Hôm nay,  

Chiến Tranh, Người Lính, Và PTSD.

13/12/201900:00:00(Xem: 32958)

viet-ve-nuoc-my-01

Hình minh họa: Tưởng niệm.


viet-ve-nuoc-my-02Hình minh họa căn bệnh PTSD (Post Traumatic Stress Disorder).


Nguyễn Văn Tới

Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.

Những người lính Mỹ, trong đó có con em người Việt chúng ta, thế hệ thứ hai, đã và đang còn chiến đấu cho chúng ta được sống và làm việc an bình trên vùng đất lành này. Không ít những người lính đó đã để lại một phần thân thể nơi những vùng đất xa lạ, có người trở về với những vết thương trên thân mình, lại có người trở về với những vết sẹo khó lành ở trong tâm hồn, với những đêm mất ngủ khi ác mộng kéo về.

Trong chiến tranh Việt Nam, vào thập niên 70, người Mỹ mới nghe nói nhiều về căn bệnh “hậu chấn thương tâm lý” hay còn được gọi là Post Traumatic Stress Disorder (PTSD), mà nhiều cựu chiến binh mắc phải khi trở về từ chiến trường. Căn bệnh này ảnh hưởng đến hệ thần kinh làm người bệnh khủng hoảng tinh thần, cảm giác bất an, tội lỗi, tự dằn vặt, hoặc bị khó thở, đau đầu kinh niên, ứng xử cộc cằn, và bị ác mộng về đêm vì họ đã phải trải qua, chứng kiến những thảm cảnh chết chóc, hãi hùng vượt quá bản chất của con người trong chiến tranh.

Những cựu binh Mỹ khi trở về, đã không được chào đón, mà còn bị kỳ thị với ánh mắt khinh bỉ của dân chúng vì những phong trào phản chiến, những thành phần khuynh tả cực đoan. Khi những người cựu quân nhân này đi xin việc, đa số bị từ chối vì ác cảm. Điều này cũng làm trầm trọng thêm căn bệnh PTSD và khiến nhiều người phải tìm quên trong men rượu hoặc chất kích thích như cần sa hay bạch phiến mong quên đi quá khứ kinh hoàng và hiện tại đau thương. Nếu gia đình và cộng đồng hiểu và nâng đỡ, họ sẽ vượt qua được chấn thương tâm lý này, còn không, một số trong bọn họ sẽ trở thành kẻ không nhà, tội phạm, nghiện ngập, lang thang khắp các đường phố mà không còn thiết đến ngày mai.

Giờ đây những cuộc chiến ác liệt ở vùng Trung Đông vẫn còn dai dẳng đến ngày nay như Iraq, Syria, và Lybia v…v.... Riêng mặt trận Afghanistan đã kéo dài hơn 18 năm nay, tốn biết bao nhiêu tiền bạc và xương máu của người Mỹ. Những cuộc chiến này mục đích là cố gắng quét sạch tận gốc những tổ chức khủng bố từ trong trứng nước, ngay từ những quốc gia nuôi dưỡng khủng bố và cực đoan.

Tôi có dịp làm việc và đi công tác ra nước ngoài nhiều lần cùng với anh JF, một đồng nghiệp cùng sở, trạc hơn 40 tuổi, ít nói, hay trầm tư. Anh là chuyên viên về avionics (điện máy bay) và software (phần mềm), trực tiếp hỗ trợ chúng tôi khi cần thiết. Vì tính khí anh bất thường nên không mấy ai thân mật với anh ta, ngoài những lúc công việc đòi hỏi mà thôi. Phải mất một thời gian dài tôi mới để ý anh ta hay có những cử chỉ đôi khi rất kích động pha lẫn lo âu, chán chường, hay rơi vào trạng thái cô độc, trầm tư một mình và xử sự rất khác người. Có những ngày anh ta không muốn ăn uống gì cả, chỉ qua loa cho xong bữa mà thôi.

Trong 1 chuyến công tác xa nhà bên Châu Phi, chúng tôi 5 người, ngủ chung trong 1 căn phòng nhỏ, một đêm bị thức giấc giữa đêm vì tiếng ú ớ, la hét hoảng sợ của JF. Anh bật dậy, ngơ ngác, rồi ngồi thu lu một mình trong bóng đêm với hai tay ôm chặt hai bên thái dương, rồi nằm xuống trăn qua trở lại chờ trời sáng. Hôm sau, anh xin ván ép và tự đóng cho mình 1 cái hộp vừa đủ bao quanh giường mình, không muốn làm phiền những người kế bên. Một phòng thật nhỏ bên trong một phòng ngủ cũng nhỏ.

Sau này khi thân nhau hơn một chút, anh thường hay hỏi tôi kể về chiến tranh Việt Nam và thái độ của người Việt Nam đối với lính Mỹ ra sao. Tôi thật thà kể anh nghe về những điều tuổi thơ tôi trải qua trong chiến tranh, những chết chóc, tang thương trong tết Mậu Thân 1968 và những xác người la liệt trong rừng, trên con đường tử lộ 7B, mà tôi là 1 cậu thiếu niên trên trong đoàn người di tản đó, con đường dẫn về Tuy Hòa khi quân đoàn II rút khỏi Pleiku tháng 3, năm 1975. Tôi cũng không quên trận pháo kích vào trường tiểu học học Cai Lậy giết chết các em học sinh vô tội . Những lúc đó, anh ngồi thừ người ra, im lặng, vẻ suy tư mông lung lắm. Mấy ngày sau đó, anh cũng không muốn nói chuyện với ai, kể cả tôi.

Một ngày, khi đang lan man chuyện trò, anh chợt hỏi món ăn Việt Nam nào ông thích nhất? Tôi trả lời, phát âm kiểu Mỹ: - Pho. Anh nói không phải “pho” mà là “phở”. Lối phát âm hệt như người Việt chính cống làm tôi ngạc nhiên. Anh giải thích vợ cũ của anh gốc Việt, mẹ vợ là người Việt Nam. Bà theo chồng là lính Mỹ gốc Phi về nước sau khi quân đội rút khỏi Việt Nam. Anh và vợ có một con trai khoảng 10 tuổi, khi ly dị, đứa con ở với vợ.

Rồi dần dần chúng tôi thân nhau hơn, hay ngồi ăn cùng bàn, càng ngày tôi càng hiểu anh ta nhiều hơn. Sau 20 năm trong quân đội, anh giải ngũ vì nhiều triệu chứng trầm cảm và thần kinh. Bác sĩ cho hay anh bị hội chứng PTSD, đến 70%. Trở về đời sống dân sự, anh có thể không cần đi làm mà vẫn sống đủ với tiền lương hưu và thương tật từ quân đội, nhưng anh đi làm để khuây khỏa và quên đi quá khứ vẫn còn đeo bám anh. Hiện anh đang có cô bạn gái gốc Mễ, đã một đời chồng và có 1 đứa con gái riêng. Cô là y tá trong bệnh viện cựu chiến binh, cả hai hứa hẹn sẽ nên duyên vợ chồng trong một vài năm nữa. Anh hay khoe nàng có làn da nâu, một mái tóc huyền rất dài, và đôi má lúm đồng tiền thật sâu hai bên má mỗi khi nàng cười. Những lúc này, khuôn mặt anh rạng rỡ và hạnh phúc.

Sau đây là lời tâm sự của JF, xen lẫn với lời kể của tôi:

JF:
Tôi đăng vào lục quân khi vừa xong bậc trung học để thoát khỏi kiếp không nhà, ăn nhờ ở đậu trong một nhà kho chứa nhạc cụ của trường. Cha tôi bỏ bê gia đình đi theo một mối tình mới. Mẹ tôi, một nách 3 đứa con, không nghề nghiệp gì, cũng đi theo một người đàn ông khác. Ba anh em mỗi đứa một nơi. Người chị lớn bỏ đi sống chung với bạn trai năm 17 tuổi, người anh kế kết bè đảng đi ăn cướp, rồi bị tống vào tù.

Riêng tôi còn hai năm nữa mới xong trung học. Nhờ chăm chỉ và sáng dạ nên một ông thày thương tình đem tôi về ở trong nhà kho chứa nhạc cụ của trường để ăn ngủ tạm ở đó cho đến khi xong trung học. Ngày tốt nghiệp cũng là ngày tôi từ giã bạn bè và người thày tốt bụng lên đường vào quân ngũ.
Lễ tốt nghiệp trung học cũng là ngày trọng đại nhất trong cuộc đời tôi vì vừa đủ tuổi đi lính, đủ khôn ngoan để có thể đứng vững trên đôi chân mình không phải nhờ vả ai, và nhất là để có thể tự quyết định lấy cuộc đời mình. Tôi mơ ước khi vào lính, tôi sẽ gia nhập lực lượng đặc biệt, lính thứ dữ để trở thành một “door-kicker”, một người hùng luôn đi đầu trong mọi chiến dịch.

Sau khi trải qua mấy tháng quân trường như mọi người lính khác, tôi tình nguyện gia nhập lực lượng đặc biệt ARSOF (Army Special Operation Forces) làm người lính chiến trực tiếp cho National Security Agency thuộc bộ quốc phòng. NSA chuyên về công tác tình báo tuyệt mật, đột nhập, do thám, đánh chiếm cứu con tin, hay vào tận sào huyệt bắt sống những kẻ thù còn được gọi là HTV (High Target Value) để đem về điều tra. Tôi bắt đầu khóa huấn luyện đặc biệt kéo dài 1 năm, chuyên về kỹ thuật cao cấp để bẻ khóa (hacking), mã hóa (cryptology) về điện toán, kiến thức khoa học, khả năng chuyên môn biết xử dụng trang thiết bị lấy dấu vết và phân tích vân tay cho đến khuôn mặt con người.

Sau cùng là khóa huấn luyện kỹ năng sống còn, mưu sinh thoát hiểm, cấp độ C (C-level) có tên là: S.E.R.E. (phát âm là “XIA”), viết tắt (acronym) của 4 chữ: tạm dịch như sau: Survival: Sống sót. Evasion: Tránh né. Resistance: Chống cự. Escape: Thoát hiểm.

Tôi:
Mỗi lần đi công tác nước ngoài (oversea deployment), trước khi được gởi đến những vùng chiến sự, tôi cũng phải qua khóa này trong một thời gian 7 ngày, nhưng ở mức độ A (A-level), cấp độ vỡ lòng, không khó khăn lắm cho nhân viên dân sự. Phần lý thuyết bao gồm cách sống còn khi lạc trong rừng, làm cách nào không bị đói, khát, cách giữ ấm, cách đánh dấu, liên lạc với phe ta, và kiếm đồ ăn cho tới khi được cứu. Nếu bị bắt thì ứng xử ra sao, tránh để bị mua chuộc làm hại bạn đồng tù. Cách hành xử và tránh né khi bị điều tra ép cung. Cuối cùng là nếu bị bắt, phải cố gắng để lại dấu vết cho biết nơi mình bị bắt. Trong tù, phải biết cách gõ trên tường, liên lạc với nhau bằng Morse code. Nếu có cơ hội, dù với nhiều bạn tù hay một mình, thì vượt ngục cách nào. Dù không phải chiến binh, chúng tôi vẫn có quyền yêu cầu được đối xử theo diện tù nhân chiến tranh chiếu theo luật quốc tế Geneva Convention.

Quan trọng nhất là phải giữ niềm tin tuyệt đối rằng nước Mỹ, tổ quốc sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn. Nếu ai đã coi phim “Saving private Ryan”, cứu binh nhì James Ryan thì biết. Phim này dựa trên cốt truyện có thật của một gia đình có 4 con trai đều đi lính trong thế chiến thứ II. Ba người anh lớn đều hy sinh ở chiến trường. Cấp chỉ huy quyết định sai đại úy John Miller (Tom Hanks thủ vai) dẫn một tiểu đội đi ra tiền tuyến trên đất Pháp, bằng mọi giá phải đem người con út trở về cho người mẹ góa đang cạn nước mắt vì mất con. Nhiệm vụ thành công, nhưng giá phải trả là nhiều chiến sĩ trong nhóm hy sinh tính mạng chỉ để cứu chỉ một anh binh nhì (1).

Trong cuộc chiến Việt Nam, tháng 11, 1970, một nhóm 56 biệt kích Mỹ nhảy toán vào đất địch bằng trực thăng để cứu 61 tù binh Mỹ trong một trại tù Sơn Tây miền Bắc (2). Sứ mệnh này thất bại vì tin tình báo sai. Quân cộng sản NVA (North Vietnam Army) đã kịp dời tù binh về Hỏa Lò, Hà Nội. Tuy nhiên, hành động này có tác dụng rất tốt khích lệ tinh thần binh sĩ. Mới đây, trong trận chiến dịch Desert Storm ở Iraq năm 2003, lực lượng đặc biệt Mỹ đã bất ngờ đột kích vào tận trong một bệnh viện địch, chỉ để cứu 1 người nữ chiến binh quân nhu tên Jessica Lynch (3). Còn nhiều nhiệm vụ giải cứu khác nữa được ghi trong quân sử, đủ nói lên tinh thần không bỏ đồng đội lại phía sau của quân đội Mỹ.

Sau phần khám sức khỏe rất gắt gao (physical test), nhiều người rớt, phải về nhà. Ai mang bệnh “3 cao” khó mà vượt qua nếu không có giấy chứng nhận (waiver) của bác sĩ. Phải có hình X-ray của răng để lỡ có “sa cơ trên chiến trường thọ tiễn”, hình hài không nguyên vẹn thì còn có thể nhận ra nhờ hàm răng. Mắt nếu đeo kiếng thì phải đem theo ít nhất 2 cặp. Tai phải nghe thật rõ và trình ra giấy khám hearing test mới nhất. Giấy chích ngừa phải đầy đủ theo sự yêu cầu của nước mà chúng tôi sắp đến.

Đến phần lý thuyết, phải qua kỳ thi online bằng computer, nếu đủ điểm, sẽ đến phần thực tập như bắn bia, tự thoát hiểm. Nói về bắn bia, tôi không biết tôi thuộc loại khác thường hay bất thường: Vào cuối tuần, bạn bè hay rủ nhau vào rừng bắn bia. Tôi luôn là chủ đề cười của cả nhóm vì nếu để 2 cái chai, tôi nhắm cái bên phải thì thế nào cũng trúng cái bên trái và ngược lại. Nói nôm na là tôi nhắm người này thì sẽ trúng người kia. Vậy mà khi huấn luyện, tôi bắn trúng 24/25 phát, trật có 1 viên. Chắc tôi thuộc loại bất thường.

Tôi được trang bị đầy đủ “gear” như quần áo, giầy, mặt nạ chống hơi độc, chống phóng xạ; kể cả áo giáp, nón bảo vệ đầu loại LWH làm bằng vật liệu nhẹ kevlar chống đạn. Tất cả cân nặng khoảng gần 50 pounds trong 1 túi dết lớn có quai đeo vai (xắc Marin). Riêng áo giáp, chúng tôi được phát loại cũ dùng trong chiến tranh Việt Nam, cân nặng khoảng 30 pounds, cái nón nặng 3 pounds, trong khi những người lính được trang bị áo giáp loại 16 pounds, nhẹ hơn vì họ còn phải mang súng ống, đạn dược.

Tôi và 3 người nữa bước lên xe Humvee và cài dây an toàn (seatbelt). Phần này được tập luyện trong nhà (indoor facility) trang bị với hệ thống thủy lực (hydraulic system) để nâng xe và các xe cơ giới to lớn khác. Chiếc xe được cho lật úp, 4 bánh đưa lên trời, tất cả bị treo ngược đầu xuống đất. Mọi người trên xe phải tuân theo người trưởng toán,lần lượt từng người một, tự tháo dây an toàn và thoát hiểm sao cho không bị thương tích trong một thời gian nhanh nhất có thể.

Nghe giải thích tưởng dễ, nhưng khi “đụng trận” mới biết đá biết vàng. Tôi không còn trẻ như các đồng nghiệp khác, khi khoác lên mình cái áo giáp nặng chịch, thêm cái nón bảo vệ. Khi xe lật úp, đầu tôi dộng xuống trần xe bằng thép tưởng có thể quẹo cổ. Thêm dây an toàn xiết chặt vào bụng và ngực làm tôi nghẹt thở và máu dồn xuống mặt. Cái khó là làm sao, trong khi ở tư thế đầu lộn ngược, mà vẫn có thể bình tĩnh ấn nút nhả khóa dây an toàn và cả thân hình rớt xuống với hai tay chống để không bị gãy cổ.

Nếu tôi không điều chỉnh nón an toàn vừa khít và chặt chẽ đủ, khi lộn ngược, nón sẽ văng ra và cái đầu sẽ đụng trần xe. Một là gãy cổ, hai là bị thương nơi đỉnh đầu vì cú va chạm. Cái nón lúc này thực là cứu tinh cho cái đầu trọc của tôi. Đọc và hiểu cặn kẽ những bài học lý thuyết là rất cần thiết cho phần thực hành. Nhiều người đồng nghiệp “thi rớt”, bị mời về, không được đóng dấu “passed” cho đi công tác. Hầu hết những người nặng ký, mập, hoặc vì huyết áp cao, hay chóng mặt đều không qua nổi giai đoạn này.

JF:
Những người lính đặc nhiệm như tôi thì bắt buộc phải được huấn luyện khóa S.E.R.E (4) ở cấp độ khó khăn hơn nhiều so với những người lính bình thường. Khóa học này kéo dài 19 ngày. Nhiều lần tôi tưởng phải bỏ cuộc vì phải trải qua những đau đớn về thể xác và căng thẳng về tinh thần của khóa huấn luyện kinh hoàng này. Chúng tôi học cách sống còn trong rừng rậm, trên sa mạc, cách làm bếp (Dakota hole) nấu nướng không có khói, cách tìm và làm chỗ ẩn nấp an toàn. Tất cả đều được huấn luyện trên thực địa của sa mạc nóng bỏng, bị rượt đuổi ngày đêm; nhiều lúc kiệt sức tưởng chừng có thể chết được. Một vài đồng đội té xỉu và nôn mửa đến mật xanh.

Một đêm cuối tuần được xả trại đi chơi ở Las Vegas, đêm khuya lắm, chúng tôi trở về căn cứ huấn luyện ở Indian Springs, Nevada. Đoạn đường này vắng vẻ, chiếc xe van chở cả nhóm bất ngờ bị chặn đường bởi hai chiếc xe không biển số. Một toán người bịt mặt, võ trang với súng ống lăm lăm bao vây chúng tôi. Mọi người bị dí súng và trùm đầu bằng bao tải, bị đánh, bị quăng xuống đất, tay bị trói bằng dây nhựa (zip-locks) quặt ra sau lưng, và bị đưa đến một nơi không ai biết là đâu, và cũng không biết bọn bắt cóc này thuộc nhóm khủng bố nào.

Chúng tôi được dẫn xuống một nơi ẩm ướt, lội nước bì bõm đến gần đầu gối mà tôi đoán là một đường hầm. Sau đó chúng tội bị lột trần truồng, bị chế nhạo, bị chửi rủa bằng thứ tiếng Mỹ nặng âm sắc của người Ả Rập, bị làm nhục, bị dội nước lạnh, răng va vào nhau nghe lộp cộp, xen lẫn với những tiếng la hét, cười cợt bằng những ngôn ngữ rất lạ tai. Hành hạ chán chê, chúng tách riêng từng người, nhốt chúng tôi vào những xà lim tối tăm mà khẩu phần ăn chỉ vừa đủ để không phải chết đói. Có người bị đem đi trấn nước (water boarding), người thì bị mua chuộc, hứa hẹn khai ra bạn mình thì sẽ được chấm dứt cực hình ngay lập tức. Tôi nghĩ phen này chắc mình sẽ chết vì bọn khủng bố này.

Qua hai ngày bị thẩm vấn, ép cung, lẫn mua chuộc, thỉnh thoảng còn bị đấm đá, phải chịu đựng đói khát trong đêm đen, không biết ngày hay đêm. Một mình tôi một xà lim, thân thể suy nhược vì lạnh, thiếu ngủ, và bị khủng bố tinh thần, tôi không còn tỉnh táo, chỉ muốn khai hết cho được yên thân, thậm chí muốn chết đi cho khỏi phải chịu đựng cực hình. Nhưng nghĩ đến những bài học mới đây không bao lâu, tôi lại tự động viên và tự nhủ phải ráng lên, rồi sẽ được cứu vì mình đang còn ở trên đất Mỹ mà.

Trong sự tuyệt vọng ghê gớm đó, tiếng loảng xoảng của xích sắt xen lẫn tiếng bản lề rỉ sét của cánh cửa phòng giam mở ra, tôi bị bịt mắt và dẫn đi để tiếp tục bị tra khảo và lấy cung. Một bàn tay to lớn đè vai tôi ngồi xuống ghế, hai tay lại bị trói quặt sau lưng. Giọng nói quen thuộc nhưng dữ dằn cho tôi hay nếu không chịu khai, họ sẽ đem tôi đi bắn. Tôi hoảng sợ cực độ, trong một thoáng thật nhanh tôi tự nhủ không lẽ đời mình đến đây là hết? Tôi nghĩ đến người mẹ bạc lòng của tôi, người chị, và người anh mà bao năm nay tôi không hề thương nhớ, mấy thằng bạn vừa quen trong quân trường.

Nhiều hình ảnh đến và đi trong lòng tôi như ánh chớp, lòng tôi chợt trống rỗng và nhẹ tênh. Tôi tự an ủi chết là cùng, mình chẳng còn ai thân thiết để yêu thương, chết đi tôi sẽ không còn biết khổ đau nữa. Đột nhiên một cảm giác rất bình an xâm chiếm tâm hồn tôi, tôi không thiết sống hay sợ hãi nữa. Tôi nhất định giữ im lặng. Tiếng lên đạn của một khẩu súng nghe sắc và lạnh, đồng thời giọng nói cất lên “đem nó đi”. Sắp đến lúc mình được giải thoát rồi, tôi thầm nghĩ, tuy trong lòng lẫn lộn một cảm xúc khó tả. Bàn tay thô bạo lại kéo lê tôi đi ngoằn ngoèo một lúc lâu rồi dừng lại.

Cũng bàn tay thô nhám đó đưa lên cởi khăn bịt mắt cho tôi. Trong bóng tối mờ ảo, tôi chưa kịp định thần mình đang ở đâu, thì một giọng nói vang lên bằng tiếng Mỹ rất chuẩn: “Congratulations, you’ve made it”, chúc mừng bạn vừa thành công. Đèn trong phòng bật sáng, viên trung sĩ huấn luyện ngồi ở bàn giấy, tiến tới vừa bắt tay tôi thật chặt vừa nói: “You’re one of us. Welcome aboard”, bạn là người của chúng tôi, chào mừng gia nhập nhóm. Rồi nhiều tiếng vỗ tay vang lên, nhìn quanh, tôi thấy vài huấn luyên viên khác và vài người bạn cùng nhóm bị bắt với tôi, họ đã ngồi ở đó tự bao giờ và đang tủm tỉm cười nhìn tôi với ly cà phê còn bốc khói trên tay.

Tôi như không tin vào mắt mình vì quá đột ngột, xúc động lẫn vui mừng. Giờ đây tôi đương nhiên vinh dự đứng vào hàng ngũ của những chiến sỹ hào hùng của lực lượng đặc biệt. Thì ra cuộc bắt cóc này được dàn dựng như thật, không ai trong chúng tôi được báo trước, ai cũng tưởng mình bị bắt cóc bởi một nhóm khủng bố thật sự. Họ theo dõi chúng tôi qua những máy quay phim dấu kín trên tường phòng giam. Mọi cử động của chúng tôi đều được họ ghi hình và phân tích, đề phòng trường hợp ai đó quá tuyệt vọng đưa đến tự sát. Lần lượt mọi người đều gặp nhau trong căn phòng giờ này đang đầy ắp tiếng cười, khói thuốc lá, và bánh trái ê hề.



Ngay hôm đó, một chuyên viên tâm lý đặc biệt phỏng vấn tất cả những người được chọn và cho chúng tôi một cơ hội chót là vẫn chưa muộn để có thể xin rút ra khỏi đơn vị và trở lại làm một người lính bình thường. Đương nhiên, không một ai trong chúng tôi xin rút lui vì đoạn đường chúng tôi đã đi quá xa để trở lại điểm đầu tiên. Kể lại chuyện này, tôi vẫn nghĩ, nếu phải làm lại từ đầu, tôi sẽ không bao giờ muốn điều này lập lại lần thứ hai.

Tôi:
Sau 1 tuần lễ huấn luyện khá dễ dàng, chúng tôi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để vào “vùng lửa khói”. Chứng chỉ này chỉ hiệu lực trong vòng 1 năm. Năm sau, nếu đi nữa thì lại phải học và thi lại như học sinh mới. Tuy nhiên ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm khi cầm được tờ giấy “ra trường”. Ngày mai chúng tôi sẽ đáp chuyến bay Mil-Air (Military Airlines) qua Châu Âu, dừng ở Đức lấy nhiên liệu xong, tiếp tục bay qua một căn cứ quân sự ở Trung Đông. Từ đó đổi qua các chuyến bay ngắn đến nơi làm việc bằng máy bay vận tải cơ C-17 hay C-5 Galaxy.

Chúng tôi, những nhân viên dân sự, ăn và ở cùng với những người lính để chia xẻ gian khổ với họ. Chúng tôi ở trong lều, nằm ngủ trên những ghế bố, ăn chung mâm với họ, đôi khi lương thực chưa đến kip, phải nhai lương khô là những bịch MRE (Meals-Ready-to-Eat). Nói chung, chúng tôi đồng cam cộng khổ với người lính để có thể hiểu được những ưu tư, cảm thông nỗi buồn xa vắng gia đình của họ. Đôi khi may mắn hơn, chúng tôi được ở trong những căn nhà tiền chế (pre-manufactured houses), hoặc ngủ trong những containers, thùng chứa hàng có gắn máy lạnh, nhưng không phải là “thùng nhân”.
Chuyến công tác đầu tiên, tôi suy nghĩ đơn giản lắm, tôi tự nhủ hồi ở Việt Nam, ngủ rừng, ngủ bụi, ngủ trên ghe, thuyền đâu có sao, mấy cái này nhằm nhòi chi. Những đêm đầu tiên, tôi không thể nào ngủ được vì cái nệm cứng quá, đau lưng không chịu nổi. Tôi quên rằng bao năm quen giường êm, nệm ấm ở Mỹ, tôi đã trở thành người Mỹ lúc nào không hay.

Còn nhớ những ngày chặt củi Đước vùng duyên hải rừng Sác, tôi mới 18 tuổi. Ngày ăn cơm nguội với cá khô, mắm ruốc, làm việc như trâu bò; đêm ngủ trên chiếc ghe tròng chành, lắc lư. Một đêm, khi con nước lớn, tôi buộc mũi ghe vào một gốc cây Bần to lớn với cành lá xum xuê, và cắm cây sào tre vào phần lái để ghe khỏi bị xoay chiều, đoạn mắc giây mùng trên những cành cây. Xong việc giăng mùng, tôi “bắn” một bi thuốc lào thật say, chui vô mùng, ngả mình xuống sàn ghe ngủ như chết, không còn biết trời trăng mây nước gì cả. Trong giấc ngủ say, tôi vẫn biết tay tôi cứ đập muỗi và gãi liên tục; tôi mặc kệ, cố ngủ lấy sức mai còn vác củi. Gãi riết rồi chịu không nổi, phải bò dậy coi tại sao. Khốn khổ, cái mùng biến đâu mất. Nhìn lên trời, sao đêm lấp lánh, cái mùng treo lơ lửng tuốt trên cành cao. Hotel ngàn sao, trời ạ!

Thì ra, khi nước ròng (nước xuống), chiếc ghe cũng hạ thấp theo chiều nước xuống. Đàn muỗi đói rừng Sác nổi tiếng không thua muỗi Cà Mau, tha hồ sơi tái mấy cái thân xác gầy gò của chúng tôi. Sáng hôm sau, mình mẩy đầy vết muỗi cắn, vậy mà đâu có bệnh hoạn gì, vẫn mạnh trùi trụi. Chỉ sau này, khi bị sốt rét rừng hành hạ thừa sống thiếu chết, tôi mới hay thiên đường xã hội chủ nghĩa là đây. Chưa hết, thuở đó lòng sông Soài Rạp, có những sáng thức giấc, nước ròng sát, tôi giật mình thấy những con cá sấu nằm hai bên bờ đang lim dim đôi mắt và ung dung tắm nắng mà nổi da gà. Chúng không muốn ai làm phiền và cũng không muốn làm phiền chúng tôi. Thế mới biết “lâu rồi, đời mình cũng quen”, không còn sợ hãi nữa.

Trong những nhân viên dân sự, có một nghề tôi không thấy các sắc dân khác làm, ngoại trừ những người gốc Ả Rập nói được tiếng Farsi, nghề thông dịch viên. Đa số họ đến từ Anh (Britain), vài người từ Phi Châu, nhưng tôi chưa gặp một người Mỹ gốc Ả Rập nào làm nghề này. Tôi quen vài người trong bọn họ. Những người này hầu hết là thày giáo, hoặc kỹ sư tốt nghiệp các đại học ở Anh quốc.

Người tôi quen thân là một kiến trúc sư gốc Afghanistan, đến Anh tỵ nạn khi còn trẻ. Anh cho biết anh xung phong làm thông dịch viên chiến trường vì nghề này được trả rất nhiều tiền. Sau khi đi vài năm, vợ con ở nhà, có thể mua nhà một cách dễ dàng. Nếu đi cỡ 10 năm, anh có thể về hưu non và không cần làm gì cả mà vẫn sống khỏe re vì nhà cửa trả xong, bảo hiểm sức khỏe ở Anh không tốn tiền. Vợ chồng, 4 đứa con có thể sống với welfare một cách thoải mái.

Nghề thông dịch rất nguy hiểm, không như chúng tôi luôn ở trong trại, họ phải đi sát theo quân đội ra trận, đi tuần tiễu, hoặc theo các toán biệt kích trong những chiến dịch gian khổ và nguy hiểm. Họ không mang súng, nhưng được trang bị tận răng như lính chiến thực thụ với áo giáp loại đặc biệt nhẹ. Họ khổ hơn chúng tôi nhiều. Một số trong bọn họ bị bắn tỉa và không bao giờ trở về nhà. Thỉnh thoảng tôi lại gặp họ ở những căn cứ khác nhau, hỏi thăm về người bạn cũ, họ cho biết nó chết rồi, ở mặt trận…Nghe sao mà buồn quá!

JF:
Đời lính chiến vào sinh ra tử, tôi được gởi đi đến nhiều vùng đất xa lạ, đi đến bất cứ nơi nào khi có lệnh trên, với những nhiệm vụ mà không ai có thể biết trước mình sẽ đi đâu và làm gì trước giờ hành động chỉ một thời gian ngắn. Những chiến dịch đã đi qua, như COIN (Counter Insurgency), tôi rất thích thú và hào hứng với những cuộc phiêu lưu cảm giác mạnh khi được xông pha, đột nhập vào những hang ổ bí mật (safe houses) để giải cứu con tin, bắt những tên thủ lãnh trói gô lại, vất lên máy bay. Càng tham gia nhiều chiến dịch, tôi càng say mê với những pha vào sinh ra tử nhưng vui vì chiến công ngày càng nhiều.

Rồi biến cố tháp đôi World Trade Center, ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra khi tôi đang còn mãi bôn ba khắp mọi miền đất xa xôi ở Trung Đông. Lòng yêu nước lẫn căm thù những tên khủng bố hèn hạ đã thắp lên trong lòng tôi một ngọn lửa mới, thúc dục tôi chiến đấu thêm hăng say. Chúng tôi được triệu tập khẩn cấp và nhận nhiều nhiệm vụ hơn. Với một nhóm khoảng 10-12 người và chó quân khuyển, chúng tôi được không vận đến gần địa điểm bằng trực thăng đặc biệt bay rất sát mặt đất để tránh radar. Nhảy khỏi trực thăng, rồi di hành im lặng trong đêm đen, bao vây sào huyệt của bọn giặc, bất ngờ phá cửa vào để bắt trọn những tên có trong danh sách đen (HTV) trong ngôi nhà đó, nếu có chống trả, thì tiêu diệt.

Tấn công bất ngờ, hành động gọn gàng, rút lui nhanh chóng. Đó là châm ngôn của chúng tôi. Trước khi rút lui ra địa điểm tập hợp an toàn để trực thăng bốc ra khỏi vùng nguy hiểm, chúng tôi cài lại những con bọ điện tử và những cameras nhỏ xíu trong nhà mà mắt thường không thể nhận ra, trước khi kẻ thù trở lại với nhiều đồng bọn và vũ khí. Nhiệm vụ ngày càng nhiều hơn khiến tôi như trôi đi với những ngày đêm hành quân miệt mài. Mỗi lần xong một nhiệm vụ, tôi thấy hài lòng hơn với những gì mình đang đóng góp cho tổ quốc; đồng thời tôi cũng bắt đầu cảm thấy những thay đổi, suy tư trái ngược trong tôi. Nhiều chuyện làm tôi hoang mang, chùn tay, và nó bắt đầu ám ảnh tôi thời gian sau này.

Nhiều năm trôi qua, nhiều chiến dịch nguy hiểm với cái chết cận kề, tôi chưa bao giờ biết sợ. Lòng yêu nước và những hình ảnh nạn nhân tòa tháp đôi vẫn còn đậm nét trong tôi, là động lực giúp tôi thêm can đảm. Nhưng đôi lần, sau những trận đột kích chớp nhoáng, chứng kiến những cảnh tượng đau lòng, tôi bắt đầu tự hỏi tôi đang làm gì? Và tại sao cần thiết phải làm như vậy? Có chính nghĩa hay không khi phải giết tất cả những người có mặt trong những sào huyệt đó?

Một hôm, trong một chuyến công tác, chúng tôi cố hoàn thành công việc thật nhanh rồi rút lui, nhưng không kịp nữa rồi. Trên con đường rút lui độc đạo, một bên là vách núi, một bên là giòng suối. Chúng tôi rơi vào bẫy phục kích của địch. Cả ngôi làng bên kia bờ nước, chúng tấn công chúng tôi bằng hàng loạt đạn nổ vang rền. Một đồng đội ngã xuống vì bị bắn tỉa. Chúng tôi nằm rạp xuống sau những tảng đá ven bờ suối chống trả kịch liệt trong khi xin tiếp viện. Chúng tôi nằm chịu trận, không ngóc đầu lên nổi, và chờ vòng vây ngày càng xiết chặt.

Thêm vài đồng đội bị thương nặng khi cố gắng mở đường máu. Bất chợt, chúng tôi nghe rõ tiếng nhiều chiếc trực thăng Apache và Black Hawks bay đến cứu viện. Những tiếng nổ và cột lửa bốc lên cao. Cả ngôi làng chìm trong biển lửa. Chúng tôi mở đường chạy đến địa điểm an toàn, mang theo những đồng đội tử thương. Cuối cùng chúng tôi cũng về đến căn cứ trong bộ đồ chiến dơ bẩn dính đầy bụi và máu của bạn bè và của chính chúng tôi.

Tôi:
Tôi im lặng nghe JF kể chi tiết về những vụ đột kích, lùng kiếm và tiêu diệt địch trong những sào huyệt (strongholds), đôi khi phải phá hủy toàn bộ ngôi nhà mà không cần biết những ai đang ở trong đó, vì không giết thì mình sẽ bị giết khi chúng bắn trả; về những việc phải làm để xác nhận ID (identity) của tên khủng bố cần bắt sống, nhưng không thể đem xác chết của hắn theo khi rút lui. Tôi không dám kể hết ra đây vì nó quá sức tưởng tượng của tôi và của bạn, và vì nó tàn nhẫn quá.

Ai cũng nghĩ là lính thì hiếu chiến, khi ra trận bắn giết không đắn đo, không suy nghĩ; thực ra người lính là những người luôn mong muốn hòa bình. Họ là những người hay cầu nguyện nhiều hơn ai hết. Họ cầu nguyện vì họ biết họ sắp sửa đi vào chỗ chết. Họ là những người đi vào cuộc chiến, cả tinh thần lẫn thể xác. Bản thân tôi, trước khi đi, tôi cũng thường cầu nguyện cho được trở về an toàn. Bọn chúng vẫn hay bắn và pháo kích vào nơi chúng tôi ở, có khi vài lần trong 1 tuần. Có những đêm nằm dưới gầm giường tránh đạn, tôi nhớ đến Khánh Ly với bài hát “đại bác đêm đêm dội về thành phố…” của những năm xa xưa lắm trên quê hương tôi.

Tôi hay nói với JF chúng ta có thể thắng cuộc chiến, nhưng thua mất sự bình an trong tâm hồn, (we may have won the war, but lost the peace); nếu mình muốn hòa bình, thì phải chuẩn bị chiến tranh thôi (Si vis pacem, para bellum= If you want peace, prepare for war). Chiến thắng nào cũng có cái giá phải trả của nó. Tôi hy vọng điều này giúp anh ta đỡ ray rức, bớt tự dằn vặt và cũng là tự an ủi chính tôi.

JK:

Một buổi lễ truy điệu những đồng đội hy sinh trong sứ mệnh vừa qua trong căn cứ chúng tôi đóng quân. Giữa sân trại, một lá cờ tổ quốc được giăng tạm phía sau chiếc Humvee. Hai bên là những bao cát nhỏ với đôi giày trận, cây súng chống ngược xuống, trên đó là cái nón sắt (helmet) và 1 giây thẻ bài (dog tag) với số quân và nhóm máu. Viên chỉ huy nói vài lời vinh danh và vĩnh biệt những đứa con yêu của tổ quốc. Người tuyên úy quân đội cầu nguyện và cử hành nghi lễ. Chúng tôi, từng người, tiến lên thì thầm lời chia tay với bạn mình. Không khí nghiêm trang, thinh lặng, buồn thảm mà uy nghi.

Thằng bạn tôi, mới hôm qua còn vui đùa với tôi mà nay đã không còn nữa. Chúng tôi khiêng nó lên được trực thăng medivac (cứu thương) để trở lại căn cứ. Trong hơi thở thều thào, nó hỏi tôi sao ngón tay tao lạnh quá. Một hồi sau, nó lại nói ngón chân và bàn chân tao sao lạnh quá, rồi nó chìm trong hôn mê chỉ trong vòng 20 phút sau đó và không bao giờ thức dậy nữa vì vết thương TBI (traumatic brain injury) quá nặng ở đầu. Nước mắt tôi thầm lặng rơi. Cái chết của nó để lại một dấu ấn không quên trong lòng tôi.

Tôi:
Tôi cũng hay tự hỏi rằng những người chiến đấu ngoài mặt trận phải trực diện với cái sống và cái chết; còn những người chiến đấu không trực tiếp như người lính điều khiển máy bay không người lái, mang hỏa tiễn đi tiêu diệt những mục tiêu đã được quan sát và theo dõi kỹ lưỡng thì sao? Ngoài mặt trận, người lính trực tiếp lẩy cò súng; người điều khiển UAV, sau khi ấn nút, qua màn hình chỉ thấy những bóng người mờ mờ bị tung lên cao, lương tâm của ai đỡ cắn rứt hơn ai?

Vẫn biết chiến tranh lúc nào cũng đi đôi với chết chóc và tàn phá, nhưng trong tôi, trong tận cùng trái tim của JF, vẫn còn những thổn thức của một con người. Trong những sào huyệt, những căn nhà mà trong đó có cả gia đình của những tên khủng bố nguy hiểm, còn có đàn bà và trẻ em. Tôi kể JF nghe về trận thảm sát ở Mỹ Lai (6) trong cuộc chiến Việt Nam để anh ta có thể so sánh với những gì xảy ra trong cuộc chiến hiện nay. Mỗi lần đọc lại biến cố này, tôi vẫn còn khóc cho quê hương tôi. Cả hai, cộng sản và khủng bố giống nhau, họ nghiên cứu kỹ càng và xử dụng thường dân vô tội làm bia đỡ đạn cho chúng. Tôi luôn tự hỏi tất cả chúng ta, những con người không phân biệt chính kiến, đôi khi làm điều tệ hại vì những lý do cao cả hơn? (we are sometimes doing bad things for good reasons).

Trong phi trường chúng tôi ở và đóng quân, vẫn còn một chiếc vận tải cơ Antonov của Nga Sô còn bay được, những tòa nhà của bọn Taliban đóng quân, vẫn còn y nguyên những dấu tích, những chữ viết trên tường của bọn chúng. Tôi bước vào một ngôi nhà thờ Coptic Orthodox Church bị tàn phá bởi bọn cuồng tín này. Chúng bắn vỡ những tượng thánh, đào mả những linh mục, thậm chí dùng đục để phá đi những giòng chữ tạc vào cây thập tự giá được viết bằng ngôn ngữ Aramaic (7) là thứ ngôn ngữ mà Chúa Giê Su từng dùng để giảng dạy ngày xưa.

Bọn này ẩn nấp trong những nhà thờ, nhà thường dân vì chúng biết khi quân đồng minh tấn công, họ sẽ không dám bắn vào những nơi thờ tự cho đến khi chắn chắn là không có thường dân hoặc tu sĩ trong đó (luật chiến đấu “rules of engagement”). Nhưng trong chiến tranh, vẫn có sự nhầm lẫn dẫn đến chết chóc cho thường dân. Vì thế, trực tiếp hay không trực tiếp cầm súng bắn vào mục tiêu vẫn là câu hỏi của lương tâm và câu trả lời rất là gây tranh cãi tùy theo tâm trạng và hoàn cảnh của người lính.

JF:
Ngày tôi trở về nhà, tâm thần tôi bất ổn. Cuộc sống không còn được như ngày trước khi tôi lên đường. Vợ con xa lánh tôi. Vợ tôi không chịu nổi tánh khí bất thường của tôi, nàng không hiểu tôi và bỏ đi lấy chồng khác. Tôi không buồn nhưng cũng không trách gì cô ấy. Tôi bị xâu xé ra từng mảnh bởi những cảm giác tương phản nhau, khi thì cảm thấy tội lỗi, khi thì tự hào, rồi tôi buông xuôi. Tôi uống rượu nhiều, hút cần sa, và không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. Tôi đóng cửa tâm hồn tôi thật chặt.

Họ bắt buộc tôi phải tham gia những lớp học cố vấn tâm lý, làm cách nào hội nhập với đời sống dân sự. Họ luôn hỏi tôi những câu làm tôi bực mình như: “Anh có ý định tự hành hạ bản thân anh không?”. “Anh có ý làm thương tổn người khác không?”. “Tại sao anh không thể sống bình thường như trước?” v…v... Quá nhiều câu hỏi làm tôi mệt nhoài và bực tức. Tôi muốn hét lên tại tụi bay không từng đi qua những đoạn đường tao đã qua, nên tụi bay không thể hiểu nổi đâu. Tôi phải uống cả một nắm thuốc mỗi ngày, thân xác tôi bồng bềnh, linh hồn tôi phiêu du, tôi chẳng màng đến bất cứ một điều gì, tôi càng tự cô lập tôi ra khỏi xã hội. Tuy nhiên, tôi chỉ chọn thái độ im lặng, nhẫn nhục cho đến khi tôi gặp nàng.

Nàng là nữ y tá trong bệnh viện VA của cựu chiến binh (Veteran Affairs) và làm việc trong khu counseling (cố vấn tâm lý). Nàng đến với tôi dịu dàng như một thiên thần với mái tóc huyền dài chấm lưng và một nụ cười tươi mát với đôi má lúm đồng tiền thật sâu. Nàng kiên nhẫn nghe tôi kể chuyện và trút nỗi lòng. Nàng không bao giờ hỏi tôi những câu hỏi bài bản nghề nghiệp vẫn thường làm tôi nổi nóng. Nàng khéo léo, nhẹ nhàng, và dần dần đưa tôi trở lại với chính tôi của những ngày trước. Tôi bớt uống rượu và bỏ hẳn hút sách. Tôi dần lấy lại niềm tin, và bước ra khỏi vỏ bọc của sự trầm cảm. Nàng là tất cả đối với tôi, tôi đã yêu nàng từ những phút đầu khi vừa thấy nàng với chiếc áo blouson trắng.

Tôi:
Sau chuyến công tác, JF và tôi về lại Mỹ cùng ngày trên chuyến bay Philippine Airlines đáp xuống phi trường Narita, Nhật Bản. Sau khi qua hải quan và lấy hành lý xong, chúng tôi còn đang ngó quanh, thì một phụ nữ trẻ người Nam Mỹ, với làn da nâu và mái tóc dài đen nhánh bước vội về hướng chúng tôi, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Tôi chợt thấy trên khuôn mặt không quen đó, một nụ cười tươi với đôi má lúm đồng tiền thật sâu mà anh bạn đồng hành đã kể trước đây. Họ lao vào nhau, quấn quýt với nụ hôn tưởng như không muốn dứt.

Anh bạn tôi đã mua vé cho nàng bay từ Mỹ đến Narita để gặp nhau. Hai người sẽ cùng bay qua Bali, Indonesia để cùng nhau tận hưởng những giây phút bên nhau sau một thời gian dài xa vắng. Sau đó, đôi uyên ương sẽ bay về Mỹ, nơi căn nhà nhỏ xinh đẹp đang chờ đợi họ. Chúng tôi cùng đón taxi về khách sạn. Ngày hôm sau tôi bay về Mỹ, họ còn ở lại Narita vài hôm, rồi sẽ bay qua Jakarta,Indonesia.

Người lính chiến đấu không phải vì tiền tuyến phía trước mà vì hậu phương phía sau anh ta, vì sự thanh bình yên vui cho những người thân yêu và cho tổ quốc của mình. Chỉ có tình yêu thương, sự thông cảm sâu sắc từ người mình yêu, gia đình, bạn bè, hàng xóm, đất nước, và con người mà người lính đã chiến đấu cho họ và vì họ, mới có thể dìu dắt một tâm hồn tan nát, đầy vết thương của người lính trở lại cuộc sống bình thường.

“There is no greater love than this – That a man should lay down his life for his friends” (John 15:13) Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người chết cho những người mình yêu. Xin mọi người đừng nhìn người lính với những tia nhìn nghi ngại và kỳ thị, mà hãy giang rộng vòng tay đón họ trở về trong yêu thương và an ủi, vì trên thân thể anh là những vết thương có thể lành được, nhưng hơn hết là những vết thương trong lòng cần có thời gian để khép miệng lại trong vòng tay của mọi người.

Nguyễn Văn Tới. 2019.

REFERENCES:

1. https://en.wikipedia.org/wiki/Saving_Private_Ryan

2. https://en.wikipedia.org/wiki/U.S._prisoners_of_war_during_the_Vietnam_War

3. https://en.m.wikipedia.org/wiki/Jessica_Lynch

4. https://en.wikipedia.org/wiki/Survival,_Evasion,_Resistance_and_Escape

5. https://en.wikipedia.org/wiki/Si_vis_pacem,_para_bellum

6. https://www.history.com/topics/vietnam-war/my-lai-massacre-1

7. https://www.britannica.com/topic/Aramaic-language

Ý kiến bạn đọc
11/01/202320:41:28
Khách
Xin cám ơn anh Nguyễn Văn Tới , tôi xin phép lấy bài của anh đọc lên cho bà con bốn phương cùng nghe nhe anh
01/09/202115:47:44
Khách
Cám ơn tác giả đã ghi lại những nỗi niềm của người lính. Chúng ta biết ơn họ và hãy làm gì để họ bớt tổn thương
08/01/202102:44:50
Khách
Tôi chỉ xin nói : Quá hay !
Mong anh tiếp tục viết.
01/08/202013:11:06
Khách
Si vis pacem, para bellum - Xin chào những ai đã từng qua TBB Thủ Đức - Bạn Nguyễn Văn Tới viết bài này rất tới; càng đọc càng thấm thía :):( - Người dân Việt Nam đều là chiến sĩ; khổ thay chưa từng được huấn luyện để chiến đấu với 'tồn tại nhiều nhất, tổn thất ít nhất có thể trước khi lâm trận'
14/04/202014:33:27
Khách
Những người lính, dù ở bên nào, cũng chỉ nhận lệnh và bảo vệ mình và đồng đội, nhưng dần dần, có những người lính, do tiếp xúc nhiều cảnh dã màn, nên dần dà thay đổi, và những cảnh tàn sát đồng loại trở nên thường xuyên hơn vì nhiều lý do... những người mẹ, người cha...ở cả 2 phe, mong chờ con mình về nguyên vẹn, những người vô tội, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.... Hàng ngàn lính Mỹ chết trong chiến tranh VN, là hàng ngàn gia đình đau khổ, hàng triệu chiến sĩ VNCH chết vì lý tưởng cũng có hàng triệu gia đình tang thương, hàng triệu bộ đội ra đi mãi mãi, cũng như thế, dân tộc VN còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến cho đến hôm nay như chất độc da cam, bom mìn ở trên đất... ÔI CHIẾN TRANH, DÃ MÀN NHƯ THÚ VẬT
17/02/202005:01:53
Khách
Có lẽ chưa có ai (nhà văn Việt) viết đầy đủ về những chi tiết trong cuộc sống quân ngũ của Hoa Kỳ, nhất là những cuộc chiến đầy căng thẳng, hồi hộp...với quân khủng bố, như bài viết của anh Nguyễn văn Tới. May mắn vì chúng ta có được nhà văn sẵn kinh nghiêm trong cuộc sống quân đội Mỹ như anh Nguyễn Văn Tới; lại còn được nghe một chiến sĩ loại đặc biệt như anh JF trong bài, đã thuật câu chuyện về đời lính của anh. Trong thời gian làm việc, tôi cũng từng gặp và làm hồ sơ cho những người cựu chiến binh bị căn bệnh PTSD, họ thật sự rất đáng thương và đáng trọng vì đã hy sinh rất nhiều cho đất nước, cho chúng ta được bình yên. Xin cám ơn anh Nguyễn văn Tới và mong anh viết tới nữa, để mọi người được thưởng thức thêm những truyện đặc biệt này.
16/01/202015:49:39
Khách
Bai viet that la hay, doc xong thay that thuong cam va bui ngui cho nhung nguoi linh song va chien dau cho su binh an cua bao nhieu nguoi khac, xin loi vi toi khong bo dau tieng Viet duoc.
14/01/202008:58:31
Khách
Thành thật cám ơn anh Giang Nguyễn và chị Ngọc Ánh ghé qua đọc và thông cảm sâu xa cho nỗi niềm người lính chiến. Em may mắn có dịp đi, sống, làm việc, và hiểu thêm những suy tư dấu kín trong lòng của họ.
01/01/202005:19:23
Khách
Tôi thường xem phim hành động của Mỹ, những trận đánh quyết liệt và hào hùng của quân đội Mỹ đã làm tôi khâm phục, nay đọc bài viết này thì tôi càng nghĩ rằng đến 99% sự thật được dựng thành phim , lại nhớ đến những trận chiến của đồng minh Mỹ bên cạnh người lính VNCH, chiến tranh là phải chấp nhận đổ máu chết chóc dù thật lòng mình không muốn.
Cám ơn bài viết của bạn, kể một câu chuyện có thật mà không phải ai cũng biết tường tận nếu không trãi qua cuộc sống trăm đắng ngàn cay của sự gian khổ như tác giả
31/12/201921:13:54
Khách
Cám ơn anh Nguyễn Văn Tới. Bài viết thật hay. Một bi hùng ca trong chiến tranh. Cám ơn trang mục VVNM - Việt Báo, đã cho đăng một bài viết rất có giá trị tâm lý sâu đậm. Chúc tác giả có nhiều sức khỏe. Thân mến,
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn và Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô từng góp nhiều bài và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới kể về khu phố Việt ở Massachusetts, giống như Little Saigon ở California.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến