Bài tham dự số: 354-693-vb41120
Tác giả Mai Khắc Huyền Trân (Tran Mai) chỉ mới... 15 tuổi rưỡi, hiện sống với gia đình tại San Jose và đang là một High School Student (Junior) tại Silver Creek High School. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là một giấc mơ tử tế, dễ thương, được kể như một chuyện giả tưởng của 10 năm sau. Chúc mọi giấc mơ của cô tác giả 15 tuổi rưỡi đều sẽ thành sự thật và mong cô sẽ tiếp tục viết thêm.
+
Tờ lịch cuối cùng của năm 2012 đã rơi xuống để đón mừng năm 2013. Thục Uyên mỉm cười cho chính mình. Thế là một năm mới lại đến, và lại một năm nữa nó đón mừng nàng Xuân trong sự thương yêu, đùm bọc của ba mẹ, và cả Đăng Khoa.
Mặc dầu giờ đã là một cô nha sĩ, nhưng Thục Uyên luôn cần có họ bên cạnh để ủng hộ, an ủi, và thúc đẩy nó bước đi trên con đường mà người ta gọi “đường đời” khó khăn, hiểm trở.
Thục Uyên đã từng bị mất phương hướng, nó đã từng bị thất bại và mỗi lần như vậy, lời nói của Khoa ngày nào lại là một sức mạnh vô hình giúp nó vượt qua mọi khó khăn trở ngại: “Nếu Uyên biết nhìn lên, để một chút ước vọng trở thành động lực cho Uyên vươn tới... Nếu Uyên biết nhìn xuống, để một chút tự tin giúp Uyên tiến xa hơn... Nếu Uyên biết nhìn thẳng về phía trước, để một chút lo lắng giúp Uyên cẩn trọng khi bước vào công việc... Nếu Uyên biết nhìn lại phía sau, để những nuối tiếc trước lỗi lầm trở thành kinh nghiệm quý... Khi đó, dẫu có chuyện gì xảy ra chăng nữa, thì Uyên sẽ vẫn luôn tự hiểu rằng: cuộc sống này của Uyên, và Uyên đang sống vì mọi người, trong đó có Uyên, có Khoa và có gia đình của Uyên nữa.”
Ngày mới bước chân đến Mỹ, Thục Uyên cảm thấy mình thật lạc lõng. Từng góc phố, từng khu nhà, đến cả việc lưu thông trên con lộ cũng hoàn toàn xa lạ, khác biệt với những gì nó tưởng tượng khi còn ở Việt Nam. Ra ngoài thì tiếng anh, tiếng u, người ta nói cái gì, nó cũng chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Vào trường học, đôi khi buồn muốn bật nước mắt. Đôi khi nó hiểu bà cô nói gì, và biết câu trả lời nhưng bởi rụt rè, bởi sợ sai, bởi sợ tụi bạn chọc cười bởi tiếng nói “accent” của mình, nó lại ấm ức không dám giơ tay phát biểu.
Giờ PE (thể dục), một mình nó đứng lặng lẽ nhìn tụi bạn chơi, và thắc mắc tên gọi của trò chơi ấy là gì. Nhưng cái gì cũng chỉ khó khăn lúc ban đầu, một khi đã quen rồi thì làm gì cũng dễ dàng như trở bàn tay. Nó cố gắng học thêm tiếng Anh, nó cố gắng coi TV thật nhiều để luyện nghe và hiểu, nó cố gắng tập đàm thoại tiếng Anh với tụi bạn trong trường. Ở nhà, có bài gì không hiểu, nó lại kiếm các cô cậu trong nhà nhờ giảng giúp. Rồi rốt cuộc năm học cũng kết thúc. Nó lại thấy quá mau chóng, nhưng biết mình đã gặt được kết quả tốt, nó mỉm cười cho chính mình. Nó hăng hái tạm biệt lớp 8, năm đầu tiên tại Mỹ, tạm biệt trường LeyVa Junior High, và tạm biệt những khó khăn mà nó đã phải vất vả trải qua.
Những năm học highschool quả là những năm tuyệt vời và nhiều kinh nghiệm nhất. Mặc dù không thể nói là dễ, nhưng đối với nó, nếu biết cố gắng, thì không có gì là khó. Nó vừa học, vừa chơi. Khi bài nhiều thì vừa chúi đầu làm, vừa cằn nhằn cô giáo. Khi rảnh rang lại háo hức vào chatroom nói chuyện với bạn bè cho tới khuya.
Nhưng có một chuyện đã làm nó hối hận mãi: Hồi học lớp 12, Thục Uyên không biết nó đã “cảm” Thái Phong lúc nào. Nhưng như người ta đã nói “Ở lưá tuổi này, con người thường dễ bị ngộ nhận tình cảm.” Và thật vậy, nó tưởng là mình đã yêu, và khi thấy người ấy có dấu hiệu tình cảm với một người khác, nó bắt đầu khó chịu rồi lại.. ghen. Ấy da, nó lại còn ghanh tị với cô bạn mà Thái Phong đang săn đón nữa chứ. Thục Uyên thấy cô ta sao mà xinh đẹp, sao mà dễ thương đến thế, trong khi đó, nó chỉ là một chú “vịt con xấu xí”. Rồi nó thất vọng não nề với những gì đang có.
Thế là tụi bạn liền trổ tài an ủi, ba mẹ động viên. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng qua như một cơn mưa đến lúc phải tạnh. Nó rốt cuộc cũng quên được Thái Phong, nhưng ôi, nó đâu ngờ rằng mình đã phá vỡ một mối quan hệ tình bạn rất dễ thương mà nó đã từng cố công vun đắp. Bây giờ ngó lại cái “ích kỉ trẻ con” ấy, nó thấy mình thật ngớ ngẩn khi cố giành lấy một cái gì đó không phải của nó và không thuộc về nó. Ôi, Thục Uyên lại mong mọi chuyện trở lại như ban đầu, lúc Phong và nó vẫn còn là bạn thân. Lúc hai đứa vẫn còn ngây ngô, tụ ba tụ năm đi ăn phở.
Ôi, những ngày thi, những ngày làm bài kiểm tra, những ngày bù đầu rối tóc làm bài, học bài không thể nào quên được. Nhiều khi nó đã muốn buông xuôi, muốn đi ngủ, nhưng như vậy thì không được, nó không muốn có điểm xấu. Nó không muốn ba mẹ buồn, thầy cô thất vọng. Nó cũng không muốn bị quê với bạn bè. Ôi động lực ấy sao mà mạnh đến thế, nó đã giúp Thục Uyên vượt qua để đem lại cho nó một tương lai sáng như bây giờ. Nó thầm cảm ơn những động lực trầm lặng nhưng đầy niềm tin, và thúc dục đó.
Rồi những ngày đầu tiên ở ngưỡng cửa đại học rụt rè, lo sợ lại hiện về trong trí óc của nó thật rõ ràng, và mạch lạc. Thục Uyên còn nhớ tới cái cảm giác rùng mình khi bước vào một môi trường, à không, phải nói là một thế giới, đầy những ước mơ khi mình có một quyết tâm, và cũng thật nhiều hố bẫy khi mình sa đọa.
Và ôi thôi, những ngày đầu tiên sống xa nhà, sống xa ba mẹ mới khó khăn dường nào. Nó đã phải vừa đi học, vừa đi làm, vừa phải tự nấu đồ ăn, dọn dẹp phòng, lại còn phải tham gia các sinh hoạt trong trường nữa chứ. Một ngày của nó sao mà dài đăng đẳng. Một, hai giờ rảnh rỗi của nó thiệt quý báu đến dường nào. Nó không còn thời gian trò chuyện với chú hamster Chompey nữa. Nhiều đêm nhớ nhà, nó lại ngủ không vô. Và lúc này đây, Khoa đã đến như một thiên thần. Anh giúp đỡ, chỉ dẫn nó từng chút một. Và chẳng bao lâu sau, nó cảm thấy trái tim nó có vấn đề. Có phải chăng nó đã thích anh" Thục Uyên không muốn như vậy, nó đã từng thất bại một lần. Và cũng như bao người khác một khi đã bị thương, thì lần sau ít có ai dám thử lại một lần nữa. Nhưng hình như Khoa hiểu được tâm sự của nó. Anh bảo hãy cứ để tâm học hành, anh sẽ đợi câu trả lời của nó sau khi tốt nghiệp. Và rồi như lời anh, Thục Uyên lao đầu vào học và làm với một niềm tin không chỉ ở riêng nó, mà còn có ba mẹ, và lần này, có cả Khoa.
Khoa thường khuyên: “Hãy cố mỉm cười trong những lúc khó khăn, và cố an ủi mình bằng những kinh nghiệm rút ra từ đó.” Nó tự nghĩ lo lắng thái quá hoặc thương hại cho chính mình sẽ trở thành nỗi ám ảnh, vậy thì tại sao nó lại không bỏ đi những thời gian suy nghĩ ấy và bắt đầu làm cho người khác hạnh phúc.
Cũng nhờ vào những ngày bươn chải vừa học vừa làm và những quyết tâm lớn mà Thục Uyên đã trở nên chững chạc hơn. Nó đã không còn rụt rè, lo sợ khi tiếp xúc với người lạ, nó không còn mít ướt khi bị lỗi lầm.
Thục Uyên giờ đây đã hoàn toàn trưởng thành, giống như mẹ nó đã nói: “Ôi chà, con gái tôi giờ đây đã là người lớn rồi đây này.” Cuối năm ấy, nó sung sướng nhận bằng tốt nghiệp loại ưu, và hạnh phúc lao vào vòng tay Khoa với một niềm vui khôn xiết.
Cánh cửa trường đã khép lại, và trước mặt Uyên, chiếc cổng đời đang từ từ hé mở, dẫn dắt nó đi vào một tương lai tươi sáng giống như nó đã mong ước.
Thế là đã 10 năm. Cứ tưởng chừng như một giấc ngủ mà mỗi trở ngại là những cái rùng mình thức giấc. Và nó giờ đây, một nha sĩ mới ra trường, sẽ phải đương đầu với một cuộc sống mới có nhiều thử thách khó khăn gấp bội khi ở đất Mỹ này. Nhưng nó không còn sợ nữa, bởi giờ đây, Khoa sẽ đứng bên cạnh, chăm lo, động viên, và giúp đỡ nó khi vấp ngã. Và nó sẽ cùng Khoa tự tin nhìn khắp bao la để đón một ngày, bởi ngoài kia, năm mới đã bắt đầu rồi đấy.
Mai Khắc Huyền Trân
(Trân Mai)