Hôm nay,  

Nước Mắt Bốc Hơi

25/07/200600:00:00(Xem: 21154)

Người viết: BIỂN DỪA

Bài số 1065-1674-387-vb3250706

   *  

Biển Dừa là bút hiệu của một kỹ sư 31 tuổi tại Arizona. Tựa đề đầu tiên của bài viết này là “Cái Nóng Tàn Nhẫn,” ghi lại tâm trạng của một người nữ trong trận dịch nóng tháng Bẩy, mong được ai đó “lau dòng nước mắt nóng cho cô bằng chiếc khăn tẩm hơi lạnh.” Nhưng nước mắt mới đó đã bốc hơi mất tiêu, làm sao lau kịp" Hy vọng sau “nước mắt bốc hơi” Arizola sẽ sớm dịu mát lại và Biển Dừa có thêm bài viết mới.

*

Buổi chiều đi làm về, bước ra sân đậu xe trong cái nắng của thành phố Phoenix vào giữa tháng bảy, tâm trí Lạc thêm lùng bùng và xáo trộn với những suy nghĩ vốn đã cắn xé cô từ bao lâu nay.

Cái nắng tháng bảy không buông tha một ai. Nó nhảy múa nhố nhăng với hai cánh tay lông lá đầy lửa như muốn vồ lấy và  ăn tươi nuốt sống tất cả mọi vật. Nó phả hơi nóng vào mặt Lạc, vào người Lạc khiến cho cô nổi da gà vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ văn phòng máy lạnh ra cái lò lửa đang chờn vờn liếm láp hai cánh tay trần của Lạc và táp hơi nóng đầy gai góc vào mặt cô. Cô chợt cảm thấy cuộc sống trước mặt cô rồi đây cũng như người lữ hành lết qua sa mạc hoang vắng ngập tràn hơi lửa này. Cái lưỡi lửa đó sẽ sung sướng chờn vờn trêu trọc trên nỗi khắc khoải của cô để kiếm miếng cơm manh áo qua ngày.

Lạc không đến nỗi đi ăn mày nhưng để kiếm đủ chi phí cho gia đình bé nhỏ của cô thì cũng không phải là chuyện ngồi chơi xơi nước vì cô chỉ là một cái bánh xe đang còn lăn của chiếc xe gia đình hai bánh của cô mà thôi. Cô chỉ phải lo cho một căn nhà bốn phòng ngủ với một món nợ khổng lồ mà phải ba mươi năm sau mới trả hết nổi nếu cô tiếp tục có việc làm như hiện tại và không phải đeo thêm miếng nợ  mới nào khác. Cô chỉ phải nuôi một đứa con được vài tháng tuổi và một ông chồng không thích đi làm đã bao mùa nắng đến rồi nắng đi. Cô chỉ phải lo cho hai chiếc xe hơi loại xoàng xoàng mà cô cũng phải tiết kiệm hơn bốn năm trời mới mua nổi một chiếc. Cô chỉ phải lo trả tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền tã, tiền sữa, và đủ các thứ tiền không tên khác mà cô không tài nào từ chối được. Nếu cô gục ngã giữa sa mạc này thì cô sẽ mất hết. Nếu cô có gục ngã thì cũng không ai cứu cô hết vì ngay cả bạn đồng hành của cô cũng đã mặc kệ cô lê lết vật vã kiếm sống.

Cái bánh xe đó thật tàn nhẫn, thật vô trách nhiệm khi nó bỏ mặc cô lọc cọc lăn bánh một mình. Đã vậy nó còn chễm chệ, nghễu nghện trên lưng cô, đè thêm gánh nặng cho cô kéo theo. Vậy mà nó nói với cô rằng cục đường cũng chia hai, cục muối cũng chia hai trước khi lấy cô. Giờ đây, cục đường nó lủm hết, còn chừa cục muối cho cô. Cô cay đắng xót xa cho thân phận hẩm hiu của mình. Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu là đây. Nhưng tại sao là cô" Cô đã làm gì nên tội để phải bị đời trả thù như vậy.

Tại sao cô không được hưởng hạnh phúc khi cô lúc nào cũng mang niềm vui đến cho mọi người cô biết. Cô cũng đã đi qua biết bao mùa hè lửa, có mùa hè nóng hung tóc mây, có mùa hè chói chang hoa giấy đỏ, có mùa hè thơ mộng mây trắng bay, có mùa hè râm ran đầy tiếng ve, có mùa hè bát ngát đồi cỏ xanh, nhưng cô chưa bao giờ trải qua một mùa hè tàn nhẫn như mùa hè điên cuồng này.

Cũng bao nhiêu người cảm nhận được cái nóng chói chang, cái nóng gay gắt của mùa hè nhưng sao cô thấy nó tàn nhẫn với cô hơn, nó hung hăng và trắng trợn tấn công tấm thân gầy sạm nâu của cô hơn. Cái nóng bên trong, cái nóng bên ngoài điên cuồng bắt tay nhau hành hung cô, vật vã cô từ suy nghĩ cho tới thể xác. Chúng hùng hổ với một sự trơ trẽn tột cùng vồ lấy cô giày vò, cào cấu, liếm láp rồi táp từng cơn sóng nóng bỏng vào từng thớ thịt, từng tế bào của khối óc, từng giọt máu bốc hơi đang trườn qua tế bào trong người cô giúp cô bò qua kiếp biển lửa này.

Cô muốn hỏi tại sao cô phải nhẫn nhục như vậy, tại sao cô phải vác cái gánh nặng đó lăn bánh một mình qua sa mạc lửa này, tại sao bạn đời của cô có thể an nhàn thong dong như vậy nhìn cô chảy máu, nhìn cô vã mồ hôi, nhìn cô sôi nước mắt. Có phải đây là cái nợ đời mà cô phải trả. Cái nợ đời, danh từ này cô được nghe từ lâu lắm rồi nhưng cô đâu hiểu được cái nghĩa của nó khi cô còn ở nhà với cha mẹ. Cô muốn hỏi ai đó cho cô lời giải thích tại sao hai chữ tàn nhẫn cứ vây quanh cô. Chồng cô tàn nhẫn nhìn cô bươn chải một mình. Đời tàn nhẫn với cô đẩy cô vào thế gọng kìm đỏ lửa này. Trong mắt cô, mọi vật xung quanh cô, mọi người xung quanh cô tàn nhẫn với cô. Ngay cả cái nắng này cũng tàn nhẫn hơn với cô. Nó rượt đuổi cô qua bãi đậu xe, nó túm tóc cô tung lên không trung, nó luồn qua quần áo cô châm mũi kim nóng bỏng vào da thịt cô làm cho cô ngứa ngáy râm ran.

Cô cần phải hỏi ai đó, nhưng hỏi ai bây giờ. Hỏi người chồng vốn đã trơ cứng trước nỗi nhọc nhằn của cô" Hỏi ông chủ hãng tham lam đang lên kế hoạc để đưa hết công việc kỹ sư của hãng ra những nước có chất xám rẻ mạt" Hỏi bạn đồng nghiệp ư" Nhưng Lạc thấy đâu có ai đau khổ bằng cô. Ít ra họ có mất việc làm thì họ còn  có người bạn đời của họ giúp họ thong thả tìm việc khác. Hỏi cái máy computer  hàng ngày cô đối diện với nó hơn chín tiếng đồng hồ ư" Nhưng cái máy cũng đâu biết số phận nó sẽ đi về đâu. Nó còn thậm chí không biết chuyện gì sắp xảy ra cho nó nữa.

Ôi, thà là như cái máy computer đó mà khỏe hơn. Nó cứ trơ lì ra đó, biểu nó làm gì thì nó làm trong khả năng của nó. Không cần nó nữa thì bán tống nó đi, không thì cho nó vào sọt rác. Cái máy thật là sung sướng. Cô muốn được như nó, chỉ biết tới lúc này thôi. Cô tự hỏi không biết nó có sung sướng hơn cô không nếu nó vô tri vô giác như vậy. Lối suy nghĩ logic thân quen chợt nhắc nhở cô làm sao cái máy đó biết sung sướng là gì nếu nó không hề cảm nhận được sự đau khổ. Cô nghĩ tới những người cùng cảnh ngộ với cô. Nhưng người ở đâu để cô tìm tới chia sẻ bớt nỗi nhọc nhằn, nỗi tủi nhục này" Chỉ có cái nóng là sát ngay cô đây. Hỏi cái nóng của Phoenix ư" Nó càng hung hãn hơn để vắt kiệt thêm chút mồ hôi, nước mắt còn lại của cô mà thôi.

Cô muốn khóc, cô muốn gục vào vai ai đó, cô muốn bấu víu lấy cánh tay ai đó, cô muốn nức nở cho vơi bớt cái gánh nặng ngàn cân đang đè cô xuống sát mặt đất hầm hập hơi nóng chết người của mặt nhựa đường giữa tháng bảy. Cô muốn được ai đó vỗ về cô, an ủi cô, dìu dắt cô. Cô muốn được ai đó chìa ly nước mát cho cô uống, lau dòng nước mắt nóng cho cô bằng chiếc khăn tẩm hơi lạnh. Cô muốn được ai đó ôm cô vào lòng, vỗ về lưng cô, hôn trên tóc cô, hôn trên cái trán rộng điểm những giọt mồ hôi và sạm đi vì nắng. Cô muốn tìm một điểm tựa, một nơi bấu víu trong lúc này. Cô cảm nhận như cô đang kéo theo cỗ xe ngàn cân dần dần lún sâu vào sa mạc cát.

Chẳng có cái khăn tẩm hơi lạnh nào. Dòng nước mắt nóng mới đó đã bốc hơi mất tiêu. Cô thấy chóng mặt, cô loạng choạng bước ra xe, cô hoa mắt cố nheo nhíu tránh tia nắng rực lửa rọi thẳng vào mặt cô để tìm cho được chiếc xe của cô. Cô thấy chân tay lạnh ngắt giữa cái nóng tháng bảy ở Phoenix. Cô thấy cổ cô khan đi và rát khô thèm một hớp nước mát, chỉ cần một hớp thôi. Cái nóng vẫn bám sát cô, nó quan sát cô, khoái chí nham nhở luồn qua làn tóc cô, rồi nó siết chặt cái đuôi nóng bỏng vào cổ vào mặt cô. Cô cảm nhận ngàn mũi giáo lửa đang phầm phập đâm vào người cô. Cô không thể trốn đi đâu được vì cô đang ráng bơi qua biển lửa này.

Trán cô vã mồ hôi, môi cô khô rát nhưng cô cố lao bước về phía trước vì cô chợt nhận ra cô có thể mất tất cả nhưng cô không thể mất nụ cười chúm chím của con cô được. Hình ảnh đó thật là xinh đẹp, thật là trong sáng, thật là hoàn hảo. Cô cảm thấy cần bước tiếp trong cái nóng rực lửa chết người này để được về ôm ấp hình bóng bé bỏng thiên thần đáng yêu đó. Lòng cô chợt ngập tràn một suối nước mát.

BIỂN DỪA

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 47,947,818
Từ lúc còn nhỏ cho đến giờ, không biết sao tôi lại rất thích con số mười hai (12). Cái gì đó đã thu hút tôi mỗi khi tôi nhìn thấy nó. Là một cô gái, mỗi khi nhìn thấy ai mặc áo có ghi con số đó thì tôi lại dính chặt cặp mắt tôi vào họ. Nhiều khi bị họ bắt gặp, tôi rất mắc cỡ, nhưng tính nào tật đấy, vẫn không bỏ được. Ở bên Mỹ này
Các con cái cháu chắt vừa tổ chức lễ Thượng Thọ cho cụ Trần tại một nhà hàng Việt nổi tiếng tại Houston, Texas. Cụ vừa đúng 85 tuổi tính đến tháng 7 năm 2006. Cụ ngồi đó mà trí nhớ cụ tìm về quá khứ từ bẩy tám chục năm trước. Thời gian thấm thoát đã đưa cụ về tuổi gần đất xa trời. Các bạn cụ kẻ trước người sau đã
Buổi chiều, sau khi tôi đã hoàn tất việc cơm nước và dọn dẹp, các con tôi xem Tivi, tôi có được những phút yên tĩnh một mình trên căn gác nhỏ nầy để tập dợt nhạc Pháp xưa: "Maman oh Maman, Tout les garcons et les filles. Adieu jolie candy ..." rồi trở về nhạc Việt với Phạm Duy, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn…. Bây giờ đã vào Hè, tôi mở cửa sổ
Phi trường quốc tế Los Angeles mà người ta vẫn gọi tắt là LAX vào một buổi sáng thứ bảy có đông hành khách ngồi chờ ở những hàng ghế trước các cổng lên máy bay được đánh số theo thứ tự. Mặc dù California là thành phố đa số người Mỹ gốc châu Á chọn định cư vì có khí hậu ấm áp tương tự khí hậu Dalat của Việt Nam, nhưng tại
Chuyến bay từ Paris tới Houston mất 9.25 phút. Giọng nói ngọt ngào của nữ tiếp viên hàng không báo hiệu phi cơ hạ cánh vào lúc 4 g ngày thứ bảy 20/5/2006. Thọ chận một nam tiếp viên, giọng cố ý nhỏ nhẹ: - Ông làm ơn lấy dùm tôi những bức tranh tôi đã gởi vào cabine đặc biệt. - Rất tiếc tôi không giúp bà được. Trước khi xuống bà hỏi những
Tác giả Ai Cơ Hoàng Thịnh là một nhà giáo tại tiểu bang Victoria, Úc. Bà là người đã vận động đưa được tiếng Việt vào chính khoá và chương trình thi Tú Tài Úc, từ 1983 tới nay; Đã được Úc vinh danh Citizen of the Year 1994 tại Thành phố Footscray Teacher of the Year 1997 tại tiểu bang Victoria.
Vài năm nữa tôi sắp bước vào thời kỳ thất thập cổ lai hi. Đời người đi qua mau như thế tưởng được yên, chẳng ngờ chuyện nhân tình thế thái cứ quanh quẩn và tôi lại tiếp tục bị quấy rầy. Năm 1975 người Việt miền Nam đã mất những kỷ niệm quá khứ để ra đi, chỉ đem theo với mình tinh thần văn hoá dân tộc, trong đó ngôn ngữ
Trước khi vào câu chuyện xin được nói sơ qua về Maya Lin, tác giả của Bức Tường đá đen ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ghi danh các chiến sĩ Hoa Kỳ chết trong chiến tranh Việt Nam. Sinh năm 1959 tại thành phố Athens, tiểu bang Ohio, Maya Lin gây được sự chú ý của công chúng khi cô còn là một sinh viên 23 tuổi ở năm cuối Đại Học Yale
Thứ Sáu trước, tôi đang đi làm thì bà xã tôi gọi điện thoại, dặn tôi trước khi về thì ghé chợ ABC trên Bolsa mua cho bà ít bánh tráng để làm chả giò. Lúc đó khoảng bốn giờ chiều, nên tôi vội vã chạy vào chợ mua cho lẹ, để tránh cảnh kẹt xe freeway trên đường về nhà. Đang lúc chờ tính tiền ở quầy, thì có một ông tóc bạc phơ
Gắn liền với hình ảnh của làng mạc êm đềm tại miền bắc Việt Nam xa xôi, nơi tôi chưa một lần đến thăm, là bóng dáng của những cây đa to lớn sừng sửng đứng hiên ngang ở đâu đó. Ngày xưa, hình như sau mỗi phiên chợ xa về, các bà các cô thường hay dừng chân nghỉ ngơi đôi chút ở dưới những gốc đa như thế này. Những người nông dân