Ngày Vui Tuyên Thệ
Tác giả: Bảo Trân
Bài số 3474-12-28944vb7020412
Trên đây là hình ảnh tại Buổi Lễ Tuyên Thệ của các Tân Luật Sư thực thụ tại California -Bar Admission Ceremony 2011- ngày 2-12-2011 vừa qua. Tác giả Bảo Trân tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết về nước Mỹ 2009 với bài “Con Bé”, chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Bài mới của Bảo Trân lần này kể về buổi tuyên thệ của các tân luật sư tại California, với lời ghi “Viết cho Đôn trong ngày tuyên thệ 12/2/11 tại USC.”
***
Hôm nay, với chúng tôi, là một ngày quan trọng, Đôn sẽ làm lễ tuyên thệ để thực thụ trở thành luật sư chính thức ở California, không thể đến trễ được. Khoảng 4 giờ chúng tôi đến USC. Đậu xe xong ở tòa nhà parking số 2 như lời chỉ dẫn, tôi gọi cho con thì Đôn nói cũng vừa đến nơi, và đậu cách chỗ chúng tôi chỉ năm bẩy chiếc xe. Tôi và Thảo đứng tại chỗ mình đậu xe, chờ Đôn tới rồi cùng nhau xuống lầu, đi bộ từ từ sang địa điểm hành lễ.
Tuy cửa phòng khánh tiết Town & Gown đã mở nhưng vì còn sớm nên chẳng thấy có mấy người vào. Tôi rủ con qua trường chụp hình lưu niệm để tôi được thấy tận mắt tòa nhà trường Luật. Thật tình, từ lúc Đôn vào học cho đến lúc con ra trường tới giờ tôi mới biết trường Luật USC ở đâu. Đang đứng vẩn vơ trên bậc thềm tam cấp trước sân trường thì Đôn gặp Daniel, người bạn đồng hành trong chuyến đi lang thang hai tháng làm Mỹ ba lô từ Lào qua Thái tới Indonesia, cũng vừa đi đến. Thảo chụp hình hai đứa đứng trước cửa trường có hàng chữ University of Southern California Law School. Nhìn hai cậu luật sư khôi ngô tuấn tú này thật khác hẳn với những tấm hình “tha phương cầu thực” hai đứa chụp với nhau trong chuyến đi backpacking vừa rồi. Ai mà nhìn thấy hình chúng hồi ba, bốn tháng trước mà có thể tưởng tượng được đó là hai sinh viên vừa tốt nghiệp trường Luật USC ở Mỹ!
Chụp hình hai đứa xong chúng tôi đủng đỉnh đi vòng quanh sân trường nhìn ngắm những cảnh đẹp của USC mà hôm Đôn ra trường đã bị che phủ bởi những cái lều to lớn dành cho ngày lễ. Đi gần đến thư viện thì Daniel tách riêng để đi tìm bố mẹ đang ngồi uống café ở phía vườn hồng vì cũng gần đến giờ làm lễ rồi. Trước khi trở lại địa điểm hành lễ Đôn còn làm điệu đứng vòng tay để chụp hình với bức tượng chiến sĩ Tommy Trojan bằng đồng trong một góc sân trường, được dựng trên một trụ đài đá xám vững chãi có khắc những hàng chữ “The Trojan: trung thành, uyên bác, khéo léo, dũng cảm và hoài vọng”.
Đúng 5 giờ thì chúng tôi trở lại địa điểm hành lễ “Town and Gown Dining Hall” để cho Đôn ghi danh. Đôn bảo chúng tôi đi lên phía gần lễ đài tìm chỗ ngồi vì quan khách đến dự lễ đã càng ngày càng đông đảo. Vì Đôn không dặn trước, và vì tưởng những tân luật sư sẽ ngồi chung hàng ghế với nhau nên tôi không dành chỗ cho con, Đôn phải đi xuống ngồi phía sau với nhóm bạn. Một lúc sau thì Đôn di chuyển lên một cái ghế trống ở bên hông căn phòng ngồi với một người bạn khác, nhờ vậy mà tôi có thể chụp được hình Đôn và bạn khi giơ tay lên tuyên thệ.
Buổi lễ được bắt đầu với lời giới thiệu chương trình của cô đương kim chủ tịch sinh viên Natasha Tan, sinh viên khóa 2012. Theo đúng như chương trình thì ông khoa trưởng sẽ tuyên bố khai mạc buổi lễ rồi hai bà thẩm phán Sally L. Meloch và Jean P. Rosebluth, hai cựu sinh viên USC của niên khóa 1987 và niên khóa 1993, sẽ cử hành nghi thức lễ nhậm chức cho các tân khoa vào ngành tư pháp của tiểu bang và liên bang. Sau buổi lễ thì những tân luật sư này sẽ được nhà trường hướng dẫn hoàn tất thủ tục giấy tờ để chính thức được công nhận là luật sư thực thụ.
Ông khoa trưởng Robert K. Rasmussen đã bước lên tiếp lời cô Natasha. Ông gởi lời chào mừng quan khách và chào đón 105 tân khoa trúng tuyển kỳ sát hạch vào tháng 7 vừa qua trở lại trường cũ tối hôm nay để dự lễ. Ông cho biết năm nay sinh viên tốt nghiệp Luật Khoa niên khóa 2011 của trường USC đã chiếm kỷ lục đậu khá cao (91%), với tổng số 115 người đã trúng tuyển kỳ thi BAR* đầu tiên. Ông cũng cho biết những vị tân luật sư tham dự lễ tuyên thệ ngày hôm nay sẽ không cần phải tham dự buổi lễ tuyên thệ của tiểu bang. Ông nói:
- Đậu được kỳ thi BAR này chỉ là bước đầu trong sự nghiệp luật sư của các bạn mà thôi, các bạn còn phải học hỏi nhiều thêm nữa. Nhưng các bạn không cần lo ngại vì đã có chúng tôi, những cựu sinh viên trường Luật USC, ở những cấp bậc lãnh đạo “đáng kể” trong mọi lãnh vực của xã hội, sẽ sẵn sàng hỗ trợ các bạn khi các bạn cần đến. Đây là một truyền thống tốt đẹp của hội cựu sinh viên trường USC mà chúng ta đã duy trì từ bao nhiêu năm qua.
Bà Sally L. Meloch, thẩm phán của Tòa Thượng Thẩm Quận Los Angeles đã tiếp lời ông khoa trưởng Rasmussen để chúc mừng các luật sư mới. Trước khi làm lễ tuyên thệ bà chia sẻ những kinh nghiệm đã trải qua trong những năm hành nghề luật sư của bà. Bà Meloch cũng khuyến khích các tân luật sư đừng e ngại với thử thách, đổi thay, phải luôn luôn nghĩ rằng những thử thách, thay đổi này sẽ đem lại kết quả tốt đẹp hơn. Nhưng điều cần thiết nhất là nên tìm hiểu để xem mình thật sự thích làm việc trong lãnh vực nào. Như trường hợp của bà, đã từ bỏ một công việc có lương cao trong một tổ hợp luật sư lớn tại trung tâm thành phố để dành liên tiếp 11 năm chỉ làm một luật sư trợ lý cho Bộ Tư Pháp Mỹ trước khi được bổ nhiệm vào tòa án tối cao trong năm 2010. Bà nhấn mạnh giá trị của việc duy trì một danh tiếng tốt. Bà nói:
- Bạn phải luôn ghi nhớ rằng danh tiếng tốt là chìa khóa cần thiết để mở cửa ngõ thành công.
Tiếp theo đó, bà Jean P. Rosebluth, thẩm phán của Tòa Án Liên Bang Các Quận Miền Trung California đã bước lên nói chuyện với các tân luật sư vừa trúng tuyển. Bà nói bà rất hãnh diện khi được mời trở về trường để làm lễ tuyên thệ cho các tân khoa. Bà chỉ có một lời khuyên trang trọng nhất với các tân luật sư là hãy giữ một đức tính khiêm nhường và đối xử với mọi người bằng tất cả thành tâm, thành ý. Bà cười hóm hỉnh:
- Bạn sẽ không ngờ được kết quả của đức tính khiêm nhường và lối đối xử thành tâm, thành ý của bạn đâu.
Tuần tự tiếp theo sau những lời huấn từ của hai bà thẩm phán, 105 tân luật sư có mặt trong buổi lễ đã giơ tay phải lên để nói lời tuyên thệ nhậm chức.
Vậy là kể từ sau giờ phút này, con tôi và các bạn cùng khóa với nó đã trở thành luật sư thực thụ. Mấy tháng trước, lúc Đôn mới ra trường, tưởng con đã được mang “chức” luật sư, nên tôi gọi đùa là “cậu luật sư”, tức thì Đôn cải chính:
- Tụi con mới chỉ là sinh viên tốt nghiệp trường Luật thôi, (Law School Graduates), chứ chưa được gọi là luật sư. Tụi con chỉ chính thức mang danh phận “Lawyer” sau khi đã đậu BAR và làm lễ tuyên thệ.
À thì ra là vậy, cũng tỉ như hồi xưa ở Việt Nam vừa học xong lớp 12, chúng tôi cũng chỉ là học trò tốt nghiệp trung học, và chỉ được gọi là cô tú, cậu tú sau khi đã vượt qua được kỳ thi tú tài.
Ông khoa trưởng Rasmussen đã kết thúc buổi lễ và gởi lời chúc “may mắn trên đường công danh sự nghiệp” đến 115 tân luật sư của tiểu bang California đã xuất thân từ trường USC. Sau đó ông nhắc nhở những vị tân luật sư có mặt hôm nay hãy nhanh chóng dời chân đi sang giảng đường 101 ở bên trường Luật để hoàn tất thủ tục xin gia nhập vào hệ thống tư pháp của chính phủ. Nếu chỉ muốn làm việc với các tòa án cấp tiểu bang thì các tân luật sư không phải đóng lệ phí, chỉ cần đem theo thẻ “đăng ký” dành cho tiểu bang California mà thôi. Nhưng nếu ai muốn hành nghề trong lãnh vực tư pháp của tòa án liên bang thì có hai khoản lệ phí cần phải đóng: 1 là $226 cho Tòa Án Của Các Quận Miền Trung California (the U.S. District Court for the Central District of California), 2 là $230 cho Tòa Kháng Án (The Ninth Circuit). Số tiền phải nộp và giấy tờ phải hoàn tất ngày hôm nay cho hệ thống tư pháp của liên bang sẽ tùy thuộc theo lãnh vực hoạt động mà các luật sư lựa chọn.
Trước khi con đi làm giấy tờ, tôi hỏi Đôn xem con cần đóng những lệ phí nào thì Đôn giải thích:
- Có hai hệ thống tòa án: Tòa Án Tiểu Bang và Tòa Án Liên Bang. Sau khi đậu BAR và nộp thẻ “đăng ký” thì Đôn sẽ được công nhận vào trong ngành tư pháp ở cấp tiểu bang và có đủ điều kiện để nộp đơn xin hành nghề ở hệ thống tòa án ở cấp liên bang. Hệ thống tòa án liên bang có Tòa Án Sơ Thẩm (Trial Court), sau đó là Tòa Án Kháng Cáo (Court of Appeal), rồi đến Tòa Án Tối Cao (Supreme Court). Đôn chỉ nộp tiền để được nhận vào Tòa Án Cho Các Quận Miền Trung California, Tòa Sơ Thẩm, (U.S. District Court for the Central District of California, The Trial Court). “The Ninth Circuit” là một Tòa Án Kháng Cáo bao gồm nhiều quận hạt (trong đó có Central District of California), nhưng Đôn không muốn đóng tiền cho Tòa Kháng Án ngay bây giờ vì Đôn có thể xin gia nhập vào The Ninth Circuit sau này nếu cần phải làm việc với những hồ sơ xin chống án.
Sau buổi lễ, quan khách được mời dự lễ tiếp tân do nhà trường khoản đãi trong lúc chờ đợi các tân luật sư hoàn tất thủ tục giấy tờ. Tưởng là chỉ có những thức ăn nhẹ, “light refreshments”, như đã được báo trước nhưng không ngờ nhà trường đã dọn ra cả một bữa tiệc thịnh soạn, với những mâm thịt nướng, những khay bánh pizza nho nhỏ với những loại nhân khác nhau, rồi nào là xà lách, nui ống, trái cây, rau quả hấp, bánh mì Tây nướng, mấy loại phô mai Ý đặc biệt… Nước uống thì ê hề bao nhiêu thứ, nước lạnh, nước chanh, nước dâu, nước táo, nước trà, café… bày ở hai dãy bàn dài hai bên hông phòng ăn. Quan khách muốn uống rượu vang thì cứ đến quầy rượu ở cuối phòng mà lấy, còn ai ngại không muốn đi tới quầy rượu thì chỉ chịu khó đứng tại chỗ chờ nhân viên tiếp tân đem khay rượu tới chào mời.
Ban đầu, tôi và Thảo chỉ lấy vài thứ nhè nhẹ ăn thôi để chờ con, vì Đôn đã nói sẽ đi ăn tối ở một tiệm ăn “Fusion” nào đó gần trường. Nhưng ngồi chờ mãi mà cũng không thấy bóng dáng Đôn đâu, trong khi các bạn cùng khóa đã trở lại phòng gần hết, chắc thằng con tôi lại mải mê đi “ngoại giao” với bạn bè và hội cựu sinh viên USC mất rồi. Thảo đói bụng nên cứ lấy thức ăn ăn tì tì, tới lúc... gần no. Đợi gần cả tiếng đồng hồ sau Đôn mới trở ra, tay ôm lũ khũ mấy xấp giấy tờ, và một hộp quà mừng của trường, trong có hai ly thủy tinh uống rượu khắc huy hiệu USC LAW. Đôn than đói bụng, vì nãy giờ mải đi “công việc” nên không có thì giờ lấy thức ăn nhưng không muốn ăn ở đây nữa vì tới giờ này thì mọi thứ trong phòng ăn đã nguội lạnh cả rồi. Đôn rủ:
- Đi Sushi Gen nghen bố má, quán ăn sushi ở thành phố Nhật này bảo đảm là luôn có đồ biển tươi ngon, chỉ là quán quá nhỏ nên phải đợi hơi lâu, và giá tiền thì cũng hơi khá đắt.
Quả đúng như lời Đôn nói, chúng tôi đến quán, ghi danh xong cũng phải đợi hơn nửa tiếng đồng hồ mới được dẫn vào bàn. Order xong cũng phải đợi thức ăn thêm nửa tiếng nữa. Đang đói, nên Đôn gọi một dĩa Sashimi Deluxe, cộng thêm một món khai vị là Salad Albacore Tataki. Tôi với Thảo đã ăn hơi no trong buổi tiệc tiếp tân rồi nên ngồi uống trà xanh phá mồi vui với con.
Ăn xong, chúng tôi chở Đôn về lại chỗ đậu xe cho nó lấy xe trở lại nhà trọ cũ gặp bạn bè. Đêm nay, chúng sẽ rủ nhau đi Marina Del Rey uống rượu ăn mừng và vui chơi cho đến nửa đêm, rồi ngày hôm sau chúng lại họp nhau nướng thịt nhậu bia ăn mừng thêm lần nữa.
Đôn xuống xe, chui đầu qua cửa sổ hôn tôi nói good night mom, dad. Tôi cũng nói good night với con và với cái “tật” cố hữu của mình, tôi thì thầm dặn với:
- Nhớ mặc áo ấm, mấy đứa đừng uống rượu nhiều tới “xỉn” nghe, còn phải... lái xe về nữa.
Đôn lườm tôi một cái rõ dài:
- Má à, đừng coi con là con nít nữa được không? Con đã làm tới chức “luật sư” rồi đó!
Rồi nó cười tủm tỉm trêu tôi:
- Đêm nay thì nhất định mấy đứa con phải “xỉn” bạo đi chứ má, thoải mái “xỉn” để ăn mừng vì đã “trút được gánh nặng ngàn cân”, chúng con đã hoàn thành một cuộc hành trình sau ba năm và hai tháng dài gian khổ.
Và không để cho tôi có dịp lên tiếng, nó ghé vào hôn má tôi thủ thỉ:
- Nhưng mà má đừng có lo, tụi con đã tính trước hết rồi, đêm nay tụi con sẽ đi nhậu bằng xe taxi. Ok chưa má?
Nói xong, Đôn quay gót. Vừa nhún nhẩy trên từng bậc thang lên lầu nó vừa hát nho nhỏ ... Ồ lá la, my happy day... Thảo chờ cho bóng con khuất sau cánh cửa dẫn vào tòa nhà parking rồi mới cho xe quay ra.
Trên đường về, ngồi tựa đầu trên ghế, tôi mơ màng hình dung lại nét mặt rạng rỡ của Đôn khi giơ cánh tay phải lên đọc lời tuyên thệ, bỗng dưng tôi muốn khóc…
Bảo Trân
*BAR exam: Cuộc thi để xác định xem sinh viên tốt nghiệp Luật khoa có hội đủ điều kiện hành nghề luật sư.
Qua đây tui cũng được chứng kiến kiểu làm cha mẹ của 1 số người, lợi dụng chuyện sinh đẻ ra con để hưởng trợ cấp, rồi cứ multiply ra hàng loạt 1 cách vô trách nhiệm. Đám con lớn lên ra sao thì ra...
Thiệt đáng vinh danh cho những bậc làm cha làm mẹ có trách nhiệm sanh con và nuôi con lớn lên học hành nghề nghiệp thành tài đàng hoàng.
1 dân tộc mà khi những người trí thức có dân trí cao là số nhiều thì quốc gia mới đi lên được. Dân trí thức mới đóng góp nhiều hơn cho xã hội về mọi mặt được. Chưa kể dân có bằng cũng đóng thuế nhiều hơn cho xã hội...hihihi...
Bảo Trân