Hôm nay,  

Đằng Sau Mặt Trăng*: Chiến Tranh & Nhà Tù

14/06/201900:00:00(Xem: 14985)
Tác giả: Vĩnh Chánh
Bài số 5714-20-31521-vb6061419

Mùa Father's Day, mời đọc chuyện “Ba Thế Hệ Cha và Con" của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM 2013.  Bài viết mới của Vĩnh Chánh là hồi ký về một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước. Phần Một, là chuyện người cha bị cộng sản thủ tiêu, với nhiều tình tiết bị lịch sử khuất lấp trong vụ án 'Tân Việt Cách Mệnh Đảng' tại Huế đầu thế kỷ 20, khi người Pháp kết án tù ba nhà giáo Đào Duy Anh, Đặng Thái Mai, Bửu Tiếp và một số học trò Đồng Khánh, Quốc Học: Huỳnh Thị Liễu, Nguyễn thị Quang Thái, Võ (Nguyên) Giáp. Phần Hai là chuyện trên đất Mỹ: Từ  một tại nạn do sai sót y khoa, tới  “tai họa cộng sản” tại Việt Nam.

Các tựa đề được đặt thêm theo nội dung.  Bài đăng 2 kỳ.

1a_Diplome
Bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm /Diplome D’Études Supérieures. Hanoi 23 Mai, 1926, ghi tên: Bửu Tiếp.


1_Ong Buu Tiep
Ông Nguyễn Phúc Bửu Tiếp: "Ngày 24 tháng 7, 1946, sau khi người y tá vừa rút mũi kim chích thuốc khỏe ra khỏi mạch máu ở tay là Ba tôi đứng tim chết."
 

2_Ba Buu Tiep
Bà Bửu Tiếp / Huỳnh thị Liễu: "Măng tôi trở thành góa phụ ở tuổi 32, với 5 đứa con thơ, tuổi từ 10 đến 3 và một bào thai 4 tháng trong bụng. Là tôi..."


* * *

Thế giới tuổi thơ ấu của tôi ở cố đô Huế là xóm Đường Đá, bên hông Toà Khâm Mạng Phủ Cam. Đây là khu điền trang của Ông Nội tôi, trải dài từ phía dưới Đồn Girard / Lăng Mả Tây cho đến gần bờ sông Bến Ngự. Dinh cơ chính là một  tòa lầu ba tầng trắng toát bề thế, kế bên có tòa nhà thư viện hai tầng, chứa đầy sách cổ Hán Nôm, nơi làm việc của ông nội. Xa xa, khu nhà đất dành cho ba măng tôi, vườn trước vườn sau đều thông sang vườn lớn.

Từ tuổi học vỡ lòng, biết trèo cây hái trái, khi chạy chơi trong khu vườn lớn của ông bà nội, tôi đều đi ngang qua khu mộ đại gia đình, trong đó có mộ phần của Ba tôi, nằm riêng một mình giữa tầng đất thứ hai. Tôi thường ngồi trên cột đá bên mộ, cố đọc những hàng chữ khắc trên tấm bia, nhưng hình như càng đọc càng không hiểu tại sao mình không bao giờ được thấy mặt ba. Cũng không hiểu tại sao Ông Bà Nội được các chú bác kêu là "Thầy, Mạ" mà anh chị em tôi lại kêu thầy mạ mình là "Ba, Măng". Nhiều thắc mắc vẩn vơ đôi khi theo tôi vào giấc ngủ.  

Trong nhà thời ấy có bộ ván kê sát bên cửa sổ, tôi được nằm giữa Măng và Chị Băng Tâm. Vào những đêm trăng, tôi nằm nghiêng hướng ra phía vườn, theo dõi mặt trăng khi sáng trong, khi lu mờ vì mây. Bóng cây bên ngoài song cửa có lúc bỗng thình lình xoay chuyển. Nhiều hình ảnh kỳ dị nhảy múa, chập chờn. Có chuyện gì vậy, đằng sau mặt trăng nằm nghiêng kia? Giống như đằng sau những bia mộ trong vườn, đó là những bí ẩn mà tôi không thể hiểu.

Từ ngày khôn lớn, vừa nghe chuyện nhà vừa học hỏi thêm, tôi dần dần biết thêm về thân thế gia tộc mình, hoàn cảnh đất nước loạn ly, và chuyện Ba tôi bị đột tử khi tôi còn nằm trong bụng mẹ.

