Hôm nay,  

Vượt Qua Biên Giới

06/01/201000:00:00(Xem: 341977)

Vượt Qua Biên Giới

Tác giả: Trần Nguyên Đán
Bài số 2832-1628902- vb410610

Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, quản nhiệm Hội Thánh Dallas - Forth Worth. Ông là tác giả  đã hai lần nhận giải thưởng Việt Báo: Giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, và giải Việt Bút năm 2009. Bạn đọc có thể đọc thêm thơ, truyện của Trần Nguyên Đán trên tạp chí văn chương Da Mầu tại địa chỉ internet: http://damau.org/

***

Người đàn ông tra chìa khóa vào ổ khóa cửa, mở. Ổ khóa nhẹ tênh quay vòng, như đang mở sẵn. Sao lại mở sẵn, nhớ rõ ràng là đã khóa kỹ trước khi đi rồi mà. Nhưng tâm hồn đang vui vẻ, vẫn chưa tan hết hương vị cà phê trên đầu lưỡi. Chắc không có gì quan trọng. Có thể mình quên. Đấy cửa bước vào. Đột ngột bị ôm chặt lại, một bàn tay đưa lên bịt cái miệng chuẩn bị há to ra. Rồi bị đẩy đi. Gã chưa kịp chuẩn bị để kinh hãi thì bị xô ngã. Thấy mình rơi vào một ...cái giường. Một cái gì đó rơi theo, đè lên người.
Chỉ là giấc mơ, giống như một câu chuyện người ta thường viết. Người đàn ông mở mắt ra, thấy mình đang nằm trên giường của mình, một mình, chẳng có cái gì xảy ra cả. Chợt bẽn lẽn khi nhớ lại giấc mơ ngắn ngủi, nhưng thú vị. Sao mình chẳng có vẻ gì là sợ hãi cả, cái sợ hãi phải có của một người bị kẻ gian đột nhập vào nhà. Hình như kẻ gian kia cũng chẳng có ý định gì gian. Nếu gian, hắn chẳng xô mình ngã vào giường, là nơi chẳng đáng bị xô vào nếu có ý đồ đánh cướp. Mà đánh cướp gì mình, một người đàn ông đứng tuổi, ở một mình, ở chung cư, không đồ đạc, không vật dụng gì đáng giá, chiếc xe hơi cà tàng đủ chạy lên phố, tới sở làm gần xịch, rồi trở về hàng ngày. Ráng nhớ lại chút nữa. Hình như bàn tay bịt miệng mình cũng không thô bạo đàn áp, mà lại có vẻ nương nhẹ, hình như bàn tay này không phải là bàn tay của một người đàn ông (!!!). Có mùi thơm gì nhè nhẹ không nhỉ. Gã nhớ lại chi tiết chiếc giường, giường là nơi để nằm ngủ, để ... Cái vật ngã theo vào giường ấy hình như cũng mềm mại như bàn tay, không có vẻ gì nguy hiểm. Hắn ta có vẻ muốn cướp cái gì đó trong mình, chứ không phải muốn cướp cái gì đó của mình. Gã đỏ mặt trong bóng tối. Mà muốn cướp... mình, có phải không" Mình có gì hấp dẫn, xập xệ, lừ đừ, nhiều người bình phẩm như vậy. Xập xệ, lừ đừ cũng có cái đặc biệt riêng chứ nhỉ. Sao không kịp có gì thêm sau đó, chưa kịp làm gì hết. Sao thức dậy mau vậy. Quay lại nhìn thấy cái mắt kính bị đè dưới lưng. Chính cái mắt kính quỷ vật này làm mình thức dậy. Tiếc thật, chưa bao giờ có cái cảm giác thú vị như vậy. Tại sao những giấc mơ đẹp vẫn thường bị cắt đứt nửa chừng, ngay trong cái giây phút tuyệt vời nhất, khi chỉ còn một chút nữa, một chút xíu nữa thôi, cho mọi thứ bung ra, lan ra, trôi đi, bồng bềnh, man mác..., thì cắt. Tiếng cắt đứt của cuộn phim phũ phàng, tàn nhẫn.
Đó là  lời tự thú cho những trăn trở không có câu trả lời từ nhiều năm nay. Những trăn trở chỉ có một chủ đề chung: cô đơn. Từ ngày này sang ngày kia. Cô đơn trong nhà, cô đơn ngoài đường, cô đơn trong sở làm việc. Trong sở làm nhiều người Mỹ hơn Á Châu. Đàn ông nhiều hơn đàn bà, đàn bà trẻ nhiều hơn đàn bà lớn tuổi, đẹp nhiều hơn xấu, độc thân nhiều hơn có gia đình. Giờ ăn gặp nhau trong cafeteria, Mike kỹ sư, trên 40, độc thân, cao trên thước tám, tóc rậm, râu xồm xung quanh cái miệng rất có duyên, đàn ông nghe hắn nói chuyện cũng muốn ...yêu, nói chi đàn bà. Các cô ngay cả các bà giờ ăn vây quanh hắn. Cái bàn chỗ mình ngồi vắng vẻ như quán ăn đầu tuần thứ hai. Gã cay đắng nghĩ, sao không ai nhìn mình, cười với mình, nói với mình vài câu, ngồi vào bàn cạnh mình, nói một vài câu xã giao lịch sự cũng được. Không có ai. Họ bận rộn tít tít bên cái thằng Mỹ cao ráo đẹp trai đó, và hai ba thằng Mỹ cao ráo đẹp trai khác, đôi khi chỉ là mấy tay xoàng xoàng, assembler thôi. Mình, dù sao cũng là một kỹ sư, dù niềm hãnh diện mơ hồ đó cũng phai nhạt theo thời gian chồng chất, phải làm phụ tá cho mấy đứa kỹ sư trẻ mặt mũi vênh váo. Hết giờ làm việc, người đàn ông lủi thủi một mình ra xe, sau vài lời chào xã giao của mấy tay Mễ bụng bự, bèm hèm quần áo lấm lem quét dọn văn phòng, một hai bà già Tàu làm giấy tờ sổ sách vì làm chậm, về trễ, kiếng trắng trên đôi mắt nhăn nheo. Xảy ra hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, cũng chai đi, lì đi. Nhưng có chai lì được đâu, thỉnh thoảng những giấc mơ quái đản như vầy lại hiện ra, như đêm nay. Thành thật mà nói, đôi khi thấy mình cáu kỉnh quá với ...nhân loại, gã cũng tự kiểm điểm. Không phải hoàn toàn là lỗi của họ. Thỉnh thoảng cũng có một vài ánh mắt, cả đàn ông lẫn đàn bà, ném về phía gã với vẻ cởi mở, thân thiện, những mong gã ném lại một nụ cười hay cái nhìn chấp nhận, thì họ cũng sẽ rón rén bước lại, ngồi gần, hỏi han. Nhưng họ cảm thấy vô hy vọng khi nhận lại từ nơi gã một cái nhìn lạnh lùng, gần như vô cảm, cái miệng nhếch lạt lẽo. Cánh cửa vừa hé mở chút xíu, thì gã đóng sầm lại. Tại mình quá khó chịu, ai mà dám lại gần.
Gã nằm lại, nghĩ tới một thân thể đàn bà nằm cạnh. Nếu có một người đàn bà nằm đây, bây giờ, mình sẽ nằm sao nhỉ. Thay đổi tư thế chút coi. Đâu có nằm thẳng băng xuội lơ như người mới qua đời vầy được, phải nằm nghiêng lại, tay như thế này này, chân phải cong lại một chút, để có thể vừa chạm với đôi chân kia, đôi má kề sát lại, môi kề môi. Như vậy đấy. Nhưng có cái quái quỷ gì như vậy xảy ra đâu. Vẫn một mình, ngửi đi ngửi lại mùi của mình trên gối, trong chăn, trên nệm phát chán, phát ghét, đôi khi áp môi vào, hôn đại con gấu bông mềm nhũn từ bữa nào đó nổi khùng mua  đem về quăng vào giường. Nó có bao giờ hôn lại đâu. Chẳng có một chút cảm giác sống động nào hết.
Thế là lại mất ngủ rồi. Nhìn lên cái đồng hồ điện tử trên bàn, trong bóng đêm, 2:31. Nằm mãi cũng thế thôi, ngồi dậy làm một cái gì đó rồi ngủ lại có lẽ dễ hơn. Cái dùng để làm một cái gì đó thường xuyên trong những đêm mất ngủ là cái laptop của hãng cung cấp, trong đó dấu nhiều tư liệu bản thân. Những truyện ngắn. Ngồi ngó đăm đăm ra cửa sổ, bầu trời tối đen bên ngoài, tưởng tượng những câu chuyện, những khuôn mặt vui vẻ, những thân thể khỏe mạnh, những tâm hồn trong sáng, viết. Người ta biết về gã như là một nhà văn đầy tính lạc quan và hy vọng. Trong khi ngồi viết những trang bản thảo đầy mây trắng và hoa tươi, gã thật sự thấy mình đang đeo một cái mặt nạ.  Hì hục hai ba lần, sửa tới lui, nhìn ngắm tác phẩm một vài lần nữa, như nhìn ngắm người yêu trước giờ phút trở thành vợ (hà, có quái người yêu nào đâu), rồi gởi đi cho một vài tờ báo thường xuyên cộng tác mà chưa bao giờ biết lý lịch bản thân ngoài một vài thông tin tổng quát: tên, thật ra là một bút hiệu chẳng có chút liên hệ gì đến tên thật, tuổi, nghề nghiệp, sống ở đâu. Cũng không biết mình có nổi tiếng hay không, nhưng có một số độc giả, thư ký tòa soạn đôi khi cũng viết vài câu trong email khen ngợi cách lịch sự, chừng mực. Thỉnh thoảng sơ ý để lộ vài cảm xúc trong truyện ngắn, có lẽ hơi nhiều lần vì dấu giếm che đậy vốn là mặt yếu của gã, có một độc giả email hỏi, chữ nghĩa như vầy: hình như nhà văn còn ...độc thân" Vườn ...tre đã có ai vào hay chưa" Cái tên trên bức thư điện tử cho thấy là một phụ nữ, chẳng làm gì có lão đàn ông nào tên là Lan Ngọc hay Ngọc Lan gì đó. Có họa chăng là Lân Ngốc" Đàn ông thì hỏi tình trạng hôn nhân của gã làm gì. Vài dòng ngắn ngủi đó cũng làm cho gã ngồi bâng khuâng cả tiếng đồng hồ bên cạnh cái laptop, hôm ấy chẳng viết được gì hết ngoài việc ngồi hình dung ra một đóa hoa ngọc lan trắng tinh, thơm ngát, người chắc cũng trắng, cũng đẹp, cũng thơm như vậy. Nhưng mình lớn tuổi rồi, nghề nghiệp cũng không hơn ai, và lại còn... Thôi, im đi. Viết lại cái email chung chung, với lời lẽ nghiêm trang giả bộ. Khi gởi thư trả lời đi rồi, giận mình, giận đời, giận người, giận đủ thứ. Thất vọng muốn ngước mắt lên trời và hú to, như một nhân vật trong truyện nào đó.
Khi ngồi vào bàn, mở laptop ra, chợt rớt ra một tấm hình. Người đàn ông cầm lên, nhìn ngắm. Đó là tấm hình một chàng trai độ ngoài đôi mươi, dong dỏng cao, khuôn mặt xương gầy. Đôi môi hơi bĩu ra như đôi môi của một đứa trẻ nũng nịu. Đôi mắt sáng, vẻ đẹp sâu thẳm nhất trên khuôn mặt. Gã mỉm cười nhìn hắn. Mình đấy ư" Lâu lắm tao chưa gặp mày, Nhật. Sinh Nhật. Nguyễn Vũ Sinh Nhật. Giọng ca nồng nàn của Trường Đại Học Duyên Hải, một thời...
Gửi gió cho mây ngàn bay, gửi phím muôn mầu về hoa, gửi thêm ánh trăng mầu xanh lá thư về đây với thu trần gian.
Gã đưa mắt nhìn lên cây đàn guitar treo trên vách. Muốn vói tay lấy nó xuống, nhưng bỗng cảm thấy chán chường. Thường là vào trong những lúc có hứng khởi làm việc gì, gã bỗng cảm thấy chán chường, làm cái gì cũng vậy, cho nên không một cái gì ra cái gì. Đúng ra là cái cảm giác ấy chỉ xảy ra vào những khoảng thời gian khoảng chục năm trước đây, để rồi từ đó tự gói mình vào cái vỏ xơ xác cứng đó, thành một cách sống. Khoảng hai chục năm trước, gã cũng có một người, hai người, yêu gã, nhưng chưa kịp yêu lại. Vì lúc đó hãy còn trẻ quá, mộng còn đầy quá, mây còn trắng quá, hoa còn tươi hồng, lá còn xanh xao. Trong một đêm trăng viễn mộng ở sân sau nhà một người bạn, suýt chút nữa là gã đã trao đôi môi nũng nịu trẻ thơ của mình cho một cô gái mỏng manh như liễu, có tên là Nhiên, về sau cô chết trẻ vì bệnh. Đôi môi thôi, là cả một cố gắng phi thường của một thanh niên nhút nhát, đặc biệt là nhát ...gái.
Cho tới bây giờ, đôi môi gã trung niên này vẫn còn trinh bạch, như có lần đọc một bản tin về người nữ ca sĩ lớn tuổi, bốn mươi mấy, đi thi một kỳ thi tài năng, Britian Got Talent, Susan Boyle, thành thật mà nói là dung nhan tệ quá, gã rất tâm đắc với câu phát biểu của cô gái già này: chưa từng có một nụ hôn đàn ông nào. Giống mình. Mình cũng chưa hề có một nụ hôn đàn bà nào, một nụ hôn thật với tất cả sự rung động đứt giây ...đàn. Có khi gã đưa tay lên đôi môi, bây giờ không còn vẻ nũng nịu trẻ thơ nữa, mà héo úa, xám ngắt, tự nhủ: có ai còn muốn ...hôn ta"
Bỗng nhiên gã lại muốn nổi giận. Ở trong gã dường như có đến hai người. Thằng thứ hai đang đến. Gã cố gắng tự chủ. Bỏ tấm hình đẹp trai trẻ trung ấy vào lại trong cuốn sách. Nằm yên trong đó đi bạn, đừng bao giờ chường mặt ra nữa nhé. Gã mở laptop, định tập trung viết vài đoạn, gã đang suy nghĩ đến một đề tài khá thơ mộng, những nhân vật rất bình thường, cái gì cũng bình thường, trẻ trung, sôi nổi, nhưng đột ngột muốn cho chàng đẹp trai nhân vật chính trong câu chuyện bị tai nạn chết, để lại niềm thương nỗi nhớ cho người yêu bé nhỏ. Nhưng không thể tập trung được. Giấc mơ khi nãy lại trở lại. Gã tự nhủ, phải chăng là những mơ ước không thể thực hiện được ban ngày thường rón rén trở lại vào ban đêm, trong những giấc mơ"
Chiều nay khi từ sở làm về, gã ghé vào một khu shopping mall mua sắm vài món đồ, loay hoay trong một rừng quần áo dày đặc, gã cúi xuống lượm cái quần bị rớt dưới đất móc lại trên giá, bàn tay chạm vào phần phía dưới sau lưng của một phụ nữ còn trẻ đang vắt trên tay một đống áo quần vừa trờ tới, gã giật mình như bị điện giật và lí nhí. I m sorry, ngay cả khi người đàn bà cũng chưa kịp để ý đến sự va chạm, bà ta vẫn tiếp tục lựa đồ và thản nhiên đi vòng qua dãy áo quần bên kia. Gã sững sờ nhìn theo, chính là gã, xúc động ngây người vì sự va chạm tình cờ đó, chứ không phải người đàn bà bị va chạm, và ở bên kia bà ta vẫn thản nhiên cầm lên  cái quần đàn ông, ngắm nghía, bỏ xuống, cầm lên cái quần khác  hoàn toàn không biết có một đôi mắt đàn ông đang nhìn như bị thôi miên vào cái phần thân thể gợi cảm của mình. Không chỉ nhìn như bị thôi miên, trong lòng gã chợt dấy lên một khao khát điên khùng là đưa tay ra, chạm đến lần nữa. Gã tưởng tượng mình đang cầm trong tay một trái táo cứng. Hoàn toàn trong sáng. Bàn tay gã như bị đông lại. Giây phút khoảnh khắc chống cự với con người dồn nén, khao khát trong lòng là một nỗi cực hình như thể bị treo cổ trên xà ngang. Gã đau đớn nhận ra một lần nữa mình thất bại.
Những giây phút hiện hữu mà không nắm bắt được là một niềm đau. Nhưng những giấc mơ không bao giờ làm hại ai, đôi khi làm trái tim cô đơn ray rứt muốn khóc. Những hình ảnh lờ mờ, xa xa từ từ thu lại gần, như khi chiếc máy chụp hình zoom cảnh vật gần lại, như một trận bão lớn rất to từ xa tiến lại, những vòng tròn xa gần lại, tụ lại, ra hình ảnh một người. Người phụ nữ luôn nhìn gã với nụ cười dịu dàng, người phụ nữ duy nhất nhìn gã với nụ cười dịu dàng, làm gã liên tưởng đến nụ cười của mẹ gã ngày xưa, một người đàn bà nhà quê rất yêu con, thậm chí ...tôn thờ con. Gã quay người lại ngồi nghiêm chỉnh trên ghế. Người phụ nữ mà gã gặp thường xuyên mỗi tuần lễ, vào ngày Chúa Nhật, ở nhà thờ. Cô, hay là bà, đi nhà thờ với một đứa con gái nhỏ chừng 5, 6 tuổi, nghe nói chồng bị tai nạn chết khi đứa bé vừa chào đời. Đôi khi gã mơ hồ bắt được cái nhìn ấy trên tóc mình, phía sau lưng, còn khi đối diện, thì cười dịu dàng. Nụ cười gần giống như nụ cười trên khuôn mặt của một trinh nữ trong một bức tranh cũ. Gã lảng tránh cái nhìn đó, nụ cười đó. Đừng lại gần ta (mà thật ra cô ta có muốn lại gần gã hay không gã cũng không biết), cô sẽ thất vọng. Gã lẩn tránh người phụ nữ đó, nhưng không lẩn tránh được chính mình. Gã hình dung cảnh hai người sánh vai nhau đi vào giáo đường mỗi Chúa Nhật, đứa bé chạy trước. Nếu mình không có con, đứa bé sẽ là con mình. Nó trông hồn nhiên, dễ thương như một thiên thần. Gã biết nhiều người trong nhà thờ xầm xì về việc đó, gã giả vờ không để ý, nhưng tai chăm chú lắng nghe.
Bỗng dưng hình ảnh người phụ nữ ấy hiện ra sát bên cạnh gã đêm nay. Gần đến nỗi gã có thể chạm đến, hay tưởng tượng là sẽ chạm đến. Cái tâm hồn lẻ loi của gã xao xuyến. Nhìn quanh căn phòng lẻ loi đã sống hàng chục năm qua, một căn apartment một phòng, nhìn lại cái giường lẻ loi, thậm chí bức tranh Chúa Jesus đang ôm một người đàn ông đau khổ trong vòng tay cũng không tránh khỏi nỗi lẻ loi, vì chỉ đứng một mình trên vách hàng chục năm, không có gì khác. Bây giờ, phải mà có một người phụ nữ bên cạnh, nếu mà có một đứa con nữa thì thật là hạnh phúc. Mình có thể ngồi đây, mất ngủ cũng được, nhưng vợ con nằm đó, say giấc ngủ. Một hình ảnh gia đình êm đềm. Mình sẽ đến nhẹ hôn trên trán họ, trên tóc họ. Và nếu vợ mình bị đánh thức, cô sẽ vòng tay ôm lấy cổ mình, kéo mình xuống giường. Cái vòng tay da thịt nóng ấm. Ngủ đi anh. Cô sẽ sàng nói. Cái ngôn ngữ ngắn ngủi mà nồng nàn ấy gã chưa bao giờ được nghe trong cuộc đời. Ừ nhỉ, rồi sáng mai, cô ấy sẽ dậy sớm, pha cà phê cho mình, trong khi mình vẫn còn lười biếng cuộn tròn trong chăn, cho những bắp thịt, khớp xương hoạt động tích cực tối qua thư giãn thêm chút nữa.

Có tiếng chân đi phía dưới đường, lôi hắn ra khỏi suy tưởng, những người đi làm sớm đã bắt đầu rời nhà. Cái đồng hồ điện tử nhìn gã một cách đáng ghét. 3:05. Gã đứng dậy, lại gần cửa sổ nhìn xuống đường. Hai vợ chồng trẻ người Nga ở căn phòng dưới lầu đi làm ca đêm về, đêm nào cũng vậy, ngoại trừ đêm Chúa Nhật. Gã đứng trên lầu nhìn xuống, nhìn họ ríu rít mở cửa, ríu rít vào nhà, dường như chẳng có vẻ gì mệt mỏi sau ca làm việc. Gã hình dung thêm cảnh ở bên trong, khi cánh cửa đóng lại. Họ sẽ quăng mấy cái giỏ đựng thức ăn chiều xuống đất, ôm nhau, hôn, rồi đùa giỡn với nhau, và cuộc đùa giỡn cuối cùng chấm dứt ở cái ...giường.  Họ có đôi có cặp, chắc hạnh phúc, còn trẻ mà, nên lúc nào thấy anh ta cũng vui vẻ. Chả bù với mình.
Thường thì gã thức dậy vào khoảng 5:30, vệ sinh cá nhân xong, pha ly cà phê để ủ nóng trong bình là ngồi vào bàn, lấy quyển Kinh Thánh ra đọc và cầu nguyện, rồi sau đó mới lấy cà phê, nướng cái bánh mì nhỏ, quệt ít bơ đậu phọng vào, mở laptop ra, đọc tin tức, đọc và trả lời email, rồi chuẩn bị đi làm. Hôm nay có lẽ là không ngủ lại được nữa, cũng không viết được. Những hình ảnh con người cứ loay hoay trong đầu, dứt không ra, mà thật ra gã cũng không muốn dứt. Giá mà có ai bên cạnh mình lúc này, để mình nói chuyện. Nói  được chắc sẽ trở nên ... bình thường. Từ bao nhiêu năm nay gã không hề có một người nào để nói. Một vài người bạn ở xa ai cũng có gia đình, có chuyện phải lo, rảnh đâu mà đi nói chuyện với mình. Những độc giả đọc truyện ngắn thì lác đác như lá mùa xuân. Email qua lại toàn những lời lẽ nghiêm nghị, uyên bác, viết thư như vẽ tranh, sâu sắc đến độ lạnh mình, ghé mắt nhìn thật sát cũng không thấy chút tình cảm nào. Gã bỗng thèm nói, thèm một cách cuống cuồng, như ngày xưa còn bé, ngày nào cũng chực chờ trước ngõ chiếc xe cà rem bán dạo leng keng leng keng, xe kem tới, vùng bật dậy chạy, vấp té trên ngạch cửa chảy máu đầu gối, rồi đứng dậy chạy nữa, mà không biết đau, que cà rem mát lạnh, ngọt ngào là một nhu cầu cần thiết cho thằng bé nhà quê 5 tuổi ngày ấy, như bây giờ, nói, như một nhu cầu cấp bách phải nói, nói ngay, nói vội, nói hết, nói tất cả, không  thì chết. Nói với ai bây giờ, nói với mình hàng bao ngày bao đêm đã mệt mỏi quá rồi. Nói với Chúa được không. Chúa có nghe không" Gã lại nhìn lên vách. Bức tranh lẻ loi đang nhìn lại. Họ có hai người đấy, đâu có lẻ loi. Gã nhớ rằng có một lần đi vào một Christian Bookstore, tình cờ nhìn thấy bức tranh này để khuất trong một góc, hình như lâu rồi, cũ rồi, không có ai mua. Người đàn ông trong tranh gục đầu xuống, không thấy mặt, nhưng chắc là ở trong một hoàn cảnh rất đau buồn, vì Chúa phải ôm ông ta vào lòng, tay đặt trên vai vỗ về an ủi. Sao mà giống mình quá. Gã mua đem về. Từ đó những lúc thấy mình buồn, gã nhìn lên bức tranh và tưởng tượng Chúa Jesus đang ôm mình vào lòng an ủi. Chúa có ôm mình không. Chắc là có. Gã nghe trong một bài giảng rằng Chúa Jesus yêu thương những người bệnh tật, cô đơn. Mà gã, vô cùng cô đơn và hết cỡ bệnh tật. Gã tin Chúa trước khi tai nạn xảy ra. Nhưng dường như chẳng bao giờ tìm thấy mối liên hệ mật thiết với Đấng mà gã tôn thờ. Trước đó có lẽ cũng có, sau tai nạn thì càng nhạt nhẽo hơn. Gã và Chúa đứng cách xa nhau hàng trăm thước, chỉ nhìn thấy nhau lờ mờ. Gã từng nghe nhiều người trong nhà thờ cầu nguyện dài dòng, và đôi khi họ khóc lóc, khóc như thể người thân mới qua đời, như thể họ đang đối diện với một người có thật, đang đứng trước mặt, đang ngồi cạnh, đang ôm họ trong lòng. Gã chưa bao giờ hình dung ra điều đó có thể xảy đến với mình. Chúa ở cách xa gã quá, như trời và đất. Gã đi nhà thờ thì chắc cũng vì kính phục Đấng tạo nên trời đất, vũ trụ, con người. Như bổn phận thế thôi. Gã vẫn nghe các Mục sư giảng về tình yêu, nhưng nghĩ rằng đó là một loại tình yêu đại đồng, cho cả loài người tội lỗi, chẳng cho riêng ai. Nhất là cho gã một kẻ làng nhàng không có gì đặc biệt. Nếu Chúa yêu gã, thì chẳng để cho gã ở trong cái hoàn cảnh như vậy. Sống không ra sống, chết không ra chết. Khi đang sống thì lại muốn chết. Khi sắp chết lại khát khao được sống. Như hai con gà chọi đang đỏ mặt ... kênh nhau. Rõ ràng là có cái gì đó trong gã ... không bình thường.
Chúa, cho con nói chuyện với Ngài một chút, được không. Đột nhiên gã cất tiếng nói, giọng nói rất thành khẩn, năn nỉ. Không có ai để con nói chuyện đươc hết và con cũng không muốn nói chuyện của mình cho bất cứ ai nghe. Từ khi những vết thương thôi chảy máu và trở thành sẹo, con đã ngậm luôn cái miệng hay cười hay nói ngày xưa, và nuốt những ẩn ức vào tận đáy lòng. Nói đi con, con trai yêu dấu. Gã rợn người, nhìn quanh. Rõ ràng là có tiếng ai vừa nói, cái âm thanh của giọng nói êm đềm mà gã chưa bao giờ nghe lại từ khi mẹ mất. Cha thì không biết mặt đã từ lâu, không biết là còn sống trên đời hay không. Xung quanh gã là bóng tối, chỉ có chút ánh sáng của cái đèn chụp trên bàn rọi xuống. Mình vừa gọi Chúa, thì chắc là Chúa trả lời. Tại sao mình sợ. Phải Chúa không. Phải, chính là ta đây, con trai của ta. Chúa, nếu là Ngài, hãy cho con một dấu hiệu để con có thể nhận ra Ngài. Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các con được yên nghỉ. Những lời nói rõ ràng là từ trong lòng Thánh Kinh bay ra. Chúa chứ còn ai.
Con thật sự chán ngán cái kiểu sống này rồi. Con muốn cười, nhưng khi mở miệng ra thì lại là một cái miệng mếu. Con muốn nói những lời lạc quan nhưng khi mở miệng ra lại toàn là những tư tưởng chán đời. Con muốn lại gần người ta nhưng khi họ lại gần con thì con lật đật lảng tránh, con nghĩ là họ thương hại mình. Con ghét sự thương hại. Con muốn một tình yêu chân thật. Khi con viết văn, thì viết toàn những lời giả dối, không phải của mình, chỉ là một bức tường xây lên để bảo vệ. Bảo vệ cái gì, một người không có cái gì để bảo vệ. Con nói trắng ra là con thèm muốn được là một người đàn ông bình thường, có một người vợ để mà ôm ấp, mà yêu thương, mà chia xẻ. Nhưng con không dám bước tới. Con sợ rằng mình sẽ đau khổ, con đã đau khổ đủ rồi. Ai mà dám yêu con, một gã đàn ông như thế này"
Gã im lặng, chờ đợi câu trả lời. Gã mơ hồ nghe tiếng nói. Tiếng nói từ trong lòng, trong tim, trong óc. Tiếng nói như một bàn tay ôm ấp, như một nụ hôn trên trán, trên má.
Ngày xưa con đã từng là một người đàn ông trẻ khỏe mạnh, yêu đời. Gã độc thoại. Con nhớ mãi ngày ấy, một ngày kinh hoàng trong đời, khi con mở mắt trong bệnh viện, trong khi đầu óc vẫn còn mơ màng chưa nhớ những gì đã xảy ra, con thấy đau nhức khắp người, con đưa tay rờ rẫm, thấy bông băng đầy trên mặt, cố mở mắt, mà không được. Bàn tay con di chuyển dần dần đến những chỗ đau, mong vuốt ve cho cơn đau dịu bớt. Con lạnh mình khi bàn tay di chuyển đến xuống dưới bụng, con không cảm giác được gì cả dưới lớp băng vải. Và con nhớ lại, trước khi ngất đi, con đã thấy đau buốt ở nơi đó, cái đau tức ngược, muốn rú lên nhưng tắc nghẽn. Con nhớ lại, khi chiếc xe truck tông vào phía sau xe con, và xe con tông vào bức tường xi măng ngăn đôi freeway hai chiều. Một màu đỏ loáng lên trước mặt con như mầu mây đỏ hoàng hôn, rồi con hoàn toàn không biết gì nữa. Con đã hoang mang cả ngày hôm đó trong bệnh viện, khi bác sĩ đến, con run giọng hỏi, doctor, how about my ... Vị bác sĩ cầm tay con, nói nhỏ, I m sorry, con thấy cả bầu trời sụp đổ. Chúa ơi, con nhớ là ngày hôm qua con còn đứng hát trong ban hát của nhà thờ mà. Cuộc đời con còn quá dài ở phía trước.
Một cái gì đó nghẹn ở cổ. Gã cố nuốt xuống và nói tiếp. Chúa có đang nghe không. Gã không nghe tiếng nói, nhưng có nghe tiếng khóc. Tiếng khóc của ai vậy" Từ lâu rồi gã đã quên rằng có một giải pháp làm cho con người ta bớt đau buồn, đó là tiếng khóc. Gã không khóc được nữa, vì đã khóc hết một lần trong buổi chiều hôm ấy, trong bệnh viện, khi được xác nhận về tình trạng thân thể khiếm khuyết của mình. Và sau đó dồn hết tất cả vào lòng, bước trở lại cuộc đời, bước khập khiễng, và một tâm hồn tật nguyền. Có một bàn tay đặt lên vai gã, gã ngước mắt lên, và nghe cả hơi ấm vòng tay ôm ngang thân thể mình. Cơn đau dịu xuống như bầu trời đang nóng bức bỗng mưa rơi. Con đã oán hận Chúa, dù không biết là oán hận cái gì. Chúa không có lỗi gì trong tai nạn ấy, là vì con, trong tiệc vui với bạn bè đã uống nhiều rượu, và không thể điều khiển tay lái thẳng. Chiếc xe truck tông vào con cũng không phải là lỗi của họ. Lỗi của con. Nhiều năm qua con đã oán hận vô cớ, tự giết mình dần mòn với những thái độ cay nghiệt với cuộc sống. Con đã đánh mất hết cả đời mình trong tuyệt vọng, vì cô đơn, do mình chọn. Chúa ơi, con sai lầm quá phải không. Gã lại im lặng, nghe tiếng khóc. Gã lắng nghe tiếng khóc ấy, có cảm giác như một niềm thương cảm òa vỡ, vỗ về, dịu dàng. Chúa ơi.
Bây giờ con có thể làm gì" Tại sao đêm nay con lại không ngủ được" Và tại sao con lại nghĩ đến người phụ nữ ấy. Đó là người phụ nữ duy nhất mà con thấy lòng mình xúc động từ sau tai nạn, dù giữa con và cô ta chưa bao giờ có một cuộc gặp gỡ riêng tư, chưa hề nói với nhau một câu dài hơn 3 chữ. Cô ấy nhìn con, con biết chắc đó không phải là cái nhìn thương hại, hay là cái nhìn của một người mẹ nhìn con, con có nhận diện được cái nhìn ấy, nhưng  con quay đi, dù trong lòng ao ước quay lại, nhìn vào khuôn mặt dịu dàng ấy. Trong những đêm, con vẫn thấy cô ấy trong những giấc mơ, và nắm bàn tay cô, nhìn vào mắt cô. Con thấy mình là một người đàn ông khỏe mạnh, không có khiếm khuyết gì cả. Sự khiếm khuyết đang có chỉ là một cơn ác mộng, và nhiều đêm con suy nghĩ: sáng mai, khi mình mở mắt ra, thức dậy, thì mọi cái vẫn như cũ. Những hư hỏng, những cắt đứt đã lành lặn trở lại như chưa hề có việc gì xảy ra. Cơn ác mộng đã kéo dài quá, thế thôi. Nhưng mà mỗi sáng mai, khi thức dậy, bàn tay phản xạ đưa xuống phía dưới, con biết rằng đó là sự thật, không phải là ác mộng. Con không muốn ngồi dậy nữa.
Chúa ơi, bây giờ con có thể làm gì" Con sẽ không ảo tưởng rằng mình có một thân thể toàn vẹn, mình khiếm khuyết, tật nguyền. Con phải đối diện với sự thật một lần, và giải phóng nó. Con không muốn sống cuộc sống của một người hấp hối, hấp hối từ ngày này sang ngày khác. Người ta sống, đâu phải chỉ bằng cái thân xác, với những nhu cầu của thân xác, người ta còn quá nhiều điều khác để sống. Tại sao con cứ phải ngồi trong bóng tối và nguyền rủa bóng tối, trong khi ánh sáng đầy dẫy ngoài kia, cái bóng tối âm ỉ là sự bất lực thể xác, nhưng cái ánh sáng còn là đôi chân, bàn tay, còn là một tâm hồn khao khát tình yêu, khao khát một mái ấm, khao khát những nụ cười, lời nói, cử chỉ. Những lời nói yêu thương, sự đồng cảm vuốt ve, giấc ngủ lặng vào đêm, vòng tay trễ nãi gắn bó ...Còn nhiều nữa. Gã càng nói càng sôi nổi,  không biết là đã quỳ mọp xuống bên cạnh chiếc ghế từ khi nào, và bây giờ thì đã nằm hẳn dưới đất, cái sàn nhà bằng gỗ cứng, bò đi từ góc này đến góc kia,  trôi nổi, bồng bềnh như đang trên những đám mây. Và toàn thân gã như đang được bao phủ kín bằng một loại nhung mềm, êm ái, nồng nàn, chưa từng có bao giờ. Êm ái đến nỗi gã không còn muốn nói gì thêm nữa. Gã muốn nằm luôn trong tấm nhung êm ấy.
Một trong những điều gã sợ hãi nhất là tấm gương trong phòng tắm. Gã không bao giờ dám nhìn thẳng vào nó, ngay cả khi cần phải soi để chải đầu trước khi đi làm. Gã chải đầu trước bức tường trắng trong phòng. Đôi khi vô tình đi ngang tấm gương, nhìn vào, gã muốn đập nát tấm gương. Gã không bao giờ đứng trước gương sau khi tắm. Nhưng đêm nay, gã bỗng muốn thay đổi. Không phải là Chúa mới nói điều gì với mình đấy sao. Mình không thể thay đổi được quá khứ, nhưng mình có thể thay đổi tương lai, nếu mình cư xử với hiện tại một cách khoan dung.
Gã thấy mình đứng dậy, đi vào phòng tắm, bật đèn, nhìn vào gương. Đã rất lâu, sau tai nạn, lần đầu tiên gã nhìn kỹ khuôn mặt mình. Trước mặt gã là một người đàn ông xấu xí đang nhìn lại, với một vết thẹo dài bên má, một con mắt nhăn nhíu, lõm sâu, một khoảng da đầu bóng nhẫy, không mọc tóc, một khuôn mặt buồn thê thảm, sau khi đã lột bỏ cái mặt nạ. Nhưng đó không phải là vấn đề. Gã cởi áo, cởi cái quần dài luôn luôn mặc trước khi  ngủ, như một hành động tự vệ, cởi luôn cả quần lót, trần truồng trước gương, gã nhìn thân thể mình bằng đôi mắt ráo hoảnh. Hãy nhìn nó. Nhìn thẳng vào nó. Vật mà gã không bao giờ muốn nhìn, không bao giờ dám nhìn, ngoại trừ những khi bắt buộc phải nhìn, phải chạm đến. Cái biểu tượng kiêu hãnh của giống đực dưới bụng, chỉ là một miếng thịt tật nguyền, mềm nhũn, bèo nhèo. Gã cúi xuống, nhìn kỹ hơn, đưa tay cầm nó lên, nó có quá quan trọng để gã bằng lòng đánh đổi cả cuộc đời còn đang ở phía trước" Thật chính là nó quyết định cho hạnh phúc cuộc đời của một con người sao" Còn một cái gì khác chứ"

Thưa cô,
Tôi là một người đàn ông bình thường, nhưng không bình thường. Tôi muốn mình là một người đàn ông toàn vẹn, nhưng tôi lại khiếm khuyết. Tôi ao ước được yêu, nhưng sẽ không đáp ứng được tình yêu đôi lứa. Tôi bị tật nguyền trong vấn đề chăn gối, nhưng tôi thèm khát một mái ấm gia đình. Tôi chưa bao giờ có một kinh nghiệm riêng tư với Chúa, nhưng tôi nghĩ rằng đã gặp Ngài đêm nay, sau một giấc mơ lúc hơn nửa đêm về sáng. Tôi thường lẩn tránh cô vì không dám lại gần, chứ không phải vì không muốn. Tôi biết cô là một người đàn bà có trái tim nhân hậu. Tôi là một người đàn ông cần sự nhân hậu đó.
Tôi có nhầm lẫn không, tôi không biết. Nhưng tôi biết một điều, nếu cô nghĩ rằng có thể kết hợp được với một người như tôi, tôi sẽ là người chung thủy với cô trọn đời sống. Tôi có linh tính rằng cô sẽ chấp nhận tôi, cô có chấp nhận tôi không. Xin cô trả lời cho tôi.

Khi bức điện thư gửi đi rồi, màn hình hiện lên chữ sent, gã bỗng cảm thấy nôn nao, một cảm xúc trệu trạo, chòng chành từ từ phía dưới chạy lên trên, làm co giật những bắp thịt trên má, cảm giác rưng rưng làm cay cay trong mũi, muốn hỉ mũi ra, mà không phải, rồi cảm xúc dừng lại ở đôi mắt, đôi mắt đẹp ngày xưa, nó dừng lại ở đó, tăng cường độ, tăng nồng độ, và những giọt nước từ trong mắt chảy ra, chảy xuống má. Gã không muốn giữ lại nữa. Gã để cho nó chảy, chảy đi, chảy cho hết những mặc cảm, những buồn đau, chảy tràn qua hết những ngày tháng tê liệt.
Cho đến khi không còn chảy được nữa, thì ngừng lại. Dòng sông đã vượt qua biên giới.
TRẦN NGUYÊN ĐÁN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 72,863,339
Năm 2004, Kim nhận được giấy mời gia nhập Medical Reserve Corps của Fairfax County Health Department
Thấm thoát mà ông bà Mạnh đã vào nhà dưỡng lão được 18 tháng
Ngày được thả ra từ trại cải tạo Vĩnh Quang thuộc tỉnh Vĩnh Phú (Bắc Việt) gã dửng dưng làm các bạn cùng lán cũng phải ngạc nhiên!
Khi định cư tại Mỹ, tôi lại tò mò muốn tìm hiểu về loại nhà mobilehome
Cuối năm 2009 này các rạp lớn ở Mỹ cho trình chiếu phim khoa học giả tưởng dùng kỹ thuật phát hình 3 chiều (3D) được đạo diền và sản xuất bởi  James Cameron, đạo diển 
Tôi đứng ở tuổi 40, với tôi một tuổi đầy sức sống
Một buổi chiều tháng  6 năm 2008, tôi đến Ngân Hàng Wells Fargo
Trời mới heo heo, ông Bản đã dọn dẹp nhà cửa cho thật khang trang. Bà nói ông dở chứng. Năm nay sơn phết, chùi rửa nơi nơi…
Nhạc sĩ Cung Tiến