Hôm nay,  

Cái Ghế Đẩu

08/11/201000:00:00(Xem: 913016)

Cái Ghế Đẩu

Tác giả: Phan
Bài số 3036-28336-vb2110910

Tác giả là một nhà báo từng trong nhóm chủ biên tuần báo Trẻ tại Dallas, Texas. Ông đã góp nhiều bài viết giá trị và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Phan cho biết những bài viết về nước Mỹ của ông thường được viết từ cái “xưởng mộc” sau nhà. Bài viết sau đây là hồi ức từ cái xưởng viết ấy.

***

Tôi vừa đóng xong một cái ghế đẩu bằng gỗ Mỹ, kỹ thuật Mỹ, đồ nghề Mỹ… Cái patio sau nhà cũng là cái xưởng mộc nhỏ để bí chữ thì cưa, một đường ghép gỗ vụn bật ra ý tưởng, những con chữ bay lòng vòng như mạt cưa thơ mùi gỗ thông… thằng bé vẫn đóng cho được cái ghế đẩu chỉ để viết về nước Mỹ.
. . .

Hồi nhỏ, tôi có quen với ông thợ mộc, tôi xem ông như bạn, dù ông không được tử tế mấy. Ngày nào đi học tôi cũng ghé xem ông cưa cắt, đục đẽo… Tôi thích nên coi say sưa, có hôm mê mẩn tới quên nghe tiếng trống trường. Thể nào ông cũng nhắc, "Đi học đi, tiên sư nhà mày. Nhỏ không học lớn làm thợ mộc à"" Ông đâu biết chính câu nói ấy đã làm tôi trốn học vì tôi mê thành thợ mộc hơn đi học. Những hôm ông đóng tủ bàn ghế, ông làm việc miệt mài đến chẳng hỏi han tôi đã đành, còn xử tệ với bạn bè! "Đi chơi đi, đừng lẩn quẩn ở đây, rồi đạp đinh lại chết phiền…" Tôi cũng có chút tự ái, tự trọng, nhặt được ở đâu không nhớ. Chân lững thững đi mà lòng buồn rười rượi…
Thì ra người cùng quê với cha mẹ mình, người ta chạy cộng sản một lần là suốt đời cảnh giác những lôi thôi. Ông bạn già không vui tính như những ông thợ nam bộ, vấn cái khăn ca-rô trên đầu, ngậm thuốc rê… Thấy con nít tới coi là cười hề hề… "Có dzợ chưa mảy. Tuột quần tao coi con cu bao lớn rồi" Tao thẩm lại cho ngay. Để thôi nó quẹo qua bà hàng xóm, là rầy rà lắm nghen…" Miệng nói, tay ông ấy xách lên cái bào thẩm, dài cả thước. Thằng nhỏ xám hồn, dông mất tiêu liền.
Vậy chứ, ra khỏi tầm nguy hiểm, cũng nhìn trước ngó sau, giở giở sương sương lưng quần tà lỏn để coi trái ớt thẳng hay cong! Sợ chứ sao không sợ. Cái bào thẩm bằng gỗ mun đen hù, dài sọc đó, cái lưỡi bào bằng thép xanh ửng, bén như dao lam mà đẩy một đường thì trái ớt còn bằng cây tăm. Thì ra ông ấy chỉ hù cho đi chơi chỗ khác, để ông ấy làm việc. Ông thợ mộc nam bộ đuổi khéo mà hát cũng hay, ngoái lại chỗ ông làm chỉ nghe văng vẳng… má ơi con lấy thợ bào/ khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng sâu…
Ông thợ mộc tôi quen, người nhỏ choắt nhưng không ốm yếu, da rám nắng vì cả ngày ngoài chái, ngoài hiên. Những hôm có việc đã đành bận bịu. Những hôm không, ông ngồi mài đục, giữa cưa… nếu biết xem cũng học hỏi được đôi điều. Như cái lưỡi cưa khung, đi mua về đâu phải dùng ngay. Phải biết mở lưỡi phải-trái; giũa răng chẵn-lẻ, răng ăn-răng xả mạt cưa… răng kềm răng hồi để giữa thẳng đường cắt, mặt cắt láng o… mới là cưa thợ. Nhiều khi ngồi nghĩ, sao tôi lại biết những điều này quá sớm trong đời. -Như một điềm gở về tương lai đen tối. Vì không lâu sau đó, chưa kịp lớn đã hoà bình, mới lớp 8, lớp 9. Tôi đến chơi nhà bạn, thấy nhà nó có cả đống thép đai thùng. Thế là đi học về, hai đứa ngồi giũa thành lưỡi cưa, đóng cái khung cưa thì quá dễ. Nó không biết gì thì cứ ngồi giũa phá cho ra răng cưa, tôi mở lưỡi, giũa bén, rồi đem bán cho hàng xóm cưa cây thay củi vì tiền đâu mua, ai cũng khen cưa bén nên chúng tôi rủng rỉnh đồng quà.Uống ly nước mía tuổi nhỏ bằng mồ hôi và sức lao động của chính mình mới thấm thía chiến tranh và hoà bình trong đời người chứng nhân lịch sử. Nghe ghê quá!
Thời gian thênh thang giục bỏ những lối mòn xưa cũ, con đường làng đất đỏ quên dấu chân con, đã lâu tôi không về căn nhà thơ ấu, không qua ngõ nhà ông thợ mộc. Hết thèm làm thợ mộc hơn đi học, dù đi học cũng chỉ là một hình thức thất nghiệp trí thức hơn đầu đường xó chợ. Một trưa ngồi quán đầu ngõ nhà, quán trưa vắng cả gió. Chị chủ quán thiu thiu ngủ trên chiếc võng đong đưa, tôi ngồi đọc sách, đã thành thông lệ coi quán cho chị, chủ yếu coi chừng bọn trẻ lượm ve chai, chúng lượm hết ve, tới chai cũng không còn, nên gặp gì lượm nấy… Mấy con gà bươi rác, hở mắt thì mất. Đám trẻ bươi miếng ăn qua ngày chỉ nghe lời nguyền rủa, xua đuổi… nhân phẩm không bằng súc phẩm. Làm sao đọc nổi trang phê bình văn học, nào là góc nhìn nhân bản, trí tuệ đỉnh cao, sữa để em thơ lụa tặng già…*
   Bỗng đâu ông già tóc bạc, râu trắng hếu, táp xe đạp vô quán trưa hiếm khách vãng lai. Ông chỉ muốn uống ly trà đá, nên tôi đứng dậy, đi làm luôn cho ông. Tôi thấy ông quen quen trong rừng người xa lạ ngoài bắc mới đổ bộ vào. Nghe giọng ông là biết bắc năm-tư, nói tiếng bắc nhưng không sặc từ khó hiểu như người mới vô, cứ qúa trình với quá độ, "đèo em với bác nhé!"- "cứ vô tư, em à! Anh đèo em suốt đời cũng chẳng sao…", nghe như không phải tiếng Việt.
   Ông già ngồi phải cái ghế đẩu lòi đinh đâm đít, không chửi thề toáng lên như khí khái nam bộ; cũng không địt tới ông giời - vô tư. Ông ngồi sang ghế khác, giở cái ghế lòi đinh lên xem, chép miệng hiền lành… "giả dối, giả dối…" Nhưng tay kia nhặt cái ghế khác, dùng chân ghế này đóng đinh cho ghế nọ. "Đâu phải chỉ cái ghế, cả thời đại thế đấy bác ạ!" Tôi định nói ông nghe vì tôi cũng đang bực những trang sách giả dối; bực cái loa trên cột đèn ra rả-không có điều gì thật… Cả thời đại giả dối, nhưng nói ra điều tức bực đâu có giúp người nghe hết thở dài. Tôi hỏi ông có muốn châm trà thêm không" Ông trả lời, "uống nhiều, leo cao, mắc đái." Giọng bắc nhưng xài toàn từ nam là chắc chắn bắc năm-tư; gương mặt lại quen mà không nhớ ra ai thì mình tệ thật! Tôi trách mình mau quên, vừa lúc miếng giăm bào trong túi áo ông rơi ra theo bao thuốc lá với cái quẹt. Tôi nhớ liền ông thợ mộc năm xưa. Sao ông già khú đế" Thì ra mình cũng râu ria rồi còn gì. Không biết còn gặp lại lần nữa hay không, người quen như gió ngửi, giậu cũ vắng hương thầm… gió bay theo đường gió, người quên từng yêu nhau… Một người quen đã đi lấy chồng, một người yêu thôi đã sang sông… cái máy cassette băng nhão não nề thêm trưa thanh vắng, - như lòng tôi trống không một mối tình câm… Nhìn sang ông già ngồi thật hiền, nghỉ ngơi một lát với ly trà đá và gói thuốc Vàm Cỏ. Đôi mắt già nua nhìn ra sông cạn, không biết ông nghĩ gì khi qũy thời gian đã bạc thết mái đầu: một lần về quê thăm miền bắc, hay chạy luôn quan biển như người chết hai lần thịt da nát tan… Tôi tự động đi châm trà cho ông, sau những suy nghĩ hoang tưởng của mình. Ông cảm ơn rồi hỏi, "có cái búa đây không, tao nhìn mấy cái ghế lòi đinh, chịu không được." Thì ra chị chủ quán nhắm mắt để đó chứ có ngủ nghê gì, nhanh nhẩu, "dạ có, dạ có…"


