Hôm nay,  

Lá Rơi Hàng Xóm Lá Bay Sang…

23/12/200700:00:00(Xem: 903557)

Người viết: Phan

Bài số 2184-1976-751vb8231207

*

Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bài viết gần đây của ông là chuyện... ma tại khu chăm sóc người già gần một bệnh viện Mỹ.  Hôm qua,  là chuyện ông “người Việt gốc lúa” trước mùa lễ hội Mỹ. Và hôm nay, là một chuyện tình mùa Giáng Sinh bên hàng xóm Mỹ. Tựa đề bài viết trích từ thơ Tản Đà: Trận gió thu phong rụng lá vàng/Lá rơi hàng xóm lá bay sang...

*

 Địa chỉ nhà tôi có chữ CT (Court) sau tên đường, tức là trong vòng lẩn quẩn của mươi căn nhà, tạo thành một vòng tròn đồng tâm là cái công viên nhỏ nhỏ cho trẻ con vui chơi; người lớn tản bộ trên những lối đi quanh co bằng xi măng (sidewalk) rất sạch và đẹp; người già ngồi hóng mát trên những ghế đá công viên… Người tiếc phải đóng $20 hụi chết mỗi tháng cho công việc cắt cỏ, thay bao rác ngoài vườn tao ngộ, thì cứ bán nhà rồi dọn đi vì phép vua thua lệ làng nơi đây là thế! Tôi tính ra cái giá nhập gia tùy tục của mình ($20/ tháng) cũng không mắc. Có chỗ cho con chơi không sợ xe; vợ ngồi đọc sách, nói điện thoại với bạn bè trong không gian thoáng đãng nên chắc không "tố" mình nhiều. Bản thân tôi xài cái park này cho công việc đi bộ buổi sáng rất tốt… Tôi vui lòng đóng $20 mỗi tháng/ đóng một lần cho nguyên năm thì được bớt 20%. Tôi tính đóng tiền một lần cho 10 năm để đừng đua đòi chuyện nhà cửa nữa! Mình đã mua nhà đúng location như ý! Tôi thích cái thiên đàng trù phú chuyện vui nơi đây - cái park nhỏ - nhưng rất nhiều chuyện lớn. Nhưng thành phố không nhận tiền 10 năm vì cho tôi là… khùng. Cũng lại là phép vua thua lệ làng Country Creek. Tôi thích hàng xóm quanh đây toàn quân nhân về hưu hay FBI còn đang tại nhiệm; tôi thích những gì tôi viết từ đây - cái park này.

Một mẩu chuyện con trong Giáng sinh này, thế mà tôi cũng tốn hết $20 nhân cho 5 năm. Năm năm trước, có đôi vợ chồng Mỹ trắng dọn đến căn nhà mà họ mới mua trong vòng lẩn quẩn của khu nhà này.

Nhìn đôi vợ chồng cỡ ba mươi tuổi xây đắp cho tổ ấm của họ thật dễ thương. Anh chồng cao ráo, vạm vỡ, gương mặt hơi xấu xí vì cái mũi Nixon. Mà cứ hễ đàn ông càng xấu xí bao nhiêu thì vợ đẹp bấy nhiêu - luật bù trừ của Tạo hoá rất đáng khen.  Cô vợ anh ta lúp lúp có mang, hai người trồng hoa thơm cỏ lạ phía trước nhà, giăng mắc dây đèn trang trí Lễ hội theo mùa… thật êm đềm, hạnh phúc. Tôi thích nhìn lén người ta hôn nhau lúc đang lao động, tôi nghĩ chẳng có gì xấu xa cho kẻ nhìn vì nhìn hai người hôn nhau giữa thanh thiên bạch nhật để có ba người tin rằng hạnh phúc là có thật trên cõi đời ô trọc này. Tôi bắt chước họ khi tôi cắt cỏ, cũng gọi bà chủ nhà trọ cuộc đời tôi ra! Cho anh xin ly nước uống, hay ra giúp một tay đi cưng… Sau đó, cảm ơn em đã giúp bằng cái hôn như anh hàng xóm hôn vợ anh ta rất ngọt ngào, tự nhiên… nhưng tôi thì không như nguyện! Tại sao" Tại người Mỹ hôn nhau ngoài ngõ, cãi nhau trong nhà. Người Mít hôn nhau trong nhà, cãi nhau ngoài chợ. Bà chủ nhà trọ cuộc đời tôi giải thích thế thì tôi biết thế!

Tôi còn hân hạnh được nghe nhiều lần những đôi vợ chồng Mít chửi nhau ngoài chợ nữa kìa! Kể ra đây không khéo thành người vạch áo cho người xem lưng! Nên tin bà chủ nhà trọ của tôi không nói ngoa; còn nhìn người Mỹ hôn nhau nơi thanh thiên bạch nhật; nơi công cộng thì đã nhàm. Tôi hội nhập vào đời sống Mỹ tự bao giờ thì chính tôi cũng không nhớ nữa. Chỉ biết mình không còn ngượng khi ôm một bà Mỹ quen mà lâu ngày không gặp; hay những bà Mỹ không tiếc cái hôn lên gò má tôi mà tôi thì tiếc cái gò má mình là khoản chưa hội nhập! Từ từ tôi mới nhập gia tùy tục được chứ. Tôi đã biết thích những người đẹp hôn tôi, rồi đó! Không tin, cứ thử đi.

Trở lại với đôi vợ chồng hàng xóm trẻ trung, tôi thấy người nữ có mang từ hồi họ mới về đây, không chừng tôi biết trước cả anh chồng ngu ngơ của thị vì đàn ông mới lấy vợ lần đầu dốt lắm, chẳng có kinh nghiệm gì đâu! Rồi một bé gái ra đời. Tôi nghĩ là họ bận bịu con thơ nên không còn thời giờ chăm lo nhà cửa như trước nữa. Bây giờ, hoa thơm đã tàn; cỏ lạ thành cỏ dại; giấy quảng cáo, báo chí… dầy lên ngoài cửa trước mà vợ chồng họ thì đi cửa sau đã từ lâu. Thỉnh thoảng, thành phố dán giấy yêu cầu cắt cỏ vì cỏ nhà họ đã quá cao. Tôi lại bị thấy anh chồng miễn cưỡng đẩy cái máy cắt cỏ cho khỏi bị phạt, anh không còn cái hăng hái của ngày đầu đến đây là quét dọn sau khi cắt cỏ. Cuộc sống của họ đã âm thầm đến phiền lòng hàng xóm là cỏ bị cắt sẽ khô đi và bay tứ tung. Nhớ lại, mới hai mùa cỏ chứ nhiêu! Nhanh vậy sao"

   Mùa cỏ thứ ba, tôi đã thấy đoàn quân cắt cỏ thuê dừng xe nơi nhà họ. Những người Mễ lành nghề làm việc mắc mê, không tới ba mươi phút là xong một căn nhà tù lu thành sạch đẹp. Nhìn lại, chỉ thấy người đàn bà trẻ với con bé mới biết đi. Chiều chiều, hai mẹ con ra công viên chơi như những gia đình khác. Có khi mẹ đẩy hay kéo con trên cái xe bốn bánh như trailer giành cho con nít. Bóng chiều tà, họ lặng lẽ trở về căn nhà đã vắng tiếng đàn ông. Tôi nghĩ nhiều về đứa bé chưa kịp có trí nhớ để nhớ gương mặt người cha đã sinh ra nó. Mỗi cuối tuần, nhìn nó lớn nhanh trong thiên đàng trẻ thơ là đất Mỹ nhưng đằng sau cuộc sống đủ đầy của nó, chắc chắn là một khoảng trống mà vật chất không bù đắp nổi là hình ảnh người cha như những đứa trẻ khác, có.

Tôi lại nhìn hình ảnh người nữ, mới hôm nào cười tươi như hoa để làm mẫu cho những cụm hoa cô vừa trồng xuống, sẽ nở hoa như nụ cười hạnh phúc của cô. Nay, hoa đã tàn và nụ cười đã tắt. Hạnh phúc ngắn ngủi dữ vậy sao"

Xin nhắc lại: Tôi vẫn trả $20 một tháng tiền cắt cỏ, thay bao rác ngoài công viên nên tôi phải nhìn gỡ vốn. Tới hôm thu về năm trước, tôi thấy mình có lời rồi! Nhìn gái một con trông mòn con mắt… hí. Bà chủ trọ của tôi nói thế thì tôi tin thế. Tôi nhìn bằng mắt hí bẩm sinh hay nhìn bằng tấm lòng cửa biển thì tôi biết tôi thôi! Tôi nhìn hình ảnh… Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ công viên buồn… mẹ ngủ trước nha con! Cô ấy ngủ gục tới lọt quyển sách trên tay còn không hay, con bé chạy băng băng ra đường xe chạy... thế là tôi được dịp làm Lục Vân Tôi, cứu Kiều-Nguyệt-con. Tôi thoả mãn được nhu cầu làm quen cất giữ đã lâu trong tấm lòng cửa biển.

   Khơi khơi xuất hiện thằng hàng xóm mắc dịch ưa tới tán chuyện với Kiều mẹ, chẳng nể mặt tôi gì hết! Tôi cũng không thèm nói gì vì nó bự con quá! Một hôm tình cờ tôi thấy cảnh lâm nguy! (Kiều con bảo Kiều mẹ ngồi vô trailer cho Kiều con kéo. Kiều mẹ không over weight nhưng cái trailer nhỏ quá nên khi ngồi xuống thì không đứng lên được. Kiều nữ ngồi bó gối và kẹt cứng trong trailer.) Gặp tôi, cứu người trước rồi đền ơn đáp nghĩa sau. Nhưng thằng mắc toi này là xăng pha nhớt! Nó la bai bải… khoan khoan ngồi đó chớ ra/ nàng là phận gái ta là… pê đê. Nó bảo đợi nó vô nhà lấy điện thoại để kêu 911. Thế là tôi phỏng tay trên nó - cái cơ hội ngàn năm một thuở! Tôi đẩy trailer đến một cành cây cao ngang đầu tôi, bảo thằng mắc dịch giúp một tay, khiêng nguyên cái trailer lên cho người đẹp nắm hai tay vô cành cây, tôi lắc lắc cái trailer rơi xuống đất! Dễ vậy mà thằng xăng pha nhớt nghĩ không ra. Còn hỏi tôi: "Nếu chỉ có một mình mày ngoài park thì mày làm sao"" Tôi nói: "Tao lật cái trailer ngang ra, cho cô ta nằm trên cỏ thì tao cũng lấy được cái trailer ra vì người đã kẹt thì phải nghĩ tới chuyện phá cái trailer chứ có ôm người kéo lên thì cái trailer cũng theo lên…" Nó hơi quê trước mặt người đẹp vì cái tội… ngu. Tôi thì hỉnh cái mũi thông minh dù hơi… tẹt. Kiều cảm ơn tôi bao nhiêu lời… tôi nhớ tới trong mơ.

Mùa đông về không gặp vì ai nấy co ro trong nhà, sang xuân bừng dậy dáng Kiều thơm… hạ tàn trên mí mắt giai nhân đi về lẻ bóng. Thu đến âm thầm cho bước khẽ mênh mang hai buổi đi về mà người hàng xóm còn nghe cô đơn.

*

Bỗng sáng thu nay! Có người lính trẻ sát bên nhà Kiều, mới về phép chăng" Tôi đi bộ buổi sáng quanh công viên như thường nhật. Tôi chào anh lính phong phanh áo ba lỗ, quần rằn ri, chân giày saut mà mắc cỡ với mình trong hai lớp áo. Anh đang thổi lá nhà anh và cả nhà cô hàng xóm chưa quen. Tôi đi thêm một vòng công viên nữa, vòng nữa… hai sân nhà đã sạch lá thu bay. Lính làm việc có khác! Nhanh, gọn, lẹ. Một hàng bao giấy recycle có chữ Home Depot nằm dọc theo lề đường để cho xe rác lấy. Tôi đã tâm phục khẩu phục nên dừng chân khen ngợi anh ta.

"Anh đúng là lính, làm việc nhanh gọn lẹ như lính."

"Tôi lười như lính thì đúng hơn. Nhưng cha tôi cứ đổ lỗi cho nhà bên thổi lá sang sân nhà tôi. Chiều hôm qua, tôi đứng nhìn một lát thì rõ do chiều gió thổi táp vào sân nhà tôi chứ ai lại thổi lá qua nhà hàng xóm bao giờ! Cha tôi già rồi nên khó tính. Sáng nay, ông bảo tôi thổi lá bay sang nhà bên chứ không phải lá nhà mình thì không phải hốt. Tôi không làm thế được nên tôi hốt hết lá vào bao rác thì hết chuyện. Anh đồng ý không""

"Tôi có cách nào để không đồng ý với anh! Thật ra, nhà tôi cách đây vài căn, tôi đi bộ exercise mỗi sáng trước khi đi làm ở công viên này đã 10 năm. Mùa thu nào cũng thấy cha anh thổi lá trở lại gốc cây của nó. Nhưng khi ông cụ cuốn dây điện, cất máy thổi cỏ vào thì chỉ một luồng gió… lại đưa đám lá sang sân nhà ông. Tôi, nhiều lần muốn nói nhưng nghĩ kỹ thì không nên… vì tôi cho công việc thổi lá mỗi sáng sẽ tốt cho sức khoẻ của cha anh. Coi như ông cụ tập thể dục buổi sáng…"

Chúng tôi cười nói vui vẻ với nhau, anh lính cho hay: Anh đi lính từ 18 tuổi, 20 năm quân ngũ trên khắp những căn cứ Mỹ ở nước ngoài và trong nước. Hai lần bị thương nhưng không đáng giải ngũ. Lần này, anh không về phép đôi ngày rồi lại đi mà anh về luôn vì đã giải ngũ. Anh tính đi xin việc làm để có hai đầu lương (lương đi làm và lương hưu của lính). Anh sẽ lập gia đình và bắt đầu một đời sống dân sự…

 Tôi chào tạm biệt anh để về nhà tắm rửa và đi làm. Đầu óc tôi còm mang mang hình ảnh người lính Mỹ. Sao mà tương lai rộng mở, đẹp đẽ dữ vậy ta" Anh ăn lương hưu sau 20 năm phục vụ quân đội - đã đủ sống. Anh đi làm thì chẳng Hãng xưởng nào không welcome lính vì tôi đã thấy lính Mỹ về hưu đi làm Hãng xưởng thường được trọng vọng - giao chức vụ cao bởi tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của họ. Hồi mới qua Mỹ, tôi đi làm hãng và cũng có ông Supervice là lính giải ngũ. Ong nghiêm khắc với công nhân về giờ giấc, tinh thần trách nhiệm rất cao trong công việc và hơn "xếp" dân sự là đấu tranh cho quyền lợi của thuộc cấp rất "tới". Hình như "xếp" gốc lính thì không biết sợ "Boss". Đó là hình ảnh người lính Mỹ sau khi giải ngũ. Nhớ đến những người lính VNCH tàn chiến cuộc thì thật là mất hứng.

Tối đó, tôi đi làm về muộn vì sáng đi muộn. Thói quen nhìn ngắm xóm mình một vòng trước khi vô nhà đã làm tôi ngơ ngác trước màn hai cảnh một. Nhà cô Kiều sáng đèn hơn mọi hôm, tiệc tùng hay chỉ tiếp khách vãng lai gì cũng được! Miễn không khí âm u của căn nhà cũng như gia chủ tan đi là vui rồi! Và kìa! Cô tiễn khách ra cửa trước, hai người họ hôn nhau - thơm lừng một tối thu-đông se lạnh. Tôi không thấy rõ gương mặt người đàn ông vì lưng quay ra đường. 

   Còn hai tuần nữa là Giáng sinh tới rồi, tôi đi exercise buổi sáng trong hai, ba lớp áo. Anh lính phong phanh đang cắt cỏ hai nhà. Thật ra, anh dùng máy cắt cỏ nhưng để hút lá khô dưới cỏ cho sạch đẹp chứ cỏ đâu mà cắt. Sau đó, anh giăng đèn Giáng sinh bên nhà hàng xóm mới biết lính Mỹ cũng biết hát câu: "Anh là lính đa tình". Cô Kiều bưng ra cho anh ly gì không biết, chỉ thấy bốc khói. Nụ hôn nhẹ lên gò má người phụ nữ trẻ thay lời cảm ơn làm chim chóc bay đi… con bò rừng châu Á cũng làm lơ cho họ siết nhau một phát tê lòng.

 Tôi vẫn đi làm về đêm như mọi ngày, tiết trời lạnh giá vào đông, cành trơ trụi lá dưới trăng mờ… Cửa sổ nhà cô Kiều sáng đèn, nhìn lén vào trong có hai bóng người ngồi đối ẩm. Chắc họ không biết người hàng xóm da vàng, mũi tẹt về nhà mình nhưng cũng rót ly vang và chúc mừng họ thật nhiều hạnh phúc trong đêm đông lạnh lùng. Tình yêu đẹp quá! Thiên Chúa đã để giành dáng Kiều thơm cho anh lính dễ thương, thương người và vị tha nhân ái.

*

Đêm Giáng sinh trong gia đình Phật giáo của tôi cũng mâm cao cỗ đầy mừng Chúa sinh ra đời. Tôi có chân trong "Hội Bám Sát Con Chiên Tóc Thề Của Chúa" từ ngày biết yêu. Nhưng họ bỏ tôi vì tiền tài danh vọng của những người hơn tôi chứ Chúa đã bỏ tôi bao giờ" Chả phải, Ngài vẫn cho tôi được thấy những tình yêu cao đẹp làm nên cuộc sống đáng yêu. Tôi cầm lòng không đặng với quyết định qua mời anh lính sang nhà tôi nhậu chơi, nhưng ra ngõ để qua mời anh thì lại ngại văn hoá đông-tây trong đêm Giáng sinh không khéo mất vui. Cuối cùng, tôi nhập tiệc với thân nhân trong gia đình trong đêm Chúa sinh ra đời. Nhìn ra cửa xa xa, bên kia công viên có tiên giáng trần, thiên thần xuống với trần gian trong đôi cánh yêu thương loài người. Thiên đàng chỉ cách tôi một cái công viên, nơi của những người sống có niềm tin, sống vị tha và yêu nhau trong tình người hụt hẫng thời bây giờ. Anh lính tôi yêu trong bộ đồ lớn như Ngài Tư lệnh, bên anh là một thiếu phụ yêu kiều, lộng lẫy kiêu sa, một tiểu thư tung tăng vạt áo đầm như con thiên nga bé bỏng… Họ đưa nhau đi Lễ Nhà thờ. Dưng dưng, tôi chắp tay nguyện cầu Chúa hãy ban cho họ một đêm Giáng sinh tuyệt vời. Và Chúa nghe người ngoại đạo nguyện cầu bằng tiếng nước tôi.

 Khi tôi tiễn chị tôi ra cửa, sau bữa tiệc gia đình trong đêm Giáng sinh. Anh lính đã về, tay anh ẵm con thiên nga bé bỏng đã ngủ gục. Kiều nữ tôi yêu tra chìa khoá vào cánh cửa nhà cô ấy, giày cao gót sẵn rồi mà còn nhón thêm lên để đặt cái hôn tình tứ lên môi người lính trận. Tôi dảu má mình ra mà chỉ có gió lạnh vì hạnh phúc không phải là ngồi chờ sung rụng. Họ khuất vào trong nhà, cánh cửa khép lại. Tôi chờ xem nụ hôn tạm biệt đêm Giáng sinh của tình yêu mà Thiên Chúa hằng ban xuống trần gian. Nhưng Chúa tắt đèn nhà cô Kiều nữ. Tôi, Tạ Ơn Chúa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,234,679
Một hôm, trong lúc đang ngồi ở dịch vụ internet, tôi nhận được Email của cô Quyên (Việt Báo) hỏi xin địa chỉ, điện thoại liên lạc...
Tôi bắt đầu quen thuộc với khung cảnh và những lối đi vòng vo của nhà hospice sau hơn hai tuần ra vào thường xuyên
Tác giả là cư dân San Jose và Huyền Thoại là bút hiệu mới của cô, thay thế bút hiệu Thịnh Hương, giải thưởng danh dự năm 2005
Tôi thường ra chợ Mexican Super Market nơi thành phố tôi tạm cư để mua những thứ cần thiết. Một hôm, tình cờ tôi quen biết với Francisco Lopez
Tác giả Chung Mốc đang sống tại Saigon, thường gửi “Thư Quê Nhà” dự Viết Về Nước Mỹ và đã được tặng một giải thưởng đặc biệt năm 2005
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California.  Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản: "Tiếng Dương Cầm,"
Tác giả 66 tuổi, định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, cư dân Riverside, hiện là Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District (nam California).
Người viết là một thầy giáo từ Việt Nam, đi dạy đã gần 30 năm, qua Mỹ theo diện ODP. Đang làm manager tại một Trung Tâm dạy kèm sau giờ học
Tác giả Trần Thiên Thịnh vượt biển đến được trại Pulau Bidong, Mã Lai. Sau 7 năm vất vưởng, ông bị cưỡng bách hồi hương
Trưa nay, trong khi đang dọn thức ăn dư thừa cùa một bệnh nhân đã ăn xong, và đang nằm đọc báo. Bà Tâm vui vẻ hỏi:
Nhạc sĩ Cung Tiến