Hôm nay,  

Một Mảnh Đời Trong "melting Pot"

11/03/200300:00:00(Xem: 216113)
Người viết: NAM HÀ
Bài tham dự số 3145-752-vb30311

Tác giả tên thật Đinh Văn Mạnh, 58 tuổi, hiện cư trú tại San Jose. Công việc đang làm: Chuyên trách chuyển vận và xuất, nhập cảng hàng hoá cho một công ty kỹ thuật điện tử tại Thung Lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông. Bài đang 2 kỳ.
*
Tôi lên đường nhận chức Sĩ Quan Liên Lạc cho Hải Quân VNCH tại Trung Tâm Tiếp Liệu Hải Quân Hoa-Kỳ (TTTL/HQ/HK) tại Oakland, Califonia tháng 9 năm 1974 giữa lúc tình hình quân sự bên nhà không mấy ổn định. Cộng Sản đang ngang nhiên vi pham Hiệp Đinh Ba-Lê mà họ đã ký kết một năm trước đó: vây hãm và tấn kích tiền đồn Tống Lê Chân do Biệt Động Quân QL/ VNCH trấn giữ nhiều tháng trời, đánh phá hai tỉnh Bình Long và Phước Long mà Hoa-Kỳ hoàn toàn im lặng, chẳng phản ứng cũng chẳng cho vũ khí mới để thay thế những vũ khí bị hư hại trong những trận tự vệ này như họ đã cam kết để đổi lấy chữ ký của chính phủ ta trên bản Hiêp Định mà họ tự soạn thảo với cộng sản Bắc Việt.
Bước sang năm 1975, tình hình đất nước ngày càng trở lên sôi động hơn. Tôi rất lo lắng vì những diễn biến chính trị, quân sự, ngoại giao đang xảy ra hoàn toàn bất lợi cho VNCH. Về chính trị thì phe cổ võ cho 1 chính phủ ba thành phần tại quốc hội VNCH xem ra đang ở thế thượng phong. Thể chế Trung Lập cũng đã đựơc họ manh nha úp mở đề cập. Về quân sự thì CSBV đã tiến chiếm thị xã Ban Mê Thuột, và về ngoại giao thì chính phủ Mỹ đã chán ngấy với cuộc chiến VN, muốn dứt điểm tại đây nên nhất định không chịu chi thêm 300 triệu Mỹ Kim còn lại trong số 1 tỷ mà họ đã chuẩn chi trước đó cho năm này. Những cuộc điều trần của Tổng Thống Ford, Tổng Trưởng Quốc Phòng và Tổng Trưởng Ngoai Giao Hoa Kỳ đến toát cả mồ hôi trán nhằm xin Quốc-Hội HK giải toả số tiền viện trợ oan nghiệt ấy cho VNCH mà vẫn không lay chuyển được lập trường của một Quốc Hội chủ hoà lúc bấy giờ.
Đến giữa tháng 4/75 thì tình hình bên nhà thật sự rối loạn và nguy ngập, chính phủ ta đã bỏ tỉnh này, tỉnh nọ, quân, dân chen lấn nhau tìm đường thoát thân chết rất thảm hại. Một hôm tôi xin gặp Đề Đốc Chỉ Huy Trưởng TTTL/HQ Oakland để nhờ ông liên lạc với giới chức Mỹ tai Việt Nam lo di tản gia đình tôi sang Mỹ vì khi ấy Mỹ đã bắt đầu di tản một số người VN sang Guam rồi. Ngay ngày hôm ấy, ông đã đánh 2 công điện cho vị sĩ quan đối nhiệm của tôi tại VN lúc ấy là một Đại-Úy HQ/ HK và ra lệnh cho Đại Úy này chấm dứt nhiệm vụ thường ngày để chỉ lo cho vợ con tôi ra đi, xong thì ông ta cũng rút về Mỹ luôn.
Hai ngày sau, khi tôi vô sở làm việc như thường lệ, thì chính vị Đề Đốc Chỉ Huy Trưởng này đã gọi điện thoại báo tin cho biết vợ tôi cùng 4 con nhỏ từ 1 đến 6 tuổi và một người em vợ 10 tuổi đang trên đường sang Guam. Biết gia đình đã được di tản an toàn, tâm trí tôi nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng từ lâu lắm và hết lòng cám ơn ông Chỉ Huy Trưởng đã tận tình giúp đỡ tôi.
Hai tuần lễ sau, ngày 30 tháng 4, ông Dương văn Minh, Tổng-Thống sau cùng của VNCH, tuyên bố đầu hàng, tôi đã gục đầu khóc thật nhiều tại bàn làm việc, khóc nức nở, khóc như cha chết, mẹ chết vì tôi biết quân đội VNCH mà tôi rất mến yêu là một quân đội hùng mạnh, thiện chiến đứng hàng thứ tư trên thế giới, chứ đâu có ươn hèn, yếu nhược để đến nỗi phải đầu hàng nhục nhã như thế. Quân đội tan, thì chức vụ của tôi cũng chẳng còn, nên tôi lấy bao giấy đựng đồ thực phẩm (grocery bag) chụp lá cờ vàng 3 sọc đỏ có chạy ren vàng chung quanh rất xinh xắn thường để trên bàn làm việc của tôi hàng ngày để mang về nhà trọ (apartment) cùng với một vài món đồ cá nhân khác. Sự "hạ cờ" nhục nhã này lại càng làm cho tôi tủi hổ với người Mỹ trong sở và với 3 vị sĩ quan liên lạc khác của hải quân Canada, Nhật Bản và Australia trong đơn vị, và tôi lại rú lên khóc như một người điên. Thấy tôi xuống tinh thần đến cực độ, Đề Đốc Chỉ Huy Trưởng và các sĩ quan làm việc trực tiếp với tôi đã chỉ định 2 vị Trung Úy hải quân trẻ đưa tôi về apartment và ở với tôi vài ngày để chuyện vãn hầu giúp tôi khuây khoả dù phòng trọ của tôi chỉ là một studio nhỏ hẹp với một giường đơn cho một người nằm, một bếp, một phòng tắm và cầu tiêu.
Nhằm giúp tôi bận bịu với công việc hầu vơi đi phần nào sự buồn chán vì cảnh nước mất, nhà tan, quân đội bị bức tử, vị Chỉ Huy Trưởng đơn vị yêu cầu tôi tiếp tục vô sở làm việc thêm một thời gian nữa để giúp giải toả những công viêc còn giang dở của Hải Quân VNCH. Đôi khi họ cũng cho xe đưa tôi sang Presidio bên San Francisco thăm viếng và thông ngôn cho khoảng 50 em bé mồ côi Việt-Nam được ông Ted Daly, chủ một hãng máy bay Mỹ bốc vội tại phi trường Tân Sơn Nhứt vào lúc rối loạn và đem về Mỹ. Những ngày này, tôi chỉ bận đồ dân sự đi làm thay vì quân phục với mũ nón và quân hàm đại úy của Hải Quân và giầy đen bóng loáng như trước.
Bây giờ tôi không còn là một Đại Uý sĩ quan liên lạc của Hải Quân của một nước VNCH nữa, mà chỉ là một thường dân vô tổ-quốc, một người tị nạn (refugee) - người cùng đinh trong cái xã hội mới này, nên thái độ của người Mỹ, quân nhân cũng như dân chính trong đơn vị đối với tôi cũng đã thay đổi. Họ không còn niềm nở hay dạ dạ, vâng vâng nhã nhặn với tôi như trước nữa. Điều này làm cho tôi thêm suy tư và buồn nản không ít cho nhân tình thế sự, và tôi lại khóc! Tôi ước mơ được sớm về lại quê hương sinh sống dù nghèo nhưng vẫn vui hơn cái cảnh bạc bẽo hành hạ tinh thần này.
Trong thời gian này, một số phu nhân các vị sĩ quan Mỹ trong đơn vị đã kêu gọi nhau quyên góp quần áo, chăn, mùng, mền và tiền bạc để giúp đỡ gia đình tôi lúc ban đầu khi chúng tôi đoàn tụ. Riêng vị Trung Tá, xếp trực tiếp của tôi biết tôi có một gánh nặng trước mắt: 1 vợ 4 con cộng thêm 1 em vợ và cả tôi nữa, vị chi là 7 người, một gia đình quá lớn so với tiêu chuẩn của Mỹ, nên đã lo đưa tôi đi xin trợ cấp xã hội (welfare) và tìm nhà chính phủ (housing) cho gia đình tôi ở. Ổng cũng lo kiếm việc cho tôi nữa.
Một buổi chiều nọ sau bữa cơm trưa, ổng chở tôi đi xin trợ cấp xã hội (welfare). Ổng chẳng dặn dò gì với tôi trước, nên khi đến sở xã hội, tôi đã thực thà trả lời những câu hỏi của đơn xin. Tôi khai tôi có hơn 2 ngàn Mỹ Kim trong trương mục tiết kiệm tại chi nhánh ngân hàng Wells Fargo trong TTTL/HQ. Do đó, bà cán sự xã hội đã bác đơn của tôi ngay lập tức chỉ vì 2000 MK này. Tôi giải thích cho bà ta: "Đây là số tiền tôi tiết kiệm được để về giúp đỡ gia đình, nhưng nay nước tôi đã mất, quân đội tôi đã tan như bà đã thấy qua tin tức đó, tôi phải ở lại đây, gia đình tôi đang trên đường đến Mỹ, thì số tiền này chỉ đủ để trả tiền nhà, mua sắm giường chiếu, quần áo cho vợ con tôi và tiền thực phẩm cho một, hai tháng đầu là hết". Bà ta nói: "Tôi hiểu! Ông cứ về ăn hết đi rồi mai trở lại khai không còn đồng nào nữa thì tôi cho ngay." Tôi nói "Dạ, cám ơn bà", rồi hai chúng tôi kéo nhau ra về.
Ra khỏi cửa, ông Trung Tá nhìn tôi cách ái ngại, nói "Tôi không dám xúi Đại-Uý nói láo, nhưng vì Đại-Uý khai vậy nên tôi cũng không biết làm sao". Tôi nói: "Không sao đâu, Trung-Tá", rồi chúng tôi lên xe về sở, và không bao giờ trở lại. Trên đường đi, ông đưa tôi qua khu nhà housing cũ kỹ xây từ hồi thế chiến thứ hai ở vùng West Oakland, và nói tôi có thể xin được nhà ở miễn phí hay với giá thật hạ ở khu này. Nhìn khu nhà kém bảo trì và gọn sạch, tôi đã bắt đầu phân vân.
Về việc làm, ông dẫn tôi đến xin một việc về kế toán của một người chắc ông ta có quen biết trước cũng ở vùng Oakland, vì tôi nói tôi tốt nghiệp trường Quốc-Gia Thương-Mại ở VN, có biết về kế toán. Nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Sau cùng ông kiếm cho tôi một chân ở nhà kho của Navy Exchange (giống như một Department Store ở ngoài) của Hải Quân HK nhằm bán đồ với giá hạ và không thuế cho quân nhân Hải Quân, tại căn cứ Không Quân của Hải Quân (Naval Air Station), thành phố Alameda, sát nách với thành phố Oakland.
Ngày nhận việc, tôi được dặn trước đến trình diện thẳng với ông supervisor. Theo tên họ (last name), tôi nghĩ ông ta cũng thuộc loại di dân nhưng lâu đời hơn mình. Mặt ông dài và tai tái thiếu hẳn vẻ thân thiện. Ông ta hỏi tôi sơ sơ vài câu rồi sai một nhân viên khác lấy cho tôi chiếc áo choàng màu xanh lơ nhạt dài đến đầu gối để khoác ngoài cho khỏi dơ quần áo của mình, và chỉ sơ cho tôi phaỉ làm những gì. Ông ta lái xe nâng hàng (forklift) chạy lung tung trong nhà kho, bỏ thùng hàng này lên kệ, lấy thùng hàng kia xuống, đôi khi cũng mở thùng ra đếm, hoặc dán giá cả lên từng món hàng. Nhà kho này, ngoài ông supervisor và tôi ra, còn hai nhân viên Mỹ nữa, một nam và một nữ, tuổi xấp xỉ khoảng 30 hay trẻ hơn một chút. Ho ăn mặc luộm thuộm, luôn mở radio lớn rất ồn ào. Mỗi khi gặp, họ chỉ "hello" tôi cộc lốc chứ không hỏi han ân cần gì cả. Trừ 15 phút giải lao cho mỗi buổi sáng và chiều, họ luôn luôn lầm lì, khuân vác hùng hục như trâu suốt ngày.
Mỗi lần phải bê một thùng hàng nặng hay phải đếm hoặc dán giá lên những món hàng lặt vặt nhỏ bé, tôi lại nghĩ đến những ngày tôi còn là một Đại Uý, đại diện của một Hải Quân của một nước, làm việc với hàng chục nhân viên, quân có, dân chính có, ra vào có người chào, kẻ nghiêm rồi tôi lại tủi cho số phận mình, và tôi lại khóc! Tuy nhiên, khi nghĩ đến những vị quan to, chức lớn cũng xuống "chó" như tôi, chắc còn bị dằn vặt, khổ tâm hơn nhiều, thì tôi lại cảm thấy nguôi ngoai đôi chút.
Một buổi sáng nọ, sau vài tuần làm ở dưới nhà kho, có một bà Mỹ mặt mũi nhân hậu xuống gặp tôi. Bà tự giới thiệu là Diane Rivard, phu nhân Trung Tá Chỉ Huy Phó Căn Cứ Không Quân Hải Quân Alameda. Bà nói bà muốn tôi lên làm việc với bà. Có lẽ vợ chồng ông bà này đã biết về tông tích của tôi, nên muốn giúp cho tôi bớt tủi thận chăng. Bà theo đạo công-giáo và là Manager của Personalized Services Department, chuyên bán những món hàng giống như một gift shop.
Làm ở đây, tôi cảm thấy được an ủi và thoải mái hơn ở nhà kho nhiều vì nó sạch sẽ, mát mẻ, đèn điện sáng choang, và nhất là không phải khuân vác gì hết, dù bà chỉ trả tôi $3.09 MK một giờ lúc ban đầu. Hơn 1 năm sau, tôi cũng chỉ được lên $4.62 MK một giờ mà cũng bị các nhân viên Mỹ cùng Department xì xèo phân bì này nọ. Hồi đó, tiền còn có giá, lương chỉ tăng vài chục xu (cents) mỗi lần là cao lắm. Lương tôi cầm về mỗi kỳ (2 tuần) chỉ có hơn $500.00 sau khi đã trừ thuế má, bảo hiểm mà chúng tôi vẫn sống thoải mái, và còn để dành đôi chút.
Sau gần một tháng tạm trú tại Guam để làm thủ tục giấy tờ, vợ con tôi đã được di chuyển về một trại tỵ nạn nằm trong căn cứ Không Quân Elgin Air Force Base, tiểu bang Florida. Đây là chuyến bay chở nhóm di cư VN đầu tiên đến Tiểu Bang này, nên vợ tôi cho biết các chức năng trách nhiệm ở đây đã tổ chức cuộc tiếp đón khá nồng nhiệt với kèn trống rình rang, làm cho dân ta cảm thấy được welcome, chứ không bị ném cà chua, trứng thối như đã xảy ra tại trại Thuỷ Quân Lục Chiến Camp Pendleton ở California.
Vì nhà tôi là một phụ nữ trẻ (26 tuổi) có 4 cháu nhỏ và một đứa em trai 10 tuổi, nên sau khi máy bay đáp xuống phi truờng, vợ con tôi và những ngườI có con nhỏ được ưu tiên xuống trước. Sự kết thúc cuộc chiến, và làn sóng người VN di cư lúc ấy đang là đề tài nóng bỏng cho giới truyền thông HK khai thác, nay lại là chuyến bay di cư đầu tiên đến Florida mà người xuống trước là một phụ nữ mảnh khảnh, tay bồng, tay dắt 5 đứa nhỏ (kể cả đứa em trai) mà không có chồng đi theo phụ giúp, đã thu hút được sự chú ý của giới truyền hình và phóng viên báo chí địa phương không ít. Họ đã đổ xô đến bao quanh phỏng vấn vợ tôi về việc ra đi như thế nào, chồng còn sống hay chết và ở đâu vân vân. Nhà tôi khai chồng là ĐVM, đại uý Hải Quân VNCH, đang làm sĩ quan liên lạc tại TTTL/HQ/HK ở Oakland, California. Bài phỏng vấn với hình ảnh nhóm tị nạn đầu tiên này được phổ biến trên báo chí địa phương ngày hôm sau, và qua sự quan tâm của các sĩ quan HQ/HK tại Florida, Hawaii, và Oakland, CA. tôi đã có được bài báo phỏng vấn này và lưu giữ mãi cho tới hôm nay như một bảo vật để làm cột mốc cho lịch sử của gia đình tôi trên đất Mỹ.


Sau khi đoàn tỵ nạn đã xuống hết máy bay, họ được chuyển ngay về trại tạm cư trong căn cứ Không Quân nói trên bằng những chiếc xe buýt lớn. Vài ngày sau, ban điều hành trại đã giúp nhà tôi liên lạc với tôi ở Oakland, CA. Lúc đầu, tôi cứ tưởng chính phủ Mỹ sẽ cấp cho mỗi gia đình tỵ nạn một căn nhà tiền chế để ở như họ đã giúp chính phủ Ngô Đình Diệm làm cho người Bắc di cư vào Nam năm 1954, nên tôi bảo vợ tôi nán ở trong trại một thời gian để nghe ngóng xem có thấy gì không, chứ nếu về đoàn tụ với tôi ngay thì họ tưởng mình có khả năng tự túc tự cường rồi không giúp gì cả thì mình thiệt; nhà tôi đồng ý. Do vậy, ban điều hành trại cứ gọi vợ tôi lên hai, ba lần và hỏi tại sao không muốn về đoàn tụ với chồng... Bây giờ, đôi khi nghĩ lại tôi thấy bật cười vì sự ngây ngô của mình lúc đó.
Sau cuộc di tản vội vã, lại thêm bao nỗi lo lắng và mệt nhọc với lũ con nhỏ, vợ tôi đã bị kiệt sức nhiều, nên những ngày đầu ở trại, hễ rảnh, vợ tôi lạI lăn ra ngủ vùi ngủ dập, nhiều khi quên cả lấy cơm, nuớc cho con cái và thằng em ăn. Cũng may trong trại có một ông đại úy không quân rất tốt, ông ta nhờ người vợ và hai cô con gái đã lớn luôn thay phiên nhau vào trông nom, săn sóc các con tôi. Họ tắm rửa, thay tã, đưa đi bác sĩ, cho uống thuốc và ăn uống vân vân. Đứa con gái út 1 tuổi của chúng tôi kể từ khi di tản đã bị ỉa chảy hoài, nên được họ chăm sóc rất kỹ lưỡng. Những buổi chiều mát, thì gia đình ông lại đem xe vào trại đón cả mấy mẹ con và cậu em ra ngoài phố ăn uống và tản bộ cho khuây khoả.
Sau chừng một tháng ở trong trại mà chả nghe thấy tin tức gì về chính phủ giúp đỡ nhà cửa, trong khi đó thì nhiều người đã bỏ trại đi theo người bảo trợ, nên tôi bảo vợ tôi lên văn phòng trại xin họ làm giấy cho mẹ con về đoàn tụ với tôi ở Oakland, CA. Và họ đã làm vé máy bay quân sự đưa gia đình tôi về phi trường quân sự Travis, CA. Khi rời trại tạm cư, cũng gia đình ông bà đại úy không quân này tiễn đưa vợ con tôi lên phi trường, và cả hai bên cùng bịn rịn quyến luyến khóc như mưa. Rất tiếc, vợ tôi đã quên không hỏi tên hay địa chỉ của họ, nên chúng tôi đã mất liên lạc với gia đình ông ta kể từ đó. Chúng tôi rất mong muốn tìm lại họ, nhưng không có một chút tin tức gì để khởi sự ngoài nơi ông đã phục vụ trước đây. Những ngày thành hôn của 4 đứa con, chúng tôi lại nhớ đến họ và ao ước có họ đến chung vui, nhưng đành chịu!
Ngày vợ con tôi về phi trường Travis, ông Đai Tá già trưởng phòng Hành Chánh/Nhân Viên của TTTL/HQ đã đích thân đưa tôi đi đón bằng chiếc xe Station Wagon màu nâu nhạt rộng rãi của ông. Sau nửa giờ chờ đợi, những người khách đầu tiên của chuyến bay đi ra cũng vẫn là 5 mẹ con nhà tôi và cậu em. Vợ tôi gầy guộc quá làm tôi hết sức ngỡ ngàng, cả 4 đứa con và cậu em cũng vậy. Người nào mặt mũi cũng bơ phờ và đen xạm vì những ngày ở lều vải nóng bức bên Florida. Hành lý của 5 mẹ con và cậu em chỉ là 4 thùng carton vuông nhỏ đựng quần áo của 6 người và ít hình ảnh trắng đen của gia đình, nên chúng tôi đã có thể lên xe ra về Oakland ngay.
Sau hơn 1 giờ lái xe, chúng tôi đã về tới TTTL/HQ và được đưa thẳng đến khu cư xá sĩ quan để ở tạm một thời gian. Phòng ốc rộng rãi, mát mẻ vì máy điều hoà, giường nệm mới tinh, cam, táo, nho tươi đã bầy sẵn sàng trên bàn, một vài hộp đồ chơi mới mua dành cho con chúng tôi cũng đã để sẵn trong căn phòng thứ hai. Nhưng chúng tôi chỉ ở đây có một đêm, rồi ngày hôm sau tôi lên cám ơn sự giúp đỡ và sắp đặt của các sĩ quan trách nhiệm, đồng thời xin họ cho chúng tôi ra ở căn phòng trọ studio tại đường Madison, gần hồ Lake Merrit, mà tôi đã từng ở trước khi vợ con tôi qua, tuy có chật nhưng cũng tự do, thoải mái hơn. Và họ đồng ý. Vị Đại Tá trưởng phòng Hành Chánh/Nhân Viên lại lấy chiếc xe Station Wagon của ông chở chúng tôi và đồ đạc ra nhà trọ cho chúng tôi. TTTL/HQ cũng cấp cho chúng tôi 6 chiếc tủ đựng quần áo làm bằng gỗ Oak, đánh vẹc-ni bóng loáng rất đẹp (loại dành cho sĩ quan), 6 chiếc mền nỉ mầu xám tro rất ấm, và cho mượn 4 túi ngủ (sleeping bags) mầu xanh lục của bộ binh.
Bà chủ căn nhà trọ biết hoàn cảnh của tôi, nên cũng dễ dãi để cho 7 người chúng tôi ở trong căn phòng studio này mà không khó dễ hay lên giá. Đúng ra, bà cũng đã từng có ý định nhờ xứ đạo của bà đứng ra bảo trợ cho gia đình tôi khi bà biết tôi là người Việt Nam và đất nước tôi đã bị bọn cộng sản Bắc phương cưỡng chiếm, nhưng chắc trở ngại sao đó, bà im luôn. Đại Uý NVB, vị sĩ quan liên lạc tiền nhiệm của tôi, có vợ con rồi, chả hiểu sao đã chỉ chạy sang đây có một mình, cũng đến ngủ ké với chúng tôi một thời gian cho đỡ buồn. Vài tuần đầu chúng tôi ở đây, thì mấy vị phu nhân của bộ chỉ huy TTTL/HQ có đến tận nơi thăm viếng và trao cho vợ tôi mỗi lần 20 Mỹ Kim mà họ đã thu góp với nhau để giúp chúng tôi mua thực phẩm. Vật giá lúc này còn rất rẻ. Xăng xe chỉ có 25 xu 1 gallon, nên 20 Mỹ Kim mua được cả một xe đẩy đầy ắp đồ ăn cho cả tuần.
Những ngày trong tuần, phu nhân của Đại Uý Peter Bondi, sĩ quan đối nhiệm của tôi ở Việt-Nam nói trên, và 1 người bạn của bà tên Nancy, phu nhân Trung Tá Không Quân Lynn Mayfield ở cùng trại gia binh ở Alameda hằng ngày thay nhau đưa xe sang đón vợ con tôi về nhà họ để dạy tiếng Anh và chỉ dẫn về nếp sống Mỹ. Từ Oakland sang Alameda phải đi qua một quãng đường hầm tối, đèn điện lù mù mà các bà ấy cứ lái xe chạy vù vù. Vợ tôi thầm phục họ giỏi quá, và tự nghĩ biết bao giờ mình mới được như vậy. Bù lại lòng tốt của họ, vợ tôi thường giúp họ dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, sắp xếp quần áo sau khi họ đã giặt, xấy xong vân vân. Và cứ khoảng 3 giờ chiều mỗi ngày thì họ lại đưa vợ con tôi về nhà trọ và không quên trao cho nhà tôi 20 Mỹ Kim. Thấy họ tử tế quá lại dạy tiếng Anh và chỉ dẫn đủ thứ mà lại còn cho tiền nữa thì thật vợ tôi không dám nhận. Nhưng vì họ cứ nài nỉ, giải thích này nọ để nhà tôi đừng nghĩ ngợi chi mà vui vẻ lấy.
Ở apartment này khoảng hai tháng thì chúng tôi bắt đầu đi tìm nhà thuê để gia đình ở thoải mái hơn. Do bà quản lý (manager) của khu apartment tôi ở mách nước, vợ chồng tôi đi xe bus lên khu chung cư Acorn toạ lạc tại góc đường Filbert và đường số 8 ở Oakland để tìm hiểu. Đây là khu chung cư dành cho những gia đình có lợi tức thấp được chính phủ tài trợ qua Section 8, mà hầu hết cư dân là người Mỹ đen. Sau khi nghe chúng tôi trình bày hoàn cảnh và ý định, bà quản lý đã mau mắn dành cho chúng tôi ngay một căn gồm 4 phòng ngủ riêng bịêt trên lầu, phòng khách, phòng giặt và nhà bếp ở lầu dưới, sau nhà có sân xi-măng để chơi, một miếng đất nhỏ bao quanh để trồng hoa hay rau và ngoài cùng là hàng rào gỗ kín đáo bảo vệ sự riêng tư rất an ninh. Thấy căn nhà quá đẹp và ngăn nắp mà cả đời mình chưa từng có, lại chỉ phải trả có 80 Mỹ Kim một tháng, hai vợ chồng tôi rất vui mừng, cám ơn bà quản lý và ký giấy mướn liền, chẳng sợ hay nghĩ gì đến Mỹ đen, Mỹ đỏ chi cả. Thật đúng là "điếc không sợ súng"! Vả lại, lúc ấy tội ác ở những khu như vậy cũng không dữ dằn như bây giờ.
Đúng ngày hẹn trong giấy tờ, chúng tôi dọn đến khu nhà mới này. Chúng tôi lại gọi vào TTTL/HQ để nhờ ông Đại-Tá già trưởng phòng Hành Chánh/Nhân Viên mang xe đến giúp chúng tôi di chuyển đồ đạc. Nhưng lần này không phải chỉ có 4 thùng cạc-tông (carton) đơn giản như lúc mới đến, mà toàn đồ người bảo trợ cho lỉnh kỉnh đủ thứ cũng chất kín hết cả khoang xe bên trong và chồng chất ngất ngư trên nóc và phải đi hai chuyến. Những ngày đầu ở đây, mỗi sáng sau khi tôi đi làm rồi, thì vợ tôi ở nhà lại ôm mấy con vào giường trùm chăn kín mít, không dám thở mạnh và không giám động đậy gì vì sợ Mỹ đen nó biết, nó vào thì chết (vợ tôi nghĩ vậy)! Tôi tự hiểu rằng mình là thiểu số trong các thiểu số (minority of the minorities), lại đang ở trong "hang cọp", nên tôi chủ trương phải luôn luôn "dĩ hoà vi quý" và dặn vợ con tôi và cậu em hễ gặp hàng xóm Mỹ đen bất kể lớn, bé, già, trẻ chúng tôi đều chào hỏi (hello) họ trước. Nhờ vậy mà trong gần 3 năm ở đây, gia đình tôi đã không bị phá phách gì hết. Thậm chí có ông hàng xóm ở cách chúng tôi 2,3 căn đi câu cá về 12 giờ khuya còn gõ cửa cho chúng tôi cá. Rồi để cho "phe" mình lớn mạnh, mỗi khi xuống phố Tầu đi chợ, hễ gặp đồng hương mới tới, là chúng tôi rủ họ dọn về khu này ở cho rẻ, và kết cuộc thì chúng tôi rinh được 5, 6 gia đình về đây. Và trong tinh thần "bán anh em xa mua láng giềng gần" chúng tôi đã qua lại với nhau rất vui vẻ. Bây giờ do nghề nghiệp, mỗi người mỗi phương nhưng chúng tôi vẫn còn liên lạc với nhau rất mật thiết.
