Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_970x250_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Tại Sao Mẹ Lại Đưa Con Đi Mỹ?

14/11/201200:00:00(Xem: 236674)
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ tư của cô.


Mười hai năm trước, khoảng cuối tháng 3 năm 2000, lúc ấy con gái của tôi sắp tròn chín tuổi, nó phải chứng kiến cảnh biệt ly với ông bà ngoại cùng những người thân yêu! Suốt cuộc hành trình từ Việt Nam sang Mỹ tay nó không rời những tấm ảnh chụp cả gia đình và nhiều lần quay sang hỏi tôi trong tiếng nấc nghẹn ngào đầy trách móc:

- Tại sao mẹ lại đưa con đi Mỹ?

Trươc đó, khi chỉ vừa mới tám tháng tuổi con gái tôi cũng đã từng chứng kiến cuộc chia ly đầu đời khi tiễn ba lên đường đi định cư ở Mỹ. Lúc ấy nó còn quá nhỏ để hiểu thế nào là nỗi mất mát khi sống không có cha bên cạnh; nó hồn nhiên lớn lên trong tình thương yêu của mẹ, ông bà ngoại và cậu mợ cùng những đứa em họ...

Mỗi ngày mẹ phải đi làm từ sáng đến chiều tối mới về, nó ở nhà quanh quẩn với ông bà ngoại, lúc thì nhổ tóc bạc cho ông, lúc thì phụ vo gạo với bà. Đến mùa nước ngập ông ngoại mua cần câu về để hai ông cháu cùng ngồi câu cá quanh những con mương nhỏ trong sân nhà, nó thích nhất là được ăn món cơm cháy của bà ngoại hay dành phần. Ngày nó vào lớp mầm, lớp chồi, mỗi buổi tan học ông ngoại thường cõng nó đi bộ về nhà vì sợ nó bị mỏi chân mặc dù nhà cách trường chỉ có một quãng ngắn. Ở tuổi gần thất thập ông bà ngoại đã lần lượt tiễn hai người dì của nó ra nước ngoài sinh sống và nay đến phiên nó và mẹ. Khi nó đi rồi, chỉ cần nhìn thấy chiếc cặp, cái nón, đôi giày của nó mang mỗi ngày là ông bà Ngoại đều không cầm được nước mắt vì nhớ thương đứa cháu mà ông bà đã gần gũi và chăm sóc bấy lâu!

Vốn được mọi người cưng chiều khi còn ở Việt Nam vậy mà ngay những ngày đầu đến Mỹ con gái tôi đã thích ứng với cuộc sống tự lập rất nhanh. Vào những buổi sáng mùa đông giữa cái giá rét căm căm của miền Bắc Hoa Kỳ, nó đã phải thức dậy thật sớm co ro đi bộ ra đầu ngõ để đón xe trường trong khi mẹ đã rời nhà từ sớm và ba vẫn còn đang ngủ vì đêm nào cũng đi làm về khuya. Nó nghĩ giá như có ông bà ngoại ở đây thì chắc chắn bà sẽ làm cho nó điểm tâm lót dạ và ông sẽ đưa nó ra đứng chờ xe trường cho đến khi khuất dạng mới quay vào nhà. Nhưng giờ thì chẳng có ai cả, nó đi học một mình, về nhà một mình, chơi một mình và đôi khi còn ăn một mình nữa. Bài luận văn nào ở trường nó cũng viết về Việt Nam với nổi nhớ nhà da diết; nó viết về những bửa cơm đầm ấm năm xưa và không quên kể về những ngày lễ cuối năm chỉ có ba, mẹ và nó trong căn nhà vắng tênh!

Năm 2002 lần đầu tiên con gái tôi được về thăm nhà khi hay tin ông ngoại nhuốm cơn bạo bệnh. Lúc hai mẹ con trở về Mỹ khi đến Singapore nó đã gọi về cho ông và nức nở rằng: "Ngoại ơi, ngoại ráng sống dai nha ngoại!" Ở đầu dây bên kia ba tôi đã bật cười vì câu nói ngây thơ của nó nhưng ông cũng đáp lại với giọng đầy quả quyết: "Ừ! Ngoại sẽ ráng, con nín đi!".

Mùa hè năm 2006 lúc này con trai của tôi vừa tròn 2 tuổi, ba mẹ con lại về thăm nhà khi hay bệnh của ngoại đã trở nặng sau nhiều đợt xạ trị và hoá trị. Buổi tối trước khi mấy mẹ con trở về Mỹ chúng tôi đã chụp hình kỷ niệm với gia đình mà không ngờ đó là những bức ảnh sau cùng để mãi mãi tôi chỉ còn gặp lại ba mình trong những giấc chiêm bao! Ba tôi đã không giữ đúng lời hứa với đứa cháu cưng vì ông đã vĩnh viễn ra đi vào mùa Phật Đản năm 2007.

Năm nay, mùa hè 2012 tôi lại đưa hai con về thăm gia đình sau 6 năm xa cách và cũng đúng 12 năm kể từ ngày chúng tôi bịn rịn chia tay người thân để đi định cư.

Đối với con trai tôi "đi" Việt Nam có nghĩa là về quê hương của mẹ, của ba và của chị Hai. Còn nó là người Mỹ - gốc Việt (Vietnamese-American) vì nó đã được sinh ra và lớn lên bên này. Còn đối với con gái tôi thì không phải "đi" mà là "về", về nơi nó từng được nuôi dưỡng với biết bao nhiêu tình cảm đậm đà nên nó nôn nao trước mấy tuần liền.

Cho đến bây giờ tôi không thể nào quên được những khó khăn của buổi đầu con gái tôi đến trường, lúc đó bạn bè và thầy cô chẳng ai hiểu nó nói gì và nó cũng chỉ biết duy nhất cụm từ "I don't no" để giao tiếp! Vậy mà chỉ một năm sau nó đã chấm dứt học lớp ESL và hai niên khóa kế tiếp đã trở thành một trong những học sinh xuất sắc được xướng danh lên bục lãnh bằng khen "President's Education Awards Program" năm học 2003 của Tổng Thống Bush trao tặng tại trường tiểu học Conestoga Valley thuộc tiểu bang Pennsylvania.

Giờ đây ở tuổi 21 nó đã thật sự trưởng thành và thấu hiểu lý do “- Vì sao mẹ đưa con đi Mỹ!”

Tôi đã về lại Việt Nam, về lại Sàigòn đi lại những con đường cũ, gặp lại những người bạn cũ! Sàigòn nơi đã cho tôi biết bao là kỷ niệm, nhưng Sàigòn bây giờ cũng thay đổi nhiều qua. Những phố xá ngày xưa tôi qua lại mỗi ngày nay trở thành lạ lẫm đến không ngờ.

Xe chạy ngang Ngã Tư Bảy Hiền, tôi cố tìm con hẻm nhỏ dẫn vào nhà người yêu cũ nhưng không tài nào nhớ nổi. Gần ba mươi năm trước mỗi buổi sáng tôi thường đạp xe từ Phú Lâm rồi ghé tạt vào đây để rủ người yêu mình đi học; sau đó chúng tôi vừa đạp sánh đôi bên nhau vừa chuyện trò suốt quãng đường đến trường Mỹ Thuật ở Bà Chiểu. Qua hết các ngả đường, những mùa mưa nắng, qua năm năm đại học cứ ngỡ sẽ cùng đi bên nhau suốt đoạn đường đời nhưng rồi sau khi ra trường thì mỗi đứa đi về một nẻo của riêng mình!

Về lại thành phô cũ lúc này, tôi cũng được đi qua những vùng cư dân mới, những khu đô thị khang trang có các cửa hàng bán gà rán KFC, Pizza Hut hoặc Domino's mà tưởng mình đang đi giữa những con phố ở Mỹ quốc. Sàigòn bây giờ có những shop thời trang cao cấp như: Milano-Gucci, Versace, Louis Vuitton, Mango, Burberry với giá từ 3.000.000 cho đến 100.000.000 đồng một chiếc. Thêm vào đó là những cao ốc cho thuê thật xa hoa tráng lệ, những khách sạn năm sao mọc lên như nấm.

Đứng giữa những con đường "phù hoa" này nhà thơ Trần Văn Lương có lần đã thốt lên:

Đừng khoe tôi những con phố "bưng biền",
Những quảng cáo, những mặt tiền nham nhở,
Những khách sạn ánh đèn màu rực rỡ,
Trơ trẽn bày dụ dỗ khách phương xa.

Về Sàigòn giờ đây người nghèo khổ, trẻ em và cụ già bán vé số có phần còn nhiều hơn trước nên ông đã chán ngán than rằng:

Đừng khoe tôi những yến tiệc linh đình.
Những phố xá ngập phồn vinh giả tạo
Nơi thiểu số tung tiền như xác pháo
Khi dân nghèo không muỗng cháo cầm hơi.

Người Sàigòn bây giờ ăn mặc có phần khác trước. Đàn ông cũng quần "lửng" khá phổ biến khi ra đường còn phụ nữ thì khỏi nói, cả một rừng thời trang từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông cho đến Nhật, Mỹ, Pháp, Ý... đều đầy đủ cả.

Phim ảnh của Mỹ và Hàn Quốc đang chiếm lĩnh thị trường trong nước nên bây giờ các cô làm đẹp cũng có "gu" hơn. Con gái Sàigòn phải sống trong điều kiện khắc nghiệt của ô nhiễm môi trường, khí thải, nắng, gió và mưa bất thường nhưng nhờ biết cách dùng khẩu trang nhiều lớp, găng tay nhiều lớp áo khoác nhiều lớp nên các cô cũng giữ được làn da mịn màn bắt mắt. So với thế hệ chúng tôi 30 năm về trước thì tuổi trẻ Sàigòn bây giờ đầy đủ hơn về mọi mặt. Họ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn, được hội nhập vào thế giới nhanh hơn qua mạng internet toàn cầu và có điều kiện học hành tốt hơn. Nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước một nan đề chung của cả thế giới là trẻ em đang bị tăng cân, béo phì vì thiếu vận động do ngồi quá nhiều trước màn hình của game online, của máy vi tính và tiêu thụ quá nhiều đồ ăn fastfood!

Tại Sàigòn ngày nay, những người khá giả gặp nhau hay nói về những miếng đất tậu được ở Quận 2, Quận 7, Quận 9, những căn hộ 90m vuông, 110m vuông hay 150m vuông tại các chung cư cao cấp quanh đô thị. Người ta cũng hay nói đến chuyện vừa sắm chiếc Toyota, Honda, BMW hay Mercedes như khẳng định một đẳng cấp trong xã hội. Những người giàu có thì đầu tư cho con cái rất bài bản từ A đến Z: ngay từ những năm vỡ lòng đứa trẻ được cho theo học tại trường Quốc tế, khi vừa mới vào Trung học phụ huynh liền gửi con của mình sang Mỹ, Anh, Pháp, Úc.... du học để được đào tạo trở thành những sinh viên của các trường Đại học danh giá tầm cỡ quốc tế như: Harvard, Cambridge, Yale, UCL, Oxford... Tôi biết chuyện một đại gia Việt có con gái đang du học tại Anh Quốc và cô sinh viên quý tộc này luôn về thăm nhà đều đều mỗi tháng bằng vé máy bay First Class! Bây giờ ở Việt Nam đi lu lịch sang Thái Lan, Singapore đã trở thành "xưa rồi Diễm". Việt Nam đã có những tour đi Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc; nếu người nào đã được cấp Visa vào Mỹ thì xem như giấy thông hành của họ có thể "ngao du" vòng quanh thế giới. Lãnh Sự Quán Mỹ ngày càng tấp nập hơn, người ta đến đó phỏng vấn để đi đoàn tụ, đi du lịch, du học cũng có nhiều doanh nhân đi công tác, nghệ sĩ đi lưu diễn... Do vậy, việc được đặt chân đến Mỹ cũng là một trào lưu thời thượng tại Việt Nam vì không phải ai cũng có thể dạo chơi tại xứ cờ hoa này dễ dàng mặc dù cũng có tuổi, có tiền và có tiếng!


Về Sàigòn tôi gặp khá nhiều "Việt Kiều" về thăm gia đình trong mùa hè này. Trước tiên phải kể là gia đình em gái tôi từ Đức bay về sau chúng tôi khoảng một tuần. Tôi gặp vị Giám Đốc cũ của mình trong một buổi họp mặt bạn bè trước khi chị bay về Mỹ ít ngày. Tôi cũng gặp lại cô bạn học của thời sinh viên hiện đang định cư tại Thụy Sĩ sau nhiều năm bặt tin. Trong một chuyến du lịch ngồi cạnh tôi là một gia đình gốc Hà Nội hiện đang sống tại Hungary, họ về thăm quê hương khá thường vào mỗi dịp hè.

Đặc biệt hơn hết là tôi đã gặp lại người bạn thời niên thiếu của mình sau 35 năm "thất lạc" giữa biển người mênh mông. Anh bạn của tôi đã trải qua những ngày tháng cam go và nhiều gian truân tại Cộng Hòa Liên Bang Đức để rồi mãi đến sau này mới được chính thức trở thành công dân quốc tịch Đức. Chúng tôi gặp lại nhau trong một bữa tiệc nhỏ ấm cúng có vợ con anh mà không khỏi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa hồi chúng tôi ở tuổi 15, 16 tình cờ quen biết nhau trong dịp Sinh Hoạt Hè hồi những năm đầu mới đổi đời! Kể ra 35 năm là một khoảng thời gian dài so với một đời người nhưng vẫn cũng chỉ như mới hôm nào đây thôi. Thoắc chốc, chúng tôi đã bước vào tuổi ngũ tuần cả rồi! Đó là tất cả những người tôi biết mặt biết tên còn những người khác chỉ thoáng qua trong khách sạn, ngoài đường, trong tiệm ăn thì nhiều vô số.

Họ và tôi có thể khác nhau về học vị, về tín ngưỡng, về chính kiến, về quốc tịch... nhưng chắc chắn chúng tôi có chung với nhau một dòng máu Việt đang chảy trong người. Có lẽ cũng từ một mẫu số chung đầy ý nghĩa này mà mấy triệu người Việt Nam dù đang sống rải rác khắp chân trời góc biển cũng thỉnh thoảng về đây quây quần bên mâm cơm gia đình, bên bàn thờ gia tiên để thấy ấm lại cuộc sống tha hương của mình nơi xứ lạ quê người. Tuy nhiên, cũng không ít người vì có mối thù "bất cộng đái thiên" với Cộng Sản nên họ không muốn hoặc không thể về lại Việt Nam mặc dù họ rất mong một lần được quay về thắp nén hương lên bàn thờ của đấng sinh thành, được gặp lại những người tri kỷ, tri âm ngày xưa mà biết nay vẫn còn hay đã mất.

Tôi tin la tình yêu quê hương vẫn luôn tồn tại trong lòng mỗi người Việt Nam chỉ có điều nó được thể hiện theo một cách riêng và một lý lẽ riêng của nó!

Trong lịch sử hơn 300 năm lập quốc, nước Mỹ đã rất nhiều lần trở thành chỗ "tỵ nạn" của các sắc dân trên thế giới. Nhiều người đã đến đây mưu cầu quyền tự do tín ngưỡng, tự do chính trị, tự do cá nhân. Cộng đồng Việt Nam với dân số gần 1.700.000 người là một cộng đồng Châu Á lớn thứ tư tại Hoa Kỳ sau cộng đồng người Trung Hoa, Ấn Độ, Philippines và được xem là khá non trẻ trong một quốc gia đa chủng tộc, đa tôn giáo và đa đảng với dân số trên 300.000.000 người này. Tổ tiên của những người Mỹ hiện nay đa phần là những di dân đến đây đầu tiên từ các nước ở Châu Âu và sau đó là làn sóng người nô lệ tại Châu Phi và gần đây nhất là nhóm dân Châu Á.

Người Việt chỉ "đổ bộ" vào Mỹ hàng loạt từ cuối tháng Tư năm 1975. Mặc dù đến sau nhưng họ đã để lại những dấu ấn đẹp trong lòng của người bản xứ do đức tính thông minh, cần cù và cầu tiến. Những yếu tố tích cực đó cộng thêm với hoàn cảnh xã hội thuận lợi nên người Việt tại Mỹ đã gặt hái nhiều thành công đáng kể so với những người Việt đang sống tại các quốc gia khác. Một nhà văn và cũng là một MC nổi tiếng cho biết ông đã đi rất nhiều nơi trên thế giới đã gặp gỡ rất nhiều người Việt Nam đang sống rải rác khắp các châu lục nhưng theo ông chỉ có người Việt Nam sống tại Mỹ là có nhiều cơ hội nhất! Cơ hội ltiến thân cho những người đã trưởng thành và cơ hội học hành cho những người tuổi trẻ.

Tôi chợt nhớ đến hình ảnh những người Việt Nam đang sinh sống trên các làng nổi tại Biển Hồ Campuchia, nhớ đến gương mặt lem luốc của những đứa trẻ ở độ tuổi con trai tôi đang vất vả kiếm sống qua ngày bằng lòng trắc ẩn của khách thập phương mà không khỏi ngậm ngùi. Tôi cũng như họ, cũng đang sống đời tha hương nơi đất khách quê người nhưng tôi may mắn là đang định cư tại một cường quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới còn họ thì lại lưu lạc ở một đất nước Cộng sản còn quá nghèo nàn, lạc hậu!

Gần tám năm dọn nhà về miền nam Texas sống chung với cộng đồng người Mễ (Mexican), nhiều lần tôi đã không khỏi ghen tỵ với những người bạn đồng nghiệp của mình vì cùng là kẻ di dân như nhau nhưng họ may mắn hơn tôi vì quê hương của họ nằm ngay sát cạnh Hoa Kỳ còn Việt Nam của tôi ở tận bên kia bờ Thái Bình Dương! Chỉ cần nghỉ một long weekend là họ có thể ung dung nhảy lên xe bus ngủ một giấc đến sáng là gặp lại người thân tại Mexico rồi hai hôm sau trở về Mỹ làm việc tiếp. Những người Mễ đầu tiên đến đây sống bất hợp pháp sau một thời gian được chính phủ cho phép chính thức định cư rồi trở thành công dân Mỹ. Cũng như những sắc dân khác họ lần lượt bảo lãnh gia đình, chồng, vợ sang đây sinh sống nhưng với tốc độ sinh sản nhanh đến chóng mặt nên ngày nay họ đã biến Texas gần như là quê hương thứ hai của ho. Theo thống kê mới nhất cho biết chỉ riêng người Mexican đã chiếm hơn 50% dân số tại nơi này. Dạo trước nhiều người Mễ sang đây làm những công việc linh tinh như cắt cỏ, rửa chén, lau chùi, giữ em, làm hồ... để kiếm tiền rồi sau đó họ trở về nước tiêu xài, đến khi cạn túi lại quay về Mỹ "cày" tiếp! Giờ đây nhiều người đã ngán ngại không còn dám về quê hương của mình nữa do nạn mafia, xã hội đen, băng dảng lộng hành dữ dội với các vụ giết người, cướp của, tống tiền, bắt cóc, thủ tiêu liên tiếp xảy ra tại Mexico nên họ đã toàn tâm toàn ý "an cư, lạc nghiệp" lại quốc gia nổi tiếng là "đất lành, chim đậu" này.

Cũng giống như bao mảnh đời di dân khác tôi và họ thầm cám ơn số phận đã dung ruỗi chúng tôi đến đây! Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang, đùm bọc chúng tôi để có một cuộc sống ấm no, tự do và an bình hơn trên quê hương mình!

Lần về Việt Nam kỳ này đối với đứa con trai lên tám của tôi thật đầy ý nghĩa! Nó vui mừng khi sống không khí gia đình với mâm cơm có ba thế hệ cùng quây quần bên nhau mà từ trước đến giờ nó chưa từng cảm nhận. Nó thích nhất là thằng em họ người Đức - gốc Việt của nó, lúc vui chúng thường trao đổi với nhau bằng thứ tiếng Việt lơ lớ rất dễ thương còn khi quạu thì mỗi đứa "sổ" ra một tràng ngôn ngữ riêng chẳng đứa nào hiểu cả! Thế là Đức và Mỹ có chiến tranh xảy ra nhưng rồi cũng nhanh chóng tái lập hòa bình ngay sau đó. Trước ngày nó và "thằng em họ" về nước bà Ngoại đã tặng cho mỗi đứa một quyển sách "Tiếng Việt" làm quà với niềm mong mỏi chúng không quên được tiếng mẹ đẻ của mình.

Ngồi trên chuyến máy bay về lại Mỹ thỉnh thoảng con trai tôi lấy máy ảnh ra xem lại những tấm hình chụp trong suốt chuyến đi chơi rồi nhiều lần quay sang tôi với giọng buồn hiu:

- Mẹ ơi! Con nhớ Việt Nam! Con nhớ everybody quá!"

Có lần nó đã hỏi tôi như muốn chắc chắn một điều gì đó còn vướng mắc trong đầu óc non nớt của nó rằng:

- Đây có phải là "country" của mẹ, là "family" của mẹ không?

Đối với nó cũng như bao nhiêu người khác: quê hương và gia đình là điều rất thiêng liêng nơi người ta được sinh ra, lớn lên và khó có thể rời xa. Thấy tôi im lặng gật đầu nó hỏi tiếp nhưng lần này có chút phần ngạc nhiên và trách móc:

- Tại sao mẹ lại đưa con về Mỹ?

Một câu hỏi cũng na ná như câu hỏi của con gái tôi 12 năm về trước chỉ đổi có chữ "về" thành chữ "đi". Biết giải thích sao cho nó hiểu bây giờ khi phải quay trở lại cột móc lịch sử của ngày 30 tháng 4 năm 1975! Vâng! Cũng chính từ cuộc "đổi đời" ngày đó mà giờ đây mới có lắm cảnh người đi, kẻ về trong nước mắt như gia đình chúng tôi hiện nay.

Rồi một ngày nào đó đứa con trai nhỏ của tôi chắc cũng sẽ tự hiểu ra thôi vì lịch sử đã sang trang nhưng lịch sử vẫn còn nguyên đó!

Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
19/11/201218:57:45
Khách
Đọc bài nầy thấy nhớ quê hương quá!
Mọi việc trên đời đều theo định luật có hợp thì có tan.Mỗi lần về VN vui vẻ hạnh phúc tràn đầy,chả bù lại lúc tiễn nhau ở Phi Trường, khó ai mà cầm được nước mắt...
Chúc hai em nhỏ người Mỹ và người Đức trong bài này sẽ được gặp nhau thường xuyên hơn tại VN,để tăng thêm tình hữu nghị thắm thiết giữa 2 nước...hihi
17/11/201219:40:54
Khách
trần trường yêu QH về VN hái khế, tường sao giờ tàn đời trở qua xin lổi CD Cali.
Que huong ví như cái nhà gốc của mình, nhưng giờ ma quỷ chiếm lấy lộng hành, làm sao mình có thể trở về nhà được. hihi.

Nếu mấy ngừoi di dân ngày xưa ai cũng như tran truong thì bây giờ nuoc Mẽo làm sao duoc nhu vay, lam sao co thể trở thành cục nam châm thu hút nhiều ngưoi lieu mạng mình bo nuoc ra đi?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,413,404
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả là một nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng từng là nhà giáo, nhà hoạt động xã hội quen thuộc với sinh hoạt văn hóa truyền thông tại quận Cam. Ông đã góp nhiều bài giá trị và từng nhận giải danh dự viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Bà là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Hai bài viết đầu tiên của bà là tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Ky.
Tác giả đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012. Nguyễn Văn cho biết ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Cho tới nay, ông đã góp 4 bài: “Chuyện Của Bill”; “Tôi Không Là Ai Cả”; “Ngày Tháng Buồn Hiu”; “Mùa Thu Nashville.” Cả ba bài đều cho thấy cách viết tinh tế và sống động. Sau đây là bài viết thứ năm.
Sinh năm 1983, Kim Trần là tác giả trẻ tuổi nhất trong 12 tác giả vào chung kết Viết Về Nước Mỹ 2005 với bài viết ngắn nhất, 727 chữ, "Những bài học đầu tiên về nước Mỹ". Năm 2008, cô nhận thêm giải vinh danh tác giả với bài viết về ma tuý,v "Người Yêu Tôi: Một Con Nghiện." Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tại đại học Cal State, Kim Trần đã tự sáng lập "School First Learning Center" và hiện có 2 trường dạy kèm rất thành công tại Garden Grove và Westminster. Sau đây là bài cô mới viết.
Đây là bài đầu tiên của một tác giả người Mỹ trực tiếp viết văn bằng Việt ngữ. Email kèm bài viết được ông xưng danh là “Steve Brown tức là Sáu.” Ông chính là “người Mỹ yêu tiếng Việt” mà tác giả Donna Nguyễn đã kể trong bài “Việt Bút, Việt Báo và Chú Sáu.” Mới đây, khi nhắc tới tài làm thơ Việt của ông,
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, từng là Chủ tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận, hiện là cư dân Riverside, Nam Cali. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của ông có tựa đề “Fasting: Vô Chiêu Thắng Hữu Chiêu” gồm nhiều chi tiết đặc biệt sống động về việc điều trị bệnh động kinh. Sau đây là phần đầu.
Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã 2 lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2009, giải danh dự, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010 -thường được gọi đùa là giải á hậu- với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu? Bài viết sau đây đã đăng trong báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn, 2012, nhưng chưa có trên online nên xin bổ túc.
Bài viết là chuyện về bé Ti, qua Mỹ 4 năm trước, khi mới 7 tuổi. Vì một tai nạn xe hơi, “Ti bây giờ không còn gì nữa, má đã chết, chân trái Ti bị cụt, tay trái bầm dập.” Có thể tác giả cũng chính là nhân vật trong truyện kể, một bé gái còn ở tuổi thiếu niên. Chúc bé an lành và mong Nhật Mai liên lạc lại với Việt Báo.
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục naêm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Sau đây là bài mới nhất của ông.