Hôm nay,  

Dắt “Ên” Vào Thơ

15/03/201300:00:00(Xem: 278193)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: giải danh dự 2009, và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010. Bài viết mới của Khôi An kể về Chú Sáu Steve Brown, một người Mỹ viết văn làm thơ bằng Việt ngữ.

Cuối tháng Mười Một thường là thời gian làm việc nhẹ nhàng vì dư hương của ngày lễ Tạ Ơn còn vương vấn và nhiều người bắt đầu nghỉ phép cuối năm. Nhưng gần đây, trong thời buổi kinh tế khó khăn và cạnh tranh dữ dội, mọi chuyện đều “khác thường”. Cho nên, hôm đó là thứ Sáu, 30 tháng 11, mà mãi gần mười một giờ đêm tôi mới có dịp coi email.

Có một lá thư từ Mr. Steve Brown, tức Chú Sáu, cho biết đã gửi bài viết mới tới Việt Báo và được hồi báo là bài này sẽ được dành lại cho báo Tết Việt Báo 2013. Thư viết, “Chú ngạc nhiên lắm.”

Chú Sáu thật là chu đáo. Từ khi tôi đưa email của chú Từ và khuyến khích chú gởi bài, lần nào có tin liên quan đến đăng bài trên Viết Về Nước Mỹ chú cũng báo cho tôi. Lần này, trả lời thư “Chú ngạc nhiên lắm” tôi viết “Khôi An mừng quá.” Mừng vì dù biết đề tài chú Sáu chọn để viết rất hay và đặc biệt, nhưng khi bài được chọn dành lại cho báo Tết, thì chú Sáu đúng là “hết xảy”.

Năm mới đến, bài Hành Trình Tiếng Việt Của Một Người Mỹ xuất hiện trong Việt Báo Xuân Quý Tỵ và sau đó là trong phần Viết Về Nước Mỹ trên mạng. Rất nhiều người đọc bài viết và “phục ông Sáu sát đất”. Riêng tôi lần nào đọc hai câu thơ cuối bài “Cho nên phải học tự ên, Học rồi ôn lại chẳng quên sau cùng” tôi cũng cười vui.

Hôm nay rảnh rỗi, tôi lại đọc bài của chú Sáu, và sực thấy một điều: từ trong văn nói, chữ “ên” đã rạng rỡ bước vào thơ chú Sáu.

Vậy thì tại sao tôi không kể lại chuyện chữ “ên”. Biết đâu câu chuyện sẽ giúp một bạn trẻ sinh ra ở ngoại quốc nhưng vẫn đọc tiếng Việt hoặc những người yêu tiếng Việt biết thêm về cái từ rặt Nam thiệt là dễ thương này.

Chuyện xảy ra năm ngoái, lúc nhóm Việt Bút còn có diễn đàn riêng. Thời buổi của Word Press và Facebook, ai ai cũng có trang Blog, cho nên làm cách nào để diễn đàn thu hút được người xem là chuyện khó lắm. Vì thế ngoài trang đầu tươi mắt với những hình ảnh đẹp, vườn Việt Bút còn có nhiều tiểu mục. Chẳng hạn như mục “Hỏi Đáp” do Donna lập ra. Mỗi ngày, dù bận rộn đến đâu, tôi đều bỏ ít thì giờ vào thăm trang và thầm cám ơn Donna khi thấy những câu trong “Hỏi Đáp” đều được trả lời kỹ lưỡng, từ cách làm đẹp tới những mẹo vặt nội trợ.

Hồi đó, ngoài những người bỏ nhiều công sức “trồng hoa, chăm vườn” như anh Duy An, Donna và Nguyên Thảo, người vào thăm diễn đàn đều đặn nhất chắc phải là chú Sáu. Từ diễn đàn này chú Sáu đã hăng hái trau giồi tiếng Việt, đã tập làm thơ Đường luật, và với sự chỉ vẽ cặn kẽ của anh Trần Quốc Sỹ, chú Sáu đã mau chóng làm được mấy bài đúng niêm đúng luật, có ứng có đối. Đây là lần đầu tôi thấy một người Mỹ làm thơ Việt ngữ hoàn chỉnh theo thể đường luật, nên đã kể chuyện này trong một viết “Nhịp Nối Cuộc Đời” trên báo xuân Việt Báo 2012.

Một ngày kia, chú Sáu gởi vào mục Hỏi Đáp: “Làm ơn giải nghĩa chữ ên “

Donna trả lời ngay:

“Chữ “ên” là tiếng địa phương của người miền Nam Việt Nam, nhất là vùng miền Tây Nam. Nó thường được dùng khi nói. “Ên” có nghĩa là “self” hay là “alone”.

Tôi đã mỉm cười nghĩ không biết chú Sáu gặp chữ “ên” trong trường hợp nào. Theo ý tôi, đó là một trong những tiếng đặc biệt và dễ thương nhất của giọng Nam. Ngắn mà ngọt, đơn giản mà thân thương, chỉ nghe qua đã gợi lại lìm lịm vị dừa tươi, đã nhắc nhớ hình ảnh miền Nam mát trời sông nước.

Nhưng chú Sáu cám ơn Donna rồi… nín thinh. Nhớ lúc chú Sáu hăng hái luyện tập làm thơ Đường với anh Sỹ, tôi đoán lần này chú chưa thực hành vì chưa hiểu rõ cách dùng chữ “ên” ra sao. Vì thế, tôi góp thêm thí dụ:


Chữ “ên” thường đi kèm với “mình” hay “tự”.

“Mình ên” nghĩa là alone

Thí dụ:

- Tui đi mình ên (I went alone)

- Lúc nào Mai cũng chỉ mình ên (Mai is always alone)

“Mình ên” hay “tự ên” cũng có nghĩa là by myself, by herself, by himself.

Thí dụ:

- Không ai chỉ hết, tui học mình ên (Nobody showed me, I learned by myself)

- Tội nghiệp thằng Tâm, làm gì cũng tự ên (Poor Tâm, he does everything by himself)

Chú Sáu coi bộ thấm ý vì ngay sau đó trang Việt Bút có một bài thơ mới của chú:

Trước kia học một mình ên
Đúng hay sai, chẳng biết nên
trật hoài
Khi vô diễn đàn một hồi
Có ai giúp đỡ, đủ lời rất hay
Được như tiến bộ hiện nay
Cảm ơn các bạn ra tay dạy giùm

Đọc bài thơ mới của chú Sáu dùng chữ “mình ên” thật chính xác, tôi vui lắm nên làm ngay bài thơ đáp lại:

Chú Sáu thật là lanh
Học rồi hành, ngon lành!
Mình ên chú đã giỏi
Có bạn tiến càng nhanh

Từ đó, “ên” trở thành một “chiêu” mới của chú Sáu. Chú đã dắt tay “ên” cùng đi vào báo Xuân...
Gần đây, chú Sáu vừa ghi sau bài viết của Khôi An “Chú tạ ơn vì sự ủng hộ của cháu với bài viết của chú nữa nhé?” Và đây là lời tôi muốn đáp lại:

Thưa Chú Sáu, có gì đâu mà chú viết “tạ ơn”. Mới mười tám tuổi chú đã đến Việt Nam và chấp nhận có thể hy sinh xương máu cho xứ sở xa lạ đó. Bao lâu nay, chàng rể hơn bốn mươi năm của Việt Nam vẫn “tự ên” học thêm tiếng Việt. Đó mới là chuyện đáng kể. Được giúp chú hiểu thêm tiếng Việt, rồi được thấy Chú Sáu dắt tay “ên” vào thơ, vào báo xuân Việt Báo, tự nó là niềm vui rồi. Chút xíu thì giờ có đáng gì đâu, thưa chú.

Khôi An

Ý kiến bạn đọc
27/03/201320:45:22
Khách
Ước gì tôi có thể giỏi một chút thôi tiếng Mỹ của Mr. Steve Brown là thấy vui lắm rồi, mặc dầu tiếng Việt của tôi thì ông đã quá "siêu"!
Cám ơn tác giả về bài viết này vì nó đã đem đến cho người đọc niềm vui về tiếng mẹ đẻ của mình.
27/03/201300:44:26
Khách
Xin email của Khôi An để tiện viện liên lạc Đức [email protected]
22/03/201317:19:33
Khách
Chào chú Sáu
Cám ơn chú ghé coi bài của Khôi An.
Diễn đàn Việt Bút đã đóng cửa nhưng nếu cần gì chú cứ gởi email là mọi người sẽ trả lời ngay.
Vườn đóng cửa nhưng lòng người vẫn mở
Đã quen nhau, tình thân hữu luôn còn
Qua rồi thủơ mình ên, thời bỡ ngỡ
Đường tuy dài, duyên văn bút dài hơn :-)
18/03/201301:19:27
Khách
Chào cháu Khôi An,
Bài viết cháu rất hay và vui. Có thêm một bài thơ với chữ "ên" nè.

Hồn thơ lầm lỡ mình ên
Đến ngày tao ngộ ở bên diễn đàn
Những bài học vẫn chưa tàn
Dù như Việt Bút đã tan tạm thời

Chúc cháu vui vẻ.

Chú Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,751,094
Tác giả là một cô giáo dạy Việt ngữ cho nhà chùa, cho biết cô “viết rất nhiều nhưng chưa bao giờ gởi đi. Bài đầu tiên tôi gởi thử nhân ngày Mother's day. Tôi chỉ muốn chia xẻ môt câu chuyên có thật.” Mong cô tiếp tục viết.
Tác giả đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008, với loạt bài viết về người con khiếm thị có tài ba âm nhạc. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Sau đây là bài mới nhất của cô cho mùa Lễ Mẹ.
Tác giả sinh năm 1981, đến Mỹ năm 2000 theo diện HO. Sau 9 năm định cư tại Mỹ, công việc hiện nay của ông là Property Manager, tại Landover, tiểu bang MD. Ông tham dự viết về nước Mỹ từ 2009.
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO.; Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Nhân Ngày Lễ Mẹ, mời đọc bài viết về nước Mỹ thứ tư của Minh Nghĩa.
Tác giả là một thuyền nhân, vượt biên tháng 12 năm 1983; đến Mỹ tháng 1 năm 1985, là một Design Engineer, hiện định cư và làm việc tại San Jose.
Tác giả đã tham dự viết về nước Mỹ từ 2001. Sau 8 năm lặng lẽ, Vĩnh Hầu góp thêm nhiều bài mới và nhận giải danh dự viết về nước Mỹ năm thứ mười, với bài viết nhân ngày 30-4-1975, kể về người lính Mỹ chung thuỷ với một gia đình Việt mà chàng từng nhận là bố mẹ anh em.
Tác giả, tự giới thiệu là “người viết mới toanh” vì chưa từng viết bài gởi cho báo nào, cả ở VN lẫn Mỹ. Sơ lược tiểu sử: Từ 1971, từng học Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Qua Mỹ năm 2009. Hiện ngụ tại Milpitas, San Jose, California. Bài viết về nước Mỹ thứ ba của Đồng Tâm là chuyện một gia đình miền Nam với những di chứng từ 30 Tháng Tư năm xưa.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật, khoa Đồ Họa, năm 1988 tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng Tư năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài viết mới của cô nhân Mother’s Day vào cuối tuần này.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, có đi dạy học lớp 4 một thời gian ở miền Trung. Định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển.
Chú Sáu Steve Brown chính là "người Mỹ yêu tiếng Việt" mà tác giả Donna Nguyễn đã kể trong bài "Việt Bút, Việt Báo và Chú Sáu.
Nhạc sĩ Cung Tiến