Hôm nay,  

Mẹ Việt Nam Ở Phố Tàu

05/05/201200:00:00(Xem: 236235)
Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60', cựu sĩ quan hải quân, cư dân Glendale, CA. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận các giải bán kêt 2001 và giải Việt Bút 2008, hiện là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Giải Thưởng Việt Báo. Bài mới “góp vui” của ông là một truyện hiếm có mở đầu cho mùa Mothers Day đang tới.

Tú đậu xe vào lề đường, ngay trước công viên Alpine, đem chiếc xe lăn xuống rồi dìu bà nội ngồi vào.

-Tú đưa bà đến Chay-na-tao đi con!

Tú biết "Chay-na-tao" mà bà Phùng nói là Chinatown (Phố Tàu) nhưng chỉ là đoạn đường Bunker Hill trong khu Phố Tàu. Trên đoạn đường này, sâu vào bên trong có căn nhà của gia đình thuê khi bà Phùng mới từ Việt Nam sang. Số là lúc mới qua Mỹ có lần bà Phùng bị lạc đường, phải nhờ cảnh sát đưa về. Cảnh sát đọc địa chỉ trên mảnh giấy bà đưa ra rồi nói "Chay-na-tao". Từ đó bà đoạn đường North Bunker Hill là Chinatown. Tú nhớ rất lờ mờ về căn nhà ở đây, nhưng mọi người trong gia đình thường hay nhắc đến, nói cặn kẽ những sinh hoạt nơi đây nên Tú tưởng như chính mình đã nhớ từng sinh hoạt, rất chi tiết. Bà Phùng thích đến đây, đến để nhớ lại những ngày bà mới chân ướt chân ráo đến Mỹ. Ngày đó Tú mới 2 tuổi. Đã nhiều lần bà bế Tú bỏ vào chiếc xe stroller và đẩy Tú đi chơi, như Tú đã làm vậy đối với bà bây giờ. Cái xe đẩy và cái xe lăn, cái trước bắt đầu một cuộc đời, cái sau chấm dứt một cuộc đời. Có cái trước mới có cái sau, và có thể có cái sau mới có cái trước được.

Bà Phùng góa chồng năm 60 tuổi, sống với đứa cháu gọi bà bằng dì tại Cái-Răng, Cần Thơ. Người con duy nhất của bà, Thành, đang định cư ở Mỹ. Bà được vợ chồng Thành bảo lãnh qua đây để...giữ cháu nội.Thật vậy, trước khi bà lên máy bay Thành gọi điện thoại cho bà:

-Con bỏ làm hơn sáu tháng rồi, để giữ thằng cu cho mẹ nó đi làm. Gởi nó cho người ta giữ cũng trả tiền gần bằng số tiền con làm ra. Mẹ qua đây giữ cháu để con đi làm, con trả mẹ mỗi tháng 600 đô. Ăn ở miễn phí. Khi mẹ được lãnh tiền già con cũng vẫn trả như vậy.

Bà không biết tiền già sẽ là bao nhiêu nhưng nếu thêm vào số tiền 600 cũng quá nhiều đối với bà. Bà định sẽ gởi về Việt Nam cho đứa cháu mỗi tháng vài trăm. Bà nghe Thành nói, rất vui nhưng cũng thấy anh con trai sòng phẳng và thực tế quá:

-Con làm như mẹ đi ở đợ. Cháu mẹ, mẹ giữ, tiền nong cái gì!

-Mỹ mà mẹ! Cái gì ra cái đó. Nó đâu phải chỉ là con của con. Nó là con của vợ con nữa mà. Vợ con trả tiền công cho mẹ đó.

Anh con trai bà vừa nói vừa cười. Bà cũng cười.

Tháng 3 năm 1990 bà rời phi trường Tân Sơn Nhất sang Mỹ. Đây là lần đầu tiên bà đi máy bay. Bà có máu Kim Chánh Nhật, rất sợ đi máy bay. Nếu có phương tiện đường thủy và đường bộ như xe đò, và ngay cả xe ôm từ Việt Nam qua Mỹ, bà cũng không ngại. Nhưng rất tiếc chỉ có phương tiện hàng không. Chỗ ngồi của bà ở tận phía sau đuôi, cạnh một ông Việt Nam rất vui tánh khoảng 75, cỡ tuổi bà. Nói chuyện một lát hai người trở nên thân nhau, nhưng cả hai không biết gì nhiều về nhau, ngay cả cái tên. Họ cho nhau số điện thoại.

-Con anh làm gì bên Mỹ?-Bà Phùng hỏi.

-Thằng con tôi là luật sư, có văn phòng ở Phố Tàu. Con chị làm gì ở Phố Tàu?

Bà Phùng làm bộ như không nghe rõ, để có thời gian tìm câu trả lời:

-Anh nói gì?

-Con chị làm gì ở Phố Tàu?

-À, nó... là chủ tiệm ăn.

-Chủ tiệm ăn ở Mỹ giàu lắm đó. 

Có tiếng chuông lanh canh trong máy bay, rồi tiếng thông báo cài giây an toàn. Một lát sau máy bay chao qua chao lại, nhào lên nhào xuống. Bà Phùng xanh mặt, co chân, tay níu ghế. Cô tiếp viên đi ngang nhìn bà ngạc nhiên. Bà Phùng hổn hển hỏi:

-Này cháu! Mấy lần trước máy bay có như vậy không cháu?

Cô tiếp viên ngạc nhiên:

-Excuse me?

Ông ngồi bên cạnh cười:

-Nó đâu phải người Việt.

-Ủa, sao cổ giống người Việt vậy. Tui tưởng cổ là Việt Kiều.

Bây giờ nhớ lại bà còn thấy quê.

Việc đầu tiên sau khi bà đến đây là "thụ huấn" khóa tiếng Anh do Thành dạy. Chay-na-tao: Phố Tàu, rét-rum: nhà vệ sinh, gút-mo-nin: chào (buổi sáng), áp-tơ-nun: chào (buổi chiều), ếch-sờ-say: tập thể dục, no-en-gờ-lít: không nói tiếng Anh được, bay: tạm biệt v.v…Tất cả chỉ chừng 10 chữ để…phòng thân. Thành còn nói thêm, nếu bà đi lạc thì đưa mảnh giấy ghi địa chỉ cho cảnh sát, nhờ họ chở về. Nếu quên mang mảnh giấy theo thì cứ nói nhà ở Chay-na-tao. Thành bảo mẹ nên tập nói tiếng Anh cho quen, càng nói nhiều càng tốt. Lúc đầu bà chỉ nhớ được có vài ba chữ vì nó dễ nhớ. Phòng vệ sinh rét run, tập thể dục ếch sờ say.

Ngoài vợ chồng Thành và Tú, bà chỉ có hai "người quen thân" ở trong nhà: Cái điện thoại và thùng thư. Người gọi điện thoại thường chỉ nói tiếng Mỹ hay thứ tiếng gì đó bà không hiểu được. Những lúc như vậy bà trả lời theo chỉ dẫn của Thành: "No En-gờ-lít". Nhưng cái điện thoại rất lì lợm, vẫn cứ nói. Dù sao bà Phùng cũng cần nó để gọi cho một vài người bạn. Cái thùng thư là nhip cầu liên lạc giữa bà với bạn bè, bà con ở xa như Việt Nam. Hồi năm 1990 gọi điện thoại đường dài là cả một sự phí phạm.

Có tiếng Tú gọi bà từ phòng ngủ. Bà vội đi vào:

-Cháu bà thức dậy rồi hả? Vậy là bà có người nói chuyện rồi.

Bà mặc tã cho Tú, đặt nó vào xe, đẩy nó đi chơi. Thật ra nó không cần mặc tã, nhưng cô con dâu không muốn làm phiền bà:

-Con cứ mặc tã, mắc đái thì đái trong tã. Bà nội lau và vất tã đi là xong. Bà nội khỏi tìm cầu tiêu cho con. Với lại cầu tiêu ở công viên dơ lắm.

Tú gật đầu dù không thích mặc tã. Ở công viên, mỗi khi đái, nó vào bụi rậm vén ta lên như vén quần. Nó muốn làm người lớn. Bà cũng muốn vậy. Mỗi lần vất cái ta bà tiếc quá, nhiều lần định giặt để xài lại. Còn xe, Tú cũng không cần lắm, thường chỉ để chứa đồ chơi, đồ ăn v.v... Khi mỏi chân Tú mới ngồi xe.

Con đường trước nhà đầy rác, thỉnh thoảng có những dĩa đồ ăn bày cúng dưới đất, bốc mùi hôi, ruồi nhặng bay vo vo chung quanh. Bà đẩy nhanh xe, tránh những chỗ ấy. Đây là khu người Tàu. Phần nhiều cư dân đến từ Trung Hoa Đại Lục -Người Tàu Hồng Kông ở đây gọi họ là bọn Đại Lục. Gặp bà họ đưa mắt nhìn như muốn tìm hiểu bà ở tỉnh nào trên đất nước mênh mông của họ, mà có cái nón lá đẹp đội trên đầu như vậy. Bà Phùng đi đâu cũng đội nón, không phải bà sợ nắng ăn da mặt, mà sợ chói mắt. Quen rồi, không nắng bà cũng đội nón. Có nhiều người gặp bà, xổ ra một tràng tiếng mà bà đoán là tiếng Tàu. Bà không hiểu gì cả, nên chỉ "Gút-mo-nin", dù sáng hay chiều. Ở đây chỉ có một gia đình Việt Nam duy nhất, gia đình ông ông Tâm. Ông gọi đùa bà Phùng là Mẹ Việt Nam vì bà là người đàn bà Việt Nam lớn tuổi nhất ở đây.

Bà Phùng đẩy xe chở Tú về phía đường Alpine để ra công viên, ngang qua một ngôi nhà lớn, nhưng phía trước phơi đầy quần áo. Trên khung cửa ra vào dán những lá bùa màu đỏ, màu vàng. Mấy người Mễ đi ngang qua đây, nhìn ngôi nhà này một cách e dè.Đi khỏi "căn nhà có dán bùa", quẹo trái qua đường Alpine xuống một cái dốc, bà ngạc nhiên thấy một ông đầu tóc bạc phơ, đang túm áo một thằng bé chừng 7 tuổi lôi đi. Bà định dừng lại xem thì Tú reo lên:

-Gần tới rồi nội ơi!

Nơi đây đường đi tương đối sạch sẽ.Từ đây đi bộ ra trung tâm phố Tàu chỉ chừng 5 phút.Ở phố Tàu người đi bộ có thể vừa ngắm hàng quán hai bên đường,vừa ăn food to go, không thấy mỏi chân.Ít khi bà Phùng đem Tú ra trung tâm phố Tàu, thường chỉ đến công viên Alpine. Hôm nay trời không có nắng.Bãi cỏ bên cạnh sân bóng rổ xanh rì, trông mát rợi. Đây đó trẻ con chơi đùa hiền hòa bên người lớn.Những hoa màu đỏ, cánh lớn rụng đầy dưới gốc. Chim chóc chẳng sợ người, chúng nhảy nhót chung quanh hai bà cháu rồi bay tới mổ mổ những cánh hoa. Có con còn đem hoa bay lên cành cây như muốn trả hoa về chỗ cũ.Bà Phùng nhặt hoa rải trên sân cỏ dưới một tàn cây cành lá sum sê, làm thành một vòng tròn lớn, lấy đồ chơi bỏ vào đó. Bà dắt Tú vào trong vòng tròn:

-Tú chơi ở trong này thôi nghe. Không được ra ngoài vòng tròn. Tú mà ra khỏi vòng tròn, bà không đem Tú đi chơi nữa.

-Dạ.

Bà Phùng trải tấm ny lông cạnh đó nằm nghỉ. Một lát sau bà thiếp đi, rồi nhìn ra chỗ vòng tròn làm bằng những cánh hoa rụng, bà không thấy Tú đâu cả. Bà hốt hoảng cố mở mắt nhìn, thấy có con chim rất lớn ngậm một cánh hoa, bay là là trên những món đồ chơi.Bà cố mở mắt thêm nữa, thấy Tú đang dang tay lên cao, đưa hoa cho con chim. Chim bay lên, hoa và Tú cũng bay lên.Bà giật mình tỉnh giấc.

-Nội thức rồi hả?-Tú nằm bên cạnh bà, hỏi.

-Con làm bà hết hồn.

-Con làm gì đâu

-Thôi, mình về.

Bà bế Tú bỏ vào xe đẩy đi, tim vẫn còn đập thình thịch.

-Nội đẩy chậm quá. Coi xe hơi chạy kìa.

-Bà nội làm sao đẩy mau bằng xe hơi. Mà không ai đẩy mau bằng xe hơi đâu.


-Để con đẩy bà nội đi-Tú cười.

-Một ngày nào đó chắc bà phải nhờ con đẩy bà.

Tú reo lên:

-Con thích lắm.

Đi ngang qua một ngôi nhà có khu vườn phía trước trồng đầy hoa, Tú hỏi:

-Bông gì vậy bà?

-Bông lớn như mặt trời có cục tròn tròn ở giữa là hướng dương; bông vàng nhỏ hơn ở bên cạnh là cúc; bông đỏ là hồng.

-Bông gì ở bên đường vậy?

-Giống bông dâm bụt nhưng to, màu cũng hơi khác, không biết bông gì; còn bông màu vàng lợt là bông gì bà không biết.

Buổi tối hai vợ chồng người con trai về. Bà kể về giấc mơ, rồi kể về thằng nhỏ bị tóm cổ áo:

-Mới tí tuổi đã ăn cắp, cứ tưởng ở Mỹ không có ăn cắp.

Cô con dâu cười:

-Không phải đâu mẹ, ông Hia đó!Gần 70 tuổi tuổi ông Hia mới về đại lục cưới vợ đem qua. Vợ ông Hia thua ổng đến 40 tuổi, bỏ đi năm ngoái, để lại thằng con. Ổng "bảo vệ" thằng con lắm.Ổng đón nó đi học về đó. Ổng sợ nó lạc nên tóm cổ áo nó cho chắc ăn. Nó hay chạy linh tinh.

-Mẹ thấy có một bà cũng dắt đứa con đi bằng sợi giây như dắt chó. Hay tụi bay sắm cho mẹ một sợi giây để mẹ dắt thằng cu Tú.

Tú nghe nói, khóc:

-Con không chịu đâu

-Bà nội nói giỡn đó.

Vậy là một ngày lại trôi qua. Nếu không có đứa cháu nội, thật là một ngày buồn nản. Hôm sau một ngày như mọi ngày lại bắt đầu. Tú ngủ chưa dậy. Bà định ra cổng nhìn con đường phía trước một chút cho đỡ buồn thì nghe tiếng chuông điện thoại reo. Bà hồi họp lẩm bẩm như cầu kinh: "No En-gờ-lít, No En-gờ-lít". Nhưng nó vẫn En-gờ-lit như thường. Bà bật TV lên xem. Cảnh một phi trường nào đó, tiếp theo là cảnh hành khách lên máy bay. Bà chợt nhớ đến cái ông vui tánh quen trên máy bay. Bà vào tìm quyển sổ ghi số điện thoại. Đây rồi, 213 628 .... Bà quay số.

Bên kia đầu giây có tiếng hỏi:

-Xin lỗi, ai đó?

-Tui, Phùng đây. anh khỏe không?

-Phùng nào hả?

-Tui đây. Gặp trên máy bay đó

-À, à. Tui nhớ rồi. Tui có gọi chị cách đây chừng một tuần, lúc 5 giờ chiều, nhưng lại nghe chị trả lời "No En-gờ-lít". Tui tưởng gọi nhầm.

-Ủa? Anh gọi bằng tiếng gì?

-Tiếng Việt.

-Lạ thiệt. Nghe ai nói tiếng Việt là tui trả lời ngay.

-Rõ ràng có tiếng đàn bà trả lời "No En-gờ-lít"

-Chỉ có tui với lại dâu tui là đàn bà ở nhà này, nhưng giờ đó dâu tui đi làm chưa về. Mà anh tên gì tui quên mất.

-Có hỏi tên đâu mà quên. Dũng.
-Tui là Phùng

-Biết rồi. Khỏi nhắc. Bây giờ tui có việc phải đi. Chị cho địa chỉ, tui đến thăm.


Bà Phùng giật mình. Không ổn rồi. Căn nhà xập xệ thuê rẻ tiền chỉ có một phòng. Phòng khách, phòng ăn dính liền nhau, trông gần như một. Bộ sô-pha "đa dụng", vừa là bàn ăn, vừa là giường ngủ. Cầu tiêu ngay ở sau bếp. Tất cả là một sắp xếp gượng gạo và nghèo nàn. Hình như đây là cái nhà xe sửa lại. Nhà như thế này mà là của ông chủ tiệm ăn sao.

-Thôi, để hôm khác gặp cũng được. Tôi tới thăm anh- Bà Phùng nói.

-Chị biết lái xe không mà tới thăm tui? Chị tưởng phố Tàu nhỏ lắm sao. Nó mênh mông chi địa.

-Bộ anh biết lái xe sao mà nói vậy?

-Biết chớ sao không.

-Thiệt hả? Mới qua Mỹ mà giỏi thiệt. Thôi, như vầy nè. Sáng mai tôi đem đứa cháu nội ra công viên Alpine. Anh tới đó.

-OK. Chị nhớ ngồi chỗ nào cho dễ tìm nghe.

-Công viên này nhỏ mà.

Tú vừa thức dậy. Nó lững thững đến bên bà. Có tiếng điện thoại reo. Tú nhấc ống nghe lên:

-No En-gờ-lít.

-Tú, con nói gì vậy?

-No En-gờ-lit. Con sợ họ làm phiền bà nội.

Bà bật cười thành tiếng:

-Thì ra thủ phạm là con. Thằng cha mầy!

Sáng hôm sau bà Phùng chải chuốt hình dung của mình và của cả thằng Tú nữa, cho được đẹp đẽ tươm tất. Bà đẩy xe chở Tú đi, trong lòng cảm thấy vui vui.

Vừa qua khỏi một khúc đường quanh, bà thấy có chiếc xe hơi chạy kè kè bên tay trái.

-Chị Phùng! Lên xe đi! -Tiếng nói từ trong xe.

-Ủa, anh Dũng.

-Tui đi ngang công viên, thấy vắng teo, chạy một vòng, may gặp chị. Lên xe đi. Tui chở đến nhà chơi.

-Nhưng không có ghế an toàn cho thằng Tú.

-Khỏi. Nhà gần đây thôi. Chịu khó để thằng Tú ngồi thấp xuống, cảnh sát không thấy đâu.

Bà bảo ông Dũng mở cóp xe cho bà để cái stroller, xong cùng Tú lên xe. Ông Dũng lái vòng vòng trong khu Phố Tàu rồi vào Freeway 5.

-Ủa? Nhà gần sao đi freeway?

-Đi một vòng chơi.

Bà im lặng, hơi run, một phần vì Tú không có ghế an toàn, một phần vì ông Dũng lái bạo quá. Cho xe chạy đến 70 mile, đổi lane, qua mặt xe khác... Bà biết ông Dũng muốn dợt le, nhưng cũng không khỏi có mặc cảm. Ông Dũng hơn bà nhiều quá. Trong khi ông ấy điều khiển chiếc xe hơi thành thạo thì bà chỉ là "tài xế stroller". Đến nhà con của ông, bà càng thấy mình thua kém hơn. Đó là một biệt thự mới toanh, có vườn rộng chung quanh, lại có thêm con chó to tướng đang ngồi trước hiên. Vào trong biệt thự càng thấy "khiếp". Bàn ghế sáng loáng, TV kiểu mới, phía cửa sổ đặt một đàn dương cầm. Đúng là nhà của một "đại gia."

Con trai ông Dũng đã đi làm nên cả ba người rất tự nhiên. Hai bà cháu ở chơi, ăn uống, nói chuyện, xem TV cho đến xế chiều.

-Để tui đưa hai người về. Chị chỉ đường nghe.

-Đưa đến công viên được rồi.

Bà Phùng không muốn ông Dũng thấy căn nhà thuê xập xệ của "ông chủ tiệm ăn"

-Thôi, cũng được.

Ông Dũng nói vậy nhưng khi đến công viên lại muốn đưa hai bà cháu về tận nhà:

-Để tui đưa đến nhà luôn.

-Thôi, phiền. Phải đi lên cái dốc mệt lắm.

-Chị đẩy cháu lên dốc không mệt, mà xe hơi lên dốc mệt.

-Tôi ...ếch-sờ-say mà.

Ông Dũng cười:

-Chị nghỉ tập thể dục một bữa cũng được mà.

Cực chẳng đả bà Phùng mới gật đầu. Nhưng bà không bảo ông Dũng lái xe đến nhà bà, mà bảo ông ta lái xe lên dốc đường College, dừng ngay trước bệnh viện tâm thần Kaiser.

-Chị ở đây hả?

-Cũng gần đây thôi.

-Đi quanh queo vậy chớ nhà tui cũng ở khu này.

Chờ chiếc xe ông Dũng đi khuất bà mới định hướng trở về nhà. Bà nghĩ trong đầu: Chỉ đi ngược lại một khoảng đường bằng khoảng đường từ bến bắc Cần Thơ đến ngã tư Bến Xe Mới, gặp một ngã tư quẹo phải sẽ đến công viên, rồi từ công viên về nhà. Nghĩ xong bà đẩy xe đi ngay.

-Nội đi đâu vậy nội?

-Bà ếch-sờ-say một chút cho giãn gân cốt

-Dạ

Rõ ràng bà làm y như đã nghĩ nhưng không thấy công viên đâu cả, mà chỉ thấy một ngã tư, có cái dốc trước mặt. Bà đẩy xe lên đốc, đến gặp một người đàn bà Tàu, sau lưng "cột" đứa con như mang ba-lô:

-Gút-mo-nin!

Bà chỉ thằng Tú rồi chỉ vào một cái nhà, ý nói đã đẩy Tú một quãng đường dài, mệt, muốn về nhà sớm. Người đàn bà lắc đầu, có lẽ lầm tưởng bà nhờ bồng thằng Tú vào nhà. Bà lại đẩy xe đi lui vì phía trước là một ngõ cụt. Tú hỏi:

-Nội ếch-sờ-say xong chưa nội?

-Chưa

Bà vừa đẩy xe vừa chửi thề, chửi con mẹ Tàu ngu, chửi ông Dũng đã quá tận tâm. Chừng 10 phút sau bà gặp một anh Mỹ đen vác cái radio to tướng, miệng lảm nhảm theo tiếng nhạc phát ra từ radio, hai chân nhảy nhót, một tay múa. Bà định tránh xa nhưng thấy anh ta nhìn bà cười có vẻ thân thiện, nên đến gần:

-Gút-mo-nin!

-Hi!

-Chay-na-tao??

Anh Mỹ đen chỉ tay xuống đất.

Bà thất vọng đẩy xe đi tiếp. Lát sau một cơn gió khá mạnh thổi đến, lá và rác bay tơi tã. Một mùi hôi xông vào mũi bà. Bà hỏi Tú:

-Con có ngửi thấy mùi gì không?

Tú xuống xe, hít hít mấy hơi rồi trả lời:

-Nội ơi! Mùi nhà mình

Bà Phùng reo lên:

-Phải rồi "mùi nhà mình"

Tú chạy về phía trước; bà Phùng đẩy xe theo. Con đường dốc Bunker Hill đã ở ngay bên cạnh.

Hai mươi năm qua rồi. Vợ chồng Thành đã làm chủ một tiệm ăn đắt khách nhất phố Tàu; Tú đang theo học Y khoa. Cả gia đình đã dọn sang nhà mới sau khi đã ở nhiều nhà thuê. Trước khi mua nhà, vợ chồng Thành hỏi bà:

-Mẹ muốn mua nhà ở đâu?

Bà Phùng không ngần ngại chỉ tay về phía con đường dốc mà trước đây ông Dũng chở bà đến để bà "ếch-sờ-say". Vợ chồng Thành chiều ý bà, mua một ngôi nhà khang trang trong khu này. Ở đây một thời gian bà thấy hẻo lánh, buồn bã quá, nhưng không nói ra sợ các con buồn.

Bà Phùng năm nay đã 95 tuổi. Bà vẫn khỏe, nhưng hai chân yếu, chỉ lui tới được trong nhà. Tú gần gũi bà nội hơn gần gũi cha mẹ, được bà trực tiếp săn sóc nên rất thương bà. Những khi rảnh rỗi cậu thường chở bà đi chơi, đem theo chiếc xe lăn để đẩy bà đi đây đi đó, thường là công viên, nhưng bà vẫn thích đến "Chay-na-tao".

Nơi đây đã thay đổi nhiều, nhưng có những cái không hề thay đổi: Con đường dốc; dãy đồi trông rất gần ở phía bên kia; những làn gió mát mùa hè; và bầu trời như nghiêng về một phía. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm bà nhớ lại lúc ngỡ ngàng đến đây với gia đình con trai và con dâu hiếu thảo, với đứa cháu nhỏ dại, có ông Dũng vui tánh, có ông Tâm hay gọi đùa bà là Mẹ Việt Nam, có mùi hôi từ đồ dâng cúng để thiu thối bên đường… Những cái ấy nay không còn nữa, nhưng dường như "linh hồn" vẫn còn, vẫn phảng phất đâu đây. Chính những cái nghèo nàn trên đoạn đường này làm bà gần gũi, yêu mến nó.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
05/05/201211:51:06
Khách
Tôi hơi "nghi ngờ" một bà già 75 tuổi thường xuyên đẩy xe stroller lên giốc, lại thích cái giốc này, một cái giốc mà đứng trên đó có thể nhìn thấy như "bầu trời nghiêng"
07/05/201206:08:20
Khách
Hay quá. Truyện rất có tâm hồn.
06/05/201215:20:17
Khách
Một truyện rất hay. Tôi càng đọc càng thấy hay. Tôi nhận ra rằng không phải nỗi tiếng là viết hay.Tác giả không phải lâ người nỗi tiếng lắm, nhưng truyện của ông không thua gì truyện của các nhà văn nỗi tiếng cùng thời. Tác giả có lối viết dí dỏm, vui (Đoạn bà Phùng sợ đi máy bay, đoạn Thành nói chuyện với mẹ, đoạn thằng bé trả lời ĐT"No En-gờ-lit", đoạn nói về mùi hôi v.v..). Cũng có những đoạn thấm thía như "Chiếc xe đẩy trẻ con và chiếc xe lăn, có cái trước thì mới có cái sau và ngược lại". Về lời phê bình "Bà già 75 tuổi mà sao đảy xe lên dốc được", tôi nghĩ có nhiều cụ 80, 85 vẫn đi lên dốc phon phon.
05/05/201220:48:56
Khách
Đoạn đường Bunker Hill Ave ở khu Chinatown phía bắc rất dốc, còn phía nam thì không dốc nhiều lắm. Bà Phùng thường dùng đoạn đường phía nam để ra công viên.
05/05/201218:50:13
Khách
Câu chuyện vui và cảm động quá vừa đọc vừa cười chảy nước mắt .Những người làm Cha Mẹ nếu không có tấm lòng từ bi đại lượng sống trên đất nước nầy dể bị 'xốc" lắm .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,659,647
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là chuyện của nhiều câu chuyện vui buồn trong nghề thông dịch.
Tác giả cho biết trước năm 75, khi còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi, học trò. Qua Mỹ từ 1990, hiện là cư dân Myrtle Beach, SC. Hải Âu tham dự viết về nước Mỹ từ 2010, bài đầu tiên: Mẹ Chồng, cho thấy tác giả có bút pháp đặc biệt, khi kể về hồn thiêng yêu thương của bà mẹ. Bài viết mới của cô là một chuyện tình.
Với bút hiệu Xuân Đỗ, tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008 với bài viết "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, làm Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District (nam California). Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, quản nhiệm Hội Thánh Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010-2011. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện ngắn của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ.
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, đã liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của Tịnh Tâm là một truyện tình già dễ thương.
Chủ Nhật, 12 tháng Tám 2012, vào lúc 12:00PM, Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH Kỳ 6 sẽ khai diễn tại sân vận động trường Bolsa Grande, Garden Grove. Xin mời đọc bài viết về những nỗ lực “tiền đại hội” của Philato, và hưởng ứng lời kêu gọi đến với đại hội. Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng, tình đồng đội và sự lạc quan, yêu đời. 
Lê Thị, 35 tuổi, cư dân Chicago, là tác giả có tên trong danh sách chung kết giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười hai. Với 5 bài viết đã phổ biến, hầu hết về đề tài đồng tính, Lê Thị cũng là một trong những tác giả dẫn đầu về số lượng người đọc Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ sáu.
Nguyễn Văn là tác giả có tên trong danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012. Trong năm, ông góp 3 bài viết: “Chuyện Của Bill,” “Tôi Không Là Ai Cả” và bài thứ ba, “Ngày Tháng Buồn Hiu.”
Nguyễn Văn là tác giả có tên trong danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012. Trong năm, ông góp 3 bài viết: “Chuyện Của Bill,” “Tôi Không Là Ai Cả” và bài thứ ba, “Ngày Tháng Buồn Hiu.” Cả ba bài đều cho thấy cách viết tinh tế và sống động.
Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Mộng Giác, tuổi Canh Thìn 1940, vừa tạ thế đúng vào năm Nhâm Thìn. Tang lễ đã được cử hành cuối tuần qua. Trong số tác giả nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2011, có người em gái của nhà văn Nguyễn Mộng Giác la Bà Sương Nguyễn.
Nhạc sĩ Cung Tiến