Hôm nay,  

Làm Sở Mỹ

03/11/200200:00:00(Xem: 129129)
Người viết: NGUYỄN TRỌNG TỊNH

Bài tham dự số: 3029-677-vb61101

Tác giả Nguyễn Trọng Tịnh sinh năm 1950, hiện cư trú tại Torrance, CA. Công việc: Kiểm soát viên kỹ thuật hàng không. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ hai của ông, kể lại kỷ niệm những ngày đầu “làm sở Mỹ” ngày trên đất Mỹ.

+

Ngày còn ở quê nhà, chúng tôi đã quá quen thuộc với nhóm từ “làm sở Mỹ”õ. Nó cho biết giới này đa số thuộc diện hào phóng, tiền bạc đô la rủng rỉnh, đi đến đâu cũng được trọng vọng. Trong khi đó đại đa số chúng tôi đều nghèo vì còn nặng nợ với núi sông, vai khoác chiến y thì đâu có cơ hội được đi làm cho Mỹ.

Bỗng một sớm một chiều thế sự thay đổi. Cá nhân tôi cũng như nhiều bạn cựu quân nhân khác phải trút bỏ chinh y để làm một phó thường dân (rờ phu di) nơi xứ Cờ Hoa này. Nhờ đó tôi có dịp được đi làm sở Mỹ ngay trên đất Mỹ hẳn hoi.

Công việc đầu tiên của tôi là nấu nhôm cho một hãng làm các vật dụng kiến trúc nhà cửa như cửa sổ, patio hay những dàn vật liệu bằng nhôm khác. Ông mục sư bảo trợ đã giới thiệu tôi với ông chủ hãng nhôm, người vừa làm chủ vừa là hội viên của nhà thờ đã bảo trợ tôi từ trong trại tỵ nạn. Tôi nghĩ vì lý do này thế nào ông ta cũng sẽ ưu tiên cho mình trong công việc sắp giao.

Hôm ấy chúng tôi đến văn phòng hãng từ sáng sớm. Phải chờ hơn nửa giờ văn phòng mới mở cửa. Cô thư ký mời chúng tôi vào phòng tiếp khách và đến bàn gọi điện đi đâu đó, có lẽ cho ông chủ nhưng thỉnh thoảng cứ nhìn trộm tôi. Chỉ mười phút sau ông chủ đã nhanh nhẹn đến ngay chỗ chúng tôi ngồi, mời mục sư và tôi vào văn phòng nói chuyện. Có lẽ vì có "quen biết lớn" nên ông ta tiếp chúng tôi ngay trong văn phòng của ông. Việc đầu tiên ông ta hỏi tôi có thích thành phố này không" Mặc dù nơi đây quá tĩnh mịch, buồn tẻ, hoang sơ và chắc chắn không phải là nơi ở lâu dài của tôi nhưng tôi cũng phải dối lòng mình trả lời ông chủ rằng thành phố rất đẹp và tôi yêu nó ngay từ ngày đầu tiên đặt chân đến đây.

Sau đó ông chủ dẫn chúng tôi đi quan sát một vòng những khu nấu nhôm, đúc nhôm và những cái máy ép nhôm khổng lồ v.v. Công việc xem chừng nặng nhọc và nguy hiểm. Nhất là khu nấu nhôm, tôi thấy một người xử dụng xe xúc có bọc một lớp kính nhựa dày, trạng bị như người lính chữa lửa đang xúc nhôm vụn đem đổ vào hồ nhôm đang nóng cháy bỏng. Khi đổ nhôm vụn vào nhiều lúc phát nổ vì có nước hoặc các chất lạ trong đó nên nhôm bắn tung tóe, chạm vào đâu là cháy đó như miểng đạn pháo kích.

Tôi đứng nhìn những người thợ làm việc rất lớp lang thứ tự, trong lòng thầm phục họ. Khi trở lại văn phòng, ông giám đốc hỏi tôi có thể làm được việc gì" Tôi trả lời cứ cho tôi bất cứ công việc gì, tôi xin cố gắng. Thế là ngày hôm sau, ông bảo trợ chở tôi đến hãng nhôm để bắt đầu ngày đầu tiên làm sở Mỹ.

Ngày đầu tiên tôi đi thẳng vào văn phòng cô thư ký để làm giấy tờ, nhất là giấy tờ liên quan tới các điều lệ về an toàn và bảo hiểm sinh mạng v.v. họ đều cần tôi ký vào để lỡ sau này có xảy ra tai nạn thì tôi không thưa kiện được. Các công ty Mỹ rất cẩn thận về vấn đề này.

Ký xong, ông foreman (xếp) đến nhận tôi vào toán của ông ta. Tôi được dẫn đi một vòng bên ngoài và ông ta hỏi tôi có biết lái xe không" Tôi chỉ biết xử dụng các loại quân xa và có lần lái thiết giáp vì đi tăng phái, gặp thằng bạn cùng khóa đang hành quân thiết vận xa nên thừa cơ hội nhảy lên lái đại, nếu có cán lầm bộ đội cụ Hồ cũng O.K. Nghĩ tới lần lái xe thiết giáp nhớ đời đó tôi gật đầu bừa. Tôi nghĩ xe này cũng không đến nỗi khó lái. Chỉ chạy lòng vòng quanh đây thì dợt vài đường là làm được ngay.

Trả lời xong ổng dẫn tôi vào phòng và bảo tôi rằng: "mày có biết công việc này rất quan trọng cho sinh mạng của mày và những người khác đang làm chung quanh cái hồ nhôm kia không" Vì lỡ sơ ý mà ủi xe xúc vào, hồ vỡ ra (hồ được bao bằng loại đất sét đặc biệt chịu độ nóng chay của nhôm hơn 1000 độ F) thì không tìm được xác. Tao muốn mày làm công việc này vì tao tin cẩn mày, hơn nữa lại có cha nhà thờ bảo trợ v.v và v.v".

Thực ra sau này tôi mới biết rằng làm công việc này không ai chịu được lâu dài, phần vì nguy hiểm rình rập thường xuyên, phần vì quá nóng vì lò nấu cộng thêm với nhiệt độ bên ngoài lại phải trùm thêm bộ quần áo chống lửa và cái nón sắt như kỵ mã thời trung cổ, nên chẳng anh nào có thể cầm cự được lâu.

Ông xếp bảo tôi rằng tôi sẽ được trả lương khá hơn và bắt đầu công việc với số lương là $2.50 một giờ. Xếp này xạo vì sau này tôi biết những nhân công Mễ làm những công việc nhẹ nhàng và không nguy hiểu như đóng thùng và phân phối đi khắp mọi nơi (shipping) cũng hơn luơng tôi. Nói chung họ coi mình cũng như những người Mễ vượt biên và làm bất cứ công việc gì. Riêng tôi vì có "gốc" nhà thờ bảo trợ nên chắc được "ưu ái hơn"!

Sau giờ ăn trưa, ông xếp dẫn tôi ra sân sau của hãng và chỉ đống nhôm vụn cao hơn nóc nhà do xe đổ xuống hôm qua. Ông bảo tôi lên xe xúc làm thử vài đường như xúc và đổ từ đống này qua đống kia xem tôi xoay sở thế nào. Tôi cũng không đến nỗi tệ với các loại máy móc. Lạng quạng vài chuyến đầu, mấy chuyến sau tôi đã làm ngon lành và ông xếp tỏ vẻ hài lòng. Ông ta bảo ngày mai mới cần bắt đầu với công việc, hôm nay chỉ cần tập lại cho "nhiễn nghề" thôi. Và tôi đã làm công việc này hằng ngày với mồ hôi đổ như tắm vì nóng và với sự hiểm nguy rình rập từng giờ.

Thấm thoát tôi đã làm được sáu tháng và cũng là nhân viên lái xe xúc thâm nhiên nhất ở đây. Ông xếp bảo rằng người làm lâu nhất trước đây còn kém tôi một tháng. Ông bà mục sư và hội nhà thờ tỏ vẻ rất hài lòng vì tôi và các anh em làm chung (đa số là Mỹ đen và Mễ) thân thiện hơn rất nhiều so với ngày đầu tôi mới tới. Họ lân la hỏi chuyện, đa số đều không biết Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới. Thậm chí có người còn hỏi bên VN mày có TV không" Có tủ lạnh để chứa bia không" Nghe xong những câu hỏi như vậy tôi dần nghiệm ra những người này và có thể đại đa số dân sống ở Mỹ không hề biết tí ti gì về tình hình Việt Nam. Vì vậy tôi đã cố gắng giải thích lý do tại sao chúng tôi đến đây, tại sao chúng tôi phải bỏ lại gia đình cha mẹ, vợ con, anh em và bè bạn v.v. Không chạy trốn sao được vì nếu ở lại thì họ (VC) sẽ gom chúng tôi vào trại tập trung cải tạo mà tiếng Anh là "re-education camp". Cái trại này không giống như trại tù của Mỹ đâu mà là nhà giam, biệt giam chỉ để vô đó chơi với chuột và dán, ăn và ị tại chỗ. Không bị giam còn khổ hơn vì phải vào rừng đốn gỗ cho cán bộ bán, đào mìn bằng tay không và tối về còn bị học tập nhồi sọ. Rất nhiều người trong chúng tôi đã chết vì mìn, vì thiếu ăn và bị tra tấn. Tôi cũng nói luôn với mấy anh Mỹ đen và Mễ không phải ai cũng may mắn như tôi có được phương tiện để chạy thoát được đến bến bờ tự do. Tất cả há hốc miệng ra nghe và kết luận VC là "hết thuốc chữa".

Tôi làm việc thật đắc lực nên được xếp cho lên lương 25 cents. Vào thời điểm năm 1975 ở Texas tôi nhớ giá xăng chỉ có 19 cents một gallon nên được lên lương như vậy tôi thấy cũng khá.

Cuộc sống đều đặn lặng lẽ trôi. Mỗi cuối tuần vào thứ bảy người trong giáo hội chở tôi đến nhà thờ để học Kinh Thánh từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, sau đó họ chở tôi về nông trại ăn chơi đến tối mới chở tôi về nhà. Sáng chủ nhật 8 giờ quần áo chỉnh tề họ lại đón đi lễ. Đến trưa lại một gia đình khác đón tôi về nông trại, chiều họ lại chở tôi về để sáng hôm sau lại bắt đầu một tuần mới.

Cứ như thế được hơn nửa năm tôi cảm thấy không thể làm mãi công việc này thêm vào đó những sinh hoạt lại quá đều đặn và buồn tẻ đối với một thanh niên mới ngoài 20 tuổi. Điều này làm tôi quyết định bày tỏ ý nguyện được đi tới tiểu bang khác nơi đó có gia đình người bạn để được học tiếp với người bảo trợ.

Ngỏ ý xong, những ngày cuối tuần sau đó tôi vẫn đi sinh hoạt bình thường nhưng sự thân mật không còn được như trước. Biết trước thế nào cũng phải ra đi vì cứ đi làm lao động như vậy sẽ không có cơ hội tiến thân nên tôi dự định đi vào một ngày thuận tiện nhất.

Ngày ra đi của tôi diễn ra âm thầm. Ngày hôm trước tôi đã xin phép và chào tạm biệt ông bà mục sư và gởi lời chào đến tất cả hội nhà thờ. Vài người đến chúc tôi may mắn, tôi hẹn sẽ về thăm họ khi có dịp. Riêng ông bà mục sư gọi điện thoại để từ giã.

Một mình với con ngựa sắt trên chất đầy những chăn mền, quần áo, tôi ra đi khi trời còn mờ hơi sương. Bà cụ già chủ nhà ở ngay bên cạnh đã thức dậy và đang đứng vẫy tiễn tôi từ trong phòng khách nhà bà. Tôi hay giúp đỡ bà vì hình ảnh của bà làm tôi chạnh lòng nhớ đến mẹ tôi ở Việt Nam. Bà cũng rất thương tôi, thỉnh thoảng lại mang cho tôi cái bánh mà bà đã bỏ công làm cả ngày, hay một ít trái cây hái từ vườn sau... Tôi và bà cụ rất quý mến nhau. Tôi cảm thấy buồn khi phải từ bỏ nơi này, nhất là phải chia tay với bà cụ. Bà cụ chỉ sống một mình, không có con cháu gần cận nhưng vẫn cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Điều này dạy tôi một điều: người Mỹ họ có thói quen tự lập từ nhỏ, tuyệt đối tôn trọng tự do cá nhân và nhất là không nặng về phần tình cảm nên khi về già họ vẫn có thể sống một mình mà không cảm thấy cô đơn. Có thể điều này cũng đúng với trường hợp bà cụ hàng xóm của tôi chăng" Dù gì đi nữa tôi cũng sẽ rất nhớ bà khi phải rời xa nơi đây.

Sau hai ngày và một đêm rong ruổi tôi đã gặp bạn tôi. Vui mừng sao kể hết, đây là lần đầu tiên sau hơn sáu tháng tôi mới có dịp đọc nói tiếng Việt. Chúng tôi đã cùng nhau đến trường làm lại từ đầu nhưng lần này có một mục đích là học để kiếm cơm, học để tìm cho mình một công việc thích hợp với khả năng và ý thích của chính mình.

Chúng tôi đã toại nguyện với những gì đã đạt được trên quê hương thứ hai.

Để nhớ về Kansas

mùa Đông 1976.

Nguyễn Trọng Tịnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,514,821
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến