Hôm nay,  

Mộng Sang Mỹ

20/11/200200:00:00(Xem: 212571)
Người viết: Bùi Phụng Hảo

Bài tham dự số 43\VBST

Bùi Phụng Hảo sinh năm 1975 tại Việt Nam, chỉ mới tới Mỹ đoàn tụ với Bố năm 1995. Sau khi tốt nghiệp accounting 2 năm, hiện cô làm việc cho một ngân hàng tại Seattle, tiểu bang Washington.

Tôi sống ở Mỹ đã được 5 năm do Bố bảo lãnh. Khi còn ở Việt Nam tôi hằng ôm mộng ước ngày nào được sang Mỹ học. Giấc mộng của tôi đã thành sự thật kể từ ngày hai mẹ con tôi đặt chân xuống phi trường Sea-Tac hồi 1 giờ trưa ngày 27/7/1995.
Ngày tới Mỹ, ra đón chúng tôi có Bố, cô chú Niên, cô Hiếu và vài người bạn khác của Bố. Từ ngày bố bỏ nhà vượt biển, tôi luôn cầu xin Ơn Trên che chở bố được bình an tới bến bờ Tự Do. Cha con gặp nhau, tôi vui mừng phát khóc. Bố ôm tôi và hôn lên trán tôi, bố nói: "Út cưng của bố, bố nhớ út quá chừng." Tôi là con út của gia đình 9 anh, chị. Năm tôi đặt chân vào nước Mỹ tôi được 17 tuổi.
Điều làm tôi sung sướng hơn nữa là tôi còn được cắp sách đi học lại từ lớp 9 trường Trung học Sharpless, mặc dù tôi đã tốt nghiệp lớp 12 tại Việt Nam. Nhập học trường Sharpless, tôi được hưởng qui chế dành cho người tị nạn, miễn học phí và được hưởng quyền lợi như học sinh Mỹ. Nhập học trường Sharples rồi, tôi rất mừng, song cũng rất lo lắng về môn Anh ngữ mà tôi quá kém. Các môn khoa học, tôi không ngại. Môn toán tôi trội hơn nhiều học sinh Mỹ. Sau một năm học ở Sharpless, tôi được chuyển về Middle School như là trường chuyển tiếp để lấy tốt nghiệp hết lớp 12 của Mỹ để có điều kiện lên đại học.
Ngày lễ ra trường ở Mỹ là ngày đáng ghi nhớ nhất trong suốt cuộc đời đèn sách của tôi. Thật vậy, được cha mẹ nuôi ăn học ở Việt Nam, suốt mười mấy năm từ lớp mẫu giáo, qua tiểu học, lên Trung học, rồi tốt nghiệp lãnh bằng ra trường. Nhưng ở Việt Nam không có điều kiện tổ chức sang trọng như tại Mỹ, không mang áo, mũ tốt nghiệp như ở Mỹ. Thật là điều hãnh diện cho đời học sinh ở Mỹ.
Ngày tôi tốt nghiệp ra trường, bố mẹ tôi rất hài lòng. Bố nói:
"Như vậy là con đã thành công được một nữa rồi. Mảnh bằng tốt nghiệp này chưa phải là đỉnh cao, nhưng là đường đi tới đỉnh cao. Con phải trèo lên nữa."
Các bạn tôi mấy đứa cùng đi học với tôi đã bỏ gánh giữa đường, chúc mừng tôi, và tặng hoa mừng tôi nữa chứ. Tôi rất hãnh diện với bạn bè cùng lớp ở Việt Nam rằng tôi đã không làm cho chúng thất vọng. Tôi gởi hình về ngày ra trường cho mấy đứa bạn học cũ, chúng rú lên và đi báo cho nhau biết tin: "Con Hảo ra trường tại Mỹ." Con Ánh Loan, con Hương, con Tý đứa nào cũng xít xa phục tôi sát đất. Thế nhưng, chúng đâu có biết tôi lo són vó, vì khả năng Anh ngữ của tôi có đủ để vào Đại Học chưa đây"
Sau ngày lãnh bằng tốt nghiệp gọi là GED, tôi lại được tiếp tục hưởng Financial Aids của Chánh Phủ Liên Bang cấp để cho học College Shoreline, hệ 2 năm ngành "Accounting".
Trong 2 năm học ở Shoreline tôi thật mệt đừ vì Anh ngữ tôi còn yếu. Tôi cố gắng hết mức bằng cách uống cà phê đen để học về đêm, đến nỗi bây giờ tôi phải mang kính cận 2 độ. Nhưng bù lại, so với mấy cô sinh viên Nhật Bản và Đại Hàn, ba đứa con gái nước Việt chúng tôi không được phép thua kém họ. Vì thế, tôi luôn giữ số điểm từ 3.8 tới 4 chấm.
Tưởng cũng cần nói thêm, trường Shoreline ở Northgate, có đặc điểm kiến trúc giống như mô hình nhà bên Nhật: từng khu nhà thấp, có vườn bông luôn có hoa nở rất đẹp, và đa số sinh viên trường này là người Nhật. Vì thế, bảo trường này là trường của cộng đồng người Nhật cũng không phải nói ngoa. Tôi còn đọc trong báo chí viết: Nhật Bản ngày nay là quốc gia tiên tiến hàng đầu trong 7 quốc gia giàu có nhất thế giới. Vì thế, dân Nhật gởi con em sang Mỹ du học khá đông, đám sinh viên Nhật đứa nào đi học cũng đi xe hơi riêng, ăn tiêu xả láng, hút thuốc lá rất hăng, chả bù cho mấy con gái Việt Nam chúng tôi đi học thì dùng xe Bus và gặm bánh mì.
Học hết chương trình 2 năm College Shoreline, ngày 6.6.1999, tôi lại được mặc áo, mũ và lãnh bằng tốt nghiệp. Ngày ra trường lần này là niềm vui mãn khóa, song tôi luôn lo lắng, vì có những bạn bè có kinh nghiệm cho biết: với mảnh bằng Accounting kiếm việc đỏ con mắt. Riêng bố tôi an ủi:
"Con đừng vội lo, cứ từ từ; hoặc con muốn học thêm 2 năm nữa cho đủ chương trình 4 năm thì dễ kiếm việc hơn và tiền lương tính theo giờ cũng có qui định khá hơn."
Thú thật, tôi rất muốn học lên cao. Nhưng tôi sợ khả năng Anh ngữ chưa đủ vào Đại Học UW (University of Washington). Do đó, tôi còn đang lưỡng lự. Sau khi mãn khóa và nghỉ hè, công việc "Work Study" tại nhà trường vẫn dành cho tôi thời giờ làm việc để có tiền chi tiêu. Chế độ hưởng Financial Aids vẫn tiếp tục cấp cho tôi, nếu tôi tiếp tục học lên cao.
Bỗng một hôm, trong lúc tôi đi làm, ở nhà Bố tôi nghe cú điện thoại nhắn rằng: "Nếu có tên Hảo Phụng Bùi thì bảo ngày...tháng 9 năm 1999, vào lúc 10 giờ AM, đến địa chỉ Washington Mutual Bank ở đường, số, North...gặp Mr X...để biết tin về việc làm. Cám ơn.". Khi tôi đi làm về, bố hỏi:
"Con nạp đơn xin việc làm ở Washington Mutual Bank rồi sao""
"Thưa bố, con có ý định đó, nhưng chưa lấy đơn."
"Thế sao họ gọi con lên để biết tin về việc làm."
"Sao bố biết""
"Thì hôm nay họ gọi điện thoại tới nhà, bố nghe vậy."
"Bố có nghe lộn không, Bố"" Vậy là tôi có lỗi dám nghi ngờ bố, và tôi xin lỗi bố ngay.
"Cái con nhỏ này, tao nghe rõ ràng vậy mà." Bố trả lời, "Con không tin thì cứ giữ đúng hẹn tới hỏi họ là biết ngay chứ gì. O.K" Mất mát gì đâu, biết đâu họ cần tuyển dụng nhân viên làm việc. Họ thường đến các trường vào thời gian sau ngày mãn khóa để tìm hỏi quá trình học tập của các sinh viên khi ra trường. Những người nào học ngành chuyên môn nào họ cần người thì họ sẽ ghi danh sách và kêu phỏng vấn. Như vậy còn giá trị hơn là mình tự nộp đơn xin việc."
"Vâng, con nghe bố nói có lý. Con nhất định đến đó."
"Tiên sư cô, cứ nghe bố xem nào. Biết đâu sau phỏng vấn, con trúng tuyển đi làm ngân hàng. Như vậy không phải là phần thưởng cho con sao, học đúng nghề, làm đúng việc, thế là hên đó, nghe con""


"Con cám ơn Bố."
Quả nhiên, tới ngày hẹn tôi được phỏng vấn trong một giờ rưỡi đồng hồ với một ông chừng 50 tuổi, có dáng vóc lịch sự qua y phục, thái độ cùng giọng nói. Ông hỏi tôi đủ cả về những gì tôi đã học. Vào lúc gần cuối giờ, ông hỏi một câu thật hóc búa, cho nên tôi chỉ trả lời rằng: "Thưa ông, tôi mới chỉ nghe giảng sơ về tiết mục này, song chưa hiểu biết gì cả, mong ông thông cảm."
Suốt buổi phỏng vấn, mồ hôi tôi toát ra thấm áo, hẳn rằng ông ta cũng biết nỗi lo của tôi. Cuối cùng, ông ta nói:
"Cô cũng khá thuộc bài, mặc dù có nhiều điều chưa trả lời được. Cô cứ về chờ 2 tuần lễ sẽ nhận tin báo."
Tôi ra về, song chưa tin ở sức mình, nhưng tin ở số mệnh, biết đâu mình gặp hên. Quả thật, sau hai tuần lễ, tôi nhận được thơ báo tin đến nhận việc tại Washington Mutual Bank tại trụ sở đường Pike, ngay ở trung tâm thành phố Seattle. Bố mẹ cùng tôi cám ơn Thượng Đế đã ban cho tôi được vận may thứ nhất trên đường đời. Hiện nay tôi đang làm việc với chức vụ "Payroll Technician" cho Ngân hàng Washington Mutual tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington với số lương đủ sống.

