Cùng Một Kiếp Người
Tác giả: Nguyễn Viết Trường
Bài số 2836-1628906- vb411310
Tác giả từng góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt vào mùa bão Katrina 2005. Ông là cựu sĩ quan phi công VNCH (khóa 64C SVSQPH), cựu tù nhân CSVN, tới Mỹ theo diện HO8, từng là Đại diện hội ái hữu không quân miền Trung California tại Los Angeles (13 năm), cựu trưởng ban tổ chức Hội chợ Tết LA 2003, chủ nhiệm kiêm chủ bút Đặc San Phi Đoàn 116. Bài mới này là một chuyện tình đổi đời, được ghi là viết theo dẫn ý của người bạn cựu học sinh Chu Văn An Nguyễn Phúc Thái, vừa từ quê nhà sang dự ngày Hội Ngộ Cựu Học Sinh Chu Văn An-Nguyễn Trãi.
***
Ngày được thả ra từ trại cải tạo Vĩnh Quang thuộc tỉnh Vĩnh Phú (Bắc Việt) gã dửng dưng làm các bạn cùng lán cũng phải ngạc nhiên!
Nhưng, có ai hiểu cho bằng gã lúc bấy giờ" Sau ba năm khổ sai trong các trại cải tạo ở miền Bắc của Xã hội chủ nghĩa, qua sự thông tin của gia đình, gã biết được vợ gã đã ôm cầm thuyền khác, lặng lẽ bỏ gã mà xây dựng cuộc sống mới bên một người đàn ông khác, tuy lớn tuổi hơn gã nhưng lại là một tên Cộng Sản ma mãnh và giàu sang...
Khi biết được tin tức chính xác về sự kiện này, gã trở nên trầm lặng, ít nói. Gã tuân thủ mọi sinh hoạt trong các trại cải tạo, hiền hòa với mọi người và sống lặng lẽ bình thản đến độ "dễ sợ" trong những tháng ngày sau đó, trước khi được Cộng sản "tống khứ" cho về với xã hội bên ngoài...
Sau những thủ tục phải làm, 13 người trong nhóm được thả cùng ngày với gã, đã được chở bằng xe "ô tô" của bộ đội ra ga tàu hỏa để suôi Nam, hành trang của 13 người sĩ quan quân đội VNCH chính là sự can trường và lòng bất khuất của họ với những cai tù và chế độ cải tạo tàn ác dã man vô nhân đạo của Cộng Sản....
Cám ơn Trời Phật, nhờ gian nan, cùng cực, họ đã hiểu được thực chất của chế độ Cộng sản,
( mà trước đây thật sự họ chỉ hiểu "lờ mờ" về chế độ này, thậm chí, còn có người "khen" Hồ chí Minh là "tài ba lỗi lạc" được cả thế giới biết đến, tiếc rằng chỉ vì sự khác biệt về ý thức hệ """),
Họ đã hiểu được rõ nét hai chữ "tình đời", và "bản chất từng con người" cũng như "bản chất của chính mình"... Hy vọng nhờ vậy, họ sẽ bình tĩnh và sáng xuốt khi phải va chạm với thực tế đời sống trong xã hội mới, do bọn cướp nước đang thống trị....
Trên tàu hỏa, 13 người "tù không số" được xếp cho ngồi chung một toa, tâm tư tình cảm của mỗi người mỗi khác, nhưng có lẽ đa số vẫn là những hồi hộp lo âu pha lẫn với những vui sướng khi được thoát ra khỏi "địa ngục trần gian", riêng gã, nỗi buồn mỗi lúc một dâng lên trong lòng, gã không thể ngồi yên một chỗ như mọi người, mà đi đi lại lại trong toa, khá lâu sau, thì gã đứng ngay lối đi lên xuống của toa tàu , hai tay nắm chặt lấy cột sắt hai bên lối đi, đôi mắt như thẫn thờ nhìn cảnh vật bên ngoài...
Phong cảnh bên ngoài chạy vun vút ngược chiều với con tàu, như cố tình "trêu ngươi." Nhìn phong cảnh trước mắt, vẫn con trâu đi trước cái cầy đi sau, dân chúng vẫn cơ cực đến độ lạc hậu ngoài sự tưởng tượng của gã. Vậy mà cái chế độ này cứ luôn gân cổ ca tụng là "Xã Hội chủ nghĩaưu việt". Tự nhiên gã nhớ ngay đến câu nói bất hủ của vị tổng tư lệnh quân đội VNCH trước đây:
"Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn kỹ những gì CS làm",
Và thấy thật thấm thía với câu nói trên...
Trước khi "chui đầu" vào các trại Cải tạo, gã đã lập gia đình, với một người con gái thua gã tới một con giáp, nên sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 oan nghiệt, vợ gã còn quá nhỏ, quá thơ ngây trước một xã hội xô bồ cũng là chuyện dễ hiểu. Gã chẳng oán trách gì, chỉ thấy cõi lòng mình trống vắng. Suy đi nghĩ lại, thôi thì đành cứ "xuôi theo tự nhiên" mà sống.Từ từ rồi làm gì thì làm...
Đang triền miên suy nghĩ, bỗng gã nghe có tiếng nói của một phụ nữ qua vai gã:
- Anh đang nghĩ ngợi gì mà đăm chiêu vậy"
Gã quay phắt ngay lại, như một phản ứng tự nhiên, trước mặt gã là một phụ nữ trên dưới bốn mươi tuổi, còn xinh sắn và có duyên lắm, đang mỉm cười thân thiện, gã nhẹ nhàng trầm giọng:
- Tôi mới Cải tạo ra, nên đang bối rối suy nghĩ, chẳng biết sẽ phải làm gì trong Xã hội hiện nay...
- Trông bộ quần áo rằn ri anh đang mặc, em biết ngay anh là sĩ quan của chế độ cũ, ở tù mới ra hả anh"
Nghe đến đây, tự nhiên gã nổi nóng:
- Tù tội gì cơ chứ, không có số tù sao gọi là tù! Tôi "bị" đi cải tạo, mới được thả!
- Ồ, xin lỗi anh, cho em xin lỗi, em cũng từng là vợ của một sĩ quan chế độ cũ đây mà! Quen miệng thì nói vậy thôi....
Thế rồi qua những mẩu đàm thoại, gã được rõ, người phụ nữ này có chồng là một quân nhân, chồng mang cấp bậc trung uý địa phương quân, đã tử nạn trong một trận đụng độ với Việt Cộng một tháng trước khi chính thể VNCH bị "xóa xổ" một cách oan ức, người phụ nữ này bơ vơ, cô độc một thân một mình, nên đành nhắm mắt đi thêm một bước nữa, người chồng mới của chị tuy là một quân nhân của chế độ cũ, nhưng vì là Hạ sĩ quan, nên học tập cải tạo ngắn hạn thôi, anh ta hiện buôn bán thuốc tây lậu tại Quảng ngãi, còn chị thì phải đi buôn chuyến đường Bắc Nam, cả hai vợ chồng phải vật lộn với cuộc sống nên nay đây mai đó, ít có dịp sống bên nhau, nhờ biết xoay sở nên vợ chồng cũng có "đồng ăn đồng để", gần đây chồng chị lăng nhăng với một cô gái bán bia ôm, nên thường hay hoạnh hoẹ đủ điều với chị và có lúc còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chị...Cuộc sống hiện tại của chị có chồng cũng như không...Buồn phiền và thất vọng, chị vùi đầu vào việc buôn bán để lo cho bản thân thôi, vì hai người lấy nhau chẳng có hôn thú, nên chẳng ai ràng buộc ai được, hợp thì sống chung, không hợp thì xa nhau cũng là lẽ thường tình.
Gã thở dài, đồng cảm, thế ra, trên đời này đâu chỉ có một mình gã là hẩm hiu số phận.
Hai người chuyện trò tâm đắc, chẳng bao lâu sau, gã theo đề nghị của người phụ nữ, đã lặng lẽ tách rời 12 người bạn cải tạo, và đến phòng riêng của người phụ nữ này tại toa tàu phía trước...Chuyện gì đến sẽ đến, hai kẻ lỡ làng duyên kiếp, số phận hẩm hiu nên dễ gần gũi nhau, gã thật vui trong lòng khi thấy người phụ nữ này, săn sóc gã thật chu đáo, và tuyệt vời trên mọi tuyệt vời, khi gã biết được khả năng sinh lý của mình vẫn còn "khả dụng hành quân"...
Chuyến tàu xuôi Nam lần này, đã thắt chặt thêm hai tâm hồn giá lạnh, gã và người phụ nữ tên Thương quấn quýt bên nhau, cả hai chẳng muốn rời xa. Nhưng khi con tàu đáp tại sân ga Quảng Ngãi, Thương phải từ giã gã một cách miễn cưỡng, trong tay chỉ giữ được mảnh giấy viết vội vàng của gã : Nguyễn văn Mến , địa chỉ .......Saigon.
Thành phố cũ đã đổi tên, nhưng những người như gã chẳng bao giờ chấp nhận cái tên đã đổi.
Khi đặt chân đến bến ga Saì gòn, sau khi từ giã 12 người bạn cùng khổ. Trời Saigòn về đêm, không còn bừng sáng như thủa nào, mọi người như đang miệt mài ngủ say sau một ngày làm việc cật lực. Saigon ngày nay khác xưa nhiều, nhưng đối với gã, tất cả chẳng cần quan tâm, điều trước mắt là phải về nhà Cha Mẹ thôi..An cư rồi mới lạc nghiệp được!
Gã đứng bần thần trước cửa nhà Cha Mẹ một hồi lâu mới quyết định gõ cửa, Mẹ gã ra mở cửa, sung sướng và ngạc nhiên khi thấy gã được tha cho về, ngày gã đi "đăng ký" học tập cải tạo, Mẹ gã có nhắn đôi câu:
Ráng giữ cái tâm cho tốt, lấy chữ "nhẫn" làm đầu, rồi mọi chuyện sẽ êm đẹp thôi con ạ!
Gã đã nghe theo, và bây giờ được trùng phùng cùng gia đình, Cha Mẹ gã không nhắc gì đến chuyện xưa kia, chỉ khéo dặn gã nên ngoan ngoãn "tuân thủ" mọi quy định của phường khóm...
Sáng hôm sau, gã ra phường để trình diện, thì được biết gã phải đi vùng kinh tế mới để sinh sống, tạm thời phường cho tạm trú 03 tháng để thu xếp mọi chuyện trước khi "lên đường" đi lập nghiệp tại vùng kinh tế mới...
Gã về nhà với tâm trạng chán chường, và uất ức, nhưng Mẹ gã đã trấn an gã, khi tuyên bố một câu chắc nịch:
- Con không đi đâu hết, Mẹ sẽ lo cho con, trước mắt Mẹ sẽ có cách để con vào làm trong hợp tác xã may lát, Mẹ có quen với thủ trưởng ở đó, sẽ xong thôi con ạ. Thời buổi nhiễu nhương này, "đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với Ma mặc áo giấy" đó con"
Gã im lặng gật đầu õ rồi lặng lẽ leo lên lầu vào phòng ngủ Mẹ đã dành riêng cho gã. Khỏi cần suy nghĩ nhiều, gã hiểu trước tiên phải gặp vợ để lo giấy tờ ly dị đã, có duyên không nợ thì chẳng nên làm khó nhau làm gì. Sau đó "thăm dân cho biết sự tình" rồi tính gì thì tính.
Vài ngày sau, do sự sắp đặt của em gái gã, vợ chồng gã gặp lại nhau tại một quán nước gần nhà. Hẹn là 10 giờ sáng, thì 10 giờ 30 gã mới khệnh khạng bước vào quán, gã có thói quen khi ra đường là quần áo phải chỉnh tề, do đó hôm đó nếu nhìn bề ngoài, khó ai có thể biết được gã mới cải tạo về.
Vợ gã ngồi cúi mặt xuống bàn, luôn tay quậy ly nước đá chanh giờ đã lạt đường; khi thấy gã bước gần đến bàn vợ gã đang ngồi, gã khoan thai kéo ghế ngồi đối diện vợ, sau hơn bảy năm trời xa cách, vợ gã trông chững chạc và "đẫy" người hơn trước. Gã lên tiếng chào vợ một cách khách sáo:
- Chào em, em mạnh khỏe chứ"
- Vâng, thưa anh, em mạnh khỏe.
Chợt gã giật mình khi phát giác ra vợ mình hình như đang mang thai, chiếc áo sơ mi trắng chật ních nơi bụng, đã là minh chứng cho những phỏng đoán của gã, gã gật gù đầu hỏi khẽ:
- Em đang mang thai"
- Vâng, em đã có thai được hơn bốn tháng
- Cuộc sống bây giờ của em ra sao"
- Cũng ổn anh ạ, em đã có một cháu, cháu này nữa là cháu thứ hai với anh ấy.
- Em có hạnh phúc không"
- Dạ vâng, bây giờ anh biết hết mọi chuyện rồi, mình có duyên nhưng không phận, em vì cuộc sống, lại còn quá trẻ nên đành bước thêm bước nữa, mong anh hiểu cho.
- Anh hiểu, xã hội hiện tại thiếu gì hoàn cảnh như chúng mình.
Gã ngạc nhiên với chính gã, sao gã có thể bình tĩnh và thản nhiên như vậy! Có lẽ phần lớn là ảnh hưởng của những đứa con của vợ gã chăng"
Sau hơn nửa tiếng bàn luận, hai người đã đồng ý sẽ ra tòa làm giấy tờ ly dị, còn về tài sản thì gã cho hết vợ không đòi lại một thứ gì, trước khi gã đi học tập cải tạo, gã để lại cho vợ gã một cái nhà hai tầng ngang 08 mét, dài 50 mét, gần ngã tư Hàng Xanh, một chiếc xe hơi của Pháp và đầy đủ vật dụng sang trọng trong nhà...
Người còn không tiếc, tiếc chi của ...; gã tự nghĩ vậy. Nửa tháng sau, do sự "điếu đóm" của vợ gã và người chồng mới, vấn đề ly dị đã được hoàn tất...Từ nay, đường ai nấy đi...Hồn ai nấy giữ....,
Thế rồi, vào một buổi chiều sau khi đi làm ở hợp tác xã gần nhà về, vừa bước vào cửa thì em gái gã đã ào ra "báo cáo":
- Có một "nàng" đang đợi anh trong nhà đó"
- Con nhỏ này, anh mệt muốn đứt hơi đây, "dỡn mặt" hoài...
- Đâu có, em nói thiệt mà .
Gã bước vào nhà, ngay tại phòng khách, Thương đang ngồi khép nép trong bộ ghế salon tiếp chuyện với Mẹ gã, thấy gã xuất hiện thì đôi mắt nàng reo vui nhìn sững.
- À, Thương mới đến hả, ngồi chơi đi em...
Mẹ gã biết ý đứng dậy, từ giã Thương rồi vào phòng trong, bỏ lại hai kẻ "tuy xa mà gần"...Gã ngồi xuống salon nụ cười nơi miệng như lây lan cả đến đôi mắt của gã...
- Em khéo thật, kiếm ra nhà anh có dễ không"
- Dạ cũng dễ, hỏi riết là ra mà anh.
Thế rồi gã và Thương quấn quýt bên nhau, đi ăn, đi xem ca nhạc, ngồi ngắm trăng bên bến Bạch Đằng, đến khuya gã đưa nàng về nhà Cha Mẹ gã, và đêm đó hai tâm hồn hoang lạnh bỗng như khởi sắc và bừng lên những ánh lửa tình yêu , họ quên đi mọi thứ trên đời, quên đi những đắng cay trồng chất trên vai, những mờ mịt tương lai ...Họ thật sự hạnh phúc, ngập tràn hạnh phúc, ân ái mặn nồng như một cặp vợ chồng mới cưới ......
Thương đề nghị gã và nàng sẽ vượt biên bằng đường biền, Thương đã sắp sẵn mọi chuyện, nửa tháng sau sẽ ra đi, nàng cũng khoe với gã nàng có 50 cây vàng mang theo để lo tương lai nơi xứ lạ quê người, gã như kẻ đang rớt xuống biển bỗng ai đó quăng cho cái phao, nên đồng ý liền, và cả hai cùng thẳng thắn đem chuyện này bàn cùng Cha Mẹ gã, hai bậc sinh thành cũng đồng ý, vì họ biết nếu cứ ở VN thì gã chỉ khổ thôi,
Nên thế là hai ta cùng "đi tìm sự sống trong cõi chết"...
Ông Trời đã không phụ lòng hai kẻ khốn cùng, chuyến vượt biên của họ thuận buồm suôi gió, họ được tàu Mỹ vớt, nên được đưa thẳng vào đất Mỹ, một phần cũng bởi gã là quân nhân của chế độ cũ chăng"
Trước đây, trong thập niên 60 gã được chính phủ VNCH gửi cho đi du học tại Mỹ để trở thành Phi công của Quân lực VNCH, nên vốn liếng sinh ngữ của gã cũng "tạm đủ xài", nhờ vậy gã dễ dàng hội nhập vào xã hội mới trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ nơi xứ lạ quê người. Gã nhào vào học, và lấy được bằng Pharmacy tech, nhờ khéo ngoại giao, và gặp "hên" nữa, nên gã vào làm tại Kaiser, cuộc sống ổn định.
Vợ gã thì học làm tóc, và may mắn chỉ thi có một lần là đậu. Với số vốn mang theo, hai nguời mở một tiệm Nail , tiệm mang tên T.M (chữ viết tắt của tên hai người) Có lẽ cái tên Thương Mến của hai người đã minh chứng cho cuộc tình mới của ga. Họ thực sự yêu thương nhau, và đã cùng nhau lập hôn thú qua một lần đi nghỉ cuối tuần tại Las Vegas.
Thế rồi, nhịp sống mới cứ dần trôi, vợ chồng gã từng bước khá giả trên đất Mỹ. Sau vài năm lăn lộn tần tảo làm ăn, họ đã có một khoản tiền lớn để nhà băng, đã mua nhà, mua xe mới, sống bên nhau hạnh phúc. Đó là lúc, hai người nghĩ đến chuyện trở về quê hương thăm Cha Mẹ già và các em của gã.
Ngày trở về, ngồi trên máy bay, lòng hắn bỗng dấy lên những nỗi buồn thấm da thấm thịt. Gã nhớ lại những lần tung mây lướt gió, nhớ đến những cảm giác thủa ban đầu khi một mình tự điều khiển chiếc T 28 bay đáp 3 lần trên phi đạo để được chứng nhận đủ khả năng bay solo để có thể trở thành phi công. Gã nghĩ đến thân phận mình với hơn 7000 giờ bay tác chiến mà giờ đây "bó tay", không còn có cơ hội để tự điều khiển máy bay nữa...Tự nhiên hắn buộc miệng hai chữ : Mẹ kiếp!
Biết ngày giờ hai vợ chồng về, nên gia đình đã mướn một chiếc xe Van đợi ngay nơi đón thân nhân tại phi trường. Vừa bước lên xe, gã giật mình xửng sốt: anh tài xế lái xe, chính là tay quản giáo trại tù năm xưa từng huênh hoang sẽ dạy tổ của gã về... tư tưởng, triết học. Có lẽ tay tài xế cũng nhận ra gã, nên lúng túng, ngại ngùng. Gã mở miệng trước:
- Chào quản giáo
- À...Thôi, quản giáo gì nữa, tôi chuyển nghề rồi anh ơi.
- Dạo ấy chúng tôi cứ chờ "quản giáo" dạy triết học cho mà sao đợi mãi chẳng thấy vậy ".
- Ừ.. à... nói cho vui ấy mà...
Thấy đùa vậy đủ, nên gã quay sang chuyện trò cùng em gái mình. Cha Mẹ gã thật vui khi gặp lại con. Thấy con và con dâu đẹp đẽ, sang trọng cha mẹ gã cũng hả hê lắm. Bỗng gã nhận thấy sự vắng mặt của người em trai mình,
- Thưa Cha em Thắng đâu ạ"
- Ừ, em nó bận, về nhà rồi Cha nói cho con rõ về Thắng.
Hoạt cảnh gia đình "vui như Tết." Mọi người về đến nhà, vợ chồng gã mang về bốn va ly đồ để biếu Cha Mẹ và các em, cùng những người thân quen, chòm xóm v.v... gặp gia đình nào túng bấn, vợ chồng gã cũng kín đáo đưa tặng họ một số tiền...
Vài ngày sau, trong một bữa tối, cha mẹ gã mới nói sự thật về Thắng (em gã) cho vợ chồng gã nghe. Nghe xong gã và vợ "tá hỏa tam tinh" không thể ngờ sự thật lại phũ phàng đến vậy.
Thắng do chơi với một số bạn xấu, nên sinh ra nghiện ngập ma túy, rồi bị mắc HIV. Xấu hổ và cuồng trí, Thắng bỏ nhà đi lang thang đâu đó, sau cùng về Củ Chi, sống với những người mắc bệnh HIV, tại "khách sạn chết" và đã chết tại đó. Nhờ có người nhắn tin kịp thời nên Cha Mẹ gã đã đem xác con về làm tang lễ rồi hỏa táng, tro được để trong một cái hũ, thờ tại ngôi chùa gần nhà.
Gã nghe Cha kể mà lòng đau ruột thắt, sáng hôm sau, vợ chồng gã mua hoa quả đem lên chùa cúng em mình...
Để tìm hiểu nơi sống cuối cùng của Thắng và để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của những người "bất hạnh" bị mắc bệnh HIV, vợ chồng gã đã đến "khách sạn chết."
Cái gọi là khách sạn này nằm ở ngoại ô Sài Gòn, thuộc ấp 04, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, giữa một cánh đồng hoang, biệt lập với thế giớiû bên ngoài. Đây là chỗ để cô lậpù hàng trăm người "sống nay chết mai", họ bị mắc bệnh HIV bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đã bị xã hội kỳ thị, gia đình, bạn bè, người thân xa lánh ruồng bỏ, đành vào đây cư ngụ cho qua ngày để đợi chết. Do đó nơi này đã được mang một cái tên kinh khủng với mọi người, nhưng lại thân thương với những ai mắc bệnh HIV, đó là"Khách sạn chết."
Vợ chồng gã đi trên con đường quanh co trơn trợt, hai bên cỏ lau mọc đầy, dẫn vào "khách sạn chết", hồi lâu họ thấy những chòi lá xuất hiện, trong mỗi chòi lá có những chiếc giường nhỏ loại một người nằm, hay ghế bố kê san sát nhau, có độ chừng 20 tới 30 chỗ cho những người khốn khó ở được...
Khách sạn này được thành hình, là nhờ vào lòng từ tâm của một người đàn ông độc thân. Ông ta ít có mặt tại đây, vì suốt ngày bận đi tìm kiếm những người bị HIV đem về săn sóc và cưu mang.
Nơi đây chỉ tiếp đón và thu nhận những người cùng hoàn cảnh, mọi người không muốn gặp ai khác nữa. Sở dĩ vợ chồng gã vào được nơi này, vì Thắng trước đây khi còn sống, thường ca hát và đàn guitar cho mọi người nghe, hay nói chuyện tiếu lâm để mọi người vui. Tính Thắng vốn thương người nên ai nhờ việc gì cũng sẵn sàng nhanh nhẹn giúp đỡ ngay, nên chi, khi gã nói gã là anh ruột của Thắng, thì mọi người vui vẻ cho vợ chồng gã vào thămï....
Vợ gã mang hai giỏ đựng đầy bánh tét, và hai con gà sống thiến biếu mọi người, còn gã thì biếu họ 04 cây thuốc lá Marlboro, ai cũng vui và chuyện trò thân mật.
Một ông già cười héo hắt khi nói cho gã biết:
- Ngủ dậy mà thấy tim mình còn đập là vui lắm rồi ông bà ơi!
Có người nói:
- Ông bà biết không, hàng ngày, tụi tui có nhiều lúc đang tâm sự vui vẻ với nhau, bỗng có người lên cơn co giật, trối trăn vài câu rồi nhắm mắt xuôi tay là chuyện thường trong ngày, thông thường thì ở đây có ngày cũng 02 hay 03 người nằm xuống...
Lại có người nói:
- Ông bà thấy đấy, có nhiều người chỉ còn là bộ xương khô, nằm lặng im, mắt mỗi ngày mỗi bớt tinh anh đi, đôi lúc cố rướn người, quơ tay quơ chân tỏ vẻ như muốn diễn tả một điều gì, nhưng nào ai hiểu đuợc họ muốn gì, ngày qua ngày rồi sức khỏe cứ yếu dần, yếu dần...Để rồi tàn lụi thôi! Nên ở đây người còn mạnh thì giúp người yếu thôi ông bà ạ! Dựa vào nhau mà sống cho qua kiếp người!
Gã nhận thấy, đúng như vậy, ở đây những người khỏe thì chăn nuôi gia súc lo việc nấu nướng làm bữa ăn cho mọi người, còn những người yếu thì ngồi hoặc nằm coi TV cho qua thời gian trống vắng, gã thấy họ sống chan hòa bên nhau, không khí ấm áp, và nồng ấm tình người, đôi lúc có người còn cao hứng đàn hát cho mọi người nghe...( như em gã trước khi chết chẳng hạn)
Có tâm sự với họ, có tìm hiểu về "cuộc sống đợi chết" của họ mới thấy được cái tiếu lâm, cái thi vị hóa cuộc sống của họ khi họ phát biểu:
- Đây là "khách sạn ngàn sao",
Nghe nên thơ quá, tình tứ quá, mà suy cho cùng, sống trên một bãi đất hoang thế này thì vào những đêm đầy sao, cùng ngồi bên nhau ngắm trăng, cũng dễ gây nhiều súc cảm và mộng mơ lắm chứ bộ"
Trong tiếp súc và tâm tình, gã được họ "mật bí" một chuyện đầy tình người như sau:
Mỗi khi có người chết, những người nào còn khỏe mạnh, sẽ "tự giác" xung phong tắm rửa cho người chết được sạch sẽ, rồi thay cho người chết một bộ quần áo tươm tất nhất, mọi người sẽ đến bên cạnh người chết, vừa khóc thương vừa khấn vái nguyện cầu, sau đó mang người chết đến nhà nguyện của khách sạn, chờ đến quá nửa khuya, khi mọi người an giấc, mới âm thầm mang xác chết ra xe đưa về một trại hòm ở đường Quang Trung (Gò Vấp), chủ nhân trại hòm là một ngườicó lòng từ tâm, sẵn sàng lo cho những người ở hoàn cảnh bạc phước này, tại đây, anh em cùng "khách sạn chết" phụ trách mang xác chết, mới an táng cho người chết, và đưa quan tài về huyện Dĩ An để hỏa táng, rồi mang hài cốt trở về lại "Khách sạn ngàn sao" để những người cùng khổ dù có ở cõi âm hay trên dương trần cũng vẫn bên nhau mai mãi.
Trước đây, "khách sạn chết" chỉ gồm những kẻ giang hồ tứ chiếng, những cô gái bán bar, hoặc bán trôn nuôi miệng lỡ mắc HIVđã vào giai đoạn chót, bị mọi người kinh tởm ruồng bỏ, xã hội quay mặt làm ngơ, nhưng nay có lẽ do những người khốn cùng thi vị hóa "khách sạn chết" thành "khách sạn ngàn sao" nên có thêm sự hiện diện của những người khốn khó nữa....
Những tâm hồn hoang lạnh này, sở dĩ còn có được cuộc sống như vậy, cũng nhờ vào lòng bác ái vô bờ, của chủ nhân khách sạn, ông luôn khuyên nhủ mọi người hãy yêu thương đùm bọc lấy nhau mà sống, ông không quản ngại công sức và tiền bạc, luôn tìm kiếm những người khốn cùng này, mang về nuôi....Quả thật việc làm này đã đánh động lương tâm của nhiều người, và đã là một nguyên động lực giúp cho xã hội sẽ bớt đi sự kỳ thị những người kém may mắn này.
Vợ chồng gã ở chơi với họ đến chiều mới từ giã. Trên đường về, vợ gã nghẹn ngào khóc suốt đường đi, còn gã thì tâm hồn như bay bổng, chơi vơi, nghĩ suy trăm mối...
Qua những mẩu chuyện mang về từ khách sạn chết, khách sạn ngàn sao làm lòng gã thương cảm vô vàn cho tình trạng oan khiên của họ. Hai vợ chồng bảo nhau “Phải làm một việc gì đó để giúp cho những người khốn khổ.
Từ đó, trong những lần sau về thăm Cha Mẹ và em gái, vợ chồng gã đã âm thầm tìm đến những người đang nghiện ngập ma túy, tìm cách giúp đỡ và khuyên răn họ sớm thoát vòng ma tuý. Vợ chồng gã đã dẫn dắt những người này đến trung tâm cai nghiện, giúp đỡ họ thuốc men và tài vật để họ qua cơn khó khăn, và thậm chí còn chỉ dẫn họ đường đến "khách sạn ngàn sao" phòng khi họ tới bước đường cùng....
Công việc mang tính vị tha và nhân đạo này đã đem đến cho vợ chồng gã những niềm vui nhân bản, họ thật hạnh phúc khi thấy trong số những người họ giúp đỡ đã có những người tìm lại được lẽ sống cuộc đời. Không huênh hoang kể công, nhưng họ biết mình đã làm những việc đáng làm và cần làm, trong xã hội kim tiền và đầy bất nhân này....
Một ngày nọ, trong lần kiểm tra sức khỏe hàng năm, kết quả thử máu cho thấy gã đã bị nhuốm bệnh HIV, và trong đời sống vợ chồng, gã đã lây bệnh cho vợ... Thử máu đi thử máu lại vài lần, vợ chồng gã thật sự đã mắc phải chứng bệnh quái ác này. Suy đi tính lại, hai vợ chồng mới phát hiện, nguyên nhân có lẽ chính là một lần vợ chồng gã đi vào một công viên để tìm kiếm những kẻ đang chích ma túy, gã đã dẫm lên một ống kim chích của ai đó chích xong vứt bừa bãi trên mặt cỏ nơi công viên, bất hạnh cho gã là kim chích ấy của một người mắc bệnh HIV....
Thật rủi cho gã là để hòa đồng cùng những người mắc bệnh ma túy, vợ chồng gã thường ăn mặc "lè phè" chân đi dép cao su nhật, do đó mới gây nên chuyện "khủng khiếp" này.
Hai vợ chồng biết mình sẽ chẳng sống bao lâu nữa, nên bán nhà bán xe và mọi vật dụng, gom góp tiền nong và về ở hẳn Việt Nam. Thời gian đợi chết của họ trở nên thật ý nghĩa, khi vợ chồng gã đồng ý mua một khu đất ngoại thành Biên Hòa, xây một khu chung cư cho những người mắc bệnh HIV và những kẻ khốn cùng cư trú. Tuy việc làm nhân đạo này phát xuất từ lòng từ tâm, nhưng vợ chồng gã cũng đã phải làm “thủ tục đầu tiên” và phải thường xuyên "biết điều" các viên chức cộng sản địa phương, mọi chuyện mới tiến hành êm xuôi.
Gã đặt tên cho khu chung cư nhân đạo này một cái tên thật ý nghĩa là: "Ngôi nhà Thương Mến". Bất cứ ai tìm đến cần sự giúp đỡ, là vợ chồng gã dang rộng vòng tay chào đón liền, nơi đây có y tá và bác sĩ thường xuyên săn sóc mọi người, có một trung tâm dạy nghề cho những người có chí, muốn vươn lên trong xã hội ô trọc này....
Kẻ đến, người "đi" tuy có buồn thật, nhưng ít ra thì mọi người cũng đã được hưởng không khí đầm ấm, hòa đồng và tương trợ trong cuối đời khổ nạn.
Thời gian cứ dần trôi, công việc của vợ chồng gã mỗi ngày một tốt đẹp hơn thêm, ngôi nhà tình thương này đã được những nhà hảo tâm nước ngoài biết đến, có những tổ chức từ thiện hay những cá nhân có lòng hảo tâm đã gặp thẳng vợ chồng gã và đã có những hỗ trợ về tài chánh, hay những việc làm có lợi ích thiết thực cho những người bất hạnh sống nơi đây.
Thế rồi, chuyện gì đến, phải đến. Một ngày nọ, gã vĩnh biệt cuộc đời, bỏ lại vợ gã cũng đang dần bước nối gót...
Ngày gã ra đi, tất cả mọi người cùng khổ, đã lặng lẽ bao quanh quan tài của gã, tiếng kinh cầu vang lên, an ủi cho một người có lòng, nhưng lại gặp bao nỗi truân chuyên trong cuộc sống.
Ít lâu sau, vợ gã cũng ra đi, mang theo bao niềm biết ơn của những người bất hạnh đang chờ đợi cái chết.
Và cũng từ đấy, trên ngực áo của những người sống tại khu chung cư nhân đạo này có in một tấm ảnh bán thân của hai vợ chồng gã. Tấm ảnh tuy chỉ nhỏ bé khâu trên ngực trái áo của mọi người, nhưng ý nghĩa của "nó" thì lại to lớn và cao vời vợi.
Tuy vợ chồng gã đã xa lánh thế gian, xa lánh những nghiệt ngã trong đời, nhưng việc làm của họ vẫn tồn tại, vẫn còn đó, như một minh chứng cho thế giới, cho nhân loại, ở Việt Nam ít ra, cũng đã có hai người khi sống làm những việc nên và cần phải làm trong một xã hội toàn là loài thú cai trị...
Thật ra những việc làm tương tự này ở Việt Nam cũng chẳng phải là ít, bởi lẽ, dản dị là dân tộc Việt Nam vốn khoan hòa, nhân ái, đầy lòng vị tha và tương thân tương ái... Họ như những bông sen sống trong vũng bùn nhầy nhụa, mà chẳng bị tha hóa hôi tanh mùi của bùn.
Nếu có ai đó về thăm quê hương, xin ghé lại nơi này, nằm ở ngoại ô Biên Hòa, của ít lòng nhiều, xin thương cảm cho những tâm hồn hoang lạnh mà từ tâm giúp đỡ....
Chủ nhân của "Ngôi nhà Thương mến" ngày nay là hai vợ chồng già, đã trên 80 tuổi, và một người phụ nữ độc thân, đã luống tuổi. Những người ấy chính là thân nhân ruột thịt của vợ chồng gã.
Mây bay, mây cứ bay, thời gian dù có qua đi, nhưng mong cho “Ngôi Nhà Thương Mến” sẽ tồn tại, như tình yêu của hai vợ chồng chị Thương anh Mến đã chẳng hề lạt phai theo năm tháng và dòng đời.
Cuộc sống chẳng ai lường biết trước, phận người cũng chẳng thể đoán mò, nên với gã, người đời chắc phải than câu: "Cũng một kiếp người..."
NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG