Hôm nay,  

Tiền Hành

26/10/200700:00:00(Xem: 357236)

Bài số 2131-1923-699vb5251007

*

Tác giả cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell, Minnesota. Thanh Mai đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Trong số này, bài "Ép Con Học Hành Quá Sức" là một trong 10 bài có số lượt người đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

*

Tiệm thuốc tây Như Ý dạo này rất đông khách. Chẳng phải vì thiên hạ bịnh nhiều hay thuốc bán hạ giá mà vì tiệm mới thuê được một hoa khôi làm cashier tên là Kiều Diễm. Diễm rất đẹp, đôi mắt phượng và hàng mi cong dài như có một ma lực đặc biệt, ai nhìn vào là như bị hớp hồn. Mũi nàng nhỏ xinh, môi trái tim lúc nào cũng đỏ thắm, và thân hình thì trông như của các người mẫu, hấp dẫn vô cùng. Khách mua thuốc cứ tấp nập ra vào, mà đa phần là đàn ông, già có trẻ có. Ai cũng muốn vào nhìn người đẹp và kiếm cơ hội làm quen.

Trong đám khách mỗi ngày tới mua thuốc sổ mũi và cảm cúm là Thái, một họa sĩ trẻ, đẹp trai. Chàng lại còn là một thương gia sắc sảo nhưng đặt việc cầm viết tính toán vào tay trái còn tâm hồn đặt vào tay phải cầm cọ. Nghe bạn bè kháo nhau về cô cashier tiệm thuốc, Thái đã tò mò đến xem mặt và kết quả là một cú sét đánh ngay tim - Hồn vía chàng từ đây không còn là của chàng nữa! Hôm nào không được gặp người đẹp là Thái không thể làm bất cứ chuyện gì, lòng dạ cứ bồn chồn như lửa đốt.

Tình yêu quả là điều khó mà hiểu nổi - có người tìm thấy những đồng cảm, đồng điệu của tình yêu ở một nhan sắc tầm thường; lại có cả vua chúa tìm được tình yêu chỉ trong một nụ cười và sẵn sàng đánh đổi cả giang sơn; Thái đã tìm thấy trong cái đẹp rực rỡ kia là nghệ thuật, thứ mà chàng sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời để phục vụ.

Những ngày sau đó, chỉ trừ những giờ phút nhìn ngắm người đẹp ở tiệm thuốc, Thái bỏ toàn bộ thời giờ vẽ bức chân dung của Diễm. Sau hơn hai tháng, chàng hoàn toàn ưng ý với tác phẩm đầu tiên về nàng - Nó diễn tả được nét đẹp rực rỡ, quyến rũ và cặp mắt mê hồn của cô gái dưới cái nhìn của một nhà nghệ sĩ có thực tài.

Thái hồi hộp mang bức tranh tặng Kiều Diễm và thầm mong nàng nhận thấy được ở đó tấm lòng si mê của chàng. Cụ Nguyễn Du chỉ bằng hai câu lục bát đã vẽ nên cảnh xuân, còn Thái đã bỏ cả hai tháng nay để viết bức thư tình của chàng qua bức chân dung đắc ý này! Nhưng nàng nhìn bức tranh một cách hững hờ và hỏi:

- Làm họa sĩ có thể giàu được không hở anh"

Vậy là Thái hiểu chàng phải diễn tả tình yêu của mình bằng phương cách khác. Từ nay chàng sẽ tập trung vào kinh doanh, dùng cả hai tay và đầu óc để tính toán! Đối với chàng, nàng là nghệ thuật của nghệ thuật thì làm việc gì lại chẳng là làm nghệ thuật.

Lâu nay Thái sẵn làm chủ một nhà máy nước đá, nay chàng quyết chí làm giàu, vay mượn thêm tiền mở thêm một hãng nước đá ở thành phố Buôn mê Thuột và một hãng ở Ninh hòa. Thần tài đến với Thái nên các hãng nước đá đem đến lợi nhuận cao và cuối cùng chàng cưới được cô hoa khôi diễm kiều kia.

Lấy nhau được ít lâu Thái mới thấy tính khí Kiều Diễm hay thay đổi bất thường rất khó làm nàng hài lòng. Nhưng nghiệt thay, chàng lại thấy nàng hấp dẫn hơn vì nó kích thích được cái tính muốn chinh phục và chế ngự của một người đàn ông. Chàng đã nhìn nàng như nguồn cảm hứng nghệ thuật còn nàng thì coi chàng như một nguồn tài chính.

Đứa con thứ nhất ra đời là một cô công chúa cũng xinh đẹp như mẹ nó. Thái càng mê vợ hơn. Ban ngày chàng ở hãng nước đá coi sóc công nhân, đêm về phải lo phục vụ vợ con. Thuê bao nhiêu người làm không ai chịu nỗi quá ba ngày. Ông anh Cả của chàng thấy vậy có cho mấy cô con gái thay phiên nhau tới giúp chú thím vào ban ngày nên chàng chỉ phải lo về ban đêm.

Hàng xóm đồn đãi nhau về cô vợ xinh đẹp hung dữ này. Ban ngày quát tháo xài xễ mấy cô cháu đã đành, ban đêm họ còn nghe tiếng cô ta la làng:

- Thái! Con khóc tui không ngủ được nè.

- Thái! Ngủ gì mà như chết vậy. Dậy nấu cho tui tô mì!

Năm Diễm sinh đứa con thứ hai, một lần nàng đã nổi nóng ngang xương mạnh tay với đứa trẻ. Thái tức giận bồng đứa nhỏ bỏ nhà ra đi tới tạm trú nhà bạn. Nhưng khi những âm thanh của cuồng nộ không còn nữa, sau cơn bão thì trong đầu óc nhà họa sĩ lại hiện lên những hình ảnh lãng mạn, đáng yêu của nữ thần nghệ thuật. Chàng nhớ lại lời tự hứa sẽ phục vụ nghệ thuật suốt đời trước đây của mình và bắt đầu suy nghĩ cách để ra khỏi cuộc chiến này trong danh dự.

Hai hôm sau, Diễm đưa giấy nhắn "Con bịnh, về gấp". Thái đã tung cánh chim tìm về tổ ấm ngay lập tức, và từ đó chàng không bỏ nhà ra đi nữa. Đã vậy không biết Diễm đã thủ thỉ thù thì thế nào mà Thái còn khai ra những người bạn đã xúi giục chàng bỏ vợ. Thế là bạn bè bị cấm cửa và xa lánh Thái dần. Mà dù không bị cấm cửa họ cũng tránh không muốn đến nhà thăm Thái vì ngại gặp "ôn thần giữ cửa".

Từng đứa con nối tiếp ra đời, tổng cộng sáu đứa -  2 gái 4 trai -  đứa nào cũng xinh đẹp dễ thương. Sinh nhiều nhưng Diễm càng ngày càng xinh đẹp, một sắc đẹp lộng lẫy mê hồn. Ngược lại Thái càng ngày càng xọm. Chàng túi bụi mặt mũi, lo việc ngoài và việc nhà rất thiếu thời gian nghỉ ngơi. Cũng may công việc các hãng nước đá vẫn vận hành tốt và tiền lời đã giúp chàng mau trả hết số nợ khi mở thêm hãng.

Diễm là người giữ tay hòm chìa khóa. Thái không bao giờ có tiền thủ trong túi để trà nước với bạn bè hoặc bà con. Nàng còn lên nhà máy, quản lý sổ sách, xiết chặt mọi chi phí, cắt xén bổng lộc, sa thải bớt người và bắt công nhân làm thêm giờ làm ai cũng kêu trời như bộng. Nhưng Thái vẫn im lặng để vợ tác yêu tác quái. Chỉ cần nàng quắc mắt phượng nhìn là Thái như mất hết dũng khí của một người đàn ông mà nhũn ra như cọng bún. Không biết Thái đã dần dần bị vợ khuất phục tự lúc nào.

Hỡi ôi chí lớn trong thiên hạ.

Góp lại không đầy mắt mỹ nhân.

(Tiêu sơn Tráng sĩ của Khái Hưng)

*

Cô con gái đầu là Diễm Liên lấy được một thương gia giàu có và dọn vào Sài Gòn sinh sống.
Năm 1975, trước biến cố của đất nước, vợ chồng Diễm Liên đã dẫn theo được cô em gái Diễm Hương và 1 người em trai út di tản khỏi nước Việt nam.  Sau đó họ định cư ở California.  

Vợ chồng Thái Diễm và 3 người con trai còn kẹt lại Nhatrang. Hai hãng nước đá bị ngưng hoạt động. Cả gia đình xoay xở làm nghề vấn thuốc lá một thời gian nhưng bị thất bại. Rồi đổi qua làm chuối xấy; làm rượu nho; làm xà phòng gội đầu... nhưng không nghề nào trụ được.

Hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ rất lộn xộn. Hết đánh tư sản đến đổi tiền, rồi chiến dịch lùa người đi kinh tế mới, người dân rất xao động không biết làm ăn đường nào. Buôn bán cái gì cũng là buôn lậu, hàng hóa lại thiếu thốn, ai muốn sản xuất thì cũng chỉ là làm hàng dỏm, hàng giả vì đâu có được chính thức cho phép. Nguyên liệu máy móc không có, chỉ là thu gọn trong nhà kiểu sản xuất thủ công, và phải dấu diếm. Nghề thiên hạ làm nhiều nhất là bán đồ nhà. Có gì trong nhà thì cứ bán mà ăn dần. Không phải chỉ là những nhà khá giả trước đây mới có đồ để bán, mà nhà nghèo cũng bán vì ngay cả những bộ đồ lao động đã sờn rách vẫn có người mua vá víu lại rồi đem tận các buôn thượng đổi lấy khoai sắn.

*

Trong mấy người con của ông bà Thái Diễm, Ngọc là con trai trưởng, rất giống tính cha. Anh hiền và biết quan tâm, lo lắng cho mọi người. Ngọc đang học năm thứ ba Đại học Vạn Hạnh thì biến cố năm 75 đến. Anh vì lo lắng cho gia đình đã từ Sài gòn chạy về Nhatrang nên không cùng di tản được với gia đình chị Diễm Liên và hai người em. Một phần cũng vì lúc đó trái tim anh đã trao tặng cho người yêu bé nhỏ là Lưu Bích mà anh đã quen và yêu nàng được hai năm nay.

Nhớ lại vào năm học thứ nhất ở Đại học, một ngày anh về nhà chơi nhân ngày nghỉ hè. Đang đứng nói chuyện với mấy đứa bạn trước cổng nhà thì một cô bé trong chiếc áo dài trắng chạy xe đạp mini tới và dừng xe hỏi:

- Có Diễm Hương ở nhà không ạ"

Vừa hỏi xong là cô bé quay mặt ra đường ngay nhưng Ngọc kịp thấy cô bé có cái hai cái răng khểnh thật xinh và gương mặt trong sáng xinh đẹp như búp bê. Gương mặt đó đã in sâu trong tâm trí anh để từ đó anh cứ vấn vương và tìm cách làm quen với nàng. Cũng nhờ cô em gái Diễm Hương giới thiệu và làm mai làm mối mà hai người đã quen nhau và tình yêu đã đến.

Lưu Bích thua Ngọc 7 tuổi, lúc mới quen Ngọc cô bé mới học lớp 9. Gia đình Bích toàn con gái, mỗi cô mỗi vẻ đều xinh đẹp như hoa. Biến cố 30 tháng 4 đến thì nàng đang học 11. Nàng và Ngọc cùng bỏ học cưới nhau. Cả chồng lẫn vợ đều vô công rỗi nghề phải phụ thuộc vào gia đình cha mẹ chồng cả về miếng ăn chốn ở.

Một hôm Bích bàn với chồng:

- Anh Ngọc ơi. Em thấy nhà mình đang ở có thể mở quán cà phê được đó. Sẵn có vườn hoa đẹp mình để ít bàn ghế ngồi uống cà phê sẽ thi vị lắm.
Ngọc thấy ý vợ cũng hay hay. Anh bàn thêm:

- Mở quán cà phê cần nhất địa thế. Mình có sẵn thì tiện. Chỉ cần ít tiền mua bàn ghế và cà phê, anh có thể mượn Ba Má được.

- Em sẽ làm cashier và nhờ chị Vân em Kiều đến giúp. Nhà mình thì hai đứa em anh cũng giúp được nữa. Ai cũng có thể có công ăn việc làm.

Vậy là quán cà phê Ngọc Bích được khai trương ít lâu sau. Quán rất thơ mộng. Những bộ bàn ghế xinh xinh được để rãi rác trong sân lát sỏi, cạnh những bụi hoa lài đang trổ bông thơm ngát và dưới giàn hoa giấy rợp đỏ. Cô cashier và đội ngũ chạy bàn rất trẻ trung, xinh đẹp và nhất là không khí vui vẻ, hòa nhã, thân tình, quý khách, đã lôi kéo rất đông nam thanh nữ tú đến quán. Quán đông khách phần lớn cũng nhờ những nhược điểm tự nhiên của các cửa hàng quốc doanh phục vụ ăn uống thời đó - Khách sắp hàng rồng rắn để mua vé vì họ bán cả đồ ăn thức uống chung, rồi phải sắp hàng một lần nữa để nhận được hàng. Bê được ly cà phê ra bàn thì nghe chung quanh toàn mùi xì dầu, mùi nước mắm. Các cô phục vụ thì mặt mày nhăn nhó, cái thú uống cà phê để thư giãn bỗng trở thành một bữa đi lao động!

Qua tháng sau thì bà Diễm quyết định dành quyền quản lý quán cà phê. Nếu ai không đồng ý thì rút lui. Lâu nay bà ngang ngược quen rồi, và chồng con bị hà hiếp cũng quen nên không ai dám phản đối. Thế là 3 anh con trai, cô con dâu và 2 cô chị em của Bích từ đó làm công cho bà. Nhưng bà lấy cớ quán không có lời, phải đóng thuế và chi phí rất nhiều không trả lương cho ai, chỉ cung cấp mỗi ngày 3 bữa ăn. Lâu lâu quán ế còn bị bớt tiền chợ. Thấy thế chị em của Bích rút lui không làm nữa. Bích phải làm bù thêm cho họ nên bận rộn mệt nhọc hết sức, vậy mà bà nhất định không thuê thêm người.

Gia đình này giống như một xã hội thu nhỏ. Bà Diễm là Tổng bí thư của gia đình và rất chuyên chế. Lời của Bà là luật, là khuôn vàng thước ngọc, trong nhà không ai dám hó hé kình chống. Bà quản lý tài chính và kinh tế, xiết chặt chi tiêu. Từ ông Thái đến mấy người con đều vô sản 100 phần trăm, trong túi ai cũng không có lấy một đồng.

Bà quả là có cái tài kinh bang tế thế của một lãnh tụ, cũng biết quốc hữu hóa, vô sản hóa như ai!
Bần cùng quá thì sinh ra đạo tặc. Thấy vợ có thai, không ăn được và không có gì bồi dưỡng, càng ngày càng xanh xao, Ngọc quyết định ăn cắp sữa cho nàng uống thêm. Phòng hai người có cái cửa ăn thông với phòng bếp của quán cà phê, thế là chờ đến tối khi cả nhà đã ngủ say chàng nhè nhẹ vào đó pha cho vợ một ly sữa bò để có thêm sức mai cày cho quán. Nhưng hai người đâu biết là bà đã tính kỹ cứ một lon sữa bò đong ra pha được 8 ly cà phê sữa. Bà Diễm đã tính đâu ra đó, tính toán chi ly ghi chú hẳn hòi nên sáng hôm sau là lòi tẩy ngay. Thế là một màn kiểm điểm phê phán tưng bừng xảy ra. Chỉ một thẩm phán lên tiếng còn tội phạm thì đứng khóc.

Ông Thái thấy thương con dâu quá và bất nhẫn hết sức nhưng ông đâu dám lên tiếng bênh vực. Thế là ông tìm cách giúp bằng cách lâu lâu rình bà sơ suất thụt két dúi cho Bích thêm ít tiền để đi chợ mua quà ăn thêm. Thật là tội cho ông cha chồng! May mà tay nghề của ông cũng vững vàng nên Bích có thể bồi dưỡng cho đến ngày sinh nở.

Bích ban ngày chạy bàn cho quán, đi chợ lo cơm nước, dọn dẹp, đến tối nàng phải ngồi cắt may từng cái áo, miếng tả cho đứa con trong bụng. Bà Diễm đem cho nàng một vài xấp vải vụn và miếng ra giường cũ để cắt may đồ cho đứa cháu nội đích tôn. Nàng ngồi đó, chắp nối từng miếng vải nhỏ, khâu từng mũi kim để may áo cho con mà nước mắt lưng tròng. Có phải là gia đình nghèo khổ cho cam! Mới mấy ngày trước Diễm Liên    cô chị chồng ở Mỹ vừa gởi về mấy xấp vải, ít quần áo, đồ dùng và thuốc bổ cho mọi người nhưng bà mẹ chồng cất hết lấy lý do thời buổi này mặc đồ đẹp hoặc xài đồ ngoại sẽ bị người ta để ý không tốt. Bà chỉ muốn thu gom và tích trữ chứ không muốn chi ra dù là cho những người thân nhất của mình.

Rồi người em trai kế của Ngọc là Trân cũng lập gia đình và quán có thêm một công lao động thiện nguyện. Không tự nguyện thì đi chỗ khác mà chơi vì nhà này không nuôi báo cô cho ai cả.
Vì cùng cảnh ngộ - cùng bị bóc lột công lao động, và cùng bị áp bức nên hai chị em dâu rất thông cảm và thương mến nhau. Một ngày nọ Thảo, cô em dâu thì thầm bên tai Bích:
- Em và anh Trân tối nay sẽ đi vượt biên. Ở với mẹ chồng như thế này em chắc chết sớm, chịu không nổi đâu.
Bích lo lắng hỏi:
- Có tin được không hở em" Vàng đâu mà em có để đi vậy" Ba Má có biết không"
- Tụi em chỉ cho ba chồng biết thôi. Chuyến đi này anh họ của em tổ chức chỉ đi trong gia đình. Em có than thở về bà mẹ chồng nên ảnh cho vợ chồng em đi không tốn đồng nào. Vì chị có thai gần đến ngày sinh chứ không em xin cho anh chị đi theo. Em thương chị lắm mới cho chị biết. Nếu chờ cỡ 3 ngày sau mà thấy yên tĩnh không có gì xảy ra thì chị qua phòng em lấy quần áo của em về cất mà bán ăn dần. Chị ở nhà ráng chịu đựng nhé. Cầu mong em đi được sẽ gởi quà về giúp đỡ anh chị.

Bích chờ Trân và Thảo đi được 1 ngày, rồi 2 ngày mà vẫn yên lặng không động tĩnh gì thì mừng thầm. Nàng chạy qua phòng Trân Thảo mở tủ nhìn thấy cô em dâu còn để lại một số quần áo còn đẹp và tốt nhưng nhớ lời Thảo dặn là chờ đến 3 ngày nên nàng ráng chờ. Đến ngày thứ 3, Bích chạy qua phòng cô em dâu thì hỡi ôi, tủ áo trống trơn, bà mẹ chồng đã nhanh tay vơ vét sạch sẽ từ hồi nào.

Hôi của thì phải thật nhanh,
Quơ vét sạch bách rành rành xếp to.
Tội nghiệp cả hai cô con dâu. Một người có lòng tốt, một người thật thà cuối cùng chỉ lợi cho "kẻ gian".

*

Thảo Trân ra đi được vài ngày thì sự việc vỡ lở, công an phường và một số du kích mang súng ống vào nhà sừng sộ hạch hỏi. Trong số du kích này có Châu, người em trai của Ngọc và Trân. Vì tránh làm việc với bà mẹ khó chịu và cũng vì để phường khóm không để ý đến sinh hoạt gia đình mình, hai tháng nay Châu theo đội du kích của phường. Không biết có phải chính Châu báo với phường hay là tự họ biết, nhưng anh đã không ngại quát tháo nạt nộ thị uy:

- Tao mà bắt được tụi nó thì cho ở tù mọt gông luôn! Đồ phản quốc!

Trong xã hội hiện nay, không biết ai phản quốc hoặc ai là người yêu nước thật sự. Mọi người đều cố gắng tạo cho mình một lớp vỏ ngoài để an thân sống cho qua ngày. Những người có thể quay lưng 180 độ thì quay thêm 180 độ nữa cũng dễ thôi. Mà thật ra quay bao nhiêu độ cũng không quan trọng nếu ta nhớ được điều căn bản của phép quay trong môn hình học thời trung học - Tâm điểm luôn luôn là điểm cố định. Nếu như cái tâm đã không cố định, dù không quay cả vật thể cũng đổi chỗ. Hai năm sau cũng là Châu đã cùng một số du kích vượt biển ngay đài liệt sĩ của thành phố và vượt biển thành công.

Vài ngày sau đó lại có một chuyện xảy ra. Mới sáng dậy, bà Diễm nói lớn tiếng với chồng nhưng như để nhắn cho những người khác trong nhà nghe:

- Trong nhà này chỉ có hai cặp, tui với ông bị mất của thì còn ai vô đây lấy"

Bích hỏi:

- Má mất cái gì vậy"

- Con Liên gởi cho tui cái kính mát để trong phòng tui. Tự nhiên không cánh mà bay.

Bích nhỏ nhẹ:

- Anh Ngọc và con đâu có lấy gì trong phòng Má.

- Có ai mà lạy ông tui ở bụi này không" Mấy người không lấy thì chắc tui tự lấy của tui chắc"

- Trong nhà còn có em Châu. Má có hỏi nó chưa"

- Nó là con trai mà lấy kính phụ nữ làm gì. Người ta có cần thì người ta mới lấy chứ.

Người nào mà lấy cái kính của tui cho nó bể bụng chết nhăn răng đi. Đẻ con thì đẻ quái thai.

Bích nghe tới đó thì nghẹn ngào. Nước mắt trào dâng. Nàng không thể nào ngờ được bà mẹ chồng lại chụp mũ ghép tội cho nàng và ăn nói cay độc như thế. Ngay cả đứa con trong bụng nàng tức là đứa cháu nội của bà ta mà cũng đem ra trù ẻo. Nàng tấm tức khóc và nghẹn ngào nuốt nỗi oan vào lòng.

Cả ngày hôm đó, không khí trong nhà tựa như bị một bóng mây bao phủ. Bà Diễm thấy mặt Bích là nguýt háy, nói xa nói gần. Ông Thái và Ngọc thì im re không dám lên tiếng. Bích vừa làm việc mà vừa nuốt nước mắt. Quán bây giờ chỉ còn ba má chồng, và hai vợ chồng nàng coi sóc mà số lượng khách vẫn đông nên ai cũng làm việc không ngơi tay. Châu thì làm việc bên ngoài đến tối mới về.



Bích vừa làm vừa ngóng nhìn Châu để hỏi cho ra lẽ. Đến khi Châu vừa dắt xe đạp vào sân, nàng chạy ra hỏi ngay:

- Chú Châu có thấy cái kính mát của Má không" 

- Cái kính nào của Má"

- Cái kính mát của chị Liên vừa gởi về đó.

Châu nói:

- Cái kính đó là của chị Liên gởi cho chị Thảo chứ đâu có phải cho Má. Chị Thảo đi nên em lấy tặng cho con bồ của em rồi.

Bích mừng rỡ:

- Trời ơi chú lấy mà không nói với Má làm cả ngày nay bả cứ đổ cho chị lấy. Chú làm ơn tới nói với Má dùm chị đi.

Châu đi tới quầy cashier nói với bà Diễm:

- Má! Con lấy cái kính mát đó.

Bà Diễm hỏi nhỏ:

- Của tao mà mày lấy làm chi"

Từ ngày Châu dắt công an về nhà hạch hỏi việc Thảo Trân đi vượt biên, bà Diễm hơi kiêng nể anh một tí, không dám hống hách hà hiếp như những người còn lệ thuộc bà ta. Châu cũng thấy mình có uy hơn trong con mắt bà mẹ nên anh bớt sợ bà như ngày xưa. Anh tỉnh bơ nói:

- Con lấy cho con bồ rồi. Mắt kính này dành cho bọn trẻ tụi con, Má đeo sao hợp!

Bà Diễm ngậm miệng nín thinh. Bích từ xa theo dõi cuộc nói chuyện của hai mẹ con. Nàng nhìn đăm đăm vào đôi mắt của bà mẹ chồng cay nghiệt. Đôi mắt của nàng như chất chứa những u uất, oán hờn, trách móc, và đôi mắt như muốn nói lên niềm hãnh diện của một con người ngay thẳng, trong sạch. Bà mẹ chồng bắt gặp ánh mắt của cô con dâu, quay mặt đi giả lã bảo thằng con du kích:

- Mày thật là phí, không dùng cũng có thể bán lấy tiền chứ.

Vậy là sự tình đã rõ. Chẳng một lời xin lỗi đã đổ oan. Chẳng một câu nói cho mát lòng người bị chụp mũ. Có lẽ bà mẹ chồng cho rằng đám dân thấp cổ bé miệng thì chẳng đáng nhận lời xin lỗi chăng"

Đến ngày Bích khai hoa nở nhụy, nàng sinh ra một bé trai nhỏ xíu nặng có 2 kg. Có thai mà không được bồi dưỡng nên con sinh ra ốm yếu là phải. Đứa bé bị xếp vào loại sinh thiếu tháng vì trọng lượng dưới tiêu chuẩn.

Mấy tuần đầu sau khi sinh, Bích và chồng phải thường xuyên thay nhau đưa đứa bé đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Điều này cũng khiến bà Diễm không vừa lòng vì sẽ thiếu người làm việc cho quán. Bà cứ la mắng dằn vặt không thôi. Bích nằm dưỡng được hơn tuần thì bà Diễm lại nói xa nói gần, chịu không nỗi nàng lại ráng gượng dậy ra quán giúp đỡ. Mặc dù trong thời gian nàng sanh nở, hai chị em gái của nàng có tới quán phụ giúp nhưng tính bà Diễm là như vậy. Bà không thích thấy người khác nằm không. Ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày.

Sinh con xong nàng cũng không được ăn uống bồi dưỡng nên sữa mẹ cạn dần, phải pha sữa bò hoặc pha bột ngũ cốc cho đứa bé uống thêm. Thằng nhỏ bị tiêu chảy rồi kiết lỵ liên miên, xanh dờn. Nhìn con mà hai vợ chồng đều ứa nước mắt. Bà Diễm làm ngơ, làm như đứa nhỏ không liên hệ gì đến mình. Ông Thái lại thụt két, len lén đưa tiền cho con dâu để mua sữa similac dấu pha lén cho thằng cháu nội uống. Ông càng ngày càng tắt tiếng trước bà vợ già mồm, hung dữ, đanh đá mà chỉ lén lút đứng sau lưng bà tìm cách giúp đỡ con cháu mà thôi. Mà đâu có nhiều nhõ gì cho cam, chỉ như muối bỏ biển.

Đầu năm 78, Châu vượt biển được tàu Mỹ vớt và qua Mỹ đoàn tụ với chị em bên đó. Giữa năm thì Bích sinh thêm một bé trai.

Năm đó nhà nước ban hành lệnh đổi tiền. Bà Diễm lôi một cái thùng gỗ ra và thất thanh kêu trời:

- Trời ơi! Chết tôi rồi. Ông Thái ơi tới mà coi đây này.

Ông Thái chạy đến nhìn, rồi cũng thất thanh la lên:

- Trời ơi sao lại vậy hở"

Nghe tiếng la của bà rồi đến ông, Ngọc và Bích chạy vào phòng hai ông bà và mở to mắt nhìn vào thùng. Trong thùng đầy những cọc tiền căng tròn được quấn bằng dây thun. Bó tiền nào cũng bị mối ăn loang lổ. Hai cặp vợ chồng cùng đứng lặng đi trước thùng tiền, mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Kẻ tiếc tiền, người trách móc...Tiền nhiều như thế mà cứ than khổ, than nghèo, và bắt cả nhà ăn đói mặc rách. Vậy là công sức của bà coi như đi đong. Sức lao động của mọi người thì coi như bị tiêu phí từ lâu nhưng tiếc là tiếc cái công của bà đã tính toán chi li, hà tiện ăn khổ, không dám xài...

Bữa cơm chiều hôm đó trôi qua trong yên lặng, gần cuối bữa bà Diễm lên tiếng với Ngọc và Bích:

- Má hà tiện lâu nay cũng là để dành dụm phòng khi bất trắc, mà về sau cũng là để lại cho tụi con thôi chớ ai vào đây nữa. Có điều mình gặp vận xui nên mới xảy ra cớ sự như vậy, thôi thì các con tiếp tục cố gắng làm ăn, đừng nản.

Ông Thái là họa sĩ thứ thiệt nhưng chắc cũng không vẽ ra được cái bánh ngon lành như vậy đâu. Ngoài kia, cái loa phóng thanh chĩa vào nhà cũng bắc đầu chương trình bình luận chính trị. Tiếng xe cộ ồn ào nên Bích nghe chữ được chữ mất nhưng hai chữ "mị dân" nàng nghe đến mấy lần.
Đến cuối năm 78, nhà nước tịch thu ngôi nhà của hai ông bà Thái Diễm và ba hãng nước đá mặc dù đã ngưng hoạt động từ lâu. Quán cà phê coi như đóng cửa. Cá lớn nuốt cá bé là phải thôi. Ngày xưa bà đoạt cái quán cà phê của con cái thì giờ đây nhà nước đoạt đi cơ ngơi của bà. Có vay thì phải có trả. Có điều vay một đằng trả một nẻo thì cũng hơi bất công.
Sáng sớm hôm phải dọn nhà, bà phát cho mỗi người trong nhà hơn chục cây vàng bảo lận trong người để nếu đồ đạc bị giữ lại tịch thu thì còn có vàng trong mình mà thủ. Số vàng này bà để dành từ trước năm 75 do kinh doanh nước đá. Cũng may mà chỉ bị mất nhà, người ra đi an toàn không bị xét chứ không thì thật sự là trắng tay.

Cả nhà nay dời về một căn hộ của chung cư gần chợ Đầm. Quán cà phê mở lại, địa điểm có khác, phòng ốc có khác, khách thu gọn hơn, nhưng dù sao vẫn có thể có công ăn việc làm cho cả nhà.

Năm 1985, giấy tờ bảo lãnh qua Mỹ của cô con gái lớn Diễm Liên theo diện đoàn tụ đến hạn. Gia đình ông bà Thái, gia đình Ngọc-Bích và 2 đứa con cùng được ra đi. Căn hộ chung cư giao lại cho nhà nước. Tất cả tiền bạc đều được ông bà lén lút chuyển trước cho Diễm Liên giữ hộ. Ông bà Thái Diễm diện ưu tiên nên được bay thẳng qua Mỹ từ Thái lan, còn gia đình Ngọc Bích thì phải đi trạm chuyển tiếp Bataan 6 tháng rồi mới qua California.

Qua California, ông bà Thái Diễm vì đã lớn tuổi nên xin được trợ cấp người già ngay. Hai người thuê căn nhà của cô con gái Diễm Hương ở, cho share vài phòng để trả tiền nhà cho Diễm Hương. Tiền trợ cấp bà giữ hết, ông vẫn thành vô sản như ngày nào. Còn số tiền ngày xưa gởi qua cho cô gái lớn Diễm Liên giữ vẫn để nàng giữ hộ vì ông bà hưởng tiền trợ cấp không thể có một số tiền lớn được. Diễm Liên cũng đem số tiền này mua cổ phiếu luôn và cho ông bà biết số tiền nay cả vốn lẫn lời lên đến cả trăm ngàn đô la.

Còn số tiền trợ cấp hàng tháng, bà tiện tặn chắt chiu để dành, rồi gởi cho cô con gái thứ hai là Diễm Hương giữ và đầu tư dùm. Bà nghĩ là gởi 2 bên thì chắc ăn hơn và tự khen thầm mình là nay bà thật khôn ngoan đã biết đổi mới đầu tư, cần gì phải khổ thân với mấy hãng nước đá như ngày xưa mà vẫn tiền vào như nước.

Diễm Hương qua Mỹ từ năm 75, nàng lập gia đình năm 79 và hai vợ chồng mở tiệm bán đồ gỗ làm ăn rất khấm khá. Lúc cha mẹ qua nàng có đến 3 ngôi nhà, cho cha mẹ thuê một nhà để ở. Nàng còn bắt chước chị Diễm Hương mua bán cổ phiếu, lúc có thời tiền vào như nước. Nàng cho bà biết số tiền bà đưa cho nàng nay lên gấp 10 lần. Bà Diễm thấy vậy càng mừng là đã đầu tư đúng chỗ. Cô con gái út của bà thật là xinh đẹp tài giỏi chẳng ai bằng.

Hai vợ chồng Ngọc Bích và hai con đến California thì thuê appartment ở riêng chứ không ở chung với cha mẹ chồng nữa. Hai vợ chồng đều kiếm được việc làm và rất mừng vì từ nay có thể tự nuôi sống cho gia đình riêng của mình. Biết tính mẹ chồng, Bích thường nhắc chồng thỉnh thoảng biếu cha ít tiền tiêu vặt. Ông Thái đã dấu tiền như mèo dấu cứt vì nếu bà biết được sẽ tịch thu ngay. Ông còn con cháu của người anh Cả ở Việt nam. Ngày xưa từ ngoài Bắc, ông anh cả đã dẫn người em út là ông vào miền Nam, thương yêu, nuôi nấng và lo cho ông ăn học thành tài, lại còn giúp vốn để ông có thể mở nhà máy nước đá. Công ơn và tình nghĩa của người anh có thể sánh như người cha trẻ. Nay anh Cả đã mất, đến ngày cúng giỗ nhờ số tiền dành dụm này mà ông thỉnh thoảng có thể lén lút gởi về chút ít làm quà và cúng giỗ người anh.

Ông bà qua xứ người thì đã có tuổi nên ở nhà làm vườn, săn sóc nhà cửa và nhận giữ trẻ kiếm thêm tiền. Dĩ nhiên là ông phải lo cho đám trẻ và tiền thì vào túi bà. Bà vẫn ăn hiếp chồng, vẫn bắt ông phục vụ tối đa từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Phải cái trời thương, ông đặt lưng xuống giường là ngủ say ngay. Điều này cũng làm bà tức tối vì bà lại có chứng khó ngủ. Có lẽ vì đầu óc cứ lo toan tính toán tiền bạc nên trời bắt tội chăng! Mà bà ngủ không được trong khi ông ngủ ngon lành không phải là bất công với bà ư" Thế là bà lại dựng ông dậy, lúc thì pha ly sữa, lúc thì nấu tô mì với cớ là ngủ không được, sức khỏe yếu cần bồi dưỡng.

Năm ông Thái được bảy mươi lăm, vì bị bịnh chai dưới gót chân nên ông phải mổ và từ đó ông đi lại rất khó khăn, bước đi chậm và cứng như người máy. May mà còn lê chân được để còn phục vụ bà vợ. Bà vẫn sai vặt ông làm này làm nọ như ngày nào, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, làm vườn, giữ trẻ nít. Ông vẫn làm không ngơi tay nhưng nay phải làm chậm chạp mất thời giờ hơn. Nhiều hôm mệt mỏi mà vẫn không nghỉ ngơi được vì nằm không yên, bà cứ sai vặt suốt.

Mấy năm sau ông bị loét bao tử nặng, phải vào nhà thương lần nữa. Năm 2000, 6 tháng sau cuộc giải phẫu, ông Thái đã ra đi. Cùng lúc đó bà Diễm lại bị ung thư tử cung và cũng phải giải phẫu, sau đó chuyển qua tịnh dưỡng trong một nursing home. Tưởng bà mất kỳ này nhưng không hiểu sao trời không cho bà chết để mà chứng kiến những cảnh đau lòng.

Ngày bà Diễm bớt bịnh phải ra khỏi nursing home thì Diễm Hương vì làm ăn sa sút phải bán tiệm, bán nhà. Căn nhà ông bà Thái Diễm thuê của cô ở lâu nay vừa mới bán nên bà không thể về lại đó nữa. Các người con họp lại để xem ai có thể đón bà về phụng dưỡng. Hai cô con gái mà bà cưng yêu lâu nay đều im lặng thay cho lời từ chối. Bốn  người con trai cũng đều im lặng vì ai cũng biết tính khó khăn cay nghiệt của bà. Bà rất thất vọng và đau lòng vì không ngờ mình không có chỗ đứng trong tim của đứa con nào.

Nhưng điều này cũng chưa đủ đứt ruột, mà chính là chuyện khác kìa. Khi bà lên tiếng đòi lại số tiền mà Bà đã gom góp, chắt bóp, xiết cổ ông và mấy đứa con để gởi cho hai cô con gái đầu tư thì mới biết rằng số tiền đó đã mọc cánh mà bay. Cổ phiếu hai cô mua cho bà đã lỗ sạch từ khi nào. Bà Diễm ngã đùng ra chết giấc khi nghe cái tin động trời đó.


***
Vợ chồng Ngọc và Bích từ ngày qua Mỹ đến nay lo làm ăn chăm chỉ, cần mẫn nên cũng dành dụm mua được căn nhà nhỏ. Hai đứa con đã lớn và đều có công ăn việc làm. Khi nghe chồng đi họp gia đình về báo cho biết là anh chị em không ai chịu đứng ra lãnh bà về nuôi, Bích suy nghĩ một lúc và nói với chồng:

- Bây giờ Ba đã mất còn Má thì không nhà không cửa để về. Em thấy bả cũng tội, dù gì cũng là Má của anh. Nay nếu để Má sống suốt cuộc đời còn lại trong nursing home em thấy không đành. Thôi có gì tụi mình rước Má về để phụng dưỡng nghe anh.

Ngọc thấy mừng vì vợ mình biết thương và hiếu để với mẹ chồng nhưng chàng cũng lo:

- Má khó tính quá! Mấy năm nay qua Mỹ tụi mình mới được sống vui vẻ thoải mái, rước Má về sợ sẽ cực và khổ lắm đây. Ngày xưa ở Việt nam sống chung với Má mình đã nếm đủ mùi rồi. Nay không có Ba để hầu bả sợ mình hầu không nổi đâu.

- Không nổi thì cũng phải ráng. Hai đứa con mình cũng đã lớn, tụi nó chắc cũng phụ với mình lo cho bà. 4 người mà lo không nổi 1 bà già sao anh"

Cuối cùng, vợ chồng Ngọc Bích rước mẹ về ở chung. Bà Diễm rất mừng và cảm động không ngờ đứa con dâu ngày nào bà thường hành hạ, đối xử khắc nghiệt mà nay lại trở thành khúc ruột ngàn dặm rộng lòng bỏ qua đem bà về cưu mang.

Nhưng bản tính khó đổi, Bà vẫn khó chịu, đòi hỏi đủ thứ, hành con hành cháu từ A tới Z. Bà dòm ngó, coi thử con dâu có nắm tiền như bà ngày xưa không" Đến khi thấy trong gia đình Ngọc là người quản lý tiền bạc, trả bill viết check thì bà yên tâm. Mặc dù trong gia đình tất cả những người con ruột của bà, không ai đối tốt với bà bằng một góc của người con dâu này, bà vẫn không muốn đồng tiền của gia đình bà (tiền của thằng con) lại do người ngoài nắm giữ.

Mấy đứa con ruột thỉnh thoảng mới đến thăm bà. Họ nói:

- Mỗi lần tới thăm Má cứ nghe bả than về tiền chán hết sức.

Hai cô con gái Diễm Liên và Diễm Hương thì hầu như trốn luôn vì gặp mặt là nghe bà chửi:

- Trời cũng phạt tụi mày. Tụi mày moi gan cắt ruột cũng không ác bằng lấy tiền của tao.

Mấy cô cãi: 

- Tụi con có lấy tiền Má đâu. Má đầu tư cổ phiếu thì lời ăn lỗ chịu chứ.

Bà liền bù lu bù loa:

- Tại tao "ngây thơ" mới để tụi mày dụ. Tụi mày lấy tiền bà già này thì con cháu tụi bây sẽ hại lại tụi bây. Hu hu. Ông trời ngó xuống mà coi này.

Cứ thế, con cháu xa lánh dần không còn lại thăm bà nữa thì bà lại than:

- Mấy đứa con tui bất hiếu không đến thăm.

Bích an ủi:

- Tại mấy em bận đi làm không đến thăm Má được thôi.

- Hồi xưa còn ổng lo cho tao đủ thứ thật sướng. Ổng chết rồi tao khổ quá.

Bích trách:

- Nếu hồi đó Má lo cho Ba thì Ba không chết sớm. Ba bịnh hoạn mà Má còn hành Ba để Ba bị yếu và bịnh nên mới chết đó.

-Ờ, hồi đó sao mình còn "ngây thơ" quá!!!

Đến lúc này mà bà vẫn chưa nhận ra cái tính xấu của mình mà còn tự cho là vì mình "ngây thơ". Cái ngây thơ thật là chết người.

Cuối cùng chỉ còn lại vợ chồng Ngọc, Bích lo cho mẹ. Những ngày bà Diễm có hẹn phải đi khám bác sĩ, chính Bích là người đã đưa bà đi không bỏ một cái hẹn nào. Có lần bà vì uống thuốc để siêu âm đường ruột, đã đi cầu chảy vương vãi ra thảm của bệnh viện và cũng chính Bích đã lo lau chùi dọn dẹp. Trong nhà nàng lo cho bà từ miếng ăn giấc ngủ mà không một tiếng than thở hoặc nề hà. Thấy vậy Ngọc rất thương và nể vợ. Chàng thương cho cái chịu thương chịu khó và nể tấm lòng tốt của nàng đã không thù hiềm mà còn lo lắng chăm sóc cho mẹ chồng. Nàng thật là một người phụ nữ thời nay có đủ cả công, dung, ngôn, hạnh mà chàng may mắn cưới được.

Ở nhà Ngọc Bích được 5 năm thì Bà Diễm bị tái phát ung thư. Cũng may cho bà là nhằm lúc Bích bị thất nghiệp nên nàng có thời giờ thêm để săn sóc bà. Bịnh của bà càng lúc càng trầm trọng phải thường xuyên chịu nhiều đau đớn. Nhiều lúc Bà không thể điều khiển được hệ đại tiểu tiện nên rất bẩn thỉu, dơ dáy và Bích phải dọn dẹp, chùi rửa cho mẹ chồng cũng như phòng ốc rất bận rộn, và cực khổ.

Được mấy tháng, Ngọc thấy vợ vất vả quá, hơn nữa trong nhà cũng không có đủ phương tiện cũng như điều kiện để săn sóc và lo toan cho bệnh tình của mẹ nên chàng quyết định đưa bà vào nhà thương và sau đó chuyển qua nursing home để y tá chăm sóc. Hàng ngày Bích nấu những món ăn Việt nam mà bà ưa thích rồi đem vào nursing home cho bà, nhưng bà vẫn than vãn:

- Tao muốn chết quá! Sống làm chi vậy không biết. Sức khỏe không có, tiền bạc cũng sạch.

Bích hỏi:

- Chứ Má cần tiền làm gì" Trong này họ lo cho Má đủ thứ. Má cần gì thêm thì nói tụi con mua cho.

Bà khẳng định:

- Tao không cần gì hết. Tao chỉ cần tiền thôi.

Bích thấy tội nghiệp bà mẹ chồng hết sức. Đến khi nào bà mới chịu buông tay đây. Giờ sức khỏe bà rất suy yếu, bệnh tật hành hạ đau nhức suốt ngày, nhưng trái tim bà cứ bị nhức nhối vì tiền. Miệng bà thì cứ than khổ đòi chết nhưng linh hồn cứ bị đồng tiền níu kéo để chịu đày đọa trên cõi trần gian. Sống không ra sống, chết không ra chết và đã bị tiền hành cho đến cuối đời.

*

Nhưng rồi, bịnh của bà bỗng trở nặng. Biết mình sắp ra đi, bà kêu riêng Ngọc ra dặn:

- Má còn 400 đồng đây! Con ra đổi hết tiền vàng âm phủ rồi đem vào đây cho Má coi.

- Mua gì nhiều dữ vậy Má"

- Mày cứ mua hết cho Má. Má muốn nhìn trước tiền Má sẽ có ở thế giới bên kia.

- Má tin vậy sao lâu nay giỗ Ba mà Má không chịu đốt xuống cho ổng giữ trước"

- Để cho tụi con gái thấy ổng có tiền rồi dụ à! Tao đâu có ngu.

Trời ơi là Má của chàng! Ngọc hết nước nói. Nhưng dù gì bà Diễm cũng chỉ nghĩ tới cuộc sống cho một thế giới khác chứ không phù phiếm đòi xây lăng tẩm cho thiên hạ trầm trồ thán phục. Bà cũng thực tế quá đi chứ, mặc dù đó chỉ là một cái thực tế rất không thực tế.

Vài ngày sau bà Diễm ra đi, yên tâm với số tiền vàng ở thế giới bên kia bà sẽ có. Lúc thay quần áo cho bà lần cuối, Bích thấy bà còn một cái túi nhỏ gài kim băng đính vào bên trong áo. Bên trong cái túi là 900 đồng đô la Mỹ được xếp và vuốt thẳng nếp. Bà vẫn còn tính kỹ và nhất định không cho ai mặc dù biết rằng sắp từ giã cuộc đời.

Thế là xong một kiếp người. Chết mà vẫn còn ham tiền! Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già...

Nhưng cũng... là cái đà ác nghiệt, đã vắt kiệt tình yêu, đã triệt tiêu tình cảm, đã giết thảm tình mẹ con, và cuối cùng chỉ là tiền... Âm Phủ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 66,655,353
Tôi được sanh ra ở đất Mỹ này khi Mẹ tôi vừa hai mươi bốn tuổi. Mẹ tôi vừa xong đại học và có việc làm vững chắc.
Tác giả Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một Facilitator cho những buổi học thảo nói về Hệ Thống Học Đường tại California
Với 11 bài viết trong năm, trong đó có tới 4 bài vào "top ten" về số lượng người đọc nhiều nhất trên Vietbao Online, Quân Nguyễn là tác giả đã nhận giải
Xóm nhỏ của Em hồi ở Việt Nam chỉ mỗi độc nhất một ông bác sĩ Ngôn. Nam phụ lão ấu trong vùng ít nhiều gì cũng phải đặt chân đến phòng mạch của ông một lần
Tác giả 37 tuổi, cư dân Midway City, CA, công việc: Civil Engineer, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt, trong số này có "Rằng Xưa Có Gã Làm Nail,"
Bồ Tùng Ma tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ
Ông hiện là cư dân Westminster, vùng Little Saigon, đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Sau đây là bài viết thứ năm  của ông, với nhiều nỗi cay đắng.
Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Định cư tại Mỹ. Tốt nghiệp Management Information System. Hiện là cư dân Florida
Địa chỉ nhà tôi có chữ CT (Court) sau tên đường, tức là trong vòng lẩn quẩn của mươi căn nhà, tạo thành một vòng tròn đồng tâm là cái công viên nhỏ nhỏ
Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007