Hôm nay,  

Giấc Mơ Đi Mỹ

16/03/200700:00:00(Xem: 36537)

Người viết: Tuyết Mai

Bài số 1219-1830-537vb5150307 

Tác giả Tuyết Mai, cư dân Virginia, là một nhà báo theo sát các sinh hoạt cộng đồng, đã cung cấp cho báo chí nhiều bản tin, bài tường thuật các sinh hoạt  đặc biệt của người Việt vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của chị. 

*

Quê tôi ở làng Phú Thứ, quận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Đầu  ngỏ có bụi tre làng lã ngọn, dưới  bụi tre có quán nước nhỏ,  từ ngoài quốc lộ vô tới nhà phải đi trên con đường đất đỏ khá xa, hai bên có đầm sen, súng, ao rau muống, rau diếp, ao bèo và ruộng xanh mướt. Chung quanh nhà có nhiều cây ăn trái như sầu riêng, chôm  chôm, dâu, bòn bon... Trong vườn có nhiều mương  nước để tưới cây và cũng để nuôi cá đồng. Sau vườn có giếng nước và vườn rau. Khi nào muốn ăn cá thì đem lưới nhỏ ra  ao lặn lội một hồi thì có một mớ cá con, luơng, ếch, cồng, a khía...

Đời sống ở miền quê rất yên lành, nhà cửa xa xa nhưng trong xóm làng ai cũng quen biết và tận tình giúp đỡ nhau những khi hữu sự, ốm đau. Những khi có người chết thì cả xóm xúm nhau  lo may táng, đêm luôn có người  thức  đốt nhang và đàn hát vọng cổ cho không khí  ấm cúng. 

Ở dưới quê không có trò giải trí gì vui,  coi hát bóng hay cải lương như ở thành phố. Khi nào trời tạnh ráo,  không mưa, sáng trăng thì trai gái trong xóm tụ tập nhau dưới gốc mấy  cây  rơm hò hát đối đáp, đây cũng là dịp để trai gái bày tỏ những tình cảm thầm  kín của mình với người mình thầm yêu trộm nhớ.  Mấy cậu  trai làng  hay hò  bóng  gió: "Ai thương , ai  nhớ,  ai đợi , ai chờ.."

Nhiều khi các cô trả lời là:

"Em chờ cho hết sức chờ,

 Chờ cho rau muống lên bờ trổ  bông"

Vậy là  chịu quá chừng rồi mà  mấy ảnh chưa dám nắm tay. Nhiều khi con trai mà cù lần quá con gái cũng bắt chán!

Ở dưới quê tôi đàn bà con gái hay đội khăn trên đầu, không phải để làm duyên làm dáng mà trời nắng quá  phải che cho đỡ đen đúa. Có vậy mà mấy anh trai làng  cũng có câu hò:

"Em cười  như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen

Anh không có chê em xấu em đen

Em như nước đục đánh phèn sẽ trong.

Tôi đối đáp lại, đối đáp phải đối ý , ăn vần mới hay, chứ không được tự do:

"Em đen nhưng hai má núm đồng tiền

Càng trông càng thích,  càng nhìn càng thấy có duyên"

Đối đáp  được một câu thật ý nghĩa  là coi như  thắng cuộc, là vui, hò qua hát lại vài ba câu thì trời tối  phải về nhà. Đời sống ở quê  thật  êm đềm  bình dị.

Anh Hai tôi thích đời sống giang hồ nên đăng  vô lính thủy. Một hôm anh về với một người bạn cùng đơn vị. Bấy  lâu nay ở quê,   tôi chỉ quen mấy  anh làm ruộng đen thùi đen mò,  nay thấy anh lính thủy này trong bộ đồ trắng toát,  tôi thích ngay.

Tôi đưa anh ta ra  xem vườn , anh ta rất thích thú  thấy trái cây  nặng trĩu cành. Trong vườn có nhiều mương nước, phải nhảy mương hay  qua cầu  nhỏ,  không biết lần này có anh  lính thủy bên cạnh  tôi run hay sao  mà trợt chân bị té  xuống nước.  Anh chàng đỡ tôi lên, vạch áo  vạch quần tôi ra coi chỗ nào bị trầy trụa chảy máu , rồi xoa nhẹ  cho bớt  đau.

Chèn ơi! từ nhỏ tới lớn  chưa hề có người con  trai  nào đụng tới người tôi mà bây  giờ tự  nhiên anh này xoa tay xoa chân ,  tôi run như thằn lằn đứt đuôi. Một cảm giác tê dại ngây ngất lan truyền khắp thân thể, tôi không còn thấy đau đớn,  mà còn muốn té thêm vài lần nữa.

Hai đứa chui qua mấy lùm cây , anh nắm tay, hỏi thăm còn đau không"  những câu thăm hỏi thật ngọt ngào, dễ mến . Thấy hai đứa ở dưới lùm cây  lâu,  má tôi kêu vô ăn cơm. Vào nhà ba tôi hạch hỏi anh chàng đủ điều phải khai ra hết, tên gì, họ gì, cha mẹ ở đâu, ông nội ông ngoại còn sống không, làm nghề gì...

Sau bữa đó , sau lần xoa tay  xoa chân đó, chiều nào tôi cũng ra bờ ao ngẩn ngơ hướng về chân trời xa, nghe cóc nhái ễnh ương hòa tấu  nhạc khúc hoàng hôn nơi thôn dã,  tôi gởi theo  đàn cò trắng  bay ngang bao nỗi nhớ nhung.

Lính nào đánh trận  giày đinh bết  bụi đất hành  quân, chứ mấy chàng lính thủy thì chiều  chiều mặc quần áo láng cón, "đi bờ" đẹp như lính kiểng,  làm mấy cô gái quê mê chết bỏ, trong số đó có tôi. Các anh  có tiếng đào hoa,   "trăm bến nước vạn bến tình" . Từ  Nha Trang vào  Vũng Tàu về Đồng Tâm qua Năm Căn xuống Cát Lái, tấp bến nào có  đào bến nấy. Anh bạn tôi đi biền biệt không  trở lại cho tới một hôm anh bị mấy cô học sinh ở trường tỉnh đá đau thì  mới trở về  với cô  gái nhà  quê  này " ta về ta tắm ao ta".  Thế là chúng tôi lấy nhau.

Anh chồng đi đâu tôi chẳng biết, lâu lâu về thăm nhà thì tôi mang bầu, có được  hai đứa con. Tôi yên phận ở nhà  săn sóc mẹ cha già và vườn tược và chờ đợi anh về.

Kế đến 30 tháng 4, không thấy  anh về , hỏi thăm khắp nơi không ra tông tích, tôi nghĩ anh đã chết rồi  nên đã để hình lên bàn thờ và mỗi tối thắp nhang cầu nguyện cho vong linh anh được siêu thoát ở cõi trên.  Mãi mười năm  sau có liên lạc giữa Mỹ và VN , một người bạn của ảnh về VN tôi  mới được  biết là lúc đó ảnh đã theo tàu của đơn  vị chạy  thoát, hiện  đang có vợ Mỹ và có một đứa con lai.  

Nghe ảnh  còn sống tôi hết đổi vui mừng  còn chuyện có vợ Mỹ thì cũng cảm  thông cho đàn ông làm sao sống cô đơn mười  năm được. Nếu như ảnh còn nghĩ đến mẹ con tôi, làm giấy tờ bảo lãnh cho  qua đó thì tôi  làm bà lớn,  con Mỹ kia làm bà nhỏ cũng được. Người đàn bà VN có  đức tính nhẫn nhục, bao dung,  lúc nào cũng sẳn sàng hy sinh cho chồng con.

Một thời gian sau thì  tôi nghe đâu con Mỹ đó bỏ ổng,   ổng mới thấm thía tình đời  muốn trở về "ta tắm ao ta" một lần nữa,  lúc đó  mới làm giấy tờ  bảo lãnh mẹ con tôi qua Mỹ.

 Hôm người ở phòng di trú trên thành  phố đem giấy tờ lên, báo tin tôi có giấy bảo lãnh cho tôi  đi Mỹ, tôi cầm tờ giấy mà lòng vui như sắp được lên thiên đàn. Nghe  nói bên Mỹ ai cũng giàu có lắm, người nào cũng là kỹ sư, bác sĩ,  toàn  ở nhà lầu chứ không có nhà tranh, vách đất,  ai cũng có xe hơi và thịt thà cá mú dư ăn . Tôi ghé cho Bác Tám , Chú Sáu  rồi Cô Năm  hay tin vui này, thế là chẳng mấy  lúc cả làng biết  tôi sắp đi Mỹ. 

Tối  hôm đó cả xóm đến   nhà tôi thăm hỏi, chia vui, chúc mừng:"thiếm thiệt là có phước, hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai".  Bà con  người thì hứa khi  tôi đi  sẽ cho tôi một  hủ mắm thái, người   sẽ cho  đòn chả lụa,  bánh ú, bánh tét, tôm khô...Thật là vui, cho tới chết tôi sẽ không bao gìờ quên những hình ảnh  thân thương của bà con hàng xóm láng giềng  quê hương Việt Nam.

Rồi ngày đi tới, tôi vui buồn lẫn  lộn, từ nay tôi sẽ giã từ cuộc đời cơ cực ở đồng quê, một mặt tôi xa cha mẹ đã già yếu không biết có ngày  nào  gặp lại  không".  Kiếp nguời,  hình như không ai sinh ra để được sống trọn vẹn trong hạnh phúc. Lúc  xe chuyển bánh,  nhìn cha mẹ ràn rụa nước mắt, nhìn bà con hàng xóm láng giềng,  bụi tre già lã ngọn,  quán nước  đơn sơ, những mái nhà tranh đầu ngõ với  giàn mướp hoa vàng,  ao bèo , đầm sen , con đường đất đỏ , cây dừa, hàng cao ... tôi cố thu hết những hình ảnh thân yêu này vào đáy mắt. Tôi  hứa với mẹ cha, một thời gian ngắn, hai ba năm nữa  tôi sẽ trở về, sẽ đem cha mẹ qua đó  để săn sóc tuổi già.

Tôi khóc nhiều, xe chạy một lúc tôi mệt nên  ngủ thiếp,  không mấy lúc đến Phi trường Tân Sơn Nhất.  Ở đây   tôi được hướng dẫn làm giấy tờ, chờ đợi vài giờ rồi lên phi cơ. Khi  phi cơ cất cánh, qua cửa sổ phi cơ, tôi nhìn quê hương một lần cuối, bây giờ  tôi thật sự rời quê hương Việt Nam  thân yêu, nước mắt  trào tuông. 

Tôi ngủ hai ba giấc, đổi hai ba chuyến  thì phi cơ đáp cánh xuống một phi truờng ở Hoa Thịnh Đốn, chồng tôi đã chờ đón ở đây. Qua cửa khẩu việc đầu tiên là nhân viên kiểm soát  bỏ hết những thức ăn mà bà con cho mang theo vì không được  đem thức ăn thịt cá vào nước Mỹ, tiếc ơi là tiếc.

Mẹ con tôi được đưa  về  một khu apartment, mà tôi nghe tiếng từ bên VN là nhà lầu. Nhà lầu ở đây không giống như nhà lầu tôi thấy ở thành phố Saigon, nhà lầu ở đây vách tường dơ quá, không khí ngột ngạt khó thở, ẩm thấp, có mùi khai. Sau khi vào nha, chồng tôi dặn dò phải cẩn thận , không đựợc mở cửa khi có tiếng gõ cửa, phải coi trước  coi sau cho kỹ qua cửa sổ, thấy người quen mới mở cửa.  Ở quê mình  nhà  không bao giờ đóng cửa,  vậy Mỹ có tiếng là  văn  minh thì  văn  minh cái gì"

Không biết tiếng Mỹ tôi như người câm, điếc. Mỗi lần có điện thoại reo là tôi cuống cuồng lên, nửa muốn trả lời vì có thể bà con gọi lại trò chuyện mà nửa sợ vì cũng có thể là người Mỹ, nghe tiếng Mỹ đầu dây bên kia là tôi run lên, cúp ngang.

Suốt ngày ở trong nhà,  ngồi bên lò sưởi , tôi nhớ mấy  đàn gà con kêu chút chít dễ thương trong sân và ba tôi  vào nhà lấy thóc cho  vịt ăn.

Ở nhà một thời gian ngắn thì chồng tôi  xin cho tôi vào  làm phụ bếp trong một nhà hàng VN. Công việc quần quật bảy ngày một tuần, từ mười giờ sáng đến mười giờ đêm, làm đủ chuyện hết mà lương thì rất thấp vì họ cũng không có lời nhiều.  Tôi không có chữ nghĩa  nên đành chấp nhận. Chồng tôi  cũng ôm hai việc, rời nhà từ bốn giờ sáng đến mười hai giờ đêm mới về tới nhà. Hai vợ chồng bù đầu để có đủ tiền trả nợ xe, nợ  nhà. Nhưng có việc tạm sống thì cũng mừng rồi.

Hai con tôi tới tuổi dậy thì rất dễ hư hỏng  mà đi học về nhà trống không, nó long nhong ngoài đường với bạn bè đồng lứa trong xóm nghèo, tiêm nhiễm nhiều  thói hư tật xấu lắm.  Ở  VN  cha mẹ nói gì, dù đúng dù sai  cũng không được phép trả treo, còn con cái ở đây  không bằng lòng là  nó  vô phòng riêng đóng xầm cửa vô mặt mình,  không coi cha mẹ ra gì cả . . . Anh em nó thường than thở với nhau là tụi nó bị kẹt giữa hai nền văn  hóa,  nó hấp thụ văn hóa  Tây Phương, còn cha mẹ thì cổ hủ theo giáo dục Á Đông, ức ép con cái không cho trả lời,  không tôn trọng nhân vị của tụi nó.

Thư từ bên nhà thì gởi qua tới tấp, mỗi lần được thư là tôi rơi nước mắt. Má tôi nói, chiều chiều má lần mò ra quán  đầu ngỏ mong ngóng con, má mơ  con theo chuyến xe hàng từ thành phố về đây, con nhảy xuống, chạy lại  ôm má nói, con về với má nè má... bao nhiều chiều trôi qua,  má ngồi mơ rồi lủi thủi về không. Tết này con có về không tin  cho ba má biết để khỏi mõi mòn ngồi tựa cửa mong con"

Ba tôi viết khôi hài hơn nhưng rất thấm thía, con về mau nếu không thì ba sẽ đi đoàn tụ  với ông bà. Đoàn tụ bên  Mỹ khó khăn, đòi hỏi phải giấy tờ, khám sức khỏe đủ thứ, chứ  ba đoàn tụ với ông bà bên kia thế giới nhanh lắm, không đòi hỏi gì cả.

Tôi viết thư về giải thích  cho ba má tôi rõ, bên này mùa Đông lạnh lẽo lắm, con không có xe đi làm,  phải đợi xe ô tô buýt gió lạnh thấu xương,con đứng không nỗi nữa ,con ngồi chòm hỏm xuống đất, khổ lắm . Ba má gắng một thời gian ngắn nữa thôi, mua xe xong con dành dụm được vài ngàn thì con sẽ về ngay.

Vài  hai tháng sau tôi đuợc tin ba tôi mất, tôi chỉ biết khóc cho vơi nỗi sầu.

Nhiều lúc tôi không hiểu tôi qua Mỹ để làm gì . Nếu nói là vì tương lai con cái thì  điều này  không đúng, con cái tôi bây  giờ nó hư hơn trước nhiều lắm. Nhiều lúc tôi ân  hận vì chưyện đi Mỹ. Tôi không trách chúng nó, vì tâm hồn trẻ con như trang giấy trắng,  cha mẹ  chăm sóc,  uốn nắn thế nào nó ra rập khuông thế ấy. Tôi  đi  làm suốt ngày,  chồng tôi đi suốt ngày, nó đi học về,  lê la với đám bạn  ở khu bình dân,  gần mực thì đen gần đèn thì sáng, nó hư hỏng thì cũng phải lẽ  thôi.

Con gái tôi đi theo đám  con gái khu apartment bên kia, toàn là những đứa  không cha, không ai dạy dỗ,  hư lắm.

Còn thằng con trai của tôi, lúc nó mới qua Mỹ ăn uống nhiều   bơ sữa mập ù, nay thì nó  ốm nhom,  môi thâm xì, theo mấy đứa  bạn nghịch ngợm, thích phá làng, phá  xóm  và  ăn cắp vặt, shopliftting. Lúc đầu nó xin qua ngủ nhà bạn một tuần một ngày rồi tăng thêm hai ngày rồi đi tuốt luôn không về nhà, chẳng biết nó ở đâu nữa. Lâu lâu thì Cảnh Sát kêu tôi đến sở Cảnh Sát lãnh đứa con gái hay thằng con trai về vì tụi nó vị thành niên mà lang thang ngoài đường quá nửa đêm. 

Có hôm ế khách,  bà chủ nhà hàng cho tôi về sớm, tôi thấy đứa con gái tôi  làm tình  với thằng bạn trai  ở phòng khách. Trời ơi! Sao mà quá sức tưởng tượng. Tôi lôi đầu nó dậy, tát cho mấy bạt tai và chữi rủa thậm tệ. Thằng bồ nó bốc điện thoại gọi Cảnh Sát, nó nói gì với Cảnh Sát tôi không biết, Cảnh Sát xộc tới,  còng tay  đẩy  tôi lên xe..

Ngồi trong bót một đêm tôi mới thấm thía về giấc mơ đi Mỹ. Chỉ có ba năm sao mà cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi.  Mỗi lần tôi la rầy con gái  điều gì thì nó  cầm cái telephone lên  hỏi má còn nhớ buổi tối hôm đó không" Má có biết là ở Mỹ cha mẹ không được mắng chửi con cái, làm chạm tự ái của nó không" Rồi con gái  cũng cuốn gói theo trai luôn. Lâu  lâu nó về xin tiền và hứa  sẽ đi học lại.

Thằng con trai mỗi lần về nhà là ăn cắp bất cứ thứ gì nó có thể rớ tay tới,  nữ trang, tiền bạc.  Là cha mẹ trong hoàn cảnh này  mới thấu hiểu được nỗi đau. Con người ta ăn học thành danh làm cha mẹ nở mặt nở mày, còn con tôi, mỗi lần thấy mò về nhà là  tôi lo thủ mấy cái ổ  khóa. Nhìn kiểu tóc thời trang của nó, một nửa bên trái cạo sạch, một nửa bên trái để dài, một lỗ tai  đeo bông. Mỗi lần nhà có tiệc, có bạn bè  đến chơi,  nó về, tôi rất xấu  hổ.  Bây giờ nó lớn rồi, không còn đánh đập gì nữa và có luật pháp bảo vệ  cho nó.

Má tôi nhờ hàng xóm viết  thư gởi qua  nói  có hôm má nằm  mơ thấy Má bay qua con, tới nhà con má gỏ cửa,  kêu con ơi ra mở cửa cho  má,  rồi cả nhà ào ra đón mừng bà ngoại, mẹ con, bà cháu ôm nhau trong nước mắt hạnh phúc trào tuôn.  Đó là giấc mơ má tôi hay  kể trong thư. Má tôi nói rõ, từ ngày ba mất,  má  cô độc nên hay bệnh hoạn, chắc không sống được bao lâu nữa, con gắng về, kẻo muộn.

Tôi gởi thư về giải thích cho má tôi rõ, đời sống ai  cũng mong có một căn nhà, người ta nói "sống có nhà, thác có mồ". Bây giờ tụi con đang ở nhà  thuê trong chung cư, khổ lắm. Tụi con gắng dành dụm mua căn nhà, xong rồi con sẽ về thăm má. Sự thực thì nếu  chỉ về thăm bà già thôi thì cũng cố gắng đi được, nhưng  còn nhiều bà con hàng xóm, cả làng nữa về mà  không có quà coi không được vì vậy phải chờ một thời gian cho  có khá khá một chút. Tôi cứ hẹn lần hẹn lựa và bà già mỏi mắt chờ mong.

Rồi hai vợ chồng cũng dành dụm thu xếp mua được căn nhà đầu tiên trên đất Mỹ.

Hôm ăn tân  gia,  trong lúc bạn bè  kéo đến một nhà đem theo nhiều quà cáp và bia rượu để ăn mừng thì tôi được  điện thoại cô em  họ từ VN  báo là má tôi vừa mất trước đó một giờ đồng hồ vì cảm nặng. Nếu tôi biết má tôi đi sớm như vầy thì tôi đã hoãn mua nhà lại một thời gian. Bây giờ có ân hận thì đã muộn rồi. Tiền bạc của cải  mất thì mình có thể tìm lại đựơc còn mẹ mất đi rồi thì mãi mãi...

Trong  căn nhà khang trang, bàn ghế, màn cửa  sang trọng, bạn bè vui cười, một mình tôi nghẹn ngào, cắn răng ngăn  dòng nước mắt đang trào tuôn.

Trong lúc nỗi đau mất mẹ chưa vơi thì một đêm kia con gái tôi  ùa vào nhà khóc như mưa, nó kể lể một hơi, con khổ lắm má ơi, thằng John (bạn trai của nó) là thằng khốn nạn, nó nói nó thương con, nó dụ dỗ con bỏ nhà ra đi với nó,  nay nó biết con có bầu ba tháng, nó muốn bỏ con nên nó đem con bạn gái Mỹ của nó về. Con chửi nó đểu giả, nó đánh con, nó  đuổi con đi,  nó nói con người là người Á Châu không đẹp bắng người  Mỹ...

Nhìn đứa con gái  ở tuổi dậy thì mà mặt mày xác xơ, đầu tóc rối bời,  mắt sưng húp,  tôi không cầm lòng nổi. Tình mẹ thương con là tình thiên thu bất tận, dù con hư con mất dạy với mẹ thế nào mẹ cũng thương con... Tôi ôm con vào lòng vỗ về chia sẻ, thật tội nghiệp cho con tôi. 

Điện  thoại reo,  Thằng Tuấn,  bạn của con trai tôi báo cho hay con trai tôi vừa tắt thở  vì overdozed  cocain. Tôi  buông điện thoại xuống, thẫn thờ bước lại gần cửa sổ,  nhìn ra ngoài, bầu  trời đầy trăng sao.  Tôi nhớ những đêm sáng trăng   êm ả ở làng quê,  chị em cùng nhau hò đốí đáp... ba má  ơi  ngày con về ba má  ở đâu"  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,237,362
Trưa nay, trong khi đang dọn thức ăn dư thừa cùa một bệnh nhân đã ăn xong, và đang nằm đọc báo. Bà Tâm vui vẻ hỏi:
Ngày 8 tháng 11 năm 1982, tôi được thâu dụng làm nhân viên hành chánh văn phòng sở Phục Hồi tiểu bang California, với điều kiện tập sự chín tháng
Tuy đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên, nhưng từ lâu, Trần Văn Giang đã là cây bút thường xuyên của các báo Hồn Việt, Phụ nữ Gia đình
Năm đó là năm 1982. Sau khi đi tù về, làm đủ thứ nghề "cu li cu leo", làm xe thồ, kéo đá, đập sắt... để sống qua ngày
Chuyện kể rằng, ngày xưa ngày xưa, có một ông cụ, con ngựa ở nhà một hôm bỏ đi chơi đâu mất biệt. Hàng xóm đến chia buồn
Bài mới của ông là nhiều mảnh quan sát và ghi nhận đặc biệt khi về thăm Việt Nam: từ chuyện xe đò nằm, ăn uống, toà án nhân dân tới chuyện về những ngôi mộ mới
Đang cố gắng tập trung tinh thần để làm cho xong ba cái program trên computer thì điện thoại trên bàn reo lên, cùng lúc có tiếng gõ cửa
Tôi trở thành thần đồng ngày 29 tháng 7 năm 1992. Ngày hôm đó cũng đúng là ngày sinh nhật thứ 48 của tôi. Ở tuổi ngũ tuần, tôi mới được những con người
Họ buồn phiền vì e rằng nhân dân Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mất thiện cảm và coi thường những người Việt Nam tị nạn đang sống nơi đây
Từ trong khu nghĩa địa trên đường Alumrock và Capitol Ave. Dung băng qua lộ đến chỗ parking lot lấy xe. Đứng tựa mình vào hông xe ngẩn ngơ nhìn bầu trời xanh
Nhạc sĩ Cung Tiến