Hôm nay,  

Mối Tình Đầu Của Lan

15/03/200600:00:00(Xem: 147495)

<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tác giả là cư dân <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />San Jose, đã góp nhiều bài viết đặc biệt và được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài viết mới của ông lần này là một truyện tình học trò, đồng thời cũng là truyện tình nghĩa HO.

*

Một người Mỹ thuộc Hội Thiện Nguyện USCC đứng chờ trong phòng đợi phi trường tiểu bang Virginia. Ông có nhiệm vụ tiếp đón một gia đình Việt Namđến Hoa kỳ tỵ nạn theo diện Cựu Tù nhân Chính trị tái định cư. Trên tay ông cầm sẵn tấm bảng bằng cạt-tông có ghi hàng chữ: "Chào Mừng Gia Đình Ông Hồ Tấn Toàn HO9".

*

Câu chuyện của gia đình HO9 này bắt đầu từ mối tình học trò...

Đám học trò ấy kết bạn với nhau thành một tổ học tập suốt thời kỳ Trung học từ khi họ thi đậu vào lớp Đệ Thất trường công lập tại tỉnh lỵ.

Sau ba tháng nghỉ hè ở đồng quê, đến ngày tựu trường họ kéo nhau trở lại nhà trọ chuẩn bị cho niên học mới. Trên boóc-ba-ga xe đạp, chở đầy sách vỡ, gạo, mắm, rau quả dành cho năm ngày nấu ăn tự túc trong tuần, họ vừa đi vừa chuyện trò cười vang trên con đường huyện lộ đã bong lở hết lớp mặt tráng nhựa chỉ còn trơ những viên đá lót đường màu xanh sẫm.

Rồi Tấn Toàn, trở thành mối tình đầu của cô bé Lam Lan. Và Lan là hình bóng người con gái đầu tiên choáng ngợp trái tim mười sáu của Toàn. Mối tình học trò thơ mộng nhưng cũng không kém phần tha thiết.

Tình yêu trải qua những tháng năm cắp sách đến trường. Lam Lan giỏi môn văn còn Toàn trội hơn môn toán. Hai người dìu nhau học tập, cùng nhau xây đắp chung mộng ước sẽ trở thành nhà giáo. Cũng đã từng thề non hẹn biển quyết lòng kết tóc xe tơ. Hình ảnh một gia đình hạnh phúc đầy mật ngọt đã được vẽ lên trong trí tưởng của hai người.

Đến mùa sim, những trái sim no tròn bắt đầu chín đen vỏ. Mùa trâm, đong đưa những chùm trái tím rịm trĩu cành. Họ là khách thường xuyên của hai mùa trái chín ấy. Miệng lưỡi người nào cũng tím ngắt như uống nhầm mực tím, nhìn nhau cười ngất ngất trên cành cây cao.

Gần hết năm Đệ Nhị, bất thần mẹ Lam Lan bị tai nạn bại liệt cả đôi chân buộc nàng phải bỏ học ở nhà lo cho đàn em và chăm sóc mẹ.

Lấy xong Tú tài Phần I, Toàn được cha mẹ cho vào Sài Gòn học tiếp. Niềm thương nỗi nhớ người yêu làm se thắt con tim mười tám khiến cho tâm tư Toàn khắc khoải đêm trường.

Một năm sau, chàng nhận được thư Lam Lan báo tin cha nàng giữ lời hứa với người bạn nối khố ngày xưa gả nàng cho người con trai cả thuộc dòng họ nhà Lê Quý. Một dòng họ lớn có thế lực thời bấy giờ. Nàng ngỏ ý muốn bỏ quê trốn vào Sài Gòn cùng Toàn sinh sống. Nhưng làm sao được, hiện tại chàng còn là một sinh viên tay trắng đang sống nhờ vào tiền phụ cấp của cha mẹ trên cái thành phố đông đúc với cuộc sống xô bồ nầy. Toàn như kẻ chơi vơi giữa dòng sông, đành buông xuôi cho người yêu theo chồng.

Mùa hè năm sau, Lam Lan gởi thư tha thiết gọi Toàn về quê trước khi nàng lên xe hoa. Dù cố tình xa lánh để nàng giữ tròn chữ hiếu, nhưng tâm tư Toàn lúc nào cũng vương vấn hình bóng Lan. Không thể chối từ lời khẩn thiết của người yêu mong được gặp mặt chàng lần cuối cùng, Toàn quyết định về quê nhân dịp nghỉ hè.

Lam Lan hẹn Toàn đến khu rừng trâm mà họ đã từng vui chơi trong mấy mùa hè trước. Một thời gian dài xa cách, nay gặp lại như cơn lũ mưa nguồn đầu tiên ào ạt đổ vào lòng suối cạn suốt mùa khô hạn. Họ ôm chầm lấy nhau và cơn mưa nước mắt tuôn trào. Lệ trùng phùng lẫn lệ chia ly ướt đẫm khuôn mặt u buồn của Lan. Họ dìu nhau ngồi trên tảng đá bàn, nơi mà hai người đã từng ước thệ.

Tảng đá nầy có mặt bằng khá rộng, chính giữa là bàn cờ mà các bậc tiền bối thường kể lại rằng: "Một đêm Rằm tháng Giêng vào tiết Nguyên Tiêu, ánh trăng sáng lồng lộng. Bỗng trời tối sầm rồi một tia lửa từ trên trời xẹt xuống đánh vào tảng đá Bàn. Sáng ngày hôm sau dân làng phát giác một bàn cờ được khắc lên tảng đá. Từ đó, hàng năm vào ngày Nguyên Tiêu, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Nguơn và Trung Thu các tiên ông thường tụ hội về đây uống rượu đánh cờ. Và cũng từ đó các cặp nam nữ yêu nhau cũng thường đến đây thề ước trọn đời bên nhau."

Nước mắt dầm dề, Lan ngả đầu trên vai Toàn nhắc lại những kỷ niệm, những ước vọng của hai người đã cùng nhau gắn bó.

Chợt, Lam Lan choàng tay ôm cổ người yêu thì thầm:

- Ôm em đi. Không còn mấy ngày nữa, em thuộc về người khác. Chúng mình sẽ vĩnh viễn mất nhau. Ngày xưa ta có ước nguyện thành vợ chồng. Em muốn em thuộc về anh, dành cho riêng anh.”

Hai người đang trong nụ hôn dài nồng nàn, quên cả đất trời. Bất ngờ, Lan nhìn Toàn bằng ánh mắt van nài, thúc hối... Chàng vội giữ tay nàng lại:

"Cảm ơn em. Anh yêu em, yêu vô cùng tận vì thế anh cần phải bảo vệ hạnh phúc cho em. Hạnh phúc của em chính là hạnh phúc của anh. Ta thật sự mất nhau trong đời sống vợ chồng, nhưng trái tim ta luôn luôn đầy ắp hình ảnh của nhau. Anh hãnh diện vì đã có một người yêu sẵn sàng chịu khổ lụy vì mình". Lam Lan bật khóc. Gục đầu vào ngực Toàn.

Ánh nắng chiều đã tắt trong khu rừng trâm từ lâu mà đôi tình nhân vẫn còn ôm nhau tưởng chừng hóa đá. Khi loài sóc ăn đêm gọi nhau trên vòm cây cao họ mới chịu rời nhau ra khỏi khu rừng. Bóng tối phủ trùm. Ánh sao Hôm le lói trên bầu trời cao.

Vài cánh đôm đốm lẻ loi lập lòe bay lướt trên cánh đồng lúa đang thì con gái. Vừng trăng vượt lên khỏi rừng bạch đàn soi đường cho hai người đi bên nhau mà con tim cảm nhận được nỗi cô đơn của những ngày chia ly sắp tới.

Còn đúng một tuần nữa là đến ngày cưới. Toàn gặp Lan lần cuối cùng trước khi ra đi. Nàng khóc trên vai Toàn, những giọt nước mắt thấm qua làn áo mỏng chảy dài trên lồng ngực chàng như những giọt cường toan làm tan loãng cả ý chí và sức lực của một chàng trai. Toàn vùi mặt vào tóc nàng, dấu đi những giọt lệ yếu đuối. Chàng bùi ngùi từ biệt bằng nụ hôn trên tóc nàng, mái tóc mới gội còn nồng hương bồ kết. Đó là mùi hương cuối cùng của mối tình đầu mà Toàn mang theo suốt quãng đời xa xứ.

Rồi thời gian trôi đi cùng với dòng sông quê nhà mang theo bao mùa nước lũ. Để quên đi hình bóng người yêu, Toàn vùi đầu vào sách vở, hết giờ ở giảng đường lại vào thư viện. Tối về lẻ loi trên căn gác lửng với ánh điện vàng hiu hắt.

Bỗng một hôm, Toàn nhận được bức thư của Lam Lan nhờ người trong họ mang tay. Thư nàng viết:

"Anh yêu, Bốn năm rồi bặt tin anh, nhưng hình ảnh của anh mãi còn ấp ủ trong trái tim em. Anh có biết em đau khổ đến chừng nào trong cuộc đời làm vợ một người mà mình không yêu. Từ ngày đứa con đầu lòng ra đời là chồng em đổi tính không thể nào hiểu được. Mỗi lần ông ấy nhìn mặt con là nổi cơn bức xúc. Ông ấy nghi con bé không mang dòng máu của họ Lê Quý bởi nó giống anh như hai giọt nước. Cũng chiếc mũi dọc dừa, hai mắt tròn xoe lại thêm chiếc cằm chẻ. Em đã giải thích nhiều lần rằng, cái trinh tiết của em đã dành cho chồng trong đêm Tân hôn. Điều đó đủ giải oan cho em nhưng ông ấy vẫn không hề thay đổi thái độ. Vừa rồi, trong cơn say rượu, ông ấy giận dữ nói như tát nước vào mặt em "Bé Ngọc đâu phải con của tôi, cô hãy nhìn kỹ nó đi, có phải là khuôn mặt của thằng Toàn không" Ôi, tôi chỉ là loài chim cà cưỡng nuôi tu hú! Tôi thù nó. Tôi hận nó, thằng nhãi ranh đểu cáng." Ông ấy nói xong bỏ mặc mẹ con em suốt mấy ngày không về. Em vô cùng khổ sở. Nỗi oan ức nầy có thua gì "nỗi oan Quan Âm Thị Kính". Vài ngày sau em bồng con bỏ nhà ra đi. Hiện giờ em đang ở với cô Út ở thị xã Pleiku đã hai tuần lễ rồi. Nhận được thư nầy anh nhớ thư hồi âm cho em. Nếu có thể được, anh lên đây cho em gặp mặt một lần để an ủi phần nào nỗi buồn tủi của em.

Anh Toàn ơi, em sẽ không trở lại với ông ấy nữa đâu. Cuộc sống vợ chồng mà cứ nghi ngờ, giằng xé nhau mãi, có ngày em phải liều mình, bỏ lại con côi. Con em đã thức dậy rồi. Thôi nhé, tạm biệt anh. Lam Lan."

Dự tính thi xong sẽ lên Pleiku thăm nàng, nên Toàn không viết thư hồi âm. Mãi đến một tháng sau, chàng mới đón xe lên "Phố Núi". Đến nơi, được bà cô ruột của Lam Lan cho hay chồng nàng đã tìm đến xin lỗi vợ và đón mẹ con nàng về lại quê nhà.

Vừa tốt nghiệp đại học, Toàn trình diện nhập ngũ theo lệnh tổng động viên.Với thời giờ luyện tập quân sự khắc khổ theo khẩu hiệu: "Thao trường đổ mồ hôi, Chiến trường bớt đổ máu", thời gian miệt mài những bài học lý thuyết trên giảng đường, trên bãi tập mà hình ảnh của Lam Lan vẫn không xóa mờ được trong tâm trí của chàng. Rồi chiến trường bùng lên dữ dội sau ngày có lệnh triệt thoái Bộ tư lệnh quân đoàn II. Lực lượng miền Bắc ồ ạt tràn qua sông Thạch Hản khi tỉnh Quảng Trị bỏ ngỏ. Như những con cờ domino nối tiếp nhau ngã đổ. Khởi đi từ Tây nguyên lần lượt đến vùng I, vùng II, vùng IV chiến thuật rồi cả miền Nam. Những ngày cuối cùng, Toàn kẹt lại tại thành phố Sài Gòn.

*

Một đoàn xe Mô-lô-tô-va bịt bùng chạy thẳng vào trại tù cải tạo. Đây là số tù nhân thuộc các trại tập trung do quân đội quản lý dồn về trại tù thuộc bộ Nội vụ.

Người bạn tù cũ nằm bên Toàn bị chuyển sang đội khác, giờ được thay vào người mới đến. Đó là một người đàn ông ốm yếu, xanh xao, có đôi mắt lộ tròng. Nhìn mái tóc màu muối tiêu, hai má hóp sâu, người ta phỏng đoán tuổi ông xấp xỉ sáu mươi. Khi cán bộ chỉ định chỗ nằm là ông ta vứt lên sạp chiếc chiếu đã nhàu nát và chiếc ba lô cáu bẩn. Trông thấy Toàn, ông già đứng sững nhìn một hồi lâu, rồi âm thầm leo lên sạp chẳng một lời chào hỏi lịch sự. Một thái độ bất cần. Ông không giống như những bạn tù kia là tạo thiện cảm với người xung quanh.

Dựa lưng vào vách, hơi thở khò khè, ông già há miệng cố hít lấy hơi cho cái phổi bị bệnh suyễn đang lên cơn. Đôi tròng mắt của ông lộ ra trông kỳ dị và thảm não vô cùng. Toàn vội lấy bình đông nước nóng rót cho ông một ly. Lão chụp ly nước uống ừng ực như khách lạc đường trên sa mạc khát nước lâu ngày. Nhờ nước ấm, cơn suyễn hạ bớt. Thay vì cảm ơn, ông nhìn Toàn với ánh mắt đầy ngờ vực.

Đêm đầu tiên nằm bên ông, Toàn như bị tra tấn. Trong cái cuống phổi của người bệnh suyễn kinh niên tưởng chừng như có gắn nhiều lưỡi gà. Hơi thở ra của ông như gió trời thổi qua khe núi rít lên từng hồi. Khi ông trở mình theo thế nằm khác thì tiếng kêu trong cổ đổi giọng rè rè như tiếng sáo sũng nước. Toàn nghe ông lão thở mà ngực chàng cũng thấy ngột ngạt, tưng tức như thiếu hơi nên cả đêm không hề chợp mắt.

Sáng ngày, đến giờ đi lao động ông già cáo bệnh xin nghỉ nhà. Cán bộ quản giáo đội nhìn ông một hồi lâu, hỏi:

- Anh tên gì"

- Lê Quý Thiên - Bị bệnh gì"

- Suyễn, ông lão trả lời trong hơi thở khò khè. Cán bộ lắc đầu:

- Suyễn, chẳng phải bệnh nhiễm trùng, không có tiêu chuẩn được nghỉ nhà. Bệnh suyễn sẽ có công việc dành cho bệnh suyễn.

Khuôn mặt ông già đanh lại. Chẳng cần thêm một tiếng năn nỉ, ông bước theo bạn tù đang trên đường ra cổng. Đến nơi sản xuất, ông Thiên ngồi lỳ một chỗ để thở. Quản giáo ra lệnh:

- Anh kia, đứng dậy đi làm ngay.

Ông già ngồi tỉnh bơ như không nghe thấy.

Quản giáo đến cây gậy vào ống chân khẳng khiu chỉ còn da bọc xương của lão, quát to: - Anh ù lì đấy hả, chống đối phải không" Tôi ra lệnh anh đứng lên đi làm. Ông già trợn mắt, lớn tiếng:

- Tôi xin hỏi, người thân của ông bị một căn bệnh thở không đủ hơi, phải đánh vật với khí trời lấy cho phổi mình chút dưỡng khí, thử hỏi, ông có buộc họ phải làm việc để nuôi ông hay không"

Chẳng đợi cán bộ trả lời, ông nói tiếp:

- Ở trại dưới, tôi được miễn lao động, ở đây ông có buộc tôi làm tôi cũng không làm nổi. Bệnh của tôi thà chết đi còn hơn sống, tôi không hề khuất phục một ai đâu!

Tên cán bộ quản giáo giận tím mặt nhưng chẳng làm gì được, đành ra lệnh cho vệ binh áp giải ông về trại. Những ngày sau đó ông Thiên trở thành "quản gia" của đội phụ trách dọn vệ sinh trong phòng.

Hành động ngang tàng đầy can đảm đã khiến cho Toàn mến phục ông già. Bạn tù thi nhau chỉ cho các loại thuốc nam để trị bệnh suyễn. Mỗi lần đào đất đắp đập, Toàn cố tìm loại ổ bọ hung nằm sâu trong lòng đất đem về nướng đỏ, sắc nước cho ông già uống. Gặp con tắc kè là bằng mọi cách Toàn bắt cho kỳ được đem về đốt cháy ra than, nghiền thành bột để dành cho ông xử dụng. Cứ như thế ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng khác, Toàn hy vọng chữa lành bệnh suyễn cho ông bạn "già gân".

Một hôm, cơn suyễn của ông già bất chợt nổi lên trầm trọng. Rất may, trúng vào chiều Chủ nhật, cả trại tù đều nghỉ lao động khổ sai. Toàn vội vã chạy xuống nhà bếp nấu một gô nước sôi, xin bạn tù vài giọt dầu khuynh diệp nhỏ vào gô rồi bắt ông già nằm sấp chúc đầu xuống xông hơi. Hơi nước nóng có mùi dầu khuynh diệp ngấm vào phổi làm cho cuống phổi mở rộng. Đờm lỏng tuôn ra khiến cho cơn suyễn giảm nhẹ dần. Khi lấy lại được hơi thở bình thường, ông già Thiên hỏi:

- Này Toàn, máu của cậu thuộc nhóm nào, A, B, hay O"

Toàn vừa đậy nắp gô nước đã nguội, vừa đùa cợt:

- Chẳng lẽ bố muốn đổi máu suyễn lấy máu sốt rét kinh niên này sao"

Ông già không nói gì chỉ ậm ừ. Đờm trong phổi chảy đầy cả mảnh giấy xi-măng. Toàn mang mảnh giấy bỏ cầu tiêu. Cẩn thận lắm mới giữ đờm không vung vãi ra sàn nhà. Khuôn mặt của lão Thiên giờ trông tươi tắn hẳn ra và ánh mắt có thần sắc trở lại. Ông ta nở nụ cười với Toàn. Đây là nụ cười đầu tiên lão ta dành cho hắn. Đã hơn năm trời, dù được sự giúp đỡ hết mình của Toàn, nhưng ánh mắt ông Thiên nhìn Toàn vẫn không có chút gì thiện cảm.

Một buổi tối, khi hai người đang nằm dỗ giấc ngủ, bỗng ông già khe khẽ hỏi:

"Toàn à, tôi hỏi thật cậu nhé, phải trả lời nghiêm chỉnh đấy. Cậu có thuộc nhóm máu O không"

- Hôm nay bố trở lại đề tài đổi máu nữa à" Máu O là nhóm máu bác ái đấy. Tôi thuộc nhóm máu B ích kỷ lắm, chỉ nhận chứ đếch cho ai được.

Toàn trả lời rồi quay lưng về phía ông để dỗ giấc ngủ.

- Thế à!

Lão kêu lên, rồi thầm thì lảm nhảm gì đó mà Toàn chẳng hiểu nổi.

Sau trận cấp cứu, lão Thiên thường tỏ ra niềm nở hơn đối với Toàn. Một hôm, lão đang vá cái áo bị rách vai, đột ngột hỏi:

- Nầy Toàn, cậu có vợ con gì chưa"

- Hành quân hết ba mươi ngày một tháng, còn thời gian đâu mà cưới vợ hở bố. Toàn vừa vấn điếu thuốc rê vừa nhìn lão Thiên trả lời.

Nhìn Toàn với nụ cười móm mém để lộ bốn chiếc răng cửa xiêu vẹo, ông già tằng hắng bảo:

- Tôi biết chắc cậu không nhỏ tuổi hơn vợ tôi đâu, sao cứ gọi tôi là bố.

- Thế cụ bà ở nhà được mấy mươi niên kỷ"

- Bằng tuổi cậu đấy, ba mươi ba.

- Bố tài thật, đoán tuổi như thần. Thế bố hơn vợ nhà mấy chục tuổi"

- Một chục mười hai.

Toàn giật mình, vứt tàn thuốc xuống nền nhà, nhìn ông Thiên, ngạc nhiên hỏi:

- Tuổi của ông mới 45 sao" Thế mà anh em tưởng ông gần sáu bó.

Ông Thiên tâm sự:

- Căn bệnh suyễn kinh niên, cộng bốn năm trong tù đói khát với mười bốn năm lập gia đình, cái tâm mình không ổn khiến cho người mau già lắm bạn ơi.

- Bác có mấy người con"

- Bà xã sinh đứa con gái đầu lòng rồi nghỉ dài hạn, nay con bé đã mười hai tuổi rồi.

Nói đến đây, chợt ông Thiên hạ thấp giọng như nói với chính mình:

"Nếu gặp nhau sớm hơn, biết đâu gia đình mình đã lấy lại hạnh phúc."

Toàn không hiểu câu nói đó có ý gì, nhưng chàng đoán lờ mờ là vợ chồng ông Thiên có vấn đề gì trục trăc.

*

Buổi sáng đầu mùa Đông, sương mù dày đặc. Khí lạnh bỗng chốc đổ về như cắt vào da thịt, làm tê cóng cả chân tay. Tù xuất trại đi lao động co ro trong tấm vải nhựa đi mưa thay áo lạnh. Những cơn gió lộng, gió xoáy thổi từng hồi như muốn cuốn hút đám tù rách rưới cùng với đám lá khô ven đường. Người tù với áo quần bằng vải phin mặc phong phanh suốt bốn mùa. Phương cách chống rét duy nhất của tù là làm việc cật lực cho nhiệt lượng trong người bốc hơi để sưởi ấm lấy cơ thể mình.

Suốt một ngày phơi mình dưới bầu trời âm u, rét mướt còn phải làm việc cật lực, người nào cũng bơ phờ mệt lử, lê từng bước chân với cơn đói rã rời về trại. Tù nhập trại, tiếng ồn ào như vỡ chợ mà ông Thiên vẫn còn nằm co quắp trong chiếc mền rách. Sợ động mạnh làm ông già thức giấc nên Toàn đặt nhẹ cái túi xách may bằng bao cát mang đi lao động lên sạp rồi chồm lấy lon gô của ông già đi lấy nước luôn thể. Đến lúc lãnh phần cơm tối, Toàn khẽ nắm chân ông Thiên lay gọi. Cái chân lạnh như nước đá khiến Toàn giật mình, vội kéo cái mền ra. Thân thể ông cứng đờ. Toàn tri hô lên, mọi người xúm quanh. Kẻ cạy miệng đổ dầu, người xoa bóp chà xát trên ngực và toàn thân ông. Cán bộ y sĩ trại đến khám nghiệm và quả quyết ông Thiên chết đã mấy tiếng đồng hồ rồi. Lão ra lệnh khiêng xác xuống trạm xá. Riêng tư trang của ông Thiên thì giao cho ban giám đốc. Sau buổi cơm chiều, Toàn nhận lệnh trình diện ban trực trại. Ông phó giám thị chìa một phong thư đã kiểm duyệt bảo với Toàn:

- Đây là lá thư của anh Thiên gởi cho anh. Còn bức thứ hai, chúng tôi chịu trách nhiệm chuyển cho gia đình anh ấy với toàn bộ tư trang của người chết.

Về đến phòng, Toàn mở thư đọc:

"Bạn Toàn thân mến, Qua lần cơn suyễn hành hạ "thập tử nhất sanh" được Toàn cấp cứu, tôi biết bệnh suyễn sẽ giết tôi bất cứ lúc nào. Vì vậy, tôi phải viết trước thư nầy cho bạn để phòng hờ cái chết bất trắc xảy ra cho tôi. Kèm theo là bức thư thứ hai nhờ bạn chuyển cho vợ tôi.

Sống gần bạn đúng một năm bốn tháng, tôi mới thấy được tính vô tư và lòng nhân hậu của bạn. Một người đàn ông lý tưởng, xứng đáng để người đàn bà tôn thờ. Bạn không biết tôi, nhưng tôi biết bạn đã mười mấy năm về trước thuở bạn còn là... mối tình đầu của vợ tôi.

Tôi mang uẩn khúc trong lòng đã mười mấy năm qua, giờ đây vỡ lẽ tôi mới nhận chân được sự sai lầm lớn lao của mình và hổ thẹn với lòng vì tính ghen tuông, cố chấp.

Tại sao tôi không dám tâm sự với bạn trong những ngày còn sống"

Có lẽ do tính tự ái và nhút nhát của mình.

Tôi rất yêu thương vợ nhưng lại ghen tức với mối tình đầu của cô ta. Mối tình đã chiếm trọn con tim và chính bạn đã trở thành thần tượng của nàng.

Người con gái đầu lòng của chúng tôi là nguyên ủy của mối hận tình. Nó trở thành nỗi thống khổ đã đày đọa tôi suốt mười bốn năm trời chỉ vì nó giống bạn như khuôn đúc. Lúc còn bé, tôi lén bồng nó đến bệnh viện thử máu. Dù cùng loại máu O với tôi nhưng tôi vẫn không tin là con của mình. Từ ngày bạn cho biết bạn thuộc nhóm máu B thì tôi mới hiểu ra mình nghi oan cho vợ và cảm thấy có tội với đứa con gái thơ dại vì tính đa nghi, hồ đồ của người cha. Tôi không còn mong đợi ngày đoàn tụ với gia đình nữa đâu.

Linh cảm cho thấy tử thần đang kề cận bên tôi, chực chờ cơn nghẹt thở của bệnh suyễn nổi lên bất ngờ sẽ mang tôi qua thế giới bên kia. Thiên đường hay địa ngục chẳng cần thiết nữa. Qua thư nầy, hy vọng bạn chấp nhận lời xin lỗi của tôi. Được vậy, linh hồn tôi sẽ thanh thản ra đi bạn ạ.

Toàn ơi, bạn thật sự xứng đáng là một người bạn tốt, một người tình cao thượng và một người chồng lý tưởng. Vì thế tôi khẩn cầu bạn hãy vì Lê Quý Thiên này, vì mối tình đầu sâu đậm ngày xưa của hai người, xin bạn hãy bảo bọc vợ tôi là bà Tô Lam Lan và con gái tôi Lê Lam Ngọc để bù đắp lại một thời khổ lụy mà mẹ con nàng đã chịu đựng..."

Đọc đến đây, dù bức thư chưa chấm dứt nhưng Toàn thấy ngỡ ngàng và xót xa quá, nên vội gấp bức thư bỏ vào túi.

Chàng thẫn thờ ra ngoài sân nhìn lên bậc cấp hội trường, nơi ông Thiên thường xuyên ngồi hong nắng. Chàng không ngờ Lê Quý Thiên là chồng của Lam Lan. Lần từ biệt cuối cùng, Toàn chẳng còn tâm trí để hỏi thăm tên họ người chồng tương lai của nàng, chỉ biết rằng anh ta là một sĩ quan cảnh sát.

Ngày gặp Thiên trong tù, chàng cũng rất vô tư trước ánh mắt lầm lì, xoi mói của ông. Ngay cả việc ông hỏi chàng thuộc loại máu nào, ý nghĩ đơn thuần của chàng cho là tính tò mò của ông ấy mà thôi.

Những năm tháng trong tù, bao nỗi đắng cay, khổ nhục đã làm cho trái tim chàng khô héo. Có nhiều đêm nằm thao thức, Toàn cố gợi nhớ lại kỷ niệm mối tình ngày xưa, nhưng luôn bị cơn đói dày vò nên đành bất lực. Giờ đọc bức thư của Thiên, hình ảnh Lam Lan vụt hiện ra khiến cho lòng Toàn ngậm ngùi.

Mười bốn năm nhẫn nhục, ép mình theo "khuôn vàng thước ngọc" của các cụ ngày xưa, Lam Lan như tự hủy hoại một thời xuân sắc của mình. Niềm xót thương người yêu chợt bùng lên như sóng vỗ trong lòng Toàn.

Dòng nước mắt âm thầm thấm mặn môi, khiến Toàn nhớ lại buổi chia tay cuối cùng, Lam Lan đã ôm hôn chàng để lệ nhòa trên hai khuôn mặt và đẫm mặn môi chàng...

*

Chiếc Boeing chở khách loại nhỏ bay đường nội địa đã hạ cánh xuống phi đạo từ lâu, đến giờ này hành khách mới lần lượt đi ra cổng. Một người đàn ông trạc tuổi trung niên tay xách túi nylon có in chữ IOM tiến đến trước mặt người cầm bản:

- Tôi là Hồ Tấn Toàn, chủ gia đình HO9, kính chào ông.

Người nhân viên cầm tấm bảng vồn vã bắt tay Toàn và tự giới thiệu bằng tiếng Việt rất trôi chảy:

- Tôi tên là David Johnson thay mặt hội thiện nguyện USCC chúc mừng ông và gia đình đã đến được đất nướcTự do.

Tiếp theo, Toàn lần lượt giới thiệu từng người trong gia đình. Trước tiên, chàng đặt tay trên vai người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu đang đứng khép nép bên chàng:

- Đây là vợ tôi, bà Tô Lam Lan 45 tuổi. Kia là cô con gái lớn Lê Lam Ngọc 24 tuổi đang bồng em trai út là Hồ Tấn Khiết lên 3.

Chàng vò đầu cô bé đang ôm chân cha, giương đôi mắt tròn xoe nhìn ông David có tóc vàng mắt xanh mà lại nói được tiếng Việt, tiếp:

- Và đây là đứa con gái thứ nhì của chúng tôi Hồ Lam Loan, 7 tuổi.

Nhìn ba khuôn mặt rạng rỡ của ba người con đều giống bố như khuôn đúc khiến ông David hỏi nhỏ Toàn:

- Thưa ông Hồ Tấn Toàn, cô Lê Lam Ngọc là con gái đầu của ông mà sao khác họ"

Toàn trả lời ông David với âm giọng vừa đủ nghe:

- Ngọc là người chị cùng mẹ khác cha với hai em nó. Cháu Ngọc giống tôi có lẽ đây là sự sắp đặt của Thượng đế. Một sự thật không lý giải được, chỉ có đấng toàn năng mới trả lời được điều này.

Ông David chẳng hiểu gì về lời giải thích dài dòng của Toàn. Ông chỉ ậm ừ qua loa rồi mời mọi người lên xe rời khỏi phi trường.

Ngồi trên băng ghế sau cùng, Toàn nắm tay vợ âu yếm:

- Biết đến bao giờ mình trở lại rừng Trâm ở quê nhà để thăm hòn đá Bàn cờ. Nơi đã chứng kiến lời ước thệ của chúng ta trong buổi đầu yêu nhau. Anh nghĩ khí thiêng nơi ấy đã tích tụ hình bóng của anh và em quyện với lời nguyền ước năm xưa kết thành chứng quả cho ngày hôm nay. Những tưởng mất nhau vĩnh viễn nào ngờ lại đòan viên!

Lam Lan ngước nhìn chồng với ánh mắt đầy xúc động, rồi ngả đầu trên vai Toàn để dòng nước mắt hạnh phúc tràn ra trên vai áo chàng. Nắm bàn tay chồng, Lam Lan áp vào ngực mình thầm cảm ơn Toàn đã thật sự mang đến cho nàng mùa Xuân ấm áp sau bao năm sống hiu quạnh qua những mùa Đông lạnh giá của cuộc đời./.

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,521,313
Lúc này bà con miệt Bolsa tha hồ được thưởng thức khá nhiều show ca nhạc vinh danh ca sĩ này, nhạc sĩ nọ, bà con mặc sức có dịp lên áo quần gặp gỡ giao lưu văn hóa hai miền nam bắc. Thấy bà con vinh danh dữ dội quá, bà già trầu này cũng táy máy, phen này ta vinh danh phe ta, ta tự bốc thơm phe ta, mà đã nói tới phe ta là
Hòa làm chủ tiệm nail này đã gần bảy năm với lượng khách hàng rất đều đặn, và thu nhập khá dồi dào. Gia đình nàng đến Mỹ trong đợt HO đầu tiên, thấm thoát đã mười sáu năm. Hướng, chồng Hòa, là cựu sĩ quan không quân. Sau ngày miền Nam đổi chủ, anh phải đi "cải tạo" hết sáu năm. Khi được thả, vợ chồng và hai đứa con nhỏ
Mỗi năm cứ đến cuối hè, những người từng theo dõi giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ đều nao nức chờ đợi đến ngày công bố danh sách những người trúng giải. Từ danh sách này, từng nhóm quen biết nhau sẽ "hồ hởi phấn khởi" bàn cãi và phỏng đoán xem ai sẽ chiếm giải nhất, giải đặc biệt v.v và v.v Đã sáu lần từ ngày giải
Chị Hạ-Giao là chị bà con của tôi. Từ khi kết quả siêu âm cho biết chị đang có một bé trai và một bé gái trong bụng, tin vui này bùng ra trong đại gia đình tôi chẳng khác pháo bông tưng bừng xẹt nở trên nền trời nhân ngày quốc khánh. Tính chung cả hai bên họ nội ngoại, nếu cách đây mười mấy năm tôi là đứa bé đầu tiên của
Để tôi kể cho ông nghe những giấc mơ của tôi, nó cứ lập đi lập lại trong nhiều năm, kể từ khi tôi biết mình là một người đàn ông cho tới bây giờ. Biết là một người đàn ông, ý ông là. Cứ hiểu theo nghĩa thông thường là một người không còn là một cậu con trai ngây thơ trong trắng nữa. OK, hiểu. Giấc mơ ấy luôn luôn bắt đầu
Tôi qua US lúc 14 tuổi. Cả gia đình còn kẹt lại VN vào lúc đó. Tôi bảo lãnh cha mẹ sau khi ổn định và chúng tôi đoàn tụ năm 1995." Là kỹ sư trong một hãng tele-communication tại San Diego, Lê Tường Vi tự sơ lược tiểu sử như trên,
Tác giả 36 tuổi, cho biết ông thuộc một gia đình HO, sang Mỹ cuối 1990, hiện là cư dân Barling, Arkansas, nghề nghiệp: accountant. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui vẻ gia đình Việt tại Mỹ&nbsp; “Vợ làm Nail, chồng cắt cỏ”&nbsp; rất được bạn đọc tán thưởng. Sau đây, thêm một bài viết mới của ông. Một chiều thứ sáu&nbsp; đẹp trời nọ
Một buổi chiều nọ ba cha con tôi đang chơi trò vật lộn ì xèo trên sàn nhà. Bà xã đi đâu về mặt hầm hầm, bước vào nhà ngồi cái phịch xuống ghế sofa, chưa kịp nóng đít bả đã đứng dậy vổ tay bôm bốp ra hiệu yên lặng. Cha con tôi lập tức gỉa từ cuộc chơi kéo lại ngồi quây quần dưới chân mẹ nó, ngỏng cổ chuẩn bị nghe thông báo
Ngọc Anh là tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Sau vụ nước Mỹ bị khủng bố tấn công làm nổ tháp đôi ở New York, cô viết bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể chuyện sở làm, một công ty chủ nhân người Ả Rập Hồi Giáo, nhưng hàng trăm nhân viên đủ gốc Á gốc Âu, gốc Do Thái sống với nhau hoà thuận. Bài viết được trao tặng
Dzô...dzô...dzô ... mày phải uống cho hết, Birthday Boy mà uống không hết là quê lắm đó. Đó là tiếng của đám bạn "xôi thịt" đến nhà Tom lúc ba mẹ vắng nhà để chúc mừng sinh nhật cho Tom, gọi là "xôi thịt" vì chúng đi theo và tung hô Tom chỉ vì Tom là con trai một của một thương gia giàu có ở vùng Nam California này, nên mọi trang trải
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến