Hôm nay,  

Nỗi Oan Thị Kính

11/12/200400:00:00(Xem: 271279)
Người viết: NGUYỄN HỮU THỜI
Bài số 673-1215-vb8051204

Tác giả đã tham dự Viết Về nước Mỹ từ năm đầu tiên. Trước 1975, ông là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Lê Văn Duyệt, tỉnh Quảng Ngãi. Cao Học Chính trị và Xã Hội, Trường Chính Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt. Ông hiện là cư dân Nam California, Nghề nghiệp: Senior Computer Specialist (METRUM DATAPE Inc.)
*

Sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975. Tiểu đoàn đang chiến đấu một mất một còn với giặc bỗng anh Tám ( Tiểu đòan phó ) nghe trong ống liên hợp máy truyền tin dã chiến lời của Tiểu đoàn trưởng nói như hét ra lệnh anh thông báo cho tất cả binh sĩ còn lại nghe quân lệnh.
Anh Sầm Tiểu đoàn trưởng nói:
“ -Tôi vừa nghe được lệnh của Tổng thống Tổng Tư Lệnh Quân Lực nói trên đài phát thanh Quốc gia; chúng ta phải buông súng đầu hàng giặc. Tôi biết tinh thần chiến đấu của anh em rất cao thà chết chứ không đầu hàng Cộng sản nhưng quân lệnh là phải thi hành. Từ giờ phút nầy tôi không còn chỉ huy nữa, anh em có thể tan hàng. Dù trong hoàn cảnh gì đi nữa, anh em nên giữ đúng tác phong của người chiến sĩ QLVNCH.”
Nói xong ông bước vội ra sau lùm cây cạnh mương nước bình tĩnh rút colt 12 ra bắn vào đầu tự sát.
Anh Tám và các anh em còn lại dùng xẻng cá nhân đào vội cái huyệt dã chiến chôn Tiểu đoàn trưởng, xong đánh dấu và bỏ đi. Anh tạt qua nhà đồng bào xin bộ thường phục cũ và tìm mọi phương tiện về nhà. Phía trước cửa đóng then gài, anh vòng ra phía sau tông cửa vào nhà. Trên bàn ăn có mãnh giấy nhỏ xếp lại để chận dưới cái ly, mở ra xem thấy tuồng chữ viết vội của chị Tám: “ Em đem các con về ngoại. Rất mong gặp anh. Em, Triều Niên.” Anh liền hối hả về nhà ông bà già vợ ở Bà rịa, xô cửa bước vào chỉ thấy cô giúp việc đang ngồi tỉnh rụi nghe radio.
- Thưa cậu mới về.
- Ừ! cô và các em cùng mọi người đi đâu hết rồi hả Tý"
- Thưa! cô và các em đi Phú quốc với ông bà, và cô có dặn là nếu gặp được cậu nói là cô rất mong gặp cậu.
Anh vội chạy qua làng Phước tỉnh nơi có người em ruột lấy chồng ngư phủ hy vọng nhờ chú em rễ giúp phương tiện đi Phú quốc. Nhà vắng lặng... Mọi người đã bỏ đi. Anh ra bờ biển may mắn gặp được gia đình người dân chài; con cái vợ chồng đang khệ nệ và hối hả chất những đồ tế nhuyển như lu nước ngọt, bao gạo, vại nước mắm, giỏ gà vịt, va li áo quần v…v… lên chiếc ghe đánh cá. Anh chạy lao tới tình nguyện phụ giúp. Người chồng bước lại nhìn anh từ đầu đến chân và hỏi như là đồng nghiệp thân mật lâu năm với nhau:
- Dân đánh cá ngoài Trung chạy vào hả! Còn gia đình đâu".
- Thất lạc hết rồi. Nghe nói đã chạy ra Phú quốc.
Anh không biết ghe nầy sắp đi đâu nhưng cứ ra biển là được, anh liền tiếp:
- Ông làm ơn cho tôi quá giang với.
- Được! Phụ đẩy ghe rồi nhảy lên.
Chiếc ghe lạc vào hài phận quốc tế. Anh ngạc nhiên nhìn thấy cả mấy trăm chiếc khác không người đang trôi lềnh bềnh trên biển nhìn xa như những chiếc lá, có ghe lửa đang bốc cháy, có ghe đang được gài tự động chạy vòng tròn trên mặt biển lạng qụang như người say rượu, có ghe đang đung đưa trên sóng như chiếc võng nằm trên mặt nước; đến gần thấy rõ trên ghe chất đầy những bao gạo, lu nước ngọt, giỏ gà vịt, trang thờ ông bà, tượng Chúa, tượng Phật…v… v… có ghe còn có cả con chó đang đứng ở đầu ghe vô tư nhìn sóng vỗ. Sau nầy anh mới rõ những chiếc ghe đó là của dân làng Phước tỉnh bỏ lại sau khi được hạm đội 7 cuả Hoa Kỳ vớt.
Ông chủ ghe và anh Tám đang phân vân chưa biết tính sao thì bỗng đàng xa có chiếc tàu chiến Mỹ lù lù đi tới. Hải quân Mỹ liền bốc hết những người trên ghe. Trên tàu đã có sẵn một số đông người được vớt từ trước. Hơn hai giờ sau họ chuyển tất cả những người tỵ nạn qua những chiếc tàu dân sự và thẳng đường đến Subic Bay, rồi đảo Guam. Đến Guam anh tình nguyện làm việc nơi trung tâm tìm người thất lạc với hy vọng có thể tìm đuợc vợ con nhưng ngày lại ngày gia đình anh vẫn “ biệt âm vô tín”. Ở trại tạm trú Orote Point trên đảo Guam bấy giờ có một bọn Cộng sản nằm vùng len lỏi rỉ tai tuyên truyền láo rằng: “ Chính phủ Cách mạng luôn luôn mở rộng vòng tay đón tiếp những người Việt nam vì hoảng hốt hay bị Mỹ cưỡng ép chạy theo chúng ra ngoại quốc thất lạc vợ con gia đình, nay muốn trở về nước, chính phủ sẵn sàng đón tiếp và giúp đỡ đoàn tụ v…v…”. Anh suy nghĩ lung lắm và “ tiến thóai lưỡng nan”. Cuối cùng anh cho rằng đó là cái bẫy nên quyết định ở lại. Có một số người nhẹ dạ, cạn nghĩ chưa học thuộc được câu nói của cố Tổng thống Nguyễn văn Thiệu là : “ Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm.” liền tổ chức biểu tình, tuyệt thực, đốt lều trại đòi chính phủ Hoa kỳ cấp phương tiện hồi hương, và chúng ta đã rõ số phận những người đòi trở về VN trên chiếc tàu Việt Nam Thương Tín…! khi tàu vừa đến ngòai khơi Vũng tàu.
Thời gian trôi qua mau, thấm thoắt đã đến tháng Sáu, anh được chuyển từ đảo Guam đến trại tạm trú Indian Town Gape, tiểu bang Pennsylvania. Anh liền ghi tên tình nguyện giúp đỡ việc văn phòng cho cơ quan thiện nguyện IRC ( International Rescue Committee ) với hy vọng gặp được người quen để hỏi thăm tin tức nhà. Nán đợi mãi nhưng vô vọng!. Anh là một trong những người rời trại sau cùng trước khi đóng cửa. Anh Tám được ông bà Mark Buller hưu trí bảo lãnh về thành phố San Marino nầy. Nhà vườn họ rất rộng lại thêm có cái “guest house” ở cuối vườn bỏ trống. Hôm đón anh từ phi trường Los Angeles về nhà, ông Buller nói:
- Người làm vườn của tôi về Mễ thăm gia đình và có gởi thơ qua cho biết là không rõ chừng nào mới có thể qua được. Anh ở tạm “guest house” rồi mình sẽ tính sau.
Tuần đầu ông bà Buller đưa anh đi làm các thứ giấy tờ cần thiết. Tuần thứ hai anh nghiễm nhiên thay thế công việc làm vườn của người Mễ: hàng ngày dọn dẹp sạch sẽ trong nhà, ngoài vườn, trồng hoa, tưới nước, bón phân, chặt cây, cắt cỏ và săn sóc hai con chó Đức to như hai con gấu. Đêm về là những giờ phút riêng tư cho anh. Anh nhớ vợ con quay quắc.! Không rõ nàng và các con sống chết ra sao. Hôm chủ nhật tuần rồi anh cùng ông bà Buller đi lễ nhà thờ gặp được một gia đình Việt nam, chủ gia đình là anh Bình nguyên hạ sĩ nhất QLVNCH bị thương nặng trong trận Bình Gĩa được hội đồng y khoa giám định phân loại ba thặng số và được giải ngũ theo đơn xin. Anh Bình về nhà xin được chân tài xế cho cơ quan MACV ( Military Assistance Command in Vietnam- Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt nam.) Ngày 22 tháng 4 năm 1975 cả gia đình anh Bình được xếp Mỹ đưa di tãn qua Guam bằng máy bay quân sự Mỹ, sau đó được chuyển qua Camp Pendleton, California và được nhà thờ Catholic ở San Marino bảo lãnh ra rất sớm. Anh chị Bình có ngay việc làm và công cuộc định cư của họ gần như ổn định. Các cháu được tiếp tục đến trường và cô Khánh em gái Bình thi đậu qua lớp ESL ( English As Second Language) và được thu nhận vào học ở Community College. Một hôm Khánh hỏi anh Tám:
- Em nghe anh Hai ( Bình ) nói anh nguyên là sinh viên sĩ quan trường võ bị quốc gia Việt Nam ở Đà lạt có trình độ học vấn cao, sao anh không trở lại học đại học ở đây có hay hơn không"
- Anh muốn lắm chứ! Nhưng anh phải đi làm có tiền để sau nầy khi bắt liên lạc được gia đình, anh sẽ gởi tiền về giúp cho chị và các cháu. Hơn nữa làm sao đóng nỗi học phí!
- Ở đại học Mỹ có nhiều chương trình giúp đỡ sinh viên có lợi tức thấp. Để em hỏi lại rồi tin cho anh rõ nhé.
Ban ngày anh Tám tiếp tục công việc làm cho ông bà Buller, ban đêm anh là ông sinh viên lớn tuổi nhất trong số sinh viên Việt nam ở Community College nầy. Nhẫn nại, chịu đựng , vượt bao trở ngại và hè năm 1977 anh đủ các tín chỉ (units) để chuyển lên đại học Cal Poly nhiệm ý kỹ sư điện. Anh tốt nghiệp năm 1980 với điểm số GPA 3.90 và được hãng Edison tuyển dụng, cùng lúc ấy anh thi đậu quốc tịch Mỹ và liền làm giấy tờ bảo lãnh cho Triều Niên và các con theo chương trình ODP (Orderly Departure Program).
Thuở ấy nhân viên Việt nam làm việc cho hãng điện Edison còn rất hiếm. Hãng Edison có mấy ngàn nhân viên nhưng số người Việt vào làm hãng nầy chỉ đếm được trên đầu ngón tay và họ được phân phối rải rác khắp các Department nên ít khi gặp nhau. Thảng hoặc có những ngày lễ lạc như Thankgivings, Christmas hãng tổ chức tiệc tùng anh mới có dịp gặp lại đồng hương. Anh sống lặng lẽ, độc thân tại chỗ, âm thầm làm việc và dành tiền down được căn nhà 3 phòng ngủ chờ đón vợ con sang.
Nhưng ở đời“ mưu sư tại nhân thành sự tại thiên”, chuyện bất ngờ thường hay xảy đến. Một hôm trên đường đi làm về anh bị tai nạn xe hơi trầm trọng phải nằm bệnh viện gần cả tháng. Người bạn đồng nghiệp cùng sở đến thăm và giúp đỡ anh thường xuyên là Thanh Hương cô kỹ sư trẻ được học bổng du học Hoa kỳ trước năm 1975 hồi nàng còn là học sinh trung học. Biến cố tháng Tư năm 1975 Hương mất hẳn liên lạc với gia đình và mãi cho đến tháng 10 năm 1979 cô mới có tin tức thân nhân do một bà dì vượt biên tỵ nạn sang Pháp cho biết. Trong đợt đánh tư sản mại bản cha cô bị Cộng sản tịch thu hết tài sản, của cải nên phẩn uất đứt gân máu trong đầu mà chết. Mẹ và hai anh vượt biên từ đầu năm 1979 đến giờ vẫn không có tin tức gì. Nỗi đau khổ, mất mát, cô đơn triền miên chất chứa trong Hương khó phôi pha. May mắn thay Thanh Hương được gởi đến làm việc chung với anh Tám người đồng hương duy nhất trong Dept. nầy và nàng xem anh như ông chú trong gia đình.
Khi nghe anh bị tai nạn, Hương vội vàng vào ngay bệnh viện hỏi han săn sóc. Mỗi ngày sau giờ làm việc nàng đều ghé ngang thăm viếng. Ngày cuối tuần nàng ở lại bệnh viện lâu hơn. Những khó khăn, những va chạm thực tế hàng ngày, những tình cảm riêng tư Thanh Hương thường kể và hỏi ý kiến anh.
Một hôm như thường lệ nàng ghé lại bệnh viện thăm và nán lại lâu hơn. Anh Tám lo lắng nói:
- Đã quá 8 giờ tối rồi. Hương nên về nghỉ ngơi còn mai đi làm nữa chứ!
Nàng chậm chạp đứng dậy, thu xếp lặt vặt quanh bàn, xong với tay lấy cái xách tay, chào rồi quay lưng định bước ra cửa, đột nhiên Hương dừng lại và ngập ngừng nói:
-Hương có việc nầy rất quan trọng cần hỏi ý kiến chú.
-Chuyện gì vậy"
Hương bắt đầu kể, nước mắt lưng tròng: “Hương và John đã chia tay. Hương có bầu hai tháng. John bắt Hương hủy đi, cháu không bằng lòng. John nói nếu không nghe John sẽ chia tay, và John đã làm thật. Anh ấy “quit job” và dọn đi nơi khác không để lại địa chỉ. Cháu phải làm sao bây giờ"”
Nghe xong, anh Sáu ngạc nhiên, ngồi nhỏm dậy. Anh giận run lên, máu nhà binh thuở xưa chạy rần rần trong cơ thể, mặt anh đỏ lên như người say rượu, giọng tức tối anh hỏi:
- Cháu có biết bạn bè nó người nào không" Chú phải tìm ra thằng đó dù nó ở nơi nào chú cũng phải moi ra cho bằng được và dạy cho nó một bà học để đời. Thằng Sở khanh. Đồ đểu!
Hương khóc thút thít, nước mắt chảy dài hai bên má, nàng nghẹn ngào:
- Hương đâu biết ai!


Trong đời anh Tám ghét nhất là những kẻ “quất ngựa truy phong” ,“hit and run” hoặc “ chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”, vô trách nhiệm!
Khi rời bệnh viện, anh lùng kiếm John dữ lắm; nhưng tên Mỹ gốc Do thái nầy tinh quái như chồn đèn ở thôn quê miền Trung Việt nam, nó lặn kỹ còn hơn tàu ngầm nguyên tử Mỹ.
Bụng Hương ngày càng lớn, nàng xin sở nghỉ không ăn lương trước nhiều tháng để chuẩn bị sanh nở. Một hôm Hương đột ngột đề nghị anh cho nàng dọn về ở chung để tiết kiệm tiền thuê nhà.
- Chú à! Nhà chú có ba phòng; một phòng chú ở, một phòng chú làm việc. Vậy chú cho cháu share phòng thứ ba đi. Dù gì cũng rẻ hơn cái apartement mà cháu đang ở bây gìờ. Cháu sẽ giúp lo cơm nước cho chú hơn là chú phải thường xuyên đi ăn cơm tiệm hay cơm chỉ và chú sẽ có thêm income tiền share phòng của cháu nữa để gởi về cho Thím và các em ở Sài gòn.
Tình cảm chú cháu biến thành tình anh em lúc nào mà cả hai người đều không ngờ đến. Một hôm anh Tám đi làm về, vừa bước vào nhà đã nghe Hương gọi khẩn cấp:
- Anh vào đây! Em đau bụng dữ lắm! Chắc em sắp sinh rồi anh ơi!
Anh Tám tức tốc gọi 911 và theo xe cúu thương đưa Hương vào bệnh viện. Anh hết lòng săn sóc và lo lắng cho Hương như người chồng lo cho vợ vậy.
Khi rước Hương trở lại nhà anh lại càng bận rộn hơn nữa. Mỗi chiều đi làm về anh đều ghé chợ mua các thức ăn và sửa tả cho baby. Cháu bé gái ngày càng lớn, đôi mắt trong xanh như mắt mèo, tóc bạch kim đẹp như con búp bê đắt tiền ở Macy. Anh rất thương yêu baby Karen như con ruột của mình.
Riêng Hương nàng quán xuyến mọi việc trong nhà như người vợ hiền lo cho chồng con. Hương thường thay anh gởi tiền và quà về Sài gòn cho Triều Niên và các cháu. Hương biết rất rõ tình cảm của anh đối vợ con, nhưng con tim của nàng nó có lý lẽ riêng của nó mà lý trí nàng không hề hay biết, không ngờ đến. Nàng đã yêu anh và chấp nhận sự thật phũ phàng nếu có sau nầy. Một hôm nàng vừa ngập ngừng, vừa lúng túng, vừa ngượng ngạo nói:
-Em biết không còn bao lâu nữa chị Triều Niên và các cháu sẽ qua đây đoàn tụ với anh . Em rất lo lắng tương lai của em và Karen sẽ đi về đâu" Em hy vọng được anh tiếp tục che chở. Anh là ân nhân đã cứu sống mẹ con em. Anh đâu có biết rằng sau khi John bỏ em và cái thai ngày càng lớn, em đã nhiều lần muốn tự kết liễu đời mình cho xong nhưng em nghĩ đến đứa con trong bụng nên do dự, băn khoăn, nó có tội tình gì ! Hơn nữa em là người công giáo không được phép làm vậy. Em đã đến tâm sự với anh, kể cho anh nghe những âu lo, những suy nghĩ trong em. Anh đã hết lời an ủi, vỗ về, che chở, nâng đỡ và bao dung. Anh chân thật, chất phác, hiền lành và sống thật lý tưởng. Điều làm em cảm phục và rất nể trọng là anh đã giữ trọn vẹn tình cảm trong sạch của chúng ta từ lúc ban đầu cho đến giờ mặc dù anh rất cô đơn, lẻ loi vì phải sống xa chị Tám đã nhiều năm nay rồi. Từ lòng kính trọng mến mộ đó em đã yêu anh từ lúc nào em không rõ chỉ biết rằng những giờ anh làm việc ở sở, những lúc bé Karen say ngủ, những lúc công việc nhà đã xong xuôi là những giờ phút em nghĩ tới anh và cứ mong anh sớm về nhà. Em rất buồn và đau khổ lắm khi thấy anh vẫn giữ đúng tình anh em từ lúc đầu đến giờ không đi xa hơn nữa. Anh không cho em một cơ hội nào! Anh tha lỗi cho em, em xin nói thật mong anh đừng giận, có nhiều lúc em nghĩ anh đã “biến thể!”. Anh đã thay đổi hoàn toàn và anh không còn là đàn ông nữa.
Anh Tám lặng người, sững sờ ngồi nghe Hương nói. Lâu rồi, anh đã thấy cách cư xử của Hương với anh nhưng anh cố trốn chạy tình yêu ngang trái ấy vì quá chênh lệch tuổi tác. Hồi mới gặp Hương ở Edison nàng mới 22 nhưng anh đã 39 rồi. Hơn nữa anh đã có vợ con hiện còn kẹt ở Sài gòn. Anh chỉ xem Hương và thương mến nàng như người em út đồng hương, đồng nghiệp bất hạnh nơi đất khách quê người không cha mẹ, anh chị em thân thích, họ hàng nên anh hết lòng giúp đỡ và trong anh không có một mảy may tính toán lợi dụng và có ý tưởng vẫn đục gì cả. Mặc dù ở chung một nhà nhưng anh cố giữ không để cho cái tình anh em ấy đi xa hơn nữa.
Giờ đây nghe nàng nói hết sự thật làm cho anh khó nghĩ vô cùng! Thêm nữa tình yêu đầu đời của anh với Triều Niên khi hai ngưòi còn ở trung học làm sao phai mờ được. Những kỷ niệm khi đi học cùng lớp, cùng thầy với Niên, những lúc nàng đến thăm anh ở quân trường Đà lạt..những ngày phép, những chia ngọt, xẻ bùi trong đời sống vợ chồng, những gian khổ thiếu thốn, khó khăn trong cuộc sống quân nhân, gíáo chức, những đêm dài nằm kích giặc mà lòng thì cứ nghĩ đến vợ con ở nhà. Nhưng giờ đây đối diện với những lời nói thẳng thừng và chân thật của Huơng làm anh trở nên lúng túng, hụt hẫng, chới với, khó nghĩ, và anh cảm thấy mình như vừa làm một điều gì phạm tội trong tình nghĩa vợ chồng với Niên! Riêng phần Hương nàng cảm thấy nhẹ nhõm vì đã can đảm nói những điều mình đã ấp ủ từ lâu.
Anh suy nghĩ lung lắm và chậm rãi trả lời:
-Hương ạ! Anh hiểu em. Anh hiểu tình cảm em dành cho anh. Anh cảm ơn em vô cùng! Làm sao anh quên ơn em được những ngày anh nằm bệnh viện, những cô đơn trống vắng, những thương tật đau nhức thân xác mỗi ngày. Em là người duy nhất chạy đi chạy lại thăm viếng săn sóc anh. Nhưng hoàn cảnh anh thật là nghiệt ngã. “ Bỏ thì thương, vương thì tội”. Anh không bỏ em và cháu Karen đâu nhưng anh không đi xa hơn nữa trong tình nghĩa anh em ước hẹn. Em hãy tha thứ cho anh và mong em cố quên đi những điều em vừa nói.
Ngày 18 tháng 2 năm 1987 Triều Niên và các con anh Tám đến phi trường Los Angeles. Anh thu xếp đón vợ con về căn apt. mới thuê. Anh ít ngủ đêm ở nhà. Những tháng ban đầu chị Tám cho là vì công việc sở anh bận rộn đấy thôi, nhưng riết rồi chị cũng phát giác ra anh đang có người đàn bà khác vừa trẻ, vừa đẹp hơn nàng. Sự thực không phải như vậy. Anh còn nấn ná ở lại căn nhà cũ vì anh muốn thu xếp yên ổn cho bé Karen và Thanh Huơng từ tinh thần cho đến vật chất. Từ hôm Hương nói hết những điều đã nghĩ và biết anh vẫn xem nàng như em gái, Hương thất vọng và đau khổ vô cùng! Nàng xin trở lại làm việc và dọn ra nơi khác. Căn nhà lại trống vắng như xưa. Anh thu xếp đem Niên và các con về ở.
Triều Niên biết anh Tám trước kia có liên hệ tình cảm với cô kỹ sư trẻ một con, nàng tỏ ra lạnh nhạt, hững hờ và thường hay cắn đắng khó khăn gây nhiều phiền toái cho anh trong cuộc sống hàng ngày. Nàng thường chất vấn mỗi khi anh đi làm về trể, nói bóng nói gió, nói xa nói gần… Nàng đâu có hiểu những khó khăn, những công việc cần phải suy nghĩ đau đầu hàng ngày, những “stress” ở sở làm.! Những giờ họp kéo dài, những lúc kẹt xe tắc nghẻn trên freeway.
…Sự nghi ngờ ngày càng lớn mạnh trong Niên. Một hôm như không chịu đựng được nữa nàng nói:
-Em biết anh sống với em nhưng hồn anh để ở đâu! Anh lừng khừng, buồn bã, em thường thấy anh ngồi suy nghĩ hàng giờ trong phòng computer. Anh lo lắng đứng ngồi không yên khi nghe tin con bé Karen bi bệnh. Con bé ấy con anh là cái chắc.
-Trời ơi! Bé Karen tóc bạch kim, mắt xanh, da nó trắng bóc như tròng trắng hột gà luột thế mà em nỡ nghi oan cho anh.
- Anh với cô Hương có gì với nhau mới ở chung nhiều năm tháng như vậy chớ.
- Anh đã giãi thích hàng trăm lần mà em cũng không tin nữa, anh biết làm sao bây giờ! Cô Hương là người em kết nghĩa cuả anh. Tiếc rằng anh không nói rõ điều đó cho em khi em còn ở Việt nam.
- Trên đời nầy có chuyện lạ thật! Trai không có vợ ở gần, và gái không chồng ở chung một nhà mà không có chuyện gì xảy ra những khi “ tối lữa tắt đèn, mưa to gió bão” thì anh đúng là ông Phật đấy.
- Anh không là Phật thật nhưng anh sống có lý tưởng, có những ước mơ để theo đuổi nên anh đã quên đi những chuyện yêu đương trai gái, những đòi hỏi thường tình của con người..Hơn nữa anh đã có vợ, có con và em là người yêu duy nhất đầu đời của anh mà! Trong lòng anh trước sau vẫn xem Hương như là người em gái ruột thịt. Cô ấy tội nghiệp lắm! Chúng ta cần giúp đỡ an uỉ đó em.
- Anh nói anh theo đuổi lý tưởng! Lý tưởng gì" Anh bỏ lại anh em binh sĩ, vợ con chạy thoát thân lấy một mình ra ngoại quốc mà anh gọi là anh có lý tưởng, theo đuổi lý tưởng à!
- Em đâu hiểu nỗi tâm trạng và nỗi khó khăn của anh lúc ấy! Đã có lệnh đầu hàng rồi! Anh Sầm Tiểu đòan trưởng tự sát! Binh sĩ được lệnh tan hàng. Anh phải làm gì đây! Anh chỉ ân hận một điều là anh không đủ can đảm theo gương của anh Sầm chỉ vì anh còn nghĩ đến em và các con. Đúng là “ Thê tróc, tử phọc”. Chính nhờ anh có lý tưởng để theo đuổi, để sống em mới còn anh hôm nay. Em đâu biết rằng những năm đầu người tỵ nạn Việt nam mới đến đây, Cộng sản Việt nam họ đã có hội Việt kiều yêu nước từ lâu rồi. Chủ tịch là ông Nguyễn văn Lũy. Trụ sở ở San Francisco Họ gởi báo biếu của Hội Việt kiều yêu nước về nhà cho mỗi gia đình tỵ nạn, tuyên truyền cho Việt cộng dữ lắm, còn ở các trường Đại học như UCLA, USC, UC San Francisco v…v…thì họ đem chiếu những phim như Chiến Thắng Điện Biên Phủ, Cuộc Đời và Sự Nghiệp của Bác Hồ v…v..Là những sinh viên quốc gia tụi anh đâu có để cho họ yên muốn làm gì thì làm nên đã tổ chúc biểu tình quấy phá. Tụi anh bị cảnh sát Mỹ đuổi bắt đấy, có nhiều người chậm chân bị cảnh sát Mỹ còng đem về bót. Hồi đấy người Việt đâu có đông như bây giờ. Người Việt tỵ nạn lúc ấy chỉ có 125 ngàn người và ở rải rác khắp nước Mỹ, chưa kể một số ở lại đảo Guam và một số xin định cư ở tiểu bang Hawaii nữa. Cuộc tranh đấu chống lại sự tuyên truyền bịp bợm và láo khoét của của Cộng sản lúc ấy ở đây không phải là chuyện dễ. Bọn anh phải hy sinh, phải gian khổ nhiều lắm đó. Bây giờ em trách anh đủ điều! Anh đã giải thích hoài mà em đâu có chịu hiểu cho.
- Anh qua đây sung sướng một mình! Ông kỹ sư mà.
- Trời! Sung sướng nỗi gi! Những năm đầu anh ban ngày làm lao công cho ông bà Bulle, ban tối đi học lại. Mệt lắm! Mỏi lắm! Rã rời trong người, nhiều lúc vào lớp anh ngủ gục đấy, nhưng may mắn là anh vẫn theo kịp bài vở của nhà trường là nhờ những năm học ở võ bị Đà lạt có căn bản khoa học vững chắc nên anh mới tốt nghiệp được đó em.
Cứ năm bảy ngày Niên lại đem chuyện Hương và bé Karen ra nhắc đi, nhắc lại, chuyện anh bỏ chạy một mình bỏ lại vợ con anh em binh sĩ hồi năm 75 ra mà dằn vặt, cắn đắng nên gia đình anh Tám lục đục hoài. Cuối cùng anh không chịu nỗi nữa nên xin Hòa thượng Diên Phúc Viện chủ chùa Qui Sơn cho phép anh khi đi làm về trú ngụ hẳn tại chùa và chờ vài năm ba năm nữa về hưu anh sẽ qui y cửa Phật sớm tối tụng niệm để tránh, để quên đi mọi tục lụy ở đời.
Sau nhiều năm tháng không gặp lại anh Tám. Hôm lễ Vu lan rằm tháng Bảy vừa qua tôi gặp anh ở chùa Qui sơn. Anh vẫn còn đi làm. Trước khi từ gĩa, tôi đọc hai câu thơ không rõ tác giả là ai để trêu chọc anh cho vui:
“ Thân nầy ví xẻ làm đôi được
Nửa để cho nàng, nửa để cho em!”
Anh cười buồn nói: “ Chính anh còn không tin tôi nữa huống chi bà Tào thị Triều Niên nhà tôi, hậu duệ mấy mươi đời TÀO THÁO.”

Nguyễn Hữu ThờI

Ý kiến bạn đọc
17/08/201623:02:59
Khách
Bài viết đã nói lên tinh thần chiến đấu của những chiến sĩ QLVNCH. Có biết bao nhiêu chiến sĩ vô danh, những người con yêu của đồng bào miền Nam VN đã âm thầm hy sinh cho Tố quốc, quê hương chống lại sự xâm lăng của cọng sản Bắc Việt. Bài viết cũng nói lên tư cách của người sĩ quan QLVNCH. Quí hoá thay!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 46,746,424
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến