Hôm nay,  

Tết

12/02/201300:00:00(Xem: 139517)
Tác giả: Nguyễn Bích Thủy
Bài số 3817-13-29217vb3021213

Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Tết là bài Viết Về Nước Mỹ thứ năm của cô.

***

Tết là niềm mong mỏi là ước mơ của ngày thơ ấu, Tết là niềm hy vọng là hoài bão của thời tuổi trẻ và Tết còn là những hoài niệm khắc khoải lúc tuổi về chiều!
Mỗi cái Tết về gợi trong tôi rất nhiều nỗi nhớ. Tôi vẫn nhớ hoài những cái Tết của thời thơ ấu với quần áo mới, bánh mứt và tiền lì xì rủng rỉnh suốt ba ngày xuân. Dạo mới đổi đời, với đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ cộng thêm số tiền bấp bênh của ba tôi kiếm được hằng ngày, vất vả lắm hai người mới lo được cho bốn chị em tôi một cái Tết tươm tất như những gia đình khác. Nhưng đó lại là những cái Tết vui nhất đời tôi vì khi ấy cả nhà còn đầy đủ quây quần bên nhau!
Nhớ nhất là đêm ba mươi Tết, cả xóm tôi người ta bày hương hoa với mâm ngũ quả trước sân nhà, họ cũng chuẩn bị chu đáo những dây pháo cho buổi “tống cựu nghinh tân”. Rồi thì giao thừa đến, vào thời khắc này tất cả mọi người dường như quên đi hết những muộn phiền vất vả của năm cũ để cùng reo hò, phấn khích cùng tiếng pháo nổ rền trời đón mừng năm mới sang. Giữa rừng khói tỏa mênh mông của pháo và nhang đèn trong đêm trừ tịch người lớn thành kính khấn lạy đất trời để mong sao cho “vạn sự kiết tường” suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày, còn đám trẻ nít thì cứ lăng xăng với mớ pháo lép nhặt đầy lon.
Sau đó gia đình tôi cũng như mọi người trong xóm đi chùa lúc nửa đêm để xin xăm, hái lộc cầu cho gia đạo được “an khang thịnh vượng” trong năm mới. Nhà tôi ở gần chùa nên chỉ cần đi bộ chừng vài phút là có thể nghe được tiếng đại hồng chung văng vẳng xa xa và đặc biệt nhất là mùi trầm hương thoang thoảng trong gió. Thứ mùi hương này quyện với mùi pháo trong không khí, mùi sương đêm đang xuống tạo cho đất trời có một mùi rất đặc trưng và rất Tết mà bao nhiêu năm qua rồi nhưng sao tôi vẫn cứ nhớ da diết mỗi dịp Xuân về!
Ở tuổi đôi mươi của mình, mỗi bận Tết về lòng tôi đầy ắp những hy vọng của tình yêu đầu đời nhiều mật ngọt! Tôi nhớ những ngày đầu năm cùng người yêu đạp xe loanh quanh khắp những con đường của Sàigòn rồi đi chúc Tết thầy cô, bạn bè. Năm cuối cùng của tôi ở Đại học cũng là cái Tết mà nhà tôi vắng đi một người: chị tôi ra sống ở nước ngoài!
Rồi tôi cũng lập gia đình khi mối tình đầu chỉ còn là kỷ niệm! Ở tuổi gần 30 tôi mong Tết về để được nhìn thấy con mình mau lớn từng ngày. Tôi còn nhớ như in vào những ngày giáp Tết của năm 1992 khi tiếng pháo đì đùng văng vẳng xa xa thì chồng tôi phải lên đường sang Mỹ định cư; hai mẹ con tôi ở lại hụt hẫng nghẹn ngào nhưng cảm thấy được an ủi phần nào trong sự đùm bọc của ông bà ngoại, cậu mợ, cô dì. Năm 1993 em gái tôi nhân dịp du lịch sang Đức đã kết hôn và ở lại làm dâu xứ người, ba mẹ tôi là người buồn nhất vì mất đi đứa con gái út mà họ hằng thương yêu như trứng mỏng bấy lâu!
Lúc còn ở Việt Nam, ngồi làm việc ở tầng 14 của một cao ốc trên đường Nguyễn Huệ tôi thích nhất là ngắm nhìn quang cảnh Sàigòn lúc buổi chiều tà nhất là vào những ngày cận Tết. Với tôi đó là một bức tranh đầy màu sắc hết sức sinh động và tuyệt vời! Sàigòn nhỏ bé quá và đã quá tải nên nhìn đâu cũng thấy người và xe chi chít từ khắp mọi ngả đường đang đổ về trung tâm thành phố để mua sắm Tết, xem chợ Hoa, đi dạo phố. Có đôi khi người ta đến đây cũng chẳng làm gì cả, họ cứ cho xe chạy vòng vòng qua các ngã đường rồi tấp vào một quán càfé hay quán kem nào đó ngồi nhâm nhi, tán gẫu vậy thôi!
Sàigòn đẹp nhất phải kể lúc về đêm và đã trở thành nơi hò hẹn của biết bao cặp tình nhân tự bao giờ, Sàigòn còn là “Hòn ngọc viễn đông” là đích đến của biết bao khách du lịch trong và ngoài nước.
Tôi là người Sàigòn! Tôi đã sống suốt 38 năm tại đây, đã chứng kiến biết bao cảnh thăng trầm của thành phố này! Tôi nhớ đến Tết Mậu Thân năm 1968 lần đầu tiên người dân thật sự kinh hoàng khi Việt Cộng tấn công vào Sàigòn. Những cái Tết sau đó mọi người lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì Sàigòn bị hoàn toàn thất thủ! Một màu tang tóc đã bao trùm thành phố để rồi sau đó là những cái Tết ly tan với “chén cơm chan đầy nước mắt” khi người thân của họ đang trong lao tù của Cộng Sản, hoặc đang trong trại tỵ nạn hay đang trên đường vượt biên! Chắc chắn đã có biết bao gia đình mãi mãi không bao giờ có những cái Tết sum vầy vì chồng, cha, anh hay con cái của họ đã bỏ mình ở biển Đông hoặc đã nằm xuống ở một cánh rừng nào đó tại Campuchia!
Sàigòn chẳng biết từ bao giờ đã là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi, mỗi góc phố mỗi con đường đều vương ít nhiều kỷ niệm và tôi nghĩ rằng một ngày nào đó nếu có phải xa Sàigòn chắc tôi sẽ nhớ khôn nguôi! Nhưng!!! Cuối cùng rồi tôi cũng phải dứt áo ra đi bỏ lại sau lưng quê hương, gia đình, bạn bè và sự nghiệp mà mình đang theo đuổi!
Tôi đã chia tay với Sàigòn vào lúc nữa đêm của một ngày đầu tháng 4 năm 2000. Khi chiếc Boing cất cánh, từ trên cao nhìn xuống tôi thấy Sàigòn vẫn lung linh ánh đèn, vẫn những con đường xe cộ ngoằn nghoèo chi chít như mắc cửi nhưng rồi dần khuất để đưa tôi bay lên và bay xa! Kể từ dạo đó tôi chỉ còn gặp lại Sàigòn của mình trong những giấc mơ lúc đêm về!
Những ngày đầu tiên đến đất nước Hoa Kỳ tôi sống trong tâm trạng ăn nhờ ở đậu trong căn nhà của bà mẹ nuôi giàu có tốt bụng nhưng vẫn cứ đau đáu nhớ về cái mái ấm đơn sơ của người mẹ ruột nghèo khó ở bên nhà! Cũng từ đó tôi biết thương những người đồng cảnh ngộ đang sống đời viễn xứ như mình, họ cũng như tôi phải bắt đầu từ một con số không to tướng trong cuộc mưu sinh tại vùng đất mới xa lạ với quá nhiều khác biệt về ngôn ngữ, tập quán, văn hóa…
Năm 2001 lần đầu tiên tôi đón Tết nơi quê người! Tôi nhớ ba nhớ mẹ, nhớ từng đứa em đứa cháu, nhớ những gương mặt của hàng xóm láng giềng không hề thân thiết, nhớ luôn cả những cây kiểng, cành mai trong vườn mà ba tôi thường tỉa lá cẩn thận mỗi độ xuân về!
Ở bên đây cũng có cúc tắc mai đào, cũng bánh chưng xanh, câu đối đỏ trong các chợ Châu Á nhưng dường như nó cứ thiếu thiếu cái hồn-của-Tết trong đó thì phải?! Tôi thường lang thang trong các gian hàng Tết bên này mà tâm trí cứ mơ màng đến những buổi tối năm nào đạp xe ra chợ ở bên nhà đôi khi chẳng để mua gì cả mà cốt chỉ để nhìn, để ngắm những sinh hoạt của mọi người trong những phiên chợ đêm vào dịp cận Tết. Những người bán ở chợ đêm thường là bà con nông dân ở các huyện ngoại thành từ Bình Chánh, Hốc Môn, Gò Vấp hay những khách thương hồ từ miệt Tiền Giang, Hậu Giang đem các mặt hàng như rau, cải, bông trái lên thành phố bán nên họ hay tá túc trong những căn chòi cất “dã chiến” để qua đêm. Có nhiều bà mẹ trẻ còn đem cả con mọn ra chợ vừa ngồi cho bú vừa thoăn thoắt bán hàng mà trên môi lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi. Chẳng biết những mảnh đời cơ cực ở quê nhà đó có khá hơn không sau mười mấy năm tôi xa xứ?!

Vào mùa Xuân năm Mậu Tý 2008 cũng là cái Tết mà mẹ tôi chỉ còn lại một mình với bức di ảnh của ba tôi đặt trên bàn thờ. Vâng! Ba tôi đã không còn nữa để chở mẹ đi chúc Tết họ hàng hay đi xem Hội Hoa Xuân như mọi năm. Tết năm trước lần cuối cùng gọi về tôi còn nghe được tiếng ba mình vui vẻ kể rằng “Tết năm nay mấy cây xoài nhà mình có trái sớm nên ba mẹ đã hái xuống biếu mọi người và để chưng trên bàn thờ cho có “cầu, dừa, đủ, xài”! Vậy mà giờ đây chỉ còn mẹ tôi thui thủi trong căn nhà trống mỗi lần gọi về chúc mẹ “sống lâu trăm tuổi” thì thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng thút thít của người vì nhớ chồng và các con cháu đang ở phương xa!
Giờ đây Tết đến đôi khi miên man trên xa lộ một mình tôi hay tự hỏi rằng chẳng biết mỗi năm ông, bà và ba tôi được rước về ăn Tết với con cháu có buồn không khi thấy cửa nhà giờ vắng lặng chỉ còn mỗi mẹ tôi ra vào một mình, thỉnh thoảng vừa thắp nhang lên bàn thờ vừa trông chừng điện thoại của con cái gọi về.
Tết năm nay cũng là cái Tết thứ 13 của tôi ở Mỹ, gần 13 năm với bao ngàn ngày thương nhớ với bao nhiêu đêm thức giấc khi mơ về Sàigòn. Tôi cũng đã quen rồi với cuộc sống không cha mẹ, không anh em, không bạn bè chỉ lấy công việc làm niềm vui của mình nơi đây! Chúng tôi đang sống trong một thành phố thuộc ngoại vi Dallas có cái tên rất lạ lẫm -Waxahachie- với gần 30.000 người nhưng chỉ có gia đình tôi là cư dân gốc Việt tại đây. Những đứa con tôi luôn là những học sinh Việt Nam duy nhất tại các trường chúng theo học.
Vào những ngày lễ cuối năm khi mọi người, mọi nhà quây quần bên nhau trong những bửa tiệc gia đình như Thanksgiving, Christmas và đặc biệt khi mà tại các chợ Châu Á bắt đầu bày bán các loại bánh, mứt, hoa, kiểng cho ba ngày Xuân thì lòng tôi cứ nao nao một nổi buồn khôn tả. Vào tối 30 Tết thường chỉ có mình tôi thức đến quá nữa khuya ngồi nhâm nhi ly trà sen và chén mứt gừng theo dõi chương trình ca nhạc đêm Giao thừa trên TV. Hầu như năm nào người ta cũng hát đi hát lại bài ”Xuân này con không về” như có một sự đồng cảm với những đứa con xa nhà khi Tết đến như tôi. Vâng! Đúng vậy, gần 13 cái Tết trôi qua rồi nhưng tôi đã chưa một lần về ăn Tết với mẹ!
Thấu hiểu hoàn cảnh “một mình, một chợ” của gia đình tôi nên trước Tết mấy ngày em gái tôi từ Đức thường nhắc: “Chị ơi, nhớ lấy mấy cái DVD nhạc Xuân ra coi cho có không khí Tết để vui cửa vui nhà” rồi sốt sắng chỉ tôi cách nấu bánh tét, làm dưa món vì: “ra chợ mua chưa chắc ngon bằng mình làm” nó bảo vậy! Nhớ lại hồi còn ở Việt Nam tôi chẳng bao giờ để mắt tới mấy món bánh nếp dân giả và mau ngán này nhưng từ ngày sang đây lại thấy không thể thiếu được khi Tết đến nên tôi cũng chạy ra chợ mua nếp, đậu, thịt, lá chuối … về hì hục gói, hấp cả ngày.
Tết ở Việt Nam là mùa Đông bên Mỹ, đôi khi chỉ có tuyết trắng xóa ngoài trời và đầy ắp một nỗi nhớ trong lòng. Vào những ngày mùng Một Tết thường người lớn cũng phải đi làm và trẻ con vẫn cắp sách đến trường, phải đợi đến dịp cuối tuần thì gia đình bạn bè mới gặp nhau chúc Tết, chè chén, bài bạc cho đúng nghĩa ba ngày Xuân! Các đoàn thể cũng tổ chức Hội Chợ Tết và không quên kêu gọi phụ huynh dắt con em đến tham dự để có dịp hiểu thêm về ý nghĩa của Tết Cổ Truyền qua các trò chơi dân gian: lô tô, múa lân, múa rồng... Người bán ở chợ Tết ở Mỹ cũng khác hơn bên nhà vì họ đến đây bày bán bánh mứt, đồ chơi với mục đích gây quỹ và giúp vui cho cộng đồng mà không phải vì sinh kế, còn người mua đến đây đa phần không phải muốn sắm Tết mà cốt yếu để tìm lại cái không khí ngày cũ. Cũng là những nụ cười giữa người mua và kẻ bán nhưng sao ánh mắt ai cũng đượm chút buồn!
Hồi còn ở bên nhà thường đến trưa ba mươi Tết sau khi rước ông bà xong dù bận rộn cách mấy tôi cũng thoắt ra chợ thêm lần nữa để xem cảnh chợ tàn. Những đống dưa hấu cao ngồn ngộn mấy hôm trước nay chỉ còn lại một ít mà các chủ lái đang mong “bán tháo, bán đổ” cho hết sớm. Những mặt hàng khác cũng đang đại hạ giá vào giờ chót! Nói chung ai cũng nóng lòng muốn về sum họp với gia đình trong chiều ba mươi Tết càng sớm càng tốt để kịp rước ông bà và chuẩn bị đón giao thừa lúc nữa đêm. Người mua và kẻ bán ai cũng hối hả, ai cũng vội vàng nhưng trên từng gương mặt là những nụ cười rạng rỡ “vui như Tết”!
Chợ Tết ở hải ngoại không có cái cảnh tất bật, gấp rút và vội vã lúc cuối năm như ở bên nhà, ai cũng muốn nán lại thêm chút nữa để được tận hưởng cái không khí Tết ấm cúng và chan hòa này vì họ biết rằng chỉ cần bước ra khỏi cửa thì cuộc sống ngoài kia vẫn tiếp diễn một cách lạnh lùng! Chẳng ai buồn quan tâm đến một tập thể nhỏ đang đón Tết trong cái guồng máy lớn đang vận hành tại “Hiệp Chủng Quốc“ này! Ngày mai người lớn vẫn đi làm, trẻ con vẫn đến lớp, ngoài trời tuyết vẫn rơi và nỗi buồn thì vẫn cứ đọng mãi trong lòng; bất giác người ta cảm thấy thèm một chút nắng xuân ấm áp trong buổi sáng đầu năm mới như ở bên nhà.
Giờ đây mỗi khi Tết đến tôi mừng vì vẫn còn mẹ bên mình. Người ta bảo “mẹ già như chuối ba hương” còn với tôi tuổi già của mẹ như ngọn đèn trước gió không biết sẽ tắt lúc nào! Tôi chỉ mong sao cho trời thôi không giông gió bão bùng cho mẹ cứ sống mãi bên chúng tôi để mỗi khi gọi về:” Mẹ ơi! Con Thủy đây! Mẹ có khỏe không?” thì nghe tiếng mẹ văng vẳng bên tai như một niềm khích lệ cho tôi vững bước đi tiếp nơi đất khách quê người này!
Có rất nhiều người Việt đã đến Hoa Kỳ từ những ngày đầu tiên sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Gần 38 mùa Xuân trôi qua nhiều thế hệ người đã nằm xuống nơi đây với ước mơ được một lần trở về Việt Nam vui những cái Tết đoàn viên “không Cộng Sản”. Cũng trong hoài bão đó mà công cuộc đấu tranh vì dân chủ, dân quyền cho Việt Nam vẫn đang được tiếp tục không ngừng nghỉ từ trong nước ra đến hải ngoại.

*

Tết chỉ có ba ngày thôi nhưng cái âm hưởng của Tết thì cứ đọng lại mãi trong lòng mỗi người, nó đánh dấu một tuổi đời vừa bỏ lại sau lưng. Ở tuổi ngoài 50 tôi hiểu được rằng mỗi cái Tết đi qua sẽ kéo người thân của mình xa mình thêm chút nữa!
Tôi đã sống qua rồi những cái Tết của thời thơ ấu, những cái Tết của tuổi thanh xuân và đang vui với những cái Tết của buổi về chiều. Giờ đây cũng là lúc tôi bắt đầu biết trân trọng những gì đang hiện hữu chung quanh mình khi vẫn còn đủ duyên để gặp, để nghe, để nhìn, để thấy hằng ngày. Đời người suy cho cùng cũng giống như một cuốn sách, có mở đầu thì phải có kết thúc! Thật mong rằng mỗi người trong chúng ta ai cũng là một quyển sách hay, bổ ích đáng được thưởng ngoạn từ những trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng và được đặt vào những nơi trang trọng nhất trong kệ sách của từng gia đình.
Một lần nữa Tết Quý Tỵ 2013 lại về!
Xin kính chúc những người Việt tại hải ngoại sớm có ngày trở về quê hương yêu dấu để tận hưởng những cái Tết trong không khí thật sự Tự do, Công bình và Bác ái.
Xin kính chúc tất cả những độc giả của Việt Báo dù đang sống tại quê nhà hay đang bôn ba nơi quê người đều có được một cái Tết thanh bình, an lạc trong mỗi tâm hồn.
Nguyễn Bích Thủy

Ý kiến bạn đọc
28/02/201301:06:40
Khách
Xin cám ơn những lời chia xẻ chân tình của Phượng Trà và xin cầu chúc mẹ của bạn luôn dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi với con cháu.
20/02/201323:31:07
Khách
Cảm ơn tác giả đã có bài viết rất hay và thật cảm động, tôi cũng có hoàn cảnh tương tự như bạn, rời xa cha mẹ va anh chị em vào tháng tư năm 2005 định cư ở AZ , tôi cũng chỉ còn Má sau khi Ba tôi ra di năm 2010 ở tuổi 80, may mắn là tôi được về thăm gia đình 3 lần có đầy đủ Ba Má mặc dù không phải vào dịp Tết nhưng rất vui , các lần về sau này là ngày cúng Giỗ cho Ba...
Tôi cũng giống bạn mỗi khi gọi phone về Má thì đều bắt đầu bằng câu : " Má ơi, con Phượng nè, Má khoẻ không ? "
Và thật ấm áp và an lòng mỗi khi nghe tiếng nói của Má trả lời , vì " Mẹ già như chuối chín cây..." ở tuổi 83.
Bài viết của bạn khiến tôi nhớ Tết da diết , nhớ thời gian êm đềm sống chung với Ba Má và thói quen đi chợ Tết hàng ngày của tôi ( kể từ 22 AL đến ngày cuối cùng là buổi trưa 29 Tết hay 30 Tết )..
Cảm ơn tác giả thật nhiều...
16/02/201311:51:31
Khách
Doc bai nay nho Me nhieu, chac phai ve tham nha thoi....
12/02/201323:24:06
Khách
Tết nhứt đọc bài viết này càng thấm thía nỗi xa quê hương của người VN ở Hải Ngoại,nhớ nhà,nhớ mẹ già nhiều hơn nữa.Cảm ơn tác giả đã có bài viết ý nghĩa nhân dịp Xuân về.Nguyện cầu cho những bà mẹ ở VN luôn được nhiều sức khỏe,sống lâu Trăm tuổi chờ ngày về thăm của con cháu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 58,754,023
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Song Lam là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O. 38 năm sau Tháng Tư 1975.
Sáu năm trước, 2005, có bài Viết Về Nước Mỹ mang tên “Con Tàu Ma” của “Người Giấu Tên” được phổ biến lần đầu, kể về chiếc tầu sắt Panama đậu ngoài khơi để công an CSVN ở Bến Tre đưa người lên đi “bán chính thức”.
Tác giả là cư dân North Carolina, chỉ vừa định cư tại Mỹ hai năm sáu tháng. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về hoàn cảnh một người đến Mỹ khi tuổi đã 60, thân mang bệnh tật, tự chọn cho mình cách sống theo kiểu một loài chim đầm lầy vùng sông Nile Ai Cập,
Tác giả là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Ông Tân Ngố nói, “Tay này là dân cử gốc Kinh 5, mới 52 tuổi xuân, được dân đồng kinh bầu là Hội phó Hội Sợ Vợ miền Trung tây Hoa Kỳ. Bài viết là du ký quanh nước Mỹ của gia đình Ông Phó.
Tác giả đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008, với loạt bài viết về người con khiếm thị có tài ba âm nhạc. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Sau đây là bài mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả từng nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước 2007. Một bài viết của ông từ năm nhận giải, “Bài Không Tên thứ 20” hiện đã có tới 206680 lượt người đọc trên Viebao Online, tính tới hôm nay.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ được mọi người quí trọng. Ông góp bài từ năm đầu, đã nhận giải Danh Dự, và suốt 14 năm qua vẫn đều đặc sinh hoạt và hỗ trợ giải thưởng Việt Báo.
Bài viết mới của tác giả dành cho dịp Rằm Tháng Tám, Tết Trung Thu đang đến. Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh trước 1975, đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon.
Tác giả là cư dân Miami, tiểu bang Folrida, đã góp hai bài viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Cả ba bài đều là những bài viết rất ngắn có nội dung cô đọng. Mong Y Châu sẽ tiếp tục viết thêm.
Nhạc sĩ Cung Tiến