Hôm nay,  

Hồi Ký Họp Mặt Viết Về Nước Mỹ 2006

01/09/200600:00:00(Xem: 147006)

Bài số 1087-1696-409-vb6010906

Thịnh Hương,  cư trú và làm việc tại miền Bắc California, là một trong 12 tác giả vào chung kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ sáu. Sau đây là hồi ký viết vội của bà, kể chuyện  cùng con trai lái xe từ San Jose về Westminster dự họp mặt giải thưởng Việt Báo vừa được tổ chức chiều Chủ Nhật 27-8.

Hình trên:  Tác giả Thịnh Hương nhận giải thưởng danh dự do ông Lou Correa, Giám Sát Viên quận Cam, trao tặng. Kế bên Thịnh Hương là tác giả Sa Pi Đi Đi và MC Phạm Long.

Mới từ Westminster về tôi đã vội viết những giòng hồi ký này, vì sợ những bận rộn trong những ngày sắp tới sẽ làm nguôi bớt sự hăng hái và lu mờ những hồi tưởng của tôi về ngày chúa nhật 27 tháng 8 năm 2006 vừa qua.

Vì con dâu phải đi xa, không thể tham dự ngày phát giải thưởng với mẹ chồng, nên chỉ có tôi và con trai lái xe xuống miền Nam theo lời mời của Việt Báo.  Tôi xin khai thật là tôi không mấy tự tin vào "tài viết văn" của mình, nên giấu biệt, không hề hở môi khoe bạn bè hay anh chị em xa gần.  Con trai, con dâu và một người bạn có tiếng cell phone kêu kính coong là những kẻ duy nhất biết chuyện "bí mật" này của tôi.  Hì hì.  Bởi vậy, lúc tôi gọi chị tôi để loan báo mẹ con tôi sẽ xuống "thăm" chị, thì chị vui mừng, bảo sẽ chờ cơm mẹ con tôi tối thứ bảy.  Tôi xin chị nấu canh rau mồng tơi và cá thu kho cho tôi ăn, vì chỗ tôi ở rất xa chợ Việt Nam.  Có một ngôi chợ nhỏ do người  Việt gốc Tầu  làm chủ cách nhà tôi mấy miles, nhưng vì chợ nhỏ, ít khách nên rau không tươi, thịt không ngon.  Tôi dặn chị tối chúa nhật tôi sẽ mời chị đi ăn ở nhà hàng Seafood World ở đường Brookhurst.  Nghe vậy, chị tôi hỏi:

-  Tôi nghe nói Chuá  Nhật có tiệc của tờ Việt Báo ở đó.  Bộ cô có quen ai trong đó sao"

Tôi ú ớ, nhưng tới nước này thì không thể giấu được nữa, nên tôi phải khai thiệt:

-  À, quen...A, không phải.  À...em viết mấy bài cho mục Viết Về Nước Mỹ, rồi bây giờ ông Trần Dạ Từ thông báo em có một giải thưởng,  nhưng không biết giải gì... 

Chị tôi reo lên:

- À há, tính giấu làm của riêng mà giấu không được mới chịu khai ra phải không"  Mà thôi, bút hiệu là gì, nói đi đặng tui giở website ra  coi cô viết lách múa may ra sao"  Trời, khi không trong nhà có "giăng sỉ" đoạt giải...

Biết chị sắp nói xàm, tôi ngắt ngang:

- Tên tui là Thịnh Hương "bà"  ơi!

Nói xong, tôi cúp phone, không chờ bà chị phán tiếp lời nào.

Sau đó, tôi gọi một cô bạn rất thân   thân từ hồi mười mấy tuổi -  để mời cô đi tham dự đêm vui với tôi.  Bạn tôi vui vẻ:

- Đằng ấy mời là tớ đây sẵn sàng.  Nhưng mà có mục gì vậy"

Tôi ỡm ờ:

- Bí mật.  Tới lúc đó khắc biết.

Bạn tôi có vẻ nghi ngờ:

- "Mi" trình diễn kép độc cho bà con "chộ" hay "răng rưạ", hỉ"

Chúng tôi đã sống ngoài miền Trung thời niên thiếu nên thường dùng vài tiếng điạ phương để đùa vui với nhau khi cần thiết.  Tôi bảo bạn:

- Ngu gì cho mi chộ.  Rủi chộ xong, mi ưa hắn mi rinh mất tiêu thì tau mần răng hỉ"  Ai đâu mà ốt dột.

Hai đứa tôi òa cười, thú vị, tưởng như đang trôi về quãng đời thiếu nữ xinh tươi bên quê nhà nay đã xa vời vợi.

Ngoài lễ phát giải thưởng tại nhà hàng vào buổi tối chủ nhật, các tác giả Viết Về Nước Mỹ còn được mời dự một tiệc trà vào xế trưa cùng ngày.

 Sáng Chúa Nhật, con tôi, con bà chị đi đánh golf với hai người bạn bên Irvin.  Họ dự tính về nhà lúc 4 giờ chiều để con tôi "escort" mẹ đi tham dự buổi trao giải thưởng .  Hai giờ kém 15 phút, chị tôi sẵn sàng lấy xe chở tôi đến toà soạn Việt Báo để dự buổi họp với các tác giả khác thì có phone ngoại quốc gọi.  Thế là hai chị em đến toà soạn trễ gần nửa tiếng.  May quá, có một chị khác cũng đến trễ như tôi.  Bước vào toà soạn, cô Hoà Bình đón chúng tôi với nụ cười hàm tiếu và yêu cầu tôi cho biết bút danh, rồi cô đem chị em tôi vào căn phòng họp  đằng sau một nơi có vẻ như một studio chụp hình với máy ảnh và dụng cụ rọi sáng chuyên nghiệp.   Tôi ngửi thấy mùi chả giò, paté chaud, café... và tự nhiên thấy kiến bò bụng!  Từ ngoài đường chan hòa ánh sáng bước vào, tôi còn đang "bỡ ngỡ" với ánh đèn dịu mát trong phòng, thì Hoà Bình lên tiếng báo cho mọi người:

- Dạ, có thêm tác giả mới đến.

Mọi tiếng nói chợt ngưng bặt và mọi người nhìn chúng tôi chờ đợi.  Tôi quýnh quá, lắp bắp:

- Dạ, tôi là Thịnh Hương, xin lỗi đã đến trễ. 

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa chỉ hai ba chiếc ghế trống phía trên cùng:

- Xin mời quí vị ngồi đây.

Tôi năn nỉ:

- Dạ, cho Hương ngồi dưới này được không"

Ông Nghĩa lắc đầu:

- Không được.  Ở đây chúng tôi có lệ là hễ ai tới sau thì ngồi đằng trước!

Ông Nghĩa là người tương đối ốm (tôi muốn nói gầy, không phải đau ốm) nhưng giọng nói và tia nhìn của ông thừa uy quyền nên tôi và bà chị riu ríu nghe lời.  Quay sang bà chị, tôi ngại ngùng phân giải với ông:

- Dạ, đây là bà chị, kiêm tài xế của Hương.

 Tôi giải thích, vì tưởng là chỉ có các tác giả mới được dự họp.  Nhưng sau đó, tôi biết là có tới... mấy người tài xế nữa ngoài chị tôi.   Sau khi an vị, tôi đưa mắt nhìn về phía ông Nghĩa,  ngài chánh chủ khảo cuộc thi viết,   thì thấy đằng sau lưng ông có một "bác" trai cao cao gầy gầy đeo kính mắt.  Tôi thấy bác trai hơi quen quen mà không làm sao nhớ ra được.  Trong buổi họp, ông Nghĩa và chú Minh bàn luận với các tác giả những phương án để làm sao phổ biến sách Viết Về Nước Mỹ được rộng rãi hơn.  Tác giả Tường Vi rất nhiệt thành, đề nghị làm việc chặt chẽ hơn với các thư viện nơi có cộng đồng người Việt đông đảo, khuyến khích thư viện đặt báo tiếng Việt  cho các cử tri gốc Việt đọc. 

Sau đó, ông Nghĩa nói đến dự định sắp tới của Việt Báo là dịch các tập sách VVNM sang tiếng Anh để cho người Mỹ hiểu thêm về cộng đồng Việt Nam và những ưu tư, suy nghĩ của chúng ta.  Phần đông tác giả đều hào hứng tán thưởng và tình nguyện đóng góp những gì họ có thể làm, như dịch thuật hoặc sửa các lỗi chính tả, v. v...

Khi nói đến việc có vài nhà xuất bản bên VN đã tự động in các bài viết của  VVNM, thì ông Nghĩa bèn giao micro lại cho cái bác cao cao ốm ốm mà tôi thấy...quen quen!  Té ra đó là thi sĩ Trần Dạ Từ!  Trời!  Dzậy mà tôi nhìn hổng ra! 

Hơn ba chục năm trời, bây giờ tôi mới được gặp lại bác, thì bác đã khác, mà tôi thì càng khác hơn!  Hồi xửa hồi xưa, cái thời mà hằng ngày tôi ôm eo ếch một anh nhà văn kiêm nhà báo trẻ tuổi tài cao  ngự xe lambretta hai bánh cùng anh la cà ở các tụ điểm của các văn nhân thi sĩ của Sàigòn một thuở (xin xem lại Chuyện Phiếm Đầu Năm và Thuyền Trên Cạn/Việt Báo), tôi đã có dịp được trộm nhìn dung nhan của đôi uyên ương Nhã Ca - Trần Dạ Từ một đôi lần.  Thế nhưng từ khi vâng lệnh song thân gạt lệ từ biệt anh nhà báo nói láo ăn tiền (ấy là bố tôi bảo vậy không phải tôi), thì tôi cũng giã biệt luôn cả cái "sự nghiệp văn chương" của tôi và các cây cổ thụ của văn học miền Nam lúc đó, kể cả hai bác Nhã Ca - Trần Dạ Từ! 

Tôi rất mê một bài hát của Phạm Đình Chương.  Đó là bài Người Đi Qua Đời Tôi. "Người đi qua đời tôi không nhớ gì sao người..."  Nếu bạn thất tình, hãy vào phòng đóng cửa lại, tắt hết đèn và nằm một mình nghe Thái Thanh ca bài này thì phê hết biết .  Bảo đảm nhức tim.  Không tin bạn cứ thử thất tình thì biết tôi nói đúng hay sai!  Một hôm tôi vô Goole và "khám phá" là ông Trần Dạ Từ chính là thủ phạm đã viết lời thơ của bản nhạc đó. Xin ngả nón nghiêng mình kính chào cả hai ngài, thi sĩ lẫn nhạc sĩ.  

Trả lời câu hỏi của các tác giả về vấn đề "qua mặt không bóp còi"  trên đây, bác Trần Dạ Từ rất hiền từ, bảo là thôi thì cứ vui vẻ chấp nhận, vì... càng đông độc giả... càng vui!  

Cái địện thoại cell của tôi bỗng gáy lên inh ỏi trong lúc buổi họp đang nghiêm trang.  Thằng con tôi báo là bọn họ quên chìa khóa nhà và yêu cầu chị em tôi về mở cửa!  Tôi quay sang bác Trần Dạ Từ xin ý kiến, thì bác bảo lúc nào cần dìa thì cừ lẳng lặng ra dià, hổng có sao, miễn là tới nhà hàng Seafood World lúc 5giờ 30 là được. 

Sau đó là phần các tác giả tự giới thiệu một lần nữa, vì có nhiều tác giả đến trễ .  Tôi ngồi trước mặt anh XYZ, kế bên là Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Duy An, kế nữa là Nguyễn Thị Huế Xưa và ông xã.  Trước mặt tôi có Nguyễn Viết Tân (Tân Ngố), Hồ Viết Tân (Cánh Chuồn Chuồn, tác giả bài Thế và Tôi, bài mà tôi thích vô cùng, thương vô cùng).  Bên tay trái tôi có Bùi Quang Hân, anh trung tá quân y với bài “Viết Từ Fallujah.  “Trước buổi tuyên bố giải thưởng tại nhà hàng, tôi đã "mạn phép" thầm  chấm giải cho năm giải thưởng chính, trong đó có Nguyễn Duy An và hai anh lính Mỹ gốc Việt trên  đây.  (Lúc giải thưởng được chính thức công bố, dự đoán của tôi trúng được ba người, trong đó có Duy An và hai tác giả vừa nói trên).  Tất nhiên tôi không bao giờ có cái ý tưởng ngông cuồng tự cho phép mình  xớ rớ tới gần năm giải chính đó! 

Bốn giờ, tạm nghỉ giải lao.  Thừa dịp, hai chị em tôi "chuồn" về.  Ra tới ngoài, tôi thấy Bùi Quang Hân và hai người bạn của anh cũng đang "dzông" như chị em tôi.  Thấy Hân, tôi buột miệng hỏi:

- Phải em là tác giả "Thế và Tôi" không"

Hân vội trả lời:

- Dạ không phải.  Bài đó của anh kia, anh Cánh Chuồn Chuồn.

Tôi biết là mình đã "râu ông nọ cắm cằm bà kia" nên lẹ miệng:

- Ồ, xin lỗi.  Tôi nhớ rồi.  Em là Bác Sĩ quân y, "Viết Từ Falluja". Bài hay quá là hay.

 Tôi định bụng khi gặp Cánh Chuồn Chuồn chiều nay, tôi sẽ bảo cho anh ta biết là tôi rât thích tác phẩm của anh.  Những hỡi ơi, buỗi chiều đó, bị chi phối vì các diễn biến chung quanh, tôi đã không nói được một lời ngưỡng mộ nào tới tác gỉa của bài viết mà nhà báo bậc thầy Nguyễn Xuân Nghĩa đã nói trong lúc trao giải thưỡng cho anh.  Theo ông, những ai đang muốn viết văn, muốn trở thành một cây bút chuyên nghiệp, thì phải đọc câu chuyện này của anh, một câu chuyện chuyên chở rất nhiều ý nghĩa và mang một thông điệp sâu sắc.  Tôi nghĩ đây là một câu khen tặng không thể nào hay hơn, ý nghĩa hơn.

Buổi chiều, trên đường tới nhà hàng, tôi thú thật cùng cô bạn:

- Không giấu chi mi, tau viết cho mục Viết Về Nước Mỹ và tối nay được trao giải thưởng.

Bạn tròn xoe mắt:

- Bây giờ mới nói"  Thiệt tình!  Tau cũng đoán chừng, hoặc là mi văn nghệ văn gừng chi đây, còn không thì kiếm được kép độc đem khoe!  Thì cũng mừng cho mi.  I m so proud of you.  It s great!

 Bốn người chúng tôi được hướng dẫn vô ngồi chung bàn với gia đình của Trân Nguyên, tác giả "Chuyện Cấm Đàn Ông".  Trân Nguyên đem theo cậu con trai bốn tuổi, rất năng động và nói tiếng Việt làu làu, rất dễ thương.  Tôi ngồi cạnh ba của cô, một  cựu sĩ quan võ bị Đà Lạt.

Ông rất hoạt bát và dễ làm thân.  Có một lúc nào đó, Trân Nguyên nói với tôi "không chừng chị được trao giải lớn nhất"  Tôi cười lớn, cám ơn lời khen rất lịch sự của cô, vào bảo cô:

- Tôi dự đoán người đó sẽ là ông Nguyễn Duy An.

Lúc tôi giới thiệu con trai tôi với mọi người, Trân tròn mắt lộ vẻ ngạc nhiên:

- Trân không ngờ cô có con lớn như vậy.  Xin lỗi cô, nãy giờ Trân cứ xưng hô chị chị em em với cô hoài.

Tôi bảo tôi cám ơn Trân rất nhiều, vì cô đã đem cho tôi niềm vui.  Vui vì có ngưới bảo cho tôi biết là tôi...hãy con trẻ.  Ngồi kế bên bàn của chúng tôi là các gia đình Thùy Dương. XYZ và  Nguyễn Duy An .

Buổi trao giải thưởng bắt đầu đúng 6 giờ chiều.  Sau phần chào quốc kỳ Việt - Mỹ, là phần múa lân và trình diễn văn nghệ và trao giải thưởng cho các em bé viết tiếng Việt.  Tôi để ý Việt Báo đã mời được rất nhiều các viên chức chính quyền của thị xã Garden Grove .  Đặc biệt có sự góp mặt của giáo sư Nguyễn Cường từ Washington D.C, người đọc keynote cho đêm trao giải thưởng.   Gần tám giờ, nhà hàng bắt đầu dọn tiệc, và chương trình trao giải thưởng cho các tác giả " người lớn" được chen kẽ giữa những món ăn. 

Hôm nay   hai ngày sau buổi trao giải thưởng   tôi không nhớ rõ tác gỉa nào nhận được giải gì.  Tôi chỉ nhớ là tôi, Trân Nguyên và Sappy Đi Đi được đọc tên một lúc và đã lên sân khấu nhận giải thưởng giống nhau.  Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với Sappy, và có lẽ vì "đồng hội đồng sàng" cho nên chúng tôi cảm thấy mến nhau.   Có thể vì lẽ đó, Sappy nói nhỏ với tôi là chúng ta nên trao đổi địa chỉ email.  Tôi có hứa với Sappy là sau buổi lễ, tôi sẽ tìm Sappy để cho cô địa chỉ.  Nhưng thật là không may, vì sau khi buổi tiệc chấm dứt, tôi không nhìn thấy Sapy đâu nữa. Nếu Sapy đọc được những giòng chữ này, xin vui lòng liên lạc với giải thưởng Việt báo để liên lạc với Thịnh Hương. 

Lúc ban tổ chức trao bốn giải thưởng chính và giải cao nhất cho Nguyễn Duy An ,tôi rất vui, vì các dự đoán của tôi đúng được 75%.

Khi An đọc bài diễn văn nhận giải thưởng tuyệt đối của mình, tôi rất đồng ý và cảm kích khi anh nói với cử toạ rằng dù mình - người Mỹ gốc Việt - có thành công tới đâu trong xã hội Mỹ, mình cũng không bao giờ có thể biến mình thành một người Mỹ.  Do đó nếu mình không duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam của mình, thì mình sẽ đánh mất cái gốc của chính mình.

Con trai tôi có ấn tượng đẹp với Nguyễn Duy An nên cậu ta lăng xăng xin chữ ký và địa chỉ liên lạc của An... cho mẹ!  Trong lúc con tôi "phỏng vấn" và chụp hình An thì tôi được Dung   vợ của Duy An - phỏng vấn!  Dung hỏi tôi "có phải các chuyện tình cô viết là chuyện thật đời cô hay không""  Tôi đáp  "Các mảnh đời của tôi ẩn hiện đâu đó trong những câu chuyện tôi viết, nhưng không nhất thiết là  sự thật nguyên vẹn".

Tôi xin nói thật, bảo đảm không khen để lấy lòng, không phải thấy người sang "bắt quàng làm họ", là Nguyễn Duy An chẳng những học giỏi, có địa vị đáng trọng trong "American mainstream", mà anh còn có được một người vợ rất duyên dáng, rất lịch sự.  An là người theo đạo Thiên Chúa, nên tôi xin nói là "Chúa đã ban nhiều hồng ân" cho anh.  Nói chuyện với An, tôi mới biết là tôi và An cùng "nắm áo chùng thâm" của cùng một Linh Mục lúc còn bên quê nhà.  Vị linh mục này có lẽ thương An hơn thương tôi!!!

Khi tôi chuẩn bị ra về, có một độc giả đến gần và hỏi tôi:

- Chào cô  Thịnh Hương. 

- Dạ, xin chào ông.

- Hình như cô cũng ký bút hiệu Huyền Thoại"

- Dạ phải.

- Tôi có đọc một chuyện tình của cô đăng trên một tuần san.  Chuyện đó cứ ám ảnh tôi hoài. 

Tôi có hai chuyện tình không đăng trên Việt Báo, vì tôi nghĩ hai chuyện này không theo sát chủ đề của VVNM.  Một chuyện viết về mối tình và đời sống ngắn ngủi của một sĩ quan Việt Nam trên chiến trường Việt Nam. Một chuyện viết về người goá phụ trẻ của một liệt sĩ Mỹ gốc Việt trên chiến trường Irag.  Bỡi vậy tôi hỏi ông độc giả:

- Dạ thưa, ông đọc chuyện nào ạ"

Ông gãi đầu:

- Bây giờ thì tôi quên tựa bài, nhưng cô viết về cái chết của Đại úy Nguyễn Tấn Nghĩa của mặt trận Núi Sập.  Sau khi đọc bài đó, tôi rất xúc động, rồi tự hỏi không biết Huyền Thoại là đàn ông, hay đàn bà, có ở trong quân đội bao giờ không mà viết chuyện đánh pháo y như cô đã từng là đại đội trưởng thứ thiệt.  Hôm nay thì thắc mắc của tôi đã được giải tỏa.  Cám ơn cô!

Có ai muốn đọc chuyện đánh pháo đó thì xin cho Thịnh Hương biết!

Trước khi kết thúc những giòng hồi ký này, Thịnh Hương xin nói cùng độc giả Việt Báo là hai giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và Bé Viết Văn Việt tự nó đã đủ để nói lên nhiệt huyết của những người chủ trương, trong việc duy trì và phát huy văn hóa của dân tộc Việt ở hải ngoại.  Khi gặp gỡ các tác giả.  Bác  Trần Dạ Từ có nói là cùng với Việt Báo, nhiều tờ báo khác cũng tổ chức các cuộc thi viết tương tự, mang lại những thành quả quả tốt đẹp. Nhờ những nỗ lực chung ấy mà trong các sắc dân nhập cư tại Mỹ, có lẽ chỉ cộng đồng Việt là có thành tích lạ: ngay thế hệ thứ nhất tại hải ngoại, đã có hàng ngàn tác giả Việt ngữ cùng nhau viết lại trang sử đầu tiên của chính cộng đồng mình. Đáng quí biết bao. Xin trân trọng “tán thán” công đức tất cả.

Sau cùng, xin chân thành cám ơn các tác giả đã có nhã ý trao đổi email cùng Thịnh Hương, và hứa sẽ giữ liên lạc.   Xin chúc mọi người một Labor Day thật bình an và hạnh phúc.  Hẹn gặp lại các bạn trên website của Viết Về Nước Mỹ. 

THỊNH HƯƠNG

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,408,516
Sáng nay khi vừa đến bàn làm việc, một đồng nghiệp người Việt của tôi đã tỉ tê tâm sự: - Thằng David nhà chị càng ngày càng khó dạy em ơi! Tối qua, chị vừa vào phòng nó, chưa kịp nói với nó
Không biết là nên vui hay nên buồn nữa, khi hai nhà thương nơi tôi làm việc lần lượt rủ nhau đóng cửa. Một con số thống kê đáng sợ là 89 bệnh viện và Medical Clinics  bị 'xóa sổ"
Bà Kỳ Băng đang nấu ăn dưới bếp bỗng ngưng lại, quay mặt nhìn lên phòng khách, nói going oang oang lên nhà trên: - Nè ông! Chủ nhật nầy bầu cử Hội đồng hương tỉnh mình đấy
Mỗi lần có dịp tới một chỗ nào đó, hai ba từng lầu, có cầu thang lên xuống, mình thủng thỉnh để ý tới những người tới lui lên xuống, nhất là những đôi nam nữ, hay vợ chồng. Để chi vậy nè "
Chiều thứ Sáu, tôi đang ngồi trước cái computer để trên bàn giấy, chăm chú vẽ cho xong cái hoạ đồ thì Mike, tên xếp trực tiếp, xuất hiện trước cửa văn phòng: -Eh Steven, mày sửa soạn đi
Đếm đến hôm nay là đúng 20 năm tôi đặt chân đến Mỹ. Có cô bạn thân lần nào gặp tôi cũng nghe than "Hồi mới qua đây em khổ dễ sợ rứa đó!" Tôi la: "Mi nói chi lạ … hồi nớ mới qua
Một buổi sáng chớm thu, trời se lạnh, đã quá 7.00 giờ rồi mà trời còn tối, ông Bình tỉnh giấc dậy, với chiếc đèn pin đầu giường ngủ dọi lên đồng hồ trên tường. Quả thật đã 7.15 giờ, con gái ông
Con gái có hai cái kị: Xấu và học cao. Đàn ông thường không thích lấy vợ giỏi hơn mình. Còn các cô có học một tí thì thường tự cao, không thể lấy anh dân cày. Hóa ra cao thì không với tới, mà thấp thì chẵng dám trèo cao
Chiều nay, sau khi nói chuyện với con, buông phôn xuống, mẹ đã lặng người, ngồi trên sô pha cả tiếng đồng hồ không buồn nhúc nhích. Dù bố liên tiếp hỏi này hỏi nọ nhưng mẹ chẳng để ý vào câu chuyện để trả lời. 
Phía sau nhà của bé Kenny là một khu vườn xinh xắn. Nơi đó ông nội của em trồng khá nhiều cây ăn trái như cây apricot, peach, apple nhưng đặc biệt nhất là cây táo tàu ở góc vườn. Ông nói đất ở đó tốt, nắng ban trưa đã được cây
Nhạc sĩ Cung Tiến