Hôm nay,  

Hồi Ký Một Chuyến Đi

03/01/200300:00:00(Xem: 171588)
Người viết: HOÀNG NGỌC HOÀ (Xuân Phượng)
Bài tham dự số: 393-702-vb70104

Ông Hoàng Ngọc Hoà, bút hiệu Xuân Phượng, là một trong những tác giả được trao tặng giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ 2002, với bài viết “Bảo Tồn Di Tích Cổ” Công việc của ông Hoà là Phụ tá giám đốc Quản trị thành phố (Assistant to City Manager), kiêm quản trị và tái thiết (Community Redeve-lopment Agency) tại một thành phố phía Nam tiểu bang Florida. Sống xa Cali, công việc bận rộn, nhưng ông Hoà vẫn không ngại bỏ công sức vất vả để bay về Cali họp mặt Viết Về Nước Mỹ. Không phải chỉ để nhận một giải thưởng mà hiện kim không đủ chi cho một cuộc hành trình, mà chỉ vì muốn “góp sức để gìn giữ ngọn lửa chung...”
Sau đây là hồi ký về chuyến đi của ông.

*
Tôi đã không dự định đi Cali tham dự lễ phát giải thưởng Việt báo ngày 27 tháng 12 năm 2002 vì nhiều lý do. Chi phí của chuyến đi cao hơn giải thưởng nhận được, và là mùa lễ nên vé máy bay không còn nhiều chỗ trống, lại không có thời gian mua vé trước. Đắn đo suy nghĩ mãi, trong lòng tôi, vẫn thấy có điều gì không ổn.
Đi tham dự buổi họp mặtphát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ không phải để khoe khoang hay vì một buổi ăn tối ở nhà hàng, mà là để góp phần mình vào một việc đáng làm. Với giải thưởng Viết Về nước Mỹ, các anh chị Việt báo đã thắp sáng ngọn đuốc thì có lẽ chúng ta, những người tham dự cuộc chơi, phải góp sức để gìn giữ ngọn lửa chung đừng tàn. Nghĩ vậy, tôi thấy nếu vì ngại tốn kém thì giờ và tiền bạc mà bỏ cuộc họp mặt, lòng mình khó yên.
Tuần trước, cô Quyên của văn phòng Việt báo liên lạc với tôi qua điện thoại, nhưng không gặp, chỉ nhắn gọi cho cô Ngọc để biết thêm chi tiết nhận và tham dự lễ phát giải. Lúc về lại văn phòng, tôi gọi lại gặp Ngọc, cho biết chỉ có thể tham dự một người, vì không mua được vé máy bay cho cả gia đình cùng đi Cali, nhà tôi lại không thể nghỉ phép vì cuối năm, ngân hàng rất bận.
Lên Internet để kiếm vé, tôi tìm được một "package" khá rẻ, gồm cả vé máy bay, khách sạn, và xe. Cuối năm, không muốn làm phiền ai, đưa đón, ở trọ, nên theo tôi, tự túc là hay nhất. Mình đang ở Mỹ mà, chuyện gì cũng có thể làm được nếu mình muốn và có chuẩn bị.

ĐƯỜNG BAY ĐI CALI
Tôi rời Florida vào buổi chiều thứ năm, ngày sau lễ Giáng sinh, trời nắng ấm. Theo dự định, sau khi đổi chuyến bay tại Newark, máy bay sẽ đến phi trường Santa Ana vào buổi tối hôm đó, thế là tôi có được một ngày thứ sáu, dạo phố Bolsa trước khi đi tham dự buổi tiệc. Nhưng hãng máy bay tính cũng không bằng trời tính.
Chuyến bay từ thành phố nắng ấm Florida đến phi trường Newark tại tiểu bang New Jersey đúng lúc đợt bão tuyết mùa Giáng sinh chưa yên. làm nhieều chuyến bay bị đình hoãn. Khi máy bay còn cách phi trường 45 phút, đài kiểm báo ra lệnh bay vòng vòng trên trời chờ thu xếp bãi đáp. Sau cả tiếng đồng hồ bay vòng vòng trên trời, phi công cho biết dự đoán lúc đến nơi, đó cũng là giờ chuyến bay chuyển tiếp của tôi cất cánh! Tôi ra hiệu cho cô chiêu đãi viên hàng không, là tôi cần cô báo cho phi công để họ có thể gọi cho chuyến bay kia "chờ" tôi năm phút, cô trả lời cho tôi là lúc đáp, sẽ có xe điện chở tôi đến cổng kia, đừng lo.
Lúc chuyến bay đáp, ra được đến cổng, tôi thấy đã quá năm phút cho chuyến bay chuyển tiếp đi Cali. Gặp nhân viên hãng hàng không tại cổng, anh ta cho tôi biết chuyến bay đã cất cánh. Hai vợ chồng người Mỹ ngồi kế bên tôi đi San Diego cũng cùng chung số phận.
Khi đến quầy dành cho khách hàng bị "lỡ chuyến tàu", chúng tôi được biết đó là chuyến cuối cùng trong ngày đi Cali, kể cả đến phi trường Los Angeles. Tôi cho họ biết tôi cần đến Cali ngày thứ sáu hôm sau, trước 5 giờ chiều. Các chuyến bay hầu như đã hết chỗ, nhưng cuối cùng cũng kiếm được một chỗ cho tôi ngày hôm sau, một chỗ ngồi ở hàng ghế giữa và sau đuôi của chiếc Boeing 737-700. Đây là loại ghế ngồi hẹp tới nỗi một người Á đông nhỏ con như tôi cũng đừng mong có chỗ cựa quậy.
Nhờ giờ miền đông đi trước miền tây 3 tiếng đồng hồ, chuyến bay đến Cali của tôi ngày hôm sau sẽ phải đến phi trường John Wayne trước 2 giờ chiều. Họ cũng cho tôi biết, máy bay trễ vì lỗi của đài kiểm báo, chứ không phải do hãng hàng không, nên họ không trả chi phí khách sạn ở qua đêm cho tôi, dù tôi đã mất công xin gặp hết mấy vị "supervisor" tại đó để than phiền. Thế là đành lấy metro, đón xe bus về khách sạn. Hai khách sạn kế gần phi trường đã hết chỗ, tôi đành phải chọn chỗ xa hơn. Đúng là thương mãi ở Mỹ, khách sạn cho giá sao đành chịu vậy, khách "nhỡ" chuyến tàu như tôi đâu còn lựa chọn nào khác"
Hành lý của tôi chẳng biết thất lạc nơi nào, chỉ với một bộ áo quần và chiếc xách tay nhỏ, vào được khách sạn tắm rửa, mặc lại bộ đồ cũ, ăn tối rồi về phòng, tôi thấy mình còn ngon lành hơn anh Chữ đồng Tử khi xưa. Khách sạn Mỹ đầy đủ tiện nghi, tiện tay, tôi giăït luôn đôi vớ, treo ngay lên trên máy sưởi, sáng hôm sau là khô, không sợ làm phiền khứu giác của hành khách trên chuyến bay ngày hôm sau.
Mệt quá, thiếp đi lúc nào không biết, tôi bừng tỉnh lúc 3 giờ sáng, vì có tiếng cãi nhau từ phòng bên cạnh. Không biết hai vợ chồng có lẽ cãi nhau vì trễ chuyến bay, vì tốn tiền khách sạn hay vì nhiều lý do nào khác. Nghe họ lớn tiếng, tôi mong sắp tới mình sẽ không đi cùng chuyến bay với họ. Cố dỗ lại giấc ngủ không xong, tôi đành thức dậy, pha một ly trà nóng, rồi quyết định trả phòng vào phi trường sớm. Nhỡ lại thêm một cơn bão tuyết, kẹt luôn ở khách sạn thì khổ.
Lúc chiếc xe bus của khách sạn vào phi trường, tôi ngạc nhiên thấy xe cộ và người thật đông, có lẽ cũng cùng chung số phận như tôi đêm hôm trước, rồi cũng không ngủ được, sợ trễ chuyến bay hôm sau, nên phi trường, chỉ mới 5 giờ sáng, đã tấp nập những người.
Chuyến bay đi Cali cất cánh trễ hơn nửa giờ cũng vì đài kiểm báo, nhưng viên phi công cho biết ông sẽ rút ngắn giờ bay. Sau hơn năm tiếng đồng hồ xuyên bang, phi cơ đáp xuống phi trường đúng giờ, trừ thêm một tiếng chờ lấy hành lý và xe mướn, lúc tôi về khách sạn, trước khu SouthCoast Plaza, thấy còn hai tiếng để chuẩn bị. May mắn thay, hành lý của tôi đã không bị tháât lạc, khách sạn còn phòng và kế bên không có cặp tình nhân tối hôm trước.

LỄ PHÁT GIẢI
Như đã hứa với cô Ngọc ở Việt báo là sẽ đến 5 giờ, lúc đậu xe trước nhà hàng Seafood World, nhìn đồng hồ, tôi đã đến sớm hơn 15 phút.
Các anh trong ban tổ chức đang sửa soạn tấm banner trước cửa tiệm, các cô tiếp tân đang đứng trước số sách mới in. Sau khi hỏi chuyện qua loa, mua mấy cuốn sách và "cassettes", đi trở lại để bỏ vào xe, lúc vào lại nhà hàng, tôi găïp ngay một phụ nữ tay cầm xấp hồ sơ. Thì ra đây là cô Quyên của Việt báo đang lo tìm kiếm các tác giả trúng giải để điền hồ sơ sở thuế vu.


Tôi được Quyên và Ngọc sắp ngồi chung với các anh chị trúng giải khác, mọi người tự giới thiệu, gồm cô Phong Lan, tác giả bài “Người Mỹ di động”, anh Tống minh Châu và hai người con, anh chị Hoàng ngọc Hiển, anh Lê Hiền và một cô còn trẻ là Faith Linh Ngô, đang học đại học và được biết cô ăn chay trường. Riêng cô Phong Lan đã có nhã ý mang theo một chai "Remy" còn nguyên trong hộp, nói để gặp Bồ Tùng Ma, tác giả bài “Ông Ba Đau Khổ“ để cùng "nhậu". Một đại diện của Giải thưởng Việt Báo là anh Nguyễn Minh đã tới ngồi cùng bàn, vui vẻ “cổ võ” làm chúng tôi cùng "xỉn" trước khi nhận giải thưởng. Sau này, tôi được biết chính anh Minh là một trong hai chữ ký trên các chi phiếu của “Giải thưởng Việt Báo” trao tăïng các tác giả trúng giải. Xin cám ơn Phong Lan , cám ơn anh Minh và các bạn cùng bàn về kỷ niệm khó quên này.
Tôi không đếm hết được số người tham dự, nhưng nhà hàng đã chật hết chỗ. Các tác giả trúng giải và thân nhân chiếm gần trọn phía bên trái nhà hàng, nơi có treo các bong bóng màu xanh. Quan khách cả Mỹ lẫn Việt thì ngồi phía đối diện sân khấu. Chị Nhã (tôi nghe mấy anh chị trong Việt báo gọi như vậy với chị Nhã Ca), thì đi chào hỏi từng bàn. Hỏi anh Trần dạ Từ đâu thì chị cho biết đang còn ở tòa soạn, lo cho tờ báo ngày hôm sau. Anh Phan tấn Hải cũng vậy. Chỉ tiếc ai cũng bận nên tôi không có dịp nói chuyện về căn nhà kế bên nhà tôi của chị Nhã ở Huế.
Buổi lễ phát giải diễn ra trong khung cảnh thật ấm cúng. Các món ăn cũng thật ngon, toàn đồ biển trừ món tầu hủ ky được cô bé Linh Ngô chiếu cốâ vì ăn chay. Có nhiều người như tôi, dù không quen ai trong buổi tiệc, nhưng cũng cảm thấy được sợi dây vô hình gắn bó với mọi người. Không khí thật cảm động khi ban tổ chức giới thiệu cụ bà Trùng Quang, một tác giả dù đã 92 tuổi, vẫn có bài Viết Về Nước Mỹ và cũng lặn lọâi từ San Jose bay về dự họp mặt. Cô sinh viên Faith Linh Ngo 20 tuổi ngồi cùng bàn với chúng tôi cũng bay về từ San Jose. Hai tác giả cách nhau tới... 70 năm cho tôi thấy thêm sợi dây vô hình của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ quả là có sức gắn bó, nối kết nhiều thế hệ người Việt tại Mỹ.
Tôi còn cảm thấy sợi dây gắn bó thân ái này đang được nối dài hơn nữa, khi nghe ban tổ chức loan báo sẽ có thêm Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ bằng tiếng Anh. Như vậy, các em được sinh ra và lớn lên trên quê hương thứ hai này sẽ có cơ hội viết và đọc, chia xẻ những kinh nghiệm, thất bại và thành công để các thế hệ cha anh, cùng được nhìn và thấy để bổ túc cho nhau.
Anh Từ đã giới thiệu khi trao giải cho các tác giả, anh tóm tắt các chi tiết về bài viết và tiểu sử tác giả thật ngắn gọn và cảm động. Nhà thơ Du tử Lê cũng như anh Đỗ ngọc Yến của nhật báo Người Việt đã phát biểu những ý kiến thật phấn khởi về người viết, người đọc.
Trừ tác giả Nguyễn Hà giải chính thức chung kết không tham dự được vì tai nạn lưu thông tuần trước -nhờ người anh ruột là nhạc sĩ Trung Nghĩa lãnh thay-, hầu hết các tác giả được lãnh giải ở Cali đều tham dự. Tôi thấy được cái công lao khó nhọc về tinh thần và vật chất của các anh chị trong Việt báo cho chương trình Viết về nước Mỹ.
Là một người Việt "lưu lạc" tại quê hương đa văn hóa này, tôi vẫn thường mơ ước người Việt mình có cơ hội tạo dựng được một trung tâm văn hóa, không những bảo tồn văn hóa cổ truyền mà còn phát triển về văn hóa đa diện tại xứ sở tự do này. Đất nước Việt nam dù có trải qua bao sóng gió đổi đời, cấm đoán, thì xứ sở tự do này sẽ cho chúng ta cơ hội để tạo dựng, gìn giữ và bảo tồn những gì chúng ta có. Tự do ngôn luận sẽ cho chúng ta lối nhìn, lối nói khách quan mà điều đó chưa có được trên quê hương thứ nhất của chúng ta cho đến ngày nào tự do thực sự đến.
Buổi tiệc tàn lúc đồng hồ của tôi, vẫn còn giờ Florida, chỉ hơn một giờ sáng. Tôi về lại khách sạn, ngủ một giấc thật ngon.
Lúc thức dậy, thấy đồng hồ Cali đang còn 6 giờ sáng, bèn lấy xe ra phố Bolsa, để mua mấy món quà về lại Florida. Sớm tinh sương, dù là thứ bảy, chưa có tiệm bán hàng nào mở cửa, tôi đành vào... tiệm Phở. Tiệm mới sáng sớm đã đông khách. Ăn xong tô phở nóng, thấy không những rẻ mà còn ngon hơn phở thường ăn ở mấy tiệm bên Florida.

ĐƯỜNG BAY VỀ
Phi cơ cất cánh rời phi đạo của phi trường John Wayne lúc 6:45 sáng. Tôi đã đổi lại chuyến bay về sớm hơn. Tối hôm trước tôi đi ngủ theo giờ Cali sau khi nghe radio hội luận về sửa sắc đẹp của cô Thái Hà trên đài Little Saigon, nhưng sáng thức dậy theo giờ Florida, bò ra phi trường quá sớm. Đã có tô phở ngon lót bụng, lên máy bay, tôi chả thèm ăn sáng mà ngủ gà ngủ gật.
Lúc máy bay đáp tại phi trường George Bush thuộc thành phố Houston, Texas để đổi chuyến bay về Florida, cô nhân viên hãng máy bay đã làm khó dễ, nhất định không cho tôi lấy chuyến bay sớm hơn về Florida dù còn dư chỗ. Cô ta viện cớ hành lý phải đi cùng người. Biết năn nỉ cũng không được vì luật mới về giao thông, tôi đành kiếm một góc, điện thoại tán dóc với mấy người bạn tại Houston chờ 7 tiếng đồng hồ sau cho chuyến bay.
Lúc máy bay ra phi đạo, lại được lệnh chờ vì thời tiết xấu, gió mạnh, mưa lớn. Cuối cùng sau khi chờ thêm 1 tiếng, máy bay cũng cất cánh được nhưng tôi cứ tưởng 10 phút sau khi cất cánh mình đang đu dây như Tarzan, vì phi cơ lắc dữ dội. Phi công loan báo phi trường đã quyết định đóng cửa vì thời tiết sau khi cho phép ông cất cánh. Thế là suýt chút xíu nữa, tôi phải kẹt lại. Hồi tưởng lại tháng tư 75, tôi nhớ là mình cũng đã rời bỏ quê hương bằng chuyến bay cuối cùng.
Máy bay tuy trễ hơn một giờ và phải bay trong thời tiết xấu, cũng đến được Florida trước giờ "giới nghiêm phi trường". Lúc chờ nhận lại hành lý, tôi không thấy hai cái vali của mình đâu cả. Mọi người trên chuyến bay đã ra về hết, máy chuyền hành lý đã ngưng chạy, tôi lại quầy mất hành lý để khiếu nại, nản lòng nhìn thấy người ta xếp hàng cả dọc dài.
Đồng hồ đã quá nửa đêm, cuối cùng tôi cũng lọt vào được để gặp nhân viên, thì bên góc phòng, đã thấy hai cái vali của mình đang nằm đó. Cô nhân viên cho biết, nó đã đến từ hồi sáng không ai nhận, chắc là ông "trễ" chuyến bay! Tôi cũng chẳng mất thì giờ giải thích dài dòng với cô ta. Kéo hai cái vali ra chỗ đậu xe, nhớ cô nhân viên hãng máy bay ở Houston nhất định buộc mình phải tôn trọng luật lệ đi cùng với hành lý. Hoá ra chính hãng máy bay của cô ta lại là kẻ vi phạm.
Chuyến đi tuy ngắn, nhưng thực sự tôi đã học hỏi được thật nhiều từ mắt thấy tai nghe. Là một viên chức xây dựng của một thành phố, từng làm nhiều đồ án, tôi biết cái khó khăn không phải lúc ban đầu, mà phải làm sao cho đồ án thành tựu hay đến đích.
Xe về đến nhà, khu xóm đã tắt đèn, mọi người đã an giấc. Mở cửa vào nhà, Xuân Phượng chạy ra ôm chầm lấy ba. Dù đêm đã khuya, cô béù nhất định thức chờ ba về. Vòng tay thương yêu của con bé đã làm tan biến hết nhọc mệt của tôi trong những ngày xa nhà.

Hoàng Ngọc Hòa
(Xuân Phượng)
Ngày đầu năm dương lịch 2003

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,398,994
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến