Hôm nay,  

Cô Bé Có Con Ngươi Hình Tam Giác

06/03/201300:00:00(Xem: 224884)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả Trần Đức Lợi, nguyên là Giảng viên Giải phẫu và Phân loại Động vật học tại Đại Học Khoa Học/Tổng Hợp Huế, Việt Nam; hiên là Thạc sĩ Tâm Lý Trị Liệu, cũng là chuyên gia điều trị bạo hành trong gia đình người châu Á hơn 15 năm qua tại thành phố Olympia, tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết về nướdc Mỹ đầu tiên của Trần Đức Lợi. Mong ôngtiếp tục viết.

Trong phân loại động vật có xương sống (vertebrata), một trong những đặc điểm được dùng để phân loại đó là hình dáng của con ngươi. Có loài có con ngươi hình tròn như người, bồ câu, có loài có con ngươi hình khe đứng như một số loài rắn, chim cú mèo, nhưng chưa có loài nào, đặc biệt là nơi loài người, lại có con ngươi hình tam giác cả! Thế mà tôi đã gặp, đã chạm trán con người ấy, hơn nữa lại có nhiệm vụ là phải làm cho người có con ngươi có hình tam giác ấy biến thành con ngươi có hình tròn của chim bồ câu!

Kelly Hoàng là tên của cô bé có con ngươi hình tam giác đó; một cô bé mới chỉ 9 tuổi, học lớp 3 của trường tiểu học Lincoln Elementary School thuộc thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Tôi biết đến lý lịch của cô bé khi vị cố vấn tâm lý (school counselor) trường Lincoln mời tôi đến để hỗ trợ việc điều trị tâm lý cho những học sinh thuộc sắc dân Á châu có vấn đề.

Ngày đầu tiên, qua buổi họp riêng với ông Hiệu trưởng, cô giáo viên hướng dẫn lớp (giáo viên chủ nhiệm lớp) của Kelly, nữ cố vấn tâm lý học sinh, và nữ y tá của trường, tôi được biết rằng Kelly Hoàng là con của một gia đình Việt Nam tị nạn cộng sản, cha (cũng có mặt trong buổi họp) là công nhân của một hãng cưa xẻ gỗ, mẹ là một người lai trắng Mỹ-Việt đang giúp việc cho một chợ Việt Nam trong vùng. Kelly Hoàng có sức khỏe thể chất trung bình, không có triệu chứng của bệnh chậm phát triển trí tuệ (Mental Retardation) cũng như các triệu chứng của Autism, ADHD (Attention- Deficit/Hyperactivity Disorder), CD (Conduct Disorder)…; nhưng điều mà quý vị ấy quan tâm là hành vi ngổ ngáo hỗn xược của Kelly vượt quá mức chịu đựng của các vị đó.

Cô giáo hướng dẫn lớp trình bày: “Kelly không bao giờ làm home works (bài tập ở nhà), thường chọc phá những học sinh khác trong giờ học khiến Hội Phụ Huynh Học Sinh của trường phải viết đơn khiếu nại đến ông Hiệu trưởng. Khi tôi ra lệnh ngồi yên, Kelly bĩu môi với tôi, có lúc nó đáp trả “Shit!”, rồi cứ chứng nào tật ấy đã gần cả năm nay rồi; tôi đã kêu cứu đến vị cố vấn tâm lý của trường đây giúp đỡ…”

Vị nữ cố vấn tâm lý học sinh chia xẻ ý kiến: “Tôi đã có những buổi điều trị riêng cho Kelly Hoàng cũng như xếp cho Kelly theo học chương trình I.E.P (Individual Education Program). Tôi đã gặp cha của Kelly một vài lần, nhưng người cha không nói và hiểu được tiếng Mỹ, do đó tôi đã nhờ vị nữ trợ giáo người Việt đang có mặt hôm nay; vị này trước đây là một giáo sư cấp 3 ở Việt Nam, vừa là trợ giáo, cũng vừa là người thông dịch và liên lạc giữa gia đình và nhà trường; nhưng không thành công… Tôi đã báo cáo việc này lên ông Hiệu trưởng.”

Ông Hiệu trưởng tiếp lời: “Nhà trường đã áp dụng tất cả những phương cách mà Bộ Giáo Dục cho phép, hồi năm ngoái tôi đã cho mời một chuyên gia tâm lý điều trị trẻ con người Mỹ, nhưng đều không có hiệu quả với Kelly Hoàng… Ngay cả tôi cũng bị Kelly phun nước miếng khinh bỉ! Do đó lần này tôi rất hy vọng ông, với tư cách là một chuyên gia điều trị tâm lý cho sắc dân Á châu, sẽ thành công….”

Tất cả những lời phát biểu trên đều được cô trợ giáo người Việt thông dịch lại cho người cha đang hiện diện, và người cha được mời trình bày ý kiến của mình trước khi đến phiên tôi phát biểu. Người cha 35 tuổi nói rằng ông ta quá bận việc, phải đi làm 7 ngày một tuần, từ 4 giờ sáng đến 2 giờ chiều mới về nhà cho job thứ nhất, ăn vội vàng vài miếng rồi lại đi làm thêm một job part time thứ hai từ 4 giờ chiều cho đến 9 giờ đêm. Vợ ông ta chịu trách nhiệm chăm sóc và đưa Kelly đi học buổi sáng, còn ông thì đón con về hoặc nhờ người share nhà đón giùm khi ông bận. Bà vợ ít học nên không thể giúp Kelly làm home works được. Ở nhà hai vợ chồng ông thường xuyên răn đe Kelly phải vâng lời thầy cô, thậm chí còn trừng phạt nặng mỗi khi ông bà nghe cô trợ giáo báo cho biết những hành vi ngổ ngáo của Kelly. Kelly đã hứa sẽ vâng lời, nhưng ông không biết tại sao nhà trường cứ kêu ông lên làm việc hoài. Cuối cùng ông chán nản cất giọng: “Mọi việc xin giao cho nhà trường, tôi vô phương giáo dục con tôi.”

Sau khi nghe tất cả những ý kiến, tôi đề nghị cùng nhau đánh giá lại Kelly về các mặt: hành vi (behavior), quan hệ với người khác (socialization), giao tiếp bằng lời (communication), học vấn (academics/cognition). Kết quả cho thấy Kelly đã biểu lộ một số dấu hiệu của Oppositional Defiant Disorder. Và mục tiêu mong muốn của nhà trường là: Chấm dứt việc hỗn xược với thầy cô giáo, chấm dứt quậy phá bạn học và làm home works đều đặn. Muốn hoàn thành 3 mục tiêu điều trị này, tôi cần biết những nguyên nhân và cần có sự hợp tác của các thầy cô giáo và của cả phụ huynh của cô bé. Nghĩa là tôi cần phải thực sự chứng kiến được nguyên nhân tiềm ẩn gây ra sự hỗn xược và quậy phá của cô bé xảy ra trong lớp học. Do đó tôi đã yêu cầu ông Hiệu trưởng cho phép tôi quan sát hoặc âm thầm hoặc công khai hành vi của Kelly trong một số giờ đang dạy của cô giáo; điều này liền được ông Hiệu trưởng chấp thuận. Tôi cũng cần phải biết tường tận nguyên nhân sâu xa từ cách thức giáo dục không mấy hiệu quả mà cha mẹ cô bé đã áp dụng với cô ở nhà, và các mối quan hệ trong gia đình đã ảnh hưởng đến cá tính cũng như hành vi của cô bé ra sao; do đó tôi đã yêu cầu người cha sắp xếp một số thời gian cho tôi gặp riêng và chung với ông và/hoặc vợ ông cùng cô bé tại tư gia cho mục tiêu trị liệu số 3, và những mục tiêu khác phát sinh từ phần ngầm dưới mặt nước của tảng băng. Người cha cũng đã nhanh chóng đồng ý yêu cầu đó của tôi.

Tuy nhiên nói chi thì nói, 3 mục tiêu đó là những đòi hỏi của người lớn. Hoàn tất 3 mục tiêu đó là chỉ nhằm để thỏa mãn nhu cầu của các bậc trưởng thượng. Thế còn nhu cầu của nhân vật chính đang làm điên đầu họ thì ở đâu? Tôi biết rằng nếu không thỏa mãn nhu cầu của nhân vật chính thì còn khuya mới hoàn tất 3 mục tiêu nói trên. Muốn biết rõ nhu cầu của nhân vật 9 tuổi gây sóng gió này thì tôi cần phải gặp cô bé ấy ngay, và nhất là để xem cô ta ngầu đến mức độ nào mà ai ai cũng chịu không thấu! Tôi đề nghị tất cả ở lại phòng họp, chỉ có mình tôi và vị nữ cố vấn tâm lý đến gặp cô bé đó mà thôi; vì tôi nghĩ rằng cả hai chúng tôi đều là những chuyên gia tâm lý trị liệu thì sẽ thuận lợi trong việc bổ sung lẫn nhau khi đụng độ với nhân vật ghê gớm này.

Vừa bước vào trong căn phòng dành cho những học sinh có vấn đề thì tôi thấy một vóc dáng bé gái gầy đang cúi đầu, ngồi trên một cái ghế đặt trong góc cuối phòng, có khuôn mặt bị mái tóc huyền che phủ, và hai bàn tay xanh nhỏ bé đang vân vê mấy sợi tóc xõa dài trên ngực. Tiếng động từ bước chân của hai chúng tôi trong căn phòng trống vắng hướng dần về phía cô bé đã không làm cho cô ta ngẩng đầu. Hai chúng tôi đứng yên bên cạnh cô một lúc, cũng không thấy cô bé ngẩng đầu lên, buộc lòng vị cố vấn tâm lý cất tiếng: “Are you okay, Kelly?” Có lẽ cô bé đã nhận ra giọng của người nói là ai rồi nên cũng không thèm ngẩng đầu; nhưng tôi đã thấy mấy ngón tay nhỏ vê tóc đó đang run run, còn ngực thì nhấp nhô theo nhịp hô hấp. Vị cố vấn tâm lý học sinh nói tiếp: “Đây là ông Lợi, một chuyên gia tâm lý học người Việt Nam đã được trường mời tới gặp em.” Lập tức mái tóc đen dài được cô bé hất ngược lên, làm lộ rõ đôi mắt đen nháy với đôi chân mày co dướng lên chụm vào nhau. Nói đúng hơn là cả chân mày, lòng đen, lòng trắng với những tia máu đỏ, và bờ mi trên dưới như biến hình thành một tam giác có những góc nhọn hoắc mà tâm điểm đại diện là con ngươi: con ngươi có hình tam giác. Từ con ngươi đó còn thoát ra một thứ uất khí oán hờn lạnh người khiến tôi phải đứng yên bất động. Ánh mắt hận thù đó xoáy vào đôi mắt của tôi chừng 3 giây, thì một bãi nước miếng được tiếp nối phóng vào người tôi! Vị cố vấn tâm lý học sinh lập tức vung tay phải ra, hướng lòng bàn tay về phía cô bé đồng thời la lên: “Ngưng ngay! Không được làm như thế!” Tia mắt hận thù đó chuyển hướng khỏi tôi để xạ vào mắt cô cố vấn, kèm theo một bãi nước miếng thứ hai, may mắn sao không trúng vào người cô. “Stop! Don t do it!” Cô cố vấn lập lại từng chữ chậm, chắc và rõ ràng. Cô cố vấn tâm lý đã áp dụng đúng bài bản để đối phó với những kẻ muốn tấn công cô như sách vở đã dạy nhưng có vẻ vô hiệu quả, vì cô bé ngầu đã đáp trả bằng một cái bĩu môi cùng con mắt trái nheo lại đầy hàm ý thách thức: “Tao làm vậy đó, mầy làm gì được tao?” Sau một giây yên lặng thoáng qua nhanh giữa ba chúng tôi, cô cố vấn tâm lý quay nhìn vào ống quần bị dính nước miếng của tôi và hỏi: “Ông không sao chứ?” Tôi trả lời: “Thưa cô, không hề chi.” Rồi cô ấy bỏ đi ra khỏi phòng. Chừng một phút sau cô trở lại đưa cho tôi mấy tờ giấy để lau nước miếng, trong lúc tôi đang suy nghĩ tìm cách đối phó với Kelly.

Theo kinh nghiệm của tôi thì những kẻ có ánh mắt oán độc lạnh người như thế chỉ thấy có nơi những kẻ bị bệnh cuồng điên (Bipolar) hoặc nơi những kẻ bị áp bức không lối thoát. Cái khác giữa hai loại người này là trong ánh mắt của bệnh nhân tâm thần thì bất động vô thần, còn trong ánh mắt của kẻ bị áp bức thì tràn đầy thần khí luân lưu. Kelly thuộc loại thứ hai.

Nhận ra được điều đó, tôi liền thông cảm với bé Kelly, một nạn nhân của chủ thuyết cộng sản như tôi trước đây và cũng là nạn nhân của xung đột văn hóa Việt Mỹ trong cuộc sống hiện tại; điều mà các chuyên gia tâm lý trị liệu người Mỹ chưa từng trải nghiệm. Tôi đã hứng chịu sự áp bức của chủ thuyết cộng sản gần 15 năm còn Kelly ở với cộng sản 3 năm và gần 1 năm trong bào thai trước khi đến Mỹ. Cả hai gia đình chúng tôi đều gánh chịu những xung đột văn hóa Mỹ-Việt như nhau, nhưng tôi là người lớn, đàn ông, còn Kelly chỉ là bé gái mới chỉ 9 tuổi; tôi là chủ gia đình, còn Kelly bị lệ thuộc bởi cha mẹ có 3 nền văn hóa trong người: truyền thống Việt, Cộng sản và Mỹ.

Tôi dịu giọng nói với vị cố vấn tâm lý học sinh: “Tôi cần thời gian làm quen với Kelly. Tôi sẽ gặp lại cô, ông Hiệu trưởng, cô giáo, cô trợ giáo và cha của Kelly trong 10 phút nữa.” Sau khi vị cố vấn tâm lý học sinh trở lại phòng họp; tôi kéo ghế chéo góc 90 độ ngồi xuống trước mặt, cách hông Kelly một tầm tay với, lấy ra một tờ giấy trắng và bắt đầu xếp hình một con chim bồ câu. Ánh mắt Kelly theo dõi những động tác của tôi nhưng không hề giãn bớt góc nhọn hình tam giác của đôi mắt. Chỉ đến khi tôi hoàn tất hình dáng con chim, và viết lên hai bên thân nó những chữ Kelly H., thì đôi mắt ấy mới mở to ngạc nhiên đầy thắc mắc. Thế là tôi biết cá đã cắn câu.

Tôi cầm con chim giấy lên và bắt đầu nói chuyện với chim: “Hi, Kelly! Lần đầu tiên bác Lợi gặp con, bác không làm gì hại đến con, sao con phun nước miếng vô người bác thế?”

Rồi tôi nhúc nhích ngón tay đang luồng vào trong đầu con chim Kelly, đồng thời giả giọng nữ éo éo của Kelly để trả lời: “Mấy mụ kia hành hạ tui đủ điều chưa đủ hay sao mà còn kêu ông tới, bộ muốn giết tui hay sao? Tui chấp hết cả mấy người, tui phun nước miếng vào ông đó. Ông làm chi tui?” Đến bây giờ thì Kelly nhìn xuống sàn nhà, nhếch môi cười và có vẻ như đồng ý với câu chim trả lời đúng nhu cầu an toàn của bé.

Tôi tiếp tục nhỏ nhẹ tâm tình với con chim giấy Kelly: “Mấy mụ kia ngược đãi con như thế nào? Nói cho bác biết để bác trị họ cho con?”

Sau khi nghe câu hỏi này, tôi thấy đầu Kelly gục xuống, mái tóc huyền lại phủ lên khuôn mặt, đôi vai gầy nhỏ bé lại rung lên, và tôi đã nghe được tiếng nấc nghẹn ngào từ cổ họng Kelly thoát ra….: “Không ai chơi với con hết. Họ hất hủi con, bà giáo không thèm nhìn con khi con giơ tay, còn mấy đứa học cùng lớp lơ con, tránh con, không cho con chơi chung…” Từ những lời trên và với danh xưng “con” như thế thì tôi biết rằng bé Kelly đã chấp nhận nói chuyện với tôi, không còn xem tôi là kẻ thù như trước đây 5 phút, và qua đây tôi cũng đã biết được phần nào nỗi cô đơn và nhu cầu tình cảm của bé.

Để cánh cửa lòng của bé mở rộng thêm cho tôi thấy được những gì sâu thẳm trong đó, tôi nhẹ nhàng đáp ứng: “Bác sẽ làm cho cô giáo quan tâm đến con hơn, và bác cũng sẽ khiến cho mấy đứa bạn học cùng lớp thích con nữa, con chịu không?” Kelly ngước mắt lên nhìn tôi và gật đầu. Hai hình tam giác trước đây của con ngươi và con mắt của Kelly biến mất tự hồi nào không biết, bây giờ chỉ thấy chúng đang tròn xoe dưới làn nước mắt mà thôi.

Từ đây, không cần tôi phải hỏi, Kelly tự phát cho tôi biết không những bé phải chịu nỗi đau khổ đó ở trường mà còn cả ở nhà nữa. Mẹ bé thường đánh, hoặc bỏ đói bé (văn hóa khủng bố của cộng sản) khi nhận được những than phiền từ nhà trường qua cô trợ giáo người Việt Nam. May mắn cho bé là còn có được cha bênh vực, nhưng người cha quá bận và lại quá sợ mẹ (văn hóa Mỹ, lady first) nên chẳng giúp giảm được gì nhiều nỗi đau khổ của bé. Do không dám chống lại mẹ vì mẹ quá dữ, nên chỉ còn cô giáo và đám bạn cùng lớp là những đối tượng mà bé thường đụng độ hằng ngày để bé trút ra hết nỗi uất ức thù hận trong lòng mà thôi. Bé thổ lộ: “Con không hiểu tại sao mấy đứa kia làm homeworks được mà con thì không làm được; nhiều lúc con tự đập vào đầu con để hỏi và cũng để phạt sự ngu dốt của mình…” Đây cũng là nhu cầu cốt lõi khác (nhu cầu thành đạt của bản thân, self-actualization) của bé nên tôi nói với Kelly: “Bác sẽ làm cho ba mẹ con thương con hơn, và nhất là không được đánh và bỏ đói con nữa nhé? Bác cũng sẽ giúp cho con tự làm được homeworks, nhưng con phải vâng lời bác mới được, con chịu không? Nếu chịu thì con lau nước mắt đi, cầm tay bác, theo bác đi qua phòng bên chào quý thầy cô và ba con rồi trở về lại lớp học. Chiều mai bác sẽ gặp con ở nhà con sau khi tan trường và bắt đầu giúp con.”

Khi hai bác cháu vừa bước vào phòng họp, bất ngờ tôi thấy mọi người đều bật người đứng dậy, vỗ tay reo lên trong nỗi vui mừng: “Good job! Mr. Lợi and Kelly! Good job!” Tôi nói ngay: “Kelly ngoan lắm! Chúng tôi đã cùng hứa hẹn sẽ gặp lại nhau ở nhà của bé vào chiều mai sau giờ học. Bây giờ xin làm phiền cô giáo dẫn cháu về lại lớp học.”

Tôi không biết các thầy cô giáo ấy vui mừng đến mức độ nào khi tôi chinh phục được Kelly. Riêng tôi, trên đường về lại office, nhớ đến những giọt nước mắt của bé, tôi cảm thấy lòng mình ấm lại; bởi biết rằng chính dòng lệ ấy đã rửa sạch bãi nước miếng vấy trên ống quần kia rồi. Có một chút hạnh phúc nho nhỏ nào đó đang dâng lên trong lòng tôi. Vừa lái xe vừa nhịp ngón tay lên tay lái, tôi khe khẽ cất lên lời ca bài hát của Trịnh Công Sơn:

Em sẽ là mùa xuân của mẹ
Em sẽ là màu nắng của ba
Em đến trường học bao điều lạ
Mỗi tiếng cười là những nụ hoa…..

Ngoài trời những nụ hoa xuân vừa mới trổ, báo hiệu một mùa xuân sắp đến. Tôi cũng đang đi tìm một mùa xuân cho tôi, cho các cháu như bé Kelly và cho cả tương lai dân tộc tôi. Hoài bão ấy có khả thi hay không? Tôi chưa thể trả lời được, nhưng tôi đã hình dung ra những trận đụng độ sắp tới với cô giáo, với cha mẹ của Kelly, và biết rằng việc đạt cho được những mục tiêu thực tiễn trước mắt cũng như những gì tôi đã hứa với bé Kelly sẽ chẳng dễ dàng gì.

Trần Đức Lợi.

Ý kiến bạn đọc
06/03/201322:22:01
Khách
Con nít ở Mỹ khổ lắm vì không ai nói chuyện nên đa số bị chậm nói, cha mẹ cũng khổ lắm cày mệt mà còn phải làm tài xế kiếm bạn cho con chơi.
06/03/201320:07:26
Khách
Rất hay ! Xin cảm ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 92,395,580
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết về nước Mỹ 2009 với bài “Con Bé”, chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả tham dự viết về nước Mỹ từ 2001. "Tôi qua Mỹ năm 90, ở San Diego 2 năm và move qua quận Cam ở cho đến giờ," ông kể. Sau 8 năm lặng lẽ, Vĩnh Hầu góp thêm nhiều bài mới cho viết về nước Mỹ năm thứ mười và nhận giải danh dự. Mới đây, tác giả lại move từ miền Tây sang miền Đông. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả vượt biển đến Mỹ năm 1983, khi đúng 18 tuổi. Sau 30 năm định cư, bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một bài viết vui, đáng đọc. Phần minh hoạ được tác giả kèm theo bằng nhiều hình ảnh sống động, nhưng vì lấy từ mạng internet nên không tiện đăng lại.
Tác giả sinh năm 1939, hiện là cư dân Houston, Texas, tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009 và đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Trước 1975, ông là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang.Ra tù 1984. Vượt biên 1986.
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Song Lam là một tự sự, “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân”. Bài thứ hai của bà là lá thư chia sẻ chuyện chồng con, dâu rể với một tác giả Viết Về Nước Mỹ:
Đúng 40 năm trước, 29 tháng Ba 1973, là ngày toàn bộ quân Mỹ rút khỏi Việt Nam theo hiệp định đình chiến Paris. Nhân dịp này, bài viết về nước Mỹ hôm nay là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ còn nặng lòng với mảnh đất từng là chiến trường xưa. Tác giả bài viết, trước Tháng Tư 1975, còn là học trò, từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc. Mong Tôn-Nữ Thu Dung sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả tên thật là Nguyễn văn Hoa, sinh năm 1947 tại Quảng Bình, Việt Nam. Tốt nghiệp kỹ sư điện, học cao học và soạn luận án tiến sĩ kỹ sư (1970-75). Từ 1970 đến 1975 dạy đại học kỹ thuật tại Sài gòn. Năm 1975 định cư tại Hoa Kỳ, làm việc cho công ty tiện ích ở North Dakota cho đến năm 2012 thì về hưu. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
Tác giả nguyên là một sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội. Sau tháng Tư 1975, ơng là người tù chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O., hiện là cư dân San Diego. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải danh dự 2012. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả, tự giới thiệu là “người viết mới toanh” vì chưa từng viết bài gởi cho báo nào, cả ở VN lẫn Mỹ. Sơ lược tiểu sử: Từ 1971, từng Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Qua Mỹ năm 2009. Hiện ngụ tại Milpitas, San Jose, California. Sau nhiều năm nuôi con, hiện ở nhà coi cháu. Mong Đồng Tâm sẽ tiếp tục viết.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua.