ngủ bù. Đang cuộn mình trong chăn ấm, tôi bị đánh thức bởi tiếng hát phát ra từ dàn máy Karaoke bên nhà hàng xóm: “Một mai xa nhau, xin nhớ cho nhau nụ cười, cho cuộc tình người, hẹn hò nhau đến kiếp mai …” Không biết tôi đã nghe bài hát này đến mấy trăm lần rồi, bởi tôi có cái thói quen kỳ cục là khi thích một bài hát nào đó, tôi nghe đi nghe lại cả tháng trời mới thôi. Có hôm đi làm chung xe với tôi, chị của tôi đã phải ôm đầu và bịt tai lại vì hết chịu nổi. Vậy mà lần này khi nghe lại bài hát đó, tôi thấy thật thấm thía và nước mắt chảy dài.

Tôi bổng nhớ đến cô An, nhớ đến những cơn đau đớn đến quằn mình của cô trên giường bệnh với những cơn co giật không làm chủ được mình. Những cảnh tượng đó đâu khác gì những tội nhân đang chịu những hình phạt trong Ngục Vô Gián. Bây giờ, cô đang đi trên đường thênh thang, ung dung tự tại, hoặc cô đã về bên chân Chúa, được sống vĩnh viễn ngàn đời trên Thiên quốc như lời vị mục sư đã giảng trong Thánh Lễ tiễn đưa, thì thử hỏi tôi có lý do gì mà lại đau buồn. Tôi tự khiển trách mình đã quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến những mất mát của riêng tôi.

Cuộc đời chúng ta, nghĩ cho cùng, có giận dữ, sân hận ra vào cửa lợi danh, hay bon chen một đời với cơm áo, thì cuối cùng cũng nằm yên trong bốn tấm ván dưới mấy tầng huyệt lạnh. Đời sống của chúng ta quả thật ngắn ngủi, thấy đó, mất đó chẳng khác nào giấc chiêm bao. Tôi thầm nguyện mỗi người chúng ta sẽ biết sống một đời sống tỉnh thức, biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau trong tình thân ái, để một mai có xuôi tay lìa đời, chúng ta chẳng mang theo trong lòng một chút giận hờn hay nuối tiếc nào cả.

Mai Thy

Ý kiến bạn đọc
30/07/201301:13:59
Khách
Hay lắm! Cám ơn tác Gia đã chia sẻ một bài viết thấm đAm tình người sâu sac triết lý nhà phật .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 93,247,387
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai mươi mươi ba - gồm những bài viết được phổ biến trên nhật báo Việt Báo và trên vietbao.com từ ngày 1 tháng Bẩy 2021 tới 30 tháng Sáu 2023 - sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật 26 Tháng Mười Một 2023 tại Garden Grove, CA, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Giải Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ ngày 30 tháng Tư năm 2000. Giải thưởng được tổ chức hàng năm, với các phần thưởng trị giá đến $35,000, gồm tiền mặt và tặng vật dành cho các giải vào chung kết, bán kết, giải danh dự, và một số giải đặc biệt. Riêng giải chung kết Tác Giả Tác Phẩm trong năm là $10,000;
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XV được tổ chức vào Chủ Nhật 17 Tháng Tám 2014, và 21 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên,
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Sinh ở Bình Định, lớn lên ở Biên Hoà, học Trung Hoc Ngô Quyền 1965-1972.
Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng giới thiệu bài viết của Ông Đỗ Doãn Quế,
Tác giả người Mỹ đầu tiên trực tiếp viết bằng Việt ngữ và có tên trong Danh Sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007 và rất có lòng với giải thưởng Việt Báo.
Tác giả cho biết cô họ Đoàn, đang ngụ cư ở Austin, TX, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ và vẫn liên tục góp bài trong nhiều năm.
Nhạc sĩ Cung Tiến