Hôm nay,  

Về Hưu

13/08/201900:00:00(Xem: 14482)
Về Hưu    
Tác giả: Huyền Thoại Thịnh Hương
Bài số: 5762-20-31569-vb3081319

Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Bài viết mới là chuyện “trả thẻ, về hưu.”

***

Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái, tôi quyết định nộp đơn hưu trí dù tôi vẫn còn đủ sức khỏe và khả năng để làm tròn “nhiệm vụ” của mình.  Không có bằng đại học Mỹ, nhưng tôi làm chung việc với những đồng nghiệp có bằng Master và thậm chí một vài người còn có học vị tiến sĩ này nọ.  Người ta mướn tôi vì tôi đã thi và đâụ điểm cao qua những kỳ thi rất gay go.  Tuy nhiên không bằng cấp đại học thì tôi khó có cơ hội lên chức trưởng phòng, trưởng ngành.  Thật ra được tuyển vào công việc đang làm tôi cho là mình đã trúng số độc đắc.  Chả cần làm xếp mà ôm vào minh nhiều phiền toái.   Đúng là tôi “lù khù có ông cù độ” như dân gian thường nói.

Lương bổng cao – so với lương của con tôi - làm tôi ngần ngừ maĩ mới chịu nghỉ việc.  Căn nhà chỉ còn vài ba năm là “paid off” trong khi con trai và con dâu đều đã có việc làm ổn định.  Hơn nữa, công việc đòì hỏi tôi phải thường xuyên xa nhà, đi đây đi đó.  Khi thì vài tuần, lúc vài tháng, đôi khi cả năm.  Tôi khăn gói hành lý bay khắp các tiểu bang nước Mỹ.  Đôi khi phải đi nước ngoài.  Một lần tôi phải đi oversea một năm.  Mới sáu tháng mà nhớ gia đình tơi tả, tôi gọi về cầu cứu xếp cử người sang thay.  Vài năm gần đây xếp thấy tôi “bóng ngả đường chiều” nên thông cảm, chỉ đề nghị tôi đi ngắn hạn, hoặc làm online cho hợp tình hợp lý.

Đi công tác là một đòi hỏi của công việc, rất mệt mỏi vì phải sống trong cái valise của mình – nhưng bù lại, coi như mình được đi du lịch miễn phí.  Này nhé, Phoenix nóng 116 độ F vào tháng tám, 95 độ vào tháng mười hai.  Minneapolis lạnh dưới không độ vào mùa đông, được nhân viên địa phương  dẫn đi câu cá trên mặt hồ băng giá.  Họ đem lều ra giữa hồ, đục vài lỗ rồi thả cần câu xuống.  Chiều về họ cho ăn cá nướng, cá chiên.   Họ còn dẫn đi coi Ice Castles Park, lâu đài làm bắng đá lạnh trong suốt cho bà con thưởng ngoạn.  Có hôm được nghỉ, không dám lái xe trên đường đầy tuyết – vì là dân Cali ấm áp –  tôi ra bến xe bus cách hotel vài trăm thước, định ra Mall of America nổi tiếng để làm một phùa mua bán cho phải phép.  Trạm xe bus có gắn máy sưởi mà tôi chịu lạnh không nổi, co ro chạy về khách sạn, tưởng như lỗ tai lỗ mũi đóng đá mất rồi.

 Phải kể đến Hawaii, vài chuyến công tác nơi đây cho tôi những ngày làm việc và rong chơi lý tưởng.  Cát vàng, biển xanh, nước ấm và khách sạn thì ngay bãi biển.  Mười giờ đêm còn dám đi tắm chả sợ thằng tây nào.

Cũng nên kể về lần đi American Samoa.  Cả đảo chỉ có một con đường chính là lát nhựa.  Ngõ ngách giống hẻm toàn đất đỏ.  Kiếm một địa chỉ mệt bá thở vì họ chẳng gắn bảng tên đường.  Nên tôi cứ phải nhớ cho kỹ địa hình địa điểm.  Đó là mười mấy năm về trước, bây giờ có lẽ khác rồi.  Dân ở đó phần nhiều to con cao lớn và hơi thừa kí lô.  Món ăn độn của họ là trái U Nu, như mình ăn cơm.  Trái U Nu nhìn giống trái mãng cầu xiêm bự, luộc xong bổ ra ăn, mầu “cơm” trắng muốt. 
Tôi mê những buổi sáng nhìn mặt trời chợt xuất hiện trên mặt nước, và những lúc hoàng hôn khi mặt trời từ từ lặn xuống đáy biển.  Tôi không thể nào tả hết vẻ đẹp thiên nhiên và kỳ bí ban ngày và ban đêm nơi đây, một hòn đảo nhỏ thu mình gọn lỏn trong Thái Bình Dương, gần như một thuộc địa của Hoa Kỳ.

Tôi thích nhất là những chuyến đi công tác ở Orange County nơi tôi có nhiều bạn bè và bà con xa gần. Chợ Việt Nam sầm uất, nhà hàng Việt Nam ì xèo.  Tôi thuộc nằm lòng câu “Tưng bừng khai trương rồi âm thầm đóng cửa”.  Mấy tháng trước khai trương, nhà hàng khang trang đẹp đẽ.  Mấy tháng sau trở lại chủ mới trang trí mới.  Cạnh tranh quá chịu không thấu. Phải “chì” lắm mới tụ được lâu dài.

Ngoài du lịch “free”, lại còn được tích lũy mileage của các hãng máy bay và points các khách sạn để xử dụng cho riêng mình trong tương lai.       

Thật ra, tôi đã “xém” về hưu cách đây vài năm.  Đó là lúc chúng tôi có xếp mới.  Hai chục năm làm việc cho cơ quan, trảì qua bốn, năm đời trưởng ban tôi chưa thấy ai có lối điều hành kỳ cục như cái bà này.  Cái gì bà cũng xía vô, dù bà không có chuyên môn như chúng tôi, và bà chỉ có nhiệm vụ hành chánh.  Nhiều khi bà cứ dùng quyền bắt tôi phaỉ làm dự án theo ý bà.  Kết quả, bà làm cho việc của tôi trễ hạn  vì cứ phải sửa tới sửa lui.  Bà cũng đối xử với đồng nghiệp của tôi như vậy, nhưng họ chỉ hậm hực nói lén sau lưng. 

The last straw, giọt nước làm tràn ly, khi bà cố tình làm tôi trễ chuyến bay về tổ chức giỗ 100 ngày của mẹ tôi bên Việt Nam.  Chuyện này tôi có báo trước cho bà biết cả hai tháng mà bà cứ phớt lờ, bắt tôi phải làm xong việc.  Khi tôi xong việc, bà bay đi chơi mà “quên” không ký lệnh cho tôi.   

Quá phẩn nộ vì không được về theo ý nguyện, tôi viết email xin gặp giám đốc ngành để baỳ tỏ nỗi lòng.  Sẵn dịp tôi trình bày tất cả những hành động “micro manage” của bà với những bằng chứng tôi cất giữ để chứng minh.  Ông rất ngạc nhiên và hứa sẽ nói chuyện để bà thay đổi lối làm việc.

Thấy bà già Việt Nam oai phong chống lại xếp, mấy đồng nghiệp da trắng da nâu liền sắp hàng xin gặp giám đốc để đổ thêm đầu vào lửa.  Kết quả, bà xếp bèn xếp ve, âm thầm xin chuyển đi bang khác. Nhẹ nợ.

Người thay thế là một nhân viên lâu năm cùng ngành mới được thăng chức.  Biết người biết ta nên cô được mọi người qúi mến. Mọi chuyện đang trôi chảy êm đềm thì tôi nộp đơn xin nghỉ hưu làm cô ta chưng hửng.  Cô hỏi tôi có muốn trở lại làm việc với tư cách hợp đồng hay không.  Tôi trả lời không vì không muốn “lấy thân che của “ nữa, mà giờ chỉ muốn “lấy của che thân” mà thôi, dù của của tôi mỏng te, che trước không đủ che sau.

Nghe tin tôi xin nghỉ hưu đổng nghiệp trên toàn quốc rối rít chúc mừng.  Các xếp ở những tiểu bang tôi từng đến giúp đỡ gửi email đến cám ơn.  Có xếp gửi cards và hoa đến văn phòng làm tôi vô cùng hãnh diện và xúc động. 

Chị xếp thân mến của tôi tổ chức một bữa tiệc chia tay nho nhỏ trong phạm vi department theo lời tôi yêu cầu, vì tôi không muốn làm ầm ỹ.  Vậy mà cũng có một số nhân viên các ban ngành khác kéo đến.  Người cho tôi chocolates, người cho tranh vẽ, kẻ cho đồ nữ trang vì họ thấy tôi ngày nào cũng diện vòng cổ vòng tay đi làm. Họ quên là từ nay tôi đâu còn nhiều dịp để làm đỏm nữa.  Rồi thì bằng khen, giấy chứng nhận từ D.C tới tấp bay về, làm tôi có ảo tưởng mình là một nhân vật nổi tiếng lắm.


Ai cũng muốn biết lý do vì sao tôi đột ngột về hưu, vì bây giờ xếp mới dễ chịu và rất thích tôi.  Tôi giải thích là năm nay tôi đã thất thập cổ lai hy, từ lúc bắt đầu đi làm đến nay đã đúng nửa thế kỷ; là tôi không còn thích dậy sớm đi cầy trong khi bạn bè tôi ai cũng đang thong dong đi chơi đây đó, chẳng cần phải xin phép và đương đầu với các “deadline” của công việc.  Có nhiều khi hạn gần đến mà chưa thấy đâu vào đâu tôi muốn điên cái đầu.  Thế là cứ vắt giò lên cổ chạy nước rút.  Chạy đến nỗi tối về ngủ còn nằm mơ thấy bị việc rượt. 

Tôi đã tính toán kỹ  trước khi làm quyết định hưu trí. Thân thể tôi đã lên tiếng báo động.  Lúc sáu mươi tuổi, tôi đi công tác chạy xe rất tự tin. Những ngày nghỉ tôi một mình lái xe ta bà đi thăm thắng cảnh.  Nay ra xa lộ tôi ngại ngùng lắm rồi.  Lái chừng một vài tiếng là mỏi lưng và nghe như chân sắp bị vọp bẻ.  Thứ đến, mắt đã có vấn đề. Nhìn computer lâu quá tôi bị nhức đầu và cứ phải nhỏ nước mắt giả liên tục.  Bác sĩ khuyên tôi ít nhất một tiếng đồng hồ  phải đứng dậy đi lòng vòng cho đỡ mỏi.  Nhưng vì mải làm nên tôi hay thờ ơ với bản thân mình.  Dại dột thì thôi.  Bây giờ nghĩ lại thấy mình “abuse” thân thể và đầu óc mình quá.  Hối hận thì cũng đã xong, còn mong gì làm lại.

Về hưu tôi biết mình sẽ phải dè sẻn tiền bạc, vì phòng nhân viên đã  cho tôi một bản chiết tính sơ khởi.  Lơị tức mỗi tháng chỉ còn một phần ba số lương hiện nay, ngoài số tiền rất khiêm tốn từ Sở An Sinh Xã Hội [SSA].   Như vậy tôi sẽ không còn đủ điều kiện đi du lịch hằng năm và mua sắm thả cửa như bây giờ.  Nhưng bù lại, đầu óc sẽ được thoải mái, và tôi không phải thỉnh thoảng khăn gói quả mướp du lịch bất đắc dĩ nữa. 

Ngoài ra, tôi cũng sẽ tiết kiệm được cho con một khoản tiền kha khá, vì cháu gái tôi không phải đến “after school learning center”, sẽ có bà nội đón về nhà sau giờ học ở trường. Một ngàn đồng rồi nhé.  Thằng cháu trai vẫn tiếp tục đi kindergarten, nhưng sẽ ở nhà với bà mỗi ngày thứ sáu.  Hai trăm rưởi nữa nhé.  Nhưng tôi phải ký một hợp đồng miệng với bố mẹ chúng, là bà nội phải sinh hoạt theo giờ học của hai nhi đồng, chỉ được phép đi du lịch khi vợ chồng y được báo trước để lấy ngày nghỉ hoặc mượn người thay thế. Đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ… chuối.  Không bị xếp bị việc kềm kẹp thì lại tới phiên con cháu chỉ huy mình.  Vậy mà bà nội vẫn hân hoan ký giao kèo.

Tuần lễ đầu tiên sau khi nghỉ việc, tôi vẫn thức dậy lúc tờ mờ sáng, tính chạy  vô buồng tắm chuẩn bị đi làm.  Chợt nhớ mình đã “thất nghiệp” tôi vội nằm xuống ráng ngủ thêm nhưng giấc ngủ chẳng trở lại.  Bèn nằm coi TV, xem tin tức và mấy shopping channels.  Tôi vẫn thích mua sắm trên TV vì nhất cử lưỡng tiện.  Có channel gửi hàng không cước phí, lại còn được miễn thuế sale tax. 

Ngaỳ đầu tiên không phải đi làm, tôi chạy ra DMV làm một Real ID Driver License mới vì bằng lái của tôi sẽ hết hạn trong vài tuần nữa.  Làm được hẹn mà tôi cũng phải chờ hơn một tiếng mới được kêu tên. 

Năm 2020 ai cũng phải có Real ID, nếu không, đi đâu bằng đường hàng không cũng phải mang theo passport, dù đi ngay trong nước Mỹ.  Trước đây, cứ 10 năm tôi mới phải đổi bằng lái một lần.  Kỳ này họ chỉ cho tôi 5 năm.  Có lẽ họ sợ người cao niên càng ngày càng lái xe lạng quạng nên phải cho ngắn hạn lại? 

Ngày thứ hai, tôi tới văn phòng An Sinh Xã Hội địa phương để xin gia nhập Medicare Part B. Người ta muốn mình phải có Part B trong vòng sáu tháng kể từ ngày hưu trí.  Trước đây,  dù đã qua 65 tuổi nhưng còn đi làm nên tôi chưa được xài Medicare vì vẫn được bảo hiểm y tế của cơ quan bao che. 

Một bà bạn đồng nghiệp báo động cho tôi là lúc về hưu bà nghĩ bảo hiểm của sở vẫn tốt, vẫn được xử dụng bình thường nên chẳng thèm mua Part B.  Lúc có chuyện vô nhà thương mới ngộ ra là mình phải có Part B ngoài bảo hiểm chính phủ vẫn trả cho mình như trước.  Thế là bà bị phạt mười phần trăm và phải đóng đủ số tiền kể từ ngày về hưu cho đến lúc đó. Vì vậy tôi a tầm phù đi mua ngay tức thì. 

Cô nhân viên sở ASXH – Social Security Administra-tion – nói họ sẽ trừ 135.50 dollars vào chi phiếu ASXH hàng tháng của tôi, và Part B sẽ có hiệu lực từ ngày mùng một tháng sau.  Ai dè, sấm nổ ngang tai khi tôi nhận được một lá thư của ASXH, thông báo tôi phải trả thêm $135.40 nữa cho cái gọi là IRMAA – Income Related Monthly Adjustment Amount – vì họ check W-2 năm ngoái của tôi và cho là lợi tức củøa tôi cao, phải điều chỉnh lại. 

Tá hoả tam tinh vì thấy tiền hưu của mình càng ngày càng teo lại như người ta bóc vỏ hành, tôi gọi An Sinh Xã Hội để hỏi “Số tiền này tôi sẽ phải đóng cả đời hay sao?  Nếu thế thì vô lý quá, vì hiện nay tôi vẫn còn phải đóng phần của mình cho hãng bảo hiểm như lúc còn đi làm, mà giờ lại phải cộng thêm nhiều thứ lung tung  thì làm sao tôi có đủ tiền mà sống.  Chắc tôi sẽ trở thành homeless”.  Bà nhân viên SSA cố trấn an tôi, bảo là mỗi năm họ sẽ tái xét lợi tức của khách hàng, và số tiền tôi đóng thêm vì “tội” lương cao sẽ giảm xuống hoặc huỷ bỏ. 

Bà cũng khuyên tôi gọị hãng bảo hiểm của tôi để báo họ biết là tôi đã có Part B rồi, xem họ có miễn trừ cho tôi những gì hay không. Tôi gọi Blue Cross Blue Shield.  Nhân viên ở đây cho tôi biết là lúc Part B  “kicks in” – có hiệu lực- thì họ bớt cho mấy chục vào số tiền premium hằng tháng của tôi. 

Cô ta cũng thông báo là Medicare sẽ là primary insurance của tôi, chi trả 80%t khi tôi cần đến dịch vụ y tế và Blue Cross Blue Shield sẽ  trả 20%.  Bù lại, họ sẽ miễn cho tôi số tiền “Out-of-pocket” hằng năm – mười một ngàn dollars – và tôi cũng sẽ không phải  trả co-pay khi đi bác sĩ và làm xét nghiệm.  Nghe vậy tôi cũng tạm mãn nguyện.  Mất của nọ đọ của kia.    
Hôm sau tôi nhận được tin nhắn của Medicare, nhắc tôi nếu phải đi bác sĩ trước ngày Part B có hiệu lực – chỉ còn mấy ngày nữa thôi – tôi nên báo cho các văn phòng bác sĩ biết để họ đừng “bill” Medicare quá sớm kẻo vãi chuyện. 

Vậy thì, trên thiên đường Mỹ quốc, nếu bạn nghèo thật nghèo thì khi về già Medicare lo cho bạn từ A đến Z, và khi bịnh quá chờ về với ông bà thì tha hồ xử dụng nursing homes.  Nhưng nếu bạn là dân ba rọi như tôi thì ôi thôi khổ lẳm.  Đủ thứ tiền phải moi ra cho đến khi nghèo sát đất mới mong xin được chút tình còm của chú Sam.  Tuy nhiên nếu bạn là tỉ phú thì “who cares”, cứ lấy của mà che thân thoải mái.

Huyền Thoại Thịnh Hương

Ý kiến bạn đọc
16/08/201921:01:40
Khách
Hoan hô tinh thần vùng lên chống bà xếp bất công của chị Thịnh Hương; nhiều người còn tinh thần e ngại dối với xếp (ngoại quốc) nên cứ bị ăn hiếp hoài, ngay cả khi gặp những vị bác sĩ, nha sĩ gian lận, họ cũng không dám tố cáo! Còn Medicare của mình đi làm cả đời, khi nghỉ hưu vẫn bị đóng premium cho phần B, thế mà có một bà dân biểu ếch ngồi đáy giếng vừa hô hào đòi cấp Medicare cho tất cả những người nhập cư, trong khi những người này đã có chương trình Medicaid quá sức hào phóng rồi! Chắc chắn năm sau chị sẽ được điều chỉnh lệ phí premium phần B này vì lợi tức của chị đã giảm. Chúc mừng chị được vui hưởng thú điền viên và có thời giờ chơi với các cháu!
13/08/201920:55:40
Khách
Blue cross, Blue Shield không tốt đâu chj Hương ơi. Họ ít khám ít quan tâm tới sức khỏe minh.,phải copay thêm nhiều thứ.
Hồi trước tôi về hưu, bỏ original medicare, chọn SCAN, phải theo líst bác sĩ và specialists của họ, rất tôt, sau Scan khogn cover chiropactor nữa, nên tôi chuyển qua ARRP (United health care) cũng rất tốt.(2 loại)
13/08/201918:42:49
Khách
Thật thú vị khi đọc bài viết của Huyền Thoại Thịnh Hương. Bà già trầu Việt Nam từng giết giặc cho nên mới dám quậy bà boss kia. Về hưu thu vị thật! Chúc mừng HTTH đã về hưu vậy là từ nay sướng à nha!
Chúc mừng về hưu và mong được đọc tiêp
Phương Hoa
13/08/201912:05:28
Khách
Tác giả có thể cho độc giả hay làm hãng nào và nghành gì không?
Tôi đi làm tổng cộng 12 hãng lớn, nhỏ như GE, Dow, Boeing, Lockheed, Field Aerospace, D3, Learjet, Spirit... nhưng chưa có hãng nào mà tôi thông báo sẽ lấy hai tuần Vacation hai tháng tới mà xếp dám tìm cách cản trở trước ngày nghỉ. Tôi chỉ viết email thông báo ngày nghỉ và bao lâu là xong. Chả phải cần ai ký lệnh gì cả. Chỉ cần thông báo trước một tháng là tròn bổn phận. Nếu thông báo trước hai tháng là quá đẹp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,826,731
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến