Hôm nay,  

Tết Ở Bắc Cali

15/02/201300:00:00(Xem: 203564)
Tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ được phổ biến, như "Chồng Tếch Vợ Ly"; "Cái Bát Mạ Vàng", “Kết Hôn Để Qua Mỹ”... Cô cũng là người đã mời đã mời Chú Sáu Steve Brown -một người Mỹ yêu tiếng Việt- gia nhập sinh hoạt làng Việt Bút, Sách Viết Về Nước Mỹ 2012 vừa phát hành, cô có bài viết “Sinh Nhật 4 Tháng Bẩy”. Các bài viết của cô luôn cho thấy sự thẳng thắn, đôi khi ngang tàng nhưng tử tế vui vẻ.
viet-ve-nuoc-my_190x135
******


Mùa xuân ở Bắc Cali, chúng tôi thường canh sao cho hoa đào đơm nụ đúng mùa, cùng rủ nhau đi xin vài cành về chăm chút, ngâm thuốc trị "nhức đầu" vào, mong cho chúng nở rộ đúng ngày Mùng Một Tết.

Hương Xuân thấp thoáng đâu đây, nhưng những cơn gió lạnh cắt da vẫn còn chợt đến chợt đi, khắt khe vờn khung cửa. Ngoài sân những cành cây phong vẫn còn đang trơ trọi lạnh khô, chưa kịp đơm nụ mời Xuân sang. Sương đọng trên ngọn cỏ đóng băng thành những đốm trăng trắng, cợt đùa trêu ngươi như những hạt muối trên miệng ly cocktail Margarita. Rồi cái lạnh chợt đến trong lòng khi tôi nghĩ tới năm nay không biết có dịp họp mặt gia đình mừng Tết hay không, dù người thân chỉ có hai chị em ở đất Mỹ này thôi.

Sau một thời trôi dạt ở mấy tiểu bang xa, tôi vì mê tiếng Việt mà dọn về sống ở thành phố San Jose này. Trường học nhiều khu cũng có rất nhiều học sinh người Việt, nên hai con của tôi cũng chơi thân với một số bạn học Việt Nam và có nhiều dịp giao du với các gia đình người Việt chưa trở thành banana (Vàng ở ngoài nhưng trắng toát ở bên trong). Thường Tết năm nào tôi cũng phải lì xì các con một số tiền gấp 2, 3 phần bình thường, vì sợ các con thua kém chúng bạn khi không được tiền lì xì của ai khác ngoài mẹ, và sợ chúng sẽ không vui, không thiết tha gì đến ngày Tết ta nữa.

Trước Tết 2 tuần, con gái tôi nhắc:

- Tết năm nay mình có họp mặt không mẹ?

- Mẹ đã gọi cậu rồi, đang chờ trả lời.

- Mẹ nhớ nói là con đi làm tới 2 giờ chiều mới ra nha.

- Ok, mẹ nhớ rồi.

Tết năm ngoái, vợ chồng em trai tôi từ chối họp mặt với lý do là hai đứa con đã lớn, không còn thích đi xem người ta đốt pháo nữa.

Có ai giống tôi không? Mỗi lần muốn gặp em, gặp cháu, tôi phải làm hẹn thật sớm rồi ngồi chờ "đơn" được thông qua như kiểu đi xin việc, hay là xin gặp giám đốc công ty nào vậy.

Đối với vợ chồng em tôi thì, người lớn phải lo đi làm "đầu tắt mặt tối" nên cuối tuần phải lên kế hoạch "hưởng thụ cuộc đời" là điều tất yếu. Kế hoạch cuộc vui nào định sẵn, họ không thể bỏ lỡ vì chưa chắc gì có dịp thi hành lần tới. Ngoài việc học, bọn trẻ còn phải duy trì một hai sở thích chuyên môn như là chơi bóng đá, bóng chày, bơi lội, cho nên cũng không rảnh rỗi nhiều. Riêng con tôi đang trong lứa tuổi đại học, còn phải đi làm thêm kiếm tiền tiêu, cho nên thời gian họp mặt gia đình không thể nào không lên kế hoạch trước.

Kết hoạch Tết này hẹn gặp ở nhà tôi. Ông em lái xe từ San Francisco đến San Jose cũng gần một tiếng, đủ để các cậu ấm cháu tôi làm nốt bài tập trong xe, thì chúng mới có dư dã thời gian và tâm tư đi chơi Tết.

"San Jose có gì lạ không you?” Lạ thì không có lạ gì mấy, nhưng vui thì vẫn vui. Nếu bạn cư ngụ trong vòng dưới 10 dặm của khu trung tâm người Việt, thì sinh hoạt cộng đồng luôn luôn nhộp nhịp. Hiện nay chúng tôi đã có khu Little Sài Gòn, lại thêm Việt Nam town, tọa lạc ngay trên đường Story road, lúc nào cũng tấp nập, rộn ràng.

Tết năm nay rơi ngay vào Chủ Nhật, thế là bà con cô bác tha hồ ăn Tết lớn. Bảo đảm mùng hai, thứ Hai, cũng sẽ có một số người lấy thêm ngày bệnh, ngày personal day ở nhà ăn Tết. Gia đình nào mà có ông nội, bà ngoại, con cháu đầy đàn tụ họp lại thì vui biết mấy là vui. Nội việc các cụ ngồi nghe các cháu bập bẹ chúc Tết bằng thứ tiếng Việt nửa nạc nửa mỡ cũng đã tha hồ mà cười ngả cười nghiêng, đủ vốn ngày đầu Xuân rồi bạn ạ.

Nêu không tính đến việc họp mặt gia đình, thì đối với tôi, Tết ở San Jose vui hơn Tết Sài Gòn. Hội chợ Tết hàng năm ở vùng này xôm tụ, muôn màu muôn sắc, bạn bè tụ họp tiệc tùng hát hò, chơi xì tố, bài cào thâu đêm.

Còn cảnh Tết Sài Gòn sau này, theo tôi nhớ thì đi một vòng nửa ngày là thưởng thức xong. Không một tiếng pháo, không thấy ai gầy sòng ngoài hành lang, không có tụ tập chơi bầu cua cá cọp, đường xá không mấy nhộp nhịp, vì người ta tủa đi du lịch hay về quê ăn Tết hết rồi. Hàng quán và các cơ sở thương mại thì thường đóng cửa im lìm cho tới hết mùng Mười mới khai trương lại.

Ở Bắc Cali thì khác, quang cảnh khu thương mại Giand Century Mall và Việt Nam town năm nay ra sao, náo nức cở nào, tôi nghe bà con kể là cũng đã thấy vui lây. Cuối tuần này, bà con cư ngụ quanh vùng Bay Area từ bốn phía tụ hết về đây. Riêng tôi thì ở gần chỉ có năm phút lái xe nên cứ tàng tàng dọn dẹp nấu ăn, đến chiều mùng Một rồi mà tôi chưa rãnh chạy ra ngoài được. Nghĩ lại mà hên, vì tôi nghe bà con bạn bè báo cáo rằng họ đang lần quần lái xe quanh đó cả tiếng đồng hồ, mà vẫn còn phải lang thang "lòng vòng ngoài ngoại thành", chưa chen chân vô sân đậu xe được chứ nói chi là được coi múa lân, đốt pháo.

Nếu bạn chịu khó đi từ sáng sớm ra khu Grand Century Mall, vợ chồng con cái tay bồng tay bế, ra đó chen nhau ăn hàng, chờ xem mua lân, mua pháo đủ loại cho các con chơi, rồi tụ nhau ra ngoài sân đua nhau đốt pháo, chen nhau nhìn xác pháo rơi, thì bạn sẽ quên phắt đi cái lạnh mùa đông nơi xứ người. Đấy là chưa kể bạn xí được một ghế ngồi lý tưởng ở ngoài quán cà phê Paloma để mà ngắm các nàng thướt tha trong tà áo mới thì lại càng thú vị hơn.

Từ lúc em tôi gọi điện thoại nói chơi ở ngoài đó xong rồi, sẽ ghé nhà tôi liền ăn tối chung, cho tới lúc họ đặt chân tới ngay trước cửa nhà tôi, thì cũng đã gần nửa tiếng đồng hồ sau, trong khi khoảng cách lái xe thì chưa đầy 5 phút.

Nghe em tôi kể lại, bà con muốn mua ly chè, tô bún ăn cũng phải xếp hàng mệt xỉu, vui thiệt nhưng thôi khỏi chừa phần của tôi. Thời buổi này, tôi thích ở nhà tự làm bánh tét, bánh chưng, nấu đủ mọi món ăn theo khẩu vị của mình, lắm lúc còn nhanh gọn hơn ra phố ăn hàng nhiều.

Các món ăn ngày Tết tôi tự làm gồm có, dưa chua, dưa món, dưa mắm, bánh tét, nem chua, thèo lèo cứt chuột, mứt vỏ cam. Bữa cơm chiều với gia đình em trai, các cháu và các con, vì ai cũng chuộng đồ ăn Mỹ cho nên tôi nấu thêm thịt heo quay kho trứng, cá hồi nướng chung với nấm portabella, sườn non nướng, măng tây nướng vỉ, canh cá hồi nấu măng chua. Riêng món bánh ướt với chả, thì mua sẵn ở chợ chỉ cần bày ra dĩa là sẵn sàng. Tôi còn dọn thêm một dĩa dưa leo, cà rốt con và cà chua tí hon và ít củ kiệu. Phần cơm trắng, năm thì mười thuở tôi mới ăn một lần, nên tôi chỉ nấu hai lon gạo cho 8 người ăn, mà nồi cơm bé tí vẫn còn nguyên thinh. Con gái tôi sanh ở Mỹ, khoái ăn đồ Mỹ. Vậy mà đi du lịch 1 tuần về, mẹ nấu cho món đậu que xào tỏi, bèn nhảy dựng lên mừng rỡ:

- da huuuuuu....được ăn món Việt Nam rồi, đã quá! hahahaa (Món đậu xào này thật ra cũng lai Mỹ mất rồi, nhưng tôi im rơ không đính chính)

Vừa ăn cơm Tết, chúng tôi vừa mở đài Việt Nam lên coi người ta mừng và chúc Tết, không khí cũng đầy hương xuân cũ. Em trai tôi nói:

- Năm nay dân du lịch ghé vào khu Grand Century nhiều quá chừng luôn nha. Em thấy sao có nhiều người vẫn còn mang phong cách rất ư là thuần túy Việt Nam vậy ta. Không chịu mở mang kiến thức, học những điều hay gì hết à. Thiệt là bó toàn thân luôn.

- Có gì lạ đâu, họ đâu cần sống cầu tiến, họ vui vẻ mãn nguyện sống quanh quẩn với những người Việt và sinh hoạt ngay ở trong trung tâm Việt Nam này.

Rỏ ràng như ban ngày vậy, ở đây chuyện thường tình ở huyện là, ngày Tết, bạn sẽ thấy người ta ngồi chòm hổm gầy sòng đánh các tê, bài cào, lắc bầu cua cá cọp, cảnh sát rảo tới gần là họ vội ôm gói, ôm tiền chạy. Cảnh sát đi rồi họ là chụm nhau lại gầy sòng tiếp. Đúng hiệu "dân chơi không sợ mưa rơi" đấy bạn. Ngay trước sân ngoài cổng chính của khu Grand Century thì thị trưởng thành phố chắc đã cấp giấy phép cho đốt pháo mùng Một. Thế cho nên mấy cái Tết gần đây, tôi không thấy ông cốm nào xuất hiện ngăn cản bà con đốt pháo nữa. Bạn nào chịu lòng vòng dạo chơi cho đến tối, sẽ được thưởng thức thêm một màn đốt pháo bông bắn lên trời tuyệt đẹp. Bạn nào ở xa mà muốn nghe tiếng pháo đầu năm, xem múa lân, bạn hãy vào youtube đánh vào nhóm chữ Tet San Jose, bạn sẽ tìm được nhiều đoạn phim vui lắm. Bạn nào đến đây du Xuân, lở bạn muốn chạy vào khu này mà kẹt xe quá, thôi thì bạn hãy vòng sang khu Lion Plaza đi nhé. Khu này cũ kỹ và nhỏ hơn, nhưng cũng vui lắm đấy. Nhìn xác pháo bạn cũng thấy được hơi hớm của mùa Xuân. Nhìn vết tích của các gian hàng đã tàn, bạn cũng sẽ tìm được vương vấn kỷ niệm một ngày mừng Tết vừa mới tan. Các em nhỏ chắc cũng sẽ mệt sau ngày mùng Một dung dăng dung dẻ trong bộ áo dài truyền thống, nhưng sẽ vui với một đống bao lì xì. Các con các cháu của tôi, đứa nhỏ nhất cũng đã mười tuổi đầu, có tiền lì xì mà còn vất tứ tung, người lớn nhắc hoài mà còn chưa chịu cất kỹ. Chả bù với chúng ta một thời, gom tiền lì xì để có tí tiền ăn một bửa no đầy, mua các món đồ chơi mình thèm thuồng bấy lâu nhưng không bao giờ dám vòi cha mẹ mua. Tết đến chỉ mong có được một bộ đồ mới mặc đem khoe là sướng mê tơi rồi.

Ở Mỹ ngày Tết, các em thanh thiếu niên tuổi trẻ tha hồ mà ăn diện khoe sắc khoe hương, áo hiệu, bóp hiệu được dịp chờ bạn bè trầm trồ khen ngợi. Có đủ tiền lì xì bèn rủ nhau chơi bầu cua cá cọp, tụ tập ăn uống nhảy nhót hát karaoke, chờ đêm về rủ nhau đi club chung vui.

Riêng gia đình chúng tôi, sau cơm tối thì rủ nhau bật máy điện toán, mở webcam lên chúc Tết bà con họ hàng Việt Nam, sẵn xem ai mập ai ốm, ai già rồi, ai vẫn còn trẻ như chưa bao giờ xa cách. Mấy đứa cháu một câu tiếng Việt bẻ đôi cũng không biết nói, lúng túng khi bị ép chúc Tết những người họ hàng chưa rành mặc cũng chẳng biết tên:

- Chu mân nam mợi...

- Chúc mưng on nọi...

Cậu con trai tinh nghịch của tôi núp sau máy bèn khều khều mấy đứa em họ:

- Why don't you just move your lip, I will do the talking...Chúc mừng năm mới! Ha ha ha

Cả nhà được dịp phá lên cười trong khi các cu cậu vẫn lúng túng bập bẹ ú ớ chẳng nên lời.

Các ông cậu bên Việt Nam bèn láo nháo:

- Ủa, sao lúc các cháu về Việt Nam lúc đó có 5,6 tuổi đã hiểu tiếng Việt rồi mà, ngồi nghe mà gật đầu cười hiểu hết mà.

Em trai tôi xía vào:

- Tại lúc đó cha mẹ dặn các con, người lớn nói phải chăm chú lắng nghe, và phải gật đầu cười thân thiện. Chứ thật ra chúng có hiểu ai nói gì đâu.

Ha ha. Haha. Xong màn chúc Tết, bọn trẻ thở hắt ra thoải mái y như trả xong nợ đời. Mọi người tiếp tục ép nhau cười và “say hi” để chụp hình gia đình. Chụp xong, tắt máy, chào từ biệt và tiễn nhau ra về. Xong một ngày mùng Một Tết bận rộn mà vui, đầy tình thân và lưu luyến. Câu chuyện đầu năm nhiều trận ha ha, hy vọng cả năm vui như Tết.

Giờ tới phiên, bạn bè quanh đây sau một ngày bận rộn quây quần với gia đình, chiều tối điện thoại bắt đầu tít tít nhận nhắn tin bằng text qua phone với nhiều câu chúc dí dõm, mới lạ và lắm lúc rất là hài hước nữa chứ. Bạn nào có tài khoản facebook nhớ mở lên xem, sẽ thấy bà con cô bác dán hình lên khoe và trao đổi những câu chúc Tết đầu năm dễ thương, đáng quý vô cùng. Tới giờ mở email ra xem tôi cũng nhận được một mớ thiệp Xuân nhiều kiểu lạ và hay vô cùng. Người người chúc qua chúc lại nghe cũng tếu, nhưng tôi thì chỉ muốn chúc ngắn gọn và thực tế thôi.

Tôi xin chúc Việt báo, Việt Bút viết về nước Mỹ cùng bạn đọc, một năm mới an khang, vui khỏe, may mắn, tài lộc dồi dào, năm mới và những năm mới nữa tốt đẹp, tiền vào như nước tình vào đầy tim, mãi mãi an bình với xuân mới, tết mới.

With Love and Best wish,
Donna Nguyen

Ý kiến bạn đọc
17/02/201301:29:57
Khách
Cháu Donna ơi,
Bài viết này của cháu rất hay và vui. Cảm ơn cháu gởi vô nhé. Cháu cứ viết tiếp đi nhé . Chúc cháu và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.

Chú Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 92,437,653
Trước 30/4/1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn, truyện dài cho bán nguyệt san Tuổi Hoa, và Tủ Sách Tuổi Hoa - hiện có trên trang mạng: http://tuoihoa.hatnang.com/ và http://www.camlinguyenthimythanh.com Sau ngày 30/4/1975,
Tác giả là cư dân Houston, Texas, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Mong bà sẽ tiếp tục góp thêm những bài viết mới và bổ túc dùm địa chỉ liên lạc.
Với cách viết tinh tế, Nguyễn Văn đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012. Ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon.Đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ hai của bà, với lời ghi “Tặng thế hệ thứ 2, thứ 3 rất xuất sắc trên nước Mỹ và trên khắp Năm Châu. “Mong bà sẽ tiếp tục viết bằng những chuyện sống thật của người Việt tại Mỹ.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục và trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012). Tác giả hiện là cư dân ở Sacramento, Cali và tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 2011. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ và được bạn viết bạn đọc rất quý mến. Ông và gia đình hiện là cư dân San Jose. Mời đọc bài mới.
Karen N. Nguyễn, sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O. định cư tại Mỹ năm 1991, hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải vinh danh tác giả, một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài viết mới của Karen là chuyện tuyết giáở Virginia.
Mr. Bond là bút hiệu của David Huỳnh, cư dân Los Angeles, từng nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 với loạt bài kể chuyện câu cá đủ loại, câu từ Nam đến Bắc Cali, qua Alaska, sang Mễ, câu về tới VN hay qua tận Thái lan... rồi chuyện đi lặn bắt bào ngư, bắt tôm hùm, và đi săn “hàng khủng” cá Tầm (Sturgeon) trên Delta Bắc Cali. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ hai năm trước đây. Bài mới của ông là một chuyện tình nhẹ nhàng.