   Ông thợ già tỉ mẳn đóng lại từng cái ghế xiêu xẹo như đóng lại quá khứ điêu tàn, vì mai nó lại xiêu xẹo như thời đại của nó, thời đại giả dối thì chỉ có vứt đi, cái gì thuộc về bản chất thì không thể cải tạo. - Loa phát thanh vừa quy kết một kẻ trốn trại cải tạo trở về còn đánh công an đang làm nhiệm vụ thì thiệt là anh hùng bản sắc, -làm sao cải tạo! Ông thợ già cứ ngồi đóng hết cái ghế này đến cái ghế khác, chị chủ quán bưng ra bình trà nóng chứ không phải trà đá, chị nói: "Bác Tư đi làm đi, con pha cho bác bình trà nóng nè, đem theo uống. Chiều về, ghé trả bình cho con. Mấy cái ghế này, chồng con đóng lại cũng chỉ được vài ngày là như… răng bà già. Kệ nó đi."
  Ông già cẩn thận chở bình trà nóng đi khuất, đúng là ông: uống trà nóng và hút thuốc lào bát điếu hẳn hoi. Thời thế đã đánh cắp thói quen nên ông uống trà đá và hút thuốc lá, nhưng không đánh cắp được đạo đức, lương tâm nghề nghiệp của một con người. Chị chủ quán chặn ngang suy diễn đang tiếp nối trong đầu tôi: "Em biết bà Sáu hụi không" Giàu có, nhơn… đức cái miệng… như Việt cộng. Mướn thợ mộc tới nhà làm. Không cho bác Tư được tới miếng nước uống, nói gì tới cơm trưa. Trưa nào bác Tư cũng ra đây uống trà đá, ổng nhịn đói tới chiều mới về nhà ăn cơm. Ổng đâu muốn làm cho bà Sáu hụi, tự cần tiền cho bà Tư đi thăm nuôi con cải tạo… Hồi đó, chị mà ưng anh Thuận, làm dâu bác Tư thì bây giờ cũng khổ như hai ông bà… nuôi con tù tội còn nuôi cháu nội mồ côi. Con dâu bác Tư, vợ anh Thuận đã bỏ đi vượt biên với người khác… Chị chẳng giúp được gì hơn ly trà đá, bình trà nóng không tính tiền bác Tư…"
   Đàn bà, họ không ăn thì ngủ. Thức dậy không nói nghĩa là đói bụng. Chị tôi vừa nhồm nhoàm củ khoai lang luộc nên rỗi hơi. Mặc kệ bà chị chung ông trời, tôi ngồi nhớ ông những hôm rỗi việc, ông không mài đục, giũa cưa thì gom mớ cây vụn ra đóng ghế đẩu, ghế cóc… Đóng xong, bỏ ngoài ngõ là thể nào những người bán quán cóc cũng thích mua, bà nội trợ đi chợ về cũng muốn mua cái ghế ngồi làm cá của ông thợ mộc hơn mua hàng chợ. Ông lượm bạc cắc trong xóm làng để gom thành bạc lớn; ghép cây vụn thành cột chùa, kèo đình… từ những đồng tiền lương thiện nhỏ nhoi. Một tay ông làm công quả suốt thời thơ ấu-tôi nhớ mãi… cái Am của sư cô bị pháo kích, cũng một tay ông dựng lại từ đổ nát, điêu linh; Nhà thờ bị mưa giột, cũng có ông góp tay sửa mái…
   Một hôm gió thuận mưa hoà hay ông ăn hủ tíu ngoài chợ, nhưng ăm nhầm đũa bà Sáu hụi. Ông nói chuyện với tôi chứ thường ngày ông lù đù như cu thằng chỏng, có sóng ghe máy chạy nó mới ngóc lên-đuổi tôi đi. Hôm đó ông đang đóng những cái ghế đẩu bằng gỗ vụn. Tôi mê mẩn coi, say mê những cái mộng vừa tròn, bỏ vô êm ru như cậu nằm với mợ, gõ gõ vài búa đã ra cái ghế chỉnh chu hơn hàng chợ. Tôi hỏi ông học nghề bao lâu mới thành thợ mộc" Ông trả lời bằng cái nheo mắt lém lỉnh-nhớ hoài! "…Chừng nào đóng được cái ghế đẩu thì cất được căn nhà, -là thợ mộc."
Những băn khoăn ngày bé, lúc nhớ lúc quên trong đời. Tại sao đóng được cái ghế đẩu thì có thể cất được căn nhà" Ông Tư không phải người thích nói chơi, ông nói nghĩa là có. Tôi về đóng thử không biết bao nhiêu cái ghế đẩu, nhưng chẳng ai được ngồi, chỉ có đống củi nấu cám heo phình ra, cao lên…, mẹ tôi chẳng phải réo, bửa củi cho mẹ nấu cám heo như trước. Mới nhúm tuổi đầu, ở nhà quê mà tôi đã có bộ đồ nghề thợ mộc: một cái cưa của Mỹ hẳn hoi, nó dở òm so với cưa khung của ông Tư thợ mộc. Chỉ cưa nhánh ổi làm giàn thung cũng nhùng nhằng như cưa cột đình. Vài cái đục tự chế, tự mài từ những miếng sắt lượm được, cái tuộc-nô-vít vứt đi. Cái búa nhổ đinh bị gãy cán, ai vứt đi không biết, tôi nhặt về tra cán bằng nhánh ổi cho nó dẻo giai… không có bào thì ngồi đập hũ thủy tinh, lấy miểng, cạo tới nhẵn bóng cái cán búa.
Chỉ ngần ấy thôi đã làm cho mẹ tôi nể mặt, mẹ nhờ chứ không sai như trước: "Con coi lại giùm mẹ cái cửa rào, cái cửa chuồng gà…" Từ tình trạng lánh mặt để mẹ sai đứa khác, bước sang tình huống chống nạnh, thở dài… tính toán với mẹ về cái cửa chuồng heo xiêu xẹo. Không xin tiền ï mua cà rem như trước, mà mẹ cho con mấy đồng đi mua đinh về làm. Tư cách con người cũng đĩnh đạc hơn khi làm đại sự. Rồi tiếng lành đồn xa sang hàng xóm, bà Năm bà Bảy nhờ sửa cái ghế còn có ba chân, cái bàn đong đưa như võng lắc… bàn ghế tốt đã bán sạch sành sanh sau hoà bình-nhà nào cũng như nhà nấy.
Bây giờ có ngang nhà ông Tư, cũng chỉ liếc mắt nhìn xem ông đang đóng cái gì" Hết tuổi không mời mà đến, không đuổi mà đi… lại không còn thích hỏi đủ thứ trên trời dưới đất như thuở bé. Nhưng mỗi lần ngang cửa ông Tư đều nhớ là mình chưa đóng được cái ghế đẩu. Nó, nhìn đơn giản như một món vật tầm thường trong đời sống, nhưng làm ra được nó, không chỉ có gỗ, đinh, đồ nghề thợ mộc. Cái quan trọng nhất trong việc đóng ghế đẩu là sự tính toán ba chiều. Bốn chân chụm đầu hình tứ trụ không dễ ăn như ăn cơm. Mộng mị thẳng góc cho cái bàn, cái tủ thì cứ kéo thước-mạc chì. Cặp ê-ke vô mà làm. Mười cái cũng xong. Nhưng cái ghế đẩu nhìn từ phải-trái, bốn chân nghiêng vô 15 độ là vừa vững chắc về kỹ thuật, đẹp mắt về mỹ thuật. Đến khi kéo hai mặt trước-sau vô 15 độ, cho cái ghế xoay chiều nào cũng như nhau thì mộng phải-trái đã nhả ngàm, buông ổ… Đồ gỗ, chắc nhờ mộng, nhờ ngàm khít khao. Cây đinh chỉ giữ đó cho mộng, ngàm chịu lực. Thợ mộc mà cứ đinh to, búa lớn giộng vào sản phẩm thì không lỗ vốn cũng ăn mày. Ai mua sản phẩm nhìn thấy gớm. Tôi lại đóng cái ghế đẩu khác với lòng kiên trì tuổi nhỏ.
Có lần tôi đóng được cái ghế đẩu-bốn chân chụm đầu đều cạnh, mộng, ngàm khít khao… nhưng mặt cắt của cái chân ghế vuông phải vạt thịt vì chỉ còn một góc cạnh chấm đất. Nhớ ông Tư cầm cái cưa lá, đo bằng mắt, cắt vài đường mỗi chân, thả cái ghế xuống nền xi măng-vững như bàn thạch. Tôi cũng cắt bằng mắt. Không xong thì cắt bằng thước, không xong tiếp thì cắt bằng… may rủi. Cuối cùng, cái ghế cũng vững vàng trên nền xi măng-nhưng chỉ còn cái mặt ghế. Bốn chân đã bị tiện từ từ tới zero, một chân âm luôn vì lưỡi cưa phạm vào mặt dưới của ghế. Tôi hiểu được ông Tư: "Đóng được cái ghế đẩu thì dư sức cất một căn nhà, vì căn nhà nhìn hết mọi nơi, không đâu đòi hỏi kỹ thuật ba chiều như cái ghế đẩu.
Thế là tôi lên bản vẽ ba chiều cho cái ghế đẩu, chắc thợ mộc từ đời các Vua Hùng chưa ai lên bản vẽ ba chiều cho cái ghế đẩu. Nhưng cũng không thực hiện được lúc bấy giờ vì hoàn cảnh. Tôi cất mớ đồ nghề thợ mộc đầu đời với bản vẽ cái ghế đẩu lên gác bếp, bước vào cuộc lao lung cho tới hôm nay. Vừa đóng xong một cái ghế đẩu bằng gỗ Mỹ, kỹ thuật Mỹ, đồ nghề Mỹ…
Ước mơ thành thợ mộc đã thành, nhưng chú bé Việt Nam ngày xưa cũng đã quốc tịch Mỹ. Nhìn cái ghế đẩu phơi nắng ngoài sân cho khô vẹc-ni, tôi thấy ông Tư già mỉm cười tha thứ cho đứa nhỏ phiêu bạt, thích viết lách sau nhà. Cái patio sau nhà cũng là cái xưởng mộc nhỏ để bí chữ thì cưa, một đường ghép gỗ vụn bật ra ý tưởng, những con chữ bay lòng vòng như mạt cưa thơ mùi gỗ thông… thằng bé vẫn đóng cho được cái ghế đẩu chỉ để viết về nước Mỹ, những trò tiêu khiển và hoài niệm của người di dân.
Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 72,865,047
Trên chiếc du thuyền nhỏ, trôi bềnh bồng trên biển Ấn Độ dương, gần bờ biển East  London của miền nam Phi Châu
Tôi và Dũng giận nhau đã hơn tuần lễ sau một trận cãi vã dữ dội
Tôi đã nhiều lần nghĩ đến việc đi truyền giáo
Kính thưa quý vị, sau khi bài số 1 "Tâm Thư Gửi Về Cố Quốc" được đăng lên Việt Báo Daily News, tôi đã nhận được nhiều lời vàng ngọc của một số bạn bè khắp nơi phone tới
Dù đã cuối tháng 9, mùa du lịch đã chấm dứt đối với nhiều gia đình
Mùa hè đã qua nhưng không phải vì thế mà ta ngừng chơi
Thấm thoát mà tháng Mười đã về với màu đỏ lá phong và màu cam bí rợ
Chiều nay nhà ăn cơm trễ vì mọi người trong nhà đều mỗi người bận rộn một việc phụ nhau lấy quà mua từ mấy tháng nay gói gọn để gởi về Việt nam cho người thân ăn tết.  
Điện thoại reng... "Alô, dạ có phải anh Quý không ạ""
Khi chị đang ở giai đoạn sung mãn nhất của tuổi hồi xuân
Nhạc sĩ Cung Tiến