Trong thời gian ở đây, vợ tôi được một ông Trung Tá Hải Quân trừ bị HK, có cơ sở tham vấn về chuyển vận hàng hoá và thanh tra các hoá đơn chuyển vận cho khách hang, cho vợ tôi làm bán thời gian (part time) lưu trữ và cập nhật giá biểu (tariffs) chuyển vận hàng hoá. Lúc đầu, vì vợ tôi không rành tiếng Anh, nên tôi phải lên làm thông ngôn để giúp vợ tôi giữ được việc làm. Ấy thế mà ổng cũng trả lương giờ cho tôi rất hậu hĩ. Tôi từ chối không lấy thì ổng không chịu bảo rằng làm như vậy thì không công bằng (fair) cho tôi. Mùa hè, con lớn chúng tôi không đi học, theo má lên sở làm cho vui, ổng cũng trả tiền nữa. Nhũng ngày không đi làm, thì vợ tôi đi học nghề tại cơ quan CETA có trả lương mỗi giờ hơn 3 Đô. Sau khi tốt nghiệp ở trường này, vợ tôi đã kiếm được một việc làm với hãng Bechtel, một công ty xây cất nổi tiếng tại San Francisco.
Cuối năm 1978, do một người bạn Hải Quân thân níu kéo, chúng tôi đã theo gia đình anh lên Rodeo (gần Pinole, cạnh xa lộ 80) và mua được một căn nhà mới cất với giá 65 ngàn Mỹ Kim qua 1 chương trình đặc biệt của chính phủ theo đó chúng tôi chỉ trả trước (down payment) 5, 6 ngàn và mỗi tháng trả 300 Mỹ Kim cho 5 năm đầu và sau đó trả trên 500 MK một tháng cho 25 năm còn lại. Cũng trong thời gian này, ông chủ hãng cho vợ tôi việc làm part time nói trên, lại giới thiệu cho tôi một việc làm tốt hơn với hãng dầu hoả Sohio bên San Francisco, lúc đầu chỉ cách sở làm của vợ tôi 3, 4 dẫy phố, sau này chỉ cách nhau 1 con đường. Ngày ngày vợ chồng chúng tôi đi đi, về về bên nhau như một cặp chim thân tình đi tha mồi về tổ nuôi con.
Áp lực tiền nhà, tiền học cho con, tiền bills đủ thứ mỗi tháng đã khiến vợ chồng tôi thưc sự rơi vào guồng máy lao động tối tăm mật mũi ở xã hội mới này lúc nào không hay. Ngày nào chúng tôi cũng phải rời nhà từ 6 giờ sáng, lái xe một quãng lên thành phố San Pablo để đón xe bus, hoặc lên tận El Cerito để đón xe điện tốc hành (BART) chui qua đường hầm dưới biển sang San Francisco làm việc đến 6 giờ tối mới về tới nhà. Mỗi ngày chúng tôi chỉ thấy mặt mũi con cái chừng 4 tiếng là nhiều lắm. Có những buổi chiều trời mưa to gió lớn, sấm sét ầm ầm, bốn đứa con nhỏ chúng tôi sợ hãi, quấn mền chui xuống gầm bàn nấp, đợi đến khi nghe tiếng mẹ về mở cửa bước vào nhà mới ùa ra níu chật lấy mẹ khóc nức nở. Riêng tôi, những ngày phải đi học tối để tiến thân sau 8 giờ làm việc ở hãng, thì phải ở lại chờ từ 4 giờ rưỡi tới 6 hay 8 giờ tối mới có lớp học. Và thường thì khi về đến nhà đã hơn 11 giờ đêm, các con tôi đã say ngủ tự bao giờ, bố con chẳng thấy mặt nhau. Thân xác tôi đã rã rời, tôi chỉ còn đủ sức hâm một tô cơm với đồ ăn trộn hổ lốn và ăn vội để còn đi ngủ, lấy sức "cầy" cho ngày mai.
Một mảnh đời tại một nước Hoa Kỳ giàu có, cũng mệnh danh là "a melting pot" là thế đó.

Nam Hà
San Jose, California
Tháng 2, 2003

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,515,262
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến