Hôm nay,  

Chuyện Thằng Quang và Con “Đường”

13/12/201300:00:00(Xem: 23734)
Người viết: Phùng Annie Kim
Bài số 4083-14-29483vb6121313


Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí và là cư dân vùng Little Saigon, Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà năm 2013 là "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi." Sau đây là bài viết thứ tám, đang 2 kỳ, tiếp theo và hết.

* * *

Mới nghe qua tựa bài, chắc hẳn người đọc chưa để ý chữ "Đường" viết hoa và trong dấu ngoặc kép. Đây không phải là "Con đường tình ta đi", bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy trong đó có "con đường thảnh thơi nằm" để "nghe chuyện tình trăm năm" của các người tình Văn khoa, Trưng Vương ,Gia Long... mà con Đường là tên con chó "Sugar", chủ nhân nó là Quang, con trai của ông bà Hai. Chuyện này viết về thằng Quang và bạn nó là con chó tên Đường.
Qua Mỹ đã lâu rồi mà ông bà Hai vẫn còn giữ thói "chân quê", không gọi tên Mỹ "su-gơ" "su-gấc" mà cứ gọi nó là con Đường như ở Việt nam hay gọi con Vện, con Vàng. Thằng Quang đem con chó có cái tên Mỹ là "Sugar"về nhờ ông bà Hai nuôi dùm. "Nhập gia tùy tục", ông bà đặt cho nó cái tên nôm na rất Việt nam mà lại sát nghĩa: Đường. "Sugar" có nghĩa là đường. Đã là tên, dù là tên chó cũng phải viết hoa.
"Đường ơi! Đường à!." Cái tên mang hương vị quê hương và cũng dễ thương. Mắc chi phải gọi "Sugar" theo kiểu Mỹ?
Ông bà Hai thuộc loại người không... ưa nuôi súc vật trong nhà như chó, mèo, chim, cá... vì sợ dơ nhà, lười quét dọn, ngại chăm sóc, hao tiền thuốc, tốn tiền bác sĩ...
Quang là con trai của ông bà Hai, qua Mỹ năm mười tuổi. Quang ra trường ngành tài chánh, tìm được một việc làm hợp với khả năng và lương cao. Ở lứa tuổi hai mươi hai, cao năm feet hai, "đô" con, đẹp trai", Quang là mục tiêu của nhiều cô gái theo đuổi. Đi "internship" ở Hồng Kông, Quang quen một cô Tàu. Lên Washington DC được học bổng một năm, Quang quen một cô Nhật. Ông bà chê nó "vọng ngoại", đem câu "Ta về ta tắm ao ta" dụ khị nó lấy vợ người Việt. Tiếng Việt Quang rành sáu câu vì ở nhà chỉ nói tiếng Việt. Bà Hai thường đem ca dao tục ngữ vào câu chuyện giảng cho Quang hiểu để nó đừng quên cội nguồn gốc Việt. Nghe bà "tụng" nhiều, nó nhập tâm nên nó đốp chát liền:
-Mẹ cứ nói "Ta về ta tắm ao ta" nhưng với con, "Dù trong dù đục ao... người vẫn hơn". Bạn gái con là Tàu, Nhật cũng là người Á Châu như người Việt. Con thích chơi với bạn gái người Á châu. Con đâu có chọn Mỹ trắng, Mỹ đen hay Mễ. Bạn gái con tóc đen, mắt một mí, xinh đẹp, đàng hoàng. Thế là tốt rồi! Bố mẹ phải "open mind"chứ. Đâu cần phải lấy vợ Việt.
Sợ bà không hiểu tiếng Mỹ, ông giải thích:
- "Ô-pân- mai" có nghĩa nó chê mình bảo thủ đó bà. May là nó chưa nói mình kỳ thị chủng tộc. Ở Mỹ, tội kỳ thị có ngày ra tòa. Vợ chồng là duyên số bà ơi. Bà nói in ít thôi. Nghe hoài nó chán.
Bà Hai lắc đầu, nhất định không chịu... đầu hàng. Bà biết nó lạt lòng, ưa ngọt. Bà dùng "khổ nhục kế" than thở hoài cái tuổi già muốn có một cô con dâu Việt nam "đồng hương, đồng khói" để thủ thỉ với bà lúc sống và "hương khói" khi bà lên... bàn thờ. Bà ao ước có đứa cháu nội... thuần chủng. Ông nói bà có cái tật "Nói dai, nói dài nói dở". Biết vậy, bà vẫn cứ áp dụng chiến thuật cũ là nói dai "mưa dầm thấm lâu" bằng những câu ca dao tục ngữ Việt nam. Biết đâu nó nghe lời bà.
- Con ơi, con nghe lời bố mẹ nhé. "Trâu ta ăn cỏ đồng ta" con ạ. Con chọn vợ người Việt cho bố mẹ dễ "giao lưu văn hóa". Còn hơn để bố mẹ nói tiếng Mỹ cứ như gió, tiếng có tiếng không, mắc công...quơ xong, hổng hiểu gì hết!.
Kết thúc màn chung kết mục kén vợ là Quang nghe lời bà lấy vợ người Việt gốc Việt. Nàng qua Mỹ lúc mười tuổi. Tên nàng là Quyên.
Tên hai đứa Quang -Quyên cùng có phụ âm "khiu" ( Q). Quyên họ Mai, Quang họ Đào. Họ của hai đứa là cả một mùa Xuân hoa nở tưng bừng trên đất Việt. Miền Bắc, vào dịp Tết, thời tiết lạnh có hoa đào. Miền Nam nắng ấm có hoa mai. Thật là một sự trùng hợp thú vị và có ý nghĩa.
Quang quen với Quyên trong một buổi họp hành gì đó ở viện Việt Học. Quyên từng dạy tiếng Việt miễn phí cho các trung tâm Việt ngữ. Quyên giúp Quang luyện tiếng Việt. Mối tình Việt ngữ nảy sinh từ đó. "Cao nhân tắc hữu cao nhân trị". Thằng Quang khá tiếng Việt nhưng so với... "sư phụ", nó còn phải học hỏi nhiều. ("phụ" tiếng Hán Việt còn có nghĩa là vợ).
Quyên là cô gái ngoan, xinh xinh, lớn hơn nó... bốn tuổi, cùng tôn giáo, con nhà nề nếp, có học thức và có công ăn việc làm ổn định. Quyên hội đủ những điều kiện lý tưởng về cá nhân cũng như về gia đình nên ông bà mừng quá... ưng liền. Mặc dù lớn hơn bốn tuổi nhưng dáng người thon thả, nhỏ nhắn, nét mặt tươi vui, hay cười nên trông Quyên trẻ hơn tuổi thật. Tình yêu không phân biệt tuổi tác. Nhìn hai đứa cũng thấy "bô cúp"(beau couple). Đẹp đôi chán! Thông gia lại là bạn đạo. Thế thì còn gì bằng!
Đám cưới của hai đứa linh đình giống như "business" ở Bolsa. Nhưng chỉ vài năm sau, ông bà đã thấy vài dấu hiệu "giựt bóng dành sân" như trong các trận bóng đá. Cuối tuần về chơi thăm ông bà, hai đứa chẳng kiêng nể gì. Đêm hôm thanh vắng, hai phòng cách nhau bức tường, ông bà nghe lõm bõm chúng đang cãi nhau bằng tiếng Mỹ. Sáng hôm sau, Thằng Quang thật thà khai báo ngắn gọn:
- Con phải cãi bằng tiếng Mỹ vì con cãi tiếng Việt không lại Quyên. Tụi con không hợp nhau nên...cãi nhau.
Nhớ lại, thời hai đứa còn sống chung. Mấy năm trôi qua mà sao cứ êm ru bà rù, không thấy nhắc gì đến chuyện con cái. Ông bà thấy hai đứa tha con Đường về nuôi. Ông thủ thỉ với bà:
-Chắc tụi nhỏ có... vấn đề về con cái nên nuôi... chó đỡ buồn bà ạ!".
Thỉnh thoảng thấy hai đứa gửi con Đường để đi chơi Calcun hoặc đi Việt nam, ông suy luận:
- Tụi nó đi "hấp hôn". Tiếng Mỹ gọi là "quâm ấp" (warm up) tình yêu đó bà!
Sợ bà không hiểu tâm lý tụi nhỏ, ông giải thích nào là chúng muốn " hâm nóng" lại tình yêu đã nguội lạnh vì áp lực của công việc, vì những căng thẳng của đời sống Mỹ, vì muốn hàn gắn vết thương lòng sau những cuộc khẩu chiến, vì muốn thử xem cuộc sống hôn nhân có còn "work" hay đã "shut down" rồi. Nói nôm na là tình yêu của hai đứa bây giờ có còn "biển Đông dậy sóng" hay êm ả như mặt nước hồ thu. Ông còn diễn dịch thêm nào là biết đâu chúng muốn có "baby" nên phải đi chơi xa. Thư giãn, nghỉ ngơi như thế thì may ra mới dễ có con.v...v...
Tuy nhiên, những cuộc đấu khẩu bằng tiếng Mỹ vẫn xảy ra thường xuyên. Cuối tuần, có khi thằng Quang lủi thủi về thăm ông bà một mình với con Đường. Quyên càng ngày càng ít lui tới. Trước Tết, Quyên về biếu ông bà Hai hai chậu hoa lan, một cặp bánh chưng, vài cặp giò chả rồi... thôi. Năm nay, công ty thằng Quang có nhiều "deal" mới, các mối manh lớn trong công việc nên Quang thường xuyên. đi công tác xa ở các tiểu bang.Tết này Quang không có nhà.
Ông quan sát tình hình thiên thời, địa lợi, nhân không có... hòa chút nào rồi chép miệng:
-"Xâm thinh- ron"! (something wrong)!. Khổng Minh Gia Cát Lượng này đoán việc như...thần. Cái gì đến rồi sẽ đến. Rồi bà xem!
Sau năm năm chung sống, một ngày không đẹp trời, mưa bão từ vùng Đông bắc thổi về, hai đứa về thăm ông bà, nét mặt nghiêm trang và bình thản giống y hệt lúc chúng về xin ông bà cho làm đám cưới. Lần này, chúng xin phép ông bà cho chúng ca bài"Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi" của nhạc sĩ Lam Phương. Nôm na là thông báo ly dị.
Thủ tục ly dị chia chác tài sản sao chẳng rõ, và rồi thằng Quang mang con Đường về nhờ ông bà nuôi dùm. Không lẽ cứa đôi con Đường?


*
Dạo này ông Hai hay ngồi một mình trầm ngâm bên tách trà.Ông tiếc cô con dâu hay ông bà thông gia? Ông tiếc và nhớ... cả hai. Thỉnh thoảng, ông hay nhắc lại các kỷ niệm đẹp thời hai gia đình còn qua lại như những chuyến du lịch ngắn ngày ở Grand Canyon, New York, dài ngày ở Việt nam, đi hành hương các chùa phía Bắc, đi chùa vào đêm giao thừa, những bữa giỗ các cụ hai bên, những câu chuyện đời lẫn đạo tâm đầu ý hợp. Ông quý mến, kính trọng tư cách hiền hòa, chân thật, tử tế và nhân nghĩa của hai ông bà thông gia.
Ông bà nhớ rõ lần đầu tiên gặp nhau bàn về vấn đề hôn nhân, trước mặt hai đương sự, ông thông gia bày tỏ nỗi lo ngại về tuổi tác. Ông nói Quyên lớn hơn Quang bốn tuổi. Quang còn quá trẻ, mới ra trường, kinh nghiệm đời sống chưa nhiều, lại lấy vợ sớm. Khộng biết cuộc hôn nhân này có bền vững không? Không biết hai đứa suy nghĩ kỹ chưa? Đây là chọn lựa của con cái, bậc làm cha mẹ chỉ cho ý kiến còn quyết định là do hai đứa. Sau này hay, dở, thành, bại là do chúng chịu trách nhiệm.
Lúc đó hai đứa nhìn nhau... âu yếm rồi gật đầu cái...cụp. Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy. Nhờ "đặt đâu ngồi đấy", sau vụ ly dị này, không đứa nào trách bố mẹ hai bên được điều gì.
Là một cư sĩ tại gia, tu Thiền nhiều năm, chắc nhờ vậy mà trí ông sáng, giác quan thứ sáu của ông nhạy bén. Cuộc hôn nhân chỉ mới bắt đầu mà ông thông gia đã cảm nhận, đã "feel", đã "thấy" được phần nào kết thúc của nó trong khi hai năm sau, ông Khổng... Hai nhà ta mới "đoán sự việc như...thần."
Bà Hai chỉ tin vào tuổi hợp theo mấy ông thầy tử vi trong mười hai con giáp. Tử vi chỉ rằng "Tỵ ,Dậu, Sửu tam hợp". Quang tuổi Dậu, Quyên tuổi Tỵ, ông tuổi Tỵ, bà tuổi Sửu, con gái và con rể hai đứa cùng tuổi Sửu. Lại một sự trùng hợp thú vị nữa trong gia đình ông bà Hai.Tuổi của bố, mẹ, con trai, con gái, con dâu, con rể quy tụ vào hai chữ "tam hợp" này. Đâu cần phải đi xem tuổi như ông bà mình ngày xưa. Vậy mà sau năm năm, kết thúc cuộc hôn nhân của hai đứa tuổi Tỵ và tuổi Dậu này lại không... hợp chút nào. Tử vi cũng có cách... bào chữa khi gặp "sự cố". "Tam hợp biến như tam tai!" Ba cái hợp có khi thành ba cái nạn. Bà hết tin vào tử vi. Giải thích bằng cách nào? Hai cặp bố mẹ chỉ còn biết lý giải theo chữ "duyên" của nhà Phật. Còn "duyên" thì hợp. Hết duyên thì dứt.
Chuyện thằng Quang làm bà nhớ lại hồi nhỏ, đã thấy cái nét "hen xâm hiện ra trên nét mặt. Càng lớn nó càng đẹp trai làm bà ...lo. Bà lo vì con gái sẽ theo đuôi nó, làm cho cuộc đời nó thêm nhiều "trouble", phức tạp, phiền toái, bất an. Nó thông minh, học giỏi, ăn nói khéo léo, vẽ đẹp, có tâm hồn văn nghệ cũng làm bà lo. Bà lo "chữ tài liền với chữ tai một vần".
Hồi học lớp mười, bà cho Quang học guitar. Sáu tháng sau, nó tự học mò, chuyển sang chơi đàn piano một mình không cần học thầy. Lâu lâu nó hỏi chị Natalie chút "nghề" vì Natalie học piano từ hồi ở Việt nam lúc 6 tuổi. Nó nhào vô chơi piano bằng lỗ tai, bằng tâm hồn và bằng cảm tính của người yêu nhạc biết chút xíu về nhạc lý từ cây đàn guitar. Quang tự đệm đàn piano không có bản nhạc. Chỉ cần nghe vài lần, thấm cái "e" nhạc là nó có thể đệm hai tay cho bà hát nghêu ngao các bản nhạc thời thượng hay tiền chiến. Natalie nói nó đánh nhịp sai bét vậy mà nó đệm cho bà hát được mới hay! Lớn lên ở Mỹ nhưng nó thích và biết nhiều về nhạc Việt nhất là nhạc tiền chiến, thích tìm hiểu văn học, lịch sử Việt nam. "Anh hoa phát tiết ra ngoài. Luật bù trừ của cuộc sống công bằng lắm. Nếu cuộc sống anh đầy ở phần này thì... vơi ở phần khác. Cung thê trong tử vi (lại tử vi) của Quang có sao Tham lang chiếu mạng nên chuyện hôn nhân của nó gặp nhiều trắc trở. Cung mệnh của nó có Sao Hồng Loan nên nó đào hoa. Ngược lại đường công danh của nó phát sớm. Tử vi nói cung mệnh của nó còn có bốn sao Thiên, Phủ, Vũ Tướng là số "đại gia". Bác Phú bạn của ông bà xem tướng nói Quang có tướng đi như "long hình hổ bộ" là quý tướng.
Bà nghiệm lại có vài điều đúng trong lá số tử vi về cuộc đời của nó. Trước mắt, sự giàu sang đâu chưa thấy chỉ thấy mấy cái sao vô hình chiếu qua chiếu lại ở cái cung nào đó trong lá số tử vi mà bây giờ nó trở thành...độc thân tại chỗ. Ai lỡ hỏi nó có vợ chưa, nó cười giả lả: "Dạ con mới tập...một. Còn ...chờ ...tập hai".
Bà nghe hai chữ "tập hai" mà phát rầu!
Cuộc hôn nhân của hai đứa "nửa đường đứt gánh" làm cho ông Hai trở thành... triết gia hồi nào không hay. Ông suy tư về chuyện đời nào là tuổi trẻ ở Mỹ đừng bao giờ tin là hợp tuổi sẽ sống trọn vẹn với nhau suốt đời. Cũng đừng tin vào mấy lời chúc tụng hoa mỹ và hứa hẹn tốt đẹp như... mơ trong ngày cưới nào là "trăm năm hạnh phúc", "răng long đầu bạc". Sống được với nhau tới đâu hay tới đó. "So far so good". "Anh sẽ yêu em trọn một đời" hoặc "Yêu ai yêu cả một đời" chỉ có trong những bài hát. Yêu được bi nhiêu hay bấy nhiêu. Hứa chi một đời... dài quá! Triết lý sống của ông là triết lý tương đối. " Nothing is perfect".Không có gì trọn vẹn, hoàn hảo, toàn bích ở cuộc đời này. Bà Hai nghe sao thấy bi quan và thoáng chút ...ngậm ngùi.
Xét về hợp tuổi, ông Hai chỉ tin hai mươi phần trăm. Tám mươi phần trăm còn lại là do vợ bốn mươi, chồng bốn mươi, cùng nhau tạo dựng, vun quén, bồi đắp thì cây hạnh phúc mới được xanh tươi, bền bỉ. Ông Hai tuổi Tỵ, bà tuổi Sửu, tử vi thuộc loại "tam hợp" ( lại tử vi). Sở dĩ ông bà còn dung dăng dung dẻ đến bây giờ là do cả hai học được chữ "nhẫn". Còn như hợp tuổi mà hai đứa đều ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai nhường nhịn ai, không "hòa" làm sao có "hợp"? Hợp tuổi mà kiêu mạn, ai cũng cho mình là đúng, đều cho cái "ngã" của mình là nhất thì làm sao tránh được "khẩu chiến"? Vợ chồng sống chung một nhà mà đứa nào cũng thủ cho bản thân, không tin tưởng lẫn nhau thì làm sao có hạnh phúc? Còn phải có sự chọn lựa và dung hòa giữa công việc và hạnh phúc gia đình. Đứa nào cũng thuộc loại "workaholic", đam mê công việc, ham mê kiếm tiền. Chúng coi trọng tiền bạc và danh vọng hơn là mái ấm gia đình .Ở xứ Mỹ, thì giờ là tiền bạc.Thì giờ để chăm sóc nhau quá ít, lại chậm có con. Đứa con là sợi giây ràng buộc nhau cho nên không có sự ràng buộc về trách nhiệm con cái, càng ngày chúng càng xa nhau đến lúc không còn thấy nhớ nhau, cần nhau nữa. Đó là những dấu hiệu của sự đổ vỡ.
Ai đó dùng từ "chết" để diễn tả rất đúng khi tình yêu đã bị vùi chôn dưới đáy mồ vô cảm. Lạnh lùng, hờ hững cũng là những yếu tố giết lần mòn tình yêu.
Bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên kể về mối tình mới có "hai năm" mà hai đứa đã "hư hao, xanh xao".Chuyện thằng Quang với Quyên sống chung, kéo dài thêm ba năm nữa, hai đứa càng thêm... lao đao, vêu vao. Nếu xem như cái "duyên" vợ chồng đến đây là hết thì chấm dứt sớm cho hai bên đỡ ...khổ! Níu kéo, vương vấn chỉ tạo thêm oan trái. Hết "duyên" cũng là hết "nợ" nhau. Ca dao Việt nam có nhắc đến duyên nợ vợ chồng nghe sao ngao ngán và thê thảm quá:
Chồng gì anh, vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây
Mỗi người một nợ cầm tay
Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng
Một năm trôi qua. Tình cờ một hôm, ông thấy dấu cái bàn ủi bị cháy xém in một vệt màu nâu trên cái cái áo của ông. Thì ra bà vẫn chưa quên chuyện xưa. Đầu óc bà vẫn...lơ tơ mơ nhớ tiếc "những người muôn năm cũ". Ông ngồi cạnh, an ủi bà và cũng là an ủi chính ông:
- Hai đứa bây giờ là bạn mình phải mừng vì nhờ chia tay trong sự êm đẹp mà mình còn giữ tình bạn đạo với ông bà thông gia. Nhìn ở một khía cạnh lạc quan khác, thêm một cái mừng nữa là hai đứa chưa có con. Không vướng mắc vào đứa con, tụi nó tính tương lai về sau cũng nhẹ hơn là có con. Bà ao ước có cháu nội hả?Bây giờ bà thấy tội nghiệp cho đứa cháu nội chưa? Bố mẹ xa nhau, con cái khi thì ở với mẹ, khi thì ở với bố, khi thì ở với ông bà. Tuổi thơ của nó là những câu hỏi tại sao. Rất khó trả lời khi chúng lớn lên thấy bố mẹ chúng không sống gần nhau như những gia đình khác.
Ngừng một lúc, nhấp chút trà, ông lại rù rì bên tai bà:
-Cũng phải tội nghiệp cho mình nữa bà ạ. Giờ này, hai cái thân già đi đứng lụm khụm, nếu nó có con, liệu mình còn sức để cưu mang đứa cháu nội không?. Máu mủ của bà, bà đâu có bỏ được. Rồi bà sẽ thương, bà vướng mắc, bao bọc cho đến chết bà vẫn chưa... buông đứa cháu. Bà thấy ông bà thông gia không? Họ thấm được lẽ "vô thường" của đạo nên an nhiên tự tại. Dù sao, họ vẫn là những người bạn đạo tốt của mình. Bà nhớ hôm thằng Quang mổ cục thịt dư trong mũi ở bệnh viện Kaiser. Mình không lái freeway chở nó về được, nó nhờ Quyên. Tụi nó vẫn là bạn tốt của nhau. Không có gì mà bà phải nghĩ ngợi đến nỗi làm ...cháy cái áo. Coi chừng có ngày bà làm cháy đến... cái nhà.


Ở xứ Mỹ, chuyện ly dị của hai đứa tưởng rằng đơn giản vậy mà kéo dài gần một năm mới xong các thủ tục giấy tờ. Đó là hai đứa đã thỏa thuận cưa đôi, chia chác sòng phẳng đâu đó rồi, nếu không, cứ tiếp tục tranh chấp tài sản hoặc con cái, dây dưa ra hầu tòa dài dài, chỉ ...cúng tiền cho luật sư.
"Tới đây phân rẽ đôi đàng. Của anh anh gánh, của nàng nàng mang". Nhà thì mỗi đứa một căn, nợ nhà ai người nấy trả. Mỗi đứa một cái xe. Công ăn việc làm, mỗi đứa tự "cày", không đứa nào "support" đỡ đạn cho đứa nào.Trương mục ngân hàng mỗi đứa đứng tên riêng từ lâu. Chỉ có con Đường "bơ vơ" với chủ của nó. Chủ đi làm cả ngày, có khi đi công tác xa biết gửi nó cho ai. Thôi thì ông bà Hai "cũng đành" dang hai tay ra cưu mang thằng con lẫn...chó đang gặp cảnh khó khăn. Cả hai đều cần tình thương, sự nương dựa vào ông bà.
Thỉnh thoảng bà lại "ghẹo" ông:
- Ông thấy đúng chưa? "Ghét của nào trời trao của ấy". Từ hồi còn ở Việt nam, đi đâu ông cứ rêu rao ông ghét ...chó. Bây giờ thì ông lãnh đủ nhé. Ngày hai buổi ông dẫn nó đi chơi. May là con Đường đã tuyệt đường sinh đẻ, nếu không, giờ này ông nuôi thêm đại gia đình con Đường với đàn chó lúc nhúc mà chẳng biết bố chúng là ai.
Ông vừa dắt con Đường đi vài vòng quanh khu "townhouse". Ngồi cởi giày, ông thở dốc:
-Nhãn tiền rồi còn gì nữa! Tui biết thân phận nên không dám... "ghét" cái gì trên cõi đời này .Coi như kiếp trước mắc nợ con Đường cho nên kiếp này vui vẻ trả. Còn chuyện thằng Quang, dù tới đâu đi nữa, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi. Coi như một trận động đất. Quay cuồng, lúc lắc một hồi rồi mình vẫn đi bằng hai chân vững vàng trên mặt đất. Coi như cơn bão. Bão tố qua đi, biển sẽ êm, sóng sẽ lặng, thuyền bè vẫn ra khơi. Nhờ suy nghĩ như vậy, bà thấy có bao giờ tui than thở và làm...cháy áo như bà đâu!


Con Đường vô tư và ngây thơ vì nó không biết gì về biến cố quan trọng xảy ra giữa ông bà chủ của nó. Nó cũng không biết nó dọn về nhà mới. Về nhà ông bà, nó biết rằng từ nay, mỗi lần ông bà gọi "Đường ơi Đường à", kèm theo một miếng thịt bò khô là nó đến gần, lủm miếng thịt ngon lành.

Đó là do công lao huấn luyện của ông Hai. Ông Hai bắt chước thí nghiệm này của nhà khoa học người Nga Pavlov. Họ huấn luyện và nghiên cứu mỗi khi gõ tiếng chuông kèm theo miếng thịt, con chó chảy nước miếng. Khi chỉ gõ tiếng chuông, con chó cũng chảy nước miếng. Đó là phản xạ có điều kiện. Ông Hai muốn đổi cho nó cái tên Việt nam. Ông "quởn" quá, đem con Đường ra làm thí nghiệm Ông đặt tên thí nghiệm bằng tiếng Mỹ, bỏ dấu gọi là "Duong Test". Lúc đầu con Đường tỉnh bơ không thèm để ý đến tiếng gọi "Đường ơi Đường à". Lâu lâu, nó nghiêng đầu, ngước nhìn ông, đôi mắt ngơ ngác như muốn hỏi ông đang làm gì? Ông đang kiên nhẫn "training"con Đường một thói quen, miệng ông gọi "Đường ơi, Đường à" tay ông nhử miếng thịt bò, tay kia ngoắc cho nó lại gần. Thay vì gõ chuông, ông dùng tín hiệu bằng tiếng gọi tên, bằng ngoắc tay, bằng thức ăn. Liên tục vài tháng sau, mỗi lần nghe "Đường ơi, Đường à" là nó từ đâu chạy đến, được thưởng ngay một miếng thịt bò.

Từ khi con Đường nhận cái tên Việt nam do ông Hai đặt và tín hiệu là miếng thịt bò ông vui lắm. Ông đang nhận phần thưởng đấy chứ. Một công trình "ngâm cú" huấn luyện chó, đổi tên Mỹ từ "Sugar" sang tên Đường thành công. Tiếc rằng phần thưởng này con Đường...không biết. Nó cũng không biết bây giờ nó có tên mới là Đường. Nó chỉ biết tín hiệu "Đường ơi Đường à" có liên quan đến... miếng thịt bò.

Gốc gác của con Đường, hơn hai ngàn năm trước, tổ tiên nó thuộc giống "Lhasa Apso", một giống chó có...căn tu gốc Tây Tạng. "Lhasa" là thủ đô của xứ Tây Tạng. "Apso" tiếng Anh có nghĩa là "bearded", tiếng Việt nghĩa là "có râu". Đây là giống chó có lông dài, rậm và dầy mọc hai bên má và cằm như râu mọc trên mặt đàn ông. Các vị tu sĩ Tây Tạng từ ngàn xưa đã nuôi giống chó "sentinel" này trong tu viện để canh gác, không cho người ngoài xâm nhập vào chốn thâm nghiêm, huyền bí, tĩnh lặng này. Ông Hai bảo loại chó Lhasa Apso làm công quả trong chùa, ở chùa được nghe kinh bằng tiếng Tây Tạng, biết đâu kiếp sau được đầu thai làm kiếp người.

Chó Lhasa Apso là giống chó được xếp vào loại khôn ngoan, nhạy bén, đánh hơi giỏi và rất là cảnh giác. Loại chó này sủa lớn tiếng, hung hăng trước người lạ, trung thành với những người gần gũi, thân thiện khi được vuốt ve. Trung bình loại chó này nặng khoảng bảy đến tám ký lô, dài chừng hai mươi lăm đến hai mươi tám cen-ti-mét, mỗi lứa đẻ của nó vào khoảng từ bốn đến sáu con, tuổi đời của nó thọ vào khoảng từ mười hai đến mười bốn năm. Một tuổi chó bằng bảy tuổi người.

Tính đến năm nay, con Đường được ba tuổi. Ba nhân bảy là hai mươi mốt. Nếu là người, nó dư sức qua cầu để đi bầu, lái xe, đi Las Vegas chơi bài, vô"liquor" mua rượu và lấy...chồng.

Đây là giống chó "yểu điệu thục nữ" mắt to màu nâu đen, mũi đen, lông dầy như chiếc áo khoác, có đủ các màu đen, trắng, nâu,vàng. Đặc biệt là hai lỗ tai của nó, lông vừa dài và vừa dầy, xụ xuống hai bên má. Bộ lông trông nó bệ vệ, oai nghi, nặng nề nên phải cắt tỉa thường xuyên nếu không phủ hết khuôn mặt "cute" xinh xắn của nó.

Con Đường là con chó có đôi mắt đẹp. Nó không biết "đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn" nên không biết làm điệu như đá lông nheo, liếc mắt đưa tình, mắt chớp sao hay mắt có đuôi...như các bà các cô. Vì không biết làm điệu nên mỗi khi nó nhìn ông bà, đôi mắt tròn to, con ngươi màu nâu đen mở lớn, long lanh một cách ngây thơ và hồn nhiên như đứa trẻ. Bộ lông của Đường màu trắng ngà, hai bên mang tai và cái đuôi dài của nó phơn phớt màu vàng óng ả, mượt mà. Bốn cái chân và cái mõm của nó màu đen đúng như người đời nói "đen như....mõm chó", "đen như chân chó". ("Đen"ở đây còn có nghĩa là xui xẻo. ).

Con Đường là con chó vừa đẹp vừa khôn.Tuy đầu thai làm kiếp chó nhưng chó ở Mỹ được xếp vào hàng thứ ba sau trẻ con và phụ nữ nên nó sướng hơn người. Vào tiệm bán thức ăn cho chó mèo mới thấy người Mỹ, nhất là trẻ con Mỹ cưng chó mèo như một thành viên trong gia đình. Chó có thức ăn riêng đủ loại dành cho chó. Người Mỹ trung lưu ăn gì thì chó nuôi ở Mỹ cũng được hưởng đầy đủ của ngon vật lạ như người chủ. Chó nhà giàu thì khỏi nói. Sơn hào hải vị của chó đa dạng, phong phú và...mắc hơn thức ăn cho người. Bác sĩ thú y, bệnh viện, khách sạn, nhà giữ chó, các dịch vụ y tế, huấn luyện, giải trí, các cơ sở sản xuất thực phẩm..v..v đều là những kỹ nghệ lớn, thương vụ lên đến hàng tỷ đô la để phục vụ cho mấy con chó có...phước sinh ra ở xứ Mỹ.

Ông bà Hai biết nuôi con Đường tốn kém. Thằng Quang không nói rõ sợ ông bà tiếc tiền lại hay so sánh chi phí cho con Đường với cảnh nghèo ở quê nha, nhưng ông bà biết mỗi tháng tốn khoảng năm chục tiền thực phẩm, mỗi lần đi cắt, chải lông, móng, tắm rửa, làm vệ sinh răng cũng bạc trăm. Khám bệnh, làm xét nghiệm cũng cỡ bạc trăm. Thuốc men tùy bệnh, nhẹ thì vài chục, thuốc chuyên trị năm ba chục. Mổ xẻ nhẹ thì năm ba trăm, mổ lớn cỡ bạc ngàn.

Từ ngày nuôi con Đường dùm thằng Quang, ông có "sứ mạng đặc biệt" mà trước đây thằng Quang và Quyên phải làm đó là một ngày hai cữ sáng chiều, ông dắt nó đi "dẫn thủy nhập điền". Không có ruộng thì tưới cho xanh cỏ. Trước đây, ông cho con Đường "bón phân" luôn trên cỏ nhưng bà con trong khu này khiếu nại sao đó. Có lẽ vì bà con ban đêm về đạp...mìn nhiều quá nên "Board" trong khu "townhouse" này gửi giấy đến từng nhà, hăm dọa phạt tiền nếu bắt gặp bà con nào dẫn chó đi chơi không có dụng cụ đồ nghề. Người Mỹ rất có ý thức về sự bảo vệ môi trường sạch đẹp của thiên nhiên. Thế là từ đó, tay cầm sợi dây, tay cầm cái gắp và cái bao, ông dẫn con Đường đi bộ một tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Dắt chó đi bộ là thú vui nhàn nhã của người già hoặc về hưu.Vừa hoàn thành một "mission im possible" do con giao phó mà không...dám từ chối, ông vừa hoạt động thể dục cho thân thể dẻo dai. Một công hai việc, cả người lẫn chó đều "happy, healthy and relaxing".Ông bảo vui, khỏe, thoải mái là niềm hạnh phúc của người già. Lúc đầu, ông ngán ngẩm coi như một cực hình. Lâu ngày, huấn luyện, chăm sóc và gần gũi con Đường, ông thấy nó khôn quá nên ông thương. Trí óc loài chó phát triển và cho nó sự hiểu biết ở cấp độ cao nhất chỉ bằng như một đứa trẻ hai hoặc ba tuổi. Là chó nhưng nó khôn như người. Ông vừa thương vừa tội nghiệp cho kiếp chó của nó. Tu biết chừng nào mới lên được thành kiếp người?

Con Đường tinh lắm. Chỉ cần ông với tay trên cây đinh lấy sợi dây ngoài vườn là nó từ trong nhà nhào ra, lăng xăng, nhảy nhót, quẫy đuôi vui mừng như đứa con nít ba tuổi được bố mẹ cho đi chơi. Mỗi khi thấy người lạ có cái mặt hơi "ngầu", nó sủa liên tu bất tận. Ông khách lạ này chắc đã từng xơi thịt đồng loại nó. Có khi cáu tiết quá, ông cầm cái cây răn đe, nạt nộ nó bằng tiếng Mỹ nào là sì-tốp (stop), đao (down), xai-lân (silent), xít (sit) gút-gưa (good girl)...nó hiểu hết và biết nghe lời. Nó có khiếu...ngoại ngữ. Nó biết cả...song ngữ. Nhờ được huấn luyện, nó hiểu tiếng Việt vì ở gần ông nội là ông Hai. Nó hiểu tiếng Mỹ vì ở gần thằng Quang là ông bố.

Mỗi lần bị rầy la "nên từ đó em buồn". Trông nó biết buồn và biết sợ thật tội nghiệp. Nó co chân, thu mình, riu ríu ngồi yên như biết lỗi, mặt xụ xuống, mắt lấm la lấm lét, khép ne khép nép, tìm góc nào đó...xa thế giới loài người. Trong các loài vật, chó là loài thông minh, cao cấp nhất, đạt tới trình độ biểu lộ được vài tình cảm như buồn, vui, giận, sợ, nhớ, thương...gần với tình cảm con người hơn các loài vật khác.

Đặc tính nổi bật nhất của loài chó là đức tính trung thành. Nói đến sự trung thành chưa chắc loài người bằng chó. Có một câu chuyện thật về con chó Hachiko ở Nhật. Năm 1924, giáo sư Ueno dạy đại học Tokyo.Ngày ngày, Hachiko theo vị giáo sư đi làm. Đến sân ga Shibuya, vị giáo sư lên tàu thì nó về nhà. Đến 3 giờ chiều tàu về, nó ra sân ga đón chủ. Cứ thế, thời gian trôi qua, Hachiko vẫn có thói quen đưa đón và chờ chủ ở sân ga. Thế rồi một hôm, giáo sư Ueno bị nhồi máu cơ tim và mất lúc ông đang làm việc. Ông không bao giờ trở về nữa nhưng con chó vẫn theo thói quen mỗi sáng đến sân ga ngồi ở chỗ quen thuộc chờ ông. Cả ngày nó đi lang thang đâu đó, ba giờ chiều tàu về, nó lại đến ngồi ở chỗ cũ chờ ông. Nó chờ suốt... mười năm. Những người Nhật sống gần sân ga Shibuya đều biết câu chuyện đẹp về con chó trung thành này nên cho nó ăn, chăm sóc nó. Một đêm giá lạnh, tuyết rơi thật dầy, con chó nằm chết già vì bệnh thấp khớp ở sân ga trong khi những bông tuyết đang rơi mù trời phủ lấp cả người nó. Hachiko mất vào ngày 8 tháng 3 năm1935. Xương nó được lưu giữ ở Viện Bảo Tàng Quốc Gia Nhật. Năm 1945, người Nhật đã dựng bức tượng Hachiko bằng đồng ở sân ga Shibuya chỗ nó vẫn thường ngồi đón chủ để nhắc nhở loài người chúng ta về lòng trung nghĩa.

Con Đường là loài chó trung thành. Tuy về ở gần với ông bà, được ông bà chăm sóc như dắt đi chơi, cho ăn, uống, tắm rửa,vệ sinh... nhưng nó biết nguồn gốc chủ cũ của nó là thằng Quang. Nhìn cách nó mừng đón ông bà và thằng Quang là biết nó có sự phân biệt. Nó đánh hơi thật là nhạy, tai nó thính như...ra-đa. Cách nhau một cái sân vườn, một cái garage, đóng cửa nhốt nó trong nhà mà nghe tiếng xe thằng Quang từ đâu đâu, nó nhận ra liền, sủa tới tấp, đuôi ve vẩy, nhảy lên, chồm xuống, lăng xăng, lính quýnh, cào cửa kính kêu rột rột. Chỉ chờ ông mở cửa, nó phóng một cái vèo chạy ra sân mừng đón chủ. Có thằng Quang, nó như đứa trẻ quen hơi bố, mong ngóng bố về, được bố bế rồi thì đừng mong sang tay ông bà vú... Hai.

Con Đường là đứa con...gái nhiều tình cảm. Khi Quang đi vắng, nó biết lấy lòng ông bà. Ông bà đọc sách hay xem phim, nó biết tôn trọng sự yên lặng như đến nằm thật yên bên cạnh ông bà, cào chân nhè nhẹ hay dụi lông vào chân, miệng phát ra âm thanh ư ử như bày tỏ tình cảm hài lòng, thân thiện. Khi ông bà vuốt ve hoặc nói với nó vài câu gì đó, tuy không hiểu được tiếng người, nó ư ử lớn hơn như muốn nhõng nhẽo, cái mặt nó "phê" trông thấy thương.

Con Đường giống như đứa con...gái có "ý tứ" mặc dù "ý tứ" của nó ở mức độ thấp của loài vật. Nhiều lần nó lãng vãng phòng ông bà, ông bà khua tay ra dấu và nói "no" "no" "go away". Đi chỗ khác chơi. Nó không hiểu được tiếng người nhưng nó bắt được các tín hiệu bằng cử chỉ, thái độ và âm thanh. Mở cửa ra,ông bà thấy nó nằm yên ở ngoài cửa nhìn vào. Nó có "ý tứ" ở chỗ không bao giờ dám bước vô phòng của ông bà khi không đươc cho phép. Suốt ngày nó quanh quẩn dưới nhà. Ăn, uống, ngủ, chơi trong cái cũi bằng nỉ. Đồ chơi là mấy cục xương, mấy con thú có tiếng kêu chít chít. Nó nằm phơi nắng mỗi buổi sáng trên ghế sofa.Qua khung cửa kính, nó gầm gừ nhìn mấy con mèo hàng xóm chạy qua sân, sủa ỏm tỏi vì mừng khi thấy mấy chú chó hàng xóm đi dạo với chủ.

Có hai lần nó làm ông bà Hai lên ruột. Cửa vườn mở, thừa cơ hội, nó lẻn ra ngoài không ai hay biết. Ông bà đi khuya về, mở cửa kính không thấy nó chạy ra đón như mọi lần. Thôi chết rồi! Lạc mất con Đường rồi. Nó đi giang hồ hay theo...giai? Phen này biết ăn nói làm sao với thằng Quang. Bà hoảng quá muốn...khóc. Hai ông bà cầm đèn pin, vừa đi vừa rọi vừa "Đường ơi Đường à"...tha thiết trong đêm khuya. Thì ra nó đi tìm bạn tình. Nó thèm có bạn trai để chia sẻ nỗi lòng. Con chó nâu của anh chàng Mễ cách đó mấy căn là bạn trai của nó. Ông Hai nói cũng may thằng Quang cho nó "kế hoạch", nếu không ông Hai lãnh thêm cái nợ nuôi... chắt, con của con Đường.

*

Sáng chủ nhật mặt trời mọc sớm. Bãi cỏ trong khu "townhouse" đẫm ướt những giọt mưa còn đọng lại từ đêm hôm qua. Thằng Quang dẫn con Đường đi bộ vòng quanh khu chung cư. Đứng trên lầu nhìn qua khung cửa sổ, ông bà thấy bóng dáng cao lớn của Quang, tay cầm cái bao hót từng cục phân như bố mẹ ngày xưa vẫn làm công việc vệ sinh này cho con cái khi chúng còn nhỏ. Không biết Quang đang nghĩ gì? Cơ hội làm bố đã... lỡ làng? Hay Quang đang nghĩ đến... "cố nhân"?

Có khi ông bà Hai thấy nó đùa giỡn với con Đường như hai người bạn. Thằng Quang không "alone" một mình vì có con Đường bên cạnh nhưng có lúc ông bà thấy Quang ngồi trước cây đàn piano thật lâu mà không gõ được một nốt nhạc nào. Con Đường nằm dưới chân nó. Người bạn của Quang không nói được tiếng người.

Thế rồi lát sau, tiếng đàn của Quang vang lên. Lời của bài hát không có âm thanh hiện lên trong đầu bà theo tiếng đàn của Quang:

"...Người hỡi, cho tôi quên đi bao nhiêu kỷ niệm xa xưa.

Người hỡi, cho tôi quên đi bao nhiên mộng đẹp nên thơ.

Nụ cười đã tắt trên môi. Tình yêu đã chết trong tôi. Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi. Cô đơn. Bơ vơ. Tiếng hát lạc loài.

Bài hát "Cô Đơn" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh làm cho bà ngậm ngùi. Cô đơn, tiếc nuối, bơ vơ, lạc loài hay mất mát, hụt hẫng, muốn quên đi kỷ niệm và còn gì nữa... Lời bài hát là niềm đau của đứa con làm xót lòng người mẹ.

Tiếng đàn chấm dứt. Tắt đèn. Cửa phòng đóng. Đã quá nửa đêm, con Đường vẫn nằm ở cửa phòng chờ Quang về như Hachiko chờ chủ suốt cuộc đời.

Giờ này khuya khoắt, Quang đang ở đâu? Làm gì? Quang đang vui hay đang buồn? Nó có biết chăng bà Hai vẫn nằm thức trong bóng đêm chờ nó như con Đường.

Con Đường chỉ biết chờ chủ như một phản xạ có điều kiện. Gõ chuông thì nước miếng chảy. Không thấy chủ thì chờ. Tình cảm thương nhớ của nó có giới hạn. Tình cảm con người phức tạp, sâu lắng, uẩn khúc và có nhiều cung bậc trong tâm thức. Trong sự chờ đợi có niềm thương, nỗi nhớ, có hy vọng, tiếc nuối, có niềm vui, nỗi buồn, có đau khổ, muộn phiền, có tức giận, tủi hờn, có yêu, có ghét, có quá khứ, có hiện tại, có tương lai, có sự mong, ngóng, trông, đợi và...chờ.

Có một điều con Đường không biết đó là những giọt nước mắt mà Thượng đế đã đặc ân ban cho loài người còn gọi là tiếng khóc.

Có những giọt nước mắt lặng lẽ đọng trên đôi má hóp của bà Hai và bên cạnh bà là tiếng thở dài của ông Hai.

Con Đường vẫn nằm ngoài cửa phòng. Thỉnh thoảng, tiếng cào cửa của nó nghe lạo xạo vang vọng trong đêm khuya.

Trời vẫn chưa sáng.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
13/06/201819:21:25
Khách
Đàn ông mà chỉ cao có mỗi năm feet hai thì là "đại lùn", sao được gọi là đẹp trai cho được :)
09/03/201407:42:26
Khách
KÍnh gởi Ban Kỹ Thuật :
Như lần trước, bài viết này lại bị thiếu ....kỳ 1
Xin BKT vui lòng điều chỉnh dùm.
Cám ơn
05/02/201408:00:00
Khách
Bài viết thực tế. Có một số quan điểm sống hợp thời, đoạn kết cảm động
Cách hành văn dí dỏm, sinh động.
Cám ơn tác giả.
22/01/201408:00:00
Khách
Cám ơn toà soạn đã điều chỉnh cho đăng kỳ 1 của bài viết
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,751,309
Tác giả đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008, với loạt bài viết về người con khiếm thị có tài ba âm nhạc. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Sau đây là bài mới nhất của cô cho mùa Lễ Mẹ.
Tác giả sinh năm 1981, đến Mỹ năm 2000 theo diện HO. Sau 9 năm định cư tại Mỹ, công việc hiện nay của ông là Property Manager, tại Landover, tiểu bang MD. Ông tham dự viết về nước Mỹ từ 2009.
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Nhân Ngày Lễ Mẹ, mời đọc bài viết về nước Mỹ thứ tư của Minh Nghĩa.
Tác giả là một thuyền nhân, vượt biên tháng 12 năm 1983; đến Mỹ tháng 1 năm 1985, là một Design Engineer, hiện định cư và làm việc tại San Jose.
Tác giả đã tham dự viết về nước Mỹ từ 2001. Sau 8 năm lặng lẽ, Vĩnh Hầu góp thêm nhiều bài mới và nhận giải danh dự viết về nước Mỹ năm thứ mười, với bài viết nhân ngày 30-4-1975, kể về người lính Mỹ chung thuỷ với một gia đình Việt mà chàng từng nhận là bố mẹ anh em.
Tác giả, tự giới thiệu là “người viết mới toanh” vì chưa từng viết bài gởi cho báo nào, cả ở VN lẫn Mỹ. Sơ lược tiểu sử: Từ 1971, từng học Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Qua Mỹ năm 2009. Hiện ngụ tại Milpitas, San Jose, California. Bài viết về nước Mỹ thứ ba của Đồng Tâm là chuyện một gia đình miền Nam với những di chứng từ 30 Tháng Tư năm xưa.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật, khoa Đồ Họa, năm 1988 tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng Tư năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài viết mới của cô nhân Mother’s Day vào cuối tuần này.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, có đi dạy học lớp 4 một thời gian ở miền Trung. Định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển.
Chú Sáu Steve Brown chính là "người Mỹ yêu tiếng Việt" mà tác giả Donna Nguyễn đã kể trong bài "Việt Bút, Việt Báo và Chú Sáu.
Đào Như là bút hiệu của Bác sĩ Đào Trọng Thể. Hình bên: tác giả nhận giải "Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất" Viết Về Nước Mỹ 2005, do nữ nghệ sĩ Kiều Chinh trao tặng.
Nhạc sĩ Cung Tiến