Hôm nay,  

Dòng Sông Vẫn Chảy

08/03/201000:00:00(Xem: 156578)

Dòng Sông Vẫn Chảy

Tác giả: Hoa Biển
Bài số 2881 -1628981- vb2030810

Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả Hoa Biển. Theo bài viết, tác giả và gia đình tới định cư tại Mỹ vào mùa đông năm 1991, hiện là cư dân Sacramento. Bài được chuyển tới bằng email. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm và vui lòng bổ túc địa chỉ liên lạc và vài dòng sơ lược tiểu sử.

***

Gia đình tôi được một người bạn bảo trợ về sống tại Oakland, một thành phố nhỏ sầm uất, ồn ào và sôi động nằm cạnh San Francisco.
Những ngày đầu tiên khi còn đang bỡ ngỡ, lạ lùng đều nghe tiếng còi hú xe cứu thương vào mỗi sáng chiều và thỉnh thoảng cứ cách vài đêm là có máy bay trực thăng vần vũ trên trời, soi đèn lùng sục tội phạm quanh khu vực gia đình tôi đang ở.
Oakland có phi trường quốc-tế với lượng khách ra vào rất đông, một bến cảng lớn nơi xuất phát nguồn tiếp liệu, tiếp vận cho  chiến cuộc Việt Nam của quân-đội Hoa Kỳ trước đây. Bên cạnh các trường đại học,   khu thương nghiệp lớn còn nổi tiếng phố tàu Chinatown xưa cũ đã thu hút nhiều quan khách, sinh viên du học mỗi lần ngang qua Cali, tìm hương-vị quê-hương vì bận xa nhà lâu năm.
Thành phố nầy khi ra đường thường gặp Mỹ đen nhiều hơn Mỹ trắng. Các sĩ quan cảnh sát bỏ mình khi thi hành công vụ bỏ mạng ở đây rất nhiều. Khu vực tôi ở, cho dù mình là dân tác chiến thứ thiệt, thế nhưng, mỗi tối đều e ngại ra đường, nhất là ngay khúc quanh vào chung cư có một quầy li-quơ  bán bia rượu. Các cậu đứng ngồi, mắt đỏ kè, tay cầm lon bia, giọng lè nhè khi thì nói chuyện nghênh ngang với một chiếc xe bạn đậu tỉnh bơ cản lối giữa lòng đường, khi thì nhảy nhót theo một điệu nhạc cuồng loạn với một chiếc máy cassette mang theo. Nhìn mấy đầu tóc đánh rít thả dài, chiếc áo thun màu trắng rộng và dài đến đầu gối mà cảm thấy mệt mề.  Cũng có người, mình trên trần trụi,  mặc dưới chiếc quần jean thả tuột gần hẳn bản mông, lòi trọn chiếc quần lót trong khi hai tay luồng sâu vào chỗ kín,   đứng án ngữ tỉnh bơ lối đi như trên đời không có chi, người lạ mới thấy ai cũng ngao- ngán. Cũng như khu West Oakland, khu East Colesium,  nổi tiếng về tội phạm, ban đêm ở đây là thế giới của họ!
Cùng chuyến phi cơ sang Hoa Kỳ có gia đình người bạn Vương Rô, cựu sĩ quan cảnh sát, anh cũng về ở cùng thành phố nầy. Một buổi tối sau giờ cơm, anh  tản bộ để đổi không khí trên đường Foothill Blvd do ở trong nhà máy sưởi làm nhức đầu và gây khó chịu trong người. Khi đang  mơ màng rảo bước thì khựng lại vì một thân hình to lớn chần vần chắn lối. Tên  nầy không nói, đưa cánh tay vạm-vỡ  siết cổ anh Rô đến nghẹt thở đồng thời, tay kia hắn móc bóp khổ chủ, moi ra lấy đồng bạc 10 đô rồi mỉm cười bỏ túi,  xô anh ra và bỏ đi .  Hú hồn, mỗi lần sau đó, anh em bày vẽ nhau khi ra đường, trong ví phải có ít nhất 5, 10 đồng để hộ thân hộ thổ...
Đến Mỹ vào cuối đông,  dịp lễ Tạ Ơn, trời lạnh ghê hồn. Nhà phải đóng cửa kín, sợ hơi nóng xì ra, tiền biu cao. Cũng vì thế mà cái đầu lúc nào cũng cảm thấy ran ran, vừa nóng vừa nhức nhối như thiếu thiếu một cái gì . Một hôm tôi nhận điện thoại khẩn từ chị Rô bảo nhờ lên nhà thương Highland ở Oakland gấp vì chồng chị đang nằm cấp cứu mà chị bận con dại mới sanh không đi được. Khi tới nơi, bác sĩ bảo nếu tôi là thân nhân thì hãy ký giấy  chấp nhận giải phẩu liền thì mới sống kịp. Lý  do là có một cục máu bẫm đang ứ trong đầu gây tắc nghẽn máu. Lúc đi bộ hít thở khí trời vào ban đêm, anh vấp đầu vào một cành cây bên đường và bất tỉnh ngã xuống.
Khu chung cư Pleitner nằm phía đông thành phố Oakland nơi có khoảng hơn mười gia đình Việt Nam mới qua theo diện HO. Nhờ sống chung nên thường san-sẻ nhau những kinh-nghiệm ban đầu như học lái xe với bí quyết nhanh gọn như thế nào để lợi được từng giờ, chổ nào tìm việc làm ban đầu, các nhà thờ, cơ quan thiện nguyện, địa chỉ các trường dạy Anh ngữ ESL, cho nhau quá giang mỗi khi có việc ra đường hoặc khi cuối tuần ngồi  lại uồng bia, hát hò hay kể cho nhau nghe vài câu chuyện bên đường vốn hấp dẫn và biết dần đời sống mới.
Ở khu chung cư nầy có lúc cũng như đang ở tư thế  lính tác chiến vậy: Sát dãy hàng rào là một dãy hộ gồm toàn các gia đình Mỹ gốc Phi châu. Con cái họ đùa giỡn đạp xe, thanh thiếu niên tụ-tập tình tự, nhảy nhót, hút xách bừa bải, rác rến xả không chừa một nơi. Các lò thịt nướng nhả khói um-tùm trong khi  âm thanh cuồng loạn nhạc wrap lải nhải cả ngày và có khi đến giữa đêm.  Có lúc buồn buồn, mấy cậu loai choai bên đó pháo kích qua hàng rào khu người Việt hàng chục vỏ chai bia làm miểng vụn sắc bén vung vãi khắp nơi. Con nít người lớn đàn bà trẻ em núp kỷ bên trong  chờ chủ nhà  nhà can thiệp. Khổ nhất là tiếng Anh nói chưa ai hiểu và lờ mờ về luật-lệ nên  rất sợ cảnh sát, không dám gọi.
Vào một buổi tối trời mưa, anh bạn trẻ láng giềng người Việt Hoa về nhà sau giờ làm việc ở một trạm xăng. Đúng lúc vừa bước ra xe, một thanh niên da đen rình sẵn, chỉa súng và như tiết kiệm lời nói, hằn nổ ngay một phát vào bụng. Nạn nhân oằn oại rớt xuống trong khi tên khốn kiếp nầy chôm nhanh chiếc ví và bỏ đi. Anh bạn được chở đi cấp cứu và may-mắn thoát khỏi tử thần. Từ sau đó, chủ nhà phải thuê bảo vệ, mỗi tối ra vào đều được hai tay súng chăm sóc kỷ-lưỡng. Luật pháp hình như chỉ áp dụng cho giới nhà giàu và văn minh ở đâu đó ở trên vùng đồi núi đồi cao sang hay nơi các  khu nhà giàu ven bờ biển chứ ở đây, khu vực bình dân,  khi có chuyện là y như "chờ mạ má sưng".
Sau nhựng vụ việc nghiêm trọng như vậy, không thấy cảnh sát động tĩnh, hỏi han, tuần tra hay bảo vệ... Nhà nào lo đóng cửa nhà nấy, con cái ai thì nấy giữ, ra đường thì nhìn trước nhìn sau mà đi...
Qua đây mới thấy cái vốn Anh ngữ có được nói không có người nghe mới thấy tội tình như người câm. Anh em hay tiếu lâm khi Mỹ nói thì Mỹ nghe, còn mình nói mình nghe. Tài tháo vát và mưu sinh thoát hiểm cũng chỉ biết đưa mắt nhìn và nể mấy đứa qua trước lái xe vùn vụt chân ga tay số liên tù tì như làm xiếc khi đi bỏ báo, chuyển pi xà. Thấy họ kiếm tiền dễ dàng và ăn nhậu, ca hát thoải mái cuối ngày cũng làm nhiều anh em bâng khuâng.  Mỗi lần chuông điện thoại bất thường reo vang,  đôi khi vừa nhắc ống lại gặp một tràng tiếng Mỹ quảng cáo nghe ào ào như gió thổi làm ái ngại mọi người.
Không thân thích bà con, chưa có việc làm và chỉ  còn ngồi cô-đơn bên cửa sồ hết trông  ra rồi lại nhìn vào. Bên trong,  đàn con bốn đứa thơ dại bu quanh chiếc ti vi xem hoạt hình một cách vô-tư và thích thú, lòng chợt se lại. Tôi bỏ hút thuốc vào giai đoạn nầy nhân lúc ngồi buồn đốt thuốc bên cửa sổ và thấy cả căn phòng ngập một làn khói mỏng như sương. Trẻ thơ đang mê mải bên truyền hình bị hóc, chợt ho sặc sụa. Thương đàn con và từ đó không bao giờ rờ lại điếu thuốc.

*
Ông chủ trẻ và đầy phong-độ với cái tên Mỹ thật mỹ miều làm mấy người thợ chưa có quốc tịch như chúng tôi thấy thèm: Donvo,  một thanh-niên chưa vợ, đẹp trai, ăn nói hay, tiếng Mỹ như bắp rang. Tướng pháp đều tốt hết ngoại trừ vừng trán ngắn và dáng dấp hơi lùn.
Ở Việt Nam  Donvo  là con nhà giàu, ông bố làm quận trưởng ở một thành phố lớn. Chưa đi lính nhưng biết chuyện thời sự, chuyện chiến chinh nên sau giờ làm, ngồi bàn luận chuyện đời với nhau rất hấp dẫn. Mặt khác, Donvo có vẻ mưu lược và tâm lý  khi nói chuyện. Một bữa nọ khi chở tôi về nhà, vợ tôi nấu bún bò Huế mời ăn, Donvo  ăn say sưa một cách thật tình do lâu ngày không có dịp ăn món ăn quê-hương.  Trước khi ra về,  y lấy lòng vợ tôi một câu mà sau đó mỗi lần tới là luôn có đồ ăn ngon:
--Trông chị đẹp thế nầy mà biết ăn mặc và diện vào thì bỏ anh đi mất! Đã đẹp mà lại nấu ăn ngon, sau nầy mở nhà hàng thì tuyệt!
Đó là người chủ đầu tiên trên đất Mỹ. Một người bạn đã giới thiệu cho tôi với cùng hai người khác vào phụ việc trong một công trình xây dựng nhà cửa tại Oakland.
Mỗi buổi sáng, dậy sớm, leo lên chiếc xe đạp, chạy khoảng bốn mươi phút mới tới chỗ làm. Không khí lạnh ban mai tinh ranh mò vào thân thể từ  các khoảng hở,  từ hai bàn tay, vào  cả chân tóc. Cơn lạnh buốt óc, rung cả xương sống, nhưng nghĩ lại cuối ngày mình có năm mươi đô la thì qúy  lắm rồi.
Kết thúc hai tuần làm việc cần-mẫn, ông chủ Donvo kêu trả tiền. Sung sướng, tôi miên-man hình dung mình sẽ làm gì với số tiền đầu tay nầy. Nghĩ tới sự hớn-hở của vợ con vào dịp cuối tuần làm tôi nhẹ hẳn trong lòng. Đúng lúc chuẩn bị đưa tiền công thì beeber reo vang, ông chủ thầu liền ôm điện thoại và nói mãi không thấy dứt trong khi tôi nôn nóng hết đứng lại ngồi. Ông ta ra dấu cho tôi đi về đi và tính sau. Thời gian trôi, ngày qua rồi tuần qua, công việc tiếp tục mà tiền vẫn chưa thấy đưa. Nỗi e ngại nếu hỏi tiền sẽ làm mất cảm tình và dẫn đến việc cho nghỉ làm và đành chờ mãi đến mãi hai tuần sau, tôi đánh bạo nói:
--Hôm nọ anh Donvo có nói trả tiền công mà bận điện thoại, tôi chờ đến bây giờ .
Don quay mắt ngạc nhiên nhìn tôi:
--Anh nói sao" Tôi đã trả cho anh rồi, hai tờ giấy hai trăm. Tôi nhớ rõ mà!
Oan-ức, tôi nói giọng nấc lên vì xúc động:
--Chưa đưa, hôm đó tôi chờ nhưng anh bận và chờ mãi cho đến bây giờ. Qua Mỹ đến giờ cũng gần ba tháng,  xin thề là chưa thấy đồng bạc  trăm như thế nào.
Anh chủ thầu cứ nghĩ mình đúng và tôi sai và cho tôi chọn ở lại làm nếu muốn, bằng không cứ nghỉ việc.
Khi về nhà, bước chân đi không muốn nổi. Khu chung cư nghèo đã yên tĩnh vì màn đêm đã buông tối. Hai vợ chồng thì thầm an-ủi nhau, kiên nhẫn chịu đựng để sau nầy có một tay nghề.  Chúng tôi khe khẽ nói để cố tránh lao xao làm trở giấc đàn con dại bốn  đứa đang say  ngủ.
Sau công trình ở Oakland, chủ thầu trúng một công trình khác lớn hơn ở Paolo Alto, cạnh trường đại học lừng danh Stanford. Đường xa phải đi rất sớm và  đến gần nửa đêm mới về tới nhà. Việc làm rất lâu như thế, tôi không gặp mặt con cái vì khi đi  chúng còn ngủ và khi về quá trễ chúng đã say giấc rồi. Hai người bạn làm là Thế và Thiện tốt bụng, chở tôi đi đều đặn như thế rất lâu và cứ mỗi chuyến, tôi trả ba đô la, xin góp vào tiền xăng
Bằng cả nhiệt tình, một người bạn khóa đàn em quân trường rất tốt bụng đã giới thiệu cho tôi một chiếc xe để phục vụ đi lại cho gia đình và làm phương tiện đi làm. Chiếc xe hơi đầu tiên nhìn được mắt, sạch sẽ tuy có chút méo mó trầy trụa nhỏ,  đã được  chùi rửa sạch sẽ, ngát hương mùi thơm khi vào bên trong. Chủ xe sinh hoạt ở nhà thờ, nói bán rẻ giá hai ngàn mốt dù chỉ mới mười một tuổi và trên một trăm hai chục ngàn dặm đường. Tôi tin-tưởng hết mọi người, không một chút nghi kỵ nào cả. Cả đời chỉ quen với xe đạp, giờ lên chiếc xe hơi bốn chổ ngồi chạy êm ru là sướng quá rồi.
Một kỷ niệm khó quên với anh Sáu làm cỏ ở tít Pittburg xa xôi: Khi nghe tin tôi mới qua Mỹ mà đã mượn tiền mua xe, anh vội vã phóng xe lên thăm dù tôi rất ngạc nhiên vì chưa bao giờ biết anh. Anh Sáu biết gia đình tôi thông qua một người bạn là Sanh Apple cùng chuyến bay và cảm thấy như có trách nhiệm với người  đến sau. Gặp mặt, thăm hỏi xong là xăng tay áo liền. Anh mở ca pô xe, cho máy nổ. Chống tay vào thành xe, anh nhìn máy nổ rất lâu, không nói, mặt có vẻ buồn. Giây lát, anh kêu tôi lại, hỏi:
--Anh  mua xe của ai và giá bao nhiêu"
Thành-thật, tôi hân hoan kể:
--Chiếc xe nầy được bán với giá rẻ và gốc từ một ông mục sư Tin Lành để mua xe mới. Xe mới giao tối hôm qua, vào lúc gần nửa đêm. Tuy là xe salvaged, nhưng máy nổ êm lắm anh ạ!
Anh Sáu cười nhẹ không tươi rồi lên đội, tháo bánh, thay thắng mới và kiểm tra các  loại dầu, anh lẩm bẩm như không muốn ai nghe:
--Phải giàu mới đi xe kiểu nầy.
Vô tư, tôi nghe kịp và cứ đinh ninh mình may-mắn. Nổi hân-hoan của tôi làm anh Sáu không dám nói những thực-tế, những phỉnh phờ thật phủ phàng người mới tới sẽ gặp phải. Anh nói trước khi ra về;
--Tôi làm giúp anh để anh chở gia đình cho an toàn. Cứ cẩn thận và luôn mua bảo hiểm là được. Tôi chỉ lấy tiền mua phụ tùng, không có tiền công.
Mấy ngày sau, sanh nghi, tôi bắt chước anh Sáu, mở nắp  khi máy nổ và nhìn kỹ thì thấy ngay làn ranh của thớt máy, một vệt nước chảy ra. Với tình trạng nầy, mỗi ngày đều châm nước và trong những đoạn đường xa, vừa lái xe vừa phập phồng.
Công-trình xây dựng ở Paolo Alto tiếp diễn tốt đẹp. Nhờ vào đó mà tôi học hỏi rất nhiều. Quen tháo vát và siêng năng, tôi trở thành một người thợ đúng nghĩa. Từ dàn móng, lên sàn, dựng tường, lợp mái đến các khâu ga, điện nước tôi đều được hợp sức làm phụ với các anh thợ Mỹ có Việt có. Làm đến đâu, cuối ngày tôi ghi chép lại tới đó, nhất là các các điều luật căn bản. Mỗi khi có thanh tra, tôi học những pha đánh rớt và ngầm tìm hiểu họ sửa chửa như thế nào sau những lần thất bại. Sáu tháng theo công trình, sổ tay kinh-nghiệm của tôi chép đầy mực mẹo, kích cở, vật liệu trong nhà, ngoài trời, đường ống nước, đường dẫn điện. .  và nhửng trường hợp xử trí khi gặp tình huống khó.
Sáu tháng đi làm xa làm tành banh chiếc xe Maxima 81 của gia đình. Đúng như anh Sáu nói, phải giàu mới đi xe nầy được; Mới đầu phát hiện bình nước giải nhiệt hư, nghẽn phải thay, đến phiên dàn đưa tay lái (Stering cract) mất độ chuẩn làm lệch bánh khi chạy nhanh, món nầy chém mất một ngàn mốt đô la vì phải ọt đơ  (order), tiếp đến là bốn cái lốp cũ mòn, rồi xi tạc tơ không chịu nhúc nhích, thêm vào water pump liệt và nặng nhất là ô vơ hít (overheat) do nước xì ra lúc máy nổ làm nóng và cong thớt máy. Gia đình với bầy con thơ phải chịu khó nhờ qua nhờ về, y mãi người mới qua. Nói ra thì mắc cỡ, nhưng chiếc xe như vầy làm sao có đủ một đồng mua kẹo cho con ăn"
 Ông chủ Donvo nhìn tình cảnh nheo nhóc đó, vả lại thấy tôi siêng-năng cần mẫn trong công trình, mủi lòng nói:


--Cứ làm cho tốt công việc, tôi không đưa tiền mà dồn lại cho anh, khi nào đủ năm ngàn tôi nhờ thằng em hiện là kỹ sư điện-tử ở san Jose đấu giá và đứng tên cho anh để mua một chiếc xe tốt và còn khá mới để đi cho an toàn.
Cho đến một hôm, thấy mình đã sáu tháng ròng rã, sổ tay ghi đầy ngày công, kể cả cuối tuần và ngày lễ.  Sáu tháng tốn xăng, tốn ăn, hư xe mà vợ con không có một đồng đi chợ. Cả bốn người làm công mà đa số là mới qua theo diện HO đồng tình đòi tiền lương. Donvo  cười vui chỉ vào một tấm lịch tờ có hình cô gái đẹp mà nói:
--Tôi sắp về Việt nam cưới vợ. Người đẹp trên tờ lịch nầy sẽ là của tôi. Xin hẹn anh em là sẽ trả khi tôi về lại Mỹ.
Đến đây, cả bốn anh em thợ nghỉ làm và ngao ngán chuyển hướng tìm việc  khác. Một đôi lần ngang qua Berkeley thấy quán ăn   Thai Restaurant của gia đình Donvo trên đường University vẫn đông khách và hai chiếc tàu câu bên bến cảng gần đó vẫn hoạt động sôi-nổi. Riêng thợ móc mồi lưới cho Donvo cũng bị gạt tiền công cũng 5, 6 người.
Một hôm tình cờ gặp lại Donvo trong Home Depot lúc mua vật liệu xây dựng, anh ta bối rối như gà mắc đẻ. Với giọng chậm, hơi đanh, y nói:
--Anh Huế á, tôi biết anh ăn trợ cấp mà đi làm tiền mặt nên sẵn sàng đi hầu bất cứ nơi nào anh kiện. Tôi biết anh có bốn đứa con dại dưới mười tuổi nên không biết anh có dám làm không" Tôi chắc anh không dám bỏ welfare!  Em gái ruột tôi  như anh đã biết là social worker của county, hiện làm ở Hercules sẽ nói luật cho anh.
Sáu tháng làm việc lao nhọc với đồng lương tối thiểu năm đô la một giờ, cộng lại hơn năm ngàn đô la bay theo gió!

*
Một năm sau ngày đến Mỹ, những người bạn cùng làm xây dựng với tôi ghi danh đi học  lại khi đã có thường trú nhân. Vừa xong chương trình ESL, chúng tôi nhanh chóng vào chuyên nghành ở trường đại học Laney college. Ngày đầu vào lớp gặp nhiều bạn trẻ mới tốt nghiệp trung học và khi trao đổi với thầy giáo bằng tiếng Anh, tôi bị xốc ngay không phải với giáo sư mà với một chú học trò tên Đông người gốc Hải Nhuận-Huế vừa mới xong lớp 12:
--Chú Huế ơi!  Chú đừng nói tiếng Anh nữa, cháu thấy khó chịu mỗi khi nghe chú nói.
Thằng Dũng gốc người miền Tây đứng bên, cũng lứa với Đông, bồi luôn một phát:
--Nghe chú nói tiếng Mỹ, cháu cứ ngỡ như Thượng về miền xuôi!
Sau mấy năm miệt mài, lăn lộn chúng tôi đi được những bước xa. Chủ nhiệm Cynthia Corea là một bà giáo rất tốt, luôn tôn-trọng và khuyến khích những người hiếu học, nhất là những người lớn tuổi. Bà giáo cho ai đi làm thực-tế bên ngoài được tính điểm thực tập nên bọn chúng tôi vừa học vừa làm rất thoải mái. Kinh nghiệm của những công trình đã nâng cao tay nghề vững vàng và đối với đám trẻ cùng lớp thì mình trở thành sư phụ  cho mọi việc. Ở Mỹ rất quý kinh nghiệm, ngoài trình độ, năng khiếu ra, đi đâu các chủ hãng, giám đốc đều sát hạch kinh nghiệm trước khi chấp thuận thuê mướn trong các cuộc phỏng vấn việc làm.
Đúng lúc trong lớp học nầy ở môn Foundation, một người học trò triệu phú tên là William David đã thầm quan sát và kết tôi qua việc thực  hành tại công trường của lớp học.  Ông ta học để hiểu biết mà thôi và có nhiều người như thế trong lớp . David lôi tôi ra ngoài và trả giá thuê mướn. Tôi chấp thuận làm ngoài giờ với số lương tương đối cao. Mỗi ngày sau giờ học Anh ngữ, lịch sử Hoa Kỳ, sinh vật học, toán và các môn căn bản xây dựng, tôi xách chiếc xe pick up được giao với chùm chìa khóa khỗng lồ cùng hai người Mỹ phụ việc là Bird và Jose chạy khắp thành phố Oakland, Berkeley để sửa chửa từ chung cư nầy đến những townhouse kia.  Những căn nhà bạc triệu trên đồi, dưới bãi biển ông William đều nhận tuốt và giao cho tôi. Nhiều khi lắm việc, phải lôi bạn bè cùng lớp như Huân, Bính, Phước, Thiện, Hoa. . giúp sức. Có lần tôi bị cảnh sát gọi tắp lề đường và bảo tôi ngồi im trong khi bắt hai chàng Mỹ đen hai tay co lên đầu, người chống vào tường bên lề. Tôi suýt bật cười vì một nữ cảnh sát xinh đep dùng đùi ba toon gổ rà từ chân, mông, chổ kín và quanh ngực để tìm thuốc phiện. William David kinh doanh địa ốc, có nhiều bất động sản và nhà cửa, chung cư cho thuê, đồng thời chuyên bán những căn nhà của các triệu phú sắp hoặc đã qua đời...Cơ hội rất tốt cho tôi luyện và dạn dĩ tay nghề.
Ngày lễ tốt nghiệp, vợ chồng W David đến tham dự với một vòng hoa làm vòng cổ tôi cồm hẳn lên vì đã sẳn mang sợi dây vàng tốt-nghiệp danh dự. Khi chụp ảnh, bà giáo sư chủ nhiệm cũng bước tới chia vui và nói luôn tin tưởng rằng tài năng đứa học trò trong tương lai. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi ôm bó hoa đàn con nhỏ trao mà tuôn tràn hai dòng nước mắt sung sướng giữa những nụ cười thân thiện của vợ chồng David, Cynthia, Ned mà tôi cãm tưởng như những đợt sóng mang phù sa  cho vùng đất xưa nay khô cằn và sỏi đá.
Sáu năm trời trôi qua, chung cư Pleitner vẫn như những ngày đầu. Tiền thuê nhà cao, an ninh lỏng lẽo, con cái dễ dàng ảnh hưởng môi trường sinh hoạt. Gia đình có quyết định đổi vùng và chuyển sang thành phố Alameda, cách đó chừng năm dặm vốn nổi tiếng an-ninh và sạch sẽ. Căn nhà mới  dọn đến rất cũ,  chừng trăm tuồi, khuôn mẫu Victoria. Cơ hội cho tôi thể hiện tài năng là lúc chủ nhà mướn tôi nâng cấp lại. Ông ta cùng với tôi thuê công ty nâng lên, tháo bỏ tất cả và theo bản vẻ, xây dựng lại mới như từ ban đầu từ dưới lên trên để trở thành ngôi nhà đẹp,  không tuổi. Phải mất năm tháng mới hoàn thành thì công trình khác mời gọi. Một mặt, tôi đem văn bằng mới có nộp đơn vào công sở và được chấp nhận vào làm cho cơ quan gia cư Housing Authority ở thành phố Alamed, ngành bảo trì. Cơ hội sánh vai cùng các đồng nghiệp nhiều sắc dân như Tàu,  Mỹ, Phi,  Mễ  trên một địa bàn làm việc rất rộng lớn. Ngày ngày xách xe chạy rong thành phồ, các khu người già, các căn hộ dành cho người lợi tức thấp để sửa chửa, thay thế bất kỳ những hư hại gì từ ga, điện, nước. . Đúng lúc nầy, người chủ cũ là Ông William David qua đời bằng cơn đột biến cơ tim ngay lúc ông cố ráng mở cánh cửa xe  đậu lề một con dốc đứng. Ngày tham dự lễ tưởng niệm memorial day chỉ duy nhất mình tôi là tóc đen với một vòng hoa thương tiếc ngồi lạc lỏng giữa một rừng người xa lạ. Họ vui cười, hò hát hồn nhiên nhắc kỷ niệm, dấu vết người quá cố đồng thời  vợ William lên micro nói về đứa em phương Đông là tôi với những lời lẽ đầy tình cảm,  trân quý. Lễ  tất, quan khách tham-dự vây quanh tôi, thân thiện hỏi han, nhiều bà đầm chào hỏi xong đã xè cánh tay rộng ôm hôn trong mùi nước hoa nồng nặc. Thầm nghĩ lại mình đã làm và sống với David bằng nhiều nhiệt tình trong sáng mới có tình cảm đẹp như ngày hôm nay.
Ngôi nhà cổ của bà Sally Rites tọa lạc trên một con dốc thành phố Berkeley. Bà giáo già sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang xưa cũ giữa một rừng phong lan tuyệt vời. Trước khi hưu trí, bà dạy về nghệ thuật cây cảnh nên kiến thức và lối thưởng ngoạn về cảnh trí hoa lá thật thanh thoát nhẹ nhàng và rất đậm nét văn minh phương Đông. Tuy là người Mỹ trắng thuần túy nhưng bà rất bình dị, ăn nói nhẹ nhàng, biết lắng nghe và tôn trọng ý-kiến người nói. Ngôi nhà bài trí nội thất hoàn toàn bằng những sản phẩm Trung Hoa xa xưa. Từ những chiếc ghế tràng kỷ bằng gổ mun có khảm xà cừ, chiếc bình phong cẩn san hô in những điển tích cũ trên mặt,   những bức tranh, pho tượng vua quan thời cổ với màu sơn vàng đậm quanh nhà đã tạo một nét hài hòa cân đối mà khi bước vào, khách có cảm nhận như bước vào thế giới vương quyền xa xưa thời Khang Hy bên Tàu.
Ở ngày cuối của hợp-đồng công trình sửa chửa mái nhà thì bà Sally mang về một cánh cửa sổ nhỏ tí để định thay vào cái cửa tò vò cũ . Tuy không có trong giao-ước nhưng tôi vui-vẻ làm giúp trong khi anh bạn làm chung từ chối. Nhìn chiếc cửa mới xinh xắn gọn gàng khi gắn xong, bà xin trả tiền, nhưng tôi nói:
--Chú tí việc làm thêm nên không lấy tiền. Mong bà vui!
Chút mỹ cảm từ đó đã dẫn tôi đến một công việc dài hạn đến ba năm trời. Khi thấy kỷ thuật tay nghề đi đôi với luật xây dựng(building codes) nhịp nhàng, Sally mướn tôi sửa đường dây điện, thay hệ thống đèn,  bắt quạt trần, dựng thêm phòng, làm sàn gạch, tân trang buồng tắm, thiết kế cầu thang, thay thế cửa sổ, sơn quét trong và ngoài. Dịp tốt làm việc ngoài giờ công sở và cuối tuần, tôi mang mấy anh bạn phi công cũ như Phước, Hòa, Phi, Phượng vào phụ việc và trở thành một kíp thợ trẻ, hăng say rất được mến mộ.
Nhìn tôi nhận tiền công bà vô tư hỏi sẽ tiêu pha thế nào. Thiệt thà, tôi kể :
--Ngoài việc lo cho gia đình, số tiền nầy còn được chia cho người nghèo ở quê tôi. Dân làng còn nhiều người thiếu ăn, sống còn vất vả. Họ luôn sống với những mơ-ước bình thường về cơm áo, nhất là những hộ mồ côi.
Thấy bà chăm chú, tôi tiếp:
--Cũng là để cho người dân nghèo neo đơn cô thế, nghèo đến nỗi cả đời phố phường bên đó còn chưa biết, huống chi Mỹ Tây, tôi thường gởi chút tiền an-ủi mà từ thời cha sanh mẹ đẻ đến giờ,  họ nào dám mơ-ước nắm được đồng đô la Mỹ trong tay, đặc biệt vào dịp Tết.   
.... lẳng lặng, bà  vào tủ lấy ra tờ bạc một trăm và nói:
--Cho tôi góp vào chương trình.
Tôi từ chối, tiền vào tay tôi sẽ mất ý nghĩa cho bà vì tôi sẽ động lòng tham và dễ mua danh, mua đức cho riêng mình. Tôi gợi ý:
--Nếu đồng ý, tôi sẽ làm chương trình thiện nguyện riêng cho bà. Với số tiền nầy, tôi chuyển về trực tiếp cho bà đến những em mồ côi mất cha mất mẹ, hoặc sống bất hạnh qua sự coi sóc của một giáo viên ở làng. Anh ta sẽ nhận, phân phối và hướng dẫn ăn học.
Những báo cáo, hình ảnh  phim video clip, thư tín  từ các học sinh mồ côi gởi qua đều đặn. Mỗi lần đọc thư con cái, bà cảm động làm nước mắt chảy dài một cách sung sướng.
Thấm thoát nghĩa tình mẹ con cũng khá lâu. Những trẻ mồ cô giờ đã lớn, có người ra trường làm ông giáo, anh công nhân, anh thợ điện, có nhười lập gia đình. Từ những rách rưới tả tơi, miếng cơm bà nuôi, chiếc áo ấm bà gởi mặc mùa Đông và những chiếc xe đạp của mơ-ước thành sự thật đã đưa nhiều trai trẻ thành người hữu-dụng cho đời. Những emails qua lại ấm tình mẹ con vào tuổi hoàng-hôn của bà Sally với hai mươi đứa trẻ lạc loài trước đây đã làm vui cuộc đời, bà nói với tôi, giọng đầy xúc cảm:
--Trong trái tim mầy có Chúa, Phật. Từ tâm của mầy qua lối sống, qua việc làm với cuộc đời cho tao thấy Thương Đế không ở đâu xa mà ở chính nơi mầy.
Rất xúc động, một lần bà nói:
--Qua mầy, tao biết Thượng Đế và tôn giáo rõ hơn! Làm con người biết sống cho người thật tuyệt!

*

Tháng mười một năm 2010, vào ngày lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ sẽ là dấu ấn kỷ niệm tròn ba mươi năm vợ chồng chung sống hạnh phúc, mười chín năm sống ở Mỹ và đúng sinh-nhật thứ năm mươi tám của tôi. Ra đi làm lại cuộc đời sau nhiều năm tù tội khổ ải gian-nan, ai cũng không biết được ngày mai thế nào. Đất hứa thiên đường từ trong ước mơ có lần bềnh bồng như đang ở vùng trời mây ảo mỗi khi có dịp ngang qua cửa biển Thuận An Huế nơi có nhiều chuyến vượt biển thành công.... để nghe rặng phi lao vùng duyên hải rì rào theo cơn gió chiều biển lộng, tiếng sóng ầm-ì vổ mạnh ven bờ trải dài những bọt sóng,  ru mãi một âm quen trong khi ngoài xa-xăm kia bất tận một màu xanh đại dương rất tươi nét của  niềm hy-vọng tuyệt-vời! Làm sao không khỏi ôm mộng dấn thân được làm những cánh chim trời trên vùng biển vắng bao la, dang rộng đôi cánh hướng tới chốn bình minh nắng ấm có cây cỏ hoa lá tươi thắm bức tranh hạnh-phúc cuộc đời nơi có hy-vọng cho kẻ đến từ màn đêm tăm-tối. Có phải từng mơ là gió, là mây là nước đề cho ta hòa trong đó một chút hồn, đem gởi về nơi đó để tận hưởng thú vị ngọt-ngào của tự do và nhân bản.
Cuối năm 1991, giấc mơ trở thành sự thật, một sự thật vượt quá hẳn tầm tay khi vợ chồng con cái lâu nay lam lũ ở vùng quê xứ Huế nay nắm tay nhau hướng về chiếc máy bay rời Việt Nam trong nỗi ngại ngùng chưa trút bỏ là phải chăng đây là sự thật giữa đời người" Gần hai mươi năm sau, đứa con gái lớn sáu tuổi lúc ra đi,  từng đội tấm vải dầu, chân không dép,  lấm bùn đi đến trường ê a lớp vỡ lòng, nay xuất thân trường đại học Berkeley và đang dấn thân  phục-vụ vào xã hội Hoa Kỳ với những kiến-thức thâu thập được. Đứa con gái thứ nhì, khi bốn tuổi, có cái ngày cỏng chiếc ba lô đi trên sân bay tiến về phi cơ đi Mỹ. Dáng nhỏ, cong chúi người để giữ túi hành trang thăng bằng, cố leo lên cầu thang máy bay một cách vội vàng như sợ người ta kéo lui trả về làng xóm quê cũ.  Nay cô bé ngồi ngay giữa Ngũ Giác Đài phụ trách liên-kết và phối hợp với các nước Á châu Thái Bình Dương khi vừa tốt nghiệp cao học tại trường đại học Santa Barbara mùa hè năm 2009.
Hôm nay, như một going2 sông vẫn chảy về biển rộng,  sau kỳ thi tuyển dụng, tôi lại được làm việc giữa học khu Natomas School District với những giáo sư, nhân viên và các em học sinh còn ngây thơ và với những kiến thức và kinh-nghiệm có được, tôi nguyện đem sức mình giúp đời bằng cả nhiệt tình có được. Tuy làm việc năng-nổ trong phạm vi nhỏ bé của mình, nhưng thâm tâm cũng mong có cơ hội đền đáp được  chút gì trước sự cao cả,  lòng nhân đạo của nhân dân đất nước Hoa Kỳ  với  cánh tay mở rộng cho thuyền nhân, cho tù nhân chính trị và những người bất đồng chính kiến từ Việt Nam.  Học khu Natomas cũng có giáo sư Paul, Pitt, Kristene,  Roland, Raymond. Lettica đầy nhiệt tình, gần gũi và đầy cảm thông như mang trong người một trái tim đầy tình người.
Xin cám ơn trời cao với những ơn dày ban xuống cho gia đình tồn tại. Xin cám ơn đời với những chặng đường gian-nan thử thách mà vẫn  luôn có trong đó những tình người biết thương-yêu, cảm thông và tha thứ. Xin cám ơn nước Mỹ, đất nước của ước-mơ và cơ-hội, đất nước của tình thương và nhân bản nơi tôi có đủ bạn bè, người thân, đồng nghiệp, người cùng chí hướng, những ân-nhân và vô số những tấm lòng, những trái tim biết xúc-động và chia sẽ trước những thương đau của người khác.
HOA BIỂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến