Hôm nay,  

Hai Lúa Sang Mỹ, Một Lúa Về Việt Nam

11/11/200700:00:00(Xem: 322534)

Người viết: Anne Khánh Vân

Bài số 2145-1937-713vb7101107

*

Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống và làm việc cho một công ty quốc tế tại miền Đông Hoa Kỳ. Cô  là tác giả  đã nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2007 với bài viết "Duyên nợ với nước Mỹ",  tự truyện kể về ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi từ thời còn nhỏ, mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi giấc mơ tới nước Mỹ. Chuyện cảm động nhất là bài viết  đã góp phần biến giấc mơ thành sự thật. Khi biết bài viết vào danh sách chung kết, tác giả đã lập tức vận động khắp nơi và chỉ trong 10 ngày đã hoàn tất mọi giấy tờ đưa được ba má từ Việt Nam qua Mỹ theo thủ tục khẩn cấp để kịp dự  họp mặt phát giải thưởng  Việt Báo.  Trong  bài  "Xin Nhận Dùm Nụ Cười" Anne Khánh Vân đã  kể  chuyện trong 10 ngày lo hồ sơ đưa ba má sang Mỹ.  Bài viết lần này là chuyện về cuộc hành trình của ông bà Hai Lúa tại Mỹ.

*

Chủ Nhật tuần trước, ngày họp mặt các tác giả miền Đông Hoa Kỳ, vừa gặp cô Nguyên Phương, cô đã hỏi thăm tin tức về ông bà Hai Lúa. "Ba mẹ cháu đã về chưa" Sao không mang họ theo họp mặt cho vui""

Hơn hai tháng trước, sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ, khi vừa từ Cali về Virginia, Khánh Vân có đưa ba mẹ ra khu thương xá Eden của người Việt chơi cho biết - luôn tiện gửi chút quà về cho một cô bạn. Khi điền xong mẩu giấy Người-Nhận/Người-Gửi và đưa cho cô Lý của văn phòng chuyển quà TSN thì cô ấy cứ vừa đọc tên người gửi thành tiếng, vừa ngước lên nhìn Khánh Vân. Ngay sau đó cô cười tươi, "Hèn chi thấy mặt quen quá, có phải Anne Khánh Vân vừa nhận giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo bên Cali không""

Bị...  "nhận diện" đột ngột, Khánh Vân quá ngạc nhiên, bối rối...  Ô hay, mình có phải là tài tử xi-nê, ca sĩ hay nhân vật nổi tiếng nào đâu. Khánh Vân có hơi...  mắc cỡ nhưng lại rất vui, nên hỏi cô Lý, "Có chắc cô nhìn đúng người không" Có lẽ tên cháu chỉ trùng thôi..." - "Chắc đúng rồi vì không chỉ tên trùng, mà mặt còn quen và lại ở vùng VA...  Chỉ có điều trong hình thấy già dặn,  còn  bên ngoài... Trẻ mà sao giỏi quá trời vậy!" 

Đến đây thì...  cái mũi xẹp của Khánh Vân như muốn bể. Vội "chuyển mục" bằng cách phỏng vấn cô Lý, "Vậy là cô cũng biết Việt Báo nữa há. Cháu tưởng Việt Báo ở mãi Cali nên chỉ nổi tiếng bên ấy thôi, người Việt bên miền Đông mình ít ai biết đến." Cô Lý trả lời, "Cô hay lên Việt Báo Online đọc Viết Về Nước Mỹ. Nhiều chuyện rất hay và cảm động." - "Vậy là cô cũng đã đọc qua những câu chuyện của cháu"" - "Ừa, thì cô mới đọc bài Việt Báo viết về giải thưởng kể chuyện chỉ trong 10 ngày mà cháu lo mang được ba má sang Cali dự  buổi lễ phát giải. Cô thấy hình ông bà Hai Lúa và Anne Khánh Vân nên mới nhận ra cháu...  Sao, ông bà đang đi đến đâu rồi" Ở chơi được bao lâu" Chúc hai ổng bả đi chơi vui vẻ... "

Chào cô Lý ra về mà trong lòng Khánh Vân nở hoa.

Cô Lý ơi, nếu cô tình cờ đọc bài viết này, cháu xin một lần nữa cảm ơn cô thật nhiều về những lời tử tế của cô. Cháu nhớ hoài những lời khen ấy và còn mang ra...  khoe nữa nè, cô thấy không" Hihi...

Nhớ lời cô Lý nói, Khánh Vân tự nhủ, À há, nhờ Viết Về Nước Mỹ, cả ba má Hai Lúa của mình cũng bắt đầu...  nổi tiếng. Vui thiệt,  nhưng vui hơn, đáng nói hơn, đó là giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo đã được người Việt khắp nơi quan tâm theo dõi. Hèn gì số lượng người đọc kiểm được trên Việt Báo Online ngày càng đông hơn.

Các cô chú anh chị miền Đông và Việt Báo ơi,

Như chuyện buổi họp mặt tác giả miền Đông đã bàn,  mong việc lo cho buổi ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ tại Virginia sẽ bắt đầu sớm sớm. Tiếp theo sẽ là nhiều tiểu bang khác trong nước Mỹ. Sau đó sẽ là Canada, Pháp, Đức, Áo, Ý, Na Uy, Úc... Tác giả và độc giả Viết Về Nước Mỹ hiện có ở khắp nơi, kể cả trong nước, sẽ ngày càng đông hơn.

Bây giờ, để đáp lại tấm chân tình của các cô chú anh chị và độc giả bốn phương, Khánh Vân xin góp vui bằng ba điều bốn chuyện về cuộc hành trình và tham quan nước Mỹ của ông bà Hai Lúa.

* Thăm nhà tổng thống Bush...

Sau một tuần thăm thủ đô tị nạn Việt tại Mỹ - Little Saigon, ông bà Hai Lúa cùng Khánh Vân về thủ đô của nước Mỹ - Washington DC.

Máy bay vừa đáp xuống DC, câu đầu tiên ông Hai Lúa hỏi con gái là "Ủa, qua đây có cần phải trình báo, xin tạm trú, tạm vắng gì với địa phương không con""

"Không ba à, không cần khai trình với ai hết. Nước Mỹ mà, ai muốn dọc ngang Đông Tây Nam Bắc gì, thoải mái; chỉ cần đừng làm điều gì phạm pháp."

"Vậy hả! Nước Mỹ hay quá ha! Văn minh hiện đại như vậy thì đỡ mất thời giờ cho cả hai bên."

Sáng sáng, khi Khánh Vân đi làm, ba mẹ cũng cùng ra khỏi nhà. Sau vài ngày "chạy" metro với con gái, ông bà bắt đầu rành các đường metro/bus., có thể nhìn bản đồ và đi lung tung khắp vùng Hoa Thịnh Đốn, cứ  y như Hai Lúa...  bản xứ.

Họ đã tới tận Toà Bạch Ốc để “thăm nhà  tổng thống Bush”. - Có gặp được tổng thống Bush hay không thì Khánh Vân quên hỏi ba mẹ (hihi). Họ có ghé ngang chụp hình kỷ niệm với tòa nhà quốc hội Mỹ - nơi con gái Hai Lúa đã từng đến và dừng chân 7 năm trước, khi cô ta lần đầu tiên từ Pháp sang thăm nước Mỹ.

Ông bà Hai Lúa cũng đi hết các bảo tàng viện trong trung tâm Washington DC.,  đã thăm các tượng đài tưởng nhớ tử sĩ của Đệ Nhị Thế Chiến, Chiến tranh Triều Tiên, và đặc biệt là bức tường đá đen ghi danh hơn 58,000 tử sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam... 

Họ không quên đến tham quan sở thú và từ đó đi bộ sang Nhà Thờ Đức Bà Washington National Catheral -nơi đã tổ chức tang lễ của nhiều cố tổng thống. Trên đường về, ông bà Hai Lúa đã đi dọc con đường có rất nhiều Tòa Đại Sứ và cứ trước một Tòa Đại Sứ là một tấm hình.

Bà Hai Lúa rất thích chụp hình. Cảnh đẹp chụp đã đành, cảnh đứng đợi metro bà cũng không quên bấm máy. Chiều về nhà, ông bà trầm trồ, "Sao người Mỹ tốt bụng thiệt là tốt bụng. Họ thấy ba chụp hình cho má, má chụp hình cho ba thì tự động đến hỏi ba má có muốn họ chụp dùm cho hai người chung với nhau không."

Một hôm, trên đoạn đường đến trường đại học Georgetown, ông bà Hai Lúa hơi nghi ngờ hướng đi nên ngừng lại xem bản đồ. Một ông Mỹ, nhà ở ngay góc đường, đã tận tình hướng dẫn đường. "Có lẽ ông Mỹ ấy trông bộ dạng ba má hổng giống mọi người nên nghĩ hai người này chắc là...  Hai Lúa Việt Nam và ông đã tận tình chỉ đường giúp!"" - Khánh Vân đã đùa chọc ba mẹ như vậy. "Ờ...  thì chắc mình trông cũng... hơi ngáo, nhưng ông Mỹ ấy tốt bụng thì đúng hơn vì ông ra ngoài để lấy thư, chỉ trông thấy ba má có vẻ đang lúng túng chưa biết đi đường nào thì liền đến hỏi mình có cần giúp gì không trước khi mình kịp hỏi nhờ ông... "

Có những điểm ông bà Hai Lúa đi những 2, 3 lần vì Khánh Vân chưa kịp đưa ba mẹ đi đâu khác ngoài DC. Nhưng cứ mỗi lần trở lại những nơi đã tham quan, họ đều khám phá thêm được nhiều điều mới. Bữa kia Khánh Vân đã chọc ba mẹ khi thấy họ trở lại viện bảo tàng nơi trưng bày viên kim cương xanh lớn nhất thế giới: "Viên kim cương đó nặng lắm, làm sao mang nổi về Việt Nam mà ba má cứ đi tới đi lui ngắm nghía hoài vậy." Bà Hai Lúa trả lời, "Mang nổi chắc cũng không dám mang, cho mang về VN chắc cũng không dám mang về, vì qua sự tích của viên kim cương ấy thì ai là chủ nhân của nó cũng đều xui tận mạng. Mang nó về cho VN, lỡ VN xui tận mạng thì chết tía dân Việt Nam...  (hihihi)."

Bây giờ có thể nói ông bà Hai Lúa rành rọt đường đi nước bước và biết các điểm tham quan du lịch vùng Hoa Thịnh Đốn còn hơn chính con gái ổng bả đã ở Washington DC gần 6 năm.

* Ngoại ô Virginia, các bờ biển miền Đông

Một cuối tuần, anh Tùy ở văn phòng Thượng Nghị sĩ Jim Webb -nơi đã giúp can thiệp giấy tờ nhập cảnh Mỹ cho ba mẹ Khánh Vân-  đến thăm và đưa ông bà Hai Lúa đi chơi. Vì Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đã được tham quan kỹ quá rồi nên anh Tùy đưa họ đi tham quan các vùng đồng quê của Virginia. Thật thích thú khi vừa được ngắm cảnh, vừa được anh Tùy giải thích ý nghĩa và kể sơ lược lịch sử của từng địa danh, từng con đường, từng exit, từng bảng chỉ dẫn...  từ thời nước Mỹ còn  là thuộc địa và nội chiến.

Chúng tôi ngừng xe ở vịnh Pohick Bay - Regional Park thuộc vùng Lorton - một nhánh lớn của sông Potomac trước khi sông hòa vào vịnh Chesapeake đổ ra biển. Nơi đây người ta có thể pic-nic, dựng lều cắm trại camping, chèo thuyền, câu cá, chạy bộ tập thể dục...

Ông bà Hai Lúa có vẻ rất ngạc nhiên khi thấy chỉ mới 7, 8 giờ sáng cuối tuần mà đã có nhiều người ung dung ngồi bên bờ vịnh đọc sách hay câu cá. Có hai bố con nọ, người cha đang dạy cho cậu con trai cách lái buồm theo gió, trông rất đáng yêu. Cảnh an nhàn này ngược hẳn với những ngày trong tuần người người tấp nập, thi nhau chạy để kịp chuyển tàu điện đến sở làm. "Người Mỹ đúng là làm việc ra làm việc, chơi ra chơi." Ông Hai Lúa bình luận.

Đi dọc bờ nước của Vịnh Pohick, bà Hai Lúc nhặt lên vài hòn đá. Bà muốn mang những hòn đá ấy về làm kỷ niệm, nhưng khi bà đang mân mê chúng trong tay thì ông Hai Lúa lại nói, "Thôi, chúng nó đang sung sướng, mang chúng về VN làm chi cho chúng khổ giống mình, tội nghiệp... " Thế là bà cụt hứng, thả những hòn đá xuống nước một cách tiếc rẻ... "Thôi, thương cho tụi bay đó, trả tụi bay trở lại cho tụi bay tự do với thế giới thiên nhiên của tụi bay." Chúng tôi cười vang khi thấy bà có vẻ tin hòn đá cũng có...  số.

*

Ở vùng Virginia, ông bà Hai Lúa còn được lội nước biển Rehoboth, Ocean City, Atlantic Ocean...  để so sánh nước biển miền Tây và Đông. Các bờ biển miền Tây, vùng Nam Cali, tuy thời tiết ấm áp hơn Virginia bên miền Đông, nhưng nước biển lại lạnh hơn nhiều vì bị ảnh hưởng nước băng tuyết từ vùng Alaska chảy xuống.

Khi đi dạo dọc các bờ biển, ông Hai Lúa nhận thấy "có cái lạ là Việt Nam mình thì ra nắng trùm kín mít, còn Mỹ thì cứ thấy nắng là phơi người ra cho đen, chừng nào gần như cháy da rồi mới chịu. Mình cho rằng họ điên khi phơi nắng như thế thì chắc họ cũng thấy mình điên khi có nắng quanh năm suốt tháng mà không hưởng,... "

* Vùng trời có Nữ Thần Tự Do

Khánh Vân xin sở làm ra sớm một chiều thứ  6 để cùng khởi hành đi New York lúc 2 giờ trưa. Đến khách sạn đã đặt phòng trước thì trời đã sập tối. Từ khách sạn, thuộc phần đất New Jersey, nhìn sang bên kia bờ nước là New York. Manhattan lấp lánh ánh đèn từ các tòa nhà chọc trời, trông rất lộng lẫy, hùng tráng.

Ông bà Hai Lúa ngần ngại bước vào khách sạn. Vô phòng khách sạn, họ mới cất lời, "Thiên đường ở ngay trần gian. Đâu cần chết để lên thiên đường khi có được tất cả lúc còn sống. Bây giờ mới thấy mình thật quá ngốc khi cứ làm việc cực khổ mà chẳng chịu hưởng, chẳng chịu tìm cho mình cơ hội biết thêm thế giới bên ngoài... "

Đây là một khách sạn 5 sao nổi tiếng, ngay bờ sông, nhìn sang bên kia thấy cả New York. Cạnh bên khách sạn là trạm tàu điện đi xuyên qua Hudson River, sang bên kia bờ là ngay Lower Manhattan. Khánh Vân kể công "Khách sạn ở New York thông thường rất đắt giá. Giá phòng bình thường nơi đây là $500 một đêm, nhưng con đặt được lúc có giá đặc biệt nên chỉ $180. Mình sẽ ở đây chơi đến Chủ Nhật về lại DC; thứ 2 con đi làm."

Sáng sớm thứ 7, chúng tôi lấy tàu điện ngầm sang Manhattan. Trạm đầu tiên xuống là ngay dưới chân Tháp Đôi ngày trước - World Trade Center. Đã 6 năm trôi qua từ ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9 - hiện mọi thứ chỉ được dọn dẹp sạch sẽ và hệ thống hạ tầng vừa được xây cất lại. Có lẽ đây là điểm mà hầu hết khách du lịch ngừng chân đầu tiên khi họ đến Manhattan. Họ luồn các máy chụp hình, máy quay phim ra bên ngoài màn lưới B-40 để chụp các cảnh làm việc của những xe cần cẩu, những kỹ sư, công nhân xây dựng...  Một cảm giác bồi hồi, xúc động tự nhiên xuất hiện trong lồng ngực dù chúng tôi không có mặt ngay địa điểm này, 6 năm về trước...  Khánh Vân nghe tiếng mẹ nói nhỏ bên tai "Con hãy thầm cầu nguyện cho các linh hồn được an nghỉ bình yên."

Chúng tôi đi dọc những con phố lớn, đại lộ First rồi Second để xem các khu thương mại. Ra đến Battery Park, mua vé lên phà ra thăm tượng Nữ Thần Tự Do. Khi nhìn từ khách sạn, bà Nữ Thần Tự Do xa xa phía tay phải...  Khi phà đến gần, bà hiện lên rõ rệt. Bà cương nghị, mạnh mẽ - đúng với cái tên "Nữ Thần Tự Do". Như hàng trăm khách du lịch khác, ông ba Hai Lúa đưa máy chụp hình lên bấm lia lịa. "Đi New York mà không thấy mặt bà Nữ Thần Tự Do thì chưa về được," họ nói thế!

Lên phà trở vô Manhattan, chúng tôi lại đi ngược lên Upper Manhattan. Tham quan hội chợ Ý, rồi đến khu phố Tàu. Đến đây, ông Hai Lúa có vẻ...  hoảng. Ông ta nói, "Chợ Lớn ở Saigon mình ồn ào, náo nhiệt bao nhiêu vẫn không ăn nhằm gì so với phố Tàu New York." Tướng đi của ông bà Hai Lúa cũng tự nhiên đổi...  Họ đi lại nhanh nhẹn hơn - cứ như vừa đi vừa chạy...  vì sợ bị lạc vào biển người, hết biết đường về lại Việt Nam.

Chúng tôi đi taxi sang Empire State Building và xếp hàng mua vé lên tầng lầu 81. Dù rất đông du khách muốn lên tầng cao nhất và hệ thống kiểm tra an ninh ra/vào lên/xuống rất gắt gao, mọi thứ được tổ chức, sắp xếp tài tình. Hàng ngàn khách thăm mà vẫn thấy trật tự. Lên cao, gió mạnh, cảm thấy tòa nhà như đang bị "lắc lư" trong gió...  Chẳng biết có là quá tưởng tượng"! The Bronx, Queens, Brooklyn, Staten Island và Manhattan - Cả New York City, trở thành những thành phố tí hon khi chúng tôi nhìn từ trên cao xuống. Ông bà Hai Lúa lại bấm thêm một lô hình.

Khi mặt trời bắt đầu lặn, Times Square hiện lên lộng lẫy với các con phố đầy đèn và bảng quảng cáo. Nơi đây, khi ăn thử  Hot Dog, ông Hai Lúa nói "Cũng ngon đấy chứ, nhưng vẫn thua bánh mì thịt Việt Nam!"

* Lên Miền Gió Lạnh – Chicago

Sau vài tuần du ngoạn VA, ông bà Hai Lúa sửa soạn áo ấm bay lên Chicago hóng gió Ngũ Đại Hồ. Lần này, không có con gái tháp tùng, nhưng ông bà Hai Lúa đã có thể tự lo  khi bay tới bay lui trong nước Mỹ. Họ dạn dĩ hơn và biết cách chuyển máy bay khi cần. Mục đích chuyến bay sang Chicago là để thăm gia đình ông bà xui gia.

Mới cuối tháng 7 vừa rồi, gia đình Hai Lúa tại Saigon vừa được đón tiếp ông bà xui gia từ Chicago về Việt Nam lo đám cưới con gái. Hai nhà chính thức kết thông gia. Cưới gả xong, vài tuần sau ông bà xui về lại Chicago. Họ gửi gấm con cái cho nhau và hẹn gặp lại lần tới, khi ông bà xui gia Chicago có dịp về Việt Nam. Quay qua quay lại, ông bà xui chỉ vừa về đến nhà chưa kịp dọn vali, đã thấy ông bà xui Hai Lúa đến đất Chicago gõ cửa, làm ông bà xui gia Chicago giựt mình, cười ngoắt nghẻo:

"Ối trời, anh chị bay qua đây còn lẹ hơn tụi tui. Ủa, mà anh chị đi diện gì nhanh dữ vậy, sao không nghe anh chị nói""

"Tụi tui làm gì biết trước để mà nói. Tới giờ bay, làm vali đi còn không kịp nữa kìa. Mang đồ tầm bậy tầm bạ, chất đầy vali, qua đây soạn ra mới thấy là mình khùng."

Ông bà Hai Lúa đã được ông bà xui gia Chicago đón tiếp rất nồng hậu. Xin cảm ơn hai bác.

Nghe kể, cũng tại Chicago,  bà Hai Lúa đã gặp lại được bác huynh trưởng Trung Hiếu ngày xưa sinh hoạt hướng đạo Nghĩa Sinh. Dường như đã 50 năm xa cách. Ông Hai Lúa thì gặp lại những bạn bè Không Quân ngày xưa. Xem hình tái ngộ, thấy ăn uống trò chuyện có vẻ vui lắm.

Ông bà Hai Lúa đã được đi thuyền trên hồ, được tham quan các khu phố Hoa, Việt Nam. Các con phố với những tòa nhà thật cao, rồi sang sở thú,... toàn những nơi chính Khánh Vân cũng chưa từng được tới.

Khi ra đón ba mẹ trở về ở  phi trường, nghe kể chuyến về lên máy bay chậm, hai người phải  chỗ ngồi xa nhau, Khánh Vân hỏi ba mẹ, "Trên máy bay ba má uống những gì""

Mẹ Khánh Vân than "Má có ráng nói mấy lần mà thấy mấy cô tiếp viên có vẻ không hiểu nên má cứ chỉ nước uống của người bên cạnh. Hy vọng các cô ấy hiểu vì là mình không biết tiếng chứ không phải mình bất lịch sự."

Riêng ông Hai Lúa kể toàn uống càfé và bị con gái chọc quê, "Ủa, bộ ba chỉ còn nhớ mỗi chữ càfé hay sao mà cứ toàn uống càfé" Phải uống gì khác nữa chứ!" - Khánh Vân chỉ chọc ba thôi chứ biết ba còn cả một bụng tiếng Anh hồi xưa từng làm việc với Mỹ.

* Hai Lúa sang xứ Cao-bồi

Sau Chicago là giây phút mà ông bà Hai Lúa và cả Khánh Vân đã nôn nóng chờ đợi gần 30 năm qua.

Chúng tôi thức giấc lúc 4 giờ sáng để ra sân bay, chuyến bay đi Dallas cất cánh vào lúc 6 giờ sáng. Ra đón gia đình Hai Lúa ở phi trường Dallas là người cô đã làm giấy tờ bảo lãnh cho đại gia đình Hai Lúa từ những năm giữa 80'. Hồ sơ bảo lãnh ghi tên bà nội. Giấy tờ đến, bà nội mất đúng ngày phỏng vấn.  Từ đó,  đại gia đình không còn hy vọng đoàn tụ nữa vì việc làm lại hồ sơ  khó khăn. Ông Hai Lúa dần thôi chờ mong ngày ông được ôm vào lòng những người thân đã xa Việt Nam...

Máy bay vừa đáp, Khánh Vân vừa mở điện thoại thì chỉ vài phút sau đó điện thoại đã reng lên.

"Cô Năm đang đứng ở ngay lối ra chính, nơi có tượng ông cao-bồi màu đen. Con và ba má ra tới đâu rồi""

Cô Năm có vẻ nôn nóng. Khánh Vân nói với ba mẹ, "Ba má hãy đi sau con vì có thể cô Năm nhận ra ba má. Để con đi trước xem cô Năm có nhận ra con không!"

Tôi tiến đến gần cô Năm. Nhận ra cô rồi! Cũng nét mặt quen thuộc ấy, cũng cặp mắt kiếng thật dầy ấy...  Nhưng cô không nhận ra đứa cháu.

"Mimi hả" Phải Mimi không" Trời ơi, con lớn quá!" - Cô cháu tôi ôm chầm lấy nhau.

Dĩ nhiên làm sao cô Năm nhận ra được. Ngày bà cô ruột ra đi, đứa cháu chỉ mới 4, 5 tuổi.

Hai chị em cũng không nhận ra nhau. 30 năm rồi còn gì! Cô Năm ôm ông em mà la:

"Trời ơi, sao mày già và phát tướng dữ vậy mảy" Tao không nhận ra mày, mày ơi."

Từ ngay sau giây phút gặp lại, mọi người cứ huyên thuyên trò truyện. Cô Năm kể lại những thăng trầm trong thời gian tha hương xứ người.

"Từ sau khi má chết, trời đất trong tao như sụp đổ vì chỉ vài tháng trước đó ba của tụi nhỏ cũng vừa chết vì  nhồi máu cơ tim. Cứ gặp chuyện buồn nhiều hơn vui, tao chẳng còn lòng dạ nào liên lạc với bên nhà vì biết mình bên Mỹ mà khổ sở như vầy để nuôi con thì tụi bây bên Việt Nam còn khổ hơn tao trăm ngàn lần mới nuôi được bầy con khôn lớn. Cũng may mà có con Mimi, tao đã đọc được câu chuyện nó viết, nhờ nó mà tao mới được gặp lại tụi bây..."

Bánh xe thời gian quay lùi lại tới tận thời thơ ấu của hai chị em. Cô Năm vui hơn:

"Mà này, con Mimi nó không biết. Không biết mày còn nhớ không! Hồi mày mới được bà mẹ nuôi quốc tế người Mỹ nhận làm con nuôi, mày làm gì biết tiếng Anh mà viết thư cho bà ta. Toàn là tao viết thư dùm mày thôi nghen mảy!" - Cả nhà cười vang.

Cô Năm ở Dallas nhưng các anh chị chú bác của ông Hai Lúa hầu hết định cư ở Houston. Cô Năm lập tức gọi phone, mở speaker  cho tất cả trò truyện.  Và ngay sau đó, các cô bác bên ấy đòi cô Năm phải đưa gia đình Hai Lúa sang Houston trình diện.

"Mắt tui kém làm sao chạy xe đường dài cho được hở bà!" Cô Năm nói.

"Thì để Mimi lái phụ mày. Mày chỉ đường nó lái chứ có gì khó đâu. Toàn là đường thẳng không mà."

Nghe tới đây, Khánh Vân định la  "Trời ơi, con chưa có bằng lái...  thiệt, cô Năm ơi!" Nhưng nói ra sơ... quê xệ...  nên đành phải nín thinh, nháy mắt với ba mẹ.  Thật sự thì Khánh Vân lái xe cũng được vài năm rồi và đã vài lần lái xe đưa ba mẹ đi chơi đường xa những tuần qua. Ông bà Hai Lúa biết con gái lái xe hơi giỏi ngang ngửa với đi xe... ngựa, vì chỉ mới thi đâu lý thuyết... nên tới giờ này chỉ mới có bằng lái... học (được quyền lái với 1 người đã có bằng lái ngồi trong xe).

Điện thoại hàn huyên vẫn tiếp tục rôm rả. Ông nội Khánh Vân chỉ có một người anh trai và một chị gái, nhưng chỉ ông bác có con nên các chú bác này là những anh em chú bác duy nhất của ba. Khánh Vân nhớ ngày xưa khi còn nhỏ xíu, mỗi lần đến Tết, sang nhà ông bác mừng tuổi là được ông bác và các cô bác con ông bác lì xì cả lô bao đỏ...  Lần này sang, lớn đầu rồi và hổng phải Tết nên chắc chắn sẽ hổng còn được lì xì như khi còn bé nữa (hihi), nhưng chắc chắn sẽ vui lắm...  Đã bao năm rồi ba mẹ và Khánh Vân chưa được gặp lại các cô chú, các bác. Lòng rất muốn đi Houston nhưng cứ nghĩ đến chuyện cô Năm mắt kém, Khánh Vân phải lái xe đường dài, thấy hơi hơi... quíu.

Ông Hai Lúa trấn an cô con gái: "Con lái giỏi mà, trong xe còn có tới 3 người mắt tỏ ngó đường phụ con..."

Đến nhà cô Năm ở lúc 11giờ trưa thì chỉ hai tiếng sau chúng tôi đã đồ đạc sẵn sàng lên xe lái về Houston. Dĩ nhiên là cô Năm vẫn chưa biết cô cháu lớn đầu của cô chưa có bằng lái...  Ban đầu hai cô cháu định thay phiên nhau lái, nhưng sau khi thấy Khánh Vân lái có vẻ vững, cô Năm "đã cho" Khánh Vân lái hết đoạn đường xứ cao-bồi. Mà cũng đúng là xứ cao-bồi. Vận tốc giờ tối đa trên xa lộ của vùng Virginia, Washington DC, Maryland,... chỉ 65 dặm. Xứ cao-bồi này chính thức cho lái tới... 75. Thực tế là 80, 90.

Từ Dallas đi Houston bình thường chỉ mất khoảng 3, 4 giờ lái xe. Hôm ấy chúng tôi gặp hai ba trận mưa lớn nên nhiều đoạn đường xe phải chạy thật chậm. Mãi 5 giờ sau xe mới đến Houston. Vào tới trung tâm Houston thì trời nắng ráo. Xe ngừng ngay trước nhà cô Hiền, thật oai!

* Một nhà, ba lục địa

Các cô bác anh chị họp mặt đông đủ để đón tiếp gia đình Hai Lúa. Ngồi ăn uống chuyện trò thật thân mật và vui ơi là vui. Các anh chị dòng họ Đỗ ở Houston cùng lớp tuổi như Khánh Vân có nhiều người thành đạt. Chị Yến, anh Sơn là những bác sĩ giải phẫu tim, giải phẫu não,... của những bệnh viện Mỹ nổi tiếng. Họ giỏi ơi là giỏi.

Qua câu chuyện của các cô các bác, Khánh Vân được dịp nghe thật nhiều chuyện từ đời xửa đời xưa, thật thích thú, nhất là khi được biết thêm về ông nội của mình. Ông nội là một nhà báo, ngoài ra ông còn thông dịch tiếng Nhật và Pháp. Những năm đầu 40, ông nội vào Nam làm việc và phụ thông dịch và tiếp khách giúp người anh trai - có tiệm may may đồ cho Tây ở trên đường Tự Do - Saigon. Bà nội Khánh Vân là thợ may của tiệm ông bác. Khánh Vân nhớ bà nội hay kể về ông nội, "Cứ hễ nghe ông nội nói 'd'accord' với khách là bà nội lấy vải 'đo-cắt' rụp rụp rụp. Khỏi cần thông dịch gì thêm."

Khánh Vân có biết ông nội giỏi tiếng Tây, tiếng Nhật, từng làm thông dịch, làm tiệm may, nhưng không biết ông nội còn là một nhà báo.

"Vậy là Mimi có 'gen' viết lách của ông nội rồi há. Ông nội mà còn sống thì chắc sẽ cưng Mimi lắm."  Cô Năm nói.

"Chỉ tiếc con không được hưởng 'gen' cao lớn và đẹp trai của ông nội..."

Tôi nói và hiểu  là mình ra đời khi Saigon đổi đời, may lắm là  bo bo khoai sắn thay cơm, làm sao cao lớn nổi. Cô Năm an ủi, "Coi như được 'gen' viết báo của ông nội rồi;  ráng nhận 'gen' nhỏ con xinh gái của bà nội cho bà nội vui..."

Trong cuộc họp mặt, có mục gọi điện thoại từ Houston sang Úc thăm gia đình cô Ba - người chị lớn của ông Hai Lúa. Gia đình cô Ba trước đây có về Việt Nam thăm mọi người nhưng riêng tôi chưa được dịp gặp lại. Giọng cô Ba vẫn hiền hòa nói với Khánh Vân, "Hơn 20 năm rồi cô Ba chưa gặp lại con. Không thể hình dung con lớn ra sao. Chỉ có thể mường tượng con qua chị Trúc (con gái út của cô Ba), vì ai cũng nói con và chị Trúc giống nhau. Cô bác Ba rất cảm ơn con đã lo cho ba má có dịp thăm gặp lại bà con họ hàng. Con phải hãnh diện về con nghen, Mimi. Con đã làm được những điều người khác không làm được."

Bác Danh, bên này phone, nói thêm "Phải đó cô Ba. Trong dòng họ nhà mình, bọn nhỏ bên này có đầy đủ điều kiện thuận lợi để học hành. Chúng muốn thành gì mà không được. Đâu có như con Mimi, lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt hơn, lại rời xa cha mẹ khi còn nhỏ, phải tự học hành và lo liệu mọi thứ."

Sau khi các bà chị nghe ông em Hai Lúa kể vụ đi Mỹ bất ngờ, câu chuyện bỗng "chuyển mục" sang... Viết Về Nước Mỹ. Các cô bác Khánh Vân thắc mắc vì sao cháu từ bên Tây sang Virginia mà lại biết Việt Báo bên Cali để viết bài dự thi, mà giải thưởng gì mà có tới mười ngàn đô la tiền mặt. Vậy là Khánh Vân phải kể lại từ đầu.

"Từ bẩy tám năm trước đây, hồi con còn ở bên Tây,  có người bạn email cho con đọc một câu chuyện rất xúc động trong mục Viết Về Nước Mỹ. Sau đó con lên internet tìm trang nhà của Việt Báo và đọc thêm nhiều câu chuyện hay và xúc động khác. Dù biết Việt Báo từ những năm đầu khi giải thưởng VVNM mới ra đời, mãi đến tháng Tư năm 2006 con mới viết bài gửi dự thi. Gần cả năm trời, từ bài viết đầu tiên, rồi bài thứ hai, thứ ba, thứ tư... được đăng lên Online, con vẫn không hề biết Việt Báo ở đâu, cũng không biết người nhận bài và trả lời là ai, vì các email chỉ được ký "Giải thưởng Việt Báo". Mãi sau này con mới nghe đến tên chú Trần Dạ Từ, cô Nhã Ca mà cũng không biết chú Từ là ai..."

Kể tới đây, Khánh Vân mới biết là các cô chú bác của mình đều đã biết tên tuổi chú Trần Dạ Từ, cô Nhã Ca từ trước khi Khánh Vân ra đời. Chuyện kể đến bài viết "Duyên Nợ Với Nước Mỹ" thì bác Danh nhìn tôi, "Chông gai nhọc nhằn lắm phải không con" Mimi à! Vừa rồi Cô Ba nói đúng lắm. Bác Danh đại diện nhà họ Đỗ hôm nay phong cho con là 'đứa cháu giỏi nhất của dòng họ'."

Mắt tôi rưng rưng... Không phải vì được khen mà vì xúc động với không khí và tinh thần buổi họp mặt của nhà họ Đỗ - lần đầu tiên trong 30 năm. Những người đang nói chuyện với nhau ở từ bốn phương trời: Việt Nam, Mỹ, Úc... Ba lục địa mà lòng thì cùng một mái nhà. Trong mái nhà này, tôi hiểu mình chẳng có gì tài giỏi. Con cái lo được chút chút cho ông bà cha mẹ chỉ là chuyện bình thường.

Những lời thương quí của cô bác dành cho đứa cháu vất vả làm nó rơi nước mắt.

Ngay lúc này,  khi đã về Virginia, ngồi nhớ lại viết lại, vẫn thấy mình vừa khóc vừa cười.

Thưa các cô bác, con cám ơn cô Ba. Con cám ơn bác Danh. Cám ơn các cô bác, anh chị.

Con cũng phải xin cô Năm tha lỗi, con vẫn chưa dám gọi phone...  thú thiệt với cô là cho tới giờ này,  dù  đã 15 năm sống bên Tây, bên Mỹ con vẫn chưa có bằng lái xe thứ thiệt. Chắc khi thú thật, tôi sẽ phải "ca" cho cô thương: "Cô Năm ơi,  con là con gái Hai Lúa mà! Có lẽ tại hồi đó con ở bên Pháp, xứ của người chỉ siêng đi bộ và đi metro/bus...  thành thử bị ảnh hưởng cái lười biếng... dễ thương của họ.  Khi qua Mỹ, nhà ở, trường học và nơi làm việc cũng tiện đường xe bus/metro,...  nên con tiếp tục làm biếng. Mà không, đúng ra là tại cái ông chấm thi lái xe kỳ đó hơi gắt gao... Không thôi con đã đậu từ đời nào rồi."

* Hai Lúa du ký

Thời hạn 10 tuần "Mỹ Du" của ông bà Hai Lúa cứ vơi dần, vơi dần.  Một buổi, khi con gái đi làm về, ông Hai Lúa đưa ra một xấp giấy. "Khi nào rảnh, con xem lại câu cú hộ ba. Chỉ dăm ba chuyện du ký Ba muốn nhờ con chia sẻ với độc giả Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo."

Sau đây là phần tóm lược từ  "Hai Lúa du ký":

Những hôm không ra phố chơi, ông bà Hai Lúa xuống công viên phía dưới tòa nhà nơi Khánh Vân ở để ngắm cảnh xứ Mỹ sinh hoạt. Ông quan sát cảnh sáng sáng trẻ con lên xe school bus đi học, chiều về chơi xích đu, tuột cầu tuột, đánh banh... ; thanh thiếu niên người trẻ thì bơi lội, đánh tenis; người lớn tuổi thì bách bộ, hoặc ngồi ghế đá nghe chim hót, ngắm cây cối trời đất;...  Ông Hai Lúa không chỉ tả cảnh, tả người mà còn ghi lại cảm tưởng của ông khi nhìn cảnh các chú sóc đùa vui, rượt đuổi nhau chạy từ cây này sang cây khác, cảnh các chú chim bay lên bay xuống gần chỗ ông ngồi để xin những mẩu bánh vụn... Lũ vịt trời thì bay từng đàn, đáp xuống khoảng đất trống trong công viên. Các chú chim, vịt, sóc này cứ thoải mái đi lẫn với mọi người công viên, chúng chẳng lo sợ, ngại ngùng gì. "Tụi bay mà cứ cái kiểu đi ngang xương này ở Việt Nam thì chắc chắn sớm bị nhổ lông chiên nướng, đánh tiết canh, hoặc 'thịt cầy chín món' từ đời nào rồi nhé!"

Khi thấy có tiệm cắt uốn tóc làm móng tay tắm rửa cho chó, nhất là khi biết có cả "khách sạn" cho chó ở nếu chủ nhân đi chơi và không mang chó theo được, ông Hai Lúa chỉ im lặng, mỉm cười. Không ngờ trong xấp giấy, ông cũng đã nhắc đến các chú chó! "Trở về Việt Nam, mỗi khi đi ngang ngã ba Ông Tạ (nơi bán thịt chó rất nhiều), hoặt nếu có dịp ngồi vào bàn nhậu lai rai với bạn bè, không biết tôi sẽ nghĩ gì đây khi nhìn các đĩa mồi... "

Từ sự sống, nhu cầu của những chú chim, chú chó...  cũng được quan tâm, coi trọng; chúng thư thái và tận hưởng cuộc sống làm ông Hai Lúa đã ngộ ra rõ hơn giá trị của tự do, văn minh, hiện đại; giá trị của con người; giá trị của sự sống.

Trong "Hai Lúa Du Ký" có đoạn ông tâm sự với con gái: "Về đến Việt Nam thì chuyện đầu tiên ba phải lo là chuyện mồ mả của bà nội. Người ta đã lên chương trình và bắt đầu giải tỏa khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Dời mộ bà nội đến nghĩa trang khác thì không biết khi nào nghĩa trang đó sẽ bị giải tỏa. Chắc ba sẽ thiêu cốt ba, mang vô chùa để chung với cốt ông nội,  để ông bà được gần nhau luôn."

Đọc mấy dòng ông viết, Khánh Vân thương ba thân còn trên đất Mỹ, lòng đã về Việt Nam, và rồi thẫn thờ  nhớ bà nội.  Sống trong thời chiến tranh, chỉ mới bằng  tuổi tôi bây giờ, bà nội đã goá chồng rồi ở vậy nuôi con, không bước thêm bước nữa dù có người đeo đuổi,  cực nhọc với lũ  con lũ cháu cho đến phút cuối đời. Tôi nhớ ngày rời bỏ đất nước ra đi đã khấn thầm với Nội: Nội ơi, xin Nội phù hộ con làm được những điều nội hằng mong muốn,  xin nội che chở cho có được ngày về lo phụ ba má và các em.

Đã hơn 15 năm dài dòng dã, tôi luôn thấy bà nội đồng hành với mình suốt những chặng đường phải vượt qua.  Nhiều lần  Nội hiện về trong mộng để báo trước cho tôi những niềm vui, những việc nên cẩn thận, kể cả những tai nạn có thể ảnh hưởng đến tính mạng...  Trong suốt những ngày ba má tới được nước Mỹ, tôi vẫn luôn thấy như  có bà nội cùng đi.  Nội ơi,  con mong Nội hài lòng, không phiền chuyện mồ mả.

* Một Lúa về Việt Nam

Khi đi từ Cali sang DC, Khánh Vân đã hướng dẫn ba mẹ những gì cần làm mỗi lần chuyển máy bay. Khánh Vân không thể xin nghỉ nên ba mẹ phải tự sang Cali trước khi về lại Việt Nam.

Theo lịch trình của chuyến đi Mỹ 2 tháng thì trước khi về Việt Nam, ông bà Hai Lúa được ở Cali chơi thêm 10 ngày. Họ được tham quan khá đầy đủ. Nào là khu Phước Lộc Thọ và những vùng lân cận; đại lộ Hollywood, các bở biển vùng Cali, Disneyland, phố xá Los Angeles...  Chỉ tiếc họ không có đủ thời gian lên miền Bắc để được chị Iris Nữ, cô Thịnh Hương Huyền Thoại hướng dẫn tham quan San Francisco - nơi mà ông bà Hai Lúa rất mong được đến.

Trên đường ra phi trường Reagan National Airport - Washington DC, Khánh Vân chọc ba má: "Rồi. Vậy là hôm nay Hai Lúa  về Việt Nam." Mẹ Khánh Vân lập tức phản đối: "Không. Chỉ còn "Một Lúa" thôi." Ủa, sao vậy má" Tôi hỏi. Và được má giải thích "Này nhé. Hai Lúa nghĩa là hai cái nhà quê ra tỉnh, hai cái ngờ nghệch lạc ra chỗ văn minh. Nhưng đi một ngày đàng học một sàng khôn mà. Hai tháng đi khắp nước Mỹ từ Đông sang Tây, xài bao nhiêu là đô la, không lẽ không bớt  nhà quê à. Ít ra cũng bớt được phân nửa. Vậy là Hai Lúa nay chỉ còn.... Một Lúa".

Đến giờ chia tay, ông bà Lúa ôm con gái.  Ba nói  "Đi làm, đi học...  nhưng nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng làm việc quá sức, đừng thức quá khuya...  Mai mốt ba má sẽ trở qua với con..."

Dạ, Ba mẹ sẽ qua Mỹ. Các em sẽ qua Mỹ. Tro cốt ông nội, bà nội sẽ qua Mỹ.

*

Hai đứa em của Khánh Vân bên nhà đang than suốt ngày phải nghe chuyện nước Mỹ. Ba mẹ Khánh Vân đã về  lại Saigon bình an.

Xin gửi nơi đây lời cảm ơn chân thành đến tất cả các cô chú bác bạn bè, người thân của ông bà Lúa và con gái: Hai bác Trị Lan, bác Diễn, cô Kim, bác Lợi, cô Lệ, bác Nhuận, bác T. Hiếu, hai bác Lục Xương, cô Năm, cô Ba, cô Hiền, bác Danh, cô Hiếu, hai bác Huy Trữ, bác Hùng, Mr. Màng, anh Tùy;  Các anh chị C.Vân, Vũ Hạnh, Hiệp, C.Hạnh, K. Hương, X.Lan, L.Đài, L.Anh, Phương, T.Thanh, Dánh, Uyên Uyên... Và đặc biệt là cám ơn Việt Báo, cô chú Trần Dạ Từ-Nhã Ca, chị Hoà Bình, chú Nguyễn Xuân Nghĩa, anh Nguyễn Minh, các anh chị Việt Báo và các tác giả Viết Về Nước Mỹ: chị Iris Nữ, cô Nguyên Phương, cô Thịnh Hương Huyền Thoại, cô Bảo Xuân, chị Karen, chú Bồ Tùng Ma... Thời gian và tình cảm của quý vị đã góp phần giúp chuyến du ngoạn của ông bà Hai Lúa thêm nhiều ý nghĩa và niềm vui.

"Hai Lúa chúng tôi trở về Việt Nam để lại một chút lúa, một chút quê mùa ở Mỹ...  Thay vào đó, tin rằng sẽ mang về Việt Nam cùng với mình một số điều mới lạ, hữu ích...  Xin cảm ơn tất cả!"

*

Ba má ơi,

Năm nay có lẽ con hên, có vẻ thi đâu đậu đó...  để con chuẩn bị đi thi...  lái xe.  Đậu được bằng lái xe, ba má có thể "cấp tốc" bay sang Mỹ. Con sẽ lái xe đưa ba má đi từ Đông sang Tây... 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,193,726
Tác giả vượt biển, định cư tại Mỹ từ 1982, hiện cư trú tại miền Đông và làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết "Lời Cám Ơn của Mẹ Tôi",
Tác giả là TCL. 54t, cựu quân nhân VNCH, vượt biển, vào trại tị nạn Songkhla Thái Lan 2/80, định cư ở Mỹ từ 6/80, ngụ tại Garland TX
Tác giả Lê Viết Quang là cư dân thành phố Papillion, NE.  Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông năm 2006, là “Hai Chị Em”, một truyện ngắn về lớp tuổi bé thơ
Tác giả vượt biển và định cư tại Mỹ từ 1982, hiện cư trú tại miền Đông và làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết "Lời Cám Ơn của Mẹ Tôi",
Tác giả Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một nhà giáo dạy Việt ngữ, đồng thời lam công việc của người dẫn giải (facilitator) cho những buổi học thảo
Houston hôm nay nắng vẫn lung linh như khi Ba Má tiễn con vào tận trạm cuối cùng cho hành khách lên phi cơ hôm ấy.
Tác giả 66 tuổi, định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, cư dân Riverside, hiện là Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District (nam California).
Tác giả là một bà mẹ, làm việc trong một công ty truyền thông tại Westminster. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là một chuyện vui gia đình  gốc Việt ở Mỹ.
Tác giả Dương Quỳnh Khanh vừa từ Việt Nam sang du lịch Mỹ thăm con gái. Sau ba tháng thăm đất nước hợp chủng, bài viết ngắn sau đây
Tác giả là một nhà giáo từng có hơn 30 năm dạy học tại Việt Nam. Đến Mỹ theo diện ODP, hiện tiếp tục nghề cũ tại một trung tâm dạy kèm tại miền Nam Cali
Nhạc sĩ Cung Tiến