Tôi rất biết ơn Chánh phủ Mỹ đã cho tôi có cơ hội học hành để hội nhập vào đời sống nước Mỹ.
Tôi rất cảm phục nền Giáo dục tại Hoa Kỳ mà có lẽ không quốc gia nào có thể sánh kịp. Chánh phủ đã dành cho ngân sách giáo dục rất lớn, có thể nói là không giới hạn khả năng học hỏi tới đích của bất cứ công dân nào, bất cứ người dân tộc nào thuộc bất cứ nước nào đã được phép nhập cảnh hợp pháp vào Hoa Kỳ, có thể học tới nơi tới chốn theo chương trình giáo dục mà họ muốn theo đuổi. Chánh phủ sẵn sàng tài trợ cho người đứng đơn xin Financial Aids để có tiền ăn học cho một sinh viên nghèo như tôi.
Chế độ giáo dục tại Hoa Kỳ cưỡng bách công dân phải có trình độ kiến thức phổ thông trung học, lên đại học các sinh viên được trợ cấp học bổng, nếu thuộc gia đình có lợi tức thấp. Chánh phủ khuyến khích mọi người hăng say học hỏi theo các bộ môn, các ngành nghề, không phân biệt tuổi tác và sẵn sàng trợ cấp tiền bạc học vấn nếu đương nhân hội đủ điều kiện đã qui định. Vì thế, có nhiều người tuổi đã cao 70, 80 mà vẫn theo học để cố giựt lấy bằng tốt nghiệp đại học mới thôi. Mặc dù lãnh bằng tốt nghiệp về chỉ để trưng làm kỷ niệm sự thành công của họ.
Quốc gia Hoa Kỳ còn gọi là Hiệp Chủng Quốc là vùng đất thuộc Bắc Mỹ Châu nằm trong Tân Thế Giới được khám phá bởi nhà thám hiểm Christopher Columbus vào đầu thế kỷ thứ 15 sau công nguyên. Hoa Kỳ là quốc gia mới được khai sanh trên 200 năm nay sau cuộc cách mạng đòi lại những phần đất đã lọt vào tay các ngoại nhân Pháp, Anh. Sau khi thắng trận thu phục đất đai, Tướng Washington, Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang, đã được Quốc Hội bầu làm vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30-4-1789, được dân chúng tôi vinh là cha đẻ của dân tộc. Và từ đó, Hoa Kỳ bước vào thời kỳ ổn định chính trị để chấn hưng kinh tế, trở nên quốc gia giàu mạnh nhất thế giới hiện nay.
Hoa Kỳ là quốc gia phát triển rất mau, rất mạnh về kỹ nghệ qua từng thời kỳ, từng thế kỷ. Trước hết là điện khí, nói tới điện khí không thể nào không nhắc tới Thomas Alva Edison, (1847-1931) người đã mở ra kỷ nguyên điện khí riêng cho quốc gia Hoa Kỳ, và cho toàn thế giới. Thomas V. Edison là cha đẻ của các bóng đèn điện, và các máy điện tín phát và thu. Tính từ năm Edison 23 tuổi (1869) ông đã nổi danh về phát minh khoa học tới năm ông qua đời (1931), Edison đã phát minh ra hơn 1,000 bằng sáng chế. Khi Edison qua đời, có người đề nghị cả nước Mỹ cúp điện trong vòng 2 phút để tưởng nhớ tới ông. Nhưng rồi có ý kiến khác để tang ông thay vì cúp điện, dù chỉ là hai phút. Bởi vì, mọi sinh hoạt của nước Mỹ lúc bấy giờ đều lệ thuộc vào điện năng.
Từ khi có điện khí, nhiều máy móc khác nhằm phục vụ đời sống tiện nghi của con người do nhiều nhà sáng chế phát minh. Trong khoảng 40 năm. (1860-1900) đã có 600.000 bằng sáng chế được cấp phát cho các nhà chế tạo máy móc.
Nói tóm lại, vào đầu thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã bước vào nền kỷ nghệ bằng những phát minh khoa học tân tiến.
Hoa Kỳ đã làm chủ không gian suốt từ thập niên 60 khi các phi hành gia Hoa Kỳ thám hiểm và đáp xuống mặt trăng cấm hai lá cờ Mỹ và VNCH trên đó. Trong khi Liên Xô chịu thất bại trong việc thi đua thám hiểm không gian nhiều lần.
Thêm vào sự giàu có của Mỹ quốc, nước Mỹ thiết lập hệ thống cầu đường lớn rộng và đẹp nhất thế giới. Tôi cảm phục các kỹ sư và các chuyên viên ngày đêm phục vụ ở ngoài trời để thiết lập nên hệ thống cầu bắc vòng quanh các ngã tư, ngã năm, ngã bảy, các trục lộ giao thông, các nông trường bắc qua núi đồi. Nhiều xa lộ quá rộng, thông thường là có 4 đường xe đi cho mỗi bên. Tôi đã có dịp ngồi xe Bus đi vòng quanh thành phố Seattle một lần cho biết. Phải nói rằng, hệ thống cầu và xa lộ tại Mỹ không thể có quốc gia nào sánh kịp.
Về đời sống của dân Mỹ, tôi nhận ra họ rất giàu. Chánh phủ Mỹ đặc biệt chăm sóc các trẻ thơ, và người già yếu, bệnh tật rất chu đáo. Bộ Xã Hội và Y Tế có ngân sách rất lớn dành đãi ngộ thành phần trẻ thơ và người già, sau đó là phụ nữ. Nhất là các bà mẹ không chồng mà có con, đều do Bộ Xã Hội và Y Tế lo cho cả. Cho nên đã có nhận xét vui vui rằng, ở Mỹ: Nhất con nít, Nhì ông bà già, Ba phụ nữ. Bốn súc vật và Năm... đàn ông.
Các ông thuộc loài bạc phước nhất và dễ bị tù như bỡn.
Trên đây là mấy điểm son viết về nước Mỹ. Tuy nhiên, nước Mỹ có không ít điểm xấu. Thời gian gần đây, báo chí cũng như TV, Đài Phát Thanh đều loan tin học sinh bắn chết học sinh; con nít 7 tuổi bắn chết đồng bạn đang học trong lớp; học sinh giết chết thầy cô. Như vậy, những người có trách nhiệm về an ninh xã hội sẽ có thể làm được gì"
Để Kết Luận: Quả thật, nước Mỹ rất giàu thật đấy. Nhưng nước Mỹ không có được nền luân lý như các nước Đông Phương. Cho nên các nhà lãnh đạo cần đặt lại vấn đề giáo dục luân lý trên căn bản gia đình và học đường.
Bùi Phụng Hảo (Seattle)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 68,562,190
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo