Hôm nay,  

Tuổi Thơ Và “Hiện Tượng Thời Đại”

01/07/201900:00:00(Xem: 15965)
Tác giả: Lê Nguyễn Hằng
Bài số: 5728-20-31535-vb2070119

Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.

***

Đang loay hoay dọn dẹp sau bữa cơm tối chủ nhật của đại gia đình, bà Tâm nghe từ máy truyền hình đang nói về “hiện tượng thời đại,” bà dừng tay tò mò nhìn xem.

Những cảnh phóng sự liên tục ào ạt chạy trên màn hình. Nào là cảnh mấy người vừa đang băng qua đường vừa chúi mũi vào điện thoại cầm tay, mặc kệ xe cộ đang chạy tấp nập ngược xuôi.  

Rồi cảnh một gia đình bước vào tiệm ăn. Sau khi chọn xong món ăn, tất cả năm người đều dán mắt vào chiếc điện thoại trên tay của mình mà không thèm để ý gì đến người khác và những sinh hoạt chung quanh.

Kế đến, hình ghi lại một đám con cháu về thăm ông bà, sau lời chào hỏi vắn tắt sơ sài là cả bố mẹ lẫn con cái đều chăm chăm nhìn vào những chiếc cell phone mà không ai nói chuyện gì với ông bà.

Bà Tâm nghĩ mà thương cho những ông bà nội ngoại này. Chắc là họ thất vọng ghê lắm! Hàng tuần nhớ con nhớ cháu biết bao, mong đợi biết bao, chờ đến cuối tuần có dịp chơi đùa trò chuyện cùng tụi nhỏ. Còn lui cui nấu nướng các món ngon mà các con cháu thích để chờ. Vậy mà khi chúng về chúng chẳng thèm ngó ngàng gì đến cả.

Đang vẩn vơ suy nghĩ “thương vay khóc mướn” cho thiên hạ, bà Tâm chợt nghe tiếng lao xao từ phòng khách, bà bước ra xem thì thấy hai thằng cháu ngoại Nam và Bắc đang quay hình bằng iPad và ghi âm những lời diễn giải chúng nó “tự biên tự diễn.”

Bà xoay qua hai đứa cháu gái, Sương và Linh. Mỗi đứa ngồi một đầu ghế sofa, mấy ngón tay đang vừa bấm thoăn thoắt lên chiếc iPhone vừa tủm tỉm cười. Bà Tâm hỏi:

- Hai đứa có chuyện gì vui thế! Sao không kể cho nhau và cho bà nghe ké luôn?

Sương chỉ vào chiếc phone tay và nói:

- Thì cháu đang kể cho Linh nghe bằng text đây nè bà.

Bà Tâm lắc đầu... hết biết:

- Trời đất! Hai đứa đang ngồi trước mặt, sao không nói với nhau mà lại phải kể bằng điện thoại?

Linh đáp:

- Text dễ hơn là nói, còn có hình nên vui hơn, bà ạ.

Bây giờ bà Tâm mới vỡ lẽ ra. “Căn bệnh thời đại,” họ gọi thế thật quả không ngoa. Căn bệnh này đã ...lây lan tới tận góc nhà của bà từ khuya rồi, mà lâu nay bà nào đâu để ý. Cả bốn đứa cháu đang ngồi trong cùng một căn phòng mà dùng những dụng cụ điện tử của thời đại để liên lạc và đối thoại thay vì nói trực tiếp với nhau. Như thế này thì riết rồi con người không còn dùng ngôn ngữ để nói chuyện với nhau nữa sao hả trời! Bà đau lòng nghĩ.

*

Chuyện này làm bà Tâm thao thức mãi khi vào giường ngủ. Nhìn thấy các cháu say sưa với những món đồ chơi hiện đại, đắt tiền, nhưng mất cả ngôn ngữ, bỗng nhiên bà nghĩ đến tuổi thơ của mình. Tuổi thơ thời bà tươi đẹp biết bao. Thánh thiện biết bao.

Thuở nhỏ, bà Tâm là con của một công chức, gia đình đông anh em, tuy không đói khổ nhưng cuộc sống rất thanh bạch. Ăn tiêu dè sẻn, sách vở, vật dụng, quần áo đều lưu truyền từ anh chị xuống các em. Khi còn nhỏ, ngày ngày cùng bạn bè tung tăng vui đùa đi bộ đến trường, lớn lên đứa nọ đèo đứa kia trên xe đạp chạy thành hàng. Không được cha mẹ chở đi và cũng chẳng có xe buýt của trường đón về.

Thời cắp sách đến trường tiểu học, sau giờ học, đám bạn con trai chơi đánh đáo, đánh khăng, bắn bi, những hòn bi càng nhiều vân đẹp càng quý. Đám con gái thì chụm đầu mải mê chơi chuyền, ô quan, rải ranh, hoặc hai đứa căng giây nhảy thoăn thoắt theo đường quay nhịp nhàng đều đặn…

Lớn hơn tí nữa, con trai tham gia những trò chơi mạnh dạn như đánh cầu, quay vụ, đá banh, con gái đã biết mắc cỡ nên chỉ túm năm tụm ba chuyện trò và ăn me ăn ổi chấm muối ớt.

Những buổi chia tay nghỉ hè, đám học trò chuyền nhau những tập lưu bút có giấy pelure đủ màu, một loại giấy thật mỏng và mịn làm bằng những sợi bông tinh khiết, nắn nót viết những giòng chữ ngây thơ nói lên sự lưu luyến, tha thiết nhớ nhung bạn bè trong những ngày xa cách suốt ba tháng nghỉ hè, vì không biết sang năm có còn gặp lại, được học chung lớp, hay sẽ đổi trường hoặc theo cha mẹ dời đi tỉnh khác.

Có những câu trong lưu bút rất văn hoa chải chuốt, nhưng cũng có những câu thật ngây ngô, ngớ ngẩn của những anh chàng thiếu niên to xác, nghịch ngợm, phá phách, đọc tới ai cũng phải phá lên cười.

Lưu bút ngày xanh quả thật gói ghém nhiều màu sắc, chan chứa bao tình cảm thơ ngây vụng dại. Trải qua bao nhiêu năm, thỉnh thoảng bà Tâm và mấy người bạn khi gặp nhau lại lôi ra đọc và cùng cười rũ rượi với nhau, cười rồi thì buồn vì làm sao tìm thấy lại “cái tuổi học trò ngây thơ ấy” nữa?

Bà bâng khuâng nhớ lại những ngày nghỉ hè, đám kẹp tóc dịu dàng, đuổi bướm hái hoa để ép vào vở, đôi khi ngồi yên lặng đọc truyện hay cặm cụi làm thơ, chép thơ của những thi sĩ nổi tiếng như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên…Trong khi đám húi cua lội sông, tắm biển, chạy đua xe đạp, hoặc chia làm hai đội đá banh, bầu không khí lúc nào cũng náo nhiệt, chẳng biết có phải các cậu muốn làm le với bọn học trò con gái không, nhưng trong đám bạn gái của bà cũng có vài đứa âm thầm ái mộ các “tay thể thao nhà vườn” và để lạc nhịp tim đâu đó...

Có nhiều đứa được về thăm quê nội, ngoại ở xa. Thỉnh thoảng nhớ  nhà, nhớ trường, viết thư cho bạn thân hay người mình mến mộ, chọn lựa loại giấy, màu mực để nói lên tấm lòng, ý tưởng của mình, ngồi nghĩ ngợi tìm từng chữ, lập từng câu, xé đi viết lại nhiều lần, gửi đi rồi thì hồi hộp, chờ mong hồi âm. Không biết bạn mình nghĩ gì hay có hiểu được tâm ý mình viết trong thư.

Thời ấy, khoảng cách xa xôi mà phương tiện di chuyển khó khăn, nên lâu lắm thư mới đến tay người nhận. Ngày ngày nhìn ra cửa ngóng chờ ông đưa thư đi ngang nên sự mong đợi càng lâu càng nung nấu hơn để rồi thất vọng khi ông ấy hôm nay không ghé qua, rồi lại tiếp tục chờ đợi. Khi nhận được hồi âm thì ấp ủ lá thư, đọc đi đọc lại gần như thuộc lòng từng chữ từng câu.

Nghĩ mà buồn, bây giờ thời đại văn minh cái gì cũng dùng điện tử và kỹ thuật cao, nó đã thay đổi một trời một vực cái cách người ta liên lạc với nhau. Người gửi không còn mân mê tờ giấy viết thư gửi gấm tấm lòng vì thư qua bưu điện mất thời gian quá lâu, lỗi thời rồi. Đến email cũng chậm và bất tiện nên phần lớn người ta gửi “tin nhắn” (text) là phương cách như là trực thoại, vừa nhanh, ngắn gọn, có hiển thị hình ảnh hoặc âm thanh.

Theo trào lưu tiến bộ của kỹ thuật điện tử, cái cell phone ngày xưa chỉ dùng để gọi điện thoại, bây giờ ngoài nhiệm vụ ấy, phần lớn là lướt trên mạng, nhất là để gửi và nhận email cũng như text.

Nghe tiếng “boong boong,” mở điện thoại ra là thấy ngay lời nhắn hiện trên màn hình chứ không phải qua bao nhiêu bước mới đọc được như email. Viết trả lời xong, chỉ một cái click là lời nhắn gửi đi ngay tức khắc. Con người hiện đang trở nên vô cùng vội vàng, nóng nẩy, không còn kiên nhẫn nữa.

Ngày xưa trong gia đình có người thân đi du học là hoàn cảnh xa xôi vạn dặm, đi tàu thủy hay gửi thư phải đợi thời gian cả tháng mới tới nơi. Bây giờ, sự tiện lợi của phương tiện truyền thông xã hội đã nối kết con người trên toàn thế giới với nhau quá nhanh nên đã làm giảm mất sự trông chờ, lãng mạn của thời xưa.

Riêng đối với các em nhỏ, tuổi thần tiên thơ ngây của các em đã bị rút lại quá ngắn, các em trở thành người lớn quá sớm. Những cách hành xử, ứng xử của các em giống như người máy. Nhanh, lẹ, chính xác, nhưng quá vô tình. Những đồ dùng, đồ chơi các em có được một cách dễ dàng, nên các em không biết quý trọng nó như thời đó của bà.

Ngày xưa cha mẹ không có tiền mua đồ chơi nên các em trẻ phải vận dụng đầu óc, tìm sáng kiến, lấy những thứ có sẵn trong nhà hay đi tìm kiếm nhặt nhạnh, để tự chế ra đồ chơi. Những món đồ chơi đầy óc sáng tạo và tình cảm mà bọn trẻ bỏ bao tâm huyết vào đó. Con gái thì vo báo cũ cho tròn rồi lấy dây thun cuốn chung quanh làm trái banh và lấy những đôi đũa đã cũ hay sứt mẻ để chơi chuyền, nhặt từng viên sỏi đá về chơi ô ăn quan, rải ranh, lấy giây thừng chơi nhảy giây… Con trai hơ lửa quả bưởi cho mềm thay trái banh để đá, lấy giây nối hai vỏ lon sữa bò làm phương tiện liên lạc với nhau, dán giấy làm diều thả cho những mơ ước của tuổi thơ được bay cao, bay xa… Thần tiên là ở chỗ chúng dùng sự suy nghĩ, thông minh và sáng tạo, tự làm ra được những thứ đồ chơi để khoe và chơi chung với bạn bè.

Cho đến khi chúng bị bể, bị hư, là cả bọn xúm nhau lại, đứa nào cũng đưa ra sáng kiến, nào sửa, nào dán, nào cột, nào túm… Khi không còn cách nào cứu nổi, bất đắc dĩ lắm mới chịu vứt đi mà trong lòng tiếc ngẩn ngơ. Đâu có như bây giờ, hễ hư, hỏng là bị quẳng vào thùng rác ngay, không cần biết món hàng đó đắt giá đến bao nhiêu...

Nghĩ để mà nghĩ, nhớ để mà buồn, chứ cái thân già làm được chi đây cho lớp mầm non hậu thế.

Hiện tại bà Tâm đã về hưu, được hưởng an nhàn, không còn phải lo toan với cuộc sống bon chen cơm áo gạo tiền ngoài kia nữa.  Thỉnh thoảng, bà đi bộ trên những con đường nhỏ trong công viên, dẫm nhè nhẹ lên những cành lá khô xào xạc, thấy lòng mình hòa cùng với thiên nhiên, đất trời, quên đi những khó khăn, mất mát trong cuộc đời. Mỏi chân thì ngồi nghỉ trên ghế đá nhìn các em bé chơi đùa trền cầu tuột hoặc chạy theo những cánh diều, để hồn mình nghe và nhớ lại thuở ấu thơ thiếu thốn đã mờ nhạt theo năm tháng dài mà thấy lòng rưng rưng.

*

Thứ Hai vừa rồi, ngày gặp nhau hàng tháng của nhóm bạn già. Bà Tâm ra bàn trang điểm, thoa một tí kem, dồi một tí phấn. Dù gì cũng phải trông tươm tất một chút chứ, “đẹp lão” vẫn hơn là bèo nhèo nhăn nheo như quả táo tầu khô thì coi làm sao được. Giấy rách vẫn giữ lấy lề mà! Bà mỉm cười thầm nghĩ.

Bà vừa chuẩn bị xong là nghe tiếng chuông cửa, vội chạy ra đón các bạn. Mới ngồi xuống bà Hồng đã than thở:

- Chuyện từ hôm qua mà bây giờ vẫn còn thấy buồn và lo. Con gái tôi nó phàn nàn là thằng con trai của nó cả ngày ngồi ôm cái điện thoại, hỏi gì nó cũng ngơ ngơ ngác ngác, mặt mày “nghệt” ra đờ đẫn, trông nó cứ “mụ” đi, cái gì cũng phải lập đi lập lại nó mới hiểu.

Bà Tâm gật đầu tán đồng:

- Tôi cũng đang lo đây các bà ạ! Vấn đề này đang là một “căn bệnh thời đại” chứ chẳng phải chuyện chơi!  Dạo này khắp thế giới mà thiên hạ cho là “văn minh” này, cả người lớn và trẻ em đều mê mệt với những thiết bị điện tử và các trang mạng xã hội. Những người quyền cao chức trọng cũng không xoay lưng trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngay cả Tổng Thống Hoa Kỳ cũng thế  kìa.

(Còn tiếp một kỳ)

Lê Nguyễn Hằng

Ý kiến bạn đọc
08/07/201917:49:02
Khách
Chân thành cám ơn Tien, na Tím và Hoàng Chi Uyên đã đọc, cảm thông và cho tác giả những lời khích lệ quý báu.
Chúc các bạn mọi điều tốt lành.
02/07/201904:52:05
Khách
Đây quả là tâm sự của những bậc ông bà, cha mẹ... những người đang lo ngại cho "căn bệnh thời đại" như tác giả đã bày tỏ. Câu truyện nhắc lại những trò chơi ngây thơ thần tiên của tuổi thơ dại ngày xưa, nghe sao mà êm đềm, trong sáng quá! Hy vọng được xem tác giả trình bày nốt trong phần 2 những phương cách giải quyết cho vấn nạn này. Cám ơn tác giả đã nêu lên hộ nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh.
01/07/201922:32:44
Khách
"Căn bệnh thời đại,” họ gọi thế thật quả không ngoa. Căn bệnh này đã ...lây lan tới tận góc nhà của bà từ khuya rồi, mà lâu nay bà nào đâu để ý. " Căn bịnh này cũng đã chễm chệ trong nhà Tím nữa chị Hằng ơi!!!
Vẫn cách hành văn điềm tỉnh, vững vàng, từng dấu hỏi ngã chính xác, từng cách chấm câu, chấm phẩy , xuống hàng, cùng những chi tiết có thật từ thuở ấu thơ mà nhiều người trong chúng ta đều đã từng trãi qua, tác giả đã dẫn dắt người đọc lý thú từ mở đầu câu chuyện cho tới kết thúc. Cám ơn chị Hằng, tác giả mà Tím rất quí mến. Chờ đọc tiếp phần 2 , chắc chắn thú vị không kém.
01/07/201916:07:45
Khách
Đề tài mới đáng chú ý cho những bậc cha mẹ,vì tuổi trẻ bây giờ chú ý quá nhiều vào các thiết bị high tech quá nhiều nên xao lãng những câu lễ nghĩa thông thường mà các ông bà cha mẹ chờ mong nơi con tr. Một bài viết hay, tôi dang chời để đọctie61p phần hai, chắc chắn phải thú vị lặm Cám ơn tác giạ
Tiên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến