Hôm nay,  

Yêu Rồi Chết

29/07/201900:00:00(Xem: 13345)
Tác giả: Minh Karlsson
Bài số: 5748-20-31555-vb2072919

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội  như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.

1._yeu3_yeu
minh họa lễ hội  hóa trang Carnevale di Venezia

***

Tường Vi:

Một bàn tay hắn đặt trên lưng tôi, hơi ấm chuyền qua làn vải áo. Bàn tay kia hắn vân vê nhè nhẹ những đầu ngón tay tôi.

Hắn cao lớn, mang chiếc mặt nạ Bauta Barocco một nửa mạ vàng có viền đen quanh hốc mắt. Nửa kia đen tuyền, hốc mắt viền kim nhũ vàng. Chiếc mũi nhọn như mũi diều hâu của mặt nạ hắn thỉnh thoảng cọ nhẹ vào trán chiếc mặt nạ Colombina Mezza của tôi màu tím nhạt có vẽ những chiếc lá màu cam và đỏ, hai hốc mắt viền đen bí ẩn. Chúng tôi bước theo điệu nhac The Second Waltz của Dmitri Shostakovich.

Đại sảnh rộng lớn. Những chùm đèn pha lê huyền ảo. Nhạc dìu dặt. Áo xiêm lã lướt. Khung cảnh dễ làm say lòng người. Mà tôi thì vốn đã say suốt ngày hôm nay. Say những chiếc thuyền hoa tưng bừng trên giòng Grand Canal. Say những bộ y phục lộng lẫy ở quảng trường San Marco. Say những đôi mắt huyền bí nấp sau những chiếc mặt nạ đủ hình sắc lạ kỳ. Không khí của mùa lễ hội Carnevale di Venezia làm tôi say ngây như đang sống trong mơ.

Vợ chồng tôi cùng mấy người bạn đến đây để dự hội và cũng để mừng sinh nhật tôi vào đầu tháng ba sắp tới. Vì công việc của chàng, tôi “ăn sinh nhật" sớm trước hai ngày. Đêm nay là đêm cuối cùng của chúng tôi ở Venice. Ngày mai chúng tôi phải trở về Paris.

Hắn nhẹ nhàng dìu tôi vào một góc khuất rồi dừng lại. Từ tốn gỡ chiếc mặt nạ của hắn và của tôi. Hắn nói, giọng trầm đục.

- Tên tôi là Mateo. Tôi đến từ Argentina và đang làm việc ở Paris. Tôi đến đây để gặp em. Ngừng một giây, hắn thì thầm: It’s pre-ordained.

Tôi như bị bùa mê. Mặc kệ người ta đi Valse, hắn dìu tôi đi Slow. Như phim quay chậm. Những chiếc mặt nạ đã được tháo gỡ. Hai khuôn mặt rất gần nhau. Mắt nhìn sâu vào mắt. Hắn có cặp mắt sáng như hai viên ngọc trai xám đậm nằm dưới đôi mày rậm và rõ nét. Chiếc miệng rộng với đôi môi đầy đặn quyến rũ. Chân râu mới cạo xanh xanh trên mép và quanh cằm. Một khuôn mặt đầy cá tính.

Hơi thở hắn nóng ấm thoang thoảng mùi kem cạo râu. Hắn ôm sát tôi vào người. Nếu không có lẽ tôi ngã quỵ. Toàn thân tôi hừng hực như thiêu như đốt. Cổ họng tôi khô rát. Tôi hốt hoảng ngoái đầu tìm bóng chồng. Chàng đang ngồi kia, khuôn mặt tươi sáng, vô tư nói cười với bạn bè.

Chàng lúc nào cũng vậy, vô tư, tự tin ở mình và tin người, hoàn toàn lơ đãng với những sự dối trá lừa lọc chung quanh. Hơi thở chàng cũng thơm tho, buổi sáng lại thơm mùi trà đen Earl Grey và chanh tươi. Nhưng tôi đã hưởng hơi thở đó hơn mười lăm năm nay. Chàng quá quen thuộc. Chàng quá thân thiết và cũ kỹ. Hắn mới mẻ, xa lạ, lôi cuốn.

Hắn đưa hai ngón tay đỡ dưới cằm tôi, xoay mặt tôi lại đối mặt hắn.

- Đừng nhìn đi nơi khác. Hãy nhìn tôi đây. - Don’t look away. Look at me. Look at me.

Ánh đèn chuyển sang mờ ảo. Những bộ dạ phục lộng lẫy và những chiếc mặt nạ hình thù quái dị với những hố mắt đen ngòm chờn vờn chung quanh tôi như cười cợt, như răn đe. Những bức họa trên trần xoay quanh, màu sắc nhòe nhoẹt. Tôi hoảng sợ bứt người ra khỏi tay hắn chạy ra ngoài, xuống những bậc thềm, qua khoảng sân rộng, đến bên bờ nước. Ngoài kia giòng Grand Canal nước mông mênh. Sóng rào rạt muốn tràn bờ. Như sóng trong lòng tôi, rạt rào, thôi thúc.

Tôi hít thật sâu khí lạnh vào buồng phổi. Rồi thở ra thật dài. Thầm nghĩ mình đã thoát. Đúng giây phút ấy, khuôn mặt hắn không hiểu từ đâu ra, không hiểu bằng cách nào, bỗng ập vào mặt tôi đột ngột. Cái hôn vừa quyết liệt vừa nâng niu. Mùi kem cạo râu thoang thoảng. Tôi rơi tự do trong bầu trời đen huyền ảo. Địa ngục? Thiên đường? Tất cả đều không thật. Chỉ có tôi và hắn. Không cần ăn. Không cần ngủ. Không cần cả không khí. Sá chi ước lệ đời thường. Chỉ cần hơi thở nóng ấm thơm tho của hắn. Và lửa thiêu đốt  tôi.

Hắn kéo tôi chạy xuống chiếc water taxi đậu dưới bến. Hắn hét tên khách sạn:

- Danieli!

Tên lái thuyền không nói không rằng, mở máy cho thuyền chạy.

Tôi nhìn lên: bóng chàng hiện ra trước cửa đại sảnh. Ánh đèn màu loang lóang sau lưng. Chàng chạy vội xuống thềm, kêu tên tôi: Tường Vi! Tiếng kêu của chàng vang lên cùng nhịp với tiếng hét của hắn.

Danieli!

Tường Vi!

Tiếng kêu tan vào không trung.

Vào khoảng gần sáng hắn thức giấc. Vuốt nhè nhẹ lên cánh tay tôi, hắn thì thầm.

-Em ở lại đây với tôi hôm nay. Ngày mai chúng ta về Paris với nhau.

Vâng, tôi sẽ ở lại đây với hắn. Không thể khác. Mùi kem cạo râu của hắn vẫn còn vương vấn trên da thịt tôi. Đam mê nồng nàn của hắn vẫn còn nóng hổi trong tôi. Chúng tôi vẫn chưa nguôi khao khát nhau. Tôi không thể nào đối mặt với chồng tôi lúc này. Hoan lạc và đau khổ làm tôi bứt rứt. Hôm nay chàng sẽ đáp máy bay về lại Paris. Chàng sẽ không đợi tôi. Sẽ không đi tìm tôi. Chàng đã thấy tôi cùng hắn đi xuống thuyền.

"Tên tôi là Mateo. Tôi đến từ Argentina và đang làm việc ở Paris. Tôi đến đây để gặp em. It’s pre-ordained."

Pre-ordained?

Hắn là ai? Là định mệnh của tôi. Như gã đánh bạc có đôi bàn tay kỳ diệu là định mệnh của người đàn bà trong quyển tiểu thuyết của Stefan Zweig đã ám ảnh tôi một thời?

Tường Vi!

Danieli!

Tường Vi!

Danieli!

Tiếng kêu cứ  vang dội trong đầu. Tôi òa khóc. Hắn kéo tôi vào lòng, ôm thật chặt. Em nhức đầu kinh khủng. Tôi nói.

Mateo:

Tôi sinh ra và lớn lên ở Santa Rosa, thủ phủ của tỉnh La Pampa, khỏang 600km về phía tây của Buenos Aires. Santa Rosa chỉ là một thành phố bậc trung có vài viện bảo tàng, vài shopping malls mà khi bắt đầu bước vào tuổi mười sáu, tôi thấy nó buồn tẻ, chán phèo. Ngoài những giấc mơ về đàn bà, tôi mơ ước được đi phiêu du đây đó đến những chân trời xa lạ trên thế giới.

Ở tuổi mười sáu, mười bảy, tôi mơ tưởng đàn bà triền miên. Tôi thích Martina, bạn học cùng lớp và chúng tôi đi chơi với nhau nhiều lần nhưng con bé chỉ cho tôi vuốt tóc và hôn môi chứ không chịu tiến xa hơn. Con bé làm cao lắm. Vừa học giỏi vừa đẹp mà.

Tóc màu hạt dẻ. Mắt xanh lục ngọc bích. Cặp môi nũng nịu nhìn chỉ muốn cắn. Tôi thích nhất là thân hình thon nhỏ mà bộ ngực tròn đầy đặn vồng lên dưới những cái áo T-shirt hiệu Esprit mà nó hay mặc. Nhưng nó cứ ngủng ngoẳng nói không hoài làm tôi điên tiết. Tôi muốn dứt tình với nó cho rồi nhưng thôi kệ, có còn hơn không. Vậy mà cũng cù cưa kéo dài đến mấy tháng.

Rồi may phước thay, tôi gặp Sofia. Tôi gặp nàng ở một đêm chợ phiên có khiêu vũ. Nàng đẹp mê hồn trong đôi mắt trai mười bảy là tôi. Nàng đúng là một “người đàn bà lý tưởng” mặc dù tôi chưa bao giờ có trong đầu một mẫu người đàn bà lý tưởng nào cả.

Đối với tôi lúc ấy chỉ cần là đàn bà và "trông ngon mắt" là đủ. Nhưng Sofia đẹp thật. Mắt nàng to và sâu. Đôi môi dày gợi cảm. Tóc dài xõa xuống nửa lưng. Thân hình nàng khêu gợi trong chiếc áo đầm ngắn màu đen bó sát người, cổ khoét sâu. Một chiếc “little black dress" cổ điển.

Trông thấy tôi nhìn đắm đuối, nàng mỉm cười độ lượng và ra hiệu cho tôi khiêu vũ với nàng. Tôi nhảy vụng về luống cuống nhưng nàng khen tôi xinh trai và nàng thích tôi. Tôi sướng mê tơi. Thế là Sofia trở thành người đàn bà đầu tiên trong đời tôi. Tôi như đi trên mây, quên béng cô bé Martina đỏng đảnh có đôi mắt màu lục ngọc bích.

Qua những lần hẹn hò lúc chồng nàng đi công tác xa, rất thường xuyên, Sofia thủ thỉ kể chuyện. Nàng lấy chồng năm hai mươi tuổi. Chồng nàng lớn hơn nàng hai mươi ba tuổi. Nàng không yêu chồng. Sau mười lăm năm chung thủy tận tụy với chồng, nàng tự cho là mình đã trả hết được những món tiền, rất lớn, mà ông ta đã bỏ ra cho nàng và gia đình nàng. Bây giờ nàng muốn sống cho mình. Nàng đi tìm tình yêu và lạc thú trước khi tuổi già ập đến. Nếu có cả hai cùng một lúc thì càng tốt, nàng nói.


- Tôi không muốn chết mà không biết yêu đương là gì. Em có khinh tôi không, Mateo?

Ồ không! Tôi không bao giờ khinh nàng. Tại sao khinh đã chớ? Nàng là người đàn bà xinh đẹp nhất, độ lượng nhất, dịu dàng nhất trên thế gian, chỉ thua có mỗi mẹ tôi thôi. Tôi nói với nàng như thế và nàng cười, bẹo má tôi:

-Em dễ thưong quá, Mateo. Ngộ nghĩnh như một chú bê con. Mi corderito.

Tôi yêu nàng lăn lóc và đau khổ vô biên khi phải xa nàng để lên Buenos Aires học đại học. Nàng dứt tình với tôi cái rụp. Không thư từ, không điện thoại. Tôi viết cho nàng, không có hồi âm. Nhắn tin qua điện thoại cũng vậy. Tôi nghĩ có lẽ nàng đã có một con bê khác, hay ngon lành hơn, một người đàn ông đã trưởng thành và sành sõi hơn tôi.

Tôi nghĩ đến nàng với niềm trìu mến và tôi cầu chúc nàng may mắn. Mấy tháng đầu tiên tôi buồn và nhớ nàng da diết nhưng rồi việc học hành và những mối tình với mấy cô sinh viên cùng lứa làm tôi nguôi ngoai dần.

Thủ đô Buenos Aires thích hợp với tôi hơn là Santa Rosa quá êm ả. Đây là “Paris của Nam Mỹ”, đầy sinh động, tưng bừng với nhiều bản sắc văn hóa khác biệt, những kiến trúc tráng lệ, những buổi hòa nhạc... Tôi sống những năm tháng nhiều ưu tư thao thức nhưng cũng đầy nhiệt tình và sôi nổi của tuổi trẻ ở Buenos Aires.

Bây giờ tôi ba mươi bảy tuổi, có việc làm tốt ở Paris. Tôi đã đi chu du nhiều nơi trên thế giới như ngày xưa từng ao ước. Tôi có một cô bạn gái xinh đẹp, thành đạt, tự tin. Khuyết điểm của Isabelle là nàng quá cứng rắn với nguyên tắc, trong công việc cũng như trong cuộc sống. Chúng tôi bồ bịch đã bốn năm nhưng ai ở nhà nấy, mỗi tuần đến với nhau vài ngày. Tôi chưa xác định được mình có muốn ràng buộc với nàng suốt đời không.

Tôi không nghĩ là tôi có thể sống chết vì nàng. Tim tôi không cháy bỏng vì yêu, chỉ ấm áp vừa phải. Chúng tôi cảm thấy yên ổn bên nhau, quý mến và tin cậy nhau. Hình như chỉ có thế. Với tôi, như thế chưa đủ. Isabelle có đề cập việc sống chung nhưng tôi ậm ừ. Nàng hiểu và không hề mè nheo. Nàng vẫn chung thủy với tôi, kể cũng lạ.

Hôm thứ ba vừa qua, khi đến phòng ăn của sở để lấy một tách cà phê, mắt tôi bỗng ngừng lại ở bức tranh vẽ cảnh Grand Canal của Venice trên tường. Nó nằm đó không biết từ bao giờ, một bức tranh tầm thường, tôi không để ý đến. Nhưng hôm ấy nhìn nó, tôi bỗng thấy xốn xang kỳ lạ, hình như có một sự thôi thúc mơ hồ. Tôi nghĩ, ừ mình nên qua Venice vài ngày để thay đổi không khí. Vậy là tôi lấy ngày nghỉ, bay sang Venice.

Tôi đã đến đây vài lần với Isabelle nhưng lần này tôi không mời nàng. Tôi gởi text message cho nàng biết tôi đi Venice. Nàng text lại cho tôi chúc đi chơi vui. Không hề thắc mắc. Đã nói là Isabelle rất độc lập, rất tự tin, không bao giờ mè nheo.

Đó là một ngày quang đãng, nắng đẹp. Công trường San Marco nhộn nhịp những tiếng những hình những sắc của mùa lễ hội Carnavale di Venezia. Tôi không quan tâm mấy đến sự hội hè. Tôi đến đây chỉ để thay đổi không khí, vậy thôi. Một chút nắng cũng đủ làm tôi hài lòng.

Tôi ngồi ở một quán cà phê ngoài trời nhìn người qua lại. Và tôi nhìn thấy nàng. Nàng đứng với hai người đàn ông và một người đàn bà. Họ nói chuyện bằng tiếng Anh giọng Mỹ. Bầy bồ câu luẩn quẩn bên chân họ. Nàng mặc áo len đen cổ cao bó sát người, váy màu vàng sẫm ngắn trên đầu gối một chút. Vớ đen và bottines đen. Tóc nàng suông mượt thả xuống vai. Đôi mắt nâu vừa ngây thơ vừa thoáng nét u hoài. Nhưng khi nàng cười, cái cười thật tươi, nét u hoài biến mất, khuôn mặt nàng tỏa sáng một hạnh phúc trẻ thơ. Nàng không đẹp theo tiêu chuẩn cổ điển nhưng có một sức thu hút lạ lùng.

Tôi chăm chú theo dõi từng cử chỉ của nàng. Nàng vén tóc vào sau vành tai. Nàng nheo mắt đá nhẹ vào chân người bạn gái. Nàng nhắm mắt và ngửa mặt lên như muốn thu hết ánh nắng của một ngày tươi đẹp. Mà quả thật nàng đã thu hết ánh sáng của Venice về mình. Tôi không còn thấy ai ngoài nàng.

Khi bắt gặp tôi nhìn nàng đăm đăm, nàng không quay đi. Đôi mắt nàng cầm giữ cái nhìn của tôi. Chúng tôi nhìn nhau như thế, thật lâu, thật lâu. Tôi chợt hiểu tại sao tôi đến Venice. Tôi biết cuộc gặp gỡ này đã được sắp đặt trước. Do ai, tôi không biết, không muốn biết, vì tôi là kẻ vô thần. Nhưng chắc chắn là thế. Pre-ordained.

Một trong hai người đàn ông, có lẽ là bạn trai hay chồng nàng, nắm tay nàng kéo đi. Bọn họ đi về hướng Calle del Dose và bước vào khách sạn Novecento.

Tôi chạy về khách sạn của mình, tắm rửa, cạo râu, thay áo rồi trở lại khách sạn của họ. Tôi ngồi ở quán cà phê gần đó, ở một bàn ngay trên lề đường để dễ quan sát.

Tôi uống hết một ly café latte rồi một chai S. Pellegrino 500ml mà vẫn chưa thấy bóng nàng đi ra. Thế nào họ cũng phải ra chớ? Không ai tới Venice để đóng cửa đi ngủ sớm trong khách sạn.

Tôi kêu thêm một tách espresso. Vội vã đi vào phòng vệ sinh (chai S. Pellegrino 500ml chết tiệt!), vừa tiểu vừa nhấp nhổm sợ nàng ra đi trong lúc tôi đang làm cái việc bần tiện này.

Cuối cùng họ cũng bước ra. Nàng mặc áo đầm lụa đỏ mềm mại hở vai dài tới gót, choàng khăn thật mỏng trong suốt màu tím nhạt. Mặt nạ của nàng màu tím có vẽ vài cánh lá vàng và cam. Người đàn ông, có-lẽ là-bạn-trai-hay-chồng-nàng, quàng tay ôm eo nàng trong khi nàng khoác tay người bạn gái.

Họ đi đến một đại sảnh có dạ vũ hóa trang. Tôi vào một cửa tiệm gần đó mua một chiếc mặt nạ "Bauta Barocco" một nửa mạ vàng có viền đen quanh hốc mắt, nửa kia đen tuyền, hốc mắt viền kim nhũ vàng.

Tôi bước vào đại sảnh. Dàn nhạc đang chơi bản "My Sweet and Tender Beast" của Eugen Doga. Điệu nhạc êm đềm tha thiết làm tôi muốn ôm nàng trong tay. Nhưng nàng đang nhảy với người đàn ông có-lẽ-là-bạn-trai-hay-chồng nàng.

Đợi bản nhạc chấm dứt tôi đi thẳng đến bên nàng. Tôi đưa tay mời nàng, người đàn ông lịch sự rút lui. Tuy cả hai đều mang mặt nạ nhưng nàng nhận ra tôi ngay. Đôi mắt nàng mở to, ngạc nhiên, hoảng hốt, và reo vui.

Chúng tôi bước theo điệu nhac "The Second Waltz" của Dmitri Shostakovich. Ôm nàng trong tay, tôi nghe hơi ấm của nàng chuyền vào thân thể tôi như nước triều ấm phủ vào người khi tôi tắm biển đêm mùa hè ở Mar del Plata. Tôi nhận biết cảm xúc của nàng, sự run rẩy, dù rất nhẹ, của nàng. Chúng tôi đã nhận biết tín hiệu của nhau.

Tôi dìu nàng vào một góc vắng, gỡ hai chiếc mặt nạ bỏ xuống đất. Hai khuôn mặt rất gần. Mắt nhìn sâu vào mắt. Tôi nói :

- Tên tôi là Mateo. Tôi đến từ Argentina và đang làm việc ở Paris. Tôi đến đây để gặp em.

Nàng nhìn tôi hoảng hốt như một con nai bị sập bẫy. Vùng ra khỏi vòng tay tôi, nàng bỏ chạy.

Tôi tìm thấy nàng bên bờ nước. Không nói một lời, chúng tôi hôn nhau. Tôi kéo nàng xuống một chiếc water taxi. Khách sạn của tôi gần đó nhưng chúng tôi không muốn mất thời giờ, không đủ kiên nhẫn.

Sau một trận tình đắm đuối và một giấc ngủ ngắn nhưng êm đềm, chúng tôi cùng thức giấc vào lúc gần sáng. Nằm trong tay nhau, nhìn nhau, thì thầm chuyện trò, hạnh phúc.

Tên nàng là Tường Vi. Nàng gốc gác Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Chồng nàng người Mỹ đang làm việc ở Paris. Tôi bập bẹ gọi tên nàng. Nàng cười, vuốt má tôi:

- Hãy gọi em là Vi, như thế dễ hơn.

Ôi, những người đàn bà trong đời tôi, sao mà độ lượng! Tôi nói với nàng:

-Em ở lại đây với anh hôm nay. Ngày mai chúng ta về Paris. Cho anh vài ngày để thu xếp rồi mình về Argentina sống. Như thế nhé.  

Nàng nhìn tôi đăm đăm thật lâu, không nói. Rồi nàng bật khóc. Ôm nàng trong tay, tôi biết là tôi sẽ sống chết vì nàng, sẵn sàng đánh đổi tất cả, chịu đựng tất cả. Tôi biết chúng tôi sẽ không bao giờ xa nhau. Trời, tôi chưa từng yêu ai đến thế! Yêu chết bỏ!

Yêu người xong

chết được ngày mai

Quả thật như thế. Họ chết bên nhau ngày hôm sau trong chuyến bay từ Venice đến Paris, khởi hành từ phi trường Marco Polo, chỉ còn hai mươi phút là đáp xuống phi trường Orly, máy bay bỗng nổ tung trên không phận Villeneuve-le-Roi.

Pre-ordained. Tiền định.

March 2019

Minh Karlsson

Ý kiến bạn đọc
14/09/201922:06:53
Khách
Các ông đạo đức giả ơi ! Đây là một bài viết rất hay nói lên tâm trạng THẬT của người phụ nử dù là đả có chồng , xã hội phong kiến Việt Nam đòi hỏi mẹ , vợ , chị , em gái các ông gò bó trong khuôn khổ phong kiến . Hình ảnh diệu dàng , hiền thục , ngoan ngoản mà các thấy mổi ngày ở nhà , các ông cảm thấy hài lòng và sung sướng tưởng như đó là hình ảnh thật ( các ông đang sống trong mơ đó , đó chính là gia đình mà các ông muốn nên chúng tôi tạo nó ra dù là giả dối ) ,có lúc chúng tôi phải sống như vậy cho các ông vui cũng như giữ gia đình êm ấm , nhưng các ông chưa hiểu hết về đàn bà chúng tôi . Có khi vợ ông đọc bài này cũng chê bai như ông trước mặt ông cho ông vui , nhưng nếu có cơ hội đi dự một buổi tiệc nổi loạn chỉ có đàn bà , lúc đó chúng tôi sẽ cởi hềt quần áo và la hét một ngày sống thật cho nhính mình , dù lúc đó có làm tình với một người đàn ông xa lạ không phải là chồng mình. Ông tưởng là mổi lần bà nhà làm tình với ông là Real à ? có đôi lúc là Fake đó . Bà có dám nói lên tâm trạng thật của mình không? Nhìn thái độ đạo đức giả của ông , chị nhà sẽ hùa theo ông cho êm ấm gia đình .Lột bỏ mặt nạ đạo đức giả đi khi chưa hiểu hết về đàn bà .Mỗi người trong chúng ta
đàn ông hay đàn bà đều có đôi lúc đã sống thật ( 90% ) và không thật (10%) với mình trong đời sống vợ chồng .
02/09/201911:33:24
Khách
Đọc chuyện mà chỉ chú tâm đến giọng văn, không để ý tới nội dung để tìm hiểu tác giả muốn truyền đạt điều gì thì cũng như xem tranh mà chỉ lăm le ngắm khung hình đóng bởi thợ thủ công, mà không coi nét vẽ của người họa sĩ.
08/08/201907:19:10
Khách
Tác giả có cách viết rất lôi cuốn, tôi đọc một mạch từ đầu đến cuối không bỏ sót một chữ. Kiến thức tác giả khá rộng, có lẽ tác giả đọc rất nhiều. Tuyệt hơn nữa là câu chuyện viết ra gây tranh cãi, nghĩa là ai đã đọc qua rồi thì không thể không viết lời bình, với ý kiến trái chiều. Còn riêng tôi? Tôi thích giọng văn này, và tôi muốn nói, "dưới ánh mặt trời, chuyện gì cũng có thể xảy ra." Cảm ơn tác giả và cảm ơn Việt Báo đã chọn đăng để lâu lâu thay đổi không khí.
05/08/201916:27:25
Khách
Thoi buoi nay gap nhau mot gio roi sex o ngoai quocrat nguy hiem HIV, ke gian luong gat lay qua than. Da co nhung chuyen ke di theo ngu voi nguoi la, den sang ngu day thi nguoi kia di mat, vao tilet thay hang chu "welcome to HIV world! " viet tren kieng, co nguoi thuc day thay minh bi cat mat mot qua than va duoc chi dan den benh vien de bac si cho thuoc. Tro choi chet nguoi.
03/08/201902:13:36
Khách
Rất ngạc nhiên khi biết được Tuyên Phạm đã nhớ và nghiên cứu những lời phê bình của tôi vào 7/2015. Có nhiều người phê bình nặng lời hơn tôi rất nhiều, nhưng Tuyên Phạm và Con Ong chỉ nhắm đánh vào riêng tôi. Xin phân tích từng câu của y.
Tuyên viết: “Tác giả có quyền viết về đề tài bà muốn. Không có tiêu chuẩn rằng một nhà giáo, nhất là một nhà giáo nữ thì không được viết về loại đề tài này”. Đề tài này là gì?
Đề tài này nói về một tên cuồng dâm thời niên thiếu đã lộ tính cách: “Ở tuổi 16, 17 tôi mơ tưởng đàn bà triền miên” và “con bé Martina chỉ cho tôi vuốt tóc và hôn môi chứ không chịu tiến xa hơn”. Sau đó y tấn công cả gái có chồng: “Qua những lần hẹn hò lúc chồng Sofia đi công tác xa, rất thường xuyên” rồi tiếp đến các cô gái y biết trong trường: “những mối tình với mấy cô sinh viên cùng lứa làm tôi nguôi ngoai dần”. Y không chịu sống với bất cứ cô gái nào “Isabelle có đề cập việc sống chung nhưng tôi ậm ừ”.
Với cá tính bịnh hoạn thấy gái là tấn công không cần biết có chồng hay chưa, mà cho dù chồng cô ta đứng bên cạnh y cũng nhào vô hốt và kéo vào khách sạn thì tên này chỉ là một sản phẩm tưởng tượng. Không có tên vô lại nào ngu và gan tới độ dám chạy tới vơ vợ người, khi chồng cô ta đang đứng ngay bên, trừ khi nó không còn muốn sống.
Đề tài này cũng nói về cô gái VN tên Vi, có chồng Tây đứng ngay bên cạnh mà cứ tỉnh bơ ôm nhẩy và hôn một tên lạ hoắc chưa từng biết rồi bỏ chồng theo y tức khắc. Thấy trai lần đầu, chưa biết hắn là ai mà “toàn thân tôi hừng hực như thiêu như đốt”, vào khách sạn ngủ với y ngay sau đó thì không những vô đạo đức mà là loạn dâm. Cô Vi này cũng là một sản phẩm tưởng tượng vì không có cô gái nào dám ngang nhiên bỏ chồng theo trai trước mặt công chúng.
Bà giáo về hưu, ngồi tưởng tượng rồi viết lên tính cách loạn luân của cô gái Việt kiểu này thì chả khác gì chửi cha, mắng mẹ VN ta về ngôn và hạnh của người phụ nữ VN. Vậy mà tên Linh lại đồng ý 100%. Đúng thật là lố bịch, Con Ong ơi.
Tuyên viết: “Vậy nếu bà là một người làm nghề khác nghề dạy học và là phái nam thì mới được viết hay sao?”.
Có người đã so sánh đầu óc đứa bé như tờ giấy trắng, mình viết gì thì sau này nó sẽ ra vậy. Nếu con trai Tuyên Phạm khoe bà giáo dậy ra đường thấy con nhỏ nào mình thích là cứ nhào vô và con gái khoe bà giáo dậy mai mốt có chồng nhưng lúc nào hứng thì cứ việc bỏ chồng theo tên khác thì Tuyên sẽ nghĩ sao? Nên hiểu cho nghề dậy học quan trọng cho đời sau ra sao.
Tuyên viết: “Cái đáng sợ ở đây là lòng thành kiến giới tính, định kiến hủ lậu về nghề nghiệp, đã khiến một tác giả mới lần đầu tham gia viết bị sốc”. Vợ tôi làm nghề gõ đầu trẻ hơn 20 năm nay. Nếu tôi có lòng thành kiến giới tính, định kiến hủ lậu về nghề nghiệp thì tôi đã không lấy và chung sống với nhà tôi 25 năm qua. Một người trên diễn đàn đã trả lời về chuyện “bị sốc” hay không? Tôi nghĩ Tuyên Phạm đã hiểu rõ rồi.
Tuyên viết: “Thói thường, người phê phán không công kích người bạn văn nếu ta cũng là người viết như họ”. Như vậy là tôi có quyền viết tục, viết láo và các bạn văn không được quyền công kích tôi nhé. Bất cứ người cảnh sát nào cũng không được quyền bắt người cảnh sát khác đang cướp nhà băng vì y là bạn cảnh sát đó.
Tuyên viết: “Người phê phán là một tác giả thuộc đấng mày râu đã từng xỉ vả một tác giả nữ là vô đạo đức chỉ vì bà có bài viết kể chuyện hẹn gặp một người yêu cũ nói chuyện đàng hoàng, thăm hỏi” Tới rủ người bỏ chồng đi lên Tây Ninh sống với nhau mà là nói chuyện đàng hoàng thì chắc chắn đầu óc Tuyên có vấn đề rồi?
Tuyên viết: “Cũng tác giả mày râu này tỏ sự ganh ghét với một tác giả nữ vì chức danh của bà. Cũng chính tác giả mày râu này cho mình quyền bênh vực một tác giả mày râu đạt quán quân đã có lần mượn văn của một bài viết nào đó.” Tôi ganh tỵ với chức danh của bà? Viết vài chuyện mà có chức danh, sẽ nổi tiếng như Nguyễn Du ư? Đạo văn mà đạt quán quân thì lỗi của giám khảo Bảo Xuân và Khôi An đó chứ tôi làm gì có quyền chấm giải.
Tuyên viết: “Hãy ném ngược đá vào chính ta trước khi vung tay ném người.” Nếu tôi viết chuyện loạn luân, tôi sẽ tự ném đá lỗ đầu sứt trán vào chính tôi trước
02/08/201913:46:50
Khách
“Yêu như loài ma quái
Đi theo ai cuối chân trời
Đi không ngơi kêu gào
Làm sao trốn được tình yêu...”

Lôi cuốn, hấp dẫn như truyện của Sidney Sheldon.
01/08/201922:05:16
Khách
Thứ nhất: truyện này không nên đăng ở mục viết về nước Mỹ vì nội dụng của nó. Lỗi này không phải là của tác giả mà là lỗi của ban biên tập đã cố tình quên đi chủ đề của mục này. Thứ hai: bài viết hay, dụng tục một cách nhẹ nhàn, đọc là biết tác giả dù già nhưng rất muốn nổi loạn, sai về luân lý đạo đức nhưng bút pháp rất là lôi cuốn. Thứ ba: một kết cục thật là vô duyên. Đang yêu nhau đi máy bay chết cái rụp, hết chuyện.
01/08/201902:22:44
Khách
Cám ơn Tuyên Phạm. 100% in agreement.
31/07/201915:59:16
Khách
Thưa bạn Con ong. Độc giả vẫn hoàn toàn có quyền thương hay ghét tác giả qua những gì tác giả viết ra.
31/07/201915:35:33
Khách
Trong bài viết này, tác giả và nhân vật là hai người khác nhau, không phải chung một chủ thể.
Độc giả có quyền lên án, chỉ trích nhân vật của bài viết theo khía cạnh luân thường, chuẩn mực xã hội, v.v. nhưng nhớ rằng là tác giả đã thành công để xây dựng một nhân vật như vậy. Một diễn viên chuyên đóng vai phản diện khi ra đường có khi bị thiên hạ chửi là “thằng này”, “con đó” nó khốn nạn, ác độc lắm thì đó là một diễn viên thành công.

Ở thế kỷ 21 này mà còn vô lý áp đặt nhà giáo phải sống đạo đức còn những ai làm ngành nghề khác thì thì được miễn trừ hay sao? Thật là lố bịch.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến