Hôm nay,  

Chuyện Ở Ký Túc Xá Johnson Hall

14/01/201900:00:00(Xem: 7838)
Người viết: Võ Phú

Bài số 5594-20-31400-vb8011319

 
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; Định cư tại Virginia từ 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.

 
  ***
 

Xe ngừng lại trước cổng ký túc xá Johnson Hall của trường đại học Virginia Commonwealth, anh trai khều tay tôi và nói nhỏ:

- Ê, sao mày chọn cái trường gì mà ghê vậy?

- Dạ ... Em cũng không biết.

- Tao thấy trường này coi bộ không ổn rồi đó nha.

Tôi im lặng không nói gì.  Đưa mắt nhìn qua ba và mẹ, chắc có lẽ ba mẹ tôi cũng lo lắng giống như anh trai vậy.  Tôi là người đầu tiên trong gia đình đi đại học và học xa nhà.  Mọi người trong gia đình ai cũng mừng và háo hức chờ ngày đưa tôi đi học.  Nhưng khi đến đây rồi, những háo hức của gia đình lúc đầu dường như tan biến.  Thay vào đó là những cảm giác lo lắng và sợ sệt cho sự an nguy của tôi khi đến đây.

Bốn năm định cư tại Hoa Kỳ, cả nhà tôi chưa bao giờ ra khỏi vùng chúng tôi ở.  Hôm nay là lần đầu tiên chúng tôi rời khỏi nơi chúng tôi sống để đến một thành phố mới lạ, nơi mà tôi, con em của gia đình, sẽ ở lại và học hành trong những năm đại học.

Johnson Hall là một ký túc xá cũ xưa nhất trong các ký túc xá của trường đại học Virginia Comonwealth (VCU).  Ký túc xá này được xây dựng vào năm 1915 và được VCU mua lại năm 1950 và trở thành một ký túc xá đầu tiên dành cho sinh viên ở năm học đầu.  Ký túc xá Johnson là một toà nhà cao mười hai tầng, phía trước là một công viên nhỏ trên con đường Franklin.  Ký túc xá Johnson Hall dành cho sinh viên nam và nữ, nam sinh ở tầng lẻ và nữ sinh ở phòng chẵn.

Ngày đầu tiên ba mẹ, anh chị tôi đưa tôi đến ký túc xá vào khoảng mười một giờ trưa.  Trước cổng trường, nơi công viên, có rất nhiều người đang đi lại và chơi đùa.  Họ có thể là sinh viên, hoặc những người vô gia cư đang đi dạo.   Những người xâm trổ, áo quần nhếch nhác, đầu tóc bù xù đang chơi trợt ván, đá cầu, và nằm nghỉ trong công viên.  Khi cả nhà tôi nhìn thấy những người ấy, ai cũng đều lo sợ cho tôi khi một mình sống xa nhà.  Chắc có lẽ gia đình tôi lo sợ khi sống ở nơi như vậy tôi sẽ bị ảnh hưởng?

Trong các ký túc xá của trường, tôi chọn ký túc xá Johnson này vì nó là nơi rẻ nhất trong các ký túc xá của trường.  Khi đó gia đình tôi mới qua Mỹ và chúng tôi không quen biết ai để hỏi thăm đường đi nước bước.  Với lại, gia đình tôi ai cũng bận rộn làm việc mưu sinh, nên không có thời gian chở tôi đi thăm trường học và ký túc xá được.  Sau khi gia đình giúp tôi bưng thùng hành trang lên phòng tôi ở, cả nhà ngồi nói chuyện vài phút.  Nghe ba mẹ tôi căn dặn vài điều rồi họ cũng ra về.

Đưa ba, mẹ và anh chị tôi ra xe xong, tôi trở vào phòng và bắt đầu dọn dẹp căn phòng nhỏ của mình.  Tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng.  Căn phòng nhỏ chừng bốn mét chiều ngang và mười mét chiều dài với một chiếc giường chồng nằm trong góc, hai cái tủ đứng cạnh cái giường, hai cái tủ đựng đồ dùng, hai cái bàn học, hai cái ghế.  Hành trang đi học của tôi cũng không có gì nhiều ngoài cái ba lô hàng ngày ra chỉ thêm một cái thùng nhựa Rubermaid màu xanh.  Bên trong đó có vài bộ đồ, hai bộ ga giường, một cái gối ngủ, bút vỡ, và ít vật dụng linh tinh khác.

Tôi lấy ga trải giường ra trải trên chiếc giường trên cao, còn chiếc giường bên dưới tôi để lại cho bạn chung phòng đến sau.  Xong, tôi cất tất cả vật dùng vào tủ rồi đóng cửa phòng lại, đi xuống văn phòng ký túc xá hỏi thăm về chuyện học hành và cuộc sống sinh viên ở đây.

Cậu sinh viên đang trực, chỉ tôi đến phòng làm việc của tất cả Resident Assistant (trưởng tầng lầu của khu nội trú) để lấy bản đồ cũng như những điều lệ và một số giấy tờ trước khi chúng tôi nhập học.

Anh chàng Resident Assistant tên Kurt, đeo kính cận to đùng là một sinh viên năm thứ ba của trường, anh ấy giải thích cho tôi hiểu những việc cần làm trước khi nhập học.  Ví dụ như làm thẻ sinh viên, chọn lớp học, gặp giáo sư, họp mặt các bạn chung tầng ký túc xá…   Anh Kurt hẹn tôi năm giờ chiều sẽ gặp nhau ở tầng chúng tôi, phòng 503, phòng dành cho RA, của ký túc xá để nói cho chúng tôi biết thêm về điều lệ của khu ký túc xá này.

Cầm những giấy tờ trở về phòng, tôi bỏ chúng lên bàn và lại tiếp tục xuống dưới tầng trệt.  Tôi đi dạo một vòng xem qua phòng sinh hoạt, phòng giặt giũ, và những nơi khác trước khi ra khỏi ký túc xá để đi đến thư viện làm thẻ sinh viên.

Rời Johnson Hall, tôi đi qua con hẻm nhỏ, qua trường sân khấu, trường thương mại, rồi mới đến thư viện.  Tôi hỏi những người bạn nơi chụp hình làm thẻ sinh viên, họ chỉ tôi xuống tầng hầm nơi phòng máy vi tính.  Sau khi điền đơn, chụp hình và làm thẻ sinh viên xong, tôi rời thư viện để đi qua căng tin của trường ăn trưa rồi sau đó trở về ký túc xá.

Về đến phòng mình, James Roades cùng gia đình bạn ấy đã dọn đến.  Ba, mẹ và em gái James giúp cậu ấy dọn rất nhiều đồ vào phòng ký túc xá.  Ngoài những vật dụng cá nhân ra,  còn có cả tủ lạnh, lò vi sóng, tivi, và rất nhiều vật dụng khác. Lúc về đến phòng, tôi không có chỗ để chen chân.  James thấy tôi, cậu ấy đưa tay ra giới thiệu:

- Tôi là James. James Roades! Còn đây là ba mẹ tôi, Bill and Tiffany.  Và đây là em gái của tôi, Vannessa.  Xin lỗi nha, hơi bừa bộn tí.  Tôi hứa sẽ dọn gọn lại. Cậu là Pete phải không?

- Vâng, tôi là Pete.  Rất vui khi chúng ta là bạn chung phòng.

- Chào cậu Pete.  Chào anh Pete...

Ba mẹ và em gái James chào tôi.  Tôi đưa tay bắt lấy tay họ và chào lại:

- Chào ông bà Roades và cô Vannessa.  Rất hân hạnh được gặp quý vị.

- Vâng, chào cậu.  Nhà cậu ở đâu?

- Dạ nhà tôi ở Alexandria.

- Ồ... Rất hân hạnh được gặp cậu.

Nói xong, họ quay sang James và nói:

- James, con ở lại dọn dẹp và sắp xếp phòng nhé.  Đừng bừa bãi. Ba mẹ và em vềù.  Ở lại vui.  Hẹn gặp lại cuối tuần ở nhà...

- Bye Mom, Dad.  And bye Vannessa.

Họ đi rồi, tôi hỏi James:

- Hey, James, bạn cần tôi giúp gì không?

- Không sao, tôi làm được.  Cậu không đem tủ lạnh, lò vi sóng, hay TV gì sao?

- Ồ không. Hành trang tôi chỉ có cái thùng đằng kia.

- Ờ, cũng tốt.  Cậu có thể dùng microwave và refrigerator của tôi nếu cậu cần dùng.

- Vâng, cám ơn James. À cậu đã gặp Kurt, RA của mình chưa?

- Rồi.  Khi nãy mình dọn lên có gặp và nói chuyện với Kurt. Chúng mình sẽ có floor meeting lúc năm giờ ở phòng Kurt phải không?

- Vâng, đúng rồi.

Tôi nhìn lên đầu tủ, nơi có cái đồng hồ báo thức, rồi nói với James:

- Giờ cũng sắp đến giờ rồi.  Bạn xong chưa?

- Mình xong rồi.  Ờ mà phòng của Kurt số mấy vậy?

- 503, bên kia phòng tắm đó.  Sau khi ra khỏi thang máy, trước khi đến phòng mình.

- Giờ cũng còn 15 phút.  Cậu uống nước ngọt không?

- Không, cám ơn bạn.

James đến tủ lạnh mở ra và lấy chai nước Coca Cola ra uống một hơi hết cả chai rồi cậu bỏ cái chai rỗng vào sọt rác.  Lúc James mở tủ lạnh, tôi thấy trong tủ toàn là nước ngọt, nên hỏi James:

- Bạn uống nước ngọt không hả?

- Đúng rồi, mình chỉ uống nước ngọt, không uống nước lã. Mình không uống được nước lã.

Tôi ngạc nhiên nhìn James, cậu giải thích:

- Nước lã khó uống quá vì nó không có mùi vị gì cả.  Mình không quen uống.

- Ồ....

James là người bạn share phòng đầu tiên của tôi ở trên đất Mỹ này. James người da mầu, cậu ấy có dáng người cao to vạm vỡ và khuôn mặt dễ nhìn với hàm râu quai nón được cắt tỉa gọn gàng, có nét hao hao giống cầu thủ bóng rổ Michael Jordan.

James cũng là cầu thủ bóng rổ của trường, cậu được học bổng về bóng rổ khi nộp đơn đến trường đại học VCU này.   Nhà James ở cách trường chúng tôi học chưa đến hai mươi phút lái xe. Nhưng cậu ấy thích sống cuộc sống tự lập, nên ghi danh vào sống ở ký túc xá như chúng tôi.

James có một sở thích đó là sưu tầm giày.  Cậu ta có một bộ sưu tập giày gần cả trăm đôi chất đầy dưới gầm giường và trong tủ đứng của ký túc xá. Sống cùng phòng với James, nhưng chúng tôi cũng ít nói chuyện với nhau nhiều vì chúng tôi học khác ngành.  James học về thương mại còn tôi học về hóa sinh.  Cuối tuần thì James lại về với gia đình, nên chúng tôi cũng ít có dịp để trò chuyện lâu.  Có lần tôi hỏi James:

- Này James, cậu mua nhiều giày vậy cậu mang sao hết?

James cười lớn và trả lời tôi:

- Tại chân tôi to, tới size 12 lận.  Và giày sẽ làm tôi đẹp trai hơn.

- À mà nè James… Nếu cậu không còn chỗ cất chúng, cậu có thể dùng cái tủ đứng của tôi.  Tôi không có đựng gì cả.  Cậu tự nhiên dùng nó nhé.

- Cậu có chắc không Pete?

- Vâng...

- Vậy cám ơn cậu nhé.

- Ừa... À mà nhà cậu ở gần đây sao cậu không sống ở nhà cho bớt tiền học mà lại sống ở ký túc xá vậy?

- Tôi thích.  Đây là cơ hội tôi sống xa nhà, dại gì mà sống ở gần nhà nữa.

- Vậy sao cậu không đi trường khác xa hơn.

- Tại trường này cho tôi học bổng bóng rổ... Còn cậu sao không học ở George Mason cho gần mà đi VCU?

- À, tôi cũng giống cậu, muốn đi học xa nhà.  Với lại hồi đó GMU chưa trả lời đơn của tôi, nên tôi đi VCU luôn.

- Ờ...

Ngoài James là bạn share phòng với tôi ra, ở tầng lầu chúng tôi còn có những người bạn rất đặc biệt khác đó là Marc, John, và Mike.  Họ là những sinh viên ngành hội họa, nên đôi lúc những việc họ làm cũng không bình thường.

Marc và John ở chung phòng với nhau, đối diện với phòng của James và tôi.  Còn John ở cùng với người bạn khác tên Aaron.

Marc người gốc Phi Luật Tân, có lẽ lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi.  Gia đình Marc qua Mỹ hơn mười năm trước và định cư ở Virginia Beach, cách trường tôi học khoảng hai giờ lái xe.  Cậu ấy vẽ rất đẹp, nên thường có nhiều khách hàng nhờ vẽ giùm.  

Theo điều lệ của trường, mỗi sinh viên ở ký túc xá bắt buộc phải mua cơm phần của trường (meals plan) từ 15, 19, hoặc 21 lần ăn trong một tuần.  Mặc dầu mua cơm phần trong ký túc xá, nhưng hiếm khi chúng tôi thấy Marc dùng cơm ở căng tin.  Mỗi lần cậu ấy bán được một bức tranh là cậu dùng số tiền đó mua hết thức ăn và bia rượu giấu trong phòng để dùng (ký túc xá cấm bia rượu).  Khi nào hết tiền thì chúng tôi mới thấy Marc ở căng tin.  Và mỗi lần ăn cơm ở căng tin, cậu chỉ ăn món bắp luộc và gà quay chấm nước xốt cà chua (ketchup).

Mike là người Mỹ da trắng, tóc vàng, mắt xanh. Mike dáng người nhỏ con so với người Mỹ, Mike chỉ cao hơn tôi chừng một hai phân.  Mike ở Roanoke, một thành phố núi cách trường chúng tôi khoảng bốn giờ lái xe.  Cũng giống như Marc, rất hiếm khi Mike ăn cơm căng tin.  Mike chỉ thích ăn Pizza Hut, thức ăn của chó, và uống nước ngọt.

Trong cái tủ đứng của Mike toàn là những thức ăn của chó và nước ngọt.  Lúc đầu nghe Marc kể về Mike, chúng tôi không tin cho đến lúc Mike đi vắng, Marc mở tủ cho chúng tôi xem.  Xem xong đứa nào cũng trố mắt ra nhìn mà không biết nói gì.

Còn John rất mê xâm mình và đeo khuyên trên người.  Trên người John chỗ nào cũng có hình xâm.  Mắt, mũi, tai, và lưỡi nơi nào cũng đeo khuyên.  John thường hay dắt bạn gái về phòng ngủ lại qua đêm.  Tuy John ở chung với bạn cùng phòng là Aaron, nhưng hiếm khi Aaron có mặt trong ký túc xá trong những tháng đầu của học kỳ một.  Đến cuối học kỳ một thì Aaron bị cảnh sát bắt và đuổi khỏi trường, nên John sống một mình trong căn phòng ấy. (Tôi sẽ kể cho bạn nghe vì sao Aaron bị bắt ở phần sau.)

Một ngày đẹp trời, ba người bạn Marc, John, và Mike quăng cái ghế ngồi ra ngoài cửa sổ của tầng lầu chúng tôi ở rồi lấy giá, cọ, và màu ra vẽ. Họ ngồi cả buổi để vẽ cảnh chiếc ghế treo tòng teng trên cành cây bên ngoài cửa sổ. Tôi nghe Marc kể lại sau lần đó cả ba bị nhà trường cảnh cáo vì tội phá hoại.

Một lần khác, trong lớp hội họa của họ vẽ chân dung khỏa thân.  Khi ấy cả ba đem về ký túc xá những tấm tranh dở dang và tiếp tục vẽ ngoài hành lang. Vừa vẽ, họ vừa bình luận tranh của nhau.

Hôm đó là buổi chiều thứ Sáu, sau giờ cơm.  Lúc ấy, tôi mới về phòng ký túc xá từ căng tin và đang đọc truyện Z28, cuốn "Bão Ngầm Trên Biển Phong Lan".  Đang đọc, tôi phải dừng lại vì tiếng ồn và đùa giỡn của bộ ba Marc, John, và Mike.  Tôi bỏ quyển truyện xuống, mở cửa, thò đầu ra ngoài hành lang.  Nghe tiếng mở cửa, họ ngừng lại.  Thấy tôi, Marc hỏi:

- Hey Pete, chúng tôi làm ồn bạn học bài hả?

- Ồ không, tôi nghe ồn nên tò mò coi thử các bạn làm gì thôi...

- Chúng tôi đang vẽ.  Cậu xem không?

Tôi đến nhìn những tấm tranh khỏa thân họ vẽ.  Những bức tranh khỏa thân lõa lồ làm tôi cũng đỏ cả mặt.  Tôi đưa tay khều Marc và hỏi:

- Mỗi lần các bạn vẽ thường là người mẫu thật hay là tượng vậy?

- Thường là người thật, trừ khi vẽ tĩnh vật mới dùng tượng.

- Các bạn học nghệ thuật, được nhìn mẫu nude thích nhỉ?

- Cũng tùy thôi. Đôi lúc cũng gớm bỏ mịa...

Cả đám cùng cười.  John nói:

- Hey, hay là tụi mình nghỉ để mai vẽ tiếp.  Hôm nay thứ Sáu mà.... Đi Blockbuster mượn phim X về coi không?  Pete bạn muốn đi chung với chúng tôi?

- Cũng okay...

Chúng tôi cuốc bộ ra đường Broad, con đường lớn đi đến trung tâm mua sắm, để đón xe buýt.  Chúng tôi là sinh viên ở ký túc xá năm đầu nên không ai có xe riêng.  Phương tiện đi lại là đi bộ hoặc xe buýt.  Và sinh viên của trường được đi xe buýt công cộng miễn phí.  Chúng tôi chỉ cần cho tài xế xem thẻ sinh viên mỗi lần lên xe mà thôi.

Đó là lần đầu tiên tôi đến tiệm cho thuê video của Mỹ.  Nó rộng lớn và có một phòng riêng biệt dành cho “phim người lớn.” Ở đây có quá nhiều phim người lớn đủ thể loại.  Thấy tôi lớ ngớ, John hỏi:

- Hey, Pete... Lần đầu hả?

Tôi cười và gật đầu. Thấy vậy, Mike hất mái tóc chẻ hai của hắn ra sau và nói:

- Hey John, hôm nào mày đóng phim của mày và Jessica cho nó coi đi.

- Hahaha...

Cả đám cười rộ lên.  John mướn vài bộ phim ở Blockbuster xong, chúng tôi ghé qua tiệm bánh Pizza Hut mua hai cái bánh và ít nước ngọt rồi về ký túc xá xem phim và ăn bánh. Tối hôm đó, coi “phim người lớn”xong, tôi trở về phòng trằn trọc cả đêm.

Nói về Aaron, bạn cùng phòng với John. Aaron là người Mỹ da mầu, dáng người to con và cũng thích xâm mình như John. Nhưng hiếm khi chúng tôi thấy Aaron ở ký túc xá.

Tôi còn nhớ đó là những ngày cuối của học kỳ một, khi trời bắt đầu trở lạnh.

Mùa chuyển từ thu sang đông.  Chúng tôi ai cũng bận rộn học hành thi cử, nên ít khi ở trong ký túc xá.  Đám sinh viên chúng tôi ai cũng cắm đầu vào sách vở học bài thi cho kỳ thi cuối năm. Nơi chúng tôi ở nhiều nhất, trừ những giờ học trong lớp ra, là thư viện trường hoặc căng tin.  Ký túc xá chỉ là nơi chúng tôi dùng để ngủ, nghỉ và tắm rửa.

Nhưng có thời gian, ở ký túc xá, mỗi đêm khi chúng tôi vừa chợp mắt là chuông báo động khẩn vang lên. Chúng tôi không thể nào ngủ ngon giấc và vào lớp lúc nào cũng ngủ gà ngủ gật.

Dạo ấy, thường thì cứ cách một ngày và vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng là chuông báo động khẩn reo. Mỗi lần có chuông báo động là xe cứu hỏa, xe cứu thương, và xe cảnh sát kéo đến, hú còi inh ỏi. Tội nghiệp những cô sinh viên, mỗi lần như vậy các cô chỉ kịp quấn chăn mền và gà gật đi bộ từ tầng 12 xuống tầng trệt. Giữa tháng mười hai giá lạnh, các nữ sinh ra phải ra công viên ngồi chờ cho lính cứu hỏa và cảnh sát kiểm tra lại trước khi cho chúng tôi trở về phòng. Hôm nào mệt quá có cô còn chụp ba chụm bảy lại ngủ luôn trên ghế công viên.

Chuyện này cứ lập lại ba bốn lần trong một tuần cho đến khi cảnh sát lấy dấu vân tay của tất cả sinh viên nội trú và tìm ra người đã kéo chuông báo động khẩn.  Người đó là Aaron. Aaron bị đuổi học, chúng tôi mới được ngủ yên giấc.

Thời gian thắm thoát trôi qua, chúng tôi cũng học xong học kỳ một của năm đầu đại học. Trước ngày lễ Giáng Sinh, tôi được anh trai đón về nhà nghỉ lễ mùa đông để sum họp với gian đình trong đêm Noel và tết Tây.

Đêm Noel, những bóng đèn điện lấp lánh trên cây thông Giáng Sinh.  Cả nhà chúng tôi ngồi lại bên nhau và nghe tôi kể chuyện học xa nhà ở ký túc xá Johnson Hall; về những người bạn đặc biệt mà tôi quen biết trong năm học vừa qua.

Mỗi một ngọn đèn lấp lánh trên cây thông giáng sinh năm ấy, với tôi, giống như  một người bạn đầy màu sắc ở Johnson Hall.

 

Võ Phú

Ý kiến bạn đọc
20/01/201913:38:29
Khách
boring! Not impressive at all.
16/01/201918:40:30
Khách
Tuyet voi!! ! Rat an tuong. Hoan ho
15/01/201905:16:00
Khách
Lời văn giản dị, thành thật , rõ ràng giúp cho người đọc cảm thấy thoải mái. Cách đây không lâu, bài viết "Chuyện Ở Viện Dưỡng Lão The Virginian " của cùng tác giả, cũng gây cho tôi cảm tưởng nhu vậy.
15/01/201904:18:20
Khách
"Tối hôm đó, coi “phim người lớn”xong, tôi trở về phòng trằn trọc cả đêm."
Chưa tới 20 mà đã dám coi phim người lớn rồi. Tôi phải đợi tới 90 tuổi mới dám coi phim người lớn để trằn trọc quyết định có nên sống thêm tới ngoài trăm không đây nè.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,078,102
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.