Hôm nay,  

Thà Đừng Gặp Lại

22/05/201500:00:00(Xem: 12538)

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 3522-16-29922vb6052215

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc “thế hệ gạch nối” của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009.

* * *

Dễ thường đã đến gần 30 năm rồi tôi chưa gặp lại em, từ ngày tôi theo chồng về định cư ở vùng phố núi. Tôi với em là hai chị em con cô, con cậu. Tôi lớn hơn em 12 tuổi, một khoảng cách khá xa và lại là chị gái, nên chúng tôi đã không có nhiều kỷ niệm với nhau. Trong nhà tôi, người em quấn quít nhất là Tu, em trai thứ 4 của tôi, vì hai đứa có nhiều sở thích giống nhau. Sau này hai đứa lại học chung 1 trường đại học, cùng 1 ngành computer, và vẫn thường gặp nhau trong những buổi hội họp sinh viên.

Từ ngày ở Việt Nam, hai gia đình chúng tôi cũng không thường liên lạc với nhau, vì cô Ba tôi lấy chồng không môn đăng hộ đối, nên ông bà nội không vui. Biết thế, thỉnh thoảng cô mới đem các con về thăm nhà. Nhưng lâu không thấy cô về thì bà nội vẫn bảo má đi vào trại gia binh, nơi gia đình cô cư ngụ, xem “chúng nó như thế nào”.

Năm 1975 khi gia đình tôi di tản thì gia đình em bị kẹt lại mãi đến nhiều năm sau mới sang được Mỹ qua diện ODP do bố bảo lãnh. Nhưng vì nhà bố chỉ có 3 phòng, không đủ chỗ cho cả hai gia đình nên bố phải gửi bớt người sang nhà tôi. Ngày đó, tôi đã ra riêng, và cũng mua được 1 căn nhà hai phòng nho nhỏ ở ngay con đường đằng sau nhà bố. Gia đình em chia đôi, ba đứa lớn ở bên nhà bố, cô chú và hai đứa nhỏ ở với vợ chồng tôi. Chừng 1 tháng sau, cái apartment trên đường rẽ vào nhà tôi có phòng trống cho thuê, nên gia đình em chuyển sang bên đó ở.

Sau này, không biết vì một sự cãi vã, giận hờn nào đó mà hai gia đình chúng tôi không còn liên lạc với nhau. Gia đình cô dọn sang một thành phố khác. Rồi tôi cũng bận bịu với gia đình nhỏ của tôi ở một vùng đất mới, xa xôi, nên tôi đã không có dịp gặp lại em.

Nhưng thỉnh thoảng thì tôi cũng được nghe phong thanh về cuộc sống của em, từ em Tu của tôi, vì Tu và em vẫn liên lạc với nhau, vẫn gặp nhau trong những lần reunion của nhóm sinh viên trường cũ. Tôi nghe nói là em đã lập gia đình, nhưng không hạnh phúc. Vợ chồng em chia tay, đứa con gái duy nhất ở với mẹ, còn em thì share phòng ở với bạn bè. Chắc là còn hận em, nên người vợ cũ chỉ cho con gặp cha vào những ngày lễ, Tết. Buồn lòng, em chấp nhận việc làm xa nhà, lang bạt từ thành phố này đến thành phố khác, khi thì New York, lúc Chicago, rồi lại đến những quốc gia miền viễn đông như Singapore, Malaysia, China v.v…

*

Đầu năm nay, không biết vì nguyên do nào thúc đẩy, cô Ba tìm đến nơi cư ngụ của má tôi. Rồi cô gọi điện thoại cho chị em chúng tôi, bảo hôm nào rảnh rỗi xuống cô chơi, cô sẽ quy tụ các em về nhà để các anh chị em gặp gỡ. Nhưng rồi, vì người này bận ngày này, người kia bận ngày khác, nên chúng tôi chưa có cơ hội để gặp lại nhau.

Hai ngày hôm trước, trong lúc đang trên đường đi training ở El Monte thì tôi nhận được điện thoại của Tu, báo:

- Sơn vào bịnh viện đêm qua, bị ung thư gan và máu, final stage rồi, gan, thận không còn làm việc nữa, chắc là không qua khỏi. Tu đang trên đường đi đón má tới thăm Sơn đây. Nếu chị thu xếp công việc được thì xuống nhanh đi.

Tôi không thể bỏ training, nên chỉ biết thầm cầu nguyện cho tôi còn có dịp lại gặp Sơn.

Hơn 1 tiếng sau, Hạnh, em kế tôi text cho tôi:

- Sơn đang nằm trong ICU, có vẻ stable.

Chiều đi training về, hai vợ chồng tôi vào thẳng bệnh viện. Và tôi đã gặp lại em, nhưng em đã không còn trò chuyện được với ai nữa. Em nằm đó, mặt và người căng phồng lên giữa những ống thở, ống chích và giây nhợ và máy móc giăng quanh. Mắt em sưng to, còn xoay ngược, xoay xuôi nhưng đã hết thần rồi, chưa kể, một phần tròng trắng đã trở nên vàng mộng, lồi ra vì biến chứng từ lá gan bị tàn phá. Em cũng không còn nhận biết được người nào đã đứng bên cạnh em, nhìn em. Sự sống em chỉ còn tuỳ thuộc vào những cái máy đang chạy đều đặn, nhịp nhàng đó. Em tôi đó sao? Từ một chú nhỏ hiền ngoan dễ bảo, đến một thanh niên khỏe mạnh năng động, bây giờ chỉ còn như một ngọn đèn trước gió.

Mỹ, người chị kế em đang ngồi xoa dầu vào chân em bảo tôi:

- Chị nói chuyện với Sơn đi, nói cho nó biết là có bao nhiêu người thân đang support nó, cho nó có sức phấn đấu, cho nó khỏe lại. Mấy ngày hôm trước nó còn đòi ăn khế ngọt, mà giờ đây đã nằm như vậy rồi. - Mỹ quay sang Sơn, nói - Khỏe đi Sơn, về nhà chị mua khế ngọt cho em ăn.

Tôi nhìn Mỹ, cô em ho? của tôi đã vì quá thương em mà không muốn chấp nhận một sự thật phũ phàng. Sơn đã đến final stage rồi, hai cái chứng ung thư quái ác này đang từ từ cướp đi sinh mạng của em. Sơn sẽ không thể nào khỏe được nữa, Mỹ ơi! Tôi nhìn Sơn nằm thiêm thiếp trên giường, tôi muốn gọi tên em nhưng nghẹn lời, tôi lùi lại vài bước để nhìn thấy Mỹ cũng đang sụt sùi lau nước mắt.

Nhưng tôi không thể đứng lâu ở đây vì còn phải chia thì giờ cho những người khác vào thăm nên tôi cũng đến gần em, cố gắng nói với em những lời giả dối cuối cùng:

- Sơn ơi, chị Ly tới thăm em nè. Em cố gắng nghỉ cho khỏe nha, để mai mốt mình còn nhắc lại chuyện ngày xưa nữa chứ. Còn nhớ chuyện ngày nào em nắm áo mợ đòi về nhà ngoại, rồi khóc khan cả cổ, chị phải dỗ em ngủ bằng thuốc ho không? Cố gắng lên em.

Không biết là tôi có tưởng tượng hay không mà tôi cảm thấy như là đầu em nhúc nhích, như cố gắng xoay về hướng tôi, nhưng rồi, em lại nằm im. Tôi ra ngoài lobby. Đan, người anh cả của em vừa đến. Đan nói:

- Lâu lắm rồi mới gặp lại các anh chị, mà lại gặp nhau trong tình cảnh này, nản quá. Má em mệt lắm rồi, thức suốt từ lúc đem Sơn vào bịnh viện. Em mới đưa má về, ngồi ăn với má một tô cháo, đưa má vào phòng nằm rồi chạy lại đây ngay. Sơn bị lâu rồi nhưng chắc là nó không biết, tới khi khám phá ra thì đã trễ. Nghe bạn share phòng với nó nói cả mấy năm nay nó không chịu đi check up. Năm ngoái, nó ăn mấy con sò sống, đau quặn bụng, cũng phải vào emergency, bác sĩ nói bị trúng độc, cho uống thuốc gì đó, rồi hết. Mấy tháng trước nó gầy róc đi, mệt mỏi, không đi làm được nữa, phải dọn về ở với má. Đi khám bịnh, thử máu, mới biết là hai cái loại cancer quái ác cùng hoành hành, quá trễ để tìm người hiến tủy, cho gan... Đêm hôm qua nó té xỉu trong phòng, má đỡ lên thì nó nói không còn nhìn thấy gì hết cả, má hoảng hồn gọi xe cứu thương đưa vào đây. Vô tới nơi thì hình như tim ngừng đập, người ta phải giật điện cho nó tỉnh lại, chích thuốc giảm đau, tiếp máu, gắn máy thở, nên nó còn thoi thóp tới giờ.

Ngày hôm sau, đi làm về tôi lại đến thăm em. Em nằm nhắm mắt bình yên trong giấc ngủ, nét mặt nhìn rất đỗi ngoan hiền. Những cái máy trợ tim, máy thở vẫn đều đặn chạy lên xuống theo một nhịp điệu nhất định. Mỹ đang ngồi cầu kinh, nhìn thấy tôi vào hân hoan nói:

- Chị thấy không, nhịp tim nó bao giờ cũng ở trên con số 100, mà chạy rất đều, chắc chắn nó sẽ qua khỏi.

Rồi Mỹ lại cúi xuống tiếp tục cầu kinh. Tôi nhìn em, em không còn “to phồng” như ngày hôm qua nữa, mà chỉ còn là một thân hình da bọc xương nằm ép dưới mấy lớp chăn mỏng. Nhìn em đang nằm im lìm trong giấc mê tôi lại liên tưởng đến hình ảnh chú bé nhỏ nhít năm nào đã nằm ngủ yên ngoan ngoãn trên giường tôi.

…Năm đó, em còn bé lắm, chắc chỉ độ 5, 6 tuổi thôi. Nhà đông anh chị em nhưng chắc chơi hoài với nhau cũng chán, nên khi má tôi đến thăm thì em đã nhất định nắm áo theo mợ Hai về nhà chơi với các anh chị, nhất là anh Tu, người anh họ mà em thích nhất. Má tôi ngần ngại vì em còn bé quá, nhưng em đã luôn miệng hứa là con không khóc đâu nên má đã đưa em về theo. Đến tối, tới giờ ngủ rồi mà em vẫn không chịu lên giường, cứ ngồi một góc salon mà ti tỉ khóc, có lúc em khóc nấc lên thành tiếng, gọi mẹ, đòi về nhà. Em khóc đến khan cả cổ, rồi muốn nôn ọe ra. Má tôi dỗ dành mãi cũng không được, cũng không sao đưa em về lại nhà vì đã đến giờ giới nghiêm. Sợ ông bà nội la rầy vì người lớn mà lại nghe lời con nít dụ dỗ nên má tôi bàn hay lấy thuốc ho cho nó uống, cho nó dễ ngủ hơn. Thế là tôi nhận nhiệm vụ hoà thuốc ho vào nước lọc để cho Sơn uống. Uống xong muỗng nước ấm ngọt Sơn thôi khóc, nằm yên trên giường, đắp chăn, ôm gối ngủ…

Tôi đến gần em, nói thật nhỏ cho em nghe: “Em mệt lắm rồi phải không, thôi đừng phấn đấu nữa, nếu em muốn đi thì đi cho thanh thản, đừng luyến tiếc thêm chi”.

Tôi ra ngoài ngồi với cô. Cô nói:

- Đáng lý ra thì cô đã cho rút giây từ sáng hôm qua, nhưng thấy em còn gắng gượng nên không nỡ. Hơn nữa, gia đình chú nó đang trên đường từ Oregon xuống, chắc cũng sắp tới nơi. Thôi thì để cho bà con gặp nhau lần cuối. Cô biết em hết hy vọng rồi, nằm thêm phút nào thêm đau đớn cho thân nó phút đó thôi.

Ngồi nói chuyện, thăm hỏi cô một lúc rồi tôi phải về, vì ngày mai tôi còn phải đi làm sớm. Tôi vào phòng chào em thì thấy em vẫn nằm im lìm. Gia đình người chú em cũng vừa xuống tới.

*

Cô gọi cho tôi trưa hôm sau, báo:

- Em đi rồi, nhẹ nhàng và thanh thản, không cần phải rút giây. Có lẽ, em không muốn để gia đình khó xử với việc đồng ý hay không đồng ý trong quyết định đau lòng này. Mười một giờ đêm qua, máy đo nhịp tim xuống thấp, máu tiếp vào không được cơ thể chấp nhận nên trào ra, bịnh viện đã gọi cô, bảo cả nhà vào hết đi, để quyết định. Nhìn em tội nghiệp quá, cô đã quyết định rút giây. Nhưng khi mọi người nói tiếng “good bye Sơn” thì nhịp tim của nó lại trở về trên con số 100, thế là Mỹ nhất định không cho tháo máy. Theo luật của California, nếu 1 người trong gia đình không bằng lòng thì bịnh viện sẽ không làm gì được. Cô có tấm giấy ủy quyền của em ở nhà đó chứ, nhưng gấp rút quá nên không mang theo vào. Cô nhìn em, biết là không còn bao lâu, nên đồng ý để yên như vậy, cho Mỹ vui lòng.

Tám giờ sáng em đi. Cô cũng không gặp được em phút cuối, vì lúc đó chỉ có Mỹ và mấy người em bà con bên chú ở trong nhà thương. Nhưng cô không hối tiếc vì cô nghĩ cô đã gặp em phút cuối rồi, đêm em té trong nhà đó, lúc em còn tỉnh, còn gọi “má ơi con đau quá, sao mắt con không còn nhìn thấy gì nữa hết”. Rồi xe cứu thương đem em đi. Vào đến bịnh viện, khi người ta cho em thở bằng máy thì cô biết là đã không còn cứu vãn gì được nữa, nhưng mình cố gắng kéo dài thời gian là để chờ mọi người về đông đủ. Thôi cũng xong, chứ em ở lại thì còn phải chịu nhiều đau đớn nữa. Nhà quàn vừa đưa em đi. Mọi công việc đã sửa soạn xong hết rồi, cô chỉ báo cho mọi người biết thôi. Cô sẽ gặp con thứ Bảy tuần sau.

Tôi ngồi lặng im trước bàn giấy, nước mắt chảy thành giòng. Bây giờ thì em của tôi đã rất bình an, thanh thản, không còn phải chịu đựng những cơn đau cào xé tim gan nữa. Tôi cũng đã biết trước là sẽ có phút cuối cùng này, và tôi cũng tin vào việc giải thoát nhanh cho hết nghiệp, nhưng tôi vẫn không thể nào không xót xa vì tôi đã vĩnh viễn mất em. Và tôi cũng không thể nào xóa nhòa được nét mặt ngoan hiền của em ngày cuối cùng trên giường bệnh. Ngoan hiền như chú bé năm nào.

Sơn nhỉ, phải chi mình đừng gặp lại, nhất là gặp lại nhau trong giây phút đau lòng này, để chị vẫn nghĩ là em còn lang thang ở một phương trời xa lạ nào đó, đang chăm chỉ với công việc làm, và đợi chờ đến ngày lễ, Tết để có dịp trở lại nhà thăm con.

Thôi đành, Sơn nhé!

Vĩnh biệt em.

Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,530
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.