Tác giả tên thật Đinh Văn Mạnh, 58 tuổi, hiện cư trú tại San Jose. Công việc đang làm: Chuyên trách chuyển vận và xuất, nhập cảng hàng hoá cho một công ty kỹ thuật điện tử tại Thung Lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông. Bài đang 2 kỳ.
*
Tôi lên đường nhận chức Sĩ Quan Liên Lạc cho Hải Quân VNCH tại Trung Tâm Tiếp Liệu Hải Quân Hoa-Kỳ (TTTL/HQ/HK) tại Oakland, Califonia tháng 9 năm 1974 giữa lúc tình hình quân sự bên nhà không mấy ổn định. Cộng Sản đang ngang nhiên vi pham Hiệp Đinh Ba-Lê mà họ đã ký kết một năm trước đó: vây hãm và tấn kích tiền đồn Tống Lê Chân do Biệt Động Quân QL/ VNCH trấn giữ nhiều tháng trời, đánh phá hai tỉnh Bình Long và Phước Long mà Hoa-Kỳ hoàn toàn im lặng, chẳng phản ứng cũng chẳng cho vũ khí mới để thay thế những vũ khí bị hư hại trong những trận tự vệ này như họ đã cam kết để đổi lấy chữ ký của chính phủ ta trên bản Hiêp Định mà họ tự soạn thảo với cộng sản Bắc Việt.
Bước sang năm 1975, tình hình đất nước ngày càng trở lên sôi động hơn. Tôi rất lo lắng vì những diễn biến chính trị, quân sự, ngoại giao đang xảy ra hoàn toàn bất lợi cho VNCH. Về chính trị thì phe cổ võ cho 1 chính phủ ba thành phần tại quốc hội VNCH xem ra đang ở thế thượng phong. Thể chế Trung Lập cũng đã đựơc họ manh nha úp mở đề cập. Về quân sự thì CSBV đã tiến chiếm thị xã Ban Mê Thuột, và về ngoại giao thì chính phủ Mỹ đã chán ngấy với cuộc chiến VN, muốn dứt điểm tại đây nên nhất định không chịu chi thêm 300 triệu Mỹ Kim còn lại trong số 1 tỷ mà họ đã chuẩn chi trước đó cho năm này. Những cuộc điều trần của Tổng Thống Ford, Tổng Trưởng Quốc Phòng và Tổng Trưởng Ngoai Giao Hoa Kỳ đến toát cả mồ hôi trán nhằm xin Quốc-Hội HK giải toả số tiền viện trợ oan nghiệt ấy cho VNCH mà vẫn không lay chuyển được lập trường của một Quốc Hội chủ hoà lúc bấy giờ.
Đến giữa tháng 4/75 thì tình hình bên nhà thật sự rối loạn và nguy ngập, chính phủ ta đã bỏ tỉnh này, tỉnh nọ, quân, dân chen lấn nhau tìm đường thoát thân chết rất thảm hại. Một hôm tôi xin gặp Đề Đốc Chỉ Huy Trưởng TTTL/HQ Oakland để nhờ ông liên lạc với giới chức Mỹ tai Việt Nam lo di tản gia đình tôi sang Mỹ vì khi ấy Mỹ đã bắt đầu di tản một số người VN sang Guam rồi. Ngay ngày hôm ấy, ông đã đánh 2 công điện cho vị sĩ quan đối nhiệm của tôi tại VN lúc ấy là một Đại-Úy HQ/ HK và ra lệnh cho Đại Úy này chấm dứt nhiệm vụ thường ngày để chỉ lo cho vợ con tôi ra đi, xong thì ông ta cũng rút về Mỹ luôn.
Hai ngày sau, khi tôi vô sở làm việc như thường lệ, thì chính vị Đề Đốc Chỉ Huy Trưởng này đã gọi điện thoại báo tin cho biết vợ tôi cùng 4 con nhỏ từ 1 đến 6 tuổi và một người em vợ 10 tuổi đang trên đường sang Guam. Biết gia đình đã được di tản an toàn, tâm trí tôi nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng từ lâu lắm và hết lòng cám ơn ông Chỉ Huy Trưởng đã tận tình giúp đỡ tôi.
Hai tuần lễ sau, ngày 30 tháng 4, ông Dương văn Minh, Tổng-Thống sau cùng của VNCH, tuyên bố đầu hàng, tôi đã gục đầu khóc thật nhiều tại bàn làm việc, khóc nức nở, khóc như cha chết, mẹ chết vì tôi biết quân đội VNCH mà tôi rất mến yêu là một quân đội hùng mạnh, thiện chiến đứng hàng thứ tư trên thế giới, chứ đâu có ươn hèn, yếu nhược để đến nỗi phải đầu hàng nhục nhã như thế. Quân đội tan, thì chức vụ của tôi cũng chẳng còn, nên tôi lấy bao giấy đựng đồ thực phẩm (grocery bag) chụp lá cờ vàng 3 sọc đỏ có chạy ren vàng chung quanh rất xinh xắn thường để trên bàn làm việc của tôi hàng ngày để mang về nhà trọ (apartment) cùng với một vài món đồ cá nhân khác. Sự "hạ cờ" nhục nhã này lại càng làm cho tôi tủi hổ với người Mỹ trong sở và với 3 vị sĩ quan liên lạc khác của hải quân Canada, Nhật Bản và Australia trong đơn vị, và tôi lại rú lên khóc như một người điên. Thấy tôi xuống tinh thần đến cực độ, Đề Đốc Chỉ Huy Trưởng và các sĩ quan làm việc trực tiếp với tôi đã chỉ định 2 vị Trung Úy hải quân trẻ đưa tôi về apartment và ở với tôi vài ngày để chuyện vãn hầu giúp tôi khuây khoả dù phòng trọ của tôi chỉ là một studio nhỏ hẹp với một giường đơn cho một người nằm, một bếp, một phòng tắm và cầu tiêu.
Nhằm giúp tôi bận bịu với công việc hầu vơi đi phần nào sự buồn chán vì cảnh nước mất, nhà tan, quân đội bị bức tử, vị Chỉ Huy Trưởng đơn vị yêu cầu tôi tiếp tục vô sở làm việc thêm một thời gian nữa để giúp giải toả những công viêc còn giang dở của Hải Quân VNCH. Đôi khi họ cũng cho xe đưa tôi sang Presidio bên San Francisco thăm viếng và thông ngôn cho khoảng 50 em bé mồ côi Việt-Nam được ông Ted Daly, chủ một hãng máy bay Mỹ bốc vội tại phi trường Tân Sơn Nhứt vào lúc rối loạn và đem về Mỹ. Những ngày này, tôi chỉ bận đồ dân sự đi làm thay vì quân phục với mũ nón và quân hàm đại úy của Hải Quân và giầy đen bóng loáng như trước.
Bây giờ tôi không còn là một Đại Uý sĩ quan liên lạc của Hải Quân của một nước VNCH nữa, mà chỉ là một thường dân vô tổ-quốc, một người tị nạn (refugee) - người cùng đinh trong cái xã hội mới này, nên thái độ của người Mỹ, quân nhân cũng như dân chính trong đơn vị đối với tôi cũng đã thay đổi. Họ không còn niềm nở hay dạ dạ, vâng vâng nhã nhặn với tôi như trước nữa. Điều này làm cho tôi thêm suy tư và buồn nản không ít cho nhân tình thế sự, và tôi lại khóc! Tôi ước mơ được sớm về lại quê hương sinh sống dù nghèo nhưng vẫn vui hơn cái cảnh bạc bẽo hành hạ tinh thần này.
Trong thời gian này, một số phu nhân các vị sĩ quan Mỹ trong đơn vị đã kêu gọi nhau quyên góp quần áo, chăn, mùng, mền và tiền bạc để giúp đỡ gia đình tôi lúc ban đầu khi chúng tôi đoàn tụ. Riêng vị Trung Tá, xếp trực tiếp của tôi biết tôi có một gánh nặng trước mắt: 1 vợ 4 con cộng thêm 1 em vợ và cả tôi nữa, vị chi là 7 người, một gia đình quá lớn so với tiêu chuẩn của Mỹ, nên đã lo đưa tôi đi xin trợ cấp xã hội (welfare) và tìm nhà chính phủ (housing) cho gia đình tôi ở. Ổng cũng lo kiếm việc cho tôi nữa.
Một buổi chiều nọ sau bữa cơm trưa, ổng chở tôi đi xin trợ cấp xã hội (welfare). Ổng chẳng dặn dò gì với tôi trước, nên khi đến sở xã hội, tôi đã thực thà trả lời những câu hỏi của đơn xin. Tôi khai tôi có hơn 2 ngàn Mỹ Kim trong trương mục tiết kiệm tại chi nhánh ngân hàng Wells Fargo trong TTTL/HQ. Do đó, bà cán sự xã hội đã bác đơn của tôi ngay lập tức chỉ vì 2000 MK này. Tôi giải thích cho bà ta: "Đây là số tiền tôi tiết kiệm được để về giúp đỡ gia đình, nhưng nay nước tôi đã mất, quân đội tôi đã tan như bà đã thấy qua tin tức đó, tôi phải ở lại đây, gia đình tôi đang trên đường đến Mỹ, thì số tiền này chỉ đủ để trả tiền nhà, mua sắm giường chiếu, quần áo cho vợ con tôi và tiền thực phẩm cho một, hai tháng đầu là hết". Bà ta nói: "Tôi hiểu! Ông cứ về ăn hết đi rồi mai trở lại khai không còn đồng nào nữa thì tôi cho ngay." Tôi nói "Dạ, cám ơn bà", rồi hai chúng tôi kéo nhau ra về.
Ra khỏi cửa, ông Trung Tá nhìn tôi cách ái ngại, nói "Tôi không dám xúi Đại-Uý nói láo, nhưng vì Đại-Uý khai vậy nên tôi cũng không biết làm sao". Tôi nói: "Không sao đâu, Trung-Tá", rồi chúng tôi lên xe về sở, và không bao giờ trở lại. Trên đường đi, ông đưa tôi qua khu nhà housing cũ kỹ xây từ hồi thế chiến thứ hai ở vùng West Oakland, và nói tôi có thể xin được nhà ở miễn phí hay với giá thật hạ ở khu này. Nhìn khu nhà kém bảo trì và gọn sạch, tôi đã bắt đầu phân vân.
Về việc làm, ông dẫn tôi đến xin một việc về kế toán của một người chắc ông ta có quen biết trước cũng ở vùng Oakland, vì tôi nói tôi tốt nghiệp trường Quốc-Gia Thương-Mại ở VN, có biết về kế toán. Nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Sau cùng ông kiếm cho tôi một chân ở nhà kho của Navy Exchange (giống như một Department Store ở ngoài) của Hải Quân HK nhằm bán đồ với giá hạ và không thuế cho quân nhân Hải Quân, tại căn cứ Không Quân của Hải Quân (Naval Air Station), thành phố Alameda, sát nách với thành phố Oakland.
Ngày nhận việc, tôi được dặn trước đến trình diện thẳng với ông supervisor. Theo tên họ (last name), tôi nghĩ ông ta cũng thuộc loại di dân nhưng lâu đời hơn mình. Mặt ông dài và tai tái thiếu hẳn vẻ thân thiện. Ông ta hỏi tôi sơ sơ vài câu rồi sai một nhân viên khác lấy cho tôi chiếc áo choàng màu xanh lơ nhạt dài đến đầu gối để khoác ngoài cho khỏi dơ quần áo của mình, và chỉ sơ cho tôi phaỉ làm những gì. Ông ta lái xe nâng hàng (forklift) chạy lung tung trong nhà kho, bỏ thùng hàng này lên kệ, lấy thùng hàng kia xuống, đôi khi cũng mở thùng ra đếm, hoặc dán giá cả lên từng món hàng. Nhà kho này, ngoài ông supervisor và tôi ra, còn hai nhân viên Mỹ nữa, một nam và một nữ, tuổi xấp xỉ khoảng 30 hay trẻ hơn một chút. Ho ăn mặc luộm thuộm, luôn mở radio lớn rất ồn ào. Mỗi khi gặp, họ chỉ "hello" tôi cộc lốc chứ không hỏi han ân cần gì cả. Trừ 15 phút giải lao cho mỗi buổi sáng và chiều, họ luôn luôn lầm lì, khuân vác hùng hục như trâu suốt ngày.
Mỗi lần phải bê một thùng hàng nặng hay phải đếm hoặc dán giá lên những món hàng lặt vặt nhỏ bé, tôi lại nghĩ đến những ngày tôi còn là một Đại Uý, đại diện của một Hải Quân của một nước, làm việc với hàng chục nhân viên, quân có, dân chính có, ra vào có người chào, kẻ nghiêm rồi tôi lại tủi cho số phận mình, và tôi lại khóc! Tuy nhiên, khi nghĩ đến những vị quan to, chức lớn cũng xuống "chó" như tôi, chắc còn bị dằn vặt, khổ tâm hơn nhiều, thì tôi lại cảm thấy nguôi ngoai đôi chút.
Một buổi sáng nọ, sau vài tuần làm ở dưới nhà kho, có một bà Mỹ mặt mũi nhân hậu xuống gặp tôi. Bà tự giới thiệu là Diane Rivard, phu nhân Trung Tá Chỉ Huy Phó Căn Cứ Không Quân Hải Quân Alameda. Bà nói bà muốn tôi lên làm việc với bà. Có lẽ vợ chồng ông bà này đã biết về tông tích của tôi, nên muốn giúp cho tôi bớt tủi thận chăng. Bà theo đạo công-giáo và là Manager của Personalized Services Department, chuyên bán những món hàng giống như một gift shop.
Làm ở đây, tôi cảm thấy được an ủi và thoải mái hơn ở nhà kho nhiều vì nó sạch sẽ, mát mẻ, đèn điện sáng choang, và nhất là không phải khuân vác gì hết, dù bà chỉ trả tôi $3.09 MK một giờ lúc ban đầu. Hơn 1 năm sau, tôi cũng chỉ được lên $4.62 MK một giờ mà cũng bị các nhân viên Mỹ cùng Department xì xèo phân bì này nọ. Hồi đó, tiền còn có giá, lương chỉ tăng vài chục xu (cents) mỗi lần là cao lắm. Lương tôi cầm về mỗi kỳ (2 tuần) chỉ có hơn $500.00 sau khi đã trừ thuế má, bảo hiểm mà chúng tôi vẫn sống thoải mái, và còn để dành đôi chút.
Sau gần một tháng tạm trú tại Guam để làm thủ tục giấy tờ, vợ con tôi đã được di chuyển về một trại tỵ nạn nằm trong căn cứ Không Quân Elgin Air Force Base, tiểu bang Florida. Đây là chuyến bay chở nhóm di cư VN đầu tiên đến Tiểu Bang này, nên vợ tôi cho biết các chức năng trách nhiệm ở đây đã tổ chức cuộc tiếp đón khá nồng nhiệt với kèn trống rình rang, làm cho dân ta cảm thấy được welcome, chứ không bị ném cà chua, trứng thối như đã xảy ra tại trại Thuỷ Quân Lục Chiến Camp Pendleton ở California.
Vì nhà tôi là một phụ nữ trẻ (26 tuổi) có 4 cháu nhỏ và một đứa em trai 10 tuổi, nên sau khi máy bay đáp xuống phi truờng, vợ con tôi và những ngườI có con nhỏ được ưu tiên xuống trước. Sự kết thúc cuộc chiến, và làn sóng người VN di cư lúc ấy đang là đề tài nóng bỏng cho giới truyền thông HK khai thác, nay lại là chuyến bay di cư đầu tiên đến Florida mà người xuống trước là một phụ nữ mảnh khảnh, tay bồng, tay dắt 5 đứa nhỏ (kể cả đứa em trai) mà không có chồng đi theo phụ giúp, đã thu hút được sự chú ý của giới truyền hình và phóng viên báo chí địa phương không ít. Họ đã đổ xô đến bao quanh phỏng vấn vợ tôi về việc ra đi như thế nào, chồng còn sống hay chết và ở đâu vân vân. Nhà tôi khai chồng là ĐVM, đại uý Hải Quân VNCH, đang làm sĩ quan liên lạc tại TTTL/HQ/HK ở Oakland, California. Bài phỏng vấn với hình ảnh nhóm tị nạn đầu tiên này được phổ biến trên báo chí địa phương ngày hôm sau, và qua sự quan tâm của các sĩ quan HQ/HK tại Florida, Hawaii, và Oakland, CA. tôi đã có được bài báo phỏng vấn này và lưu giữ mãi cho tới hôm nay như một bảo vật để làm cột mốc cho lịch sử của gia đình tôi trên đất Mỹ.
Nam Hà
San Jose, California
Tháng 2, 2003