Chỉ mới là biết thêm. Không phải là thấu hiểu.

Nhiều bí ẩn đằng sau mặt trăng vẫn còn bị khuất lấp.

. . .
*

Theo phả tộc triều Nguyễn, tập gia phả phòng 15, Ông Sơ tôi là Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Thanh, tự Gián Trạng, hiệu Quân Đình, tước Trấn Biên Quận Công, là con thứ 51 của Đức Thánh Tổ Minh Mạng và quí nhân Lê Thị Lộc. Ông Cố Nội tôi là công tử Nguyễn Phúc Hường Điệp (tức Vĩnh), từng là Tri Phủ huyện Phú Vang năm 1877, sau đó là Đại Sứ Chánh Tế, thay Vua cúng lạy lăng tẩm các tiên vương.

Ông Nội tôi là Hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Đằng, làm quan coi Ký Lục, cơ quan phiên dịch Hán - Nôm và Pháp ngữ của triều đình. Bà Nội tôi là em ruột của bà cố Ngô Đình Khả, mẹ của anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khu đất của dòng họ Ngô Đình - nơi có phần mộ ông Ngô Đình Khả và người con lớn là ông Ngô Đình Khôi - nằm kế khu đất của Ông Nội tôi, chỉ cách một con đường nhỏ, cũng phía bên dưới Đồn Girard, và cách chùa Linh Quang khoảng 400 thước. Anh em nhà Ngô Đình kêu Bà Nội tôi bằng Dì, thường cho người đem sang quà biếu trong các dịp lễ tết.

Sang đời Ba tôi, Ông Nguyễn Phúc Bửu Tiếp, sinh năm 1904, được Ông Nội cho theo Tây học. Đầu thập niên hai mươi, khi ra Hà Nội học trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (École Supérieure de Pédagogie), ông Tiếp có người bạn thân cùng lớp là Ông Đặng Thái Mai, sinh năm 1902, lớn hơn ông hai tuổi. Cả hai cùng tham gia các hoạt động sinh viên.

Tuy là trường Tây nhưng hội sinh viên tại đây tự xưng là "Hưng Nam Phục Việt," hàm ý chống lại ách lệ thuộc người Pháp. Năm học cuối, ông Đặng Thái Mai chọn chuyên khoa văn chương. Ông Bửu Tiếp chọn ngành khoa học. Cả hai cùng tốt nghiệp năm 1926, sau đó cùng nhau về Huế làm giáo sư Quốc Học, giao tình ngày càng thân thiết hơn.  

Huế đầu thế kỷ 20, và vụ án “Tân Việt Cách Mệnh Đảng”

Đầu thế kỷ 20, dù triều đình bất lực trước giặc Pháp xâm lược, nhưng tại kinh đô Huế cũng như khắp nơi, tinh thần quốc gia dân tộc vẫn mạnh mẽ chống lại ách lệ thuộc, phong trào Đông Du phục quốc do các bậc sĩ phu phát động được hưởng ứng rộng rãi. Sau vụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt cóc từ Thượng Hải mang về nước kết án chung thân, tình hình càng sôi sục.

Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng từ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ để phản đối Pháp, cùng Đào Duy Anh về Huế mở báo Tiếng Dân, nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư, rồi thành lập Tân Việt Cách Mệnh Đảng, do Đào Duy Anh là Tổng Thư Ký Sáng Lập. Sẵn tinh thần "Hưng Nam Phục Việt" và là bạn nhà giáo đồng trang lứa, hai ông Đặng Thái Mai và Bửu Tiếp thường lui tới sinh hoạt với ông Đào Duy Anh.

Cùng năm 1927, trong số học trò Quốc Học tham gia bãi khóa có Võ Giáp, 16 tuổi, bị viên giám thị người Pháp đuổi học. Giáp được các ông thầy thu xếp đưa vào tập việc tại báo Tiếng Dân và Quan Hải Tùng Thư. Ngoài trụ sở tòa báo trên đường Đông Ba, căn nhà của ông bà Đặng Thái Mai tại Huế trở thành nơi tụ hội.

Sau khi đảng Tân Việt được thành lập, số người tụ hội lui tới ngày càng đông hơn, gồm cả các thầy giáo và học trò. Tổ chức "Học Sinh Đoàn" của Tân Việt Cách Mệnh Đảng, ngoài Võ Giáp, còn có thêm hai cô nữ sinh Đồng Khánh tham gia rải truyền đơn, là Huỳnh Thị Liễu, 14 tuổi, và Nguyễn Thị Quang Thái, 13 tuổi. Kiểu tụ họp "cách mệnh" tài tử này tất nhiên không thể qua mắt mật thám Pháp.

Tháng Bẩy 1929, Đào Duy Anh bị bắt, đảng Tân Việt tan hàng. Các thầy trò Quốc Học Đồng Khánh liên hệ lần lượt vào nhà lao Thừa Phủ. Mấy ông  thầy giáo Lê Viết Lượng, Đặng Thái Mai, Bửu Tiến lãnh án tù ba năm, nhưng đám học trò vị thành niên được thả ra sớm. Huỳnh Thị Liễu về quê Đồng Hới ở với mẹ. Nguyễn thị Quang Thái và Võ Giáp cùng nhau ra Hà Nội.

Theo sử sách cộng sản được phổ biến trong bách khoa toàn thư Wickipedia,  Võ Giáp chính là tên khai sinh của  Võ Nguyên Giáp, sinh năm 1911. Người vợ đầu tiên của Giáp là Nguyễn thị Quang Thái, sinh năm 2015. Đảng Tân Việt được thành lập tại Huế  ngày 14 tháng 7 năm 1928. Vẫn theo Wickipedia, đảng Cộng Sản Đông Dương thì mãi tới tháng 3 năm 1930 mới được thành lập ở... Hồng Kông. Thêm mười năm sau, Võ Nguyên Giáp mới gia nhập đảng này. Đây cũng là lúc Nguyễn Ái Quốc đang là hội viên của "Việt Nam Đồng Minh Hội" ở Quảng Châu, do Nguyễn Hải Thần là chủ tịch sáng lập (Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh làm phó, được Quốc Dân Đảng Trung Hoa hỗ trợ). Năm 1941, chính hội này đề cử Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động.

Chỉ cần đối chiếu niên biểu các nhân vật - sự kiện trên đây, sẽ thấy mọi  phong trào yêu nước như Duy Tân, Phục Quốc  hoặc các đảng phái, từ Quốc Dân Đảng, Đại Việt, tới Tân Việt đều hoàn toàn xuất phát từ tinh thần quốc gia dân tộc. Ngay danh xưng "Tân Việt Cách Mệnh Đảng" (kị húy tên vua Minh Mạng) cũng cho thấy chất bảo hoàng phong kiến. Sau khi rã đám, các thành viên còn lại của Đảng Tân Việt đã thành lập "Liên Đoàn Quốc Gia”. Thời ấy chưa hề có đảng Cộng sản, mọi liên hệ kể công sau này chỉ là ăn có hoặc ăn cướp. Như họ đã cướp danh nghĩa Việt Minh (tên gọn của Việt Nam Đồng Minh Hội) và cướp công cuộc kháng chiến chống Pháp của cả dân tộc.

Sau khi ra tù, năm 1934, ông Đặng Thái Mai mang gia đình ra Bắc. Riêng ông Bửu Tiếp vào Nam, có thêm cô học trò Huỳnh thị Liễu trốn mẹ đi theo. Chàng là hoàng phái con quan mà đi tù, rồi tự ý thành hôn. Nàng - sinh tại Đồng Hới năm 1914, kém chàng 10 tuổi - bỏ học rồi bỏ nhà bỏ quê theo chàng. Đó là sơ lược thân thế về Ba và Măng tôi. Chuyện phiêu lưu ái tình cách mạng của họ, nhìn lại có vẻ giống tiểu thuyết tiền chiến như chàng Dũng trong Đôi Bạn của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam hay cô Loan trong trong Đoạn Tuyệt của Khái Hưng.

Tại Saigon, Ba tôi dạy Vật Lý và Hóa Học cho các trường tư thục. Năm anh chị của tôi đều ra đời ở Saigon. Mãi tới khi người Pháp hết quyền hành tại Huế, Ba tôi mới có thể công khai trở về. Ông nội tôi, tuy từng phải nói là không nhìn nhận đứa con ngỗ ngược tù tội, nhưng trong điền trang ở Phủ Cam, vẫn có phần đất dành riêng cho Ba tôi làm nhà, và Măng tôi vẫn được Ông Bà Nội nhìn nhận là con dâu chính thức.

Sau Cách Mạng tháng Tám 1945, vua Bảo Đại từ chức, trong Chính phủ Liên Hiệp tại Hà Nội, có Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch, Nguyễn Tường Tam làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, Cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ Trưởng Nội Vụ, Giáo sư Đặng Thái Mai làm Bộ Trưởng Văn Hóa. Ông Bửu Tiếp được mời giữ chức vụ Giám Đốc Bình Dân Học Vụ ba tỉnh Bình Trị Thiên. Tuy chức Giám Đốc Học Vụ được chen thêm hai tiếng "bình dân" cho ra vẻ cách mạng, nhưng dân trong vùng Phủ Cam thời ấy vẫn gọi ba tôi là "Quan Đốc Tiếp."

Ngày 24 tháng 7, 1946, sau khi người y tá vừa rút mũi kim chích thuốc khỏe ra khỏi mạch máu ở tay là Ba tôi đứng tim chết, khi Măng tôi vừa bước chân vào nhà.

Măng tôi kể là ngay khi ôm xác Ba trong tay, bà đã cảm thấy có điều gì bất thường. Ba tôi lúc đó đang khỏe mạnh, việc chích thuốc bổ chỉ là để gìn giữ sức lực. Người chích thuốc là một y tá bà con xa, và thường chích thuốc khỏe Huile de Camphre vào thịt mông Ba tôi. Tại sao lần này ông ta lại chích vào mạch máu? Vì đó chính là mũi thuốc được thi hành theo một "lệnh xử lý" - theo từ ngữ cộng sản, có nghĩa là "giải quyết hoặc thủ tiêu." Chi tiết việc này được kể ở phần sau.

Vậy là Ba tôi bị đột tử khi mới 42 tuổi. Măng tôi trở thành góa phụ ở tuổi 32, với 5 đứa  con thơ, tuổi từ 10 đến 3 và một bào thai 4 tháng trong bụng. Là tôi, đứa con út không biết mặt cha.

Tang lễ ba tôi nghe nói được tổ chức rất lớn. Lễ di quan có đội quân danh dự của  "vệ quốc quân" dàn chào, hộ tống. Số người đưa linh cữu từ nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam về nghĩa trang đại gia đình dài cả cây số. Câu chuyện về đám tang sau này còn được thầy tôi ở trường Y Khoa Huế là Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh nhắc đến mỗi khi tôi có dịp gặp ông. Ông nói đám tang Ông Bửu Tiếp là một biến cố lớn ở Huế năm 1946.

Thời cầm quyền của Việt Minh ở Huế không đầy năm. Quân Pháp trở lại. Lệnh  toàn quốc kháng chiến được công bố ngày 19 tháng 12, 1946. Măng tôi mang lũ con về vùng quê lánh nạn.

Ngày 30 tháng 12 năm 1946, tôi được sinh ra trong lúc đang chạy loạn tại Mỹ Chánh nên tên tôi là Chánh. Măng tôi kể là ngay sau khi sinh, Măng đang còn nằm nghỉ thì thấy bóng Ba hiện về và từ từ bước đến nơi tôi đang nằm, đưa tay vuốt vuốt đầu tôi rồi xoay lưng bước ra.

. . .
**

Cơ hội Huế - Saigon:

Chiến tranh và nhà tù

Trong những năm chiến tranh Pháp-Việt, măng tôi một mình tần tảo lo liệu nuôi đàn con 6 đứa.

Dù hoàn cảnh khó khăn, Măng tôi kể là bà vẫn hằng cầu nguyện đọc kinh, nương dựa vào đức tin công giáo, và rất may mắn nhận được sự giúp đỡ tinh thần từ các cha Dòng Thiên An và Dòng Chúa Cứu Thế tại Huế.

Năm 1954, đất nước bị chia đôi. Người Pháp ra đi. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu một vận hội mới tại miền Nam. Măng tôi chính thức được nhận vào làm cô giáo trong trường nữ trung học Đồng Khánh. Bà dạy môn Nữ Công Gia Chánh, cùng với cô Hoàng Kim Cúc. Sau đó, măng tôi được phép đem cả gia đình vào cư trú trong khu gia cư giáo chức ngay trong khuôn viên trường. Tất cả các anh chỉ em tôi đều được các cha dòng Thiên An lưu tâm trợ giúp cho cơ hội học hành.

Mấy năm sau, anh đầu của tôi là Vĩnh Toàn tốt nghiệp bác sĩ và bị động viên, chị thứ hai là Băng Tâm, tốt nghiệp dược sĩ và lấy chồng là bạn cùng lớp, ở luôn trong Saigon. Anh thứ ba là Vĩnh Anh được học bổng Plan Columbo du học tại Canada. Hai người chị sinh đôi, Liên Tâm và Mai Tâm thì một chị vào Saigon làm việc, một chị lên Đà Lạt học rồi lấy chồng là một Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân.

Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ năm 1963. Miền Bắc cộng sản công khai xâm chiếm miền Nam, chiến tranh lan rộng, người Mỹ. Tết Mậu Thân, trong khi học Y Khoa Huế năm thứ nhất, tôi tiếp tục ở với Măng tôi trong trong khu lầu ba trường Đồng Khánh. Chính từ đây tôi đã chứng kiến cảnh quân cộng sản nổ súng mở màn cuộc tàn sát tại Huế. Trong số hàng ngàn nạn nhân của cộng sản, có các vị Giáo Sư người Đức của trường Y Khoa Huế.

Sau Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Măng tôi di chuyển vào Saigon và được anh đầu tôi mua cho căn nhà trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa. Qua năm 1973, tôi tốt nghiệp y khoa Huế và chọn về Quân Y Nhảy Dù.

Năm 1975, chị Băng Tâm và chị Mai Tâm, một trong hai chị sinh đôi của tôi, cùng gia đình của họ may mắn rời nước trong mấy ngày cuối cuộc chiến. Ngày 30 tháng Tư 1975, là y sĩ trưởng của một tiểu đoàn dù lãnh phần bảo vệ cầu Bình Triệu, tôi ở lại với đơn vị tới giờ chót. Sau lệnh buông súng rồi tan hàng, như trong cơn mê sảng, tôi tìm về được tới nhà vị hôn thê.

Ba ngày sau, một đám cưới đơn giản được cử hành tại nhà nguyện Dòng Chúa Cứu Thế. Sau đó, tôi đi "trình diện học tập", để lại người vợ mới cưới sau khi mất nước, ở chung với Măng tôi và bà chị sinh đôi còn lại.

Năm 1977, anh Vĩnh Anh, ông anh thứ ba, từ Canada về nước thăm gia đình, có vào thăm tôi trong trại tù cải tạo ở Trảng Táo. Trước đây, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Canh Nông, vì chống chiến tranh Việt Nam, anh phải trốn và sống bất hợp pháp tại Canada một thời gian khá dài. Sau chuyến thăm này, Măng tôi mừng hết lớn khi được thư anh báo nay đã là "công dân Canada," có nghĩa là không còn mơ về Việt Nam phục vụ đất nước.

Về anh Vĩnh Toàn, ông anh đầu của tôi, tuy hai anh em cùng ở trong nước nhưng vì hoàn cảnh, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Tôi chỉ được biết, sau khi tốt nghiệp Bác sĩ, thời VNCH, anh từng là Trưởng Ty Y Tế Quảng Nam. Mùa xuân 1975, khi miền Trung thất thủ, anh đang là Giám Đốc Bệnh Viện Hội An. Sau đó, được chế độ mới thuyển chuyển về làm việc tại bệnh viện toàn khoa tại Đà Nẵng.  Mãi sau ngày đi tù cải tạo về, hai anh em mới gặp lại lần đầu, khi anh vào Saigon thăm măng tôi. Nghe anh nói đã quyết định tiếp tục sống trong nước, không đi đâu cả, tôi hiểu là anh em chúng tôi sẽ đường ai nấy đi.

Cũng sau khi từ nhà tù về nhà, tôi mới biết là trong thời gian tôi đi tù, có người quen xưa là “dì” Bích Hà, con gái đầu của “bác” Đặng Thái Mai, đồng thời là người vợ sau của ông Võ Nguyên Giáp, đến tận nhà thăm Măng tôi hai lần, do hỏi thăm địa chỉ từ ngoài trường Đồng Khánh.

Măng tôi cũng nói thêm, thời Ba và măng tôi lui tới với gia đình ông Đặng Thái Mai tại Huế trước ngày bị Pháp bắt, Bích Hà chỉ mới một hai tuổi, chưa kịp có thân tình riêng. Việc "Bà Đại Tướng" cất công tìm địa chỉ, tới tận nhà thăm hẳn là do hai ông Đặng Thái Mai và Võ Nguyên Giáp quyết định. Ngay trong lần gặp đầu, Măng tôi kể là bà có nói việc con mình là bác sĩ mà cũng bị bắt ở tù. Miền Nam ngày càng đói khổ, mà ngoài Bắc vô đây cái gì cũng tha ra ngoài đó. Khi chia tay, tưởng sẽ đi luôn. Không ngờ Bích Hà còn trở lại thăm lần thứ hai, và khi ra về, còn vui vẻ mang theo tất cả những sách quý bằng tiếng Pháp do Măng tôi tặng lại.

Có thể nhờ hai cuộc viếng thăm đặc biệt này mà các anh công an khu vực có phần nương tay với ngôi nhà của măng tôi trong cư xá Bắc Hải, khi đi tù về, tôi cũng không bị làm khó dễ.

Măng tôi còn nhắc tới câu chuyện một cặp vợ chồng mà gia đình hai bên từng quen biết trước đây ở Huế, là anh chị Phục và Vịnh Thủy, từng hoạt động với anh Vĩnh Anh tôi trong tổ chức "Trí thức Việt Kiều Yêu Nước" tại Montreal. Sau khi nghe tuyên truyền đất nước  đã hòa bình độc lập, anh chị đã hăng hái tiên phong về nước phục vụ sớm sủa, để rồi chỉ vài năm sau, phải âm thầm mang hai con nhỏ vượt biển trở lại Canada. Câu chuyện anh chị Phục - Vịnh Thủy liều chết để tìm lại tự do khiến tôi không còn chút do dự.

Khi vợ chồng tôi quyết định tìm đường ra đi, Măng tôi đã lặng lẽ góp phần.

Lần vượt biển đầu tiên thất bại. Tháng 6 năm 1978, vợ chồng tôi cùng cả nhóm vượt biển bị bắt tại Vũng Tàu đưa về trại giam Cần Giờ. Tôi bị chuyển trại về khám Chí Hòa, nhưng vợ tôi nhờ mang bầu sắp sinh nên được thả ra sớm.

Chính măng tôi đã lo liệu chăm sóc khi con gái chúng tôi được sinh ra. Tên khai sinh của cháu là Hoài Anh, tên ở nhà là Bồ Câu do bà Nội đặt. Lần đầu  thăm nuôi, vợ tôi đứng cách tôi khoảng 20 thước và đưa Bồ Câu lên cao cho tôi nhìn thấy con. Chỉ nhìn từ xa thôi. Phải gần một năm sau,  tôi mới có thể ôm con khi được thả ra khỏi khám Chí Hòa.

Măng tôi rất thương yêu cháu Bồ Câu, vì như lời bà nói, ngay khi còn là thai nhi, cháu đã cùng mẹ đi tù vượt biên. Khi cháu vào đời,  bố còn tiếp tục nằm trong khám Chí Hòa. Bà thường cầm tay, vuốt tay cháu và khen Bồ Câu có bàn tay rất đẹp, giống như bàn tay của người “chirurgien”. Bà còn nói, chắc con bé sau này sẽ thành một y sĩ giải phẫu như "thằng bố của nó."

Kỳ tới: Tai nạn y khoa tại Mỹ  và “Tai họa cộng sản” ở VN.

Vĩnh Chánh

Ý kiến bạn đọc
19/06/201911:01:09
Khách
Tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của Nhất Linh chứ không phải Khái Hưng ạ.
19/06/201903:09:05
Khách
Theo học trường Tây mà đi chống Tây ?? Thì hỏi làm sao nước VN tới bây giờ khg vủ như cẩn . Nước nghèo thì chấp nhận để cho dân được học cái hay của nước giỏi và mạnh ?? Học xong cho giỏi rồi đi phản bội giống mấy ông trí thức thời VNCH có khác gì cuối cùng để cho cộng sản quốc tế hưởng lợi
18/06/201918:05:47
Khách
Xin góp ý một lỗi nhỏ: "Người vợ đầu tiên của Giáp là Nguyễn thị Quang Thái, sinh năm 2015." Có lẽ do sơ suốt lúc đánh máy. Bà sinh năm 1915 mới đúng theo ý bài viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,264,940
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến