Hôm nay,  

Phượng Hoàng Đã Chắp Cánh

14/09/201900:00:00(Xem: 13928)

Bài số: 5787-20-31593-vb7091419

 

Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài mới nhất của bà viết để chia xẻ với người bạn học chung trường khi nhận tin thân phụ của bạn vừa qua đời. Hình ảnh:

 

IMG_0794
Đại Tá Trương Tấn Thục (1927 - 2019)

Ong Ba T.T.Thuc thoi tre
Ông Bà Trương thời trẻ.

 

Mr&Mrs Trruong
Ông chăm sóc Bà.

1_Phuong Hoang_TigerFish
Bìa sách “Tiger Fish” của Hoàng Chi Trương, Hồi ký  của con gái một Đại Tá VNCH.

 

 ***

 Đại Tá Trương Tấn Thục sinh năm 1927, vừa mãn phần tại Fresno California ngày 29/8/2019. Tốt nghiệp  Khóa 9 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, ông từng là Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 51 Bộ binh, rồi Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh Quân Lực VNCH. Với thành tích chiến đấu từ năm 1968,  ông từng được chính phủ Hoa Kỳ trao tặng huân chương với ngôi sao đồng.

 

*

Tôi có đến nhà chị ở Fresno một lần nhưng thật tiếc không gặp được Bác trai.

Trong lòng tôi, Bác là một Phượng Hoàng như các chú bác trong quân đội VNCH ngày trước hay gọi Bác. Hình ảnh Bác tôi được nhìn thấy đã quen thuộc mỗi ngày trên các trang FB và các bài viết của con gái Bác, chị Kim Chi Trương.

Từ khi đến Hoa kỳ năm 1975, rời áo trận trong nỗi đau của người mất quê hương, nhất là nỗi đau bỏ lại người con trai lớn cũng là một sỹ quan Không quân, mất tích đúng vào ngày 29 tháng 3 tại Đà Nẵng.

Sang Hoa Kỳ, gia đình ông định cư tại Fresno, một thành phố nhỏ của tiểu bang California. Bác trai, người đàn ông trụ cột của gia đình đã cần cù qua nhiều công việc, tuy chật vật ông vẫn nhất quyết lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Ông sắp xếp thời gian đưa đứa con này con vào trường, chạy đi làm, rồi lại lo đón đứa khác... cuối cùng thì đàn con mười đứa đều tốt nghiệp đại học nhiều ngành nghề. Những ai đã đến Mỹ giai đoạn thập niên bảy mươi đều thấu hiểu những nan giải về mọi mặt để có được thành công này.

Bên cạnh sự cứng rắn của người cha hoàn hảo là hình ảnh đức độ, kiên nhẫn và giỏi giang của người vợ hiền hơn bốn mươi năm âm thầm lặng lẽ trong vai trò người Mẹ chăm sóc chồng con những tháng ngày tha hương nơi xứ người sau 29/04/1975.

Cuộc đời của Bác gái đã là một câu chuyện dài về người phụ nữ Việt Nam nết na, tài giỏi, đảm đang, hiền hậu suốt đời vì chồng con. Vậy mà, không bao lâu sau khi các anh chị công thành danh toại, có tổ ấm riêng thì Mẹ và Ba chị phải chia tay nhau, Bà phải vào Viện Dưỡng Lão vì căn bệnh Parkinson quái ác.

Nghe chị kể, ngày mấy anh chị em và Bác trai quyết định đưa Mẹ rời nhà vào đó để có các y bác sĩ chuyên nghiệp chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của bà. Tuy đã lãng nhưng bà vẫn có linh tính. Hai tay bà níu vào cánh cửa, mặt quay lại nhìn căn phòng như nhất định không muốn rời. Cả nhà chị nhìn hình ảnh đó mà ... như đứt ruột!

Mỗi ngày, các anh chị đều nấu thức ăn để Bác trai đem vào lo cho Mẹ, Bác trai tỉ mỉ chăm bón từ miếng ăn, ly nước... sau đó đẩy xe lăn đưa Bà ra vườn hoa ngắm cảnh, hưởng chút không khí thiên nhiên.

Tình già khắng khít, bù lại những tháng ngày xa cách trong chiến tranh khi Phượng Hoàng làm nhiệm vụ nam nhi thời loạn, rong ruổi khắp các miền đất nước, xem hạnh phúc gia đình là thứ yếu, trăm công nghìn việc ở nhà một tay giao phó cho vợ hiền. Giờ đây ông bù đắp cho Bà bằng những chăm sóc nhỏ bé nhưng đầy yêu thương. Nhìn bàn tay già nhăn nheo cầm cây lược chải mái tóc đã bạc và rụng lưa thưa cho người vợ hiền. Hai mái tóc bạc kề nhau, một nụ cười hạnh phúc và một nụ cười ngô nghê; hình ảnh lay động trái tim!

Một mình trong căn nhà vắng bóng vợ, dù là một người đàn ông thích tự chủ, tuy cao tuổi ông cũng không muốn làm phiền đến các con. Hằng ngày ông vừa tự lo cho mình vừa ra vào Viện dưỡng lão chăm vợ thật vất vả. Không bao lâu Bác trai cũng nghe lời góp ý của các con và sự khẩn khoản của chị mà dọn về ở chung với chị, người con gái đầu lòng được chào đời tại Dalat, nơi Phượng Hoàng đã tốt nghiệp khóa 9 trường Võ bị Quốc Gia Việt Nam.

Mỗi dịp lễ hay sinh nhật, các anh chị đều ghé vào căn phòng nhỏ ở Viện Dưỡng Lão để thăm Mẹ cùng Bác trai. Ông luôn vai kề vai, má kề má bên cạnh bà trong những tấm hình. Nụ cười của Bà vẫn ngô nghê nhưng Phượng Hoàng thì ngập tràn hạnh phúc. Ông lúc nào cũng chỉnh chu khi đi ra ngoài, y phục chỉnh tề, khăn áo, mũ rất …Tây!

Phượng Hoàng được biết là một người ham học hỏi, tuy tuổi đã cao nhưng khi “phong trào FB“ nở rộ ông cũng tự mày mò mở một trang, hàng ngày ông vào các trang báo online đọc tin tức.

Tuy vẫn còn ấm ức sau cuộc triệt thoái cao nguyên vì lời hứa không trọn của quân đội đồng minh nhưng thời gian sau này ông có phần dung hoà hơn. Mỗi dịp lễ Độc Lập July 4th hay lễ Tạ ơn ông thường tự làm những clip post lên trang FB nói đôi lời cám ơn đất nước và người dân Hoa kỳ đã bao dung mở rộng vòng tay bảo trợ gia đình ông cũng như những nhiều người Việt Nam khác đã vì vận nước phải tha phương.

Những dịp gia đình sum họp ông thường dành thời gian trò chuyện với các con, những cô bé đến Hoa kỳ khi còn thơ dại. Một lần ông nghe cô con gái tâm tình về những kỷ niệm thời còn ở quê nhà và suy nghĩ và tình cảm của cô đối với quê hương thứ hai này, ông đã vỗ vai và khuyên cô nên chịu khó viết lại mỗi ngày. Kết quả là cô con gái tên Hoàng Chi Trương đã phát hành một cuốn sách có tựa: “Tiger Fish“. Cuốn hồi ức viết về Miền Nam Việt Nam này của con gái một vị Đại Tá VNCH được đánh giá 5 sao trên trang Amazon.

Cô vui mừng khoe với Ba với dòng tri ân: Con đã nghe lời Ba dặn, về nhà viết lại mỗi ngày!

Khoảng thời gian Phượng Hoàng vui với niềm vui nhỏ nhoi là mỗi sáng vào viện dưỡng lão thăm vợ kéo dài không bao lâu, Bà vĩnh viễn ngủ yên sau 6 năm làm Công Chúa ngô nghê nhưng hạnh phúc trong vòng tay chồng con.

Tháng 11 năm trước, tôi chưa kịp nhắn tin mừng sinh nhật Chị bạn thì nhận tin buồn Mẹ chị đã mất rồi! Đám tang do cả đàn con lớn nhỏ tập trung lại lo toan. Một cuộc chia ly được xem là viên mãn; ấm áp với đông đủ con cháu và đầy hoa tươi ngày ra nghĩa trang. Chỉ có Phượng Hoàng lặng lẽ trong nỗi buồn của người ở lại. Sau ngày đó Ông vẫn đều đều ra thăm mộ, vẫn gần gũi như ngày nào Bà còn bên cạnh.

Gần đây, tôi hay thăm hỏi và được chị cho biết là Phượng Hoàng xuống sức thấy rõ. Những vết thương (từ thời chiến tranh chống Pháp) khiến ông đau nhức. Không còn nhiệm vụ đi thăm và lo lắng cho vợ mỗi ngày, ông như không còn sức sống. Không còn một lý do nào để ông cần thức dậy mỗi buổi sáng, ông mệt mỏi nằm triền miên trên giường. Bao nhiêu năm làm cấp chỉ huy, bao nhiêu năm gian khổ trên chiến trường, bao nhiêu năm cần cù chật vật trong các hãng xưởng làm lụng nuôi con, không có gì làm ông chùn bước hay sụp đổ; vậy mà nỗi buồn và cô đơn sau ngày bác gái quá vãng đã khiến ông như kiệt quệ.

Không có thuốc men nào có thể chữa được căn bệnh này. Cô con gái vẫn nấu những món ăn Bác trai thích và mỗi khi chị đi xa còn có thêm cậu con trai út ghé vào cùng ăn trưa ăn tối với Ba. Mỗi ngày đều có nhân viên y tế của chương trình Homecare đến lo thuốc men. Khi Bác khỏe thì chị đưa Bác ra tiệm Nail để được chăm sóc, thư giãn. Lần nào ông cụ cũng hào phóng khi tip cho cậu nail technician.

Tôi hay vào trang FB của chị, những dịp lễ gần đây ít thấy hình của Bác trai dù con cái về đông đủ... thì ra Bác đã mệt phải đi nghỉ sớm, trước khi cả nhà chụp ảnh.

Phượng Hoàng đã mỏi cánh và... Phượng Hoàng cần yên giấc.

Tối thứ năm ngày 29 tháng 8 năm 2019 Phượng Hoàng đã ngủ một giấc bình yên. Tin thật bất ngờ dù biết chuyện này sớm muộn rồi cũng đến, ai rồi cũng sẽ chia tay cõi tạm này để về với cát bụi. Phượng Hoàng, đã chắp cánh về Trời!

Chị bạn của tôi từ nay không còn dịp ân cần nấu các món ăn mà “Ba chị thích“. Không còn dịp lo sắp đặt theo thứ tự rất tỉ mỉ thức ăn, thuốc men... mọi thứ đều có ghi chú rõ ràng ngăn nắp để các em thay chị lo cho Ba khi chị vắng nhà. Từ nay không còn nghe tiếng ho húng hắng từ phòng ngủ của Ba vọng ra mỗi khuya mỗi sớm; không còn dịp được  đỡ Ba dậy hay nhắc Ba uống thuốc mỗi ngày. Không còn lo mua những cây cảnh nhỏ dễ thương, tươi tắn chưng bày từ phòng tắm đến phòng ngủ của Ba cho vui mắt, thêm sức sống.

Chị ơi, những việc thật đơn giản nhưng mang lại niềm vui cho người con hiếu thảo và hạnh phúc cho đấng sinh thành... rồi sẽ không còn nữa. Căn nhà nhỏ, khu vườn rộng đầy cây cảnh từ trước ra sau, hoa lá vẫn xanh tươi dưới bàn tay chăm sóc của chị. Vẫn tiếng chim hót mỗi sớm mai, vẫn hương hoa cam, hoa ngọc lan tỏa ngát nhưng từ nay chị đã vĩnh viễn mất đi hai bóng mát của đời mình. Chị giống Mợ từ nét mặt đến sự đảm đang chu đáo, tình cảm, thích chăm lo cho người thân; chị giống Phượng Hoàng bản lãnh cương nghị, thích học hỏi tự lập và tỉ mỉ.

Nay hai bác đều đi đến cuối con đường đời không cần mang theo vàng son phú quý, đó là con đường có đầy đủ vui buồn, kết thúc với những thành đạt của con cháu. Con đường trải đầy tình yêu thương và hoa hồng thắm mà bao người mơ ước.

Kính Phượng Hoàng, một người đàn ông tôi rất ngưỡng mộ. Tình nhà, nợ nước đã trả xong.  Nguyện cầu Bác yên nghỉ bên cạnh ngôi nhà còn rất mới mẻ của người vợ hiền.

Alanta Sept.3 2019

 

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Ý kiến bạn đọc
22/12/202301:13:44
Khách
Đọc thật nhiều lần mà lần nào cũng xúc động. Cảm ơn Việt Báo và tác giả
20/09/201918:10:49
Khách
Chào chị Tác Giả Nguyễn Diệu Anh Trinh,
Cám ơn một bài viết hay, lời văn dịu dàng chân thành để lại trong lòng người đọc đầy cảm xúc thật buồn về vị chiến sĩ oai hùng VNCH và phu nhân của ông. Rất ngưỡng mộ và xin tri ân Đại Tá Trương Tấn Thục VNCH. Nguyện cầu hương linh ông được yên nghỉ đoàn viên bên cạnh hiền thê của ông.
Chúc chị được nhiều sức khoẻ để viết nhiều bài viết hay và cảm động nữa nhé.
Ptkd
18/09/201913:44:41
Khách
Cám ơn các bạn đọc và đã khuyến khích người viết.
Chúc tất cả một ngày an bình
16/09/201918:37:40
Khách
Bài viết chân thành, nhẹ nhàng đơn giản mà đem lại nỗi buồn sâu lắng.
Hình ảnh gây xúc động lòng người. Anh hùng và mỹ nhân ... rồi cũng trở về cát bụi. Xin góp lời cầu nguyện cho ông bà sớm vãng sanh và cám ơn VB đã chọn một bài viết có giá trị. Cám ơn tác giả ngoài chân tình với tang gia còn có nghĩa có tâm khi đặt bút viết về một gia đình quân nhân quân lực VNCH thành công nơi xứ người.
Cám ơn nước Mỹ.
15/09/201914:43:59
Khách
Tôi hân hạnh được biết tác giả và Kim Chi (con gái Phượng Hoàng như trong bài viết ) . Cám ơn tác giả đã cho đọc bài viết thật cảm động và nếu cao tinh thần của chiến sĩ VNCH . Chúng ta vẫn luôn vinh danh các chiến sĩ luôn cho bây giờ và mãi mãi về sau . Cám ơn tác giả Anh Trinh , mong được đọc thêm nhiều bài viết của bạn .
15/09/201905:05:57
Khách
Mênh mông... thật nhiều cảm xúc...

Chị Nguyễn Diệu Anh Trinh, bài viết của chị thật buồn. Tạo nên một dấu lặng. Thật Lặng. Chìm thật sâu.
Thật hay. Thật trọn vẹn cho một ngày sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,270,221
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến