Hôm nay,  

Chú Tư Thiên

13/06/200600:00:00(Xem: 151648)

Người viết: TRỌNG ĐẠT

Bài số 1031-1640-353-vb7100606

*

Tác giả Trọng Đạt cư trú tại Texas, đã xuất bản một số sách sáng tác và biên khảo văn học, thường "góp bài cho vui" với giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới lần này của ông là chuyện  bà con họ hàng thăm hỏi nhau khi ốm đau tang chế.

*

Chiều nay, Đính vừa mở computer thì nhận được điện thư của Thăng, người em họ cho biết tin vắn tắt "Chú Tư bị ung thư gan thời kỳ thứ ba chắc khó qua khỏi, anh làm ơn nhắn cho chị Hoàng và anh Hân biết dùm em, số điện thoại của chú ấy là. ." Đính tự nhiên thấy một niềm bồi hồi lo âu xâm chiếm lấy tâm hồn anh vốn đang thanh thản từ bấy lâu nay.

Đính vội điện thoại cho Hoàng, cô em ở gần đây cho biết hung tin rồi bảo.

- Chắc mình cũng phải xuống thăm chú ấy, sợ rồi không có dịp gặp chú nữa.

Cô em cũng đồng ý.

   - Ờ ờ chắc phải đi rồi. . để xem,  có gì tôi sẽ nói sau.

Chú Tư năm nay đã bẩy mươi tuổi nhưng trông hình còn trẻ lắm, hồng hào, khoẻ mạnh, thế mà ai có dè đâu đang không lại có tin sét đánh ấy y như trời đất nổi cơn gió bụi. Chú là em thứ tư trong nhà, tuổi nhỏ, tuy là vai chú nhưng đối với các cháu trong họ chú Tư chỉ hơn họ bốn, năm tuổi hay tám, chín tuổi là cùng, tại đây chú bằng tuổi anh Hân, anh Trường. Hồi còn nhỏ tại làng Đông Lao ngoài Bắc xa xưa, các cháu đã cùng chú rong chơi ngoài đồng lúa, bắn chim, tắm sông, câu cá. .cùng cắp sách đi học trường làng, lớn lên cùng đạp xe lên tỉnh học. . các cháu cũng là bạn thân của chú mặc dù chú ngang hàng cha mẹ.

Thế rồi đất nước chia đôi, họ hàng phần nhiều bỏ trốn Cộng Sản vào Nam tìm tự do, họ sinh sống tại Sài Gòn, một thành phố rộng mênh mông bát ngát ấy thế mà lại tìm được nhau, liên lạc được với nhau thăm hỏi nhau y như thời còn sống trong lũy tre xanh miền Bắc. Chú Tư và các cháu lại được hội ngộ, thăm hỏi trò truyện với nhau y như những ngày còn sống sau lũy tre xanh. Rồi Cộng Sản xua quân chiếm miền Nam, họ hàng lại kéo nhau chạy ra ngoại quốc, vài gia đình đã nhanh chân chạy thoát từ hồi năm 75, số còn lại đi vượt biên, đi bảo lãnh,  hoặc theo diện cải tạo HO. . phần nhiều vào Mỹ, rồi cũng lại liên lạc được với nhau.

 Chú Tư đi cải tạo rất lâu, gần mười năm mới được thả về. Trong số mấy người cháu trong họ bị giam giữ như Đính, Thăng, Hai chú Tư là người tù lâu nhất. Họ hàng hồi ấy chờ mong mãi mới thấy chú được về. Thời ông Diệm chú thi đỗ vào trường sư phạm, chú  mừng lắm, ra làm giáo viên có đồng lương bảo đảm, rồi chiến tranh ngày càng lan tràn mở rộng, chú Tư bị động viên vào trường bộ binh Thủ Đức, mãn khóa chú đi làm tại một chi khu quận Kiến Hoà, mấy năm sau lại đổi ra miền Trung, chú bị thương trong một trận giao tranh, người lính thân cận cõng chú chạy thoát. Chú được biệt phái trở về nhiệm sở cũ ngành giáo dục, cấp bậc đại úy bên quân đội, chú học thêm một khoá hai năm rồi thành giáo sư trung học đệ nhất cấp.

Chú đi cải tạo bị giam lâu phần vì Việt Cộng nó ghét nhất những người sĩ quan biệt phái, nó nghĩ đây là những người được đưa sang ngành giáo dục để dò xét cán bộ nằm vùng của nó, có thể phần vì chú khai thật quá, những người tù cải tạo bị giam lâu hay chóng phần lớn do quá trình hoạt động và nhất là tại những lời khai sơ hở của chính mình. Hồi còn cải tạo, chú xui xẻo gặp toàn những trại hắc ám, làm toàn những việc lao động nặng như chặt tre, vác lồ ô, nhưng chú cũng hên, mấy người cháu ruột, anh em ruột của chú còn ở làng Đông Lao đã lên tận trại tù thăm nuôi chú, tại Sài Gòn bà thím tần tảo buôn bán nuôi con , nuôi chồng cải tạo.

Là người có tình với họ hàng, đươc thả về chú nghỉ ngơi ít ngày rồi đi thăm họ hàng, chú bác. Đính được về trước chú độ bốn năm năm, anh thường hay lên thăm chú, họ đang hy vọng vào chương trình ra đi chính thức dành cho người tù cải tạo.

 Rồi Đính được đi ngay đợt đầu tiên, mấy năm sau chú Tư mới được vào My, ấy thế mà đã mười mấy năm qua. Chú định cư tại Houston, chú đã đem được cả gia đình, một vợ ba con sang Mỹ,  chú đã phải trả bằng cái giá mười năm tù cải tạo. Các cháu ở dưới ấy như anh Kim, Trường, Tân... bảo trợ cho chú và giúp đỡ chú trong bước đầu mới nhập cư vào Mỹ.

Chẳng bao lâu, chú thím buôn bán nghe nói cũng được lắm, ba cô con gái vừa làm vừa học rồi gia đình đã hội nhập được vào đời sống mới, thế là chú gặp lại những người cháu và cũng là những người bạn thân, họ lại hàn huyên kể lể với nhau y như những ngày xa xưa tại làng Đông Lao bên trong lũy tre xanh miền Bắc.

Hồi chú chưa vào Mỹ, Đính hay liên lạc gửi thư về cho chú, nhưng từ ngày chú vào Mỹ Đính cũng ít liên lạc vì bận đi làm, từ đấy đến nay anh chỉ gặp chú một lần khi chú lên Dallas ăn cưới con cô Hoàng cách đây cũng tám chín năm. Năm ngoái năm kia Đính có gọi điện thoại cho chú một hai lần. Cô Hoàng thường hay liên lạc với chú thím, các em. Cô đã hai lần xuống Houston ăn cưới con gái chú.

Thế mà bây giờ chú lại vướng vào cái bệnh thập tử nhất sinh.

. . .

Hai hôm sau khi nghe tin chú Tư bịnh nặng, vợ chồng Hoàng có rủ Đính, Hân, hai ông anh ở gần nhà cùng đi một thể. Họ đi xe từ sáng sớm mãi đến trưa thì tới Houston, một lúc lâu mới tìm ra nhà chú. Bốn người cháu được bà thím đón tiếp đưa vào phòng khách. Chú Tư nằm dài trên ghế xa lông, đầu chú cạo trọc trông y như  ông đại đức, cô Hoàng lớn tiếng chào.

- Chú khoẻ không" Chúng cháu xuống thăm chú xem chú đã đỡ chưa.

Chú sụt mất 20 cân anh nhưng trông chưa đến nỗi gầy ốm lắm, nước da chú đen hơn trước, thím Tư và cô Hoàng đỡ chú ngồi dậy nói chuyện với khách, giọng chú thều thào yếu đuối. Hân lại gần hỏi thăm bệnh tình thì chú nhăn mặt kể lại những cơn đau trong nội tạng của mình. Một lúc sau cô Hoàng lên tiếng vui vẻ bảo mọi người.

- Lại đây chụp hình với chú nào, ngồi quanh chú nào.

Chồng cô Hoàng dơ máy bấm tách tách hai ba lần, chụp xong ai về chỗ nấy, anh Hân lại gần hỏi chuyện chú Tư, chú nói giọng thều thào nhưng vẫn còn tỉnh táo. Khi ấy bà thím, Đính, Hoàng ngồi quanh cái bàn trò truyện, bà bảo chú bị đau nặng hai tháng nay, bây giờ ăn không được, ngủ không được. Cách đây bốn năm chú bị viêm gan loại B, bác sĩ chữa hết rồi, chú lại đổi bác sĩ rồi tưởng hết hẳn không chịu đi khám nghiệm lại, để lâu nó mới phát nặng, nay thím lại hy vọng vào thuốc Bắc.

- Có ông bạn chú, năm nay 75 tuổi rồi bị ung thư gan, bệnh viện nó cho về, nó nói ba tháng nữa là chết, ông ấy được ông thầy thuốc Bắc quen bốc cho mấy chục thang thuốc uống, bây giờ hết rồi, ông ấy chỉ chỗ cho đi mua thuốc, đã sắc cho chú uống năm ngày nay, bây giờ ăn được, ngủ được chút đỉnh rồi.

Chú Tư thì nói với Hân, Hoàng là bác sĩ bảo bây giờ chú bị ung thư gan thời kỳ thứ ba, nhưng thím lại nói khác.

- Bác sĩ nghi là ung thư gan thời kỳ thứ ba, mới thử nghiệm, năm ngày nữa mới biết kết quả là ung thư gan hay không.

 Thím cứ khen thuốc Bắc, thuốc Nam.

 - Bây giờ nhiều người bị ung thư về Việt Nam chữa thuốc Nam, y học dân tộc bây giờ hay lắm, người ta chữa được ung thư. Cho ông ấy uống thuốc khó khăn lắm, ông ấy cứ chê đắng.

Đính bèn nói nhỏ với bà.      

- Thím phải dụ dỗ ông ấy, cứ nói là ông uống thuốc này mau hết bệnh lắm, phải dụ dỗ ông ấy.

Nghe bà thím nói Đính cũng hy vọng vào thuốc Bắc, may ra chú gặp thầy giỏi thuốc hay có thể sống thêm năm mười năm nữa. Bà thím lấy sấp hình mới chụp cách đấy mấy tháng, bà bác và mấy người con ở Canada sang chơi ghé thăm chụp hình kỷ niệm với chú, trông hình chú mập mạp trẻ trung, hồng hào béo tốt. Bà thím nói mấy tháng trước chú vẫn lái xe ra khu chợ Việt Nam đánh cờ với mấy ông bạn già.

Tự nhiên cô Hoàng đứng dậy lại ngồi gần chú bảo.

- Mỗi người lại chụp một tấm hình riêng với chú đi nào, mai mốt chú hết bịnh chú lên Dallas thăm các cháu chứ, chú mau khỏe để còn đi đánh cờ nữa chứ.

Cô cầm bàn tay chú quan sát một lúc lại nói.

- Mai mốt chú hết bệnh rồi còn đi đánh cờ, chú phải ráng mau hệt bệnh đi chứ.

 Đính, Hân lại ngồi cạnh chú chụp hình, hỏi han chú một lúc, chú kể chuyện ông bà Năm, chú thím ruột của chú chết ở Sài Gòn hồi xưa, bây giờ con cháu lấy hài cốt đem ra Băc chôn ở làng ta, vợ chồng ông anh ruột của chú chết chôn tại Hoa Kỳ nay con cháu cũng đem về Sài Gòn rồi lại đưa ra Bắc chôn. Sang Mỹ đã mười mấy năm nay chú vẫn còn giữ tinh thần mồ mả ông bà, quê cha đất tổ.

Thăm chú thím Thiên đã được vài tiếng đồng hồ, mấy người cháu đứng dậy xin kiếu từ ra về, họ lại gần ghế xa lông chào chú, Đính bảo.

- Chú phải uống thuốc Bắc thuốc tây thì nó mới mau hết bệnh, chú phải ráng uống thuốc thì nó mới mau hết.     

Bà thím bèn nói chêm vào.

- Đấy bố thấy không" anh Đính nói bố có nghe không"

Khi ấy chú ngồi dựa vào ghế miệng méo xệch, chú khóc thầm, chú mếu máo trông thật tội nghiệp. Cô Hoàng nói nhỏ với anh Đính.

- Chú xúc động đấy, đến thăm chú làm chú xúc động.

Đính nhìn trong tia mắt chú thấy một thoáng nghi ngờ, anh tưởng như chú đang nghĩ ngợi.   "Những người cháu này lặn lội từ phương xa đến đây để thăm mình lần cuối cùng, họ biết là mình sắp chết, họ chụp hình chụp ảnh kỷ niệm với mình, như vậy thì  mình chết chắc rồi, họ cứ nói là mình sắp hết bệnh, họ nói dối để an ủi mình cho qua chuyện, người đời giả dối lắm, họ không chịu nói thật với mình, mình chết là cái chắc rồi, không còn nghi ngờ gì nữa"

Nhìn cái miệng mếu máo của chú Đính thấy thật là ái ngại, anh chẳng biết làm gì hơn, anh cũng chẳng muốn an ủi chú một vài câu vì chưa chắc chú đã tin vào lời nói của mình. Nay đang đứng trên cây cầu biên giới giữa dương gian và âm cảnh, chú vẫn còn chút tình lưu luyến cõi hồng trần.

Bốn người cúi chào chú rồi ra sân trước, chú vẫy tay theo chào Đính, Hân.

Hôm sau Đính gửi điện thư qua computer cho mấy người anh, em họ hàng ở cali, bên quê nhà, Canada. Bên Việt Nam gửi thư qua bảo "cây chó đẻ, quả bầu dại" chữa ung thư hay lắm, ráng chữa cho chú, còn nước còn tát, bên Canada chúc cho chú gặp thuốc hay thầy giỏi. .

 Cuối tuần Đính đến thăm gia đình Hoàng, anh bảo.

- Bà ấy hy vọng vào thuốc Bắc, bà ấy lại nói bác sĩ  nghi là ung thư gan thời kỳ thứ ba.

Cô em gạt đi ngay.

- Ông ấy bảo bác sĩ nói ung thư gan thời kỳ thứ ba rồi, bà ấy không biết đâu, thuốc Bắc thì cũng tuỳ người, có hợp không.

- Ông có gọi cho bà ấy không" Bà ấy nói sao"

- Bà ấy bảo bác sĩ  nói "no good", chắc là hỏng rồi.

- Ông ấy đã bảo bác sĩ cho biết đây là ung thư thời kỳ thứ ba, chính ông ấy nói mà.

    - Thấy bà ấy nói có ông bạn chữa thuốc Bắc hết, mình cũng mừng cho ông ấy thế mà. .

 - Nó cũng tuỳ người nữa, nó có hợp thuốc hay không cơ.

Sáng nay chủ nhật, Đính đang ngủ ngon giấc bỗng có tiếng điện thoại reo, lúc ấy mới có bẩy giờ sáng, anh không hiểu sao ai lại gọi sớm thế.

Đính nhấc máy nghe, tiếng cô Hoàng khóc sụt sùi ở đầu giây kia làm anh tỉnh hẳn.

- Chú Tư đi rồi, chú đi hai giờ khuya tối hôm qua. .

Đính thở dài bảo.

- Nhanh quá nhỉ" Mới gặp chú có bốn tuần lễ. . thế mà

- Con gái chú nó gọi điện thoại lên đây khuya hôm qua. . chú đi cũng lẹ.

- Nhanh thật, chắc mình phải đi đưa chú ấy.

- Ừ, phải đi đưa chú một lần cuối, có gì tôi sẽ nói sau.

Cô Hoàng vẫn khóc sụt sùi, Đính chán nản thở dài cúp máy, anh mất ngủ luôn cho tới khi trời sáng hẳn.

Trưa hôm ấy anh gọi xuống nhà bà thím, con gái thứ hai chú nói bằng giọng xúc động  pha nước mắt.

- Ngày mai gia đình sẽ phát tang cho bố em, thứ tư này là lễ di quan. .

Đính báo tin cho buồn cho họ hàng ở các nơi xa, cô em bên Việt Nam bảo "Diễn tiến quá nhanh,  thật là một kết thúc buồn,  nhưng thôi dù sao chú cũng đã được toại nguyện rồi", trên Canada, một ông anh bà con than "họ nhà ta lại mất đi một người"

Sáng hôm thứ tư, vợ chồng cô Hoàng, Hân, Đính cùng nhau lên xe từ bốn giờ rưỡi sáng, họ phải đi thật sớm cho kịp đưa ma lúc mười một giờ. Xe chạy vùn vụt, trời còn tối đen, những ngọn đèn đường. hắt ánh điện sáng chưng soi trên mặt lộ.  Tới gần Houston thì trời mưa mù mịt, nước tuôn ào ào bên cửa kính, xe cộ chạy xung quanh đều phải đi chậm lại vì chạy tốc độ cao trời mưa dễ gây tai nạn. Trận giông bão đầu mùa giáng xuống thành phố ven biển này từ mấy hôm nay. Cũng may lúc xe tới nhà  quàn khi ấy chưa tới mười giờ, cơn mưa đã dứt từ lâu nhưng bầu trời còn u ám khác thường.

Nhà quàn hôm nay có ba đám, phòng dành cho chú Tư ở gần ngay cửa vào. Đính và Hoàng vừa đứng nhìn vào trong thì thím Tư và mấy cô con gái mặc tang phục màu trắng cổ truyền vội chạy ra ôm lấy Đính, Hoàng khóc như mưa như gió, khóc nức nở như trẻ con khiến Hoàng cũng xúc động khóc theo, Đính chỉ nhìn thím và các em với một cõi lòng tan nát, anh chẳng biết nói sao bây giờ.

Quanh chỗ quan tài mở nắp chú đang nằm nghỉ là một dẫy những vòng hoa tươi thắm thật đẹp của họ hàng, xui gia, các cháu. Còn một giờ nữa mới đưa chú Tư  đi, khi ấy phòng quàn chỉ mới có bẩy tám người, thím và mấy người con gái, con rể, vợ chồng cô Hoà cháu ruột, mấy người cháu ở Dallas xuống, thế thôi. Một lúc sau vợ chồng Tân, ông anh vừa tới, rồi vợ chồng ông anh Trường cũng tới. Các thầy cô bên chùa đã sang làm lễ cầu siêu, mỗi người được phát một cuốn kinh nho nhỏ để đọc theo thầy.

Sắp tới giờ di quan, chị Trường trao cho Đính một cành hồng bảo anh ra xếp hàng viếng chú lần cuối, mọi người lần lượt đi ngang nhìn mặt chú yên ngủ trong quan tài mở nắp rồi tặng chú một bông hồng. Ai nấy cùng nhau ra cửa để chuẩn bị lên xe tới nghĩa trang, Đính nhìn quanh,  ngoài bẩy tám người trong gia đình chú, chỉ có mười người trong họ đi đưa, bốn người ở Dallas xuống và sáu người ở tại Houston, bạn bè không thấy một ai. Trước đây họ hàng ở dưới này đông hơn, nay có vài nhà đã dọn đi bang khác, nhìn cảnh đưa tiễn vắng vẻ đìu hiu, Đính bèn lại gần Trường hỏi.

  - Ủa sao hội cựu tù nhân chính trị không cử người lại đi đưa anh nhỉ"

Ông anh lạnh lùng bảo.

- Tại ông ấy không giao thiệp với người ta nên người ta không biết.

- Chưa thấy đám ma nào vắng như thế, nghĩ cũng buồn cho chú ấy.

Tất cả có chừng mười chiếc xe hơi chạy theo sau chú Tư, ba người cảnh sát công lộ đi mô tô hộ tống đoàn xe chạy lên xa lộ, xe chạy tốc độ khá cao mà cũng mất hơn nửa giờ mới đến nghĩa trang. Trời đã hết mưa nhưng đường bên trong còn ngập nước, cỏ xanh vẫn còn sũng nước, mưa đã hết nhưng mây đen còn vần vũ khắp trên không trông thật vô cùng ảm đạm.Vì thiếu người nhà đòn xin bà con phụ giúp một tay khiêng áo quan xuống đặt trên miệng huyệt. Gia đình, họ hàng vây quanh huyệt, vòng hoa được khiêng xuống chất đầy bên cạnh lều vải, ông thầy tụng niệm xong rồi quay lại nhỏ nhẹ bảo

  -Những người tuổi tuất, tuổi mùi. tuổi. . không được nhìn khi hạ huyệt, phải ngoảnh mặt đi.

Mấy người nhà đòn bắt đầu hạ quan tài từ từ xuống, bà thím, các con cháu trong quần áo tang trắng cổ truyền đứng vây quanh, tre già măng mọc, thế hệ này nằm xuống thế hệ khác lại lớn lên. Bà thím xúc động giơ tay với như muốn níu kéo chú Tư lại, bà vùng vẫy như muốn ngất xỉu, người ta phải dìu bà ấy ra ngoài lều để ngồi trên ghế. Con, cháu mỗi người lại tặng chú một đóa hoa hồng. Bọn nhà đòn hạ tấm lều vải xuống,  xe ủi  khiêng một cái nắp lớn mầu trắng để đậy lên trên quan tài, ông anh Tân bèn lại xem rồi phàn nàn với nhà đòn, chị Trường bảo Đính.

   -Nắp kim tĩnh bị bể một chút.

- Kim tĩnh là gì hả chị"

- Là cái vỏ đúc bằng xi măng bao quanh quan tài.

Vì thế việc hạ huyệt phải đình lại một lúc, chị Trường lại bảo.

- Chú linh lắm, chú chưa muốn xuống ngay, chú còn muốn nán lại với gia đình thêm chút nữa đấy.

Một lúc sau nhà đòn giải thích cho gia đình biết rồi tiến hành hạ huyệt. Họ đắp đất lên thành một nấm mộ, con cháu bèn lấy những vòng hoa đắp lên xung quanh mộ, Đính cũng ôm một vòng hoa đặt bên cạnh  chú. Những vòng hoa thật tươi đẹp, mầu sắc rực rỡ, hoa là biểu tượng của món quà tuyệt vời cho cả người sống cũng như  người đã chết. Đính nhìn lại thấy Trường đang mơ màng nhìn nấm mộ, ông anh như nhớ lại năm sáu chục năm trước đây, tại làng Đông Lao miền Bắc xa lơ xa lắc, hồi ấy còn trẻ con ông đã cùng chú cắp sách đến trường, rong chơi bên đồng lúa, lớn lên di cư vào Nam, sang Mỹ . .ông anh vẫn là bạn thân của chú. . và bây giờ mỗi người một ngả, âm dương cách biệt đôi đường. 

Thầy tụng niệm xong bèn lấy gạo vung ra quanh mộ, thầy bảo con cháu mỗi người đốt một nén nhang vái chú một vái rồi cắm quanh mộ, lễ nghi coi như đã hoàn tất, chú Tư đã được mồ yên mả đẹp. Ai nấy yên lặng nhìn nhau bàng hoàng tê tái, vẻ xúc động hiện rõ trên khuôn mặt từng người, chỉ riêng có bọn nhà đòn là vẫn tỉnh bơ đứng nhìn đám tang bằng cặp mắt lạnh lùng, chắc họ nghĩ rằng sinh tử chỉ là sự tuần hoàn của Đấng Hoá Công.

Chị Tân chạy lại bảo anh em Đính.

- Thôi các anh chị đã có công xuống tận dưới này đi đưa chú, các anh chị đi với chúng tôi lại chùa Linh Sơn làm lễ cầu cho chú được siêu độ.

Cô Hoàng từ chối khéo bảo.

- Tụi em cũng lên chùa nhưng nếu lạc thì về luôn.

Nói rồi cô bảo chồng, bảo các anh sửa soạn để về sớm vì sợ trời nổi cơn mưa to gió lớn, khi ấy mây đen đã bắt đầu kéo đến. Đính, Hoàng, Hân vội vã chào các anh chị rồi lên xe ngay, ra khỏi cửa nghĩa trang chú em rể lái vút lên xa lộ 45 trực chỉ hướng Bắc về Dallas, Đính tựa đầu vào ghế lim dim đôi mắt, trong lòng anh hoang vắng y như một bãi sa mạc rộng mênh mông.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,478,023
Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, hiện đang sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Sau khi tốt nghiệp Kinh Tế Kế Toán và sống một thời gian ở Pháp, cô sang Mỹ và hiện đang vừa làm việc và vừa học thêm về Management Information System.   Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là “Làm Lành Vết Thương
Tác giả định cư tại Hoa Kỳ từ 1987, hiện là một bác sĩ đang hành nghề tại quận Cam . Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Hạnh phúc rất đơn giản" kể chuyện về cách nhìn, cách nhận chân hạnh phúc của người phụ nữ Việt tại Hoa Kỳ qua ba hoàn cảnh sống khác nhau. Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Cường đang đọc lại cuốn sách "Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống” của dịch giả Nguyễn Hiến Lê mang từ Việt Nam qua Mỹ bỏ nằm ụ trên kệ sách mấy năm rồi mà không có thì giờ rảnh rỗi để nghiền ngẫm.   Hôm nay nhân ngày lễ, ông lấy được một tuần lễ Vacation đầu tiên sau bao năm lận đận với công việc
Thế là chúng tôi đã định cư ở Mỹ hơn 16 năm rồi. Nhìn đứa con trai lớn đang ngồi trước máy điện toán chuẩn bị luận án tiến sĩ, nhìn vợ tôi và hai đứa con nhỏ của chúng tôi đang xem truyền hình và tán chuyện vui vẻ, tôi bùi ngùi nhớ đến những người bạn không may đã chết trong trại cải tạo hay đang cùng gia đình
Bài viết về nước Mỹ hôm nay do một tác giả từ trong nước: Bác sĩ Lê Đình Phương, sinh năm 1964 tại Huế, hiện là Bác sĩ khoa Nội thương, tại bệnh viện Pháp Việt   Sài gòn. Trong điện thư đầu tiên gửi Việt Báo, bác sĩ Phương gọi giải thưởng Viết Về Nước Mỹ   là “một cơ hội tuyệt vời để những người Việt trong nước
Kim đồng hồ chỉ hơn 12 giờ đêm mà khu vực sòng bài casino vẫn tấp nập người ra kẻ vô không ngớt. Bộ mặt sinh hoạt đỏ đen về khuya lại càng rộn ràng hơn. Người ta đến đây để đi tìm may rủi, hay nói theo kiểu người dân lao động là để giải quyết buồn chán mệt nhọc của những ngày làm lụng vất vả.
Bao nhiêu đạo sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ và thi sĩ đã ca ngợi tấm lòng của những bà mẹ Việt Nam . Trước và sau biến cố 1975, từ Bắc vào Nam , họ đều tỏ lòng quý trọng những bà mẹ Việt Nam . Nào là mẹ hiền, mẹ đảm đang, mẹ chung tình..v..v... Tùy theo không gian và thời gian, việc tôn kính người mẹ Việt Nam
Phải ba tuần lễ sau khi dọn đến nhà mới chúng tôi mới có giường ngủ và bàn ghế, tủ kệ. Thật đúng câu mà tôi vẫn thường nghe người ta nói, "một lần dọn nhà bằng ba đám cháy". Cái gì các con tôi cũng muốn bỏ, muốn cho, vì "những thứ đó không thích hợp với căn nhà"! Tôi để mặc cho hai con chọn lựa đồ đạc theo ý chúng
Hơn 20 năm trước, trong cuộc chạy trốn từ Bắc vô Nam, người dân có nhiều thì giờ để quyết định; có sự trợ giúp của các tôn giáo, các tổ chức chính trị và các phương tiện chuyên chở của ngoại quốc. Giờ đây, cuộc di tản tuy quyết liệt nhưng âm thầm, bưng bít. Cha Hạnh nắm bắt được tình hình đen tối của miền Nam
Tháng Tư 1975, khi con cái lôi cha mẹ di tản, ông mới 45 tuổi, lòng còn lưu luyến cô bồ trẻ. Tháng Tư 2006, thành ông cụ goá 76 tuổi, cụ được con cái thu xếp cho về Việt Nam xem mặt vợ, một cô còn trẻ hơn cô bồ năm xưa. Đó là Chuyện Tháng Tư của Nguyễn Hữu Thời, một tác giả quen thuộc của Viết Về Nước Mỹ
Nhạc sĩ Cung Tiến