Hôm nay,  

Hồn Việt

06/12/200300:00:00(Xem: 273420)
Người viết: Hải Triều
Bài tham dự: 418-957-VB321203

Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng, cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất. Ông cũng là người có số lượng bài viết nhiều nhất. Có lần ông cho biết ông dự trù khi về hưu, sẽ còn tiếp tục viết về nước Mỹ nhiều hơn. Bài mới nhất của ông là những góp ý về mối lo lắng cho "hồn việt," được đề cập trong một bài viết về nước Mỹ của mục sư Trần Thái Sơn, người vừa từ trong nước sang thăm Mỹ.

Nhân đọc bài "Phi lạc sang Mỹ: Hồn Việt" của mục sư Trần Thái Sơn, tôi nhận thấy vị mục sư mới từ Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ có vẻ bi quan truớc tình hình sinh hoạt trong các gia đình người Việt ở Mỹ và tỏ vẻ lo lắng cho sự "mất gốc" của người Việt hải ngoại. Tôi cũng ở trong số những người thường quan tâm đến vấn đề này và cũng theo gợi ý của Việt Báo, tôi viết bài này để chia sẻ với mục sư Sơn, quý vị đọc và viết trong mục "Viết Về Nước Mỹ" và cũng mong được đọc những ý kiến của quý vị về vấn đề này.
Sau khi được mời "Ăn cơm gia đình", mục sư Sơn tỏ ra băn khoăn khi ông thấy trong bữa ăn không có cơm, không thấy những đôi đũa quen thuộc và cũng không thấy con cháu có mặt đầy đủ trong bữa cơm gia đình theo kiểu Việt Nam.
Nhân nói đến chuyện cơm gạo tôi nhớ một hôm tôi đang ngồi nghỉ trong phòng giải lao của công ty thì có một bà Mỹ đến bắt chuyện và hỏi tôi về cách nấu cơm. Tôi nói với bà rằng việc nấu cơm dễ lắm, một đứa con nít cũng làm được. Bà ta nhìn tôi, hai mắt tròn xoe, có vẻ nghi ngờ về điều tôi vừa nói với bà. Tôi mời bà ngồi xuống chiếc ghế phía đối diện rồi bắt đầu "thuyết trình" về cách nấu cơm cho bà nghe. Tôi nói với bà là trước hết bà phải có cái nồi nấu cơm điện và tôi đã chỉ cho bà biết phải mua cái nồi ấy ở đâu. Tôi cũng chỉ cho bà mua gạo ở nơi nào. Tôi nói tiếp sau khi bà đã có nồi và gạo rồi muốn nấu cơm bà chỉ việc đong gạo, đem gạo đi vo, bỏ gạo vào nồi, đổ nước đến mức đãù vạch sẵn bên hông nồi tùy theo số "cup" gạo đã đong, sau cùng đậy nắp và nhấn nút. Tất cả công việc chỉ có vậy và bà chỉ cần chờ khoảng 20 phút sau là đã có cơm ăn. Khoảng một tuần lễ sau bà Mỹ đến gặp tôi, nét mặt bà tươi cười và bà khoe với tôi rằng bà đã nấu cơm thành công. Bà còn nói bà cũng đã chỉ lại cách nấu cơm cho mấy người bạn của bà.
Một lần khác khi đi mua gạo tại chợ Cosco, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng người Mỹ cũng là khách hàng mua gạo. Gặp tôi và vợ tôi, ông Mỹ rất vui vẻ chuyện trò với chúng tôi và ông còn góp ý với chúng tôi nên ăn loại gạo nào trong số những loại gạo được bày bán ở đây.
Tôi kể lại những chuyện này để thấy rằng cơm không còn là món ăn "độc quyền" của người Việt hay người Á Đông nữa. Trong nhiều gia đình người Mỹ hiện nay, cơm cũng là thực phẩm trong bữa ăn của ho. Nhiều người Mỹ cho rằng nhờ ăn gạo mà người Việt hay nói chung người Á Đông có thân hình nhỏ nhắn chứ không phì mập như người Mỹ. Có lẽ vì vậy mà càng ngày càng có nhiều người Mỹ ăn cơm khiến cho giá gạo tại chợ Cosco đã tăng gần gấp đôi so với giá bán lúc ban đầu khi gạo được đem bán ở đây.
Gạo được coi là loại lương thực chính yếu của người Việt. Người Việt mình ăn cơm hàng ngày nhưng lâu lâu cũng thích đổi bữa, ăn những thứ khác cho đỡ ngán. Đặc biệt khi có khách quý người ta thường đãi khách bằng những món ăn khác hơn thường ngày và trong trường hợp này cơm đã được thay thế bằng những thứ khác như bún, phở, bánh mì ... tùy theo cách chuẩn bị bữa ăn của các bà nội trợ. Mục sư Sơn hẳn nhiên là vị khách đặc biệt không những vì chức vị của ông mà còn là vì ông đến từ Việt Nam thì chủ nhà nhất định phải thết đãi đặc biệt rồi. Trong bữa "cơm" này không có cơm mà thay vào đó là thịt bò bíp-tết, tôm sú, cua, phô-mai, bánh mì. Những món ăn không phải là cơm được dùng thết đãi nói lên tấm lòng của chủ nhà đới với vị khách quý, chắc chắn không phải vì đã bỏ mất cái "truyền thống" ăn cơm của người Việt. Cũng vậy việc dùng muỗng, nĩa, dao (chứ không có đũa) là để sử dụng cho thích hợp với các món ăn được dọn ra cũng chẳng phải là dấu hiệu của sự "mất gốc" đâu.
Người Việt mình có tiếng là hiếu khách, không muốn làm mất lòng khách cho nên trong lúc tiếp đãi khách thường rất ý tứ. Đối với các vị khách đặc biệt, nhất là các vị tu hành, các chức sắc tôn giáo thì cách tiếp đãi càng trịnh trọng hơn cho nên mới dùng khăn ăn và cách tiếp đãi có hơi kiểu cách một tí. Nhưng điều này không có nghĩa đã đánh mất cái thật thà của nguời Việt Nam mà ngược lại chính cung cách này đã thể hiện thật đầy đủ cái "chất" Việt Nam ở trong cách tiếp đãi khách.
Người Việt Nam thích lối sống quây quần cho nên khi có đình đám thì bà con làng xóm thường quây quần lại. Trong gia đình khi có tiệc tùng nhân ngày giỗ chạp, ngày kỷ niệm hay là một dịp gì đặc biệt con cháu cũng thường quy tụ lại ăn uống vui vẻ. Thói quen ấy người Việt ở Mỹ không bỏ. Nhiều gia đình ở Mỹ vẫn có những buổi họp mặt đông đủ con cháu nhân một ngày kỷ niệm, ngày lễ hoặc có khi chỉ là ngày cuối tuần khi mọi người được nghỉ. Tôi muốn nhấn mạnh khi mọi người được nghỉ là vì khi mọi người không được nghỉ trong cùng một ngày thì việc đó không thực hiện được.
Ai cũng biết ởÛ Mỹ có nhiều ca làm việc, các ca làm việc lại bắt đầu vào giờ giấc khác nhau, những ngày làm việc trong tuần, thời gian làm việc trong ngày cũng không giống nhau tùy theo công ty. Thường thì người ta đi làm từ thứ Hai đến thứ Sáu và mỗi ngày làm 8 tiếng nhưng không phải ai cũng vậy. Có người bắt đầu đi làm từ thứ Bảy hay Chúa nhật hay một ngày nào khác trong tuần như trường hợp của tôi bắt đầu đi làm tối thứ Tư, làm mỗi đêm 12 tiếng, cứ một tuần ba đêm một tuần bốn đêm. Bởi vậy một cuộc họp mặt gia đình không đông đủ được khi có những người còn mắc đi làm ngoại trừ là một dịp thật đặc biệt thì phải xin nghỉ trước. Vì ngày giờ làm việc không giống nhau cho nên ngay những bữa ăn có đầy đủ người trong một gia đình nhỏ cũng đã là khó rồi nói chi đến chuyện đông đủ con cháu.
Một vấn đề khác khiến cho mục sư Sơn quan tâm là thế hệ người Việt thứ ba ở hải ngoại không biết nói tiếng Việt, chỉ nói được tiếng Mỹ nhưng có nhiều cha mẹ lại lấy đó làm hãnh diện. Nói đến vấn đề này tôi nhớ hồi mới qua Mỹ thấy mấy cháu bé Việt Nam ở gần nhà nói tiếng Mỹ dễ dàng và rất tự nhiên chúng tôi phục lắm, chỉ ao ước nói được như những đứa trẻ đó. Vì vậy mỗi khi có dịp chúng tôi rất thích nói chuyện bằng tiếng Mỹ với các cháu để bắt chước cách nói tự nhiên của các cháu.
Nhiều bậc cha mẹ cũng nghĩ như chúng tôi, ở nhà thay vì nói tiếng Việt với con họ lại tập nói tiếng Mỹ với con để luyện khả năng đàm thoại. Một thời gian sau họ mới nhận ra là họ đã phạm phải một lỗi lầm lớn. Cha mẹ chưa kịp nói rành tiếng Mỹ thì con cái đã quên hết tiếng Việt và thế là họ đã phải lãnh đủ hậu quả của sự sai lầm đó. Việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái trong gia đình càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Nhưng bên cạnh đó cũng có những cha mẹ rất quan tâm đến việc khuyến khích con cái nói tiếng Việt. Ở trong gia đình họ chỉ dùng tiếng Việt với con cái và luôn tạo điều kiện để con họ trau dồi tiếng Việt. Tôi biết có một bà mẹ đã phải lái xe đi xa hàng mấy chục dặm đường để cho con trai của bà có dịp nói tiếng Việt với các trẻ đồng trang lứa với cháu. Đúng là một bà mẹ đã dạy con biết "uống nuớc nhớ nguồn", biết trân quý tiếng nói của tổ tiên.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên chúng tôi đi lễ ngày Chúa nhật ở một nhà thờ Mỹ. Sau thánh lễ cha xứ thường xuống đứng ở phía cuối nhà thờ để chào từ biệt giáo dân. Gặp chúng tôi cha tỏ ra rất niềm nở và hỏi thăm chúng tôi nhiều điều. Khi thấy chúng tôi có vẻ ngượng ngùng vì phát âm tiếng Anh không được chuẩn thì cha vui vẻ nói chúng tôi đừng có bận tâm. Cha nói cho dù chúng tôi nói tiếng Anh có dở cách mấy thì cũng là biết được hai thứ tiếng trong khi cha chỉ biết nói có một thứ ngôn ngữ mà thôi.
Lúc đi làm có lần tôi được chỉ định làm việc bên cạnh một thanh niên Mỹ rất vui tính. Anh chàng này thích nói tiếng Việt nên cứ năn nỉ tôi dạy tiếng Việt cho anh ta. Tôi đồng ý dạy cho anh ta mấy câu thông thường như chào hỏi khi gặp nhau buổi sáng và một vài câu nữa. Anh ta uốn lưỡi thật khó khăn để nói theo tôi nhưng tỏ ra rất thích thú và cố gắng nói cho bằng được. Một buổi sáng anh ta dặn tôi vào làm việc hơi trễ một chút để chờ cho công nhân đến đông đủ. Anh ta dặn tôi chờ cho đến khi anh ta đang ở giữa đám công nhân thì tôi mới bước vào. Vừa thấy tôi, anh ta lên tiếng chào tôi trước bằng tiếng Việt trong lúc tôi chào lại bằng tiếng Anh và sau đó hai người chúng tôi trao đổi vài câu nữa bằng ngôn ngữ của nhau. Đám công nhân nhìn chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên còn anh ta thì vênh cái mặt lên cười khoái chí ra cái điều là anh ta biết nói hai thứ tiếng.


Theo kinh nghiệm, phần đông trẻ con trong các gia đình người Việt ở hải ngoại khi còn ở nhà đều nói được tiếng Việt nhưng sau khi đến trường học Mỹ thì quên dần. Một người biết được hai ngôn ngữ thì bằng hai nguời, có ai đó đã nói như vậy. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc duy trì khả năng nói tiếng Việt của các cháu khi các cháu đã có thể nói được ít nhiều. Thật là ổng phí khi để cho các cháu mất đi một ngôn ngữ khi mà các cháu không phải học ở đâu xa và cũng chẳng tốn tiền tốn bạc. Tuy nhiên việc này đòi hỏi phải có sự góp phần của cha mẹ mà ngặt một nỗi cha mẹ lại quá bận rộn với công việc nhiều khi không còn thì giờ cho con cái.Về điểm này tôi đồng ý với ý kiến là người già có vai trò "giúp hồi sinh tiếng mẹ đẻ". Ngoài giờ ở trường, những trẻ em có ông bà sẽ có thời gian gần gũi ông bà nhiều hơn với cha mẹ. Nếu ông bà biết tận dụng thời gian gần gũi các cháu, tìm cách gây thân thiện để nói chuyện với chúng thì chắc chắn khả năng nói tiếng Việt của chúng sẽ còn giữ được cho đến khi lớn lên.
Nhưng ta cũng không nên đòi hỏi quá nhiều đối với trẻ em Việt Nam ở thế hệ thứ ba này. Chúng nói tiếng Việt được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, không thể đòi hỏi chúng sử dụng tiếng Việt rành rẽ như một đứa trẻ sống ở Việt Nam được. Có người nói không nói được tiếng mẹ đẻ sẽ quên nguồn gốc. Cái đó chưa chắc, quên hay nhớ còn tùy vào tâm tính con người. Tôi biết có một cô gái người Mỹ gốc Việt đến Mỹ từ hồi còn nhỏ trong số trẻ mồ côi di tản năm 1975. Bây giờ lớn lên cô chẳng biết nói một câu tiếng Việt, chẳng biết cha mẹ là ai, cũng chẳng biết ai là họ hàng thân thích của mình nhưng gặp ai cô cũng nói nguồn gốc của cô là Việt Nam.
"Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", sống ở đâu thì phải theo ở đó. Các trẻ sinh đẻ ở Mỹ thì nói tiếng Mỹ là lẽ dĩ nhiên. Chúng bắt buộc phải rành rẽ tiếng Mỹ để có thể theo kịp bạn bè khi đi học, không nói rành rẽ tiếng Mỹ thì sau này làm sao chúng có thể thành công và có được một chỗ đứng trong xã hội Mỹ" Cũng đừng đòi hỏi những đứa trẻ này phải am tường lịch sử và địa dư của nước Việt Nam như là điều kiện để chúng yêu mến tổ quốc của cha ông. Ai sẽ dạy cho chúng đây" Ở trường chúng chỉ học lịch sử và địa dư của Hoa Kỳ, của các nước lân cận hay làø những nước có tầm quan trọng trên trường quốc tế chứ có ai dạy lịch sử và địa dư của nước Việt Nam ở nơi xa xôi kia" Gia đình có trách nhiêïm này ư" Chắc gì cha mẹ đã có thì giờ mà có thì giờ đi nữa chắc gì có đủ khả năng về các lãnh vực này.
Về điểm này tôi thấy chị Phạm Ngọc Bích, một tác giả của mục "Viết Về Nước Mỹ" rất có lý khi chị chỉ mong sao đứa con hai dòng máu của chị khi lớn lên sẽ biết được chút ít về quê hương của mẹ nó. Chẳng hạn khi nghe nói đến Sài Gòn, Huế, Hà Nội thì con chị sẽ biết được những nơi đó nằm ở phần nào trên đất nước Việt Nam. Tôi cho điều mong ước đó rất thực tế vì có thể làm được. Chỉ cần đưa cháu đến những nơi đó trong một lần về thăm quê hương. Đưa cháu đi thăm những di tích lịch sử, thăm những danh lam thắng cảnh tại những nơi đó thì chắc chắn những địa danh này sẽ được in sâu trong tim óc của cháu.
Đừng sợ người Việt hải ngoại sống xa quê hương sẽ quên nguồn gốc. Người Việt mình không phải là một dân tộc dễ quên cội nguồn. Hãy xem mỗi năm có bao nhiêu người trở lại quê cha đất tổ thăm lại mồ mả ông bà, có bao nhiêu nguời về quê mỗi dịp Tết đến. Hãy nhìn vào các hoạt động nhân đạo, những công cuộc cứu trợ của người Việt hải ngoại đối với những nạn nhân thiên tai, người cùi, cô nhi, thương phế binh tại quê nhà. Nhiều tổ chức từ thiện đã được thành lập, nhiều cuộc quyên tiền, nhiều nhac hội đã được tổ chức, nhiều nghệ sĩ trình diễn giúp để lấy tiền gửi về Việt Nam. Tiền quyên góp được đã được dùng để đào giếng, mua xe lăn cho người tàn tật, mua giường cho bệnh nhân, mua gạo phát cho người nghèo, xây cất trạm xá hay trường học tại thôn quê, giúp đỡ các trại cùi, anh em thương phế binh chế độ cũ ... đã nói lên tinh thần "Lá lành đùm lá rách" của người Việt hải ngoại.
Người Việt hải ngoại thấm thía câu nói "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" cho nên khi thấy cảnh hoạn nạn không thể bỏ qua. Mới đây một người bạn của tôi email cho tôi kể về hoàn cảnh của một bà cụ ở Quảng Nam. Cụ chỉ có một con trai duy nhất. Trước năm 1975 người con trai của cụ được miễn nhập ngũ vì lý do gia cảnh nhưng anh đã từ giã mẹ già và người vợ mới cưới tình nguyện lên đường tòng quân. Trong thời gian anh ở trong quân ngũ, vợ anh ở nhà bị trúng đạn pháo kích chết. Được ít lâu anh cũng bỏ lại cả đôi chân trên bãi chiến trường, trở thành người phế binh với cấp độ tàn phế 100%. Từ đó hai mẹ con đắp đỗi qua ngày bằng tiền trợ cấp thương phế binh. Sau năm 1975 chẳng còn trông vào đồng lương trợ cấp, bà cụ phải lăn xả vào mọi công việc kiếm sống. Nay cụ đã 91 tuổi vẫn còn phải đi làm để nuôi người con tàn phế. Có một bài thơ được viết ra kể lại tình cảnh mgười mẹ già và người con tàn phế. Bài thơ được đọc lên trong một buổi họp mặt khiến mọi người đều bùi ngùi cảm thương cho cảnh ngộ của cụ. Thế rồi chẳng ai bảo ai, mọi người mở bóp, mở ví và đã có được một số tiền gửicho cụ để an ủi cụ lúc tuổi già. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được trên internet những bản tin kể về một hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo của một gia đình ở Việt Nam. Những gia đình này sau đó đã nhận được sự giúp đỡ từ người Việt hải ngoại. Những việc làm đó cho thấy dù sống xa quê hương, người Việt hải ngoại không mất đi tình gắn bó với đồng bào ruột thịt.
Có người nghĩ rằng một khi thế hệ cha anh qua đi thì thế hệ con cháu sẽ không còn tha thiết với quê hương, với đồng bào nữa. Tôi không nghĩ như vậy khi tôi nhìn thấy sự tham gia ngày càng tích cực của giới trẻ vào các sinh hoạt cộng đồng, khi tôi nhìn thấy sự dấn thân của giới trẻ một cách hăng say vào các sinh họat bảo tồn văn hóa dân tộc, vào các cuộc tranh đấu đòi hỏi dân chủ, tự do và nhân quyền cho đồng bào tại Việt Nam. Có tha thiết với quê hương, với đồng bào ruột thịt họ mới làm được những việc đó.
Tôi đã được xem cuốn video số 41 của Trung tâm Asia, một cuốn video mà tôi nghĩ đã làm cho rất nhiều người Việt hài lòng khi nó nói lên được điều đáng nói. Đó là việc vinh danh những khuôn mặt trẻ tài ba của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Những Đinh Việt, Dương Nguyệt Ánh, Eugene Trịnh, Andy Quách, Dương Việt Quốc, Trần Thái Văn, Mina Nguyễn, Đạt Phan, Leyna Nguyễn ... đã làm rạng danh dân Việt. Những nhân vật tài ba này tôi đã từng nghe nói đến nhiều nhưng nay mới có dịp được chính mắt nhìn thấy họ và nghe họ nói. Những lời nói của họ càng làm cho tôi vững tin vào sự gắn bó của họ với quê hương và dân tộc Việt Nam. Qua cuốn băng ấy tôi lại càng xác tín rằng thế hệ trẻ sẽ không quên nguồn gốc của mình. Họ có thể không nói rành tiếng Việt, họ có thể không biết nhiều về dải đất hình chữ S nhưng chắc chắn họ biết họ đang mang trong người dòng máu Việt Nam.
Giáo sư Đinh Việt nói tên đầy đủ của ông là Đinh Đồng Phụng Việt và ông nhấn mạnh Phụng Việt có nghĩa là phụng sự Việt Nam. Thật là một câu nói làm mát lòng mát dạ người Việt. Nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh cho rằng người Việt không phải là gánh nặng mà đã đóng góp cho đất nước Hoa Kỳ. Câu nói đã thể hiện lòng tự hào dân tộc. Mina Nguyễn, Giám đốc giao tế của Bộ Lao Động cho biết cô hãnh diện là người Việt Nam. Đạt Phan, người mới đoạt giải trong một cuộc tranh tài gay go về kể chuyện cười do đài NBC tổ chức cho rằng điều quan trọng là phải luôn nhớ đến nguồn gốc của mình. Leyna Nguyễn nữ xướng ngôn viên xuất sắc của đài truyền hình nói cô coi cộng đồng Việt nam như người trong gia đình và nhấn mạnh thành công của cô cũng chính là thành công của mọi người Việt Nam.
Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại không được điều hành bởi một guồng máy chặt chẽ như các tổ chức chính quyền, cũng không có một ngân khoản tài trợ. Nhưng bằng cách này hay cách khác, bằng những sáng kiến và phươmg tiện khác nhau, người Việt hải ngoại đang nỗ lực duy trì văn hóa, bản sắc dân tộc. Hoạt động của người Việt hải ngoại hoàn toàn có tinh cách tự phát và xuất phát từ thiện tâm, thiện chí chỉ mong giữ được di sản của cha ông. Tôi nghĩ người Việt hải ngoại đã và đang làm những gì cần phải làm để "hồn Việt" còn mãi trong tâm khảm của những người dân Việt đang sống xa quê hương.

Hải Triều
+++

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,485,487
Nhạc sĩ Cung